DI TÍCH CỦA LÂU ĐÀI NƠI THÁNH GIOAN TẨY GIẢ BỊ TRẢM QUYẾT
Ở phía đông của Biển Chết, cách cửa sông Jordan khoảng 26km về phía đông nam, giới khảo cổ học đã tìm thấy tàn tích của nơi từng diễn ra vụ hành hình thánh Gioan Tẩy Giả.
Nhiều cái hang được tìm thấy xung quanh Machaerus |
Sau 2.000 năm, chỉ còn lại vài cột đá hoa cương và một số bức tường đá nằm lẻ loi trên đỉnh đồi từng hiện hữu lâu đài kiêm cứ điểm quân sự dưới thời vua Hêrôđê Antipas. Tàn tích này được gọi bằng nhiều cái tên, từ lâu đài hay pháo đài Mkawir, đến Maxairous (theo tiếng Hy Lạp) và Machaerus (Latinh). Ở trên đỉnh đồi có thể nhìn thấy rõ ràng nhiều hang động nhỏ bên dưới, nơi mà theo sử gia người Do Thái Flavius Josephus, đã được các ẩn sĩ, tu sĩ thời xưa khoét vào vách đá kết cấu từ sa thạch, tạo nên các hốc nhỏ đủ làm nơi ẩn tu và cầu nguyện xung quanh địa điểm thánh Gioan Tẩy Giả bị đao phủ hành hình.
Vậy ai đã ra lệnh xử trảm thánh Gioan Tẩy Giả? Chương nổi tiếng trong Kinh Thánh ghi lại vũ điệu khét tiếng đã chấm dứt bằng cái chết của thánh nhân, đã được các thánh sử Mátthêu và Máccô kể lại. Salome, con gái bà Hêrôđia biểu diễn một điệu vũ trước cha kế là vua Hêrôđê trong lễ sinh nhật của vị hoàng đế. Hài lòng về món quà này, vua Hêrôđê tuyên bố rằng sẽ thỏa mãn một điều ước của Salome. Sau khi bàn bạc với mẹ, cô ta yêu cầu được trao thủ cấp của thánh Gioan Tẩy Giả trên một cái mâm. Trước đó, thánh nhân đã làm Hêrôđia căm phẫn khi công khai cảnh cáo cuộc hôn nhân của bà với vua Hêrôđê là không hợp lệ, bởi Hêrôđia từng kết hôn với anh của vua Hêrôđê là Philip. Vua Hêrôđê đồng ý với nguyện vọng của Salome, và thánh Gioan Tẩy Giả đã bị hành hình. Theo sử gia Josephus, tù nhân nổi tiếng đã bị trảm thủ tại lâu đài Machaerus bên bờ đông của Biển Đen, thuộc địa phận của Jordan ngày nay. Vua Hêrôđê đã cho xây dựng lâu đài trên vào khoảng năm 30 trước công nguyên, bên trên tàn tích của một pháo đài khác.Ngày nay, các hang động được những người chăn cừu sử dụng làm nơi trú ẩn, tránh nóng vào ban ngày, che sương khi màn đêm buông xuống lúc di chuyển tại sa mạc ở phía nam Jordan, theo trang biblicalarchaeology.org. Trên thực tế, sự tĩnh lặng tưởng chừng như tuyệt đối này chỉ thỉnh thoảng bị khuấy động bởi tiếng chuông của những chú dê được nuôi thả tại đây. Cũng có người nói rằng bản thân thánh nhân có thể cũng từng bị nhốt vào một trong những cái hang đó. Theo Phúc Âm thánh Máccô (6,24) và Mátthêu (14,8), vụ trảm quyết thánh Gioan Tẩy Giả diễn ra vào năm 32, sau khi vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước trải qua ít nhất 2 năm cuối đời bị cầm tù tại lâu đài được bảo vệ kiên cố này.
Tàn tích của nơi từng chứng kiến vũ điệu chết chóc |
Như đã đề cập, vua Hêrôđê Antipas, người trị vì Galilee và Perea từ năm thứ 4 trước công nguyên đến năm 39, đã ra lệnh chặt đầu thánh Gioan Tẩy Giả. Các chi tiết được mô tả trong Kinh Thánh đã giúp giới nghiên cứu xác định được tàn tích của lâu đài Machaerus. Cái sân nhỏ từng chứng kiến vũ điệu chết chóc của Salome trước cha kế Hêrôđê Antipas đã được tái dựng một phần nhờ vào ông Győző Vörös, giám đốc dự án khai quật và khảo sát Machaerus, cùng với các cộng sự của ông đến từ Học viện Mỹ thuật Hungary. Khoảnh sân từng chứng kiến câu chuyện bi tráng một lần nữa lộ diện dưới ánh mặt trời. Vua Hêrôđê Antipas, Hêrôđia, Salome, và có lẽ cả thánh Gioan Tẩy Giả, đều từng rảo bước trên phần sân đó. Một cây cột Doric ở trên sân và một cây cột Ionic ở nhà tắm của lâu đài cũng đã được khôi phục trong quá trình làm việc của các chuyên gia, giống như chúng từng đứng sừng sững qua nhiều năm vào thời vua Hêrôđê. Doric và Ionic là hai trong ba cột cơ bản được sử dụng nhiều nhất trong hệ thức cột cổ điển của kiến trúc Hy Lạp cổ đại.
Những gọn đồi đá bao quanh Machaerus và con đường dẫn đến pháo đài |
LING LANG
Nguồn: cgvdt.vn
Nguồn: cgvdt.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét