[Cẩm nang hỏi đáp Triết học] Socrates (tiếp theo)
(Ảnh từ Internet)
Câu 52 : Vậy đâu là những bước ngoặt khiến chúng ta thường nhắc tới Socrates?
Mặc dù Plato ngụ ý mô tả đặc nét của Socrates trong hầu hết các đối thoại của ông, nhưng các cuộc đối thoại đầu tiên được xem như là để trình bày một hình ảnh chân thực về Socrates lịch sử. Socrates đã chẳng để lại một tác phẩm nào. Một mặt, Socrates học triết học về tự nhiên với Archelaus, học trò của Anaxagoras (500–428 TCN). Tuy nhiên, khi bắt đầu thực hành triết, ông chủ yếu quan tâm đến phạm vi đạo đức. Khác với nhiều người Athen đương thời, ông tuyên bố rằng không nên hiểu bằng cách nào mà đạo đức được rút ra từ tôn giáo.
Trong Euthyphro của Plato, Socrates gặp một tư tế trên đường đến tòa án và Socrates đã hỏi ông này có đạo nghĩa là gì. Euthyphro trả lời rằng có đạo là điều vừa lòng các thần. Socrates hỏi, liệu rằng có đạo là tốt lành bởi vì vừa lòng các thần, hay là vì vừa lòng các thần nên chúng tốt lành? Nếu điều gì đó được coi là tốt lành bởi vì vừa lòng các thần, thì chúng ta cần biết điều mà các thần đang muốn, bởi lẽ các thần thường không đồng ý với nhau. Nhưng, giả như các thần yêu thích thứ gì bởi vì tự chúng là tốt lành, thì hẳn phải có điều gì đó là tiêu chuẩn của cái tốt lành và hoàn toàn tách biệt với các vị thần. Điều này có nghĩa là các thần không phải là nguồn gốc của các giá trị đạo đức. Dĩ nhiên, Euthyphro không thể ứng đối lại điều này và liền bỏ đi.
Trong Apology, Socrates chế nhạo và chọc tức chàng trai trẻ Meletus. Anh ta là nguyên đơn tố cáo cha của anh ta nơi tòa án, qua phương pháp biện chứng, Socrates cho thấy chính xác điều anh ta đang dự định làm là gì. Ông liên hệ phương pháp mà ông trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực văn chương và quản trị để truy tầm tri thức, nhưng ông nhận ra rằng ngoài của cải dư đầy và địa vị cao sang, họ chẳng hề có hiểu biết rộng như ông. Socrates tuyên thệ rằng ông luôn luôn trung thành với Athen, trước hết là trong cương vị một người lính, và sau là với vị thế của một công dân luôn quan tâm tới đạo đức của thế hệ trẻ. Ông thừa nhận niềm tin của ông vào các vị thần đã được biết đến và phủ nhận điều người ta gán ghép rằng ông đang cố giảng dạy về các vị thần xa lạ.
Đa số phiếu trong Bồi thẩm đoàn đã kết luận ông là người có tội. Socrates có quyền chọn một bản án khác để có thể tránh được án tử: tự nguyện chịu phát lưu. Tự nguyện đi đày có thể là một lựa chọn thích hợp, nhưng Socrates nói rằng nếu một người tay đua ngựa giành chiến thắng trong cuộc đua, hắn ta sẽ có được địa vị xứng đáng như một anh hùng nổi danh và cả đời được ăn uống thoải mái ở Prytaneum. Tuy nhiên, tay đua ngựa đó chỉ giúp người ta mua vui, trong khi ông, Socrates, trực tiếp hướng tha nhân tới cuộc sống tốt đẹp. Ông cũng đề xuất sẽ nộp phạt 1 lượng vàng, và rồi sau đó là 30 lượng. Nhưng số tiền đó vẫn là quá ít ỏi khi muốn chuộc khỏi án tử. Bồi thẩm đoàn không hề rung động trước những lời nói và đề xuất của Socrates và án tử vẫn được thi hành.
Trong phần giới thiệu của tác phẩm Republic của Plato, Socrates nêu ra mục tiêu của tác phẩm không tưởng này, qua việc nói chuyện với một nhóm bạn về bản chất của công bình. Khi ấy, Thrasymachus nói rằng công bình là bất cứ cái gì có tác dụng phục vụ những người có quyền lực. Socrates đáp lại khi mô tả tâm lý của một người công chính, nhưng điều này cũng chẳng trả lời được vấn đề đang đề cập: công bình tự bản chất là gì. Socrates liền đề xuất rằng việc mỗi cá nhân định nghĩa công bình là điều rất khó khăn. Tuy nhiên, giả như nhà nước là những cá nhân “rất hiển nhiên,” thì có thể hiểu được dễ dàng hơn điều gì chi phối khiến nhà nước trở nên công bình và trả lời được vấn nạn bằng cách đó. Cuốn Republicchính là bức tranh lý tưởng mà Plato muốn mô tả về một nhà nước công bình.
Câu 53 : Vậy phương pháp của Socrates là gì?
Phương pháp theo Socrates có hai phần chính. Trước hết, nêu lên một câu hỏi về một chủ đề khó. Sau đó, câu trả lời được tiếp nối bằng câu hỏi khác, và như thế nó hình thành một cuộc đối thoại [vòng tròn đối thoại]. Socrates thường đưa ra những câu hỏi khó cho những người được coi là khôn ngoan và thông tuệ. Một khi câu trả lời chưa đáp ứng được những đòi hỏi của vấn đề, ông sẽ tiếp tục nêu lên các câu hỏi khác. Tựu trung, điều ấy không có nghĩa là người hỏi đang có ý khiêu khích hay hạ bệ người được hỏi, nhưng phương pháp ấy chính là một cách thức giảng dạy vốn hàm chứa trong cuộc đối thoại liên tục về một chủ đề nào đó giữa thầy giáo và học trò.
Câu 54 : Tác phẩm hài kịch The Clouds của Aristophanes là gì và nó có liên hệ gì tới Socrates?
Tác phẩm hài kịch The Clouds (423 TCN) được coi như lời châm biếm sâu sắc đối với Socrates và những nhà trí thức hồi đó. Trong tác phẩm này, Strepsiades là một người Athen, bị rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất do đứa con hoang đàng và phá phách là Pheidippides gây ra. Socrates xuất hiện, lơ lửng trên không trung và yêu cầu Strepsiades cởi bỏ quần áo trước khi bước vào trường học của ông.
Socrates tiếp tục đề cập tới những phát kiến của mình: khoảng cách mà một con bọ chét có thể nhảy và khả năng xác định liệu có phải con muỗi này đang đánh rắm hay huýt sáo hay không. Ông khẳng định rằng cơn lốc là nguyên nhân gây ra mưa chứ không phải là thần Zeus. Kịch bản tiếp tục với những điều ngớ ngẩn, như Socrates ăn trộm đồ ở một hội quán đấu vật gần đó để nuôi học viên của mình, và sỉ nhục những người đang tham gia cuộc tranh luận về logic mới và cũ. Ở đoạn cuối, con của Stepsiades, là người đã gia nhập và được đào tạo tại với Socrates, nói với bố rằng anh ta có quyền đánh bố mẹ mình mà chẳng hề phá vỡ luân thường đạo lý. Stepsiades đã đốt trường và hạ gục Socrates cùng với các học viên ở đây.
Nhiều người cho rằng The Clouds ủng hộ những lời vu khống chống lại Socrates. Chính những điều ấy đã khiến ông phải ra tòa và lãnh án tử. Tuy nhiên, Socrates đã xuất hiện trên sân khấu ngay sau màn trình diễn, và vẫy chào khán giả. Trong Symposium của Plato, Socrates và Aristophanes được miêu tả như những người bạn hữu đang uống rượu và đối thoại cùng nhau.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book, (Visible Ink Press, 2010), 25-27.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét