Trang

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

Những Chỉ Thị Của Đức Chúa Về Lễ Vượt Qua (Phân tích Xh 12,1-8.11-14 – Đối chiếu với Ga 13,1-15)

Những Chỉ Thị Của Đức Chúa Về Lễ Vượt Qua (Phân tích Xh 12,1-8.11-14 – Đối chiếu với Ga 13,1-15)


Môn học: Ngũ Thư
Giáo sư: Phạm Tuấn Nghĩa, S.J.
Học viên: Trần Thanh Minh, S.J.
Qua việc làm rõ bối cảnh và ý nghĩa của bản văn Xh 12,1-8.11-14, người viết cho thấy Lễ Vượt Qua có ý nghĩa tiên báo cho cuộc vượt qua của Đức Kitô. Nếu trong Cựu Ước Đức Chúa vượt qua để giải thoát dân Israel khỏi tình trạng nô lệ và đưa dân vào Đất Hứa, thì trong Tân Ước, Đức Kitô đã hiến dâng chính mình như Con Chiên toàn vẹn trong hy lễ vượt qua để cứu muôn người khỏi ách nô lệ tội lỗi và được hưởng sự sống đích thật.
I. Bản văn Xuất hành 12,1-8;11-14, phân đoạn và bối cảnh bản văn
      1. Bản văn
1 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron trên đất Ai-cập:2 “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm.3 Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en: Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con.4 Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tùy theo số người. Các ngươi sẽ tùy theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên.5 Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được.6Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều,7 lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên.8 Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng. […] 11 Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng ĐỨC CHÚA.12 Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập: vì Ta là ĐỨC CHÚA.13 Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập.14 Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng ĐỨC CHÚA. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời.”
     2. Phân đoạn
Có thể đặt tiêu đề chính của toàn bộ đoạn Xh 12,1-8;11-14 là “Những chỉ thị của Đức Chúa về lễ Vượt Qua” với 3 phân đoạn:
Phân đoạn thứ nhất: Chỉ thị về thời điểm tổ chức lễ Vượt Qua và điều kiện của chiên lễ Vượt Qua (câu 1-6)
Phân đoạn thứ hai: Chỉ thị liên quan đến thịt, máu chiên lễ Vượt Qua và cách thức ăn lễ Vượt Qua (câu 7-8; 11)
Phân đoạn thứ ba: Tuyên bố về cuộc “vượt qua” của Đức Chúa và lệnh truyền giữ ngày lễ Vượt Qua (câu 12-14)
     3. Bối cảnh của bản văn Xuất hành 12,1-8;11-14
Đức Chúa, qua ông Môsê, đã giáng chín tai ương xuống trên toàn đất Ai Cập; tuy nhiên, Pharaoh vẫn cứng lòng không chịu để dân đi vào sa mạc thờ phượng Đức Chúa (x. Xh 7-10). Tai ương thứ mười Đức Chúa tuyên bố sẽ giáng xuống trên đất Ai Cập là mọi con đầu lòng trong toàn xứ Ai Cập, từ con đầu lòng của Pharaoh cho đến thường dân và cả con đầu lòng của loài vật đều phải chết (x. Xh 10). Trước khi thực hiện tai ương thứ mười này, Đức Chúa truyền cho ông Môsê và ông Aharon những chỉ thị liên quan đến việc tổ chức lễ Vượt Qua. Sau khi hứng chịu tai ương thứ mười này, Pharaoh đã để dân Israel ra đi (x. Xh 12). Chương 13 tiếp tục đề cập đến những chi tiết liên quan đến lễ Vượt Qua và những điều liên quan đến con đầu lòng của Israel sau khi Đức Chúa sẽ cho dân vào đất Canaan (x. Xh 13).
II. Phân tích bản văn, so sánh bản văn và tìm hiểu ý nghĩa
     1. Phân tích bản văn
Xuất Hành chương 12 có thể được coi là một chương trung tâm của toàn bộ sách Xuất Hành vì chương này ghi lại những chỉ thị về lễ Vượt Qua và mô tả sự kiện Đức Chúa giải thoát dân Israel ra khỏi ách nô lệ của người Ai Cập. Từ ngữ “xuất hành” vì vậy có nghĩa là “ra khỏi”, và từ “vượt qua” cũng mang nghĩa “ra khỏi” một nơi chốn, ra khỏi một tình trạng nào đó. Trong sách Xuất Hành, dân Israel được Đức Chúa cứu thoát khỏi cảnh nô lệ và được Người dẫn đưa vào đất hứa. Khi phân tích bản văn, người viết sẽ đi theo các phân đoạn như đã được chia ở trên.
          a.Thời điểm tổ chức lễ Vượt Qua và điều kiện của chiên lễ Vượt Qua (12, 1-6)
Lễ Vượt Qua đánh dấu một sự khởi đầu mới, một thời điểm mới đối với dân Israel. Đây là sự khởi đầu của tình trạng một người vừa được giải thoát khỏi ách nô lệ và áp bức để đi vào cuộc sống tự do. Ở đây là sự khởi đầu cho tình trạng tự do của cả một dân – dân Israel – có mối liên hệ với Đức Chúa ngay từ thời Sáng thế, và gần hơn là thời các tổ phụ, và gần hơn nữa là thời của ông Môsê. Theo như lời Đức Chúa truyền, tháng con cái Israel tổ chức lễ Vượt Qua sau biến cố Xuất hành phải kể là “tháng đứng đầu các tháng” và là “tháng thứ nhất trong năm” (x. Xh 12, 2). Yếu tố ưu tiên về mặt thời gian của lễ Vượt Qua là một chi tiết mang ý nghĩa biểu tượng hơn là một quy định để xác định lịch hay niên lịch của người Israel. Quả vậy, như trong chỉ thị của Đức Chúa truyền, lễ Vượt Qua, và nói chung là tất cả các lễ hội tôn giáo của Israel sau này, là những lễ của Đức Chúa, là thời gian để “kính Đức Chúa” hoặc đại lễ để “mừng Đức Chúa” (x. Xh 12, 14; Lv 23, 37).[1]
Về mặt ngữ nghĩa, từ ngữ “vượt qua” trong tiếng Do Thái là “pacach”, nghĩa là “vượt qua”, là “nhảy qua”. Từ “pacach” cũng có nghĩa là “miễn cho” (x. Xh 12,13;23). “Pacach” cũng giúp liên tưởng đến từ “pacah” trong tiếng Do Thái, nghĩa là “nhảy múa”, và “pacah” là từ dùng để chỉ chuyển động “nhảy cẫng lên” của một con cừu non” (tiếng Hy Lạp là pascha; tiếng Anh là paschal).[2] Bữa ăn lễ Vượt Qua đầu tiên của con cái Israel được tổ chức ngay khi họ còn trong đất Ai Cập, nghĩa là vẫn còn trong tình trạng nô lệ cho Pharaoh, là một dấu chỉ cho thấy dân Israel sắp được Đức Chúa giải phóng. Đó là tình trạng nô lệ của con cái Israel về mặt thời gian cho Pharaoh, nhưng trong chương trình của Đức Chúa, lễ Vượt Qua đầu tiên là thời điểm mở ra một cuộc sống tự do của dân riêng Đức Chúa chọn. Vì thế, lễ Vượt Qua trong nhãn giới của Israel phải là một lễ vừa hướng về quá khứ để ghi nhớ ngày Đức Chúa đưa con cái Israel ra khỏi Ai Cập, song ngay từ lúc đầu, lễ này đã quy hướng về tương lai, một tương lai tự do và được giải thoát vĩnh viễn. Có như thế, từ ngữ “vượt qua” mới mang ý nghĩa là bước vào một giai đoạn mới, là làm cho thời điểm “vượt qua” là thời điểm ưu tiên và đầu tiên của một năm. Và như vậy, lễ Vượt Qua đúng là lúc để “nhảy múa”, để vui mừng “nhảy cẫng lên”.
Chiên dùng cho lễ Vượt Qua phải là một con chiên toàn vẹn, nghĩa là con chiên không bị khuyết tật, dù là khuyết tật bẩm sinh hay khuyết tật do con người gây ra. Điều này có ý muốn nói những gì dành cho việc của Đức Chúa phải là những gì còn nguyên vẹn và tốt đẹp nhất. Chiên lễ Vượt Qua, hơn nữa, phải là một con chiên đực, và không quá một tuổi (x. Xh 12, 5). Con chiên này được bắt từ ngày thứ 10 của tháng và được sát tế vào ngày 14 của tháng tổ chức lễ Vượt Qua (x. Xh 12, 3;5). Sở dĩ có khoảng thời gian 4 ngày kể từ lúc bắt cho đến lúc sát tế và ăn thịt chiên có lẽ là để cho chiên được sạch sẽ về mặt bài tiết. Chi tiết này thoạt nhìn có vẻ như không am hợp với chi tiết Đức Chúa buộc con cái Israel phải ăn thịt chiên một cách vội vã (x. Xh 12, 11). Nếu không có chiên thì cũng có thể bắt dê thay thế cho chiên (x. Xh 12, 5).
          b. Chỉ thị liên quan đến thịt, máu chiên lễ Vượt Qua và cách thức ăn lễ Vượt Qua (câu 7-8; 11)
Thịt của chiên lễ Vượt Qua sau khi được sát tế vào lúc xế chiều sẽ được ăn ngay sau đó, nghĩa là ăn ngay trong đêm của ngày lễ Vượt Qua. Thịt chiên phải được nướng lên chứ không được ăn sống hay luộc chín, và phải ăn thịt chiên nướng này với bánh không men và rau đắng (x. Xh 12, 8-9). Việc ăn thịt chiên với bánh không men và rau đắng mang ý nghĩa biểu tượng. Với rau đắng, Đức Chúa nhắc nhớ con cái Israel về những nỗi đắng cay họ đã từng nếm trải trong suốt khoảng thời gian dài sống dưới ách nô lệ của người Ai Cập (x. Xh 12, 40); với thịt chiên, Đức Chúa nay khoản đãi Israel một bữa ăn ngon, báo trước một sự giải thoát và một đời sống mới. Thịt và rau ăn chung với bánh (không men) dường như tiên báo cho con cái Israel một nơi chốn sống mới, nơi con cái Israel sẽ có đất đai canh tác và trồng trọt, nơi có lúa mạch cho ra bột để làm bánh.
Máu của chiên được sát tế sẽ được dùng để bôi lên hai trụ cửa và lên bậu cửa những nhà trong đó có ăn thịt chiên (x. Xh 12, 7). Việc lấy máu chiên bôi lên trụ cửa là một tục lệ đã có ở Babylon và Ả Rập nhằm đẩy lui mãnh lực của sự xấu xa. Theo quan niệm của người Babylon cổ, máu có tác dụng ngăn không cho tà ma đột nhập vào nhà mà làm hại những người trong nhà, bởi lẽ tà ma vốn kỵ màu đỏ và kỵ máu.[3]
Bữa ăn Vượt Qua trong đêm được ăn trong bầu khí hết sức vội vã, diễn tả qua việc phải ăn lễ trong khi “lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy” (x. Xh 12, 11). Đó là cách thức ăn của một người sẵn sàng lên đường bất cứ khi nào. Con cái Israel được lệnh ăn lễ Vượt Qua ngay trong đêm Đức Chúa rảo qua khắp cửa nhà mọi người ở Ai Cập để thực hiện tai ương cuối cùng Người đã tuyên bố. Trình thuật của đêm Vượt Qua ấy cho chúng ta thấy một bầu khí rất khẩn trương và vội vã: “nửa đêm, Đức Chúa sát hại mọi con đầu lòng của người Ai Cập”; “đêm ấy, Pharaoh thức dậy, vua cùng với tất cả bề tôi và mọi người Ai Cập”; “đang đêm, nhà vua triệu tập ông Môsê và ông Aharon đến”, và trong đêm ấy “người Ai Cập hối thúc dân Israel và vội vàng thả cho họ ra khỏi nước”. Về phía con cái Israel, họ ra đi, mang theo bột chưa kịp dậy men và phải dùng áo choàng bó chặt thùng nhào bột, rồi vác trên vai. Đây là những hình ảnh diễn tả sự ra đi rất khẩn trương và vội vã.
          c. Tuyên bố về cuộc “vượt qua” của Đức Chúa và lệnh truyền giữ ngày lễ Vượt Qua (câu 12-14)
Xuất hành chương 12 cũng cho chúng ta thấy hình ảnh một Đức Chúa đứng ở thế thách thức các chư thần của người Ai Cập qua việc đánh phạt Pharaoh, người được chư thần bảo vệ (x. Xh 12, 12) . Quả vậy, trong đêm lễ Vượt Qua, chính Đức Chúa, chứ không phải các thiên sứ của Người, là người sẽ thực hiện một loạt các hành động được Xuất hành mô tả như “sẽ rảo khắp đất Ai Cập”, “sẽ sát hại các con đầu lòng”, “sẽ trị tội chư thần Ai Cập”, “sẽ vượt qua”, và “sẽ giáng họa” (x. Xh 12,12-13). Câu khẳng định “vì Ta là Đức Chúa” đứng ở giữa một loạt những câu mô tả về các hành động vừa nêu nhấn mạnh vai trò chủ thể và vai trò chủ động của Đức Chúa trong những biến cố sẽ diễn ra trong đêm lễ Vượt Qua.
Ý nghĩa của ngày lễ Vượt Qua được sách Xuất hành ghi lại, ở chỗ Môsê giảng giải ý nghĩa lễ Vượt Qua cho các kỳ mục Israel, rằng: “Khi con cháu anh em hỏi anh em: ‘Nghi lễ này có ý nghĩa gì đối với quý vị?’, anh em sẽ trả lời: Đó là lễ tế Vượt Qua mừng Đức Chúa, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Israel tại Ai Cập, khi Người đánh phạt Ai Cập và cho các nhà chúng ta thoát nạn.” (x. Xh 12, 26-27) Như vậy, lễ Vượt Qua là một lễ mừng để nhắc nhớ lại biến cố được giải thoát của Israel.
Đức Chúa truyền cho cả ông Môsê và ông Aharon chị thị về lễ Vượt Qua vì vai trò quan trọng của hai ông đối với dân: Môsê là trung gian giữa Đức Chúa và dân Israel, và Aharon là tư tế của Đức Chúa (x. Xh 12, 1; 35, 19). Lệnh truyền của Đức Chúa về việc giữ ngày lễ Vượt Qua được sách Xuất hành mô tả là “luật quy định cho đến muôn đời” và do đó, “qua mọi thế hệ, các ngươi [dân Israel] phải mừng ngày lễ này” (x. Xh 12,14). Như vậy, trong toàn bộ Cựu ước, lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men được Đức Chúa chỉ thị là hai dịp lễ con cái Israel phải giữ “đến muôn đời” (x. Xh 12, 17).
Rút từ trình thuật của Xuất hành, chúng ta có thể thấy rằng ngay từ đầu, lễ Vượt Qua của dân Israel là một lễ mang tính cộng đồng, biểu thị qua chỉ dẫn về việc ăn chiên lễ Vượt Qua “nếu nhà ít người, không ăn hết một con chiên, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất” (x. Xh 12, 4). Đi về nguồn gốc, lễ Vượt Qua là một bữa ăn, nơi đó quy tụ mọi người trong gia đình và là một dịp để kính nhớ Đức Chúa là Đấng giải thoát của Israel.[4]
III. Liên hệ bản văn Xuất hành 12, 1-8; 11-14 với Tin Mừng Gioan 13, 1-15
Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nổi lên là Chiên Vượt Qua của Đức Chúa. Người trở nên của lễ đền tội – như là chiên lễ Vượt Qua – thay cho dân, và trong biến cố tử nạn và phục sinh, Đức Giêsu đã hoàn tất ý nghĩa của lễ Vượt Qua của Cựu ước: Người đưa nhân loại từ cõi chết bước vào đời sống vĩnh cửu. (x. Ga 15, 51). Ngay đầu Tin Mừng Gioan, Gioan Tẩy Giả đã  hai lần lên tiếng giới thiệu về Đức Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” (x. Ga 1, 29; 36). Thánh Phaolô cũng đã liên tưởng Đức Giêsu hiến tế với hình ảnh của chiên lễ Vượt Qua (x. 1Cr 5, 6).[5]
Trong Xuất hành, nơi bữa ăn Vượt Qua, hình ảnh nhiều người cùng nhau ăn chung một con chiên là một hình ảnh tiên báo về bữa ăn trong đó Chiên Thiên Chúa sẽ là của ăn của mọi người, và Chiên ấy cũng là Đấng quy tụ mọi người (x. Xh 12, 4; Ga 15, 52). Vào bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, Đức Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh thể để hiến dâng chính mình cho Chúa Cha và trở nên của ăn nuôi sống các môn đệ, và cứu chuộc họ cùng “muôn người” nhờ máu mình đổ ra (x. Mc 14, 25). Trong Xuất hành, nhờ máu chiên bôi lên cửa mà Đức Chúa đã không giáng tai ương xuống trên những con cái Israel (x. Xh 12, 13). Đến thời Tân ước, thánh Phêrô đã kinh nghiệm Đức Kitô như Con Chiên của Giao ước mới, và ngài lên tiếng kêu gọi mọi người tín hữu ý thức mình được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vô tì tích, là Đức Giêsu Kitô (x. 1Pr 1, 19). Nhờ máu Đấng là Chiên Thiên Chúa ấy đổ ra mà mọi người được trở nên công chính và được cứu độ, được giải thoát khỏi “cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”  (x. Rm 3, 25; 5, 9; 1Pr 1, 17-21).          
Trong Tin Mừng Nhất Lãm, ngày sát tế chiên lễ Vượt Qua của người Do Thái cũng là ngày Đức Giêsu bắt đầu đi vào cuộc thương khó (x. Mc 14, 12-16). Hành động rửa chân của Đức Giêsu cho các môn đệ trong bữa ăn cuối cùng là khởi đầu cho con đường bước lên thập giá, nơi máu của Đấng là Chiên Vượt Qua sẽ đổ ra “vì muôn người” (x. Ga 13,1-15; Mc 14, 24).
Trong Xuất hành, Đức Chúa đã tha, không sát hại các con đầu lòng của dân Israel nhưng trong thời Tân ước, chính Đức Chúa đã hy sinh Con Một yêu dấu của mình để cho nhân loại khỏi phải chết muôn đời (x. Xh 13, 12; 1Pr 2, 21-25; Dt 10, 10). Người Con Một yêu dấu ấy được sách Khải huyền mô tả là Đấng “đã bị giết, và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân” (x. Kh 5, 9).
IV. Gợi ý suy niệm bản văn Kinh Thánh
Biến cố Đức Chúa giải thoát dân Israel ra khỏi ách nô lệ của người Ai Cập là một biến cố in dấu ấn sâu đậm trong tâm thức lịch sử và tôn giáo của người Do Thái mãi cho đến ngày nay. Lệnh truyền giữ ngày lễ Vượt Qua là một lệnh truyền bất di bất dịch, theo như lời Đức Chúa phán, và nhờ tuân giữ luật Chúa mà dân Israel được kể là dân thánh, dân riêng của Đức Chúa (x. Xh 19, 6; Đnl 28, 9).  Đối với người Kitô hữu, việc giữ các ngày lễ của Năm Phụng vụ cũng là dịp để mọi người sống mầu nhiệm cứu chuộc mà Con Thiên Chúa đã ban cho những kẻ tin vào Người. Chúng ta tự hỏi mình đã sống tâm tình của những cử hành Phụng vụ ấy như thế nào? Mầu nhiệm cuộc đời Đấng Cứu Thế có in dấu trong tâm tình và lối sống của chúng ta hay không?
Thánh Phêrô tha thiết nhắc nhở mọi tín hữu ý thức về giá trị hy tế mà Đức Giêsu Kitô đã dành cho họ trong thư thứ nhất của ngài (x. 1Pr 1, 19-21). Quả vậy, nhờ máu và lời của Đức Giêsu Kitô mà chúng ta được sống, được tái sinh vào đời sống mới (x. 1Pr 1, 22-25). Hơn nữa, trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, Đức Giêsu đã hiến mình trở nên của ăn cho các môn đệ và cũng là cho mọi tín hữu (x. Mc 14, 24). Trong bữa ăn ấy, Người cũng dạy cho chúng ta biết khiêm tốn hủy mình để phục vụ anh chị em (x. Ga 13,1-15). Chúng ta tự hỏi, trở nên người môn đệ Chúa Kitô nghĩa là gì, nếu không phải là để bắt chước Thầy của mình, nghĩa là hy sinh đến cả tính mạng mình ngõ hầu tha nhân được cứu sống?
——————————————
[1] Trong lịch của người Do Thái, lễ Vượt Qua sau này được tổ chức bắt đầu vào chiều tối của ngày thứ 14 trong tháng Abib (còn gọi là tháng Nisan), và kéo dài 7 ngày. Carol Meyers cho rằng ý do của việc tổ chức lễ Vượt Qua vào ngày giữa tháng (tính theo lịch mặt trăng) vì đây là thời điểm trăng tròn nên ánh sáng của trăng đủ cho việc tổ chức nghi lễ vượt qua vào lúc chạng vạng tối. (x. Carol Meyers, ExodusThe New Cambridge Bible Commentary, Cambridge University Press, New York, 2005, p.96.)
[2] x. Bible Works 5, mục “Dictionary”.
[3] x. Kinh Thánh Cựu Ước – Ngũ Thư (bản dịch để học học hỏi), Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (thực hiện), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2010, tr. 12, 137.
[4] x. Douglas K. Stuart, The New American Commentary (Vol 2)-Exodus, P & H Publishing Group, Tennessee, 2006, p. 273.
[5] Các nhà nghiên cứu Kinh Thánh đã đưa ra một số điểm tương đồng khi so sánh giữa đặc điểm của chiên lễ Vượt Qua trong Cựu ước với chân dung của Đức Giêsu-Chiên Thiên Chúa, đó là: 1) Chiên lễ Vượt Qua phải là chiên không tì tích; Đức Giêsu là Đấng không có tội. 2) Chiên lễ Vượt Qua phải là chiên đực; Đức Giêsu là một người nam. 3) Chiên lễ Vượt Qua còn non, không quá một tuổi; Đức Giêsu là người trẻ khi chịu chết. 4) Chiên lễ Vượt Qua không được giập cái xương nào; Đức Giêsu không bị đánh giập ống chân khi Người chết trên thập giá. 5) Chiên lễ Vượt Qua được sát tế nơi công cộng; Đức Giêsu chịu chết nơi công cộng. 6) Máu chiên lễ Vượt Qua bôi trên cửa là dấu Đức Chúa không sát hại các con đầu lòng của Israel; Máu của Đức Giêsu cứu kẻ tin khỏi cuộc phán xét. (x. Thomas L. Constables, Dr. Constable’s Note on Exodus-Version 2015, p. 70, published by Sonic Light: http://www.soniclight.com/)

https://sjjs.edu.vn/blog/2018/09/20/nhung-chi-thi-cua-duc-chua-ve-le-vuot-qua-phan-tich-xh-121-8-11-14-doi-chieu-voi-ga-131-15/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét