Chuyến tông du thứ 31 của Đức Thánh Cha - Giới thiệu đất nước và Giáo Hội Mozambique
Tổng quát
Mozambique là một quốc gia ở đông nam Phi châu, phía đông giáp với Ấn Độ Dương, bắc giáp Tanzania, tây giáp Malawi, Zambia, và Zimbabwe, nam giáp Swaziland và Nam Phi.
Với tổng diện tích 799,380 km2 (khoảng 2.5 lần Việt Nam) trong đó 786,380 km2 là đất liền, Mozambique là quốc gia lớn thứ 36 trên thế giới.
Quốc kỳ của một quốc gia là một biểu tượng cao quý của một dân tộc. Phê bình quốc kỳ của một nước có lẽ là một điều không nên. Tuy nhiên, nhiều lần tại Liên Hiệp Quốc đã nảy ra những tranh luận về quốc kỳ của Mozambique. Ngày 25 tháng 6 năm 1975, sau khi giành được quyền kiểm soát đất nước từ tay người Bồ Đào Nha đảng cầm quyền FRELIMO, có khuynh hướng Mácxít, đưa ra một lá cờ “không giống ai” trong đó vẽ một khẩu AK-47 và một cái cuốc. Quốc kỳ như hiện nay, trong đó khẩu AK, và cái cuốc còn được vẽ lớn hơn, đã được chính thức sử dụng từ ngày 1 tháng Năm 1983. Nhìn lá cờ này, nhiều người không khỏi “chạnh lòng” nghĩ đến Pol Pot và Ieng Sary và những tên đồ tể khác trên thế giới.
99.7% trong tổng số 28.8 triệu dân Mozambique là người gốc Phi châu (Makhuwa, Tsonga, Lomwe, và Sena). 0.3% còn lại là người Âu Châu và Ấn Độ. Khác với nhiều quốc gia trong vùng, như Sudan chẳng hạn, người Ả rập gần như biến mất khỏi Mozambique mặc dù họ đã từng thống trị vùng này từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 16.
Tiếng nói chính thức được dùng tại Mozambique là tiếng Bồ Đào Nha.
Lịch sử cận đại
Tháng 7 năm 1497, nhà thám hiểm Vasco da Gama lãnh đạo một hạm đội gồm 4 chiếc tàu rời cảng Lisbon thám hiểm Phi Châu. Tháng 12 năm đó, ông vượt qua mũi Hảo Vọng của Nam Phi sang bờ phía Đông, khám phá ra những vùng đất người Âu Châu chưa bao giờ đặt chân đến, trong đó có Mozambique. Hầu hết các vùng đất này đang nằm dưới ách cai trị của những người Hồi Giáo Ả rập.
Tháng Ba, 1498, ông giả làm một người Hồi Giáo để vào yết kiến quốc vương Mozambique. Chẳng may, kế hoạch bị lộ, ông phải rút lui. Tuy nhiên, ông khám phá ra vùng đất này thật lý tưởng cho các chiến hạm Bồ Đào Nha. Nơi đây có thể cung cấp nước ngọt, gỗ và nhân công. Tóm lại là một chặng dừng chân lý tưởng của các chiến hạm Bồ Đào Nha trên đường viễn chinh nhằm thu phục các quốc gia vùng Vịnh và Á Châu.
Năm 1505, Bồ Đào Nha thiết lập được nền đô hộ tại đây.
Tháng 4 năm 1974, Bồ Đào Nha trải qua một thời kỳ khó khăn với cuộc đảo chính quân sự ở Lisbon. Nhân cơ hội này, Mặt trận giải phóng Mozambique, gọi tắt là FRELIMO, được sự ủng hộ của cộng sản Trung Quốc từ thập niên 1960, đã giành được quyền kiểm soát lãnh thổ này. Mozambique giành được độc lập khỏi tay Bồ Đào Nha ngày 25 tháng 6 năm 1975.
Nhưng ngay sau đó, từ năm 1976 đến năm 1992, nước này lâm vào một cuộc nội chiến đẫm máu, cướp đi sinh mạng của gần 1 triệu người. FRELIMO muốn thiết lập một thể chế độc tài độc đảng theo ý thức hệ cộng sản tại Mozambique. Mặt trận kháng chiến quốc gia, gọi tắt là RENAMO, khởi nghĩa chống lại mưu toan này. Lo sợ sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản trong khu vực, Nam Phi và Rhodesian đã giúp RENAMO, trong khi khối cộng sản bao gồm cả Trung Quốc và Liên Sô giúp cho FRELIMO.
Cộng đoàn thánh Egidio đã giúp đưa hai bên đến bàn hòa đàm tại Rôma chấm dứt 15 năm nội chiến với Hiệp Định Tổng Quát Rôma ngày 4 tháng 10, 1992.
Căng thẳng lại bùng lên giữa hai phe từ năm 2013 đến nay. Trong cuộc họp báo hôm 27 tháng Ba vừa qua, Ông Alessandro Gisotti, lúc ấy là Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho các ký giả biết một trong các mục tiêu trong chuyến tông du này của Đức Thánh Cha là tìm cách vãn hồi hòa bình tại Mozambique.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha chưa đến quốc gia này, hòa bình xem ra đã được lập lại. Thật vậy, hôm mùng 1 tháng Tám vừa qua, lãnh tụ RENAMO, là Ông Ossufo Momade, và tổng thống Filipe Nyusi đã ký kết với nhau một hiệp định hòa bình. Ông Ossufo Momade cho biết ông chấp nhận ký hiệp định này để thể hiện lòng tôn trọng đối với Đức Thánh Cha Phanxicô.
Chính trị
Mozambique theo chế độ cộng hòa, đa đảng. Bên cạnh đảng cầm quyền hiện nay là Đảng FRELIMO, còn có các đảng RENAMO, Đảng Dân chủ Mozambique (PDM), Đảng Liên minh dân chủ Mozambique (CODEMO), Đại hội Độc lập Mozambique (COINMO).
Tổng thống, là người đứng đầu nhà nước, được bầu bằng hình thức phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Tổng thống hiện nay là Ông Filipe Nyusi thuộc đảng FRELIMO, nhậm chức vào ngày 15 tháng Giêng 2015. Ông là vị tổng thống thứ Tư của Mozambique từ khi quốc gia này giành được độc lập vào năm 1975.
Thủ tướng do Tổng thống chỉ định là người đứng đầu chính phủ. Thủ tướng hiện nay là Ông Carlos Agostinho do Rosário, cũng là một thành viên của đảng FRELIMO.
Quốc hội Mozambique có 250 ghế, được bầu bằng hình thức phổ thông đầu phiếu và có nhiệm kỳ 5 năm. Hiện nay, Quốc hội do Đảng FRELIMO chiếm đa số.
Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Mozambique
Lúc 8 giờ sáng ngày 4 tháng Chín, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành từ sân bay Rome Fiumicino để bay sang phi trường quốc tế của thủ đô Maputo, bắt đầu chuyến tông du thứ Sáu bên ngoài nước Ý trong năm nay.
Lúc 6:30 chiều, ngài sẽ đến sân bay Maputo, nơi sẽ có nghi thức đón tiếp trọng thể. Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ về nghỉ tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh.
Sáng thứ Năm ngày 5 tháng 9, lúc 9:45 sáng, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm tổng thống Filipe Nyusi tại dinh tổng thống gọi là Palacio da Ponta Vermelha
Sau cuộc hội kiến với tổng thống kéo dài trong 30 phút, cũng tại dinh này, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với chính quyền, lãnh đạo xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.
Lúc 11 giờ sáng, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ liên tôn với giới trẻ tại vận động trường có mái che Maxaquene.
Lúc 4:15 chiều Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.
Sáng thứ Sáu, 6 tháng Chín, lúc 8:45 sáng, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm bệnh viện Zimpeto gần thủ đô Maputo.
Tiếp đó, lúc 10 giờ sáng, ngài cử hành Thánh lễ tại sân vận động Zimpeto
Lúc 12:25 trưa, Đức Thánh Cha sẽ ra sân bay Maputo. Tại đây sẽ có nghi thức tiễn Đức Thánh Cha bay sang phi trường quốc tế Antananarivo của Madagascar.
Giáo Hội tại Mozambique
Cả ba quốc gia trong chuyến tông du quốc tế lần thứ 31 của Đức Thánh Cha là Mozambique, Madagascar, và Mauritius đều là các quốc gia nơi dân số Kitô Giáo chiếm đa số.
Năm 1505, Bồ Đào Nha thiết lập được nền đô hộ tại đây, và nhờ công lao của các cha dòng Phanxicô Bồ Đào Nha, Đạo Công Giáo được phát triển rất mạnh kể từ đó. Dù thế, nhiều nhà sử học không cho rằng Đạo Công Giáo bắt đầu đến với quốc gia này vào năm 1505. Có những chứng cứ cho rằng các tín hữu Kitô đã có mặt từ rất lâu tại đây nhưng bị người Hồi Giáo tận diệt.
Theo thống kê vào tháng Bẩy, 2018, Mozambique có 8.784 triệu người Công Giáo, tức là chiếm 30.5% trong tổng số 28.8 triệu dân.
Theo Niên Giám Thống Kê 2017 của Tòa Thánh, Giáo Hội tại Mozambique có 3 tổng giáo phận và 9 giáo phận, với 337 giáo xứ, được coi sóc bởi 659 linh mục và 1,182 nữ tu.
Giáo Hội sở hữu 21 bệnh viện và 8 nhà dưỡng lão và các trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi và trẻ khuyết tật.
Tòa Thánh đã thiết lập ngoại giao đầy đủ với Mozambique vào ngày 17 tháng 11 năm 1974. Ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã triệu hồi Sứ Thần Tòa Thánh tại Mozambique, là Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, người Venezuela, về Vatican đảm nhận chức vụ Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thay cho Đức Hồng Y Angelo Becciu được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh.
Sứ thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Piergiorgio Bertoldi, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào chức vụ này từ ngày 19 tháng Ba năm nay.
Tổng giáo phận Maputo.
Ngày 21 tháng Giêng, năm 1612, Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Ngũ đã thiết lập miền Giám Quản Tông Tòa Mozambique. Năm 1783, Đức Giáo Hoàng Piô Đệ Lục đã nâng lên hàng giáo phận. Và cuối cùng, ngày 4 tháng Chín năm 1940, Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12 nâng lên hàng tổng giáo phận.
Ngày 18 tháng Chín, 1976, Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã đặt tên lại là tổng giáo phận Maputo.
Tổng giáo phận hiện được Đức Tổng Giám Mục Francisco Chimoio, dòng anh em hèn mọn coi sóc.
Tỷ lệ người Công Giáo nếu tính chung cả nước Mozambique là 30.5%. Riêng thủ đô Maputo tình hình khả quan hơn. Maputo có 1,223,000 người Công Giáo trong tổng số 3,040,000 dân, tức là 40.2%.
Anh chị em tín hữu Công Giáo sinh hoạt trong 44 giáo xứ, dưới sự coi sóc của 98 linh mục trong đó có 34 linh mục triều và 64 linh mục dòng. Bên cạnh đó còn có 147 nữ tu và 172 nam tu sĩ không có chức linh mục.
http://vietcatholic.org/News/Home/Archive?date=2019-08-17
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét