Chúa Nhật 20 Thường Niên C 
Gr 38,4-10 ; Dt 12,1-4 ; Lc 12,49-53

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 12,49-53

(49) Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên ! (50) Thầy còn một phép Rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất !”. (51) Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao ? Thầy bảo anh em biết : Không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. (52) Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau : ba chống lại hai, hai chống lại ba. (53) Họ sẽ chia rẽ nhau : cha chống lại con trai, con trai chống lại cha ; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”.

2. Ý CHÍNH : 

- SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊ-SU : là đem Lửa xuống trần gian và ước mong cho ngọn Lửa đó bùng cháy lên trong lòng mọi người. Sứ vụ của Đức Giê-su là còn phải chịu một phép Rửa là trải qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh để ban ơn cứu độ cho lòai người.

- NHỮNG ĐÒI HỎI ĐỐI VỚI MÔN ĐỆ : 
Đức Giê-su đòi môn đệ hãy chia sẻ sự đau khổ Người sắp phải chịu. Vì thực tế sẽ có sự chia rẽ: trong cùng một nhà có những người tin Chúa và có kẻ không tin. Nhưng ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ.

3. CHÚ THÍCH : 

- C 49-50 : + Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất : Trong Thánh kinh, Lửa biểu tượng sự phán xét của Thiên Chúa, nhất là trong ngày tận thế, để thiêu hủy trừng phạt những kẻ gian ác và thanh luyện số ít người trung tín còn sót lại (x. Lv 10,2 ; Lc 3,9). Lửa cũng là biểu tượng của Thần Khí Thiên Chúa, hâm nóng lòng hai môn đệ làng Em-mau, khi họ cùng đi đường đàm đạo với Chúa Phục Sinh (x. Lc 24,32). Lửa Thần Khí cũng đậu xuống trên các Tông đồ để thánh hóa các ông vào lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,3-19). Lửa còn ám chỉ những đau khổ mà Đức Giê-su phải chịu để thanh luyện con cái Ít-ra-en giống như vàng được thanh luyện trong lửa để nên tinh ròng (x. Mc 13,1-4 ; Is 1,25). + Thầy những ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên : Đức Giê-su mong ước ban Lửa Thần Khí cứu độ cho thế gian. Đó là nhiệm vụ duy nhất của Người. + Thầy còn một phép Rửa phải chịu : Phép Rửa là sự dìm mình dưới mặt nước. Thời Giáo hội sơ khai người chịu phép Rửa phải được nhận chìm toàn thân trong một hồ nước và sau đó trồi lên. Phép Rửa này tượng trưng cho sự chết của Đức Giê-su: Người cũng chịu chết và được an táng trong lòng đất, rồi ngày thứ ba sẽ trỗi dậy trong vinh quang. + Lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất : Đức Giê-su thao thức chu toàn sứ vụ được Chúa Cha trao phó là phải trải qua cuộc tử nạn và phục sinh để ban ơn cứu độ cho loài người.


- C 51-53: + Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao ? : Hòa bình hay bình an (Shalom) là mức sung mãn của sự sống, là quà tặng tuyệt vời của Đấng Mê-si-a (x. Is 9,5-6 ; Lc 1,79). + Không phải thế đâu : Thứ bình an Chúa ban không phải là thứ bình an dễ dãi nơi trần gian, như Người đã nói : “Thầy ban bình an của Thầy không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27). Cũng không phải là thứ “bình an vô sự” mà các ngôn sứ giả đã mơ tưởng (x. Gr 6,16 ; Ed 13,10.16). + Nhưng là đem sự chia rẽ : Đứng trước Đức Giê-su, người ta phải dứt khoát lựa chọn: Tin theo Chúa hay chống lại Người. Sự lựa chọn này là nguyên nhân gây ra chia rẽ ngay trong nội bộ mỗi gia đình. + Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau : cha chống lại con trai...: Theo lời các ngôn sứ thì sự chia rẽ là một đặc điểm của thời kỳ sau hết (x. Mk 7,6 ; Ml 3,24). Vào thời Giáo hội sơ khai, các tín hữu chỉ là một thiểu số ở giữa một thế giới ngoại giáo lớn lao. Họ luôn bị giằng co giữa tin hay không tin, chọn Chúa hay chọn thế gian. Đức Giê-su đòi những ai tin Người phải sẵn sàng vượt lên trên tình cảm gia đình ruột thịt để dứt khóat chọn Chúa và dấn bước đi theo Người (x. Lc 14,26 ; 18,29-30).

4. CÂU HỎI : 
1) Theo Thánh kinh, Lửa là biểu tượng cho điều gì ?
2) Phép Rửa mà Đức Giê-su sắp phải chịu ám chỉ sự kiện nào ? 
3) Bình an mà Đức Giê-su ban khác với bình an của thế gian ra sao ? 
4) Tại sao Đức Giê-su lại đến đem sự chia rẽ cho các gia đình thay vì lẽ ra phải đem sự bình an ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49).

2. CÂU CHUYỆN: 

1) LỄ MỪNG NGÂN KHÁNH MANG LẠI HIỆU QUẢ THIẾT THỰC : 


Tại một giáo xứ kia, sắp đến ngày mừng ngân khánh kỷ niệm 25 năm thụ phong linh mục của cha sở. Giáo dân trong xứ đã âm thầm mở một cuộc lạc quyên để có tiền tổ chức liên hoan và biếu cha tiền vé máy bay và các chi phí khác cho một tháng nghỉ hè sắp tới của cha. Biết được ý định của giáo dân, cha sở đã phát biểu như sau : “Anh chị em thân mến. Tôi biết anh chị em lúc nào cũng quảng đại đối với tôi. Anh chị em đã dâng cúng tiền của để chi phí các khỏan sinh hoạt cho nhà thờ và cho tôi. Hiện nay tôi biết anh chị em đang quyên góp để cho tôi phương tiện đi nghỉ hè nhân dịp kỷ niệm 25 năm thụ phong linh mục của tôi. Tôi xin cám ơn lòng tốt của anh chị em. Nhân dịp này tôi xin chia sẻ với anh chị em nguyện ước tha thiết nhất trong cuộc đời linh mục của tôi là : làm thế nào để đưa được nhiều người về làm con Thiên Chúa; Làm thế nào để những anh chị em công giáo siêng năng đến nhà thờ tham dự các thánh lễ Chúa nhật. Vậy nguyện vọng của tôi nhân dịp mừng ngân khánh linh mục không phải là tiền bạc vật chất, nhưng là làm sao có được 25 người quay về với Chúa. Cộng đoàn giáo xứ hiểu ý cha sở, nên trong ngày mừng ngân khánh linh mục của cha, họ đã chọn 25 người có quá khứ tội lỗi xếp hàng vào đòan dâng lễ vật hôm ấy. Những người này mặc quần áo trắng khi lên dâng lễ trên bàn thờ. Trong phần Lời nguyện Cộng đoàn, họ cũng nêu lên quyết tâm sẽ đi theo Chúa tới cùng và xin Chúa giúp họ từ bỏ những thói hư tật xấu như rượu chè, bài bạc...

2) NGỌN LỬA NHIỆT TÌNH TIN YÊU CHÚA CỦA Ô-DA-NAM : 


Vào năm 1843, khi Thủ đô Paris nước Pháp đang xáo trộn do cuộc cách mạng. Đạo Công Giáo bị đe doạ, nhiều cơ sở tôn giáo bị cướp phá. Năm ấy Ô-da-nam (Ozanam) đang học ngành luật. Dầu mới chỉ là một thanh niên 17 tuổi, nhưng Ô-da-nam đã can đảm dùng ngòi bút và việc làm để bênh đỡ Hội Thánh đang gặp nguy nan. Cậu năng đọc Kinh Thánh, năng đến nhà thờ dự thánh lễ và rước lễ mỗi ngày. Cậu được thụ huấn với một vị giáo sư nổi tiếng là Ampère về mặt học thức cũng như về mặt đạo đức. Cậu mạnh mẽ phục vụ Hội Thánh. Cùng với Ô-da-nam, các sinh viên trước kia bị rụt rè lo sợ bao nhiêu thì nay lại nhiệt thành và hăng say bấy nhiêu. Các vị giáo sư trong trường đều phải kiêng nể. Cậu tổ chức những buổi diễn thuyết, những cuộc nói chuyện làm sống lại một bầu khí đạo đức trong nhà trường. Về phía dân chúng, cậu đã cùng 6 anh em khác thành lập hội Bác ái Vinh sơn, để thăm viếng chia sẻ bác ái cho những người nghèo khổ bệnh tật. Năm 18 tuổi, cậu cùng các bạn trong hội đã thề hứa: Nhất quyết hy sinh và sẵn sàng hiến cả mạng sống cho người nghèo. Ô-da-nam đã trở nên một ngọn lửa hồng rực sáng của Đức Ki-tô. Hội Thánh hôm nay cũng rất cần những tín hữu nhiệt thành yêu mến và phục vụ Chúa nơi tha nhân giống như Ô-da-nam.

3) TÌNH YÊU CHIẾN THẮNG SỰ CHẾT:

 
Thánh nữ PÉC-PÊ-TU-A (Perpetua) là con của một gia đình quí tộc, nhưng đã bị bắt vì tin theo đạo Công Giáo. Cha của cô là người lương đã đến nhà tù thuyết phục con gái bỏ đạo. Bấy giờ cô liền chỉ tay vào chiếc bình hoa và lễ phép thưa với cha : ”Thưa cha, người ta có thể gọi vật này bằng một cái tên khác với tên là cái bình không ? Đối với con cũng thế, con không thể cho mình một cái tên nào khác ngoài tên là người tín hữu Ki-tô”. Tức quá, ông bố đã đánh đập cô tàn nhẫn, rồi bỏ đi không còn lui tới thăm viếng cô nữa. Perpetua có một con nhỏ đang còn bú mẹ, nên cô cảm thấy rất đau khổ khi phải xa con. Đứa bé bị đói lả được người nhà mang vào nhà tù xin lính canh để cô cho con bú. Họ hy vọng cô sẽ bỏ đạo để được tha về nhà với con, nhưng cô vẫn kiên quyết trung thành với Chúa. 


Khi biết con gái sắp bị kết án tử hình, người cha lại đến khuyên con: ”Con ơi, hãy thương đến mái tóc bạc của cha, hãy nhớ đến đôi tay cha đã dưỡng nuôi con. Hãy nhớ tới mẹ con, anh em con và nhất là thương đến đứa con bé bỏng của con. Nó làm sao sống được nếu không có mẹ bên cạnh. Con hãy bỏ đạo đi, bỏ đi cái đạo đã làm cho gia đình nhà ta phải ly tán đau khổ ! ”.


Tuy rất cảm động, nhưng Perpetua chỉ biết nghẹn ngào trả lời cha : ”Thưa cha, chúng ta hãy cứ để cho quan tòa xét xử, bởi vì con đã tín thác mạng sống của con trong tay Chúa”. Hôm ra tòa, cùng với các bạn, do lửa tin yêu thôi thúc Perpetua đã can đảm tuyên xưng đức tin và sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho Chúa.


Còn chúng ta hôm nay khi phải lựa chọn, chúng ta sẽ chọn Chúa hay chọn tình cảm gia đình, hay chọn theo các đam mê xác thịt, của cải hay chức quyền trần gian ?

4) THẮP SÁNG NGỌN LỬA TIN YÊU TRONG LÒNG MỖI NGƯỜI :


Một hôm, Mẹ Tê-rê-sa ghé thăm một người đàn ông đang sống trong một túp lều tồi tàn, lụp xụp. Bên trong căn lều là cả một bãi rác : Mùng mền, chăn chiếu, quần áo hỗn độn, rách nát và hôi hám. Mọi đồ đạc trong lều đều được che phủ bằng một lớp bụi dầy. Ông sống cô độc và không chịu lui tới với ai nên ông cũng đã bị mọi người chung quanh xa lánh. Mẹ Tê-rê-sa và các chị nữ tu đã vào trong lều và lên tiếng chào hỏi, nhưng ông làm thinh không đáp lại. Thấy căn lều hỗn độn và bụi bặm, các chị đã xin phép ông được dọn dẹp, nhưng ông cũng chẳng trả lời. Mặc kệ ! Các chị cứ bắt tay vào việc dọn dẹp, xếp đặt, lau chùi. Thấy trong góc lều có một cây đèn dầu, mẹ Tê-rê-sa đã lấy ra lau chùi. Khi lớp bụi được chùi sạch, mẹ đã kêu lên: 
- Ồ, cây đèn đẹp quá !
Ông lão bỗng lên tiếng : 
- Đó là cây đèn tôi đã tặng vợ tôi nhân dịp đám cưới. Mẹ hỏi : 
- Ông không bao giờ thắp đèn lên sao ? 
- Không, từ khi vợ tôi qua đời, tôi không bao giờ thắp đèn cả. 
- Thế ông có muốn chúng tôi tới thăm ông mỗi ngày và thắp đèn lên cho ông không ? Thấy các nữ tu tử tế, ông đồng ý. 
Từ đó, mỗi chiều các chị nữ tu đều ghé thăm, truyện trò và thắp đèn lên cho ông. Dần dà, ông trở nên vui vẻ yêu đời hơn. Ông bắt đầu nói chuyện cởi mở với các nữ tu và khi được khuyến khích, ông cũng đã đi lại thăm viếng các nhà hàng xóm. Mọi người khác cũng bắt đầu đến thăm ông. Căn lều hiu quạnh của ông lão giờ đã trở nên ấm áp hơn. Trước kia, căn lều tăm tối không những vì ông không thắp đèn, mà còn vì ngọn lửa trong tim ông đã lịm tắt nên ông không nghĩ đến việc phải thắp sáng nó lên. Nay căn lều đã bừng lên niềm vui không phải do ánh sáng của ngọn đèn dầu, mà do ánh sáng tin yêu trong trái tim ông đã bùng cháy trở lại. Trước kia ông tỏ ra thù ghét xa lánh mọi người là do ánh lửa trong trái tim đã tàn lụi. Nay nhờ các nữ tu nhen nhúm, ngọn lửa tin yêu ấy lại bùng lên. Ông đã biết nghĩ đến người khác và đến thăm nhà hàng xóm, và ông cũng được mọi người chung quanh đến thăm và giúp đỡ ông.

3. SUY NIỆM: 

Đức Giê-su được Thiên Chúa sai đến trần gian với sứ vụ ban ơn cứu độ cho loài người. Tin mừng hôm nay cho thấy : Để thi hành sứ vụ Thiên Sai ấy, Người luôn thao thức đi theo ơn soi dẫn của Thánh Thần và vâng phục thánh ý Chúa Cha. Người cũng muốn các môn đệ và các tín hữu hôm nay tích cực cộng tác vào sứ vụ cứu độ này. 

1) SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊ-SU: 

Đức Giê-su đem Lửa xuống trần gian và ước mong cho ngọn Lửa đó bùng cháy lên trong lòng mọi người. 

a- Thầy đã đến ném Lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên ! (Lc 12,49): 
Lửa Đức Giêsu mang lại là loại lửa nào?

- Phải chăng là thứ lửa trời đã thiêu hủy thành Sô-đô-ma, hay thứ lửa mà Giacôbê và Gioan yêu cầu thiêu hủy ngôi làng Sa-ma-ri dám từ chối đón tiếp Thầy trò ? (Lc 9,55). Phải chăng là thứ lửa mà cây không trái (Mt 3,10), hay những cành nho khô héo bị quăng vào (Ga 15,6)? Lửa này có phải là lửa kinh khủng của ngày phán xét ?

- Trong cái nhìn bao dung của thánh Lu-ca, đây chính là Lửa Thánh Thần được đổ xuống trên Cộng Đoàn Hội Thánh Sơ Khai vào lễ Ngũ Tuần để gia tăng sức mạnh, giúp Hội Thánh vượt qua sợ hãi, và can đảm làm chứng cho Chúa, hăng say loan báo Tin Mừng đi khắp thế gian (x Cv 2,1-13). 


Là Lửa Tin Yêu được Đức Giê-su mang vào thế giới tội lỗi, hận thù, giết hại lẫn nhau…, để làm bùng cháy lên tình thương “tứ hải giai huynh đệ”- bốn bể đều là anh em với nhau, hầu cho mọi người biết yêu thương và tạo niềm vui hạnh phúc cho nhau.

- Đức Giê-su ước mong cho ngọn Lửa ấy bùng cháy lên để thế giới sớm thành “Trời Mới Đất Mới” như sách Khải Huyền đã diễn tả như sau : “Bấy giờ tôi thấy Trời Mới Đất Mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa… Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ: Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Cv 21,1.4). Khi ấy mọi dân nước đều nhận biết tôn thờ một Thiên Chúa là Cha và sống chan hòa hạnh phúc với nhau trong đại gia đình có “Thiên Chúa là Tình Yêu” ngự trị (1 Ga 4,8).

-Thầy còn một phép Rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất !” :


Phép Rửa dìm mình trong nước thanh tẩy là hình ảnh diễn tả mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giê-su. Người luôn vâng theo ý Chúa Cha là chấp nhận cứu chuộc nhân loại bằng con đường « qua đau khổ vào vinh quang » như Người đã ba lần tiên báo cho các môn đệ (x Mt 16,21 ; 17,22-23 ; 20,18-19). 

Về sau, thánh Phao-lô Tông đồ cũng diễn tả ý nghĩa mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giê-su hàm chứa trong nghi thức phép Rửa dìm mình trong nước như sau: «Anh em không biết rằng : Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao ? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại» (Rm 5,3-5).

2) GÓP PHẦN CHU TOÀN SỨ VỤ CỨU ĐỘ TRẦN GIAN CÁCH NÀO ? : 

a- Làm bùng cháy ngọn lửa tin yêu Chúa : 


Ngoài việc năng cầu xin Thánh Thần, mỗi tín hữu chúng ta cần siêng năng học sống Lời Chúa hằng tuần noi gương Cộng Đoàn Hội Thánh Sơ Khai. Nhờ đó chúng ta sẽ được gia tăng đức tin mỗi lần tham dự thánh lễ và rước lễ. Khi gặp được Chúa, chúng ta sẽ nhiệt thành giới thiệu Chúa cho tha nhân, như hai môn đệ làng Em-mau đã lập tức quay lại Giê-ru-sa-lem để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các Tông đồ (x Lc 24,13-35). Rồi đến lượt các môn đệ sau khi đón nhận lửa Thánh Thần vào lễ Ngũ Tuần, đã nhiệt thành đi rao giảng Tin Mừng và làm chứng nhân cho Chúa “tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tân cùng trái đất” (x. Cv 1,8). 

b- Sẵn sàng chịu bách hại vì đức tin : Không phải chỉ những người tội lỗi gian ác mới bị người đời thù ghét, mà cả những người lương thiện cũng có thể bị kẻ xấu ganh ghét bách hại do bất đồng quan điểm hoặc do lòng ganh ghét đố kỵ. Trong cuộc sống cũng có biết bao gương sáng của những vị anh hùng. Họ mang lửa nhiệt tình can đảm trong tim để làm chứng cho sự thật của Tin Mừng. Họ cũng đã trải qua “một phép rửa” đau khổ như Đức Giêsu đã phải chịu. Chẳng hạn : Mục sư MÁC-TIN LU-THƠ KINH (Martin Luther King) do can đảm bênh vực quyền bình đẳng cho người da đen nên đã bị bọn phân biệt chủng tộc ám sát. Đức Giám Mục HEN-ĐƠ CA-MA-RA (Helder Camara) cũng đã can đảm đấu tranh cho người nghèo nên đã bị thù ghét giết hại… Nhưng chính cái chết của các ngài lại trở thành ngọn lửa thiêng bùng cháy phát ra ánh sáng chân lý, giúp nhiều người nhận biết tin yêu Chúa và hợp tác chống lại sự gian ác của ma quỷ.

c- Hăng say loan báo Tin Mừng : Ngày nay Chúa Phục Sinh cũng sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng tình thương, để góp phần xua tan bóng tối “văn hóa sự chết” là những bất công hận thù, nghèo đói, dốt nát và tội ác… bằng cách làm bùng lên ánh sáng “văn hóa sự sống”, là lối sống yêu thương khiêm nhường phục vụ vô vụ lợi. Sở dĩ ngày nay sau hơn hai mươi thế kỷ loan báo Tin Mừng mà nhân loại vẫn còn nhiều bất công và tội ác, một phần cũng là do lỗi của các tín hữu chúng ta: do ngọn lửa tin yêu Chúa nơi chúng ta còn yếu, như MAHATMA GANDHI, vị thánh của dân tộc Ấn Độ đã nhận định : "Một vật cứng rắn đến đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa. Nếu vật ấy không tan chảy, chính vì ngọn lửa còn chưa đủ mạnh".

d- Sống Tình Yêu Thương cụ thể : Mỗi tín hữu chúng ta hãy cố gắng sống Tin Mừng Tình Thương không chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng sự chia sẻ và phục vụ như lời cầu của mẹ TÊ-RÊ-SA CAN-QUÝT-TA : “Lạy Chúa Giê-su thương mến. Xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi. Xin hãy làm tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sự sống của Chúa. Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống của Chúa. Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con. Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim cháy lửa tin yêu Chúa.”

4. CÂU HỎI : Thế giới hiện còn nhiều bóng tối. Vậy bạn sẽ làm gì để đẩy lùi bóng tối của ma quỷ là nền văn hóa sự chết như : tội lỗi, bạo lực, đam mê và các tệ nạn xã hội… ra khỏi môi trường gia đình, khu xóm và nơi làm việc ?

5. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Lời Chúa hôm nay đòi chúng con phải chọn lựa dứt khoát. Xin cho chúng con biết chọn theo Chúa, sẵn sàng tuyên chiến với các đam mê tội lỗi. Cũng như hạt lúa cần phải bị mục nát đi mới có thể mọc lên thành cây lúa; Như bác nông dân cần phải chịu vất vả một nắng hai sương nơi cánh đồng lúa, mới hy vọng có được mùa gặt bội thu… Xin cho chúng con cũng sẵn sàng chịu đựng gian khổ gặp phải khi đi loan báo Tin mừng. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ đưa được nhiều người về làm con Thiên Chúa và góp phần biến đổi xã hội trần gian hôm nay thành Thiên Đàng hạnh phúc mai sau.

X)HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON