Giới Thiệu

Trong bài “Ý Niệm Linh Hứng trong Thánh Kinh, Một Số Cập Nhật” (xem http://vietcatholic.net/News/Home/Article/249375), chúng tôi đã giới thiệu Tài Liệu “Linh Hứng và Chân Lý Thánh Kinh: Lời Phát xuất từ Thiên Chúa và Nói về Thiên Chúa vì Sự Cứu Rỗi Thế Giới” của Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh công bố năm 2014. Đây là một tài liệu quí giá. Việc soạn thảo nó đã bắt đầu từ năm 2009 sau Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2008 về Lời Chúa (kết quả là Tông huấn Verbum Dei năm 2010 của Đức Bênêđíctô XVI), qua hai nhiệm kỳ bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin của các Đức Hồng Y Levada và Muller, hai triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô, với rất nhiều phiên họp khoáng đại cũng như hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. 

Chính bản văn là một công trình công phu, không những bàn đến ơn linh hứng nói chung mà còn đi vào hầu hết từng trước tác của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước để khám phá ra tính linh hứng của nó với rất nhiều trưng dẫn của từng trước tác một. Có thể nói, về phươg diện này nó chiếm địa vị duy nhất trong các nghiên cứu về ơn linh hứng Thánh Kinh xưa nay. 

Nhận thấy giá trị lớn lao của nó, chúng tôi cố gắng chuyển ngữ sang tiếng Việt, dựa vào bản tiếng Pháp do chính Ủy Ban Kinh Thánh công bố. Phần tóm tắt Tài Liệu của Cha Klemens Stock, Dòng Tên, Tổng Thư Ký xuyên suốt của Ủy Ban và Lời Nói Đầu của Tài liệu do Đức Hồng Y Muller, bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin hồi ấy viết đã được chúng tôi trình bầy trong bài đã trích dẫn trên đây. Riêng bài Lời Nói đầu, chúng tôi xin đăng lại nguyên văn ở đây. Các trích dẫn Thánh Kinh trong bản dịch này phần lớn lấy từ bản dịch Thánh Kinh của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, ngoại trừ một số ít được chúng tôi sửa chữa đôi chút cho hợp với đồng văn của Tài Liệu.

Xin mời qúi độc giả cùng đọc tài liệu quí giá này

Linh Hứng và Chân Lý Thánh Kinh: Lời Phát xuất từ Thiên Chúa và Nói về Thiên Chúa vì Sự Cứu Rỗi Thế Giới


(Văn kiện của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, công bố ngày 22 tháng Hai năm 2014)

LỜI NÓI ĐẦU

Đời sống Giáo hội dựa trên Lời Chúa. Nó được truyền tải bởi Thánh Kinh, nghĩa là, trong các trước tác của Cựu Ước và Tân Ước. Theo đức tin của Giáo hội, tất cả các trước tác này đều được linh hứng, có Thiên Chúa là tác giả - Thiên Chúa đã sử dụng những con người được Người chọn để soạn tác chúng. Nhờ sự kiện được Thiên Chúa linh hứng, các Sách Thánh truyền đạt sự thật. Giá trị của chúng đối với đời sống và sứ mệnh của Giáo hội được liên kết với việc linh hứng và sự thật của chúng. Những trước tác không xuất phát từ Thiên Chúa không đạt tới trình độ truyền đạt Lời Người, và những trước tác không nói thực không thể đặt nền hoặc làm sinh động sứ mệnh của Giáo hội. Tuy nhiên, sự thật hiện diện trong các bản văn thánh thiêng không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra. Đôi khi, ít nhất cũng một cách biểu kiến, người ta tìm thấy các căng thẳng giữa những gì đọc được trong các trình thuật Thánh Kinh và kết quả của khoa học tự nhiên và lịch sử. Những khoa học này dường như mâu thuẫn với những gì các trình thuật Thánh Kinh quả quyết, và đặt câu hỏi về sự thật. Rõ ràng là tình huống này cũng có những hệ luận đối với vấn đề linh hứng Thánh Kinh: nếu những gì được truyền đạt trong Thánh Kinh là không đúng sự thật, thì làm sao Thiên Chúa có thể là tác giả của nó? Chính từ những câu hỏi này, mà Ủy ban Giáo hoàng về Thánh Kinh đã nỗ lực tiến hành cuộc nghiên cứu về mối tương quan giữa linh hứng và sự thật, và cập nhật cung cách các trước tác Thánh Kinh xem xét các khái niệm này. Trước tiên, người ta phải lưu ý rằng các trước tác thánh thiêng chỉ họa hiếm mới nói về linh hứng (2 Tm 3:16; 2 Pr 1:20-21), nhưng liên tục cho thấy mối tương quan giữa các tác giả phàm nhân của chúng và Thiên Chúa. và bằng cách này nói lên nguồn gốc thần thiêng của chúng. 

Trong Cựu Ước, mối tương quan kết hợp tác giả phàm nhân với Thiên Chúa và ngược lại, được chứng thực theo nhiều hình thức và cách diễn đạt khác nhau. Trong Tân Ước, mọi mối tương quan với Thiên Chúa đều diễn ra qua trung gian của con người Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai và là Con Thiên Chúa. Người là Lời của Thiên Chúa đã tự làm cho mình trở nên hữu hình (xem Ga 1:14) và là Đấng trung gian của tất cả những gì xuất phát từ Thiên Chúa. Trong Thánh Kinh, người ta gặp nhiều chủ đề rất đa dạng. Tuy nhiên, một việc đọc cẩn thận cho thấy chủ đề chính, chi phối các chủ đề khác, liên quan đến Thiên Chúa và kế hoạch cứu rỗi của Người dành cho con người. Sự thật mà chúng ta tìm thấy trong Thánh Kinh, trong yếu tính, là nói về Thiên Chúa và mối tương quan của Người với các tạo vật. 

Trong Tân Ước, định nghĩa cao nhất về mối tương quan này có thể được tìm thấy trong các lời lẽ của Chúa Giêsu: "Thầy, Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy" (Ga 14: 6). Là Lời của Thiên Chúa nhập thể (xem Ga 1: 14), Chúa Giêsu Kitô là sự thật hoàn hảo về Thiên Chúa, Người mạc khải Thiên Chúa như Cha và ban cho ta được tiếp cận với Người, nguồn gốc của mọi sự sống. Các định nghĩa khác về Thiên Chúa được tìm thấy trong các trước tác Thánh Kinh có xu hướng hướng về Lời Thiên Chúa đã trở thành phàm nhân trong Chúa Giêsu Kitô này, Đấng đã trở thành chìa khóa giải thích Lời ấy. 

Sau khi đã bàn tới khái niệm linh hứng theo chứng từ của các sách thánh, mối tương quan giữa Thiên Chúa và các tác giả phàm nhân, và sự thật mà các trước tác này mang đến cho chúng ta, suy tư của Ủy ban Thánh Kinh tập trung vào một số khó khăn đặt ra nhiều vấn nạn từ quan điểm lịch sử, đạo đức hoặc xã hội. Để giải đáp các khó khăn này, điều cần là phải đọc và hiểu đầy đủ các bản văn nêu ra câu hỏi, bằng cách xem xét các kết quả của các khoa học hiện đại, và đồng thời chủ đề chính của các bản văn này, cụ thể là biết Thiên Chúa và kế hoạch cứu rỗi của Người. Cách tiếp cận như vậy cho thấy có thể giải đáp các phản biện đang xuất hiện đối với cuộc gặp gỡ sự thật và nguồn gốc thần thiêng và vượt qua chúng. 

Tài liệu này của Ủy ban Giáo hoàng về Thanh Kinh không cấu thành một tuyên bố chính thức của huấn quyền Giáo hội về chủ đề đang bàn. Nó không có ý định trình bầy một học thuyết hoàn chỉnh về linh hứng và sự thật của Thánh Kinh, mà chỉ đơn giản nhằm truyền đạt các kết quả của một cuộc nghiên cứu chú giải cẩn trọng về các bản văn Thánh Kinh, liên quan đến câu hỏi về nguồn phát xuất thần thiêng của chúng, và sự thật của chúng. Các kết luận giờ đây được dưới sự sử dụng của các môn thần học khác, để được hoàn chỉnh và đào sâu theo quan điểm riêng của họ. 

Tôi cảm ơn các thành viên của Ủy ban Thánh Kinh vì sự dấn thân đầy kiên nhẫn và có khả năng của họ, bằng cách bày tỏ niềm hy vọng này là công việc của họ sẽ đóng góp vào việc lắng nghe Thánh Kinh, trong toàn Giáo hội, một cách chu đáo, biết ơn và vui mừng hơn, như một Lời phát xuất từ Thiên Chúa và nói về Thiên Chúa để thế giới được sống.

Ngày 22 tháng 2 năm 2014 Lễ Tòa Thánh Phêrô

Hồng Y GERHARD MÜLLER, Chủ tịch

“Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55:10-11).

“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1:1-2)

Kỳ tới: Dẫn Nhập Tổng Quát