4.3 Diễn trình viết các Sách thánh và việc linh hứng



56. Cách tiếp cận dị đại (Approche diachronique) việc viết các trước tác Kinh thánh cho thấy Qui điển (canon) Sách thánh được hình thành dần dần như thế nào trong quá trình lịch sử, từng chặng từng chặng. Đối với Cựu Ước, những chặng khác nhau này có thể được lên sơ đồ như sau:

- viết thành văn các truyền thống truyền miệng, các lời tiên tri, các sưu tập luật lệ. 

- biên soạn bộ thu thập các truyền thống đã thành văn, những truyền thống đã dần dần nhận được thế giá và được công nhận như các phát biểu của mặc khải thần thiêng, như Tôra chẳng hạn. 

- Liên kết các bộ thu thập khác nhau: Tôra, Các Tiên tri và Trước tác Khôn ngoan.

Mặt khác, các truyền thống cổ xưa nhất đã là chủ đề của những việc đọc lại liên tục, và của nhiều giải thích lại. Cùng một hiện tượng như thế diễn ra trong tuyển tập (corpus) đã được cấu thành: do đó, trong Tôra, các tường thuật lập pháp gần kề nhất đề xuất một sự khai triển và giải thích các lề luật trước thời kỳ lưu đày; hoặc một lần nữa, trong sách Isaia, chúng ta tìm thấy dấu vết của những khai triển kế tiếp cũng như dấu vết một trước tác văn học thống nhất hóa.

Cuối cùng, các trước tác sau đó hơn trình bày một việc hiện thực hóa các bản văn cổ xưa, chẳng hạn như sách Huấn Ca, sách đã nhận diện Sách Khôn Ngoan và bộ Tôra.

Việc nghiên cứu các truyền thống Tân Ước đã cho thấy cách chúng đã bắt đầu ra sao từ các truyền thống đã thành văn của Do Thái giáo để loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô. Về phương diện này, chỉ cần nhắc lại rằng trước tác phẩm hai phần (diptyque) Tin Mừng Luca – Công Vụ đã tham chiếu rất nhiều ở Tôra, văn chương tiên tri và Thánh vịnh, để chứng minh Chúa Giêsu "làm nên trọn" Kinh thánh của Israel ra sao (Lc 24:25-27,44).

Hiểu được khái niệm linh hứng của Sách thánh, do đó, đòi hỏi phải xem xét "chuyển động bên trong" này của chính các Sách thánh. Khái niệm linh hứng liên quan đến các bản văn đặc thù, nhưng cũng liên quan đến toàn bộ Qui Điển, 1 qui điển thống nhất hóa các truyền thống Cựu Ước và Tân Ước: các truyền thống cổ xưa của Israel, được ghi lại bằng bản văn, đã được đọc lại, bình luận và cuối cùng được giải thích dưới ánh sáng mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng mang đến cho chúng ý nghĩa đầy đủ, dứt khoát.

Chính bằng cách bước theo "các tuyến đường", "các trục" bên trong Kinh thánh, mà người đọc nó có thể đưa ra ánh sáng cách nhờ đó các chủ đề thần học được mở rộng và triển khai. Cách đọc Kinh thánh đúng qui điển cho phép việc nêu bằng chứng cho việc triển khai mặc khải, theo một luận lý học vừa dị đại vừa đồng đại. 

Lấy một ví dụ, thần học về sự sáng thế, được phát biểu ngay ở phần dẫn nhập sách Sáng thế, tìm thấy các khai triển trong văn chương tiên tri (do đó, sách Isaia nối kết ơn cứu rỗi và sự sáng thế, bằng cách hiểu ơn cứu rỗi của Israel như sự kéo dài của sáng thế (Is 43), trong khi các chương 65-66 giải thích việc hồi sinh được chờ mong của Israel như một sáng thế mới (Is 65:17; 66:22) và được triển khai bởi các Thánh vịnh và văn chương khôn ngoan.



57. Trong Tân Ước, người ta có thể, một mặt, làm cho minh bạch "mối tương quan nên trọn" đối với các truyền thống Cựu Ước, mặt khác là chuyển động dị đại của việc phát triển và diễn giải lại các truyền thống, giống hệt với chuyển động được đề cập đối với Cựu Ước.

Để minh họa mối tương quan nên trọn giữa các trước tác Tân Ước và các truyền thống Cựu Ước, chúng ta có thể trích dẫn Tin Mừng Gioan, là tin mừng, trong Lời mở đầu, đã trình bày Chúa Kitô như Lời Sáng tạo, cũng như các thư của Thánh Phaolô gợi lên ý nghĩa vũ trụ trong sự xuất hiện của Chúa Kitô (1 Cr 8:6; Cl 1:12-20), và cuối cùng Sách Khải Huyền, sách đã mô tả chiến thắng của Chúa Kitô như sự đổi mới cánh chung của sáng thế (x. Kh 21).

Việc nghiên cứu dị đại về các sách Tân Ước chứng tỏ cách chúng tích hợp ra sao các truyền thống cổ xưa, đôi khi tiền văn tự, nhưng phản ánh cuộc sống và các biểu thức phụng vụ của cộng đồng Kitô giáo sơ khai: lá thư đầu tiên gửi cho tìn hữu Côrintô, chẳng hạn, trích dẫn một lời tuyên xưng đức tin rất xưa trong 1 Cr 15:3-5. Mặt khác, các cuốn sách được tập hợp trong Qui điển Tân Ước phản ảnh một sự phát triển và biến hóa của việc khai triển thần học và định chế của các cộng đồng tiên khởi: do đó, thư gửi Titô làm chứng cho sự hiện hữu của các chức năng thừa tác vụ và các thủ tục biện phân công phu hơn những gì được tìm thấy trong các thư đầu tiên của Thánh Phaolô.

Cuộc hành trình dị đại ngắn ngủi này phải được nối khớp với một quan điểm đồng đại về việc đọc: bao lâu qui điển Kinh thánh còn được đóng khung bởi các sách từ Sáng Thế tới Khải Huyền, người đọc Kinh thánh đều được mời gọi để hiểu nó như một toàn bộ, như một câu chuyện độc nhất mở ra từ sáng thế đến tân sáng thế được khai mở trong Chúa Kitô.

Do đó, khái niệm linh hứng của Sách Thánh áp dụng vào từng bản văn tạo ra nó, cũng như vào toàn bộ Qui Điển. Khẳng định rằng một cuốn sách Kinh thánh được linh hứng hệ ở việc nhìn nhận rằng nó tạo ra một vectơ, một ống dẫn chuyên biệt và đặc quyền của mặc khải Thiên Chúa tới con người, và các tác giả phàm nhân của nó đã được Chúa Thánh Thần thúc đẩy để phát biểu các sự thật về đức tin, trong một bản văn được định vị trong lịch sử và được cộng đồng tín hữu tiếp nhận làm quy phạm. 

Khẳng định rằng Sách Thánh, trong tính toàn bộ của nó, được linh hứng cũng tương đương như nhìn nhận rằng nó tạo thành một Qui Điển, nghĩa là, một bộ các trước tác quy phạm cho đức tin, đã tiếp được nhận như vậy trong Giáo hội. Hiểu như vậy, Kinh Thánh là nơi mặc khải một sự thật không thể vượt quá, một sự thật đồng nhất với một người, là Chúa Giêsu Kitô – Đấng, bằng lời nói cũng như bằng hành động của Người, "đã làm nên trọn" và "hoàn tất" các truyền thống Cựu Ước, và mặc khải Chúa Cha một cách viên mãn.

4.4 Hướng tới một Qui điển cho hai Giao Ước

58. Thư thứ hai gửi Timôtê và thư thứ hai của Thánh Phêrô có một vai trò quan trọng trong việc cho phép cái hiểu đầu tiên và cách tiếp cận đầu tiên về qui điển Kitô giáo của Sách Thánh. Các thư này lần lượt được đặt ở phần kết thúc các thư của Thánh Phaolô và các thư của Thánh Phêrô, và chúng ngăn chặn bất cứ sự bổ sung nào sau này vào các thư này, do đó chuẩn bị kết thúc một qui điển. Bản văn 2 Pr đặc biệt nhắc đến một Qui Điển của cả hai giao ước, và đến việc Giáo hội tiếp nhận các thư của Thánh Phaolô. Những yếu tố này là nhân tố quan trọng cho việc Giáo hội tiếp nhận hai trước tác này. Phần lớn các học giả Kinh Thánh coi hai bức thư là tác phẩm "dưới bút danh" (pseudonymes = được gán cho các tông đồ, nhưng thực sự được viết bởi các tác giả sau này). Điều này không ảnh hưởng đến đặc tính được linh hứng của chúng, cũng không làm giảm tính liên quan thần học của chúng.




a. Kết thúc bộ thư của Thánh Phaolô và các thư của Thánh Phêrô



Cả hai lá thư đều chú ý đến quá khứ và nhấn mạnh đến sự kết thúc sắp xảy ra cho cuộc đời hai tác giả của chúng. Chúng thường sử dụng khái niệm "hồi tưởng" và khuyên độc giả ghi nhớ và áp dụng lời dạy mà các Tông Đồ đã truyền đạt cho họ trong quá khứ (2 Tm 1:6,13; 2:2,8,14; 3: 14; 2 Pr 1:12,15; 3.1-2). Trong mức độ hai bức thư liên tục nhắc đến cái chết của các tác giả của chúng, chúng đóng vai trò kết thúc các bộ thư tương ứng của các ngài.

2 Tm nhắc đến cái chết sắp xảy ra của Thánh Phaolô: vị tông đồ, bị bỏ rơi bởi những người đồng đạo và sau khi bị thua kiện tại triều đình (x. 2 Tm 4:16-18), sẵn sàng nhận vương miện tử đạo: "Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện"(2 Tm 4:6-8). Tương tự như thế, 2 Pr chỉ ra rằng Chúa đã mặc khải sự cận kề của cái chết của vị tông đồ: "Tôi thiết nghĩ: bao lâu tôi còn sống cuộc đời chóng qua này, tôi phải nhắc nhở để thức tỉnh anh em, đó là điều phải lẽ, vì biết rằng sắp đến thời tôi phải bỏ lều này, như Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cũng đã tỏ cho tôi biết. Nhưng tôi sẽ cố gắng, để trong mọi trường hợp, sau khi tôi ra đi, anh em có thể nhớ lại các điều ấy"(2 P 1:13-15, xem 2 Pr 3:1).

Hai lá thư được trình bày như là bản văn cuối cùng của mỗi tác giả, bản di chúc của ngài, đặt dấu chấm hết cho những gì các ngài muốn truyền đạt.



b. Hướng tới một Qui điển cho hai giao ước



59. Trong 2 Pr 3:2, Thánh Phêrô chỉ ra mục đích của hai lá thư của ngài: " Anh em hãy nhớ lại những điều các thánh ngôn sứ đã nói trước kia, và điều răn của Chúa, Đấng Cứu Độ, mà các Tông Đồ của anh em đã truyền lại". Mặc dù bản văn nhắc đến "những điều đã nói" của các vị tiên tri, nhưng không còn nghi ngờ gì về việc tác giả nghĩ đến các sách tiên tri (xem 2 Pr 1:20). Thuật ngữ "điều răn của Chúa và là Đấng Cứu độ" không nhắm một điều răn chuyên biệt nào của Chúa, nhưng có cùng một ý nghĩa y như trong đoạn trước, trong đó "sự hiểu biết về Chúa và Cứu Chúa Giêsu Kitô" được gọi là " đường công chính" và " điều răn thánh đã được truyền cho họ "(2 Pr 2:20-21). Thuật ngữ "điều răn", số ít, được tạo ra tương tự như Tôra, có một ý nghĩa gần như kỹ thuật và, trong 2 Pr 3:2, được nối kết với một thuộc cách (génitif) kép, nó chỉ giáo huấn của Chúa Kitô được các Tông đồ truyền lại, nghĩa là Tin Mừng được hiểu là một nhiệm cục cứu rỗi mới.

2 Pr 3:2 nêu bật các Tiên tri, Chúa, các Tông đồ. Qui điển cho hai Giao ước đã được phân định ranh giới nhờ cách này; trong đó, giao ước đầu được nối kết với các Tiên tri, và giao ước sau được nối kết với Chúa và là Cứu Chúa Giêsu, Đấng được các Tông đồ làm chứng. Hai Giao ước đuợc nối kết mật thiết với chứng từ đức tin vào Chúa Kitô (2 Pr 1:16-21; 3:1-2), Cựu Ước (các tiên tri), nhờ việc giải thích Kitô học của nó và Tân Ước, nhờ chứng từ của các Tông đồ, được diễn tả trong các thư của các ngài (đặc biệt các thư của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô), nhưng cũng bởi các Tin mừng, đặt căn bản trên lời chứng của "các nhân chứng tận mắt và những người phục vụ Lời Chúa" (Lc 1:2; xem Ga 1,14).

2 Pr 3:15-16 cũng quan trọng không kém đối với việc thấu hiểu khái niệm Qui điển cho cả hai Giao ước và đặc tính được linh hứng của nó. Thánh Phêrô, sau khi giải thích sự chậm trễ của parousia (quang lâm, xem 2 Pr 3:3-14), đã đề cao việc ngài hội tụ với Thánh Phaolô: "như ông Phaolô, người anh em thân mến của chúng ta, đã viết cho anh em, theo ơn khôn ngoan Thiên Chúa đã ban cho ông. Ông cũng nói như vậy trong tất cả các thư của ông, khi bàn đến các vấn đề này. Trong các thư ấy, có những chỗ khó hiểu; những chỗ ấy cũng như những chỗ khác trong Kinh Thánh, bị những kẻ vô học và nông nổi xuyên tạc, khiến chúng phải chuốc lấy hoạ diệt vong”.

Bản văn nhắc đến một bộ sưu tập các thư của Thánh Phaolô mà các người nhận của Thánh Phêrô đã nhận được. Lời khẳng định rằng Thánh Phaolô đã viết "theo ơn khôn ngoan đã được ban cho ông" trình bày ngài như một người viết được linh hứng. Việc giải thích sai các đoạn văn khó của Thánh Phaolô được so sánh với các giải thích sai "phần còn lại của Kinh thánh": theo cách này, các trước tác của Thánh Phaolô và thư của Thánh Phêrô, nhờ các trước tác này củng cố, được nối kết với "các Sách thánh", những sách, giống như các bản văn tiên tri, đều được Thiên Chúa linh hứng (2 Pr 1:20-21).

4.5 Việc tiếp nhận các Sách thánh và việc hình thành Qui điển



60. Những cuốn sách ngày nay hợp thành Kinh thánh của chúng ta không tự trình bày như "qui điển". Thế giá của chúng, nhờ được linh hứng, phải được cộng đồng nhìn nhận và chấp nhận, bất chấp là Hội đường (Do Thái) hay Giáo hội. Do đó, điều có liên quan là lưu ý tới diễn trình lịch sử của việc nhìn nhận này.

Nền văn học nào cũng có các sách cổ điển của nó. Một sách "cổ điển" xuất phát từ môi trường văn hóa của một dân tộc nhất định, nhưng đồng thời khai mở ngôn ngữ của xã hội đó, và tự đặt để như mô hình cho các người viết trong tương lai. Một cuốn sách sẽ không trở thành "cổ điển" bởi nghị định của một cơ quan nào đó, nhưng vì được công nhận như thế bởi những người có văn hóa nhất của dân tộc. Tương tự như vậy, có thể nói như thế, nhiều tôn giáo có những sách "cổ điển" của họ. Trong trường hợp này, các trước tác được chọn phản ảnh các niềm tin của thành viên các tôn giáo này, những người tìm thấy ở đó nền tảng của thực hành tôn giáo của họ. Đây là trường hợp ở vùng Cận Đông xưa, ở Lưỡng Hà và cả ở Ai Cập nữa. Cùng một hiện tượng như thế đã xảy ra cho người Do Thái, những người, đặc biệt ý thức mình là dân được Thiên Chúa chọn, tự đồng hóa mình cách hữu cơ với truyền thống tôn giáo của họ. Trong số các trước tác khác nhau được lưu giữ trong các văn khố của họ, các kinh sư đã chọn những trước tác chứa đựng luật lệ thánh thiêng, câu truyện lịch sử quốc gia họ, các sấm ngôn tiên tri và bộ sưu tập những lời lẽ khôn ngoan trong đó, dân tộc Do Thái có thể tìm thấy bản sắc của họ và nhận ra nguồn gốc đức tin của mình. Cùng một hiện tượng như thế đã xảy ra nơi các Kitô hữu trong các thế kỷ đầu tiên, với các trước tác tông đồ chứa trong Tân Ước.



Thời kỳ tiền lưu đầy



Các nghiên cứu chú giải cho rằng rất có thể việc lựa chọn các truyền thống thành văn hoặc truyền khẩu, trong đó có các lời lẽ tiên tri và nhiều Thánh vịnh, đã bắt đầu ngay cả trước cuộc lưu đày. Trên thực tế, người ta tìm thấy ở Grm 18:18 công thức sau: "Vì thiếu tư tế, lề luật không chết, thiếu hiền nhân, không thiếu ý kiến, thiếu ngôn sứ, không thiếu lời dạy bảo”. Cuộc cải cách của Giôsigia dựa trên sách Giao ước (có lẽ là Đệ nhị luật) được tìm thấy trong Đền thờ (2 V 23:2).



Thời kỳ hậu lưu đày




Chính ở lúc trở về từ lưu đày, dưới sự thống trị của Ba Tư, chúng ta có thể nói tới các khởi đầu của sự hình thành một bộ Qui điển 3 phần – Lề luật, Các Tiên tri và Trước tác (có bản chất chủ yếu khôn ngoan). Những người sống sót cuộc lưu đầy Babylon cần phải tìm lại bản sắc của họ như dân giao ước. Do đó, điều cần thiết là phải hệ thống hóa lề luật, mà chính nhà cầm quyền Ba Tư cũng yêu cầu điều này. Việc sưu tập các câu chuyện lịch sử đã nối kết những người sống sót trở về với Giuđêa tiền lưu đầy; các sách tiên tri cho phép giải thích các lý do của lưu đầy, trong khi các Thánh vịnh là điều không thể thiếu đối với việc thờ phượng ở Đền thờ vừa được tái thiết. Và vì người ta tin rằng kể từ triều đại Áttắcxátta (465 - 423 trước Công nguyên), việc nói tiên tri đã chấm dứt và Thánh Thần đã được truyền cho các thánh hiền (xin xem Flavius Josephus, Contr. Ap.1, 8,41, Ant. 13,311-313), nhiều cuốn sách về khôn ngoan bắt đầu được trước tác bởi các kinh sư có văn hóa. Những vị này chịu trách nhiệm thu thập những cuốn sách, do tính cổ xưa của chúng, sự tôn kính người ta dành cho chúng và thế giá của chúng, có thể cung cấp cho những người sống sót một bản sắc xác định, cả đối với các chủ nhân mới của họ. Do đó, không được loại trừ các lý do chính trị và xã hội trong việc hình thành ra Qui điển lúc ban đầu. Người ta có thể coi chính phủ của Nơkhemia như giai đoạn cuối cùng hình thành ra Qui điển. Thực thế, 2 Mcb 2:13-15 đề cập đến sự kiện này: Nơkhemia đã thành lập một thư viện, bằng các thu thập tất cả các sách liên quan đến các vị vua và các tiên tri, và các trước tác của Đavít, cũng như các bức thư của các vị vua liên quan đến lễ vật biệt hiến. Hơn nữa, như trong thời của Giôsigia, kinh sư Ezra đọc một cách có thẩm quyền cho dân sách Lề Luật Môsê (xem Nkm 8).

Các kinh sư của thời kỳ hậu lưu đày không bằng lòng thu thập những cuốn sách có thế giá ở bình diện tôn giáo. Họ cập nhật lề luật và các câu chuyện lịch sử, thu thập các sấm ngôn tiên tri và thêm vào đó các bình luận nhằm giải thích chúng, và soạn một cuốn sách duy nhất từ nhiều tài liệu khác nhau (như sách Isaia, hoặc sách Mười hai Tiên tri). Họ còn soạn thảo các Thánh vịnh mới và cho chúng một hình thức khôn ngoan. Họ thống nhất tất cả dưới thế giá của nhà làm luật Môsê và là một nhà tiên tri ngoại hạng, dưới thế giá của Đavít, thánh vịnh gia và của Sôlômôn, nhà thánh hiền. Bộ trước tác do đó mà có rất hữu ích cho việc nâng đỡ đức tin, nhất là lúc phải đối đầu với những thách thức văn hóa của thời Ba Tư và Hy Lạp. Đồng thời, họ bắt đầu chỉnh sửa bản văn của những cuốn sách cổ xưa nhất, nhờ thế, qui điển và bản văn phát triển trong tương quan qua lại với nhau.

Thời Maccabê



Một vấn đề mới xuất hiện khi Antiôkhô IV phá hủy mọi sách thánh thiêng của người Do Thái. Một sự sắp xếp lại đã tự chứng minh là cần thiết, và điều này đã dẫn đến hồi cuối cùng (terminus ad quem) của kỷ nguyên Cựu Ước. Trong các thập niên đầu tiên của thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, Sách Huấn ca thiết lập việc phân loại đầu tiên các sách thánh thành Lề luật, Tiên tri và Trước tác theo sau các ngài (xem Lời mở đầu Sách Huấn ca). Trong Hc 44-50, tác giả kể lại lịch sử của Israel từ nguồn gốc của nó đến thời của ông; trong Hc 48:1-11, ông minh nhiên nhắc đến tiên tri Êlia, trong Hc 48: 20-25, nhắc đến Isaia và trong Hc 49:7-10, nhắc đến Giêrêmia, Êdêkien và Mười hai Tiên tri. Khoảng năm mươi năm sau, 1 Mcb 1:56-57 cho chúng ta hay rằng người Xêlêukít, trong cuộc bách hại của Antiôkhô, đã đốt các sách Lề luật và sách Giao ước, nhưng 2 Mcb 2:14 nhắc đến việc Giuđa Maccabê thu thập các sách được cứu thoát khỏi cuộc bách hại.

Trong thế kỷ thứ nhất của kỷ nguyên Kitô giáo, Flavius Josephus kể lại rằng hai mươi hai cuốn sách được người Do Thái công nhận là sách thánh (Contr. Ap. 1,37-43), những cuốn sách chứa đựng lề luật, các truyền ký, thánh ca và lời khuyên. Con số này có thể được giải thích như sau: nhiều cuốn sách, được tách khỏi các ấn bản Kinh Thánh của chúng ta (ví dụ: Mười hai Tiên tri chẳng hạn), đã được tính như một. Con số 22 có thể có nghĩa là hoàn tất, bởi vì nó tương ứng với số lượng chữ cái trong bảng mẫu tự Do Thái. Ngày nay, người ta đề nghị định niên biểu ngày kết thúc qui điển Do Thái vào thế kỷ thứ hai của thời đại chúng ta, hoặc thậm chí sau đó, vì các lý do nội bộ của Do Thái giáo, hoặc để chống lại các sách Tân Ước được các Kitô hữu coi là Kinh thánh. Sự phân biệt, đôi khi được thiết lập giữa Qui điển Palestine gồm 22 sách và Qui điển lớn hơn trong cộng đồng người di tản, ngày nay không còn cần thiết nữa, đặc biệt sau các khám phá tại Qumran.



Qui điển Cựu Ước nơi các Giáo phụ



Chúng ta cũng tìm thấy sự dị biệt nơi các Giáo phụ của Giáo hội giữa những vị chấp nhận một Qui điển ngắn, có lẽ để có thể đối thoại với người Do Thái, và những vị cũng bao gồm các đệ nhị qui điển (deutérocanoniques, viết bằng tiếng Hy Lạp) nơi các sách được Giáo hội tiếp nhận. Tại Công đồng Hippo, vào năm 393, một công đồng có sự tham dự của Thánh Augustinô, lúc đó mới chỉ là một linh mục tầm thường, các giám mục của Châu Phi, khi ấn định tiêu chuẩn cho việc đọc sách công khai trong phần lớn các giáo hội, hoặc trong các giáo hội chính, đã cung cấp nền tảng cho việc tiếp nhận các đệ nhị qui điển, một việc tiếp nhận đã được áp đặt dứt khoát thời trung cổ. Trong Giáo Hội Công Giáo, chính Công đồng Trente đã chấp thuận hình thức dài của Qui điển, ngược với các nhà cải cách đã trở lại hình thức ngắn gọn của nó. Phần lớn các Giáo hội Chính thống không khác với Giáo Hội Công Giáo, nhưng có những khác biệt giữa các Giáo hội Đông phương cổ xưa khác nhau.

Việc hình thành Qui điển Tân Ước



61. Giờ đây, khi xem xét việc hình thành các sách Tân Ước, trước tiên chúng ta hãy lưu ý sự kiện này: nội dung các sách này đã được các giáo hội tiếp nhận trước khi được viết ra, bởi vì các tín hữu tiếp nhận lời rao giảng của Chúa Kitô và các tông đồ trước khi các sách thánh được soạn thảo. Chỉ cần nghĩ tới lời mở đầu của Tin Mừng Luca, nơi có lời khẳng định rằng bản văn tin mừng của ngài không tìm kiếm gì hơn là cung cấp, qua câu chuyện về Chúa Giêsu, một nền tảng vững chắc cho các giáo huấn mà Theophilus đã nhận được. Mặc dù nhiều trước tác đã từng có đó đây, chúng đều bày tỏ một nhu cầu nội bộ của các cộng đồng Kitô hữu: thêm phần didachè (giáo huấn thành văn) vào kerygma (giáo lý sơ truyền). Ban đầu được đọc bởi các cộng đoàn tụ tập, là các cộng đoàn chúng muốn ngỏ lời, những trước tác này dần dần được truyền đến các giáo hội khác vì thế giá tông truyền của chúng. Không thể nhầm lẫn việc chấp nhận những văn kiện này - nói bằng thẩm quyền của Chúa Giêsu và các tông đồ - với sự tiếp nhận chúng như là "Kinh thánh", như Cựu Ước. Chúng ta đã nhắc đến các chỉ dẫn được 2 Pr 3:15-16 cung cấp, nhưng phải đợi đến cuối thế kỷ thứ hai, ý tưởng đồng giá trị giữa hai Qui điển mới được tổng quát hóa, và các sách gọi là "Cựu Ước" và các sách gọi là "Tân Ước" mới được đưa lên cùng một bình diện.

Trong thế kỷ thứ nhất của kỷ nguyên chúng ta, người ta đã từ "tài liệu" (document) (có dạng sách cuộn) bước sang “bộ văn bản” (codex) (bao gồm các trang được nối lại với nhau, như thông lệ ngày nay ta quen làm cho một cuốn sách); điều này đóng góp đáng kể vào việc tạo ra các tuyển tập văn học nhỏ có thể được chứa trong một tập (volume) duy nhất, trước hết là các Tin Mừng và các thư của Thánh Phaolô. Những ám chỉ đến việc tạo ra một bộ trước tác Gioan (corpus johanneum) và một bộ các thư chung thì sau này mới có.

Sự cần thiết phải ấn định bộ sưu tập các trước tác có thẩm quyền xuất hiện khi, vào đầu thế kỷ thứ hai, phái ngộ đạo bắt đầu soạn thảo các tác phẩm có cùng thể văn như các tác phẩm của Giáo hội phổ quát (các Tin mừng, Công vụ, các Thư và các sách khải huyền) để phổ biến học thuyết của họ. Nhu cầu lúc đó cảm thấy cần phải thiết lập các tiêu chuẩn chắc chắn để phân biệt các bản văn chính thống và các bản văn không chính thống. Một số nhóm cực đoan Do Thái-Kitô giáo, chẳng hạn như phái Êbion (Duy Bần, chối bỏ thiên tính của Chúa Giêsu), thích lên án việc hoài niệm (damnatio memoriae) của Thánh Phaolô, trong khi nhóm Montanô coi trọng thái quá các đặc sủng. Thánh Luca, với Công vụ các Tông đồ, gây ảnh hưởng quyết định đối với việc ủng hộ học thuyết của Thánh Phaolô, vì phần lớn cuốn sách này mô tả hoạt động của Thánh Phaolô và sự thành công của sứ mệnh ngài. Theo cách riêng của mình, Marcion cũng đóng góp vào diễn trình tiếp nhận các bản văn Tân Ước, với việc ông chọn Thánh Phaolô và Thánh Luca làm các trước tác "qui điển" duy nhất, do đó tạo ra một phản ứng mang ra ánh sáng các trước tác đã được các Kitô hữu tôn kính. Các tiêu chuẩn để biện phân đang dần xuất hiện, trong đó việc đọc công khai và phổ quát, tính Tông truyền, hiểu như truyền thống đích thực của một Tông đồ, và nhất là qui luật đức tin (regula fidei, Thánh Irénée), nghĩa là việc không mâu thuẫn của một trước tác với truyền thống tông đồ được các giám mục trong mọi giáo hội truyền tải. Marcion không thể cho rằng mình có tính Công Giáo (catholicitas) này, vì ông giới hạn truyền thống Tông đồ vào các trước tác của Thánh Phaolô mà thôi và làm ngơ các truyền thống Phêrô, Gioan và Do Thái-Kitô giáo.

Từ cuối thế kỷ thứ hai trở đi, bắt đầu xuất hiện các bản liệt kê các sách Tân Ước. Được phổ quát chấp nhận là Bốn sách Tin Mừng, Sách Công vụ, mười ba thư Thánh Phaolô đã được chấp nhận phổ biến, trong khi có nhiều do dự đối với thư Do Thái, các thư chung và cả sách Khải huyền nữa. Trong một số bản liệt kê, thư thứ nhất của Thánh Clêmentê, mục tử Hermas và một số trước tác khác đã được thêm vào. Nhưng những trước tác này, vì không được đọc một cách phổ quát, nên không được lồng vào Qui Điển. Công đồng Hippo (cuối thế kỷ thứ 4) ấn định Qui điển cho Tân Ước, trên cơ sở đồng thuận phổ quát của các giáo hội, được phát biểu trong nhiều tuyên bố của Huấn quyền và được chứng thực bằng các tuyên bố của các công đồng khu vực khác nhau. Qui điển này được xác nhận bởi định nghĩa tín điều của Công đồng Trent.

Khác với Qui điển Cựu Ước, hai mươi bảy sách Tân Ước được công nhận là các sách qui điển bởi người Công Giáo, Chính thống giáo và Thệ phản. Việc tiếp nhận các sách này của cộng đồng tín hữu nói lên việc công nhận ơn linh hứng thần thiêng của chúng, và phẩm tính sách thánh thiêng và qui phạm của chúng.

Như đã nói, đối với Giáo Hội Công Giáo, việc công nhận dứt khoát và chính thức đối với qui điển “dài” của Cựu Ước và hai mươi bảy cuốn sách của Tân Ước đã diễn ra tại Công đồng Trent (Denz, 1501-1503). Việc ấn định của công đồng đã trở nên cần thiết do sự kiện này: các nhà Cải cách đã loại trừ các sách đệ nhị qui điển khỏi qui điển truyền thống.

Kỳ tới: Phần II: CHỨNG TỪ CỦA CÁC TRƯỚC TÁC KINH THÁNH VỀ SỰ THẬT CỦA CHÍNH CHÚNG