Phù vân và giá trị đích thực
Chúa Nhật XVIII Thường Niên C
Gv 1,2; 2,21-23; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay gợi cho chúng ta chủ đề về ý nghĩa cuộc sống và thái độ cần có, đáng cho chúng ta suy gẫm và áp dụng vào đời sống mình. Chúng ta lần lượt tìm hiểu về sự phù vân được nói ở trong bài đọc I, về nền tảng của đời sống mới được nói trong bài đọc II, và thái độ cần có đối với của cải được đề cập trong bài Tin Mừng.
1- Mọi sự chỉ là phù vân
Trong bài đọc I, được trích từ sách Giảng Viên, ông Côhelét quả quyết: “Phù vân quả là phù vân. Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân... Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền.”
Theo các nhà chú giải, tác giả Côhelét là người tri thức, một người đứng đầu hay là người giảng dạy trong một cộng đoàn. Ưu tư của ông là đi tìm chân lý của cuộc sống, theo một lối tiếp cận rất hiện sinh và thực tế, chứ không theo lối trừu tượng, lý luận. Sách Giảng Viên khởi đi và kết thúc với một tư tưởng, một trực giác chủ đạo: “Phù vân, quả là phù vân!” Theo đó, vũ trụ cũng như đời người là một cái vòng xoay luẩn quẩn và nhàm chán. Xem ra cái nhìn của Côhelét rất bi quan yếm thế, tiêu cực về cuộc đời và con người. Nhưng lại rất thật, rất đúng. Nên cuốn sách này được xếp vào loại các sách khôn ngoan trong Kinh Thánh. Ông quan sát cuộc đời và kết luận: mọi sự là phù vân. Theo tiếng Do Thái, phù vân được dịch từ một danh từ Hípri ‘hebel,’ có nghĩa là làn gió, làn khói, như hơi nước, không khí. Vì thế, hình ảnh này được dùng để chỉ những gì là phù vân, không bền chắc và chóng qua. Mọi cái như hơi nước, như khí, đều qua đi, không có giá trị gì cả: trời đất sẽ qua, con người sẽ phải chết, của cải, danh vọng, hưởng lạc cũng chẳng mang lại tích sự gì.
Kinh nghiệm này cũng chính là kinh nghiệm của chúng ta hôm nay, nhất là với những người đã từng trải trong cuộc sống. Nhiều lúc chúng ta cũng trải qua những kinh nghiệm không mấy sáng sủa: tình yêu, tiền bạc, danh vọng và hưởng lạc, cuối cùng chỉ là phù vân!
2- Đâu là giá trị cuộc sống?
Vậy thì sống để làm gì? Đâu là giá trị đích thực của cuộc sống? Vượt trên những gì là phù vân, cái gì tồn tại? Ông đi tìm kiếm lý lẽ của cuộc sống, bên trên và đằng sau vòng luẩn quẩn đó. Đối với ông, nền tảng đó chính là niềm tin vào một Thiên Chúa tốt lành và quan phòng, luôn hành động trong lịch sử và trong đời sống con người, đó là niềm hy vọng: dù mọi sự trong cuộc đời này có phù vân đến đâu, thì cuối cùng đời người sẽ “còn lại” một điều gì đó tốt đẹp mà cái chết cũng không cướp đi được. Như thế, lời của ông Côhelét xem ra tiêu cực, nhưng cuối cùng nó dẫn chúng ta tới một niềm tin và hy vọng rất tích cực. Tuy nhiên, niềm tin còn cần phải được Đức Kitô soi chiếu.
Chúng ta tìm thấy ánh sáng soi chiếu cho niềm tin này trong bài đọc II trích từ thư Côlôxê. Thánh Phaolô nói về niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh là nền tảng cho niềm hy vọng và đời sống mới của chúng ta: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.” Thánh Phaolô còn xác tín rằng được biết Đức Kitô là mối lợi lớn nhất. Ngài nói: “Tôi coi tất cả là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rơm rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,8).
Quả thế, nếu Đức Giêsu không đến thế gian để cứu độ con người, mọi sự chỉ là phù vân. Cái chết sẽ chấm dứt mọi sự. Và nếu Đức Giêsu không chỗi dậy từ cõi chết, thì niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta trở nên hão huyền! Nhưng nhờ mầu nhiệm nhập thể, tử nạn và phục sinh của Người, giá trị cuộc sống được tái lập, con người được tạo dựng cho điều cao cả và vĩnh cửu, chứ không phải cho sự phù vân và hư mất. Với bí tích Rửa Tội, chúng ta được tham dự vào đời sống mới trong Chúa Kitô, trở thành con cái Thiên Chúa trong Thánh Thần.
Vì là con Thiên Chúa và được cứu độ bởi giá máu châu báu của Chúa Kitô, thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng... Anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa, để được ơn thông hiểu.” Đó là đời sống mới, con người mới trong Chúa Kitô.
3- Tránh lối sống hưởng thụ ích kỷ
Để sống như những con người mới, Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng mời gọi chúng ta cảnh giác với thái độ tự thỏa mãn với của cải vật chất và hưởng thụ ích kỷ thú vui ở đời qua câu chuyện người phú hộ trong dụ ngôn. Theo đó, ông không bị lên án bởi vì ông ta giàu có, cũng không phải vì ông tự đảm bảo tương lai cho mình, nhưng ông bị lên án vì ông không quan tâm đến Thiên Chúa và tha nhân. Ông tự thỏa mãn với những gì mình có và hưởng thụ một cách ích kỷ, không biết chia sẻ với tha nhân. Ông tự nhủ: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã.” Ông trở thành người tôn thờ của cải và sự giàu có của mình. Ông là người ngốc bởi vì ông không biết rằng, mọi sự là phù vân nếu thần chết gõ cửa mà cuộc đời không có Thiên Chúa.
Bài học mà Chúa Giêsu muốn gửi tới chúng ta là thái độ đúng đắn trước của cải vật chất. Cũng như mọi người, tất cả chúng ta đều muốn sống hạnh phúc, sống tốt. Thiên Chúa cũng muốn tất cả con cái Người không thiếu thốn những gì cần thiết cho cuộc sống. Biết làm giàu một cách lương thiện là một điều đẹp lòng Chúa. Có của cải vật chất không phải là điều đáng chê trách, đó là điều đáng ước ao. Tuy nhiên, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tránh lối sống coi của cải là trên hết, hay biến chúng như một thứ ngẫu tượng cuộc đời, nhưng biết dùng tiền của để mưu cầu hạnh phúc đời này và đời sau, biết sử dụng tiền của để sống đẹp ý Chúa, và biết giúp đỡ tha nhân, nhất là những người nghèo khó.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết ý thức về sự phù vân của cuộc sống, biết tìm kiếm những gì thuộc thượng giới là chính Thiên Chúa và biết sống quảng đại chia sẻ với tha nhân. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
Gv 1,2; 2,21-23; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay gợi cho chúng ta chủ đề về ý nghĩa cuộc sống và thái độ cần có, đáng cho chúng ta suy gẫm và áp dụng vào đời sống mình. Chúng ta lần lượt tìm hiểu về sự phù vân được nói ở trong bài đọc I, về nền tảng của đời sống mới được nói trong bài đọc II, và thái độ cần có đối với của cải được đề cập trong bài Tin Mừng.
1- Mọi sự chỉ là phù vân
Trong bài đọc I, được trích từ sách Giảng Viên, ông Côhelét quả quyết: “Phù vân quả là phù vân. Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân... Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền.”
Theo các nhà chú giải, tác giả Côhelét là người tri thức, một người đứng đầu hay là người giảng dạy trong một cộng đoàn. Ưu tư của ông là đi tìm chân lý của cuộc sống, theo một lối tiếp cận rất hiện sinh và thực tế, chứ không theo lối trừu tượng, lý luận. Sách Giảng Viên khởi đi và kết thúc với một tư tưởng, một trực giác chủ đạo: “Phù vân, quả là phù vân!” Theo đó, vũ trụ cũng như đời người là một cái vòng xoay luẩn quẩn và nhàm chán. Xem ra cái nhìn của Côhelét rất bi quan yếm thế, tiêu cực về cuộc đời và con người. Nhưng lại rất thật, rất đúng. Nên cuốn sách này được xếp vào loại các sách khôn ngoan trong Kinh Thánh. Ông quan sát cuộc đời và kết luận: mọi sự là phù vân. Theo tiếng Do Thái, phù vân được dịch từ một danh từ Hípri ‘hebel,’ có nghĩa là làn gió, làn khói, như hơi nước, không khí. Vì thế, hình ảnh này được dùng để chỉ những gì là phù vân, không bền chắc và chóng qua. Mọi cái như hơi nước, như khí, đều qua đi, không có giá trị gì cả: trời đất sẽ qua, con người sẽ phải chết, của cải, danh vọng, hưởng lạc cũng chẳng mang lại tích sự gì.
Kinh nghiệm này cũng chính là kinh nghiệm của chúng ta hôm nay, nhất là với những người đã từng trải trong cuộc sống. Nhiều lúc chúng ta cũng trải qua những kinh nghiệm không mấy sáng sủa: tình yêu, tiền bạc, danh vọng và hưởng lạc, cuối cùng chỉ là phù vân!
2- Đâu là giá trị cuộc sống?
Vậy thì sống để làm gì? Đâu là giá trị đích thực của cuộc sống? Vượt trên những gì là phù vân, cái gì tồn tại? Ông đi tìm kiếm lý lẽ của cuộc sống, bên trên và đằng sau vòng luẩn quẩn đó. Đối với ông, nền tảng đó chính là niềm tin vào một Thiên Chúa tốt lành và quan phòng, luôn hành động trong lịch sử và trong đời sống con người, đó là niềm hy vọng: dù mọi sự trong cuộc đời này có phù vân đến đâu, thì cuối cùng đời người sẽ “còn lại” một điều gì đó tốt đẹp mà cái chết cũng không cướp đi được. Như thế, lời của ông Côhelét xem ra tiêu cực, nhưng cuối cùng nó dẫn chúng ta tới một niềm tin và hy vọng rất tích cực. Tuy nhiên, niềm tin còn cần phải được Đức Kitô soi chiếu.
Chúng ta tìm thấy ánh sáng soi chiếu cho niềm tin này trong bài đọc II trích từ thư Côlôxê. Thánh Phaolô nói về niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh là nền tảng cho niềm hy vọng và đời sống mới của chúng ta: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.” Thánh Phaolô còn xác tín rằng được biết Đức Kitô là mối lợi lớn nhất. Ngài nói: “Tôi coi tất cả là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rơm rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,8).
Quả thế, nếu Đức Giêsu không đến thế gian để cứu độ con người, mọi sự chỉ là phù vân. Cái chết sẽ chấm dứt mọi sự. Và nếu Đức Giêsu không chỗi dậy từ cõi chết, thì niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta trở nên hão huyền! Nhưng nhờ mầu nhiệm nhập thể, tử nạn và phục sinh của Người, giá trị cuộc sống được tái lập, con người được tạo dựng cho điều cao cả và vĩnh cửu, chứ không phải cho sự phù vân và hư mất. Với bí tích Rửa Tội, chúng ta được tham dự vào đời sống mới trong Chúa Kitô, trở thành con cái Thiên Chúa trong Thánh Thần.
Vì là con Thiên Chúa và được cứu độ bởi giá máu châu báu của Chúa Kitô, thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng... Anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa, để được ơn thông hiểu.” Đó là đời sống mới, con người mới trong Chúa Kitô.
3- Tránh lối sống hưởng thụ ích kỷ
Để sống như những con người mới, Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng mời gọi chúng ta cảnh giác với thái độ tự thỏa mãn với của cải vật chất và hưởng thụ ích kỷ thú vui ở đời qua câu chuyện người phú hộ trong dụ ngôn. Theo đó, ông không bị lên án bởi vì ông ta giàu có, cũng không phải vì ông tự đảm bảo tương lai cho mình, nhưng ông bị lên án vì ông không quan tâm đến Thiên Chúa và tha nhân. Ông tự thỏa mãn với những gì mình có và hưởng thụ một cách ích kỷ, không biết chia sẻ với tha nhân. Ông tự nhủ: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã.” Ông trở thành người tôn thờ của cải và sự giàu có của mình. Ông là người ngốc bởi vì ông không biết rằng, mọi sự là phù vân nếu thần chết gõ cửa mà cuộc đời không có Thiên Chúa.
Bài học mà Chúa Giêsu muốn gửi tới chúng ta là thái độ đúng đắn trước của cải vật chất. Cũng như mọi người, tất cả chúng ta đều muốn sống hạnh phúc, sống tốt. Thiên Chúa cũng muốn tất cả con cái Người không thiếu thốn những gì cần thiết cho cuộc sống. Biết làm giàu một cách lương thiện là một điều đẹp lòng Chúa. Có của cải vật chất không phải là điều đáng chê trách, đó là điều đáng ước ao. Tuy nhiên, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tránh lối sống coi của cải là trên hết, hay biến chúng như một thứ ngẫu tượng cuộc đời, nhưng biết dùng tiền của để mưu cầu hạnh phúc đời này và đời sau, biết sử dụng tiền của để sống đẹp ý Chúa, và biết giúp đỡ tha nhân, nhất là những người nghèo khó.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết ý thức về sự phù vân của cuộc sống, biết tìm kiếm những gì thuộc thượng giới là chính Thiên Chúa và biết sống quảng đại chia sẻ với tha nhân. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét