Trang

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

2 Tâm trạng cô đơn trong Sách Thánh Do Thái (2/4)


Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser 

Những nguyên do của cô đơn
Mặc dù nhiều lần nói đến cô đơn, nhưng Sách Thánh Do Thái luôn luôn nói một cách không rõ ràng. Vì thế, khi tìm hiểu các phân tích và lời giải cho vấn đề cô đơn của con người, nên nhìn thông điệp cách tổng thể thì có lợi hơn là trượt dài trong những đoạn văn cụ thể.
Sách Thánh Do Thái nhìn nhận điều gì là căn nguyên của tâm trạng cô đơn? Có nhiều dạng cô đơn được nhận diện gắn liền với những nguyên do khác nhau. Về cơ bản, có ba nguyên do, mỗi một dạng tương ứng với một dạng cô đơn đặc thù.
  1. Tội lỗi gây nên tâm trạng cô đơn
  2. Cô đơn do tính cách phù du của mọi chuyện
  3. Cô đơn do bản chất rất tự nhiên của con người
  1. Tội lỗi gây nên tâm trạng cô đơn
Sách Thánh Do Thái xem tội lỗi là tác nhận chính của tâm trạng cô đơn.  Theo cách nhìn sự việc của họ, thông thường khi chúng ta tự thấy mình cô đơn, đó là do tội: tội của chúng ta, tội của người khác, hay tình trạng tội của toàn thể nhân loại. Vì vậy, tội góp phần hủy hoại tình yêu và sự thật, là những gì có thể đưa chúng ta đến gần với nhau, và rồi thay thế những gì tốt đẹp ấy bằng ích kỷ, bất tín đẩy chúng ta xa nhau, và có lẽ đó là một sự chia tách mạnh mẽ nhất. Tội gây nên cô đơn. Sách Thánh Do Thái xem điều này có thể xảy ra theo nhiều cách.
Đầu tiên, tội làm tha hóa vì nó hủy hoại sự hòa hợp đúng đắn của chúng ta với Thiên Chúa. Kết quả là cô đơn, vì chúng ta không còn giữ được mối dây liên hệ thích đáng với sự thật toàn vẹn. Hơn nữa, tình trạng này chắc chắn sẽ hủy hoại mối hòa hợp thích đáng và các quan hệ của chúng ta với tha nhân, vì khi không còn đi bên cạnh Thiên Chúa, thì đồng thời chúng ta cũng không còn đi bên cạnh tha nhân. Không một ai có thể phá bỏ ba điều răn đầu tiên mà vẫn hy vọng rằng có thể giữ bảy điều răn tiếp sau. Và như vậy, trong tư tưởng này, tội ở bất kỳ dạng nào cũng đều gây nên tâm trạng cô đơn.
Điều này được minh họa nhiều lần trong sách thánh Do Thái. Ví dụ như, trong mười một chương đầu sách Sáng Thế, chúng ta thấy một chuỗi tội lỗi: Ađam và Eva, Cain và Abel, Tháp Babel. Mỗi chuyện cho thấy khi con người mất đi sự hòa hợp thiết thực với Thiên Chúa, chắc chắn sẽ dẫn đến một sự bất hòa với tha nhân. Câu chuyện của Cain và Abel làm rõ điều này. Thường thì chúng ta xem câu chuyện này là hình ảnh minh họa cho tính đố kỵ và các tác động tàn phá của nó lên mối quan hệ giữa người với người. Câu chuyện này đúng là nói về vấn đề đó với tính cách biểu tượng, nhưng nó còn có ý nghĩa cao hơn nữa. Mục đích chính của nó nghiêng về thần học, cụ thể mô tả, đến một mức nào đó, việc phá vỡ mối quan hệ hòa hợp với Thiên Chúa lúc nào cũng dẫn chúng ta đi đến việc phá đổ hòa hợp với tha nhân. Thật vậy, toàn bộ lịch sử của dân Do Thái đã nói lên điều này. Bất cứ lúc nào dân Do Thái thờ tà thần, đồng hóa với dân ngoại, hay bất trung với Giao ước đã ký với Đức Chúa, thì chính lúc đó, nội bộ dân bị bất hòa. Thiếu đi sự hòa hợp đúng đắn với Thiên Chúa, dẫn đến một cái nhìn méo mó về hiện thực. Điều này chắc chắn dẫn chúng ta đến ích kỷ, bất tín, đố kỵ, bạo lực, các con đường dẫn đến bất hòa và cô đơn.
Tội rõ ràng có trách nhiệm trong việc cô đơn, quan điểm này được trình bày trong suốt sách thánh Do Thái, tội trực tiếp gây nên bất hòa giữa con người với nhau. Thật sự chúng ta rất cần Sách Thánh nói cho chúng ta biết điều này. Chúng ta trải nghiệm nó mỗi ngày trong đời sống của mình. Không gì chia rẽ chúng ta khỏi tha nhân và làm chúng ta cô lập cho bằng mãnh lực của tội lỗi. Kiêu ngạo và ích kỷ, bội tín và lợi dụng, ghen tương và tham lam, bất lương và khép kín, định kiến và phê phán bất công, thiếu lòng tôn kính và nhân tính: những mãnh lực này như lưỡi dao liên tục cắt rời bất kỳ thứ gì và thậm chí cắt rời tất cả mọi thứ có thể gắn kết mạnh mẽ chúng ta lại với nhau trong tình yêu, một tình yêu có thể thắng vượt tâm trạng cô đơn khốn khổ của chúng ta.
Sách Thánh Do Thái có nhiều ví dụ về điều này. Một trong những ví dụ sâu sắc nhất nằm ngay phần mở đầu của Kinh Thánh, câu chuyện về Ađam và Evà. Sách Sáng Thế kể rằng, trước khi phạm tội, “con người và vợ mình đều trần truồng và không xấu hổ vì điều đó.” Tuy nhiên, ngay khi vừa phạm tội, “mắt họ mở ra và họ nhận ra mình đang trần truồng, và họ kết lá cây mà che thân.” Đây là một biểu tượng có sức biểu đạt mạnh mẽ.
Trước khi phạm tội, người đàn ông và người đàn bà có thể đối diện với nhau “trần truồng và không xấu hổ.” Họ có thể nhìn nhau trong tình trạng “không có gì che thân” mà không cần ngụy trang, không cần đến mánh khóe tâm lý, không cần sỹ diện và giả vờ. Họ có thể đến trước mặt nhau trong sự yếu mềm của mình, bởi vì trước khi phạm tội họ tin tưởng chính mình và vì thế tin tưởng lẫn nhau. Do vậy không cần phải giấu diếm điều gì, không cần bảo vệ điều gì. Khi phạm tội, những gì họ đánh mất không chỉ là sự ngây thơ của mình. Họ còn đánh mất niềm tin vào chính mình và rồi mất đi niềm tin vào người khác. Họ không còn thoải mái khi hiện diện trần trụi yếu đuối trước mặt người khác, và giờ đây họ lại thấy cần phải bảo vệ chính mình, phải mặc áo quần để giấu đi sự trần truồng và yếu mềm. Tội đẩy cả hai người vào nơi trú ẩn riêng của họ, và thực sự vạch ra một kẻ nứt nơi mối quan hệ mà họ từng có, một liên hệ tự do, tin tưởng và “trần trụi”. Giờ đây, họ bắt đầu sống trong cô đơn, phần nào trốn tránh người khác.
Chúng ta thấy một hình ảnh tương tự, có khi còn mạnh hơn, đó là câu chuyện Tháp Babel.  Thường thì câu chuyện này đơn giản giải thích nguyên khởi của các ngôn ngữ khác nhau trên trái đất. Dù đây là câu chuyện hấp dẫn mang tính tưởng tượng, nhưng nó vẫn còn xa so với ý định thực sự của ngòi bút thiêng liêng. Ý định của người viết là một điều gì đó mang tính thần học và thâm thúy hơn. Hơn cả việc cố gắng để giải thích về lịch sử ngôn ngữ, câu chuyện này là một nỗ lực để giải thích nguyên do vừa mang tính thần học và tâm lý cho sự chia rẽ trong thế giới và cho sự tha hóa mà chúng ta trải nghiệm với nhau.
Tác giả bắt đầu bằng việc mô tả tình trạng hòa hợp đã có, cũng như trước khi sa ngã, Ađam và Evà trần truồng mà không xấu hổ: “Lúc này, toàn thể mặt đất chỉ có một ngôn ngữ chung.” Rồi tội lỗi phá vỡ sự hòa hợp đó: Một thành phố nọ quyết định “xây một tòa tháp vươn đến tận thiên đàng.” Tuy nhiên, Thiên Chúa can thiệp vào và trước khi họ hoàn tất dự án khổng lồ này, Ngài đã làm xáo trộn ngôn ngữ để họ không còn hiểu nhau, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau và phân tán đi khắp nơi đến tận cùng trái đất.
Một thần thoại gây chú ý? Không. Đây là một phân tích sắc sảo thâm thúy về một trong những nguyên do của tâm trạng cô đơn con người. Chìa khóa để làm sáng tỏ câu chuyện này nằm ở động cơ xây dựng tòa tháp. Người ta xây dựng nó chính yếu không phải để thách thức Thiên Chúa và biểu lộ tính kiêu căng của mình, mà vì họ muốn gây ấn tượng với người khác – “hãy để chúng ta tạo cho mình một tên riêng.” Tội lỗi thật sự không phải là việc người dân ở Babel dám coi thường quyền năng Đức Chúa, mà vì họ chối từ tình trạng mềm yếu của mình trước người khác, thay vào đó họ xây nên một công trình lớn để gây ấn tượng nơi người khác. Kết quả là tha hóa vì con người chỉ nói cùng một thứ ngôn ngữ khi họ chấp nhận hiện diện trước nhau với bản thể đích thực của mình, mềm yếu, không cần đến các tòa tháp hùng vĩ ấn tượng. Sự mềm yếu là nơi con người hiện sinh có thể thực sự gặp nhau và nói cùng một thứ ngôn ngữ. Tội lỗi và kêu ngạo đã hủy hoại nơi này và đẩy chúng ta xa rời nhau, để chúng ta lảm nhảm trong thứ ngôn ngữ riêng, nay chúng ta phân tán đến từng góc xó xỉnh của riêng mình trên mặt đất này.
Ít có hình ảnh nào thích hợp để tượng trưng thật đầy đủ cho tâm trạng cô đơn như câu chuyện tháp Babel. Cũng như dân cư trong thành phố đó, mỗi chúng ta đều có vấp ngã riêng của mình, cố gắng xây lên một tòa tháp thật ấn tượng cho riêng mình, và rồi lại tự hỏi tại sao không có ai hiểu được những gì mình đang nói. Đơn giản và thuần túy, chúng ta chối bỏ chính mình. Rồi chúng ta tha hóa, không gần nhau vì không còn điểm chung với nhau – không còn một ngôn ngữ chung và chia sẻ chung. Liều thuốc giải cho tâm trạng cô đơn, con đường dẫn đến tình mật thiết và tình liên đới, nằm ở chính sự mềm yếu và trần trụi của tinh thần. Nó không thể không có ý nghĩa quan trọng mà thánh Luca đã mô tả khi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, những điểm đền bù cho các tai hại của tháp Babel là một trong những nguyên do chủ yếu của Thần Khí Thiên Chúa.
Bất hạnh thay, tất cả chúng ta đều có khuynh hướng xây các tòa tháp. Chúng ta không chấp nhận yếu mềm khi đi trên cuộc sống này. Ví dụ, chúng ta thường cố xây tháp Babel khi lần đầu gặp gỡ một ai đó. Không tự tin vào chính mình, muốn được chấp nhận và được yêu thích, nhanh chóng, chúng ta gắng tạo ấn tượng với người mới gặp. Chúng ta phô những gì tốt nhất với họ. Và người kia nhanh chóng thấy chúng ta rạng rỡ, xinh đẹp, tài năng và nhạy cảm biết chừng nào. Chúng ta ngụy tạo nhanh chóng, giới thiệu trình độ học vấn và các thành quả đã đạt được. Chúng ta làm tất cả chuyện này với hy vọng, khi thấy tòa tháp đẹp đẽ đó, họ sẽ không nhận ra thực chất của chúng ta là cô đơn, tự kỷ, không tự tin. Bất hạnh thay, những nổ lực này nhằm để lấn át và tạo quan hệ với tha nhân thường lại phản tác dụng và làm cho chúng ta nói một ngôn ngữ khác với ngôn ngữ người kia. Thường thường khi chúng ta nhận ra sự phản tác dụng này, để tạo uy tín chúng ta cố gắng phá bớt tòa tháp, hạ bớt kiêu căng, và cuối cùng để cho người kia thấy, thật ra, chúng ta cũng yếu mềm. Khi làm được điều này, tình bạn mới xây dựng được, vì người kia sẽ mến mộ chúng ta đơn giản vì chúng ta trung thực với chính mình. Tuy thế, thường thường tội vẫn ngăn không cho chúng ta trở nên con người đích thực của mình. Và cái giá phải trả cho nó là cô đơn.
J.B. Thái Hòa dịch 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét