Tử đạo thế kỷ 20

Tử đạo bao giờ cũng là để minh chứng đức tin. Thành thử lý do khiến cái chết của một người được kể là tử đạo khi họ là mục tiêu của lòng hận thù đối với đức tin Công Giáo (in odium fidei).

Các tử đạo Việt Nam thời nhà Nguyễn chắc chắn là những người bằng lòng chết dưới tay những người hận thù đức tin Công Giáo để làm chứng cho đức tin này. Dấu chỉ rõ ràng nhất là họ từ chối quá khóa, tức bước qua tượng Chịu Nạn. Nhưng bước sang thế kỷ 20, dấu chỉ này không hiển nhiên như thế và đức tin Công Giáo được hiểu theo một nghĩa hết sức rộng rãi. Suy cho cùng, đức tin này được biểu lộ, được phát biểu bằng nhiều biểu thức khác nhau, rất khác nhau.

Việc phong chân phước cho triết gia Edith Stein, học trò của nhà sáng lập ra hiện tương học Husserl là một điển hình. Bà được kể là một người chết vì lòng hận thù đức tin Công Giáo của Đức Quốc Xã. Nhưng người Do Thái không đồng ý như vậy, họ lớn tiếng phản đối, cho rằng Bà chết trong trại tử thần Auschwitz cùng với người em gái ruột Rosa là vì họ là người Do Thái do chính sách hận thù Do Thái của Chủ Nghĩa Quốc Xã.

Đúng, Edith Stein là người Do Thái, có cha có mẹ hoàn toàn là người Do Thái sùng đạo. Nhưng bà đã trở lại Đạo Công Giáo, nhập dòng kín Cátminh, nhận tên là Teresa Benedicta e Cruce. 

Theo các dữ kiện lịch sử, thì Quốc xã từng xếp người Do Thái trở lại Kitô giáo ở Hòa Lan, nơi chị em nhà Stein đang cư ngụ, ra ngoài danh sách các người Do Thái họ cần trừ khử. Nhưng vào ngày 20 tháng 7 năm 1942, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoà Lan cho đọc ở mọi nhà thờ khắp nước một tuyên bố công khai lên án chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc của Quốc Xã.

Tuyên bố đó là tiếng vang của Thông Điệp lừng danh Mit brennender Sorge (với một lòng lo lắng bừng bừng) của Đức Giáo Hoàng Piô XI, công bố năm 1937, cực lực lên án chủ nghĩa Quốc Xã. Và động lực của thông điệp này chính là lá thư của Nữ Đan Sĩ Cátminh Teresa Benedicta e Cruce gửi cho ngài lúc Quốc Xã mới lên cầm quyền, trong đó, Bà thống thiết kêu gọi ngài bằng những lời chân tình sau đây:

“Là một đứa con của dân tộc Do Thái, là người, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, trong 11 năm qua, cũng là một đứa con của Giáo Hội Công Giáo, con dám nói với Người Cha của Kitô Giáo về cái điều đang áp bức hàng triệu người Đức. Nhiều tuần qua, chúng ta từng chứng kiến những việc vi phạm tại Đức nhằm giễu cợt mọi cảm thức công lý và nhân tính, chưa kể tình yêu người lân cận. Nhiều năm qua, các lãnh tụ của Chủ Nghĩa Quốc Xã Đức vẫn liên tiếp truyền giảng lòng hận thù người Do Thái... Nhưng trách nhiệm, tựu chung, phải đổ lên đầu những ai đã đem họ đến mức này và trách nhiệm cũng phải đổ lên đầu những ai vẫn giữ im lặng trước những việc xẩy ra như thế. 

Mọi điều đã xẩy ra và còn tiếp tục xẩy ra hàng ngày phát xuất từ một chính phủ tự gọi mình là ‘Kitô giáo’. Nhiều tuần qua, không những người Do Thái mà còn cả hàng ngàn tín hữu Công Giáo ở Đức, và, con tin, ở khắp thế giới, chờ đợi và hy vọng Giáo Hội của Chúa Kitô cất cao tiếng nói của mình để chặn đứng thứ lạm dụng danh nghĩa Chúa Kitô này. Há cái thứ ngẫu thần hóa nòi giống và quyền lực cai trị đang được giáng xuống ý thức công chúng bởi các phương tiện truyền thanh không phải là một lạc giáo hay sao? Há các cố gắng nhằm tiêu diệt dòng máu Do Thái không phải là một xúc phạm đến nhân tính hết sức linh thánh của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, của Trinh Nữ diễm phúc và của các Tông đồ hay sao? Há tất cả những điều này không đi ngược 180 độ với đức hạnh của Chúa Tể và là Cứu Chúa của chúng ta hay sao, Đấng, ngay trên thập giá, vẫn cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình? Và há đây không phải là vết đen trên tiếng tăm của Năm Thánh vốn có ý trở thành năm hòa bình và hòa giải hay sao? Tất cả chúng con, những con cái của Giáo Hội và là những người đang nhìn các điều kiện hiện nay ở Đức bằng con mắt rộng mở, sợ Giáo Hội sẽ gặp điều tệ hại nhất nếu cứ tiếp tục giữ im lặng lâu hơn nữa”. 

Chỉ 6 ngày sau đó, tức ngày 26 tháng 7 năm 1942, viên Reichskommissar, một thứ tổng toàn quyền của Quốc Xã tại Hòa Lan, là Arthur Seyss-Inquart hủy bỏ luật trừ trước của chính hắn, ra lệnh lùng bắt cả các người Do Thái đã trở lại Công Giáo.

Chị em nhà Stein cùng với 243 người Do Thái trở lại Công Giáo sống ở Hòa Lan bị SS bắt ngày 2 tháng 8 năm 1942 và tống giam tại các trại tập trung Amersfoort và Westerbork trước khi bị chuyển tới Auschwitz. Đức Quốc Xã biết rõ nguyên nhân và động lực khiến có Thông điệp của Đức Piô XI và tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hòa Lan. Họ biết rõ đức tin của Edith Stein và ai đến Berlin ngày nay, hẳn không thể không đến quảng trường Bebelplatz, gần Đại Học Humboldt, viếng nơi ghi dấu Quốc Xã đốt mấy chục ngàn tác phẩm của các nhà văn hóa Đức trong đó có trọn bộ các tác phẩm của Edith Stein. Bà cũng ý thức được điều đó, cho nên, theo Cha Ambrose Eszer, O.P, một viên chức của Bộ Phong Thánh, tại trại tập trung, được hỏi “chị là ai?” bà dõng dạc cung khai: tôi là người Công Giáo!

Vả lại, theo Cha Eszer, Bọn Quốc Xã rất quỉ quái trong chủ trương của chúng đối với Đạo Công Giáo: thời chiến, chúng tìm cách kiểm soát Giáo Hội trong khi kiên nhẫn chờ cho hết chiến tranh, sẽ tận diệt Giáo Hội và thay thế Giáo Hội bằng một giáo hội mới, hoàn toàn chịu ảnh hưởng các lý thuyết kỳ thị chủng tộc và đầy huyền thoại của Wagner. Do đó, chiến thuật của chúng là tránh tra vấn các nạn nhân về các niềm tin tôn giáo để không biến họ thành tử đạo. Cha Eszer cho rằng chúng tìm cách “loại bỏ bất cứ việc tuyên xưng đức tin nào”. 
Chiến lược và chiến thuật của chúng không loại bỏ được việc Edith Stein chết “in odium fidei”, một điều đã được Bộ Phong Thánh chấp nhận bất chấp các phản đối ầm ĩ của phía Do Thái.

Tử đạo thế kỷ 21


Qua thế kỷ 21, quan điểm của Công Giáo về tử đạo còn khóang đạt hơn nữa. Điều này dễ hiểu vì quan điểm sống đức tin hiện nay, nhất là dưới thời Đức Phanxicô, vị Giáo Hoàng đầu tiên có cái đảm lược mang đức tin vào cả việc bảo vệ “ngôi nhà chung của chúng ta” là môi trường. Trong chiều hướng này, những tín hữu và giáo sĩ Việt Nam can đảm đấu tranh nhân vụ Formosa ở Hà Tĩnh xứng đáng được danh hiệu tử đạo nếu chết trong tay cường quyền. 

Nhận định trên có thể chỉ là một suy diễn. Nhưng trong Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Vùng Amazon, vừa được Tòa Thánh công bố, ta thấy những người bản địa Amazon đấu tranh bảo vệ lãnh thổ của họ được gọi là “tử đạo”. Ta hãy đọc số 145:

“Làm Giáo hội ở Amazon một cách thực tế có nghĩa là nêu vấn đề về quyền lực một cách tiên tri, vì ở khu vực này, người dân không thể khẳng định quyền của họ chống lại các lợi ích kinh tế và định chế chính trị to lớn. Ngày nay, đặt vấn đề quyền lực trong việc bảo vệ lãnh thổ và các nhân quyền là liều mạng sống của mình, là bước lên con đường thập giá và tử đạo. Số các tử đạo ở Amazon rất đáng báo động (ví dụ, chỉ riêng ở Brazil, 1,119 người bản địa đã bị sát hại từ năm 2003 đến năm 2017 vì bảo vệ lãnh thổ của họ). Giáo hội không thể thờ ơ; ngược lại, nó phải giúp bảo vệ những người nam nữ đang bảo vệ nhân quyền và tưởng nhớ các vị tử đạo của họ, trong số đó có các nhà lãnh đạo như Nữ tu Dorothy Stang”.

Lẽ dĩ nhiên, Tài Liệu Làm Việc của một Thượng Hội Đồng Giám Mục chưa hẳn đã là quyết nghị của Thượng Hội Đồng này, mà dù có là quyết nghị của nó đi nữa, chưa chắc đã được huấn quyền của Đức Phanxicô chấp nhận đưa vào nội dung một tông huấn. Nhưng dù sao nó cũng phản ảnh một quan điểm nghiêm túc. Điều đáng nói ở đây là Tài Liệu đã tôn vinh một người chết vì tranh đấu cho những người tranh đấu bảo vệ lãnh thổ của họ, Nữ Tu Dorothy Stang và coi bà là một tử đạo. 

Từ điển mở Wikipedia cũng gọi bà là “Tử đạo Amazon” với mấy dòng về bà như sau: “Nữ tu Dorothy Mae Stang, S.N.D., (7/6/1931 – 12/2/ 2005) là một thành viên người Ba Tây gốc Hoa Kỳ của Hội Dòng Nữ Tu Đức Bà Namur. Bà bị hạ sát ở Anapu, một thành phố thuộc bang Pará, lưu vực Amazon thuộc Ba Tây. Nữ Tu Stang vốn là người lớn tiếng trong cố gắng bênh vực người nghèo và môi trường, và trước đây vốn nhận được nhiều đe dọa tới sinh mệnh từ những công ty đốn rừng và sở hữu chủ đất đai. Án phong thánh cho bà như một tử đạo và mẫu mực thánh thiện đang được xem xét tại Bộ Phong Thánh của Tòa Thánh”. 

Án phong thánh ấy không được Wikipedia trưng dẫn từ nguồn nào. Và cũng không thấy các tài liệu của chính Hội Dòng của bà nhắc đến. Nhưng chúng cũng gọi bà là “người tử đạo đầu tiên của cộng đoàn” (xem https://vocationnetwork.org/en/articles/show/12-sister-dorothy-stang-her-dying-shows-us-how-to-live). Và tước hiệu “Vị Tử Đạo của Amazon” (“Martyr of the Amazon”) được dùng làm tựa sách ít nhất bởi Nữ Tu Roseanne Murphy. Tác giả và ký giả Rita Beamish, người vốn tường trình về Tòa Bạch Ốc, chính trị và chính sách ngoại giao cho Hãng tin Associated Press, cũng gọi bà là một vị tử đạo. 

Vũ khí của tôi là cuốn Thánh Kinh

Thực ra bà đã bị hạ sát trong hoàn cảnh nào? Bà vốn sinh ra tại Ohio, Hoa Kỳ, gia nhập Hội Dòng Đức Bà Namur năm 17 tuổi và khấn trọn đời năm 25 tuổi. Đáp lại lời kêu gọi của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, năm 1966, lúc 35 tuổi, bà lên đường qua Ba Tây truyền giáo. 

Các dữ liệu của Hội Dòng (https://www.sndden.org/who-we-are/where-we-are/latin-america/the-amazing-grace-of-sr-dorothy-stang) mô tả bà là người chọn lối sống khó nghèo nhất để giúp đỡ những người khác sống trong cảnh nghèo. Bà có lòng đam mê đối với người thuộc đủ mọi văn hóa, đối với công bằng xã hội, kiến tạo hòa bình, sự hợp tình hợp lý, và tôn trọng môi trường. Bà sở hữu rất ít của cải vật chất: một ít áo quần mầu sắc pha trộn, đồ dùng đơn sơ và cuốn Thánh Kinh được bà mang đi khắp nơi và đôi lúc gọi nó là “khí giới” của bà.

Vào một Thứ Bẩy mưa dầm tháng Hai năm 2005, bà mang cuốn Thánh Kinh đó khi lặn lội trên con đường mòn đầy bùn lầy dọc rừng già Amazon. Bà cố gắng đi tới Boa Esperança, một ngôi làng gần Anapu, nơi bà sống ở Pará, một tiểu bang phía bắc của Ba Tây. Khu vực này nằm ở bìa phía đông của Amazon, một vùng nổi tiếng giầu về tài nguyên thiên nhiên và cũng lắm bạo lực phát sinh từ các tranh chấp đất đai.

Chờ Nữ Tu sáng hôm đó là một nhóm nông gia có nhà cửa bị đốt san bằng trên mảnh đất được chính phủ liên bang cấp cho họ. Ở toàn tiểu bang Pará và ở một nơi như Boa Esperança, bằng khoán đất đai không luôn kết thúc bằng tranh cãi. Ở Pará, các công ty đốn rừng và các chủ trại nuôi súc vật giầu có dựa vào sự giúp đỡ của các chính trị gia và cảnh sát địa phương trong việc tạo mãi và trưng dụng tài sản của các dân tộc bản địa và nông gia bé nhỏ. Trong khi Nữ Tu Dorothy đang buớc về Boa Esperança, bà nghe những lời chửi bới của mấy người đàn ông lúc ấy đang ở bên cạnh bà. Mưa rơi sối xả lúc bà dừng lại và mở cuốn Thánh Kinh. Bà đọc cho họ nghe đoạn nói về người nghèo: phúc thay ai có lòng khó khăn vì Nước Trời là của họ. Nghe đến đó, họ lùi lại và nâng súng lên. Nữ Tu Dorothy giơ cuốn Thánh Kinh về phía họ và 6 phát súng nổ thẳng thừng. Bà ngã xuống đất, “tử vì đạo”.

Tài liệu kể tiếp: mấy ngày trước đó, Nữ Tu Dorothy cố gắng chặn đứng một vụ đốn rừng bất hợp pháp nơi những con cá mập đất đai lưu ý nhưng không có quyền hợp pháp. Bởi thế, các nhà cầm quyền tin rằng vụ hạ sát Bà đã được sắp xếp bởi một chủ trại nuôi súc vật ở địa phương với giá 19,000 mỹ kim. Nhưng nhiều người khác tin rằng chính tập đoàn đốn rừng và chăn nuôi súc vật đã góp tay vào việc trả giá cho sinh mạng của Nữ Tu Dorothy.

Họ đã hạ sát một người đàn bà trong tay chỉ có một cuốn Thánh Kinh, một người quyết định gia nhập một Hội Dòng ưu tiên làm việc giữa những người nghèo. Bà được toại nguyện khi được sống và làm việc trong gần 40 năm tại Ba Tây. Bà sớm ý thức được các vấn đề xã hội đang gây khốn khổ cho vùng bà đã chọn làm quê hương, nhất là việc áp bức các nông dân, dưới chế độ quân phiệt của các thập niên 1960, 1970. Những người làm việc cổ vũ các nhân quyền và quyền đất đai của các nông gia nhỏ bị coi là phản loạn và bị độc tài quân phiệt lùng bắt.

Thân phận người nghèo Amazon

Lịch sử Ba Tây cho hay đầu thập niên 1970, chính phủ khuyến khích người nghèo di chuyển tới vùng Transamazonia. Những người không đất đai coi đây là cơ hội để trở thành những chủ đất cày cấy. Nhiều người rời cư tới tiểu bang Pará để bắt đầu cuộc sống mới. Các Nữ Tu Đức Bà Namur đi theo đoàn người này, trong đó có nữ tu Dorothy, giúp họ xây dựng cuộc sống mới, tươi đẹp hơn. Nhưng khi tới đó, cảnh nghèo và bất an họ để lại sau lưng đã được thay thế bằng nhiều nan đề mới: các con cá mập đất đai sẵn sàng cướp hết đất đai họ đến đây để cày bừa. Các viên chức chính phủ không làm gì để ngăn chặn bọn chúng vì các chính trị gia và cảnh sát địa phương đã bị chúng mua chuộc.

Đoàn người khố rách áo ôm đành phải di chuyển sâu hơn vào rừng già. Dĩ nhiên, Nữ Tu Dorothy di chuyển với họ. Nhưng tình huống vẫn như trước. Qua thập niên 1980, họ hiểu rõ chính phủ Ba Tây có một kế hoạch khác cho vùng này. Họ dành 10.5 mẫu tây Anh ở vùng Bắc Ba Tây, trong đó, có Pará, cho các dự án khai mỏ, lọc dầu và nông thương (agribusiness).

Đối với các nông gia nhỏ, tình huống này giống như “Đavít chọi với Gôliát”, tức các công ty đa quốc, các đại doanh nghiệp, các công ty nuôi súc vật và khai thác gỗ...Chúng bắt đầu nuốt trửng rừng già”. Các nhà môi trường học ước lượng rằng Amazon mất 9,170 dặm vuông rừng mỗi năm và khoảng 20% trong số 1.6 triệu dặm vuông của nó đã bị đốn để tạo nên các đất trồng cỏ cho súc vật nuôi hay để thu lượm các loại gỗ quí như tuyết tùng (cedar), gụ (mahogany) và những gỗ qúy hiếm khác...

Đoàn người của Nữ Tu Dorothy lại vào sâu hơn nữa và cuối cùng cắm dùi ở Anapu, tiểu bang Pará năm 1982. Bà giúp họ sống có liên đới và tôn trọng môi trường. Bà làm việc với Ủy Ban Mục Vụ lo về đất đai của Hội Đồng Giám Mục Ba Tây. Bà cũng giúp cổ vũ các dự án tiểu thương có tính cách gia đình ở trong làng, thường tạo nên những người phụ nữ kiếm sống cho gia đình (women breadwinners).

Việc làm của Bà được nhiều người biết đến: Bà được hiệp hội luật gia Ba Tây trao giải thưởng nhân đạo và các viên chức của Tiểu Bang Pará bầu Bà là “Người Phụ Nữ Trong Năm”, vì công trình bảo đảm địa quyền cho các nông gia. 

Tuy bầu Bà vào địa vị cao qúi như trên, nhưng chính quyền Pará lại có dự án mở một xa lộ trong vùng, làm cho giá đất lên cao và làm cho mức độ bạo lực cũng tăng theo. 

Ỡ bình diện liên bang, Tổng thống da Silva bị vướng giữa lời hứa cấp đất cho 400,000 gia đình không đất đai và việc phải mở nhiều cánh rừng để hỗ trợ việc phát triển kinh tế. Áp lực bên ngoài còn phát xuất từ Qũy Tiền Tệ Quốc Tế, cơ quan đã cho Ba Tây vay hàng tỷ mỹ kim sau cuộc suy thoái năm 2002. Điều này rất nguy hiểm cho người dân Pará vì tranh chấp đất đai. Ủy Ban Mục vụ lo về đất đai của Hội Đồng Giám Mục Ba Tây gần đây tường trình rằng trong 30 năm qua, Pará là địa điểm của 40% số 1,370 vụ giết người liên quan đến tranh chấp đất đai. 

Nữ tu Dorothy luôn đứng bên cạnh các nông gia bé nhỏ trong cuộc mưu cầu vô vọng của họ có được mảnh đất riêng để cày cấy. Bà không ngừng làm áp lực để chính phủ thi hành trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người dân. Bà không bao giờ đầu hàng, để mất hy vọng.

Tử đạo vì anh hùng phục vụ người khác

Sau khi Bà nằm xuống, các buổi lễ tưởng niệm Bà đã được tổ chức khắp thế giới và ngày 9 tháng 3 năm 2005, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua nghị quyết #89 tôn vinh cuộc sống của Bà. Ngày 10 tháng 12 năm 2008, Bà được Liên Hiệp Quốc truy tặng huy chương trong Lãnh Vực Nhân Quyền. 

Còn Giáo Hội Công Giáo, người Mẹ thân yêu của Nữ Tu Dorothy thì sao? Như trên đây đã nói, Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon đích danh gọi bà là vị tử đạo. Thực ra, đây không phải là lần đầu bà được đại diện Giáo Hội Công Giáo gọi như thế. Năm 2015, lúc thông điệp Laudato Si’ về môi trường của Đức Phanxicô ra đời, bà đã được nhắc đến như một trong các Thánh Quan Thầy của Thông Điệp (xem https://cruxnow.com/church/2015/06/11/martyred-american-nun-could-be-the-patron-saint-of-the-popes-eco-encyclical/), song song với Thánh Phanxicô Assisi. 

Thực vậy, theo John Allen trong bài báo trên, ngày 11 tháng 6 năm 2015, Đức Phanxicô đã gián tiếp nhắc đến một ứng viên khác cho tước hiệu Thánh Quan Thầy này, một người gần gũi với chúng ta hơn tuy chưa được phong thánh, đó là Nữ Tu Dorothy Stang, người đã bị sát hại vì bảo vệ rừng già Amazon và quyền lợi người nông dân nghèo. 

Nhận định của John Allen đã được củng cố hai năm sau, khi Đức Phanxicô ban hành Tự sắc Maiorem hac dilectionem (Lòng Yêu Mến Lớn Hơn), ngày 11 tháng 7 năm 2017, đưa ra một tiêu chuẩn khác để được phong là tử đạo (xem https://www.thecatholictelegraph.com/pope-approves-new-path-to-sainthood-heroic-act-of-loving-service/43566). Tức hy sinh mạng sống trong một hành động anh hùng yêu thương phục vụ người khác. Theo National & World News, Đức Tổng Giám Mục Marcello Bartolucci, Tổng thư ký Bộ Phong Thánh, cho hay tự sắc nhằm “cổ vũ chứng từ anh hùng Kitô Giáo, (một điều) cho đến nay chưa có thủ tục chuyên biệt, chính vì nó chưa hoàn toàn xứng hợp với trường hợp tử đạo hay nhân đức anh hùng”.

Theo các qui định mới, việc hiến mạng sống phải đủ các điều kiện sau đây:

1. Tự do và sẵn lòng hiến mạng sống mình và anh hùng chấp nhận, vì tình yêu, một cái chết chắc chắn và sớm sủa; hành vi bác ái anh hùng và cái chết sớm sủa phải có liên quan với nhau.

2. Có bằng chứng đã sống thực các nhân đức Kitô giáo, ít nhất một cách thông thường, không cần phải anh hùng, trước khi hiến mạng sống mình cho người khác và cho đến lúc chết.

3. Có bằng chứng nổi tiếng về sự thánh thiện, ít nhất sau khi chết.

4. Một phép lạ được gán cho việc cầu bầu của ứng viên cần thiết để được phong chân phúc.

Trừ điều thứ 4, 3 điều trên Nữ Tu Dorothy đều đã đạt được. Và việc phong bà làm thánh tử đạo và quan thầy của môi trường chắc chắn không còn xa.

Thượng Hội Đồng Amazon và nguyên lý ưu tiên chọn người nghèo

Có thể nói, Đức Phanxicô khi công bố Laudato Si’ đã nghĩ đến Amazon và những người đã tự do và sẵn lòng hiến mạng sống mình bảo vệ không những môi trường nhưng cả những người có liên hệ mật thiết nhất với môi trường tức người nghèo mà trong nền văn hóa lợi nhuận tối đá, bằng bất cứ giá nào, vốn không thể tách rời khỏi nạn phá hoại thiên nhiên cho mục đích vị kỷ. Nghị trình của Ngài quả là một nghị trình nhịp nhàng, về lâu về dài, dẫn Giáo Hội đi theo con đường đã được chính Vatican II vạch ra trong Gaudium et Spes khi nói đến người nghèo. Dù sao, nguyên lý ưu tiên chọn người nghèo, được Vatican II khởi diễn, cũng đã được Cha Bề Trên Cả Dòng Tên, Dòng của Đức Phaxicô, là Cha Pedro Arrupe quảng diễn lần đầu tiên năm 1968, trong thư gửi các tu sĩ Dòng Tên ở Châu Mỹ La tinh, được Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1971 quảng diễn thêm, và được các Giám Mục Châu Mỹ Latinh (CELAM) chính thức lên công thức tại các Hội nghị ở Medellin và Puebla, được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc đến trong Centesimus annus năm 1991, và được đưa vào Tuyển Tập Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội năm 2004 (một công trình đã được tôi tớ Chúa là Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận khởi xướng). Ta không thể làm ngơ mãi. Mà người nghèo không đâu bị áp bức cho bằng Amazon, nơi họ bị tiêu diệt cùng với môi trường của họ trong tay những kẻ chỉ biết lợi nhuận. 

Trong những điều đáng nói về Thượng Hội Đồng Amazon, chính là con đường anh hùng phục vụ môi trường và người nghèo này, một đường hướng đã đến lúc phải được bàn thảo nghiêm túc: ưu tiên chọn người nghèo, cho dù phải hiến mạng sống mình để bảo vệ họ như Nữ Tu Dorothy Stang.