Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

“TÁI SINH” LÀ GÌ?

 “TÁI SINH” LÀ GÌ?
“Tái sinh” hay “sinh ra bởi ơn trên” nghĩa là gì? Nếu bạn là người phái Phúc âm hay phái Baptist, có lẽ bạn đã có câu trả lời. Tuy nhiên, nếu bạn là người công giáo La Mã hay người Tin Lành chính tông, thì cụm từ này có lẽ không nằm trong vốn từ vựng đạo của bạn, và thật sự sẽ gợi lên cho bạn một kiểu trào lưu chính thống Kinh thánh làm cho bạn hoang mang.

“Tái sinh” là gì? Từ ngữ này trong Phúc âm thánh Gioan, trong đoạn Chúa Giêsu nói chuyện với ông Nicôđêmô. Chúa Giêsu bảo ông “phải được sinh ra bởi ơn trên”. Nicôđêmô hiểu theo nghĩa đen và ông phản đối, một người trưởng thành không thể nào chui vào bụng mẹ để sinh ra lần nữa. Thế nên, Chúa nói lại câu này theo ẩn dụ, cho Nicôđêmô biết rằng lần tái sinh của một người thì không như lần đầu, không phải bởi xác thịt, nhưng là “bởi nước và Thần Khí”. Chà… Nói thế vẫn chưa đủ rõ với Nicôđêmô hay chúng ta. “Sinh ra bởi ơn trên” nghĩa là gì?

Có lẽ có quá nhiều câu trả lời. Sinh ra về mặt thiêng liêng, không như sinh ra về mặt thể lý, là điều không phải ai cũng hiểu như nhau. Tôi có những người bạn ở phái Phúc âm nói rằng, với họ, điều này nói đến một thời khắc tác động mạnh mẽ trong đời họ, khi họ có cuộc gặp riêng với Chúa Giêsu, như bà Maria Mađalêna gặp Chúa trong vườn vào ngày Phục Sinh. Một cuộc gặp gỡ khẳng định tình yêu của Ngài cho chúng ta, một khẳng định ghi khắc mãi trong lòng chúng ta. Lúc đó, theo lời họ, “họ đã gặp Chúa Giêsu Kitô” và “được tái sinh”, dù cho họ đã là kitô hữu và biết Chúa Giêsu Kitô từ thời thơ ấu.

Hầu hết người công giáo La Mã và người Tin Lành chính tông không đồng nhất việc “biết Chúa Giêsu Kitô” với một trải nghiệm riêng sâu sắc như thế. Nhưng họ tự hỏi chính xác Chúa Giêsu muốn nói gì khi Ngài đòi buộc chúng ta “tái sinh bởi ơn trên”.

Một linh mục tôi quen đã chia sẻ câu chuyện này, về cách hiểu của cha đối với “tái sinh nhờ ơn trên”. Bố của cha mất không lâu trước khi cha chịu chức, mẹ của cha sống ở cùng giáo xứ mà cha được phân về. Đó là một ơn lành khi hàng ngày được gặp mẹ trong nhà thờ, nhưng bà mẹ góa cô đơn bắt đầu đòi hỏi con dành thêm thì giờ cho mình, và người con có hiếu giờ phải dành hết thời gian rảnh rỗi cho mẹ, đưa mẹ đi ăn, lái xe chở mẹ đi đây đó, đây là mối liên kết duy nhất của bà với thế giới bên ngoài nhà hưu dưỡng của bà. Trong thời gian ở bên cạnh nhau, bà luôn nhắc chuyện cũ và buồn vì bây giờ mình cô đơn, cô độc. Nhưng đến một ngày, khi chở bà đi, sau một khoảng thời gian thinh lặng, bà nói một điều làm cha ngạc nhiên và chú ý nhiều hơn: “Mẹ từ bỏ nỗi sợ! Mẹ không còn sợ gì nữa. Mẹ đã sống cả đời trong nỗi sợ. Nhưng bây giờ mẹ không còn như vậy nữa, vì mẹ không còn gì để mất! Mẹ đã mất mọi thứ, mất chồng, mất cơ thể trẻ trung, mất sức khỏe, mất địa vị, mất niềm tự hào, mất phẩm giá. Giờ mẹ tự do! Mẹ không còn sợ nữa!”

Con trai bà, lâu nay chỉ nghe nửa vời những lời bà nói, bây giờ tập trung chú ý. Cha bắt đầu dành thêm giờ với bà, nhận ra rằng bà có điều gì đó quan trọng để dạy cho mình. Vài năm sau, bà qua đời. Và đến lúc đó bà đã có thể truyền cho con mình đôi điều giúp cha hiểu sâu sắc hơn về đời mình. Cha nói, “mẹ tôi đã sinh tôi hai lần, một lần từ hạ giới, và một lần từ thượng giới.” Bây giờ cha hiểu ra một điều mà ông Nicôđêmô đã không hiểu được.

Chắc chắn, tất cả chúng ta cũng có câu chuyện của mình.

Và các nhà học giả Kinh Thánh dạy chúng ta thế nào về điều này? Các học giả nói rằng, các Phúc âm nhất lãm bảo chúng ta chỉ có thể vào nước Trời nếu trở nên như trẻ thơ, nghĩa là chúng ta, theo lối sống của mình, phải nhận thức sự lệ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta không tự đủ và như thế có nghĩa, chúng ta nhận ra và sống lệ thuộc vào sự quan phòng nhưng không của Thiên Chúa. Làm như thế chính là sinh ra bởi ơn trên.

Phúc âm theo thánh Gioan thêm một điều nữa. Khi dẫn giải về Phúc âm theo thánh Gioan, Raymond E Brown đã giải thích như sau: Sinh ra bởi ơn trên nghĩa là, đến lúc nào đó trong đời, chúng ta phải hiểu rằng sự sống của chúng ta đến từ bên ngoài thế giới này, từ một nơi và một nguồn nằm ngoài dạ mẹ, và ở đó có sự sống thâm sâu hơn cũng như ý nghĩa thâm sâu hơn. Và thế là chúng ta phải có hai lần sinh ra, một lần cho chúng ta sự sống sinh học (sinh ra trong thế giới này) và một lần cho chúng ta sự sống cánh chung (sinh ra chúng ta trong thế giới của đức tin, linh hồn, tình yêu, và thần khí). Và đôi khi, như trường hợp của bạn tôi, có thể người mẹ sinh ra bạn sẽ là người hỗ trợ cho lần sinh thứ hai. Nicôđêmô không thể vượt qua được chủ nghĩa kinh nghiệm bản năng của mình. Cuối cùng, ông không hiểu được. Còn chúng ta thì sao?

J.B. Thái Hòa dịch
Nguồn: phanxico.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét