Trang

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

4Tâm trạng cô đơn trong Sách Thánh Do Thái (4/4)


Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser 

Những nguyên do của cô đơn
Mặc dù nhiều lần nói đến cô đơn, nhưng Sách Thánh Do Thái luôn luôn nói một cách không rõ ràng. Vì thế, khi tìm hiểu các phân tích và lời giải cho vấn đề cô đơn của con người, nên nhìn thông điệp cách tổng thể thì có lợi hơn là trượt dài trong những đoạn văn cụ thể.
Sách thánh Do Thái nhìn nhận điều gì là căn nguyên của tâm trạng cô đơn? Có nhiều dạng cô đơn được nhận diện gắn liền với những nguyên do khác nhau. Về cơ bản, có ba nguyên do, mỗi một dạng tương ứng với một dạng cô đơn đặc thù.
  1. Tội lỗi gây nên tâm trạng cô đơn.
  2. Cô đơn do tính cách phù du của mọi chuyện.
  3. Cô đơn do bản chất rất tự nhiên của con người.

Cô đơn do bản chất rất tự nhiên của con người
Sách Thánh  Do Thái còn cho chúng ta một nguyên do khác về tâm trạng cô đơn, thậm chí còn quan trọng hơn. Thường thì những câu chuyện trong Sách Thánh đơn giản xem cô đơn như bản chất của con người, chúng ta được dựng lên như vậy, một chuyện rất tự nhiên theo bản tính chúng ta. Họ chia ra ba điều trong bản tính chúng ta có tác động đến tâm trạng cô đơn.
  1. Bản tính tự nhiên của chúng ta có những khát mong và thèm muốn liên tục vượt ngoài năng lực chúng ta.
Phần lớn Sách Thánh Do Thái cho rằng bản tính tự nhiên của con người là rập khuôn theo hình thức, không bao giờ thỏa mãn trọn vẹn vì khát khao trong con người luôn luôn vượt quá năng lực thật của họ. Quả tim thèm muốn của chúng ta luôn luôn chịu áp lực của những khát khao bất thành. Không thành quả nào có thể làm chúng ta thỏa mãn chán chê. Quoheleth nói như thế này: “Mọi nỗi khó nhọc của con người đều nhằm nuôi cái miệng. Nhưng sự thèm muốn của họ có bao giờ được hoàn toàn thoả mãn đâu!”  Chủ đề tổng thể này cũng được trình bày trong suốt Sách Thánh Do Thái.
Một lần nữa, điều này nhắc đến nguyên do của cô đơn, cụ thể là các tiềm lực và khát khao của chúng ta lớn hơn điều mà chúng ta có thể làm trọn vẹn được trong đời sống. Vì thế chúng ta luôn cảm thấy có cái gì không trọn vẹn, vì luôn luôn có những phần trong chúng ta vẫn còn trống vắng. Và như chúng ta đã thấy, khi nhìn vào những mối nguy tiềm tàng của cô đơn, chính xác là có một “trống vắng” thường đẩy chúng ta ra khỏi chính mình mà không ngừng hành động điên cuồng để cố làm dịu cơn khát không bao giờ dứt và làm thỏa mãn cơn đói không bao giờ dừng. 
  1. Bản tính tự nhiên của chúng ta là chúng ta có một sự “vô tận” nào đó trong mình.
Sách Thánh Do Thái xem nỗi cô đơn thực sự tồn tại trong chúng ta là do việc Thiên Chúa đã đặt một “vô tận” nào đó trong quả tim chúng ta. Phẩm chất này được xem là một điều ngăn trở chúng ta hiện diện trọn vẹn trong hòa hợp với những gì quanh mình.
Ý niệm này tiềm ẩn trong nhiều đoạn Sách Thánh Do Thái, đặc biệt trong Thánh Vịnh, nhưng nó vẫn rõ ràng nhất trong lời của Qoheleth, nhà nhân học hàng đầu của Sách Thánh Do Thái. Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta quen thuộc với đoạn văn đẹp đẽ vô cùng về các mùa của cuộc sống – “Có một mùa cho tất cả mọi sự!” Bất hạnh thay, chúng ta thường ngừng đọc đoạn văn này quá sớm, ngừng lại trước khi ông chỉ ra điểm thực sự liên hệ với đời sống và bản tính con người. Ông bắt đầu đoạn văn này bằng cách đưa ra việc tương phản mười bốn điều đối lập, và cho thấy Thiên Chúa đã cho mỗi thứ một thời gian hay một mùa phù hợp ra làm sao. Sau khi đã mô tả vẻ đẹp và sư hòa hợp của trái đất (Ngài làm cho mọi thứ thật đẹp đẽ trong mùa của nó).
Qoheleth chuyển sang bàn luận về bản tính con người và các mối liên hệ của bản tính này với sự hòa hợp trong trật tự đó, ông thêm vào, khi Thiên Chúa làm tất cả mọi sự đẹp đẽ trong thời của nó, Ngài đã đặt một sự “vô tận” vào tâm hồn chúng ta để chúng ta không bao giờ hòa hợp trọn vẹn với trật tự đẹp đẽ này. Vũ trụ này tồn tại trong thời gian và trong trật tự của các luật nhất định. Nhưng, phần nào đó, chúng ta tồn tại bên ngoài thời gian, bên ngoài trật tự này. Chúng ta triền miên cảm nhận một kẽ nứt ngăn chính mình với trật tự vạn vật. Và từ đó gây ra cho chúng ta một tâm trạng cô đơn nào đó, một thao thức nào đó và một nỗi băn khoăn triền miên.
  1. Bản tính chúng ta là có trong mình một khát mong không thể nguôi ngoai về Thiên Chúa.
Một kiểu mẫu chung được trình bày trong sách thánh Do Thái là việc trong tâm hồn con người có một nhu cầu cháy bỏng muốn được diện kiến Thiên Chúa. Trải nghiệm này được xem như một khát mong, mà cuối cùng, sẽ không bị hụt hẫng, phũ phàng hay chệch hướng mà không tạo nhiều đớn đau. Ví dụ về điều này có ở mọi nơi nhưng đặc biệt là trong Thánh vịnh:
Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đợi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước. (Thánh vịnh 63) 
Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.
Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?
Châu lệ là cơm bánh đêm ngày,
khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi:
“Này Thiên Chúa ngươi đâu?” (Thánh vịnh 42)
Các diễn tả có nhiều dạng. Đôi khi Sách Thánh Do Thái nói về “khao khát được diện kiến dung nhan Thiên Chúa,” lúc khác lại là “mong mỏi và héo mòn bởi Thiên Chúa”. Hay mô tả quả tim như “hoang mạc khô cằn” khát mong Thiên Chúa như mảnh đất khô chờ mong cơn mưa. Không kể đến các diễn tả đặc biệt hay các hình tượng nói trên, thì điểm chính vẫn là: Mỗi người chúng ta có trong mình một nỗi cô đơn thiêu đốt, nỗi cô đơn này chỉ có nguồn nước Thiên Chúa hằng sống mới xoa dịu được. Không một tạo vật nào hay nhóm tạo vật nào, không một con người nào hay nhóm người nào, có thể tuyệt vời mãi mãi, có thể lấp đầy trống vắng này trong tâm hồn chúng ta. Tâm hồn con người, bất kể thời gian và không gian, bất kể thành công hay thất bại, bất kể tình cảm hay không, vẫn luôn mãi khát mong và héo mòn được diện kiến nhan Thiên Chúa. Nỗi cô đơn quan trọng nhất và thâm sâu nhất mà chúng ta trải nghiệm được là chính ở đây, ở trong khát khao cháy bỏng được nhìn thấy Thiên Chúa.
Tóm lại, theo sách thánh Do Thái, đơn giản, một trong những nguyên do chính của tâm trạng cô đơn là ở hiện hữu nhân tính được dựng nên của chúng ta. Và cho thấy Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta theo cách mà trong mỗi người chúng ta đều có một nơi nào đó, một nỗi khát mong, một sự trống vắng cô đơn mà chỉ có NGÀI mới lấp đầy được. Vì thế, trong đời sống này, chúng ta không bao giờ có được thỏa mãn. Phần nào đó, chúng luôn luôn xa rời khỏi trật tự vạn vật, chìm trong áp lực khi những khao khát của chúng ta vượt quá những gì chúng ta có thể làm được. Do đó, chúng ta luôn luôn băn khoăn khi trong lòng còn khát mong và héo hon nguồn nước ban sự sống từ Thiên Chúa hằng sống. 
Hướng đến giải pháp cho tâm trạng cô đơn
Sách Thánh Do Thái không những chỉ nói lên nguyên do cô đơn của loài người, mà còn đưa ra các định hướng cụ thể để giải quyết vấn đề này. Đâu là các giải pháp cho vấn đề mà Sách Thánh thấy? Sách Thánh đưa ra ba quan điểm khác nhau.
  1. Chủ nghĩa khắc kỷ
Đối với một vài dạng cô đơn, Sách Thánh Do Thái không có câu trả lời nào. Chính yếu vì họ thấy trong một vài dạng cô đơn, có những dạng thuộc về bản chất, không thể thỏa mãn được. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm với vài dạng cô đơn đó là phải mang lấy nỗi cô đơn này theo cách khả dĩ nhất. Đây là giải pháp khắc kỷ, chúng ta có thể thấy nhiều trong sách Giảng Viên. Theo quan điểm của Qoheleth, vì mọi thứ đều chóng qua, nên khã dĩ nhất là chấp nhận hiện thực và vui hưởng khi nó đang còn. Lời giải này cho tâm trạng cô đơn chính là hãy sống trọn vẹn mỗi giây phút. Không nên hiểu giải pháp này theo ý niệm của chủ nghĩa khoái lạc, nhưng mời gọi chúng ta hãy “ăn, uống và vui vẻ, vì ngày mai sẽ chết!” Đúng hơn, giải pháp này là giải pháp chân thành, đối diện duy thực với thực tại, chấp nhận vui sống mỗi phút giây cuộc đời vì đây đúng là tặng vật tuyệt vời (dù chóng qua). Chúng ta hiểu rõ điều này hơn qua một ví dụ tương tự. Tưởng tượng một người bạn thân ghé thăm chúng ta chốc lát, biết trước thời gian ở bên nhau sẽ rất ngắn, nhưng nó không ngăn chúng ta vui hưởng cuộc gặp này, ngược lại nó còn tô đậm hơn khoảnh khắc đó và làm chúng ta nhận thức rõ ràng hơn tầm quan trọng và quý báu của buổi gặp gỡ này. Một chấp nhận đích thực các giới hạn do áp chế của hiện thực có thể làm chúng ta tỉnh thức trọn vẹn hơn đối với món quà quý chính là từng giây phút trong cuộc đời chúng ta.
Sách Thánh Do Thái coi trọng dạng khắc kỷ này như giải pháp duy nhất cho một vài dạng cô đơn, cụ thể là cô đơn gây nên do bản chất thoáng qua của vạn vật.
  1. Hoán cải
Vì Sách Thánh Do Thái cho rằng tâm trạng cô đơn phần nhiều do tội lỗi, vì vậy cũng hợp lý khi họ xem hoán cải từ bỏ tội lỗi là một trong những con đường chính yếu để thoát cảnh cô đơn. Ý niệm này hiện diện trong toàn bộ Sách Thánh Do Thái, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thắng vượt kiêu ngạo, ích kỷ, tham lam, ghen tương, và đủ loại tội lỗi khác. Hãy quay về với Thiên Chúa! Hãy rời bỏ con đường cũ! Luôn luôn đó là lời mời gọi gởi dân Do Thái. Hoán cải, chuyển biến xa lánh tội lỗi, chuyển biến hướng đến tha nhân và Thiên Chúa, được xem là cách thức chính yếu để dẫn đưa con người thoát cảnh cô đơn hướng về cộng đoàn và sự viên mãn của đời sống.
  1. Hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân
Cách thức quan trọng nhất để thắng vượt cô đơn là dấn bước sâu hơn để kết hiệp với Thiên Chúa và với người đồng hương của mình. Xuyên suốt lịch sử Do Thái, chúng ta luôn luôn thấy thách thức và lời mời gọi này: đi sâu hơn trong sự kết hiệp yêu thương và sinh động của Thiên Chúa, sống giao ước cho trọn vẹn hơn.
Người Do Thái tin rằng, từ thời Abraham trở đi, Thiên Chúa đã chọn họ để có một quan hệ yêu thương với Ngài; Thiên Chúa đã làm giao ước với họ, đồng ý kết hiệp sống động với họ. Đây là giải pháp tối hậu cho tất cả mọi vấn đề, bao gồm cả vấn đề cô đơn. Sự kết hiệp đời sống này, nếu đích thực sống động, sẽ được nhìn nhận như một khả thể mang lại chiều kích đặc biệt có thể xoa dịu và lấp đầy nỗi cô đơn trong tâm hồn mỗi người. Đối với dân Do Thái, bất kể còn sống hay đã chết, bất kể hạnh phúc hay buồn đau, và bất kể cô đơn hay mãn nguyện, điều chính yếu là tùy thuộc vào sức sống của mối dây quan hệ riêng mình với giao ước, với kết hiệp sự sống đó. Đối với người dân trong thời Cựu Ước, giải pháp tối hậu và duy nhất cho vấn nạn cô đơn là được liên kết sống động, hiệp thông với sự sống này. Vì thế, con đường đưa chúng ta thoát cảnh cô đơn nằm trong lời cầu nguyện (đưa chúng ta vào kết hiệp thâm sâu với tha nhân). Trong kết hiệp đời sống này, tâm trạng cô đơn cuối cùng cũng biến mất.
Điểm thú vị chính yếu là chính dân Do Thái lại không có một ý niệm rõ ràng về một cách thức hiệp thông đời sống có thể cất đi tâm trạng cô đơn ra khỏi lòng chúng ta. Họ không biết sự viên mãn tận cùng gồm có những gì. Đơn giản là họ có đức tin vào Thiên Chúa, tin tưởng rằng bằng cách nào đó Ngài sẽ hoàn thành việc này, cho rằng họ tin tưởng vào Thiên Chúa là đủ để Ngài có được một khoảng cách Ngài cần với tư cách là Thiên Chúa và rằng họ “kiên nhẫn” đủ lâu để cho Thiên Chúa hoàn tất chương trình của Ngài.
Về sau các ngôn sứ lớn đã thêm vào cho ý niệm này một chiều kích đặc biệt. Họ tin rằng mọi thứ hiện thời đều bất xứng và bất toàn, đau đớn và cô đơn. Họ vẫn tiếp tục mời gọi mọi người biến đổi sâu sắc hơn để hiệp thông đời sống với nhau và với Thiên Chúa, tin rằng sẽ đến một lúc nào đó, Thiên Chúa sẽ thực hiện hành động cứu độ mới cách hoàn toàn triệt để (mạnh mẽ như hành động sáng tạo). Thiên Chúa sẽ tuyên bố một thời đại mới và tuôn đổ Thần Khí của Ngài trên toàn mặt đất. Điều này sẽ làm nên một sáng tạo vô cùng khác với những gì đang có. Các ngôn sứ này không có tầm nhìn rõ ràng về điều mà Thiên Chúa sẽ thực hiện sẽ như thế nào, điều gì sẽ diễn ra, hay kết cục sẽ ra sao. Họ chỉ biết rằng nếu họ còn ở trong sự kết hiệp đời sống của Thiên Chúa, sớm hay muộn Ngài cũng sẽ thực hiện điều đó. Thiên Chúa sẽ gởi đến cho họ một đấng Thiên Sai, một đấng được xức dầu, một đấng cứu độ, một con người. Và cùng với ngài, sẽ tuôn tràn Thần Khí Thiên Chúa, Ruah Yahweh. Và khi điều này xảy ra, các tạo vật sẽ được đảo lộn tuyệt vời. Sói chơi với cừu, sư tử nô đùa với bê con. Những đứa trẻ sẽ chơi cùng rắn độc, người người sẽ được thấy thị kiến, và Thiên Chúa sẽ đến, lau khô mọi nước mắt và gạt bỏ tâm trạng cô đơn mãi mãi.
J.B. Thái Hòa dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét