Trang

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2019

Câu 134 – 135 Nhóm Encyclopedists và Johannes Scotus Eriugena

Cẩm nang hỏi đáp Triết học (Câu 134 – 135) Nhóm Encyclopedists và Johannes Scotus Eriugena

  1. Nhóm Encyclopedists là những ai?
Họ là những học giả đã nỗ lực trình bày một cách hệ thống toàn bộ hiểu biết con người vào thời đại của mình. Nổi bật trong số họ là Boethius (480-525) ở Italy, tác phẩm của ông đã vươn ra khỏi những suy tư theo thứ tự bảng chữ cái của hai người khác vốn nổi bật nhất vào giai đoạn này là: thánh Isidore thành Seville (560-636) và thánh Bede Khả kính thuộc Anh quốc (674-735). Cả Isidore và Bede đều là những giáo sĩ vốn dâng hiến cuộc đời mình để phục vụ Giáo hội. Thánh Isidore đã biên soạn cuốn Etymologiae (còn gọi là Origines). Tập sách trình bày cách hệ thống về tất cả kiến thức có được trong suốt thời đại của ngài và nó được dùng như sách giáo khoa trong những trường học của Giáo Hội hàng thế kỷ. Thánh Bede khả kính được biết đến nhiều nhất bởi những cuốn sách về lịch sử của ngài, đặc biệt là về Vương quốc Anh. Người có ảnh hưởng lớn về triết học tiếp theo là Johannes Scotus Eriugena (815-877).
  1. Johannes Scotus Eriugena là ai?
Johannes Scotus Eriugena (810-877, cũng được biết tới như John Scotus Eriugena) là một nhà Duy lý Kitô giáo (nguyên văn tên của ngài có nghĩa là “John Ái nhĩ lan, người Ái nhĩ lan.”) Vua John thành Bold đã mời ngài vào trường Palatine của ông để dịch cuốn The Pseudo-Dionysius. Tài liệu này bị hiểu lầm là của thánh Dionysius (268), một người cải đạo giống như thánh Phaolo, mặc dù thực tế, tài liệu này được viết bởi một người theo trường phái Tân-Plato vô danh. Bản dịch của Eriugiena đạt được sự thành công ban đầu; qua việc xây dựng nên những ý tưởng chính của tác phẩm, ngài đã kiến tạo nên hệ thống của riêng mình, De Divisione Naturae. Tiền đề nền tảng của ngài là lập luận logic cần phải hòa hợp với triết học Kitô giáo. Điều này muốn nói rằng, những giáo huấn của các Giáo phụ có thể bị phê phán nếu cần thiết. Ngài lạc xa Kitô giáo hơn nữa khi luận thuyết của ngài không có chỗ cho niềm tin vào sự sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. Luận thuyết của Eriugena bị Đức giáo hoàng Honorius III (1148-1227) lên án vào năm 1225.
Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book, (Visible Ink Press, 2010), 60

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét