Các thần học gia nói về tâm trạng cô đơn (2/5)
Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser
Thánh Âugutinô (354-430)
“Ngài thức tỉnh người ấy để vui sống trong việc tôn thờ Ngài, bởi Ngài đã dựng nên chúng con cho ngài, và quả tim chúng con không ngơi nghỉ cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài” Với những lời này, Âugutinô tóm lại tất cả những nhận thức về con người nhân tính và cho chúng ta một giải nghĩa về tâm trạng cô đơn của con người.
Tuy nhiên, những lời này chỉ trở nên dễ hiểu trọn vẹn khi được đặt trong nhận thức của Âugutinô về con người nhân tính như một tổng hòa. Âugutinô hiểu con người nhân tính như thế nào? Tại sao quả tim chúng ta thao thức cho đến khi được nghỉ yên trong Thiên Chúa?
Đối với Âugutinô , con người nhân tính là người được Thiên Chúa tạo thành do sự tốt lành và tình yêu của Ngài. Thiên Chúa yêu thương quá mức đến nỗi không thể giữ riêng cho mình. Tình yêu đó “nồng nàn” đến nỗi sôi sục và bùng nổ tạo nên những hiện hữu để chia sẻ chính tình yêu đó. Vì thế, con người nhân tính không gì khác hơn là người mà tình yêu Thiên Chúa đã tạo thành để thông ban chính mình cho nó. Từ đó, là một con người, chúng ta được sinh ra để dự phần vào sự phong phú của sự sống vô cùng nơi Thiên Chúa. Theo đó, và chính vì mục đích này, điều duy nhất có thể làm cho chúng ta hạnh phúc trọn vẹn và thành toàn, chính là, sự sống nơi Thiên Chúa, hiệp nhất trọn vẹn với Ngài.
Tuy thế, khi đang còn trên dương trần, bị ngăn cách với hiệp nhất trọn vẹn trong Thiên Chúa do bản chất là tạo vật và do tội lỗi, chúng ta sống một sinh tồn phức tạp, phần nào sống trong thành đô Thiên Chúa và phần nào trong thành đô nhân loại. Điều này làm cho chúng ta bất toàn và khát mong, thao thức và cô đơn, luôn luôn khát khao được kết thúc đời sống tha hương này, để trở về với Thiên Chúa và với quê nhà đích thực của chúng ta.
Theo quan điểm này, tâm trạngï cô đơn của chúng ta không có gì khác hơn là khát mong và thao thức quay về với Thiên Chúa, với thành toàn trọn vẹn trong sự phong phú là chính đời sống thần thiêng. Khi sống trên trần gian này, chúng ta là lữ hành rời xa quê nhà. Vì thế, chúng ta sống trong đau đớn và băn khoăn, trong thao thức và mong đợi, như thử chúng ta đang ngóng chờ cuộc lữ hành này kết thúc.
Vậy nên, chúng ta thấy rằng, đối với Âugutinô , tâm trạng cô đơn là một điều vừa tốt đẹp vừa tự nhiên. Cô đơn là phương cách Thiên Chúa lôi kéo chúng ta đến đời sống mà chúng ta đã được tạo thành để hướng về đó. Thiên Chúa muốn chúng ta sống trong sự sống thần thiêng, và rồi Ngài đặt trong chúng ta một khát muốn đam mê mãnh liệt, chính là nỗi cô đơn, là điều thúc đẩy chúng ta luôn mãi mong mỏi Thiên Chúa và sẽ hụt hẫng và bất thỏa khi còn ở ngoài sự sống của Thiên Chúa.
Nhận thức đúng đắn điều này có thể là một khai phóng thấu thị vì từ buổi bình minh của ý thức loài người, con người đã không thể giải thích chính mình. Dường như chúng ta không bao giờ hiểu được vì sao những lúc muốn nghỉ ngơi, lại không nghỉ được; lúc muốn làm việc, lại không làm được; lúc muốn sống khuôn khổ lại không làm được. Chúng ta luôn mãi thao thức và không thể ngồi yên, mà không giải thích được lý do tại sao như vậy. Chúng ta luôn mãi kinh ngạc (không nói đến thất vọng) với chính mình. Triết gia Blaise Pascal đã từng nhận định, “Nguyên do bất hạnh duy nhất của con người là nó không làm sao ngồi yên lặng trong căn phòng của mình.” Thật đúng làm sao! Và còn tự nhiên làm sao! Đối với Âugutinô , điều này không phải là mầu nhiệm kỳ vỹ hay kinh ngạc bất thường. Chính xác chúng ta không thể ở yên lặng trong phòng là vì Thiên Chúa không dựng nên chúng ta để ngồi yên trong phòng. Chúng ta được dựng nên để lang thang, để thao thức và cô đơn. Theo đó, không nên ngạc nhiên nếu thấy chính mình ở trong tình trạng không thể thay đổi đó.
Nền tảng về nhận thức con người nhân tính và nhận thức về tâm trạng cô đơn của Âugutinô không chỉ dựa trên niềm tin Kitô và nền tảng Tân học thuyết Platon,5 nhưng đặc biệt còn dựa trên kinh nghiệm sống của ngài. Hầu hết chúng ta đều biết về đời sống và cuộc đi tìm ý nghĩa đời sống của ngài, một cuộc tìm kiếm dẫn ngài qua triết học, chủ nghĩa khoái lạc, và có lúc còn là những thú vui trụy lạc. Đọc tác phẩm Tự thú (Confessions), chúng ta có thể thấy được sự đấu tranh khủng khiếp – về trí tuệ, cảm tính, và luân lý – mà ngài đã trải qua trước khi đi đến nhận thức của chính mình về con người nhân tính và về tâm trạng cô đơn của con người. Khi ngài nói lên phát biểu lừng danh của mình (có lẽ là dòng được trích dẫn nhiều nhất trong tất cả tác phẩm của ngài) – “Ngài đã dựng nên chúng con cho Ngài, lạy Chúa, và tâm hồn chúng con không ngơi nghỉ cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài” – Âugutinô không chỉ phát biểu một kết luận thần học mà ngài có được sau khi tìm kiếm một cách có hệ thống và biện luận; ngài đang nói về câu chuyện đời mình, câu chuyện về cuộc đời của chúng ta, và câu chuyện của tất cả những ai đã tìm kiếm, than khóc trong cô đơn, đã từng lạc hướng và hoài nghi trong thao thức, sống trong nỗi đau khi nhìn cuộc đời qua tấm kính tối tăm.
J.B. Thái Hòa dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét