CON NGƯỜI CÓ QUYỀN THA TỘI (Mc 2,10)?
Khi bốn người khiêng dỡ mái nhà tại Caphácnaum nơi Chúa Giêsu đang giảng dạy và thòng chõng của người bại liệt xuống trước mặt Người, Chúa Giêsu cảm kích lòng tin của họ và chữa người bại liệt. Nhưng trước khi bảo anh ta vác chõng mà đi, Chúa Giêsu lại bảo anh ta rằng: “Này con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5). Tin Mừng không cho chúng ta biết về nguyên nhân tại sao anh ta bị bại liệt, nhưng đối với Chúa Giêsu, điều đầu tiên Người cần làm là tha tội cho anh ta. Một khi được tha tội, bệnh tật về thể lý cũng sẽ lành.
Tuy nhiên, điều này gây cảm giác chói tai nơi những người có mặt. Người này là ai mà dám tha tội? Người ta có thể tha thứ cho những điều xúc phạm đến nhau, nhưng tội là sự xúc phạm đến chính Thiên Chúa nên chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Người ta có thể nói với tội nhân “Xin Chúa tha tội cho anh” nhưng Chúa Giêsu lại khẳng định “Anh đã được tha tội rồi”. Chính uy quyền trong lời nói của Chúa Giêsu gây cho người ta thắc mắc và phản đối: Người chẳng hề đòi hỏi bất kỳ điều kiện nào (vì thường để được tha tội thì phải có điều kiện); Người cũng chẳng đòi hỏi anh ta phải sửa đổi cuộc sống. Việc làm của Người cho thấy rằng chỉ lời Người thôi cũng đủ để bảo đảm cho việc tha tội. Chính vì thế, những người có mặt nghĩ rằng Chúa Giêsu đang tự gán cho mình cái quyền tha tội của Thiên Chúa.
Vậy làm thế nào Chúa Giêsu chứng minh được rằng Người có quyền tha tội? Người ta không thể thấy tội được tha, nhưng có thể thấy hiệu quả của Lời chữa lành của Người. Thật dễ khi nói “anh được tha tội rồi” nhưng không ai có thể kiểm chứng được liệu tội đã được tha hay chưa. Tuy nhiên, nếu bảo người bại liệt “hãy đứng dậy mà đi”, mà chẳng có gì xảy ra thì đó chỉ là lời trống rỗng. Nhưng Chúa Giêsu nói với những kẻ phê bình Người rằng “Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội” rồi quay sang anh chàng bại liệt, Người bảo, “Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!” (Mc 2,10.11). Khi người bại liệt làm theo, thì cũng là lúc lời quyền năng của Chúa Giêsu được chứng thực. Nhưng Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng chính việc tha tội đã cho phép người bại liệt làm được điều mà trước đây anh không thể. Đồng thời, quyền tha tội của Chúa Giêsu cũng được chứng minh.
Đây là lần đầu tiên trong Tin Mừng Máccô, chúng ta bắt gặp danh hiệu “Con Người”. Quả thế, “Con Người” là danh hiệu Chúa Giêsu ưa dùng để ám chỉ về chính Người. Đôi khi người ta dùng hình ảnh trong thị kiến của Đanien (Đn 7,13-14) về một nhân vật “giống như con người”, đấng nhận quyền tối cao trong ngày xét xử, để giải thích cho việc Chúa Giêsu dùng danh hiệu “Con Người”. Nhưng con người trong Đanien là đấng xét xử chứ không phải là đấng tha tội. (Chúng ta có thể so sánh với Ga 5,27: Chúa Cha trao quyền cho Chúa Con “quyền xét xử, bởi vì Ngài là Con Người”). Tuy nhiên, danh hiệu Con Người ở đây có thể chỉ về Chúa Giêsu như là “Đấng mà Thiên Chúa đã tin tưởng và trao phó trọn vẹn”. Đây có lẽ là cách mà tác giả Mátthêu hiểu về danh hiệu này vì ông tường thuật đoạn kết thúc việc chữa lành bằng cách mô tả đám đông “tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.” (Mt 9,8). Chúa Giêsu đón nhận và thực thi quyền năng như là Đấng đại diện nhân loại, hay nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolô, là “Ađam cuối cùng” (1 Cr 15,45). Tha thứ tội lỗi là đặc quyền cao nhất của Thiên Chúa và Thiên Chúa đã chia sẻ quyền này với Con Người. 
Lm. G.B. Nguyễn Hữu Duy, SVD (Dựa theo Walter C. Kaiser, Frederick Fyvie Bruce, Hard sayings of the Bible. Downers Grove: InterVarsity Press, 1996).