Mỗi sách Tin Mừng được viết ra là để mặc khải về Chúa Giêsu, để giới thiệu Người với thế giới, nhờ đó mọi người tin và trở thành môn đệ của Người. Nhưng trong các sách Tin Mừng, đặc biệt là Máccô, chúng ta gặp thấy hiện tượng kỳ lạ: Chúa Giêsu ra lệnh cho người ta đừng tiết lộ cho người khác biết Người là ai. Nếu Người muốn mọi người tin, tại sao Người không cho những người thực sự biết Người tiết lộ cách công khai về Người? Tin Mừng Máccô 1,34 thuật lại rằng “Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.” Chắc hẳn đây không phải là lần duy nhất mà ma quỷ muốn nói sự thật về Người. Phải chăng điều này có nghĩa là chính Chúa Giêsu cũng nghi ngờ về chính bản thân Người? Thật ra, đây là vấn đề được gọi là “bí mật Mêsia” trong Tin Mừng Máccô.
Để tìm câu trả lời cho vấn đề này, chúng ta phải xem xét các bằng chứng trong Tin Mừng. Chúng ta nhận thấy rằng, Chúa Giêsu không cho tiết lộ về Người trong ba tình huống sau. Trước hết, Người cấm ma quỷ tiết lộ về Người vì chúng biết Người là ai. Thứ hai, Người cấm những người đã được Người chữa lành nói về mình, vì, mặc dù có thể họ không thực sự biết rõ Người là ai, nhưng lại có một câu chuyện không hẳn chính xác để kể về những gì Ngài đã làm cho họ. Ví dụ, Người nói với người phong hủi mà Người vừa chữa lành rằng “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả” (Mc 1,44; x. Mc 5,43). Tình huống thứ ba liên quan đến các môn đệ. Sau khi các ngài tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô”, “Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người” (Mc 8,30; 9,9). Vậy, mục đích của việc giữ bí mật này là gì? Mỗi tình huống trên đây có một cách giải thích hơi khác nhau. Chúng ta sẽ thảo luận theo thứ tự ngược lại.
Thứ nhất là đối với các môn đệ. Sau một thời gian theo Chúa Giêsu, nghe những lời Người giảng dạy, chứng kiến những phép lạ Người làm và chính các môn đệ cũng được Chúa sai đi để làm như vậy, các ông đã nhận ra Chúa Giêsu là ai; điều này thể hiện qua lời tuyên xưng hùng hồn của thánh Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô.” (Mc 8,29). Đức tin của các môn đệ phát triển theo thời gian. Quan trọng hơn, chính Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ biết cách nhìn nhận về sứ mạng của Người. Tuy nhiên, sự hiểu biết của các môn đệ về Chúa Giêsu và sứ mạng của Người vẫn chưa trọn vẹn, ví như việc Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó của Người vẫn còn là điều mà các môn đệ chưa thể hiểu được. Do vậy, có lẽ sẽ an toàn hơn khi các môn đệ chỉ xem Người như là Mêsia, “Đấng được xức dầu”.
Thật không may, Do Thái Giáo không có một khái niệm rõ ràng về Đấng Mêsia và sứ mạng của Người. Một số nhóm không trông chờ Đấng Mêsia. Thời hoàng kim đối với họ là cuộc chiến thắng của anh em nhà Máccabê năm 164 trước CN. Khi mà đền thờ vẫn còn thì quan niệm về một Đấng Mêsia giải phóng là không cần thiết. Những người khác (ví dụ nhóm rút vào sống trong sa mạc và viết ra các bản văn cổ được tìm thấy ở Biển Chết [Dead Sea Scrolls]) tin rằng có hai đấng Mêsia. Một là hậu duệ vua Đavít, đấng sẽ cai trị như một vị vua; và hai là hậu duệ của Aharon, đấng sẽ thanh tẩy việc thờ phượng nơi đền thờ như một thượng tế. Có những người khác trông chờ một vị vua như một chiến binh, đấng có thể giải phóng họ khỏi sự thống trị của người Rôma. Trong thực tế, đã có những nhân vật tự xưng là là Mêsia (Sách Công Vụ Tông Đồ 5,36-37 cho ta một danh sách ngắn về những nhân vật này). Một ví dụ khác là Simêon Ben Kôsiba, nhân vật đã dẫn cuộc đấu tranh của người Do Thái đến thất bại cuối cùng năm 135 sau CN.
Do vậy, “Đấng Kitô” hay “Mêsia” là danh hiệu tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Danh hiệu này có thể nhanh chóng gợi cho người ta về những ý niệm sẵn có về những gì mà nhân vật đó được trông chờ sẽ thực hiện. Nó có thể gây cho người Rôma cảm tưởng rằng đó là một thủ lĩnh của quân nổi dậy. Nó cũng có thể làm cho người ta hiểu sai về vai trò mà Chúa Giêsu muốn mặc khải. Vì những lý do này mà Chúa Giêsu luôn dùng danh hiệu “Con Người” khi nói về mình. Trong sách ngôn sứ Êdêkien, danh hiệu này chỉ một “người phàm”. Tại vùng Palestin nói tiếng Aram, từ này chỉ có thể là cách đơn giản để xưng “tôi” (giống như Phaolô trong 2 Cor 12,2-3). Tuy nhiên, danh hiệu này cũng xuất hiện trong Đanien 7,13 để chỉ về một đấng nhận sức mạnh và quyền năng từ Thiên Chúa. Do vậy, danh hiệu “Con Người” có thể có ba ý nghĩa và chỉ dựa vào văn cảnh mà chúng ta mới có thể xác định ý nghĩa chính xác của nó. Vì ý nghĩa mơ hồ của danh hiệu này mà người ta cần phải nghe Chúa Giêsu để xem Người dùng nó với ý nghĩa nào hơn là gán cho nó một ý nghĩa mà họ sẵn có. Đây chính xác là điều mà Chúa Giêsu mong muốn và cần thực hiện cho đến khi Người hoàn thành tất cả những gì Người cần phải làm. Vì thế, Người bảo các môn đệ đừng nói cho ai biết cho đến khi Người “chỗi dậy từ cõi chết” (Mc 9,9); Chúa Giêsu không cần các môn đệ giúp Người giải thích về căn tính của Người, khi mà chính các môn đệ cũng chưa hiểu đầy đủ về Người.
Thứ hai là đối với những người được Chúa Giêsu chữa lành. Chúa Giêsu không trông chờ người ta theo Người chỉ vì những phép lạ Người làm. Đơn cử như trường hợp Chúa Giêsu cho đứa bé sống lại. Rất nhiều người biết là đứa bé đã chết và họ chỉ nhận ra đó là phép lạ khi họ thấy đứa bé chỗi dậy và đi lại được. Nhưng chắc chắn là Chúa Giêsu không muốn người ta đồng loạt đến xin gặp Người để xin Người làm phép lạ cho sống lại. Vì thế, Người mới ra lệnh “đừng để ai biết việc này” (Mc 5,43). Đối với người đàn ông bị quỷ ám, sau khi được Chúa Giêsu trừ quỷ, anh ta xin theo Người nhưng Người bảo anh ta “hãy đi và loan báo cho mọi người biết những gì Thiên Chúa đã làm cho anh” (Mc 5,19). Trong khi anh ta đi “loan báo về những việc Chúa Giêsu đã làm cho anh”, chính Chúa Giêsu lại hướng sự chú ý về phía Thiên Chúa hơn là về phía Người.
Khía cạnh thứ hai liên quan đến việc Chúa Giêsu yêu cầu những người được chữa lành giữ kín là vì tính công khai của sứ vụ Chúa Giêsu. Sau phép lạ trừ quỷ nói trên, Chúa Giêsu rời khu vực đó nên không Người không gặp phải vấn đề gì. Nhưng khi chữa người phong hủi, Người yêu cầu anh ta giữ kín (Mc 1,44), nhưng chính anh ta lại gây ra vấn đề cho Người khi “bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành” (Mc 1,45). Danh tiếng Chúa Giêsu lan rộng trở thành vấn đề cho Người ở hai phương diện. Thứ nhất, như chúng ta thấy trong Mc 6,31, sự nổi tiếng gây khó khăn nhất định cho cuộc sống của Người . Tình huống các thân nhân của Chúa Giêsu đi bắt Người về vì họ nghĩ rằng Người đã mất trí (Mc 3,21) là một ví dụ. Thậm chí, sự nổi tiếng có thể ảnh hưởng đến sứ vụ của Người vì đám đông theo Người gây khó khăn cho những người muốn đến gần Người (Mc 2,2-4). Thứ hai, sự nổi tiếng gây sự chú ý từ phía nhà cầm quyền và điều đó có thể trở thành nguy hiểm (Mc 6,14). Những điều trên đây giải thích lý do vì sao Chúa Giêsu chọn cách thể hiện khiêm tốn và kín đáo khi làm những phép lạ chữa lành.
Thứ ba là đối với ma quỷ. Quả thực, ma quỷ biết Chúa Giêsu là ai. Chúng biết nhiều về Chúa Giêsu hơn cả các môn đệ, vì chỉ chúng mới dùng danh hiệu “Con Thiên Chúa” để nói về Chúa Giêsu (Mc 3,11; 5,7). Danh hiệu này chỉ được sáng tỏ trên môi viên đại đội trưởng Rôma vào cuối Tin Mừng (Mc 15,39). Tác giả Tin Mừng không cho chúng ta biết động cơ của việc ma quỷ kêu lên lớn tiếng khi gặp Chúa Giêsu; hành động đó có thể chỉ đơn giản là sự thể hiện bộc phát tự nhiên của chúng khi chạm trán đối thủ; hay điều đó cũng có thể ẩn chứa những động cơ xấu xa hơn của chúng. Chúa Giêsu luôn ra lệnh cho chúng phải im lặng, dù với bất cứ động cơ nào. Mặc dù Chúa Giêsu không giải thích lý do vì sao Người làm thế, nhưng dựa vào nội dung bản văn, chúng ta có thể nhận ra một vài lý do.
Thứ nhất, các luật sĩ gán cho Chúa Giêsu là có liên hệ với “quỷ vương Bêendêbun” (Mc 3,22). Vì thế, nếu Chúa Giêsu chấp nhận lời chứng của ma quỷ, dù dưới bất cứ hình thức nào, đều trở thành bằng chứng để các đối thủ lên án Người.
Thứ hai, chấp nhận lời chứng của ma quỷ về căn tính của Người có thể tạo nên tiền lệ để rồi sau này các môn đệ của Người cũng có thể chấp nhận (hoặc thậm chí là tìm kiếm) lời chứng của ma quỷ về những việc khác. Điều này có thể đe dọa tính chính danh của những gì Chúa Giêsu đang làm. Chúng ta nhận thấy ở đây có sự tương đồng với trình thuật về việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ: Chúa Giêsu không đón nhận các vương quốc trần gian từ ma quỷ (Mt 4,9-10), cũng như không nhận sự trợ giúp từ các thế lực ma quỷ cho sứ vụ của Người.
Thứ ba và cũng là quan trọng nhất, toàn bộ sứ mạng của Chúa Giêsu là lời mời gọi tin, dựa trên các dấu chứng, chứ không phải dựa trên việc thể hiện quyền năng. Người loan báo về Nước Thiên Chúa và cuộc sống của Người dựa trên các giá trị của nước đó. Những ai dám tin vào Người, dám dấn thân với Người, dám trở thành môn đệ của Người thì sẽ học hỏi được nhiều thêm về Người . Còn những người khác chỉ đón nhận được sứ điệp của Người thông qua những dụ ngôn không mấy rõ ràng: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn” (Mc 4,11-12.33-34).
Khi ông Gioan Tẩy Giả gởi môn đệ đến gặp Chúa Giêsu để hỏi xem Chúa Giêsu có phải là đấng phải đến không, Người chỉ trả lời đơn giản là hãy về báo lại cho ông Gioan Tẩy Giả về những gì mà họ được chứng kiến (Mt 11,4-6; Lc 7,21-23). Chỉ khi đứng trước Thượng Hội Đồng Do Thái, Chúa Giêsu mới trực tiếp bày tỏ về chính Người. Khi vị thượng tế hỏi Người: “Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?” Đức Giêsu trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14,61-62). Do vậy, việc ma quỷ tìm cách tiết lộ danh tính của Chúa Giêsu trước thời hạn có thể được xem như là cách chúng chen ngang và phá đám chương trình vạch sẵn của Chúa Giêsu. Người trục xuất chúng và ra lệnh cho chúng phải “câm đi!” Qua việc trục xuất ma quỷ mà không cho chúng nói, Chúa Giêsu mời gọi đám đông “hãy nhìn xem và hãy tin rằng Nước Thiên Chúa đã đến rồi”.
Lm. G.B. Nguyễn Hữu Duy, SVD (Dựa vào Walter C. Kaiser, Frederick Fyvie Bruce, Hard sayings of the Bible. Downers Grove: InterVarsity Press, 1996).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét