Trang

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2020

Tìm hiểu THƯ DO THÁI

Tìm hiểu thư Phao-lô: 

CÁC CHỦ ĐỀ THẦN HỌC TRONG THƯ DO THÁI

Thư Do Thái phát triển hai chủ đề có quan hệ mật thiết với nhau trong suốt Năm C: đức tin và sự chịu đựng. Qua việc trình bày chúng, lá thư đưa ra những tấm gương của những người đã chịu thử thách vì một thành đô thiên quốc vốn họ không thể nhìn thấy nhưng chắc chắn sẽ được thừa hưởng nhờ đức tin. Đứng đầu đoàn chứng nhân này là Chúa Giê-su, vị thượng tế trung tín, đấng đã chịu nỗi nhục của thập giá vì vinh quang sẽ đến sau đó.
(Ảnh sưu tầm từ Internet)
Mặc dù thời nay ít tín hữu nhận thấy họ đang chịu bách hại giống như những gì thư Do Thái đề cập, nhu cầu phải chịu đựng và bền chí trong đời sống Ki-tô hữu vẫn còn. Quả vậy, tình trạng của các tín hữu hiện đại thậm chí có lẽ còn nguy cấp hơn: nhiều người trong số họ đã trở nên quá gắn bó với thành đô thế gian và không còn mong đợi thành đô thiên quốc với Thiên Chúa là kiến trúc sư. Thư Do Thái là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng Hội Thánh là một dân lữ hành vốn đang tạm trú nơi đất khách quê người. Nếu dân tộc lữ hành của Thiên Chúa phải vươn đến vương quốc bền vững không thể chuyển lay, nó phải sống nhờ đức tin như các thánh trước đó đã sống. Đức tin như thế làm cho họ có sức chịu đựng.

Tìm hiểu thư Phao-lô: HIỂU BỐI CẢNH CỦA THƯ DO THÁI

So với rất nhiều lần thư Do Thái được sử dụng ở Năm B, thì trong Năm C chỉ có bốn lần nó được sử dụng làm Bài Đọc. Tuy nhiên, trong khi các bài đọc Năm B chú tâm vào chủ đề chức thượng tế của Đức Ki-tô, các bài đọc Năm C lại lấy từ phần mà Thư Do Thái kêu gọi độc giả sống tín trung bởi vì họ có một vị thượng tế như thế.
Như tôi đã ghi chú, thánh Phao-lô không phải tác giả của Thư Do Thái. Nhưng bởi vì có một truyền thống mạnh mẽ ở Hội Thánh Đông Phương sơ khai cho rằng ngài là tác giả của lá thư, và vì có nhiều chủ đề của nó giống với những chủ đề được tìm thấy trong những lá thư của thánh Phao-lô, tôi xếp thư Do Thái vào phần thảo luận của tôi về việc rao giảng của ngài. Vì tôi đã bàn về bối cảnh thư Do Thái ở Năm B, độc giả có thể tự tìm hiểu thêm.
(Ảnh sưu tầm từ Internet)
Chiến lược: Hiểu bối cảnh
Bối cảnh văn chương. Các bản văn từ thư Do Thái trong Năm C đến từ hai lời kêu gọi luân lý sâu rộng (10:26-12:13; 12:14-13:19) vốn tiền giả định đã trình bày giáo thuyết về chức thượng tế của Đức Ki-tô mà được tìm thấy ở những phần trước đó của lá thư, đặc biệt ở phần trung tâm (5:11-10:25). Phần đầu của lời kêu gọi là một lời mời sống kiên trì chịu đựng (10:26-12:13). Nó sẽ giống với nhiều lời kêu gọi khác nhờ chương 11 vốn kể về những tấm gương phi thường về lòng tin trong quá khứ của Ít-ra-en. Có ba bài đọc thư Do Thái (Dt 11:1-2, 8-19; 12:1-4; 12:5-7, 11-13) được trích từ mục này.
Mục này bắt đầu với một lời kêu gọi sẵn sàng bao gồm hai phần (10:26-39). Ở phần đầu (10:26-31), thư Do Thái nghiêm khắc cảnh báo độc giả rằng không có của lễ xóa tội nào khác có thể vượt qua điều Đức Ki-tô đã thực hiện. Vì thế, các tín hữu bắt buộc phải hồi đáp một cách tích cực đối với ơn cứu độ được dâng hiến trong Đức ki-tô. Ở phần sau (10:32-39), thư Do Thái nhắc lại những lối cư xử anh hùng của độc giả trong quá khứ khi họ đã phải chịu đựng “một thử thách đau khổ lớn lao” (10:32). Trích lời ngôn sứ Habakkuk (2:4), nó nhắc độc giả rằng những kẻ công chính sẽ sống nhờ đức tin và rồi nó kết luận, “Phần chúng ta, chúng ta không phải là những kẻ bỏ cuộc và phải hư vong, nhưng là những người có lòng tin và sẽ có sự sống” (10:39).
Việc trích dẫn từ Habakkuk và khẳng định rằng độc giả bao gồm những người có đức tin đã công bố chủ đề của chương 11, sức mạnh của đức tin. Bắt đầu từ sáng tạo rồi đi vào lịch sử Ít-ra-en từ Aben đến Ma-ca-bê, thư Do Thái kể lại hết gương mẫu này tới gương mẫu khác những anh chị em đã sống bởi đức tin. Chương này có thể có dàn ý như sau:
11:1-2     Phần mở đầu giải thích đức tin là gì.
11:3-7     Bốn mẫu gương đức tin: Tri thức của việc sáng tạo vũ trụ nhờ đức tin, đức tin của Aben, Enoch, và Nô-ê.
11:8-12   Đức tin của Áp-ra-ham: ơn gọi, hành trình của ông, sự ra đời của I-xa-ác.
11:13-16 Phản tỉnh và đức tin của những người đã chết mà không đạt được lời hứa nhưng vui vẻ chấp nhận nó với lòng tin vào một quê hương tốt hơn.
11:17-22 Bắt đầu lại với câu chuyện và lòng tin của Áp-ra-ham: sự sẵn sàng hy sinh I-xa-ác của ông; lời chúc lành của I-xa-ác dành cho Gia-cóp và Ê-sau; lời chúc lành của Gia-cóp dành cho các con trai của mình; những hướng dẫn của Gia-cóp để tìm lại xương của ông ở Ai Cập.
11: 23-31 Mẫu gương của ông Mô-sê và thế hệ thời Xuất Hành: đức tin của cha mẹ Mô-sê; đức tin của Mô-sê trong việc rời bỏ cung điện Pharaoh và Ai Cập; đức tin của Mô-sê trong việc xúc tiến lễ Vượt Qua; việc vượt qua Biển Đỏ; sự sụp đổ của thành Giê-ri-khô và đức tin của Rahab.
11:32-40 Đức tin của những anh chị em khác vốn không được tác giả nêu tên nhưng đã giữ niềm hy vọng “sẽ đạt được một sự phục sinh tốt đẹp hơn” (11:35).
Khi những nhà giảng thuyết suy tư về chương này, họ sẽ lưu ý lối sử dụng lặp đi lặp lại cụm từ “bởi đức tin” vốn xảy ra mười tám lần trong cc. 3-31. Sự lặp lại như thế nhắc độc giả về định nghĩa của đức tin ở 11:1 và củng cố trích dẫn từ Habakkuk rằng người công chính sẽ sống bởi đức tin.
Sau khi trình bày “đoàn chứng nhân” này từ quá khứ của Ít-ra-en (12:1), thư Do Thái kêu gọi độc giả hãy kiên trì chịu đựng (12:1-13). Để được như thế, nó kêu gọi độc giả luôn chăm chú vào Chúa Giê-su “người lãnh đạo và người giữ đức tin hoàn hảo” (12:2). Sau đó, trích dẫn sách Cn 3:11-12, nó nhắc độc giả rằng Đức Chúa giáo dục những kẻ người yêu mến (12:4-6). Trong ánh sáng của châm ngôn này, thư Do Thái kêu gọi thính giả chịu đựng những thử thách của họ như một cách giáo dục của Thiên Chúa, giống như họ sẵn sàng chịu phục tùng và học tập từ sự giáo dục mà những cha ông thế gian của họ đã trao ban (12:7-11). Cuối cùng, thư Do Thái kêu gọi thính giả hãy củng cố chính mình vì thế hệ tương lai (12:12-13).
Lời kêu gọi thứ hai và cuối cùng bao gồm 12:14-13:19 và có thể được sắp xếp như sau:
12:14-17 Một lời cảnh báo thất bại.
12:18-39 Tình trạng mới của các tín hữu.
12:18-24 Thành đô của Thiên Chúa hằng sống, thành Giê-ru-sa-lem thiên quốc.
12:25-30 Vương quốc vững bền không lay chuyển
13:1-19   Đời sống cộng đoàn và của lễ mới.
Bài đọc thứ tư từ thư Do Thái (12:18-19, 22-24a) đến từ mục này và, như dàn bài cho thấy, nó nói về tình trạng mới trong đó các tín hữu tìm thấy chính họ. Không như Ít-ra-en cũ, vốn gắn với cái nhìn đầy sợ hãi của Núi Xi-nai, cộng đoàn đức tin mới đã tiến gần đến thành đô của Thiên Chúa hằng sống nhờ vào máu của Chúa Giê-su, đấng là “trung gian của một giao ước mới” (12:24). Kết cục, họ có đủ lý do để chịu đựng đau khổ bởi vì, giống như đoàn nhân chứng được diễn tả ở chương 11, họ biết những điều tốt đẹp đang chờ đợi họ.

Tìm hiểu thư Phaolô: THƯ DO THÁI – ĐỨC TIN MÀ NHỜ NÓ CHÚNG TA SỐNG (p.1)


Chúa Nhật XIX, Thường Niên, Năm C: Dt 11:1-2, 8-19
Đây là bài đọc Phụng vụ duy nhất lấy từ chương 11, và có lẽ nó là phần quan trọng nhất trong bốn bài đọc của thư Do Thái bởi vì nó cung cấp một định nghĩa đức tin vốn củng cố mọi sự theo sau. Vì thế, các nhà giảng thuyết tốt hơn nên suy tư về định nghĩa này trong ánh sáng của chương 11 bởi vì họ sẽ thấy chính họ quay trở lại khái niệm này hết lần này đến lần khác.
Như dàn bài cho thấy, cả chương và bài đọc này bắt đầu với một định nghĩa về đức tin mà bản New American Bible chuyển ngữ theo cách sau: “Đức tin là sự nhận thức những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (11:1). Định nghĩa này có hai phần. Thứ nhất, đức tin là sự hỗ trợ cho những điều ta hy vọng; thứ hai, nó cung cấp bằng chứng cho những điều người ta không thấy nhưng lại biết rằng chúng hiện hữu. Vì mọi bản dịch là một sự diễn giải, sẽ hữu ích nếu ta tham khảo những bản dịch khác:
Giờ đây đức tin là bản chất của những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy
(The King James Version)
Giờ đây đức tin là bản chất của những điều ta hy vọng, là bằng chứng của những điều mà không xuất hiện (The Rheims New Testament).
Đức tin là gì? Nó là điều mang lại bản chất cho hy vọng của chúng ta, vốn minh chứng cho chúng ta về những điều chúng ta không thể nhìn thấy (R.A. Knox Translation).
Đức tin là nền tảng của những phúc lành mà qua đó chúng ta hy vọng cho, là bằng chứng của những thực tại mà chúng ta không nhìn thấy (J.A. Kleist & J. Lilly Translation).
Giờ đây đức tin nghĩa là lấy hết lòng tin đặt vào những điều chúng ta hy vọng cho; nó có nghĩa là sự chắc chắn về những điều chúng ta không thể thấy (J.B. Phillips Translation).
Giờ đây đức tin là chắc chắn về điều chúng ta hy vọng cho và chắc chắn về điều chúng ta không thấy
(New International Version).
Giờ đây đức tin là sự đảm bảo cho những điều được hy vọng, là lòng tin vào những điều không được thấy (New Revised Standard Version).
Đức tin mang lại bản chất cho hy vọng của chúng ta và minh chứng cho chúng ta về các thực tại chúng ta không thấy (Revised New English Bible).
Những bản dịch này cho thấy rằng phần đầu mới là phần quan trọng nhất của bản văn, mà bản NAB dịch, “Đức tin là nhận thức những điều ta hy vọng.” Trong bản dịch này, NAB có vẻ đánh đồng đức tin với việc nhận thức về niềm hy vọng. Theo tôi, các bản dịch của NRSV và RNEB giúp ích hơn: Đức tin củng cố cho điều chúng ta hy vọng bởi vì nó cung cấp một sự đảm bảo hoặc mang lại bản chất cho điều chúng ta hy vọng. Ví dụ Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng gọi của Thiên Chúa và tá túc ở ngoại quốc bởi vì đức tin đã đảm bảo với ông rằng ông cuối cùng sẽ đến được thành phố “do Chúa vẽ mẫu và xây dựng” (11:10).

Tìm hiểu thư Phaolô: THƯ DO THÁI – ĐỨC TIN MÀ NHỜ NÓ CHÚNG TA SỐNG (p.2)


Ý nghĩa của phần thứ hai của định nghĩa dễ hiểu hơn. Đức tin cung cấp bằng chứng cho điều chúng ta không thể thấy. Nghĩa là, đức tin cho phép chúng ta thấy điều mà những ai không có đức tin không thể thấy. Nô-ê đã hành động bằng đức tin này khi ông đóng tàu, dẫu cho nạn lụt vẫn chưa bắt đầu. Chính đức tin này giúp người ta hiểu rằng Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ, dẫu cho không ai nhìn thấy hành động tạo dựng ấy. Tóm lại, thư Do Thái sử dụng đức tin theo một cách thức hơi khác biệt so với những bản văn của Tân Ước nói về việc đặt lòng tin vào Đức Ki-tô hoặc vào Thiên Chúa. Đối với thư Do Thái, đức tin liên quan nhiều hơn đến tri thức hoặc hiểu biết, đến mức độ mà nó cung cấp sự đảm bảo và bằng chứng cho điều sắp xảy đến, dẫu cho ta không thể nhìn thấy nó.
Mặc dù chương 11 trình bày nhiều chứng nhân đức tin, cả nam lẫn nữ, Bài đọc tập trung vào Áp-ra-ham. Cụm từ “nhờ đức tin”diễn ra bốn lần, từ đó chỉ ra bốn ví dụ về đức tin của Áp-ra-ham: (1) ngài đã vâng lời khi được kêu gọi; (2) ngài đã ở tạm trong đất hứa như trong một nước ngoài; (3) ngài lãnh nhận sức mạnh truyền sinh dù đã ở tuổi già; và (4) ngài đã hiến dâng I-xa-ác khi bị thử thách. Trong từng trường hợp, Áp-ra-ham đã hành động bởi vì đức tin đã đảm bảo cho ngài điều gì đó tốt đẹp hơn. Vì thế, ngài đã vâng theo tiếng gọi của Thiên Chúa bởi vì ngài biết ngài sẽ nhận được di sản của mình. Ngài đã ở tạm trong đất hứa bởi vì ngài đang tìm kiếm thành đô muôn thuở. Ngài đã nhận sức mạnh truyền sinh bởi vì ngài tin vào sức mạnh của Thiên Chúa Đấng đã thực hiện lời hứa. Và ngài sẵn sàng dâng hiến người con một bởi vì ngài cho rằng Thiên Chúa có thể làm cho kẻ chết trỗi dậy. Nói cách khác, đức tin đã hỗ trợ cho điều ngài hy vọng và đã đảm bảo ngài sẽ không phải thất vọng. Đức tin là bằng chứng cho điều ngài không thể nhìn thấy.
Giữa ví dụ thứ ba và thứ tư, thư Do Thái gợi nhớ lại những người đã chết vì đức tin. Giống như Áp-ra-ham, họ đã xem họ như “những kẻ xa lạ và người dân ngoại” (11:13) vốn đang tìm kiếm một quê hương tốt đẹp hơn. Mặc dù họ không thể nhìn thấy thành đô thiên quốc, đức tin đã đảm bảo cho họ rằng họ sẽ thừa hưởng nó, dù cho họ đã chết trước khi đạt được lời hứa ấy. Vì thế, thư Do Thái khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng trung tín với những lời hứa của mình, ngay cả khi cái chết nói rằng không có lý do gì để tin.
Ai cũng tin vào điều gì đó, dù cho họ tin vào hư vô và sự trống rỗng của cuộc sống. Tuy nhiên, cái làm nên khác biệt là điều hoặc đấng mà ta tin vào. Đấng hoặc điều mà chúng ta đặt lòng tin vào quyết định cách chúng ta sống. Ví dụ, những kẻ tin tưởng và hy vọng vào nghề nghiệp hoặc sự an toàn của tiền bạn sẽ sống theo một cách thức tương ứng với niềm tin ấy, trong khi những ai tin vào điều gì đó siêu vượt điều họ thấy và hiểu thông qua giác quan sẽ sống theo một cách khác. Áp-ra-ham đã minh họa cho loại đức tin vốn đi tìm điều ngài không thể nhìn thấy. Đi tìm một thành đô thiên quốc, ngài sẵn lòng sống như một kiều bào trong một vùng đất mà hậu duệ của ngài sẽ thừa hưởng.
Bản văn này tạo cơ hội cho các nhà giảng thuyết phản tỉnh về loại đức tin mà làm những người bình thường trở nên phi thường. Thư Do Thái thách thức các nhà giảng thuyết dám bắt chước thuật hùng biện mạnh mẽ của nó để thuyết phục các cộng đoàn của họ dám sống nhờ đức tin.

Tìm hiểu thư Phaolô: Về ĐỨC TIN CỦA CHÚA GIÊ-SU TRONG THƯ DO THÁI

(Bài đọc trong Chúa Nhật XX, Thường Niên, Năm C: Dt 12:1-4)
Chương 11 thư Do Thái đã trình bày hàng loạt những mẫu gương đức tin trong lịch sử Ít-ra-en: mẫu gương của những người đã hành động dựa trên một niềm hy vọng lớn lao hơn dù cho họ đã không đạt được điều họ hy vọng khi họ còn sống. Dựa trên những mẫu gương này, thư Do Thái mời gọi độc giả ôm ấp một đời sống đức tin giống như thế bởi vì họ được “ngần ấy chứng nhân đức tin như đám mây bao quanh” (12:1). Đám mây chứng nhân này bao gồm những vị tiền bối vốn đã đã đạt được cùng đích của đức tin. Giống như những người chạy đua trong một cuộc thi ma-ra-thon, họ là những chứng nhân cho những người khác. Và giống như những khán giả trong một khán đài, họ đợi chờ những người đang chạy đua sẽ hoàn thành cuộc đua để họ có thể trao vương miện cho những người chiến thắng.
Ngoài đám mây các chứng nhân này ra, thư Do Thái còn ca tụng Chúa Giê-su, “đấng khai mở và kiện toàn đức tin.” Người là đấng khai mở đức tin bởi vì ngài là nguồn cội của đức tin, người đầu tiên đạt được cùng đích của đức tin. Vì thế, giờ đây người ngự “ở bên hữu ngai Thiên Chúa” (12:2). Người là đấng kiện toàn đức tin bởi vì người là hiện thân hoàn hảo của đức tin. Trong người, đức tin và sự trung tín đạt tới sự viên mãn. Giống như một tay đua đường dài phải chịu đựng đau đớn và gian khổ của cuộc đua bởi vì người ấy đang nhìn về vạch đích, Chúa Giê-su đã phải chịu nỗi hổ nhục của thập giá vì vinh quang thiên đàng đang chờ đợi người. Nhắc nhở độc giả rằng họ vẫn chưa phải đổ máu trong cuộc chiến với tội lỗi, thư Do Thái kêu gọi họ noi theo đức tin của các chứng nhân vĩ đại này, đặc biệt là đức tin của Chúa Giê-su.
(Ảnh sưu tầm từ Internet)
Các tín hữu tin vào Chúa Giê-su nhưng họ lại hiếm khi nghĩ về người như một con người của đức tin. Điều này cũng không lạ gì bởi vì họ thường nghĩ về đức tin theo cách hiểu của các tín điều. Tuy nhiên, trong việc xác định Chúa Giê-su như đấng khai mở và kiện toàn đức tin, thư Do Thái khẳng định rằng Chúa Giê-su, giống như các mẫu gương đức tin tiền bối, được nuôi dưỡng bởi đức tin. Ai chọn bản văn này để giảng có cơ hội giới thiệu với cộng đoàn của họ một góc cạnh của nhân tính Chúa Giê-su vốn rất ít khi được nhắc đến: đức tin của Chúa Giê-su. Đức tin này là sự trung tín của Chúa Giê-su đấng đã tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ chứng thực cho người bất kể nỗi hổ nhục của thập giá.

Tìm hiểu thư Phao-lô: NGƯỜI MÔN ĐỆ BIẾT HỌC HỎI

Bài đọc trong Chúa Nhật XXI, Thường Niên, Năm C: Dt 12:5-7, 11-13
Bài đọc này kết thúc lời kêu gọi luân lý ở 10:26-12:13. Sau khi trình bày cho độc giả một đoàn chứng nhân đức tin, thư Do Thái kêu gọi họ hãy trung thành chịu đựng. Bải văn nhắc lại Cn 3:11-12: Đức Chúa sửa dạy những kẻ Ngài yêu thương. Nhắc nhở độc giả rằng họ thậm chí còn chấp nhận để người cha trần thế sửa dạy, thì họ cũng nên chịu đựng mọi thử thách và xem chúng như những bài học mà Cha trên trời đang sửa dạy họ.
Mặc dù không được khai triển một cách rõ ràng ở đây, thư Do Thái đang đưa ra một bài học lấy từ đời sống của Chúa Giê-su đấng, “dầu là Con Thiên Chúa, đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (5:8-9). Thư Do Thái xem những đau khổ của các tín hữu như một hình thức sửa dạy của Thiên Chúa mà đến ngày sau hết sẽ mang đến một mùa màng bội thu của những hành vi tốt đẹp (“sự công chính”).
(Thánh Gia-cô-bê bị chém đầu. Ảnh từ Internet)
Sau khi trình bày điểm này, thư Do Thái quay trở lại với hình ảnh vận động viên vốn rất đáng chú ý trong trong bài đọc tuần trước. Độc giả của thư Do Thái phải kiên cường trước những gian khó hiện tại và phải hoàn thành cuộc đua họ đã bắt đầu.
Một lời kêu gọi như thế này tốt nhất cần được rao giảng trong ánh sáng của bối cảnh của khán giả. Các nhà giảng thuyết tốt nhất nên chọn cho mình những bản văn mà họ sẽ tập trung vào để giảng.  Nếu họ quyết định dùng bản văn này, bài giảng của họ sẽ đạt hiệu quả tối đa nếu họ nối kết nó với đức tin của Chúa Giê-su và của đoàn nhân chứng trong chương 11. Làm như thế, các nhà giảng thuyết có thể đưa ra một luận điểm: đức tin chân thật bao hàm đau khổ và thử thách. Vì thế Chúa Giê-su, khi người sắp chết, “đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (5:7).

Tìm hiểu thư Phao-lô: Về THÀNH ĐÔ THIÊN CHÚA TRONG THƯ DO THÁI

Bài đọc trong Chúa Nhật XXII, Thường Niên, Năm C: Dt 12:18-19, 22-24a
Bản văn này diễn ra ở phần đầu của lời kêu gọi cuối cùng của thư Do Thái (12:14-13:19). Theo đó, các nhà giảng thuyết sẽ cần phải đọc nó trong bối cảnh ấy nếu họ muốn hiểu hết ý nghĩa của nó.
Ngay trước bản văn của tuần này, thư Do Thái lần thứ ba đưa ra những lời cảnh báo gay gắt (12:14-17; hai lần trước là 5:11-6:20 và 10:26-39). Trong lần cảnh báo này, thư Do Thái gợi nhớ lại câu chuyện của Esau người đã vì một tô cháo yến mạch mà từ bỏ quyền trưởng nam và đã không thể nào lấy lại quyền đó. Bài học rõ ràng: nếu giờ đây độc giả thư Do Thái chùn bước thì sẽ không còn cơ hội để quay đầu lại. Kết cục, các tín hữu phải kiên gan bền chí nhiều hơn nữa.
(Ảnh từ Internet)
Sau lời cảnh báo gay gắt này, thư Do Thái quay trở lại với một chủ đề đã được nhắc đến trước đó: một sự so sánh giữa thế hệ nơi hoang địa vốn đã thất bại trong việc giữ lòng trung tín và cộng đồng mới vốn phải sống bởi đức tin (x. 3:7-4:11). Không như thế hệ trước vốn đã tiến đến Núi Xi-nai với một cái nhìn đầy hãi sợ, thế hệ mới đã tiến đến “thành đô của Thiên Chúa hằng sống là Giê-ru-sa-lem trên trời” (12:22). Chung cục, sự tự tin ấy hoàn toàn có lý nhờ đấng trung gian của giao ước mới là Chúa Giê-su mà bửu huyết của người lại quý giá hơn máu của Abel của giao ước cũ.
Trong phần theo sau bài đọc tuần này (12:25-29), thư Do Thái kêu gọi độc giả đừng từ chối đấng đã kêu gọi, tức là Thiên Chúa. Bởi vì, nếu Ít-ra-en xưa cũ đã không thể thoát khỏi sự trừng phạt, thì chắn chắn rằng họ cũng cùng chung số phận. Chính  ở trong phần này mà thư Do Thái đã giới thiệu ý niệm về “vương quốc không lay chuyển” (12:28), một hình ảnh khác cho thành đô của Thiên Chúa hằng sống.
Bài đọc này cung cấp cho các nhà giảng thuyết một cơ hội để thảo luận về mục đích tối hậu của đời sống Ki-tô hữu: hiệp nhất với Thiên Chúa. Thư Do Thái diễn tả khái niệm này với nhiều hình ảnh: thành đô của Thiên Chúa hằng sống, Giê-ru-sa-lem trên trời, vương quốc không thể lay chuyển. Trong một thời gian khi mà nhiều nhà giảng thuyết e ngại nói về những chủ đề cánh chung như ngày Chúa Giê-su trở lại, thiên đàng, hỏa ngục, và phán xét, bản văn này thách thức họ phản tỉnh về số phận của đời sống người Ki-tô hữu và tìm kiếm một cách thức đáng tin cậy để trình bày nó cho các tín hữu thời nay.
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong, S.J.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 157 
– 158

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét