(Ga 14,1-12)

CÂU HỎI  
  1. Trong Tin Mừng Gioan Đức Giêsu xao xuyến mấy lần? Đọc Ga 11,33; 12,27; 13,21. Các môn đệ xao xuyến mấy lần? Đọc Ga 14,1.27. Tại sao các môn đệ xao xuyến? Đọc Ga 13,21-38; 14,27-29.
  2. Đọc Ga 14,1-3. Đức Giêsu đã nói gì để giúp họ hết xao xuyến?
  3. Đọc Ga 14,2-4. Đức Giêsu đã dùng những hình ảnh cụ thể nào để nói về những thực tại thiêng liêng ở đời sau? Dựa vào đoạn văn này, bạn hãy vẽ lại cuộc hành trình của Đức Giêsu.
  4. Đọc Ga 14,6. Đức Giêsu tự nhận mình là Con Đường và ai muốn đến với Thiên Chúa đều phải qua Con Đường này. Tại sao Đức Giêsu dám khẳng định mình như thế?
  5. Đọc Ga 14,6. Tại sao Đức Giêsu tự nhận mình là Sự Thật? Đọc Ga 1,14.17.18; 8,26.28; 12,49; 14,10.
  6. Đọc Ga 14,6. Tại sao Đức Giêsu nhận mình là Sự Sống? Đọc Ga 1,4; 5,26; 6,39-40.51.57.68; 11,25.
  7. Ai biết Thầy Giêsu là biết Cha của Thầy, ai thấy Thầy Giêsu là thấy Chúa Cha (Ga 14,7.9). Đọc Đọc Ga 1,14; 5,19-20; 8,29; 12,44-45;
  8. Đọc Ga 14,10. Bạn nghĩ gì về sự kết hiệp mật thiết giữa Thầy Giêsu và Chúa Cha? Ở lại trong nhau, điều đó nghĩa là gì? Đọc Ga 10,30.38; 17,21.

GỢI Ý SUY NIỆM: Bạn nghĩ gì về những người tuy chưa biết Chúa Giêsu nhưng đã can đảm sống theo sự thật và bảo vệ sự sống? Họ có hy vọng được hưởng ơn cứu độ không?

PHẦN TRẢ LỜI
  1. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu xao xuyến ba lần: trước cái chết của Ladarô (Ga 11,33), trước cái chết của chính mình (Ga 12,27) và trước sự phản bội của Giuđa (Ga 13,21). Các môn đệ xao xuyến hai lần (Ga 14,1.27). Có thể họ xao xuyến vì nhiều lý do: vì Thầy Giêsu báo một người trong nhóm sẽ nộp Thầy (Ga 13,21), vì Thầy loan báo Thầy sẽ đi đến một nơi mà họ không thể đến được (Ga 13,33.36), vì Thầy tiên báo Phêrô sẽ chối Thầy ba lần (Ga 13,38). Nói chung các môn đệ xao xuyến khi nghe Thầy báo tin sẽ ra đi, và báo về những vấp ngã nặng nề của hai môn đệ trong nhóm.
  2. Trước sự xao xuyến của các môn đệ, Đức Giêsu đã khuyên họ nên giữ vững niềm tin: “Anh em tin vào Thiên Chúa thì hãy tin vào Thầy” (Ga 14,1). Hơn nữa, Ngài bắt đầu cho họ biết rõ hành trình sắp tới của Ngài: về nhà Cha để dọn chỗ cho các môn đệ, rồi sẽ trở lại để đem họ về với Ngài, để Thầy trò chung sống với nhau (Ga 14,2-3). Như thế cuộc chia tay sắp tới chỉ có tính tạm thời, rồi Thầy trò lại có dịp sống bên nhau mãi mãi. Tương tự như thế, trong Ga 14,27-29 Thầy Giêsu cũng giúp các môn đệ hết xao xuyến bằng cách cho biết mình sẽ “đi đến cùng Chúa Cha” và sẽ “đến với họ” (Ga 14,28).
  3. Trong Ga 14,2-4 Đức Giêsu dùng những hình ảnh cụ thể để nói về những thực tại siêu nhiên. Ngài nói đến “nhà của Cha Thầy”, “chỗ ở” (monai), “chỗ” (topos), “đường” (hodos). Đó là những hình ảnh gợi lên thế giới mai sau, nhưng dĩ nhiên thiên đàng không phải là một tòa nhà có nhiều tầng, với nhiều phòng nhỏ cho từng người. Qua Ga 14,2-3 ta thấy hành trình của Đức Giêsu sau khi hoàn tất sứ vụ Cha trao nơi trần gian: đi về nhà Cha trước để chuẩn bị chỗ cho các môn đệ, sau đó trở lại với các môn đệ để đưa họ về với mình, để Thầy trò sống mãi bên nhau. Như thế có thể nói, Đức Giêsu làm hai cuộc hành trình: Ngài là Thiên Chúa Con Một đã xuống thế làm người, sẽ chết, phục sinh và về lại nhà Cha. Sau đó Ngài sẽ trở lại để đưa các môn đệ về ở với Ngài trong nhà Cha.     
  4. Trong Ga 14,6 Đức Giêsu nhận mình là Con Đường. Hơn thế nữa, Ngài còn nói: “không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy.” Như thế, để gặp được Thiên Chúa, để có được ơn cứu độ, không có con đường nào khác ngoài Con Đường Giêsu. Chỉ qua Con Đường này mà nhân loại đến được với Thiên Chúa. Đức Giêsu dám khẳng định như vậy vì Ngài là Ngôi Lời xuống thế mang phận người (Ga 1,14). Ngài là Thiên Chúa (Ga 1,1), nhưng là Thiên Chúa Con Một của Thiên Chúa Cha (Ga 1,18). Chúa Cha muốn: “Tất cả những ai… tin vào Người Con thì có sự sống đời đời” (Ga 6,40), và muốn “thế gian nhờ (dia) Người mà được cứu độ” (Ga 3,17).
  5. Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa đầy tràn “ân sủng và sự thật” (Ga 1,14.17). Ngài là Đấng duy nhất thấy Thiên Chúa và ở ngay trong cung lòng Thiên Chúa (Ga 1,18). Khi làm người, Ngài đã luôn nói sự thật mà Ngài đã nghe được từ Thiên Chúa (Ga 8,26.28; 12,49-50; 14,10). Chính vì thế Ngài đã nhận mình là Sự Thật (Ga 14,6).
  6. “Nơi Ngôi Lời là sự sống và sự sống là ánh sáng cho loài người” (Ga 1,4). Ngôi Lời đã làm người nơi Đức Giêsu. Chúa Cha cho Ngài được “có sự sống nơi mình” (Ga 5,26) và Ngài có quyền cho người ta sống lại trong ngày sau hết (Ga 6,39-40). Đức Giêsu đã ban sự sống thân xác cho nhiều người (Ga 4,46-54; 5,1-9; 6,1-68; 9; 11), và nhất là sự sống đời đời (Ga 3,16; 6,58.68). Bởi đó Ngài tự nhận chính Ngài là Sự Sống (Ga 14,6).          
  7. Ai biết Thầy cũng sẽ biết Chúa Cha (Ga 14,7). Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (Ga 14,9). Vậy Đức Giêsu là hiện thân của chính Thiên Chúa trên trần gian. Gặp được Ngài là gặp được chính Thiên Chúa. Lời Ngài nói là lời của Thiên Chúa (Ga 8,28), việc Ngài làm là việc Thiên Chúa làm (Ga 5,19-20; 8,29; 14,10). Thiên Chúa Cha không phải là Đấng cao xa, không thể thấy, không thể chạm tới được, nhưng hiện diện gần gũi nơi Đức Giêsu. Hai lần Đức Giêsu nói: “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,10-11).
  8. Đức Giêsu luôn ý thức mình là người được Cha sai. Ngài luôn sống tùy thuộc vào Cha là Đấng sai Ngài. Có sự gắn kết bền chặt giữa người được sai và Đấng sai mình, giữa Đức Giêsu là Con với Chúa Cha, đến nỗi “ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi” (Ga 12,45). “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10,38; 17,21). Sự ở trong này đến mức độ Đức Giê su có thể nói: “Chúa Cha và Tôi là một” (Ga 10,30).