Nên thánh nhờ làm người như Giêsu
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ
Trong Kinh Thánh Cựu Ước, qôdes שֶׁדֹ֑ק hay qados שֹֽׁדָק để chỉ phẩm tính thánh thiện. Từ này bắt nguồn từ động từ qadas שַׁ֥דָק có nghĩa là tách khỏi cái phàm tục, để thuộc về cái thánh thiêng (separate, single out).[1] Khi động từ này ở dạng Piel, nó có nghĩa là thánh hóa hay thánh hiến (tư tế 1 Sm 7,1; con vật đầu lòng Đnl 15,19; con đầu lòng Xh 13,2; đền thờ Lv 21,23). Thánh hiến là hiến dâng một vật hay một người để phục vụ ĐỨC CHÚA.
Thánh thiện là tách biệt để thuộc về Chúa, điều này áp dụng cho dân Israel: “Các ngươi phải thuộc về Ta, phải thánh thiện (qơđôsim), vì Ta, ĐỨC CHÚA, Ta là Đấng Thánh (qados), và Ta đã tách biệt các ngươi ra khỏi các dân để các ngươi thuộc về Ta” (Lv 20,26).
“Thánh” là phẩm tính đi với những gì dành riêng để thuộc về Thiên Chúa. Nơi chốn: Đất thánh (Xh 3,5 qôdes), thành thánh Giêrusalem (Is 48,2 qôdes), cung thánh (Xh 26,33 qôdes), Đền thánh (Is 64,10 qados). Con người: tư tế (Lv 21,6 qôdes), nazir (Ds 6,5 qados), ngôn sứ (Kn 11,1 hagios), dân thánh (Lv 19,2 qados, qơdôsim). Đồ vật: của thánh (Xh 29,33 qôdes), các đồ trong phụng tự, phẩm phục. Thời gian: ngày Sabbat (Xh 20,11; 31,14 qôdes), Năm Thánh Toàn Xá (Lv 25,12 qôdes). Đây là những thực tại dành riêng cho Thiên Chúa, không dùng cho những mục tiêu phàm tục.
Mọi thực tại trên đây là thánh, nhưng theo những cấp độ khác nhau tùy mối dây liên kết chúng với Thiên Chúa. Dĩ nhiên sự thánh thiện của chúng không cùng bản chất với sự thánh thiện của Thiên Chúa. Không phải cứ tiếp xúc với sự thánh thiện của Thiên Chúa là tự động nên thánh đâu. Chúng là thánh bởi quyết định tự do của Thiên Chúa, theo những nghi thức do Ngài ấn định (x. Lv 16,1-16). Còn việc thánh hóa con người thì mỗi người phải tiến lên từng bước, xuyên qua bao thử thách của cuộc sống.
Mọi sự thánh thiện đều bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng ba lần thánh (Is 6,3). Danh Ngài là thánh (Tv 33,21). Ngài tỏ cho ta thấy Ngài là đấng thánh qua những cuộc thần hiển (ở Sinai Xh 19). Sự hiện diện của Ngài được biểu lộ ra qua đám mây, hòm bia, đền thờ, vinh quang (Ed 1,1-28). Không ai thấy Ngài mà sống được (Is 6,1- 5; Xh 33,18-23). Vậy sự thánh thiện có tính siêu việt và xa cách. Nhưng Ngài cũng là thánh qua tình yêu nhân từ và tha thứ (Hs 11,9), qua việc cứu độ cứu chuộc dân của Ngài và ban cho họ sự sống (Is 10,20; 17,7). Thế giới linh thánh vừa khiến con người sợ hãi, muốn tránh xa, vừa quyến rũ con người đến gần thờ lạy.
Thiên Chúa yêu dân thánh Israel của Ngài: dân được tách ra từ muôn dân, thành dân riêng sở hữu của Thiên Chúa. Dân Israel không những cần có sự thánh thiện do nghi lễ (ritual, Xh 19,10-22) mà còn cần sự thánh thiện về đời sống luân lý (moral) nữa. Đức Chúa phán với ông Môsê: “Hãy nên thánh vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là thánh” (Lv 19,1-2; x. 20,26). Ngay sau khi kêu mời dân nên thánh thì Đức Chúa cho biết muốn nên thánh phải làm gì (Lv 19,3-37). Nói chung là phải thực hành những đòi hỏi của Giao ước, trong tương quan đối với Đức Chúa và tha nhân. Nếu con cái Israel giữ những đòi buộc của giao ước thì như ĐỨC CHÚA nói với Môsê: “giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta (o^rì).. .Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh (qados)” (Xh 19,5-6; x. Đnl 26,17-19; 28,9). Như vậy chỉ khi dân Israel giữ Mười Điều Răn, Thiên Chúa mới làm họ nên dân thánh. Thánh vịnh 24,3-4 cũng nói lên đòi hỏi luân lý đối với người đi viếng Đền Thờ: “Ai được lên núi Chúa? Ai được ở trong đền thánh của Người? Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.”
Thiên sứ Gabriel nói với Đức Maria: Người sẽ là Đấng thánh (Lc 1,35). Quỷ cũng gọi Đức Giêsu là Đấng Thánh (Mc 1,24; 3,11). Đức Giêsu làm phép lạ nhằm bày tỏ sự thánh thiện của Ngài. Ngài gọi Thiên Chúa là Cha chí thánh (Ga 17,11). Sự thánh thiện của Đức Giêsu thì đồng nhất với sự thánh thiện của Cha, nhưng vượt trội sự thánh thiện rất tương đối của các thánh nhân thời Cựu Ước.
Nên thánh nhờ yêu kẻ thù
Trong Bài Giảng trên Núi, Đức Giêsu kêu mời môn đệ: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con ở trên trời” (Mt 5,48). Theo mạch văn này, hoàn thiện như Cha trên trời là có khả năng yêu kẻ thù, vì Cha là Đấng “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45). Chính khả năng yêu kẻ thù làm cho ta trở nên giống Cha, trở nên “con cái của Cha, Đấng ngự trên trời.” Trở nên hoàn thiện là trở nên thánh. Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu lại mời gọi: “Các con hãy có lòng thương xót như Cha các con là Đấng hay thương xót” (Lc 6,36). Bối cảnh của câu này cũng là yêu kẻ thù, vì Thiên Chúa nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6,35). Hơn nữa, có lòng thương xót được hiểu là đừng xét đoán hay lên án, nhưng hãy tha thứ và cho (Lc 6,37-38). Như thế Đức Giêsu mời gọi mọi tín hữu nên thánh bằng cách bắt chước chính Thiên Chúa. Thư 1 Phêrô cũng mời kitô hữu “hãy nên thánh trong mọi cách ăn nết ở” (1Pr 1,15-16).
Nên thánh là để Chúa Giêsu chiếm lấy mình
Nên thánh là dần dần để Chúa Giêsu chiếm lấy mọi ngõ ngách của đời mình, tư tưởng, lời nói và hành động, ý thức, tiềm thức và vô thức, là để cho cái tôi của mình nhỏ lại, lùi bước và nên một với Ngài, như thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Vậy nên thánh là để cho sức sống của Chúa Giêsu phục sinh chi phối trọn vẹn đời mình. Đây cũng là điều ta nghe trong Tin Mừng theo thánh Gioan: “Hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở trong anh em.. .Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, người ấy sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì” (Ga 15, 4-5). Chúng ta là cành nho tiếp nhận nhựa sống từ thân cây nho Giêsu, nên không thể có chuyện nên thánh ngoài Giêsu.
Nên thánh là đi vào Đường của Thầy Giêsu
“Thầy là Đường, và là Sự Thật, và là Sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Đó là ý của Chúa Cha (Ga 6,40). Vậy ơn cứu độ chỉ đến qua Đường Giêsu. Nên thánh cũng vậy, phải đi Đường Giêsu, phải đi theo Giêsu: “Ai muốn theo Ta hãy.” Thánh Gioan đã viết một câu rất hay: “Ai nói rằng mình ở lại trong Người (=Thiên Chúa), thì cũng phải đi như chính Đấng ấy (= ekeinos = Đức Giêsu) đã đi” (1 Ga 2,6). Đi chung đường với Giêsu là đi con đường Vượt Qua, con đường từ bỏ chính mình, con đường vác thánh giá theo sau Giêsu. Đường thánh giá là con đường để nên thánh. Thánh Têrêsa Avila đã viết: “Rất nhiều lần do kinh nghiệm, tôi nhận thấy một điều mà Chúa cũng nói cho tôi biết và tôi dám nói là tôi đã nhìn thấy tận mắt, đó là: chúng ta phải vào qua cửa này, nếu chúng ta muốn được Thiên Chúa uy nghi cao cả cho biết những điều huyền nhiệm và bí ẩn. Không được tìm con đường nào khác, cho dù đã đạt tới tuyệt đỉnh chiêm niệm. Trên con đường này, người ta bước đi an toàn vững chắc.Quan sát kỹ cuộc đời của Người, chúng ta sẽ thấy không có gương nào tốt lành và trọn hảo hơn để mà bắt chước.” (Sách Sự Sống, 22)
Chúng ta được mời trở nên hoàn thiện, thương xót như Thiên Chúa, nhưng từ khi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa sinh xuống làm người, hiện thân hoàn hảo của Thiên Chúa chí thánh, và là Đấng Thánh, thì ta có thể trở nên thánh nhờ bắt chước Ngài và nên một với Ngài. Sống như Giêsu khi Ngài mang phận người, đó là con đường cụ thể và gần gũi để ta nên thánh .
Theo thánh Phaolô, chúng ta được trở nên thánh nhờ Đức Kitô Giêsu (1 Cr 1,2; 6,11). Trong các thư chính thức của thánh Phaolô (trừ 1 Th và Gl), các kitô hữu được gọi là các thánh (hagioi. Rm 1,7; 2 Cr 1,1). Đối với Phaolô, Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô Giêsu thành “sự thánh hóa” (hagiasmos) của chúng ta (1 Cr 1,30).
Nên thánh nhờ làm người như Đức Giêsu
Nên thánh nhờ bắt chước con người và tinh thần Đức Giêsu trong các sách Tin Mừng. Đây là con đường có vẻ gần gũi, đơn sơ, dễ đi. Chúng ta cần tập đọc, nghiền ngẫm các sách Tin Mừng, chiêm ngắm khuôn mặt của Đức Giêsu khi làm người ở đời, nghe những lời Ngài nói và thấy những việc Ngài làm. Từ đó hình ảnh của Đức Giêsu dần dần biến đổi cuộc sống của chúng ta, in đậm nét trên chúng ta, đến nỗi chúng ta trở nên thánh như chính Ngài là Đấng thánh.
- Đức Giêsu bênh vực các môn đệ khi họ bứt lúa, không rửa tay trước khi ăn, không ăn chay (Mt 12, 1; 15, 1; 9, 14). Chúng ta học được sự mềm mại khi áp dụng mọi luật lệ. Học biết phán xét người khác với nhiều tình yêu, đặt mình trong hoàn cảnh của họ, không vì nệ luật mà quên con người.
- Ngài chịu đựng sự cứng lòng và sự chậm hiểu của họ (Mc 8,14-21).
- Ngài tha thứ những sa ngã, phản bội, chạy trốn của các môn đệ. Đức Giêsu chắc đã rửa chân cho Giuđa, đã đón nhận nụ hôn phản bội của anh. Ngài đã tha thứ cho Phêrô và vẫn coi ông là người đứng đầu Nhóm Mười Hai. Ngài đã dám nhận vào nhóm một người thu thuế, bị xã hội coi khinh.
- Ngài tin tưởng trao mọi quyền mình có cho các môn đệ, quyền rao giảng, trừ quỷ, chữa bệnh (Mc 6,12-13). Mọi sự Ngài làm, Ngài chia sẻ hết cho các ông.
- Ngài mời họ cộng tác vào sứ mạng của ngài, ngài sai họ đi: hãy đi rao giảng, hãy phân phát bánh và cá cho dân chúng, hãy chăn dắt chiên của Thầy (Mc 6,41).
- Ngài dám bắt buộc họ qua bờ bên kia khi họ đang ngây ngất trước thành công của phép lạ nhân bánh (Mc 6,45; 1,37-38; Mc 4,40). Ta học được tính cương quyết của nhà giáo Giêsu, chấp nhận đưa môn đệ vào hoàn cảnh khó khăn cần phấn đấu nỗ lực mới vượt qua được.
- Ngài đã đồng hành với hai môn đệ về Emmau, đã gợi chuyện, đã lắng nghe, đã soi sáng...
- Ngài dạy các môn đệ từ những biến cố thực tế hằng ngày. Khi họ quên đem bánh (Mc 8,14), khi họ cãi nhau trên đường (Mc 9,33-35); khi họ ghen tức, độc quyền, phe nhóm (Mc 9,38); khi họ khó chịu vì trẻ em quấy rầy (Mc 10, 13); khi họ tranh ghế tả hữu (Mc 10,37); khi Ngài thấy bà góa nghèo bỏ tiền (Mc 12,41). Nghe những giáo huấn của Ngài, chúng ta thay đổi cái nhìn của chúng ta.
Nên thánh và các Mối Phúc
Trong Tông huấn về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay Gaudete et Exsultate, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về các Mối Phúc (số 63-94). Ngài viết: “Từ ‘hạnh phúc' hay ‘được chúc phúc' trở thành từ đồng nghĩa với “thánh thiện” (số 64). Nói cách khác, người được chúc phúc là người thánh thiện trước mặt Chúa. Trong phụng vụ lễ Các Thánh, Giáo Hội cho chúng ta nghe bài Tin Mừng về các Mối Phúc. Các Mối Phúc là những con đường nên thánh. Đức Giêsu đã sống tận căn các Mối Phúc này trong đời Ngài. Tuy nhiên, không phải chỉ có 4 Mối Phúc theo Luca (6,20-23) hay có 8 hoặc 9 Mối Phúc theo Mátthêu (5,1-12). Các sách Tân Ước còn nói đến những Mối Phúc khác. Sau đây là một số mối phúc.
“Này anh Simon con ông Giô na, anh thật là người có phúc (macarios), vì không phải thịt và máu đã mặc khải cho anh, nhưng Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17).
“Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ấy” (Mt 24,46 // Lc 12,37-38).
“Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).
“Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).
“Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! Nhưng Người đáp lại: Đúng hơn phải nói rằng: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,27; x. Kh 1,3).
“Anh em biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì phúc cho anh em !” (Ga 13,17).
“Phải nhớ lại những lời chính Chúa Giêsu đã nói: ‘Cho thì có phúc hơn là nhận'” (Cv 20,35).
“Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn.” (Mt 25,34).
“Hãy mời những người nghèo... Họ không có gì đền đáp, và như thế, ông thật có phúc, vì ông sẽ được đền đáp khi các người công chính sống lại” (Lc 14,14).
“Phúc thay ai không cho mình là có lỗi khi quyết định làm điều gì !” (Rm 14,22).
“Phúc thay những kẻ giặt sạch áo mình, để được quyền hưởng dùng cây sự sống.” (Kh 22,14; x. 7,14).
“Nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc !” (1 Pr 3,14).
“Nếu bị sỉ nhục vì Danh Đức Kitô, anh em thật có phúc.” (1 Pr 4,14).
“Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách... kẻ ấy sẽ lãnh phần thưởng là sự sống. (Gc 1,12).
Môn đệ là người được thánh hiến
Trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu trước khi bước vào Cuộc Khổ Nạn, ở chương 17 của Tin Mừng theo thánh Gioan, ta thấy mối quan tâm của Đức Giêsu về các môn đệ. Ngài cầu nguyện với Cha cho họ bởi lẽ “Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian” (Ga 17,11). Dù thế gian là một thế lực chống đối và nguy hiểm, nhưng Đức Giêsu vẫn “không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17,15). Các môn đệ là những người được Cha hay Thầy Giêsu chọn từ thế gian: “Những kẻ Cha đã chọn khỏi thế gian (ek tou kosmou) mà ban cho Con" (Ga 17,6), hay “Thầy đã chọn anh em khỏi thế gian (ek tou kosmou), nên thế gian ghét anh em” (Ga 15,19). Nhưng chọn họ ra khỏi thế gian là để sai họ vào thế gian: “Như Cha đã sai Con vào thế gian (eis ton kosmon), thì Con cũng sai họ vào thế gian” (Ga 17,18). Tuy nhiên, sai vào thế gian mà lại không được thuộc về thế gian (ek tou kosmou): “Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17,16; x. 17,14).
Ta có thể tóm lại các ý trên như sau: các môn đệ được chọn khỏi thế gian (ek tou kosmou), rồi lại được sai vào trong thế gian (eis ton kosmon), để sống trong thế gian (en tô kosmô), nhưng lại không được thuộc về thế gian (ek tou kosmou). Có cái gì giằng co, biện chứng trong thân phận người môn đệ ở thế gian này. Vừa được chọn ra khỏi, vừa được sai vào; vừa sống trong nhưng lại không được thuộc về. Chính vì thế gian này tội lỗi mà người môn đệ được sai vào để tiếp tục sứ mạng của Thầy Giêsu trong thế gian ấy (x. Ga 17,4). Người môn đệ phải sống trong thế gian để biến đổi thế gian. Họ “là của Cha” (Ga 17,6.9), chứ “không thuộc về thế gian.” Điều này làm nên sự thánh thiện của người môn đệ Thầy Giêsu. Thánh thiện là được tách riêng ra để thuộc về Thiên Chúa, để dành riêng cho Thiên Chúa. Chính trong bối cảnh này mà Đức Giêsu nài xin Cha: “Xin Cha thánh hiến (hagiason) họ trong sự thật. Lời Cha là sự thật” (Ga 17,17). Và Đức Giêsu cũng muốn đóng góp vào việc thánh hiến các môn đệ: “Và vì (huper) họ, Con thánh hiến (hagiazô) chính mình Con, để họ cũng được thánh hiến (hêgiasmenoi) trong sự thật” (Ga 17,19).
Tin Mừng thánh Máccô (3,13-15) cũng có những yếu tố tương tự như Tin Mừng Gioan khi viết về ơn gọi của Nhóm Mười Hai: Đức Giêsu gọi những kẻ Người muốn (c.13) = tách họ khỏi đám đông. Ngài cho các ông ở với Người (c. 14a) = thuộc về Người. Và để Người sai các ông đi rao giảng và trừ quỷ (c. 14b = sai vào thế gian).
Từ khi được rửa tội, được xức dầu thánh, ta đã thuộc trọn về Thiên Chúa rồi. Ta đã là thánh rồi. Chúng ta phải sống ơn gọi nên thánh của mình. Sống giữa cuộc đời đầy những cám dỗ, cạm bẫy, thách đố, áp lực, căng thẳng... chúng ta nhiều khi không dám nghĩ đến ơn gọi nên thánh. Có khi chỉ dám xin ơn đừng sa hỏa ngục thôi. Chúng ta nghĩ nên thánh là chuyện của các thánh trong sách, hay của các vị ẩn tu. Ta tưởng nên thánh là phải làm được phép lạ cả thể, phải cầu nguyện nhiều giờ mỗi ngày.
Thật ra nên thánh là điều nằm trong tầm tay của chúng ta, vì Chìa muốn ban cho ta đủ ơn để nên thánh. Nên thánh là tập sống những điều nho nhỏ hằng ngày. Đừng nghĩ đến những việc cao xa, vĩ đại. Nếu nghĩ như thế, chúng ta sẽ dễ nản lòng, không dám muốn nên thánh nữa. Nên thánh là tập làm những việc bình thường với nhiều tình yêu. Cứ làm nhiều lần cho đến khi thành thói quen, ta sẽ nên thánh. Nên thánh không phải là việc ngày một ngày hai là xong, nhưng là một tiến trình từ từ tiệm tiến. Xin gợi ý thêm vài con đường nên thánh.
1. Nên thánh là có khả năng lắng nghe và chiều theo những đòi hỏi nho nhỏ của CHÚA. Chìa vẫn gợi lên cho ta ý muốn của Ngài trong từng giây phút. Coi ý Chìa trọng hơn ý mình. Lạy Cha xin đừng theo ý Con, nhưng theo ý Cha. Vui vì biết mình làm đúng ý Chúa, dù phải trả giá. “Không mong chờ phần thưởng nào ngoài việc biết mình đã thi hành ý Chúa” (Kinh xin ơn Quảng Đại).
2. Nên thánh là biết đón nhận những gì không thể đổi. Đón nhận những giới hạn của bản thân, của gia đình mình, của người khác.
3. Nên thánh là luôn tạ ơn Chúa. Luôn tìm ra cái hay, cái tốt của những gì Chúa để xảy ra cho mình. Tìm thấy trong mọi biến cố bàn tay yêu thương của Chúa. Chẳng có gì là hoàn toàn tồi tệ. Tìm cách ghép những mảnh rời rạc và vô nghĩa để ra một bức tranh có ý nghĩa.
4. Nên thánh là tập mỉm cười trước những khó chịu, trái ý, bực bội mình gặp mỗi ngày. Thánh nhân là người có óc hài hước, làm cho người khác vui, thay vì hay phản kháng, càm ràm, than thở, nhăn nhó... Biến những khó chịu thành chuyện vui, để những chuyện đó không ảnh hưởng được trên tình cảm của mình.
Kinh của thánh Thomas More được ĐGH Phanxicô khuyên đọc: Tôi khuyến khích dùng lời cầu nguyện được cho là của Thánh Thomas More: “Lạy Chúa, xin cho con một bộ máy tiêu hóa tốt, và cũng cho con có cái gì đó để tiêu hóa! Xin cho con một thân thể khỏe mạnh, và khiếu hài hước lành mạnh cần thiết để giữ sức khoẻ ấy. Xin cho con một tâm hồn đơn sơ, biết trân trọng tất cả những gì tốt lành, và không dễ nao núng trước sự dữ, nhưng biết tìm cách trả mọi thứ về đúng chỗ của nó. Xin cho con một tâm hồn không biết chán, không cằn nhằn, không thở dài than vãn, không căng thẳng quá đáng do cái tôi cồng kềnh. Lạy Chúa, xin cho con khiếu hài hước tốt lành. Xin cho con ơn biết nói đùa, biết khám phá chút niềm vui trong cuộc sống, và biết chia sẻ niềm vui ấy cho tha nhân.”[2]
2. Trong một thế giới chỉ biết ganh đua, cạnh tranh, đấu đá, Nên thánh là biết nhường và nhịn, không đòi điều mình có quyền đòi (Pl 2,6-11). “Hạ mình hằng ngày của những người giữ thinh lặng để cứu vãn gia đình mình, những người mau mắn khen ngợi người khác hơn là khoác lác về mình, những người chọn những công việc hèn mọn nhất, và đôi khi ngay cả chọn chịu sự bất công để dâng cho Chúa” (Gaudete et Exsultate, 119). Nhường bước, nhường đường, nhường một câu nói, nhường một quyền lợi mình được hưởng. Nhường thường đi với nhịn. Nhịn cũng hay đi với nhục.
3. Nên thánh là chịu đựng một người sống gần bên, người bạn cùng làm việc với mình, người chỉ huy mình. Chấp nhận những người mình phải gánh trên vai. Không dám xin Chúa cất đi hay đòi Chúa phải biến đổi người ấy. Chỉ xin cho mình có đủ sức để chịu đựng.
4. Nên thánh là làm những điều chẳng ai biết mà cám ơn, chỉ một mình Chúa biết. Như thế tạo ra một không gian riêng tư để mình ở một mình với Chúa. Chúa biết mình là quá đủ. Chúa thấy mình thế nào thì mình là thế ấy.
5. Nên thánh là làm gì cũng nghĩ đến người khác. Không nghĩ đến lợi cho mình hay gia đình mình. Chấp nhận thiệt thòi về phía mình để tạo ra sự công bằng nào đó.
6. Nên thánh là quay đi trước những cám dỗ. Mỗi người có cám dỗ riêng. Cám dỗ nào cũng ngọt ngào, hấp dẫn. Nó cho ta thứ khoái lạc mà nếm rồi là ghiền, khó bỏ. Quay đi không dễ. Ta cứ bị vương vấn hoài, tiếc nuối vì phải bỏ. Có những cơn cám dỗ ta chỉ thắng được nhờ quay đi, chứ không nhờ quay lại mà chiến đấu.
7. Nên thánh là chu toàn bổn phận, dù nhàm chán. Yêu mến sự đều đặn, buồn tẻ. Trung thành với việc phải làm, dù có ngày mệt mỏi, muốn bỏ cuộc. Làm việc chỉ vì yêu mến Chúa.
Ngoài những gợi ý trên đây, mỗi người cần tìm xem đâu là con đường nên thánh mà Chúa muốn bản thân mình theo đuổi.
Khi nghĩ đến Các Thánh, chúng ta thường ngước nhìn lên những vị đã chiến thắng khải hoàn trên trời.
Nhưng chúng ta cũng nên nhìn quanh chúng ta để nhận ra những con người đang trên đường nên thánh, đang nỗ lực trở nên hoàn hảo như Cha trên trời. Phải nhạy bén mới nhận ra được những nét thánh thiện của bao người ta gặp hằng ngày trên đường. Những người đang sống các mối phúc đặc biệt một cách bình thường hay khó khăn.
Chính chúng ta cũng thuộc về Dân Thánh nhờ bí tích Thánh Tẩy, đã được xức Dầu thánh, và đang trở nên thánh, nhờ nên giống Đức Giêsu ngày một hơn. Chúng ta không thể bắt chước hết mọi nét đẹp nơi con người Đức Giêsu, nhưng chúng ta có thể yêu thích và say mê một nét nào đó của Ngài. Chính Chúa Giêsu đang mời ta nên thánh qua việc gợi lên trong ta niềm say mê đó.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN Số 115 (tháng 11 & 12, năm 2019)
[1] Ngoài động từ qadas, còn động từ nazar (רַזָנ) cũng có nghĩa là thánh hiến hay tách riêng. Nazir (יִזָנר) là người được thánh hiến (Ds 6,2). Họ thường không cắt tóc, uống rượu hay đụng chạm người chết.
[2] “I recommend praying the prayer attributed to Saint Thomas More: “Grant me, O Lord, good digestion, and also something to digest. Grant me a healthy body, and the necessary good humour to maintain it. Grant me a simple soul that knows to treasure all that is good and that doesn't frighten easily at the sight of evil, but rather finds the means to put things back in their place. Give me a soul that knows not boredom, grumbling, sighs and laments, nor excess of stress, because of that obstructing thing called ‘I'. Grant me, O Lord, a sense of good humour. Allow me the grace to be able to take a joke and to discover in life a bit of joy, and to be able to share it with others.” Đây là footnote của Gaudete et Exultate, 126.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét