CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG
CÂU HỎI
- Đọc Isaia 53,5 và Ga 20,19-20. Những vết thương của Đức Giêsu đem lại điều gì cho chúng ta?
- Đọc Ga 14,26; 20,21 và Thư Ga-lát 4,4-7. Bạn thấy việc hết sức quan trọng mà Chúa Cha đã làm là gì?
- Đọc Ga 20,21-22. Chúa Thánh Thần có cần cho việc Chúa Giêsu sai các môn đệ vào thế giới không? Đọc Ga 14,17.26; 15,26-27;16,13. Để ý cụm từ “nói xong” ở câu 22.
- Đọc Sáng thế 2,7 và Êdêkien 37,9. Động từ “thổi” ở đây có ý nghĩa gì? Chúa Giêsu thổi hơi ở Ga 20,22 có nghĩa tương tự không?
- Đọc Ga 20,23. So sánh với Mt 16,19; 18,18. Bạn có tin Giáo Hội có quyền tha tội do Chúa Giêsu ban không?
- Trong kinh Tin Kính, Chúa Thánh Thần ban cho ta điều gì?
- Bạn hãy hỏi một linh mục về công thức linh mục đọc khi ban ơn xá giải. Thánh Thần có vai trò gì ở đó không? Bạn có thấy vai trò đó ở Ga 20,22-23 không?
- Qua bài Tin Mừng này, Chúa Phục sinh đã ban những ơn gì cho các môn đệ? Chúa có ban cho chúng ta không?
GỢI Ý CẦU NGUYỆN: Khi Đức Giêsu phục sinh đến với các môn đệ, họ đang ở trong tình trạng sợ hãi và khép kín. Sau này, họ đã mở cửa để ra đi loan báo Tin Mừng. Bạn thấy cần xin Chúa Thánh Thần ơn gì cho Giáo Hội Công giáo trên quê hương, nơi còn bao người chưa biết Chúa.
PHẦN TRẢ LỜI
- Sách ngôn sứ Isaia 53,5 như sau: “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, …, người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” Trong Ga 20,19-20 ta thấy Đức Giêsu phục sinh hiện ra và cho các môn đệ xem hai bàn tay và cạnh sườn, nơi bị đóng đinh và nơi bị đâm thâu. Giáo Hội tin chính nhờ cái chết của Đức Giêsu trên thập giá mà chúng ta được ơn cứu độ, được chữa lành khỏi vết thương do tội lỗi, và được giao hòa lại với Thiên Chúa.
- Thiên Chúa Cha đã sai phái hai lần: Ngài sai phái Con của Ngài (Ga 3,17), và Ngài sai phái Thánh Thần (Ga 14,26). Cả hai lần sai phái này đều quan trọng và được sắp xếp theo thứ tự: sai Con trước, khi Con hoàn tất sứ mạng Cha trao, thì Con về với Cha, rồi Cha mới sai Thánh Thần. Trong thư Ga-lát 4,4-6 ta cũng thấy thánh Phaolô nói đến hai lần sai phái này: “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, ….Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình vào trong lòng chúng ta…”. Như vậy nét đặc biệt của Thiên Chúa Cha là sai Con và Thánh Thần đến với loài người.
- Ngay sau khi Đức Giêsu phục sinh nói xong việc sai phái các môn đệ (Ga 20,21) thì Ngài liền trao cho họ Thánh Thần bằng cách thổi hơi trên họ (Ga 20,22). Như thế việc trao ban Thánh Thần là cần thiết cho việc sai phái các môn đệ vào trong thế gian. Họ không thể được sai đi nếu không có Thánh Thần trợ lực. Quả vậy, Thánh Thần ở với và ở trong họ (Ga 14,17) sẽ dạy cho họ mọi điều và làm họ nhớ lại mọi lời Thầy Giêsu đã nói (Ga 14,26), sẽ giúp họ làm chứng cho Thầy (Ga 15,26-27), và sẽ dẫn họ đến sự thật trọn vẹn (Ga 16,13).
- Sách Sáng thế 2,7 mô tả Thiên Chúa, sau khi nặn ra con người từ bụi đất, đã thổi sinh khí vào lỗ mũi nó, từ đó con người trở thành một sinh vật, một thụ tạo có sự sống. Trong sách Êdêkien 37,9 , vị ngôn sứ này được lệnh tuyên sấm để kêu gọi thần khí đến thổi vào những người đã chết để họ được hồi sinh. Cả hai trường hợp đều nói đến việc “thổi hơi” hay “thở hơi” để trao ban sự sống. Đức Giêsu phục sinh đầy tràn sức sống thần linh đã làm điều tương tự khi Ngài hiện ra với các môn đệ. Ngài đã trao cho họ hơi thở của Ngài, trao cho họ Thánh Thần của Ngài, nhờ đó họ có sức sống thần linh, chứ không phải chỉ là sức sống thể lý. Họ được chia sẻ sức sống mới của Đấng phục sinh và trở nên thụ tạo mới. Đây là cuộc tái sinh đã được nói đến trong Tin Mừng Gioan, “được sinh ra bởi Thần Khí” (Ga 3,6.8).
- Sau khi trao sứ mạng và trao Thánh Thần (Ga 20,21-22), Đức Giêsu phục sinh cho các môn đệ quyền tha tội và cầm giữ (Ga 20,23). Như thế có liên hệ giữa sứ mạng, Thánh Thần với quyền tha tội. Đức Giêsu ngay từ đầu đã được gọi là Chiên Thiên Chúa, “Đấng xóa tội của trần gian” (Ga 1,29). Giờ đây, sau phục sinh, Ngài muốn cho các môn đệ được tham dự vào sứ mạng giải phóng nhân loại khỏi nô lệ tội lỗi (Ga 8,34-36). Ngài cho họ quyền tha tội qua quyền năng của Thánh Thần mà họ vừa nhận được. Trong Ga 20,23 ta thấy những động từ ở thể thụ động (“được tha”, “bị cầm giữ”), điều này cho thấy hoạt động của Thiên Chúa, chính Ngài là Đấng “tha” hay “cầm giữ.” Vậy có sự hòa hợp giữa bí tích tha tội mà Giáo Hội đang cử hành với ý muốn của Thiên Chúa trên trời: anh em tha thì Chúa cũng tha. Trong Tin Mừng Mát-thêu, Đức Giêsu đã ban quyền này cho Phêrô (Mt 16,19) và dành cho các môn đệ (Mt 18,18) trước khi chịu khổ nạn.
- Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống. Gioan 20,21-23 cho thấy Chúa Thánh Thần là hơi thở đầy sự sống thần linh của Chúa Giêsu khi được Chúa Cha tôn vinh (Ga 7,39). Chúa Thánh Thần ở với các môn đệ khi họ được sai đi, và Ngài cũng ở với họ khi họ ban ơn tha tội. Khi các môn đệ đầy tràn Thánh Thần, đầy tràn sức sống, thì họ có thể trao ban sức sống đó cho người khác.
- Trong công thức xá giải của bí tích Giải tội, có câu: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa, mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội…”. Chúa Cha ban Thánh Thần là Đấng ban sự sống (Kinh Tin kính). Tội nhân là người mất sự sống vì phá vỡ tương quan đối với Thiên Chúa. Tha tội chính là trả lại sự sống cho tội nhân nhờ “hồng ân của Chúa Thánh Thần” (GLCG 1449).
- Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu phục sinh đã ban nhiều ơn cho các môn đệ: ơn được Ngài hiện ra, cho xem các vết thương, để họ tin Ngài đã phục sinh; niềm vui vì được gặp Thầy đang sống; ơn bình an; ơn được chia sẻ sứ mạng của Thầy; ơn Thánh Thần; quyền tha tội. Ngài cũng cho mọi kitô hữu được hưởng một số ơn ấy.
- https://kinhthanhvn.net/hoc-kinh-thanh/hoc-hoi-phuc-am-chua-nhat-le-hien-xuong-lm-anton-nguyen-cao-sieu-s-j.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét