Tôn giáo trong việc giải quyết vấn đề môi trường sinh thái
Nguyễn Thị Thịnh
WHĐ, 21-05-2020 - Các vấn đề môi trường sinh thái từ lâu đã được quan tâm thảo luận ở nhiều diễn đàn toàn cầu. Qua bản phác thảo lịch sử tiến hóa của trái đất, Michael McElroy (Đại học Harvard) cho chúng ta một bức tranh toàn diện về các tác động của con người lên khí hậu toàn cầu. Theo nhận định của McElroy, con người hiện đại chỉ mới xuất hiện cách nay 150.000 năm, trong khi trái đất đã trải qua tiến trình tiến hóa từ hơn 4,6 tỉ năm trước, nhưng con người đã thay đổi triệt để môi trường tự nhiên của hành tinh - khí hậu ấm lên, suy thoái tài nguyên, ô nhiễm đất, nước và không khí (Mary Evelyn Tucker và John Grim, 2001, tr. 1-2). Theo báo cáo “Tình trạng của Thế giới” (The State of the World) năm 2000, biến đổi khí hậu (cùng với dân số) được cho là thách thức nghiêm trọng trong thế kỷ tới. Để giải quyết tác động của các vấn đề môi trường, thế giới nói chung, đã có nhiều nỗ lực nhằm quản lý và xử lý các vấn nạn môi trường thông qua nhiều giải pháp về thể chế/chính sách, khoa học công nghệ, kinh tế, truyền thông...
Vai trò của tôn giáo
Mặc dù các giải pháp này xem ra ngày càng tiến bộ và hiệu quả hơn nhưng thực tế của hơn 60 năm[1] qua đã chứng minh rằng những giải pháp trên là chưa đủ. “Các nhà khoa học đều đồng ý rằng khủng hoảng môi trường là vấn đề đạo đức” (Mary Evelyn Tucker, 2016)[2]. Do đó, cần tới vai trò của tôn giáo. Là nơi chất chứa các giá trị văn minh bền vững và động lực không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi giá trị đạo đức, các tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong quá trình đề ra các tầm nhìn thuyết phục về tương lai bền vững hơn. Điều này đặc biệt đúng vì thái độ của chúng ta với tự nhiên dựa trên nền tảng các thế giới quan trong tôn giáo mà chúng ta theo một cách có ý thức hay vô thức. Sử gia Lynn White (1967) đã nhận định rằng: “Cách con người ứng xử với sinh thái phụ thuộc vào cách họ nghĩ về chúng trong mối quan hệ với những thứ xung quanh họ. Sinh thái nhân văn được đặt nền tảng sâu sắc bởi các niềm tin về tự nhiên và vận mệnh của chúng ta - nghĩa là, bởi tôn giáo.” (Lynn White, 1967, tr.1205)[3]. Bài viết của White đã báo hiệu sự bắt đầu của quá trình phản tư đương đại về cách thái độ môi trường được định hình bởi thế giới quan tôn giáo (Mary Evelyn Tucker và John Grim, 2001, tr.4). Trong thực tế, các tôn giáo đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những thay đổi chính trị xã hội trong thế kỷ 20 (ví dụ: quyền công dân và quyền con người), vì vậy người ta tin tưởng trong thế kỷ 21 này, các tôn giáo sẽ có nhiều đóng góp trong sự hình thành các quy tắc đạo đức môi trường chung trong nhận thức về các chiều kích linh thiêng đa dạng của thế giới tự nhiên (Mary Evelyn Tucker và John Grim, 2001, tr.13).
Tổng quan những công trình nghiên cứu có liên quan
Từ những năm 1960, sau công trình của Lynn White (1967) về “Nguồn gốc lịch sử của khủng hoảng sinh thái”, nhiều cuộc thảo luận cũng như các công trình mang tính lý thuyết và thực nghiệm về mối quan hệ giữa tôn giáo và thái độ môi trường sinh thái đã được tiến hành. Sau đây, chúng tôi chỉ điểm lại một số công trình mà chúng tôi cho là có ý nghĩa đối với đề tài này.
Những công trình nghiên cứu trên thế giới
Năm 1967, bài viết của nhà sử học Lynn White “Nguồn gốc lịch sử của khủng hoảng sinh thái” đăng trên tờ tạp chí Science đã dẫn tới nhiều cuộc thảo luận cũng như các công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa tôn giáo và thái độ môi trường. White đưa ra luận điểm rằng tất cả các khủng hoảng sinh thái hiện đại là kết quả trực tiếp của nhận thức xã hội được xây dựng dựa trên niềm tin Do Thái - Kitô giáo rằng loài người có quyền thống trị tự nhiên và do đó có quyền khai thác tự nhiên nhằm phục vụ cho các mục đích của con người. Nhiều cuộc nghiên cứu sau đó, bao gồm các công trình nghiên cứu định lượng và định tính (phân tích nội dung trong các kinh sách, các thực hành tôn giáo, phỏng vấn các nhà lãnh đạo tôn giáo và các tín đồ tôn giáo...), đã được thực hiện nhằm kiểm nghiệm khẳng định của White, trong đó công trình của Thomas Berry với tiêu đề “Thách thức lớn: Con đường hướng tới tương lai” (The Great Work: Our Way Into the Future) - được xuất bản năm 1999 - đã tạo ra tiếng vang và nguồn cảm hứng lớn cho nhiều học giả nghiên cứu trong lĩnh vực này. Theo Thomas Berry, mỗi thời đại đều có “thách thức lớn” (great work) của nó. Như thời đại ngày nay, sức mạnh của công nghệ đã tạo nên những tác động tới môi trường và tạo ra “thách thức lớn” mới cho loài người. Thomas Berry đề xuất chúng ta cần tái thiết lập mối quan hệ giữa con người và tự nhiên nhằm hướng tới lối sống bền vững. Được truyền cảm hứng từ Thomas Berry, giáo sư Mary Evelyn Tucker và John Grim với sự hỗ trợ của Đại học Harvard đã tổ chức chuỗi 10 hội thảo trong hai năm, từ năm 1996 đến 1998, quy tụ các học giả nổi tiếng trong các lĩnh vực tôn giáo, môi trường cũng như các nhà thực hành và những nhà lãnh đạo các tôn giáo để trao đổi và chia sẻ các nghiên cứu về mối quan hệ cũng như vai trò của tôn giáo với môi trường sinh thái. Kết quả của chuỗi hội thảo là 10 công trình tập hợp các phân tích về từng tôn giáo (Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Hindu giáo, Kỳ na giáo, tín ngưỡng bản địa ...) và sinh thái cùng với Diễn đàn tôn giáo và sinh thái (Forum on Religion and Ecology), hiện vẫn được duy trì để tiếp nối các nghiên cứu, các hoạt động giáo dục và truyền thông đã được bắt đầu trong những hội nghị trước đó.
Đối với Thiên Chúa giáo, khi khảo cứu về mối quan hệ của con người và thế giới tự nhiên trong các kinh sách, E. Johnson đã chia mối liên hệ này thành ba giai đoạn: (1) 1.500 năm đầu tiên của Thiên Chúa giáo, (2) đánh mất thụ tạo môi trường sinh thái, và (3) tìm lại thụ tạo. Giai đoạn đầu được khảo cứu trong kinh sách của truyền thống Do Thái giáo, nơi Thiên Chúa giáo lãnh nhận định hướng ban đầu, thế giới tự nhiên hiện diện một cách thoải mái và tràn ngập. Tự nhiên không chỉ được mô tả như những thụ tạo tốt lành mà còn chia sẻ sự phúc lành cũng như các tai ương cùng con người khi giao ước với Chúa bị phá vỡ. Các kinh sách của Do Thái giáo và Kitô giáo tuyên dương giá trị tôn giáo của Trái đất và dạy rằng sự sáng tạo và cứu chuộc của Chúa tỏa sáng trong thế giới tự nhiên mà không phụ thuộc vào quyết định của con người. Thần học Thiên Chúa giáo coi thế giới tự nhiên trong mối liên hệ với Chúa trong ba ngôi siêu hình: Chúa - thế giới - con người. Do vậy, lấy bất kỳ một Ngôi nào ra khỏi thì sẽ không thể hiểu được hai Ngôi còn lại. Thế giới tự nhiên dưới nhãn giới của Thần học Thiên Chúa giáo được giải thích như thụ tạo tốt lành của Chúa và là con đường mạc khải đến tri thức về Chúa cũng như là một đối tác trong công trình cứu chuộc của Người. Theo Thánh Augustinô, nếu chúng ta đọc cuốn sách tự nhiên đúng cách, chúng ta sẽ nghe được lời Chúa và sẽ được dẫn đưa tới tri thức về tình yêu, quyền lực và sự khôn ngoan của Chúa.
Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, sau Cải cách, Công giáo cũng như Tin lành đều tập trung vào Chúa và con người, bỏ thế giới tự nhiên sang một bên. Tầm nhìn của Thần học Tin lành vì vậy coi tự nhiên như vật thể thụ động bên ngoài con người, là sân khấu nơi bi kịch cứu chuộc diễn ra và là biểu tượng của cái mà từ đó loài người được cứu khỏi. Ngày nay, cả các truyền thống Tin lành và Công giáo đều ngày càng nhận thức rằng sự đánh mất thụ tạo đã và đang đóng góp vào việc phá hủy sự sống. Những nỗ lực tìm lại thế giới tự nhiên đang được tiến hành ở nhiều nơi, đáng chú ý là sự liên kết công bằng và hòa bình với tính toàn vẹn của thụ tạo của Hội đồng thế giới các Giáo hội (the World Council of Churches) cũng như các thông điệp, tông thư của các Đức Giáo Hoàng và các Giám mục (E. Johnson, 2000, 3-18). Theo Kwok Pui-lan, bối cảnh văn hóa xã hội nơi Kitô giáo được truyền bá đến là đa dạng, vì vậy, các cách thức diễn giải các kinh sách và sự hiểu biết về công bằng sinh thái là khác nhau. Thiên Chúa giáo tại châu Á không trải qua việc phân ly giữa con người và tự nhiên theo cùng cách như ở phương Tây. Kwok Pui-lan cho rằng tự nhiên vẫn được quan tâm trong vài trăm năm gần đây, thông qua các dụ ngôn của Chúa Giêsu khi Người giảng dạy. Theo Kwok Pui-lan, việc sử dụng hình ảnh của thế giới tự nhiên trong các dụ ngôn của Chúa Giêsu không phải chỉ là kỹ thuật của tài hùng biện mà đó là vì tự nhiên được xem như một phần không thể tách rời khỏi thông điệp của Người. Dựa trên truyền thống được mô tả trong sách Ngôn sứ Isaiah 49, vào ngày cứu chuộc, Thiên Chúa sẽ trả tự do cho những tù nhân và khôi phục đất đai. Do vậy, theo Kwok Pui-lan, công bằng sinh thái là trọng tâm trong các giảng dạy của Chúa Giêsu (Kwok Pui-lan, 2000, tr. 47-50). Dưới quan điểm Thần học sinh thái (ecotheology), xuất hiện năm 1973 của nhà Thần học Jack Rogers, các vấn đề sinh thái được phân tích theo ba nhãn giới: nhãn giới Kitô học (Christology), nhãn giới thần học Ba Ngôi (Trinitarian Theology) và nhãn giới thần học về nhân chủng (Theological Anthropology).
Dưới nhãn giới Kitô học, các nhà thần học phân tích hình ảnh Đức Giêsu dựa trên bản văn gửi cộng đoàn Côlôsê của Thánh Phaolô. Theo bản văn, mọi vật được tạo dựng và có được giá trị cao đẹp là nhờ Đức Giêsu và chúng sẽ được Người cứu độ. Tạo vật ở đây không chỉ là con người mà là toàn thể mọi tạo vật trong vũ trụ, như động vật, cây cỏ... Đức Kitô là “khởi nguyên... đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1, 15 - 20).
Dưới nhãn giới thần học Ba Ngôi[4], Thiên Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất và muôn loài hữu hình, vô hình; Chúa Con là Đấng Cứu chuộc và Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hóa. Chính nhờ tình yêu nơi Thiên Chúa, mọi tạo vật có được sự thiện hảo. Qua mọi tạo vật, chúng ta thấy được nét thiện hảo của Thiên Chúa. Nền tảng của mọi mối tương quan giữa các tạo vật, trong đó con người là một tạo vật nhỏ, chính là mối tương giao và tình yêu giữa Thiên Chúa với tạo vật. Theo Thánh Bonaventura, “Vũ trụ là một cuốn sách phản ánh, trình bày và mô tả Đấng kiến tạo nó, Thiên Chúa Ba Ngôi, với ba mức độ diễn tả: như một vết tích, một hình ảnh, một sự giống như. Khía cạnh vết tích được tìm thấy nơi mọi tạo vật; khía cạnh hình ảnh được tìm thấy nơi con người, các tạo vật có lý trí; và khía cạnh giống như chỉ tìm thấy nơi những người thuận theo Thiên Chúa”.
Dưới nhãn giới thần học về nhân chủng, con người được nhìn như một thụ tạo của Thiên Chúa và trong mối tương quan với các thụ tạo khác. Sự liên đới giữa con người và các thụ tạo được thể hiện rõ nét qua thư gửi Rôma của Thánh Phaolô (8: 19-22): “vì tội lỗi, con người đã lôi kéo thụ tạo vào vòng nô lệ; chúng trông mong cho con người được cứu chuộc ngõ hầu chúng cũng được giải thoát”. Khi đọc lại trình thuật Kinh Thánh dưới hiện trạng môi trường sinh thái hiện tại, chúng ta thấy rằng tuy con người được Thiên Chúa đặt làm bá chủ mọi vật dưới đất và trên trời (Sáng thế 1,28)[5] nhưng Thiên Chúa cũng giao cho con người trọng trách chăm sóc và quản lý chúng (Sáng thế 2,15)[6]. Sách Lêvi cũng đã đề cập việc con người buộc phải ngưng canh tác trên cùng một mảnh đất sau mỗi 7 năm (25, 2-5) và con người cùng gia súc buộc phải nghỉ một ngày sau sáu ngày làm việc (còn gọi là ngày Sabat) (Xh 23,12). Các Thánh Vịnh đã ca tụng các tạo vật trong vũ trụ trong tình yêu của Chúa, chúng không chỉ đơn thuần là một khối vô tri, vô giác. Những suy tư này đã đi vào giáo huấn của Giáo hội, cụ thể trong sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, (Phương Nam, 2010)[7].
Các nghiên cứu thực nghiệm đưa ra ba xu hướng chính về mối tương quan giữa truyền thống Do Thái - Kitô giáo và thái độ môi trường (Hagevi, 2014) như sau: White (1967), Dekker et al. (1997) cho rằng truyền thống Do Thái - Kitô giáo là nguồn gốc dẫn tới khủng hoảng sinh thái và gợi ý rằng xu hướng thế tục hóa trong xã hội có thể dẫn tới thái độ bảo vệ môi trường tốt hơn. Một số học giả khác cho rằng việc đánh mất các giá trị tôn giáo là nguyên nhân chính dẫn tới các vấn đề môi trường ngày nay (Lonnebo, 1990; Hayes và Marangudakis, 2001). Một hướng khác cho rằng không có mối liên hệ đặc biệt nào giữa truyền thống Kitô giáo và mối quan tâm tới môi trường (Tuan, 1990). Công trình nghiên cứu của Hagevi Magnus (2014), sử dụng dữ liệu từ cuộc khảo sát xã hội Châu Âu 2002 - 2003 (European Social Survey) nhằm so sánh ảnh hưởng của niềm tin tôn giáo tới các ý kiến về vấn đề môi trường ở 22 nước thuộc Châu Âu đã cho thấy ở cấp độ xã hội, mức độ quan tâm tới các vấn đề môi trường trong các nước theo đạo Công giáo và Chính thống giáo mạnh hơn các nước theo đạo Tin lành. Xu hướng cũng chỉ ra mối quan tâm yếu đối với các vấn đề môi trường ở các nước có nhiều công dân không theo tôn giáo.
Các công trình nghiên cứu ở cấp cá nhân, Hand và van Liere, 1984 (trích lại từ Hagevi, 2014) đã nghiên cứu sự khác biệt về mối quan tâm tới các vấn đề môi trường sinh thái giữa các truyền thống Kitô giáo và ngoài Kitô giáo, sử dụng mẫu khảo sát đại diện cho nhóm trung niên của bang Washington, Mỹ. Kết quả cho thấy có mối liên hệ nghịch và yếu giữa truyền thống Do Thái - Kitô giáo và mối quan tâm môi trường. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Hand và van Liere cũng chỉ ra có sự khác biệt về mối quan tâm về môi trường giữa các giáo phái Kitô giáo, cụ thể là tư tưởng “thống trị thế giới tự nhiên” theo Sáng thế ký 1,26[8] có mối tương quan nghịch với mối quan tâm môi trường và các Hội Thánh Tin lành thủ cựu ít quan tâm tới môi trường hơn các giáo phái Kitô giáo khác, các tín hữu của các giáo phái này do vậy cam kết mạnh hơn với ý tưởng con người là bá chủ tự nhiên. Kết quả từ công trình nghiên cứu của Hagevi, 2014, dựa trên bộ dữ liệu của 22 nước Châu Âu cũng chỉ ra rằng ở cấp độ cá nhân, Công giáo có các ảnh hưởng rất tích cực với mối quan tâm về môi trường, trong khi đó Tin lành có tác động tiêu cực và việc tham gia các hoạt động tôn giáo không có tác động gì tới mối quan tâm đối với các vấn đề môi trường. Trong khi đó, Kanagy và Willits (1993) cho rằng sự tham gia các hoạt động tôn giáo là nhân tố khiến các tín hữu ít quan tâm tới môi trường. Greeley Andrew (1993) trong cuộc nghiên cứu được thực hiện tại Tulsa Oklahoma, tác giả chỉ sử dụng duy nhất một biến số là sự sẵn sàng trả tiền cho các hoạt động bảo vệ môi trường dựa trên bộ dữ liệu quốc gia. Các phát hiện từ cuộc nghiên cứu chỉ ra mức độ quan tâm môi trường thấp có liên quan tới sự trực giải Kinh Thánh (Biblical Literalism) và việc hỗ trợ các chi tiêu cho bảo vệ môi trường có liên quan tích cực với hình ảnh khoan dung của Chúa. Một công trình nghiên cứu cấp quốc gia ở Thụy Điển cho thấy những người tham dự Thánh lễ tại nhà thờ có xu hướng quan tâm tới môi trường hơn những người khác (Bjereld và Gilljam, 1991, trích lại từ Hagevi, 2014). Botvar (1996), trong công trình nghiên cứu tại Na-uy, đã chỉ ra mối tương quan giữa cách cảm nhận về Chúa với thái độ và hành vi môi trường, cụ thể là những người cảm nhận Chúa là Cha toàn năng với sức mạnh vô biên ít quan tâm tới vấn đề môi trường hơn những người cảm nhận Chúa như nguồn sống trong tự nhiên hoặc như người Mẹ. Aaron Horenstein (2012), trong luận văn thạc sĩ của mình, cũng đã đưa ra các nhận định sau: có niềm tin mạnh mẽ vào Chúa và sự tham gia các dịch vụ tôn giáo cùng hoạt động cầu nguyện thường sẽ đưa đến mức quan tâm môi trường cao hơn. Sự tham gia tôn giáo nhiều hơn có thể truyền tới các cá nhân các thông điệp về trách nhiệm môi trường, đặc biệt vì các tôn giáo ngày càng gia tăng sự tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường... Công trình nghiên cứu của Aimie L.B. Hope*, Christopher R. Jones (2014) tìm hiểu cách thức các tôn giáo Kitô giáo và Hồi giáo định hình thái độ về các vấn đề môi trường, gồm: biến đổi khí hậu và việc sử dụng các kỹ thuật thu hồi lượng khí CO2, của những người theo đạo trong sự đối chứng với thái độ môi trường của những người thế tục. Kết quả chỉ ra rằng ý kiến của những người theo đạo Kitô và đạo Hồi về biến đổi khí hậu và việc sử dụng các kỹ thuật thu hồi lượng khí CO2 được định hình bởi tầm quan trọng của việc quản lý môi trường sinh thái và sự công bằng giữa các thế hệ. Cả hai nhóm người theo đạo đều có nhận thức tương đối thấp về sự cấp bách của các vấn đề môi trường, cụ thể là biến đổi khí hậu, do niềm tin về cuộc sống sau khi chết và sự can thiệp có tính linh thiêng. Việc chấp nhận sử dụng các kỹ thuật thu hồi lượng khí CO2 với những người theo đạo Hồi được xem là có vấn đề do việc giảng dạy về sự quản lý, các giá trị sống hài hòa và giá trị của tự nhiên. Trong khi đó, sử dụng các kỹ thuật thu hồi lượng khí CO2 được xem ít có vấn đề với những người Kitô giáo, với các giá trị coi con người là trung tâm và đánh giá các giải pháp kỹ thuật dưới góc độ hỗ trợ cho an sinh của con người. Những người thế tục đã thể hiện sự lo lắng liên quan tới các vấn đề môi trường, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Thiếu niềm tin về cuộc sống sau khi chết và sự can thiệp linh thiêng khiến người thế tục nhận biết được trách nhiệm của con người cũng như nhu cầu cần hành động, ủng hộ cho các kỹ thuật can thiệp môi trường bao gồm sử dụng các kỹ thuật thu hồi lượng khí CO2.
Những công trình khảo sát ở Việt Nam
Ở Việt Nam, mối quan hệ giữa tôn giáo và thái độ môi trường sinh thái chưa có nhiều công trình nghiên cứu, mặc dù những bài viết hoặc những thuyết giảng về tôn giáo với môi trường sinh thái và các hoạt động vận động các tín đồ sống có trách nhiệm với môi trường đã được đề cập trên rất nhiều trang thông tin tôn giáo chính thức. Phạm Thu Trang đã tóm lược một số nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị khoa học Quốc tế “Tôn giáo trong xã hội Việt Nam ngày nay” tổ chức tháng 3, 2013, như sau: “phân tích đáng chú ý của Nguyễn Quang Hưng và Nguyễn Văn Thái trong việc làm rõ vai trò của tôn giáo trong xã hội Việt Nam hướng tới bảo tồn môi trường là một trong những bằng chứng khẳng định rằng tôn giáo có ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống xã hội. Theo các cuộc nghiên cứu thực địa của nhóm sinh viên khoa Môi trường, Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội năm 2008 và nhóm sinh viên khoa môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên năm 2012, với việc xem căn bệnh “đốt vàng mã” như sự hiểu sai về các thực hành tôn giáo đã góp phần hủy hoại môi trường. Những tác giả này đã đi đến kết luận rằng trong khi chính quyền dân sự chưa có những quy định cho vấn đề môi trường, thậm chí truyền thông về các tác động đến môi trường chưa có nhiều thành công, thì các tổ chức tôn giáo đã có những bước đi tiên phong trong việc giải quyết vấn đề này”.
Sự tham gia của đạo Công giáo trong công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam
Giáo huấn
Quan điểm về môi trường của Giáo hội Công giáo Việt Nam được thể hiện qua Thư chung gửi cộng đồng dân Chúa từ năm 2009 của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn. Trong Thư chung này[9], Đức Hồng Y chỉ ra hiện trạng ô nhiễm sông Thị Vải do công ty Vedan gây ra và đề xuất 4 nguyên tắc của Giáo hội Công giáo về vấn đề môi trường, gồm: “(1) môi trường thiên nhiên là quà tặng của Đấng Tạo Hóa và là tài nguyên dành cho hết mọi người, (2) vì môi trường là tài nguyên dành cho mọi người, nên không thể nhân danh phát triển kinh tế và tích luỹ lợi nhuận cho một thiểu số mà huỷ hoại môi trường của đại đa số, nhất là của người nghèo, không có phương tiện tự vệ, (3) vì môi trường là tài nguyên dành cho hết mọi người, nên trong phát triển kinh tế, phải quan tâm đến sự toàn vẹn và chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên, (4) vì môi trường là tài nguyên dành cho hết mọi người, nên trong tiến trình phát triển kinh tế, cần phải quan tâm đến quyền lợi của người dân bản địa” và gợi ý những hành động cụ thể cho các tín đồ Công giáo trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường “...đối với các Kitô hữu, gìn giữ, bảo vệ, chăm sóc môi trường thiên nhiên không chỉ là một trách nhiệm xã hội, mà còn là đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cao cả, vì lẽ ta được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng”.
Trên phạm vi toàn cầu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô - người đứng đầu Giáo Hội Công giáo đã đưa ra thông điệp “Laudato Si' Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” vào tháng 4/2015, trong đó “khẩn thiết kêu gọi một cuộc đối thoại mới về cách thế hình thành nên tương lai của hành tinh chúng ta. Chúng ta cần một cuộc trao đổi có hết mọi người, vì thách đố môi trường mà chúng ta đang trải qua, và những cội rễ nhân bản của nó liên quan và ảnh hưởng đến tất cả chúng ta” và “tin rằng sự thay đổi là không khả thi, nếu không có động lực và một tiến trình giáo dục, thách đố khẩn thiết để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta là huy động toàn thể gia đình nhân loại cùng nhau tìm kiếm một sự phát triển bền vững và hỗ tương, vì chúng ta biết rằng mọi thứ có thể thay đổi”. Thông điệp này đã được chuyển ngữ tiếng Việt và xuất bản vào tháng 8/2015 bởi Ủy ban Bác ái xã hội - Caritas Việt Nam và phát tới các lãnh đạo nhà thờ Công giáo trên toàn quốc.
Những hành động cụ thể
Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám mục Việt Nam trong “Thư chung gửi cộng đồng dân Chúa” năm 2015 và 2016[10] đã mời gọi các tín đồ Công giáo thay đổi thái độ và lối sống hài hòa với thế giới tự nhiên, tôn trọng và chăm sóc thế giới tự nhiên thông qua những hành vi nhỏ hằng ngày như tiết kiệm nước, gas, điện, giữ vệ sinh chung... (Thư chung năm 2015) và sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, tắt điện khi không sử dụng, không đốt rác hay xả rác ở nơi công cộng, không xử lý chất thải bừa bãi, không sử dụng hóa chất hay thuốc trừ sâu trong sản xuất và trong canh tác nông nghiệp. (Thư chung năm 2016).
Tất cả các giáo xứ đã tổ chức “Ngày cầu nguyện vì môi trường lần đầu tiên vào ngày 1/9/2016[11]. Trong ngày này, tất cả các tín đồ Công giáo cùng hiệp ý cầu nguyện cho việc chăm sóc các thụ tạo, nhằm tạo cơ hội cho mọi người phản tư lại các hành động môi trường của bản thân và có một lối sống hài hòa với môi trường. Một người Công giáo Việt Nam sau khi tham gia ngày cầu nguyện đã chia sẻ rằng: Trong buổi cầu nguyện, mọi người ăn năn về sự lãng phí, sử dụng tài nguyên thiên nhiên quá mức, xả các chất thải độc hại, xả nước thải, hút thuốc lá. gây thiệt mạng các sinh vật, cây cối, thậm chí ảnh hưởng tới cả con người.
Trong thời gian qua, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã đệ trình các khuyến nghị và các ý kiến cho các dự án phát triển của Chính phủ như dự án Bô xít Tây Nguyên, dự án phát triển khu công nghiệp Vũng Áng miền Trung, dự án đập thủy điện... ngay từ những giai đoạn đầu (Linh mục phụ trách giáo xứ Phú Trung, PVS).
Các mô hình hướng tới bảo vệ môi trường
Mô hình nhóm ve chai[12]: được tổ chức đầu tiên bởi Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Châu tại giáo xứ Vũng Tàu 18 năm trước và hiện tại mô hình này đã lan tỏa tới 12 giáo xứ khác khắp cả nước như Hàm Long (Hà Nội), Huế, Nam Định, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh... Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Châu chia sẻ rằng việc làm này giúp mọi người học cách sống vì người khác, khuyến khích mỗi người sống có trách nhiệm và sống có ích. Linh mục Giuse Tạ Huy Hoàng, giáo xứ Tống Viết Bường, thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ rằng việc làm này giúp thanh niên trong giáo xứ học cách sống yêu thương qua những việc nhỏ bé và hành vi lễ phép khi đi đến các nhà “xin rác” cũng như giúp các bạn ý thức bảo vệ môi trường, giữ môi trường sạch và xanh.
Mô hình giáo xứ không rác[13]: Giữ vệ sinh chung được xem là hành vi tốt phổ biến của người Công giáo từ xưa. Tuy nhiên, ở một số nơi và trong một số điều kiện, người Công giáo không giữ được hành vi tốt này, đặc biệt tại các giáo xứ vùng đô thị như thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, mô hình giáo xứ không rác được tổ chức nhằm giải quyết vấn đề này. Mô hình này được thực hiện trước hết tại giáo xứ Xóm Chiếu (khu phố 1, phường 15, quận 4) và đã được nhân rộng sang các giáo xứ khác như La Vang, Lộ Đức, Hương Nhiệm.
Mô hình rau an toàn[14]: Một số giáo xứ đã thực hiện mô hình trồng rau an toàn, như tại giáo phận Đà Lạt, Ủy ban bác ái xã hội đã cùng các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi một phần diện tích trồng rau sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón quá mức sang thử nghiệm cách thức trồng rau an toàn từ năm 2015. Sau một năm, số hộ đăng ký tham gia trồng rau an toàn đã tăng lên và các hộ cũ cũng mở rộng diện tích trồng rau an toàn.
Sản phẩm thân thiện môi trường[15]: Trong những năm gần đây, các sản phẩm thân thiện môi trường, như nước rửa chén, sữa, nhang, nước uống... của các Dòng tu và các Hội tu Công giáo đã phát triển và ngày càng nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Một số sản phẩm phải đối mặt với nhiều khó khăn do thói quen của người sử dụng, ví dụ như nước rửa chén của các Dòng tu thường ít bọt hơn các sản phẩm nước rửa chén trên thị trường nên gây cảm giác không tẩy sạch chén dĩa nơi người tiêu dùng. Tuy nhiên, các Dòng tu vẫn giữ các sản phẩm của mình theo tiêu chí an toàn cho sức khỏe và thân thiện môi trường theo đúng mục tiêu ban đầu của họ.
Từ những thông tin về các hoạt động môi trường thu thập được trên các trang thông tin của Giáo hội Công giáo, nhóm nghiên cứu đã truy tìm thông tin về địa điểm triển khai các mô hình và các thông tin liên quan tới các Linh mục nơi đã thực hiện các hoạt động này. Kết quả cho thấy rằng các hoạt động thực tiễn về môi trường, như mô hình thu gom ve chai, sản phẩm thân thiện môi trường, mô hình rau an toàn... là các sáng kiến của các tu sĩ Dòng, Hội và chủ yếu được thực hiện tại các vùng nội thành của đô thị, dựa trên vấn đề đang nổi cộm tại địa bàn đó. Mục đích chính của hoạt động là vì tha nhân, như hỗ trợ người nghèo hay vì sức khỏe của người tiêu dùng.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN Số 107 (tháng 7 & 8 năm 2018)
_______________
[1] Tác phẩm “Mùa xuân im lặng” (Silent Spring) của nhà khoa học Rachel Louise Carson xuất bản năm 1962 được cho là đã đánh động nhận thức của con người về các tác động của công nghiệp tới môi trường sinh thái và là xuất phát điểm cho phong trào bảo vệ môi trường trên toàn cầu.
[2] Hội thảo trực tuyến thảo luận về Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô “Why is this Happening to our Common Home” (June 14, 2016). Xem thêm tại https://www.youtube.com/watch?v=s2_DCGgX-Pg
[3]Lynn White, Jr., “The Historical Roots of Our Ecologic Crisis,” Science 155 (10 March 1967), Vol. 155, Issue 3767, pp. 1203-1207
[7] Phương Nam, 2010, Thần học sinh thái tại http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/than-hoc-sinh-thai-6657.html, truy cập 5/2020
[9] Phạm Minh Mẫn, 2009. Thư mục tử về bảo vệ môi trường. https://tgpsaigon.net/bai-viet/thu-muc-tu-ve-bao-ve-moi-truong-58340, truy cập 5/2020
[10] Hội đồng Giám mục Việt Nam. 2015. Thư gửi cộng đồng dân Chúa của Hội đồng Giám mục Việt Nam https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-muc-vu-2015-mo-nam-thanh-long-chua-thuong-xot-31659, truy cập 5/2020
[11] Ngày cầu nguyện vì môi trường: Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tuyên bố ngày 1/9 hàng năm sẽ là ngày cầu nguyện toàn cầu cho việc chăm sóc các thụ tạo, nhằm tạo cơ hội cho mọi người phản tư lại các hành động môi trường của bản thân và có một lối sống hài hòa với môi trường.
[12] Song Minh. 2016. Thủ lĩnh ve chai. http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/%20thu-linh-ve-chai_a3998, truy cập 5/2020
[13] Hoàng Tuấn. 2015. Hội thảo: Người Công giáo với vấn đề bảo vệ môi trường. https://tgpsaigon.net/bai-viet/hoi-thao-nguoi-cong-giao-voi-van-de-bao-ve-moi-truong-52051, truy cập 5/2020
[15] Đinh Quý. 2016. Những sản phẩm “made in Dòng tu” tại http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/nhung-san-pham-made-in-dong-tu_a2632 , truy cập 5/2020
Tài liệu tham khảo
Tài liệu tiếng Anh
1. Aaron Horenstein. 2012. The Relationship between Religious Attitudes and Concern for the Environment. QMSS G5999, Master's Thesis.
2. Aimie L.B. Hope and Christopher R. Jones. 2014. The impact of religious faith on attitudes to environmental issues and Carbon Capture and Storage (CCS) technologies: A mixed methods study. Technology in Society. Volume 38, August 2014, Pages 48-59.
3. Daniele Mathrasa et al., 2016. The Effects of Religion on Consumer Behavior: A Conceptual Framework and Research Agenda. Journal of Consumer Psychology.
4. Elizabeth A. Johnson. 2000. Losing and Finding Creation in the Christian Tradition, page 3 - 23 in book “Christianity and Ecology: Seeking the well-being of Earth and Humans”, Dieter T.Hessel and Rosemary Radford Ruether. Harvard University Press.
5. Graham Parkes. 1997. Voices of Mountains, trees and rivers: Kukai, Dogen and a deeper Ecology, page 111 - 131 in book “Buddhism and Ecology: the interconnection of Dharma and Deeds”. Mary Evelyn Tucker and Duncan Ryuken Williams. Harvard University Press.
6. Greeley Andrew. 1993. Religion and Attitudes toward the Environment. Journal for the Scientific Study of Religion, 32 (1), pp. 19-28, 1993, ISSN: 00218294.
7. Hagevi Magnus. 2014. Religion and the environmental opinion in 22 countries: a comparative study. International Review of Sociology: Revue Internationale de Sociologie Volume 24, Issue 1.
8. Haluza-DeLay Randolph. 2014. Religion and climate change: varieties in viewpoints and practices. Wiley Interdisciplinary Reviews: Climate Change, 5 (2), pp. 261-279.
9. Ian Harris. 1997. Buddhism and the discourse of Environmental concern: some methogological problems considered, page 377 - 403 in book “Buddhism and Ecology: the interconnection of Dharma and Deeds”. Mary Evelyn Tucker and Duncan Ryuken Williams. Harvard University Press.
10. Jill Thompson. 2013. New Ecology Paradigm Survey 2008: Analysis of the NEP results. Waikato Regional Council.
11. Jens Koehrsen. 2015. Does religion promote environmental sustainability? - Exploring the role of religion in local energy transitions. Social Compass, 62 (3), pp. 296-310.
12. Krysten Kirsch. 2009. Environmental Philosophies of College Students in Vietnam and the U.S. UW-L Journal of Undergraduate Research XII.
13. Kwok Pui-lan. Response to Sallie McFague on An Ecological Christology: Does Christianity have it?, page 47-50 in book “Christianity and Ecology: Seeking the well-being of Earth and Humans”, Dieter T.Hessel and Rosemary Radford Ruether. Harvard University Press.
14. Lori M. Huntera and Michael B. Toney. 2005. Religion and attitudes toward the environment: a comparison of Mormons and the general U.S. population. Soc Sci J. Author manuscript.
15. Lynn White, Jr.. 1967. The Historical Roots of Our Ecologic Crisis. Science Vol. 155, Issue 3767, pp. 1203-1207
16. Mary Evelyn Tucker and John Grim. 2001. Introduction: The emerging alliance of religion and ecology. Daedalus.
17. Michael DeLashmutt. 2011. Church and climate change: An examination of the attitudes and practices of Cornish Anglican Churches regarding the environment. Journal for the Study of Religion, Nature and Culture, 5 (1), pp. 61-81, 2011.
18. Paul Djupe and Hunt Patrick Kieran. 2009. Beyond the Lynn White Thesis: Congregational Effects on Environmental Concern. Journal for the Scientific Study of Religion, 48 (4), pp. 670-686, 2009, ISSN: 00218294.
19. Stephanie Emodi and Madison Hergenrader. 2014. Religion and Environmental Worldviews. Environmental Studies Undergraduate Student Thesis, University of Nebraska-Lincoln.
20. Steven E. Barkan. 2013. Social problems: Continuity and Change. Flat world knowledge, Incorporated.
Tài liệu tiếng Việt
1. Đức Giáo Hoàng Phanxicô. 2015. Laudato Si' (Ngợi khen Thiên Chúa): Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, bản dịch tại https://caritasvietnam.org/datafiles/files/Laudato%20Si%20_final-version.pdf
2. Nguyễn Xuân Nghĩa. 2011. Sự phát triển các quan điểm xã hội học trước những thách thức của các vấn đề môi trường. Tạp chí khoa học, Trường Đại học Mở Tp. HCM, số 1 (19), 2011, tr. 32- 39
3. Lê Thị Lệ Thủy. 2016. Suy nghĩ về đóng góp của các tổ chức Tôn giáo trong bảo vệ giá trị đạo đức thời hiện đại và khát vọng hướng thiện của người trẻ. Hội thảo khoa học quốc tế “Tôn giáo và đạo đức xã hội”, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
4. Pham Thu Trang. 2013. Religion in Vietnam's Society today. Social Sciences Information Review, Vol.7, No.1, March, 2013.
5. Ủy ban Giáo lý đức tin, Hội đồng Giám Mục Việt Nam. 2013. Bản hỏi thưa Giáo lý Hội thánh Công giáo. Nhà xuất bản Tôn giáo.
6. Tòa tổng Giám Mục thành phố Hồ Chí Minh. 1998. Kinh Thánh
trọn bộ Cựu ước và Tân ước. NXB thành phố Hồ Chí Minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét