Việc Cầu Nguyện Và Xin Ơn: Vài Suy Tư Nhân Cơn Đại Dịch Covid-19
Đang khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới, là những người có niềm tin, chúng ta được mời gọi gia tăng lời cầu nguyện, để đại dịch mau chấm dứt. Tuy nhiên, thực tế là càng sốt sắng cầu nguyện, thì dịch bệnh như thể lại lại càng dữ dội hơn, nhất là trong các nước có truyền thống đức tin Kitô giáo mạnh mẽ (Hàn Quốc, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ, Brasil, …). Đây không chỉ là một thực tế đau lòng, mà còn là một thách đố cho đức tin của chúng ta. Thiên Chúa đang ở đâu trong cơn đại dịch? Tại sao Ngài vẫn cứ im lặng?
Những dòng này không phải là một khảo luận chuyên sâu mang tính thần học và thiêng liêng về vấn nạn cầu nguyện và xin ơn, nhưng chỉ mong góp vài gợi ý sơ khởi, cho vấn nạn quan trọng và đầy thách đố này.
1. Thiên Chúa và mầu nhiệm sự dữ
Đối diện với cơn đại dịch này, cũng như biết bao thảm họa đã và đang xảy ra trên thế giới, câu hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa lại được khơi lại. Thiên Chúa đang ở đâu, hay Ngài là ai, khi bao nhiêu người vô tội phải chết oan, khi bao nhiêu người thành tâm kêu cứu, mà dường như Ngài ngoảnh mặt làm ngơ? Trước sự hiện diện của sự dữ, người ta vẫn thường tự hỏi : phải chăng là Thiên Chúa không toàn năng (tức là Thiên Chúa không thể làm được tất cả mọi sự), hay vì Ngài không toàn ái (nghĩa là Ngài không phải là Thiên Chúa của tình yêu)? Hay phải chăng là Ngài không thực sự hiện hữu? Dĩ nhiên, là người có đức tin, chúng ta tin vào một Thiên Chúa toàn năng và toàn ái. Vấn đề còn lại là : tại sao Ngài im lặng, trước bao lời khẩn nài của con cái Ngài?
Trước hết, cần khẳng định rằng : Thiên Chúa không bao giờ là tác giả của sự dữ, vì mọi sự Ngài sáng tạo nên đều tốt đẹp (St 1, 25). Chân lý này dựa trên nền tảng là chính quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa (1Ga 4, 16) vốn được biểu lộ nơi công trình sáng tạo. Từ xác tín căn bản này, có lẽ không thể nói : Thiên Chúa cho sự dữ, cho đại dịch xảy ra, để răn đe hay trừng phạt người này, quốc gia nọ, hoặc thế hệ kia, như cách diễn đạt thường thấy trong Cựu Ước. Cũng vậy, trước cái chết của một người vô tội, của một em nhỏ chẳng hạn, có lẽ không thể nói rằng : Chúa “cất” em về trời, vì em là một bông hoa đẹp, v.v. Tuy những cách nói này đã trở thành quen thuộc, nhưng suy cho cùng, đó là những cách nói xem ra không am hợp với chính nền tảng căn bản của đức tin chúng ta.
Thật vậy, khó có thể hình dung được một Thiên Chúa “ích kỷ” đến mức những gì tốt đẹp, là Ngài vội “hái” đưa về trời, mặc bao đau khổ và tiếc thương của những người thân còn ở lại ! Làm sao có thể cho rằng : Thiên Chúa “hái” bông hoa đẹp đó, trong khi em chính là nạn nhân của một tai nạn giao thông đến từ bia rượu hay sự bất cẩn của con người? Tại sao có thể gán cho Thiên Chúa những tội ác do chính tay con người gây ra? Đó là chưa kể đến một căn bản đức tin khác : cuộc sống này là khởi đầu cho cuộc sống mai hậu. Nét đẹp của cuộc sống đời này vì thế phải chăng cũng có thể là khởi đầu cho những gì là tươi đẹp trong đời sống vĩnh cửu? Nếu như thế, “cất đi” một “bông hoa” của đời này, phải chăng là đang một cách nào đó làm phương hại đến cái đẹp của đời sau?
Như thế, nếu sự dữ không đến từ Thiên Chúa, thì đến từ đâu? Đây là một câu hỏi chưa có câu trả lời nào hoàn toàn thỏa đáng, và vì thế, vẫn thường được gọi là “mầu nhiệm” của sự dữ. Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự thật tốt đẹp, Ngài cũng tạo nên con người có lý trí và tự do. Chính với lý trí và sự tự do này, con người có thể nói không với Thiên Chúa và vì vậy, nói không với tình yêu và sự thiện. Đây có lẽ là mấu chốt để hiểu thêm về nguồn gốc của sự dữ, vì nhìn chung, phần lớn sự dữ mà nhân loại đang phải trải qua, phải chăng đều trực tiếp hoặc gián tiếp đến từ con người? Đây đó, người ta gọi thảm họa này, chết chóc nọ là “thiên tai”, là thảm họa “tự nhiên”, nhưng đàng sau những thảm họa đó, biết đâu lại là sự vô trách nhiệm của con người khi vẫn tiếp tục phá hủy và đầu độc môi trường sống và coi thường những gì tốt đẹp Thiên Chúa đã dựng nên?
2. Cầu nguyện và xin ơn
Trước vấn nạn của sự dữ cũng như trước bao nhu cầu của nhân loại, từ xa xưa, việc cầu xin đã không còn xa lạ gì với con người. Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu xin với Chúa Cha : “xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày” (Mt 6, 11). Ngài còn hứa với các môn đệ : “Thầy nói với các con : điều gì các con nhân Danh Thầy mà xin với Cha, Ngài sẽ ban cho các con” (Ga 16, 23); “Tất cả những gì các con tin tưởng kêu xin trong khi cầu nguyện, thì sẽ nhận được” (Mt 21, 22).
Thật dễ hiểu, khi là con người, chúng ta thường chạy đến với Chúa, mang theo mình bao ước nguyện từ cuộc sống bộn bề và nhiều trăn trở của chúng ta. Chính vì thế, truyền thống Hội Thánh không chỉ nhìn nhận việc cầu nguyện là để ca ngợi Thiên Chúa (Tv 34, 2-4), cảm tạ Ngài (Tv 28, 6-7; Cl 3, 16b; Lc 17, 17), mà còn là để cầu xin Ngài thương cứu giúp (Tv 6, 2-5).
Những ngày gần đây, nhiều bậc cha mẹ kêu gọi con cái cầu nguyện, để đại dịch Covid-19 sớm chấm dứt. Oái oăm là càng cầu nguyện, dịch bệnh dường như càng lan tràn. Không chỉ các cháu mất niềm tin, mà cả các bậc làm cha mẹ cũng cảm thấy nghi nan, hụt hẫng. Phải hiểu làm sao lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mừng : “Thầy bảo các con : hãy xin thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ gặp; hãy gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11, 9; cf. Mt 7, 7-8 và Gc 5, 16b)?
Xin được gợi lên đây hai điều :
Tại sao phải cầu xin? Chúa Giêsu dạy : “Khi cầu nguyện, các con đừng lải nhải như dân ngoại; họ tưởng rằng cứ nói nhiều thì sẽ được nhận lời. Đừng bắt chước họ; vì Cha biết các con cần gì trước khi các con xin Ngài.” (Mt 6, 7-8). Sở dĩ chúng ta xin ơn, không phải là vì Thiên Chúa không biết đến những nhu cầu của chúng ta (Mt 9, 20; Lc 12, 30), nhưng vì Ngài tôn trọng sự tự do của chúng ta. Việc chúng ta nói lên những nhu cầu hay ước nguyện, là chúng ta thể hiện cách tự do sự ưng thuận và ước muốn của mình.
Tại sao dường như Chúa không đáp lời? Vấn đề ở đây là, lắm khi những lời cầu xin của chúng ta đến từ những cái nhìn và thao thức quá hạn hẹp và ích kỷ. Giả sử Chúa “nghe” hết những gì chúng ta cầu xin, thì thế giới này sẽ đi về đâu? Trong cùng một xóm, kẻ thì xin cho trời mưa, người lại xin cho trời nắng; ai cũng xin cho con thắng giải thể thao, vậy ai sẽ là người thua cuộc? Với Chúa, vì thấu suốt mọi sự, Ngài thấy rõ những gì cần thiết và tốt đẹp nhất cho mỗi người. Cho nên, biết đâu trong sự im lặng của Chúa là cơ hội để ta học thái độ kiên nhẫn và bền tâm; qua khó khăn thử thách để Ngài ban cho ta sức mạnh và lòng dũng cảm; qua bao bất trắc trong cuộc đời để ta thêm lòng cậy trông; trong rắc rối để ta học cách giải quyết; trong khó khăn vật chất để ta hiểu thế nào là sống giản dị và khiêm tốn…
3. Cầu nguyện là đi vào một mối tương giao
Liên quan đến việc cầu xin, Chúa Giêsu còn nói : “Nếu các con ở lại trong Thầy, và Lời Thầy ở lại trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin và sẽ được” (Ga 15, 7). Để lời cầu xin mang lại kết quả, điều cần là chúng ta ở lại trong Chúa và để Lời Chúa thấm đẫm cuộc đời ta. Như vậy, cầu nguyện là gì, nếu không phải là “ở lại” trong Thầy Giêsu, là đi vào trong mối tương giao thân tình với Ngài, là gắn bó cuộc đời mình với Ngài, như cành nho kết hợp với thân nho, để sinh hoa kết trái (Ga 15, 5)?
Để tìm ý Chúa
Trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha : “Lạy Cha, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39; cf. Lc 22, 42). Chúa Giêsu đã sống trọn vẹn mối tương giao với Cha khi Ngài đến để thực thi ý Cha : “vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6, 38).
Như thế, việc xin ơn là điều rất bình thường, nhưng là “theo ý Cha”, chứ không phải theo ý chúng ta. Chúa là Cha nhân lành và thông biết mọi sự, Ngài sẽ ban cho chúng ta, nhưng không nhất thiết là những gì chúng ta xin và vào thời điểm chúng ta muốn. Khi đi vào mối tương giao thân tình với Chúa, thì nguyên việc chúng ta xin ơn cũng đã là cơ hội để chúng ta “quay về” với Thiên Chúa, đặt mình trước sự hiện diện của Ngài, đón nhận sự hiện diện của Ngài vào trong chính cuộc đời mình, và vì thế, đón nhận thánh ý Ngài.
Để được “hoán cải”
Nếu những tiến bộ của các ngành khoa học thường khởi đi từ việc thay đổi đối tượng nghiên cứu (object), hay đơn giản chỉ là cách nhìn, góc nhìn, điều này có lẽ cũng không là ngoại lệ trong hành trình đức tin. Việc khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa hay “ơn Chúa” lắm khi cũng đòi buộc chúng ta phải thay đổi góc nhìn. Chọn được góc nhìn tốt, sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đúng, để có thể nhìn ra cái may ngay trong cái họa, hồng ân trong đau khổ, cơ hội trong thử thách, … Đó có lẽ cũng là những gì đã được diễn tả trong tám mối phúc của Tin Mừng (Mt 5, 1-12), vốn được dịch sang tiếng Việt là “phúc thật”, như thể để phân biệt với các “phúc giả”.
Như thế, khi nói cầu nguyện là đi vào một mối tương giao, để biết ý Chúa, cũng chính là lúc chúng ta được mời gọi để “hoán cải”. Thay vì đòi Chúa phải ban cho ta ơn nọ, làm cho ta điều kia, khi đi vào trong mối tương giao với Chúa, cũng chính là lúc chúng ta chấp nhận “dịch chuyển”, chấp nhận “biến đổi” cách nhìn, tầm nhìn, để có thể nhận ra đâu là ý Chúa, đâu là “ơn” của Ngài. Có lẽ chính khi cái nhìn được biến đổi, mà Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã có thể thốt lên : “Tất cả là hồng ân”.
Cầu nguyện và cộng tác
Khi nói cầu nguyện là đi vào mối tương giao với Chúa, cũng chính là lúc chúng ta được mời gọi đi vào trong mối tương giao và liên đới với anh chị em mình. Thái độ cầu nguyện đúng đắn, có lẽ không phải là “khoán trắng” cho Chúa bao nhu cầu và ước nguyện, bao khó khăn và đau khổ của nhân loại hay của chính mình, để rồi khoanh tay ngồi chờ, nhưng là thái đô liên đới và dấn thân. Thánh Augustino đã từng nói : “Thiên Chúa đã tạo dựng nên bạn mà không cần bạn, nhưng Ngài không thể cứu bạn mà không có sự cộng tác của bạn”.
Trong những ngày này, bên cạnh những lời cầu nguyện, để xin Chúa ra tay cứu nhân loại thoát khỏi dịch bệnh, còn vọng lên những tâm tình và hình ảnh thật đẹp, diễn tả sự cộng tác của chính con người : đây đó, người ta đã không quên cầu nguyện cho các bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế đang ở tuyến đầu; những tâm tình sốt mến dành cho các nhà lãnh đạo, để họ có được những biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, cho các nhà khoa học, để họ sớm tìm ra các phương thuốc hữu hiệu để ngăn ngừa đại dịch và cứu chữa các bệnh nhân v.v.; chưa hết, có lẽ không thiếu những người, sau những giờ phút đắm mình trong kinh nguyện, đã sẵn sàng ra đi, để chung tay giúp đỡ những anh chị em trong cơn hoạn nạn. Thánh Ignatio de Loyola chẳng đã từng nói : “Hãy hành động như thể tất cả phụ thuộc ở bạn, nhưng luôn nhớ rằng, trong thực tế, tất cả phụ thuộc ở Thiên Chúa” đó sao?
4. Để kết
Nói gì thì nói, hình ảnh những ngôi thánh đường với hàng hàng lớp lớp những cỗ quan tài không chỉ là một nỗi ám ảnh cho nhân loại mà hãy còn là một thách đố cho niềm tin của chúng ta. Cầu nguyện vì thế không phải là “chiếc đũa thần”, nhưng là một lối nẻo cho hành trình phó thác và hy vọng (Cv 4, 29). Bởi vì, Chúa Giêsu không đến để cất đau khổ khỏi thế gian, Ngài cũng không đến để giải thích về đau khổ, nhưng chính trong đau khổ mà Ngài mở lối hy vọng cho toàn nhân loại. Cho nên, dẫu cho Thiên Chúa vẫn thường “im lặng”, như Ngài đã từng im lặng với chính Con Một của Ngài : “Lạy Chúa con, lạy Chúa con, sao Chúa bỏ con” (Mt 27, 46; cf. Mc 15, 34), thì tâm tình phó thác vẫn luôn đong đầy : “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).
Như Chúa Giêsu đã chọn “ở lại” với Cha, ngay trong chính giờ phút trống vắng và bi thương nhất, chúng ta cũng được mời gọi “ở lại” với Cha, khi nên một với Con của Ngài giữa bao khó khăn thử thách. Vì chính khi “ở lại” trong Chúa Giêsu, cũng chính là lúc chúng ta có thể “hoán cải”, “trở về”, để chung nhịp đập với trái tim đầy yêu thương và mặc lấy cái nhìn của Ngài (Ga 15, 7). Lời Chúa vẫn hằng mời gọi chúng ta : “Hãy đến cùng Tôi, hỡi tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng, và Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Hãy để cho những lời này của Thầy Giêsu vang vọng trong mỗi chúng ta, và hãy chọn cho mình một chỗ, như cô Maria, để ở lại bên Chúa : “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10, 42).
Nhờ đó, biết đâu, hoa trái đầu mùa của sự “ở lại” này (Ga 15, 5), chính là khả năng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, ngang qua bao trống vắng và khổ đau mà nhân loại đang phải trải qua, như xưa, tông đồ Gioan, khi cúi xuống và nhìn vào ngôi mộ trống, đã có thế “thấy” và đã tin (Ga 20, 8). Nhờ đó, biết đâu, ta có thể khám phá ra những chân trời hy vọng mà bấy lâu ta không hề thấy, và từ đó, có thể thêm xác tín rằng : “Thiên Chúa có thể dùng những cơn gió ngược, để đưa con thuyền vào bờ”.
Lm. Phêrô Nguyễn Hiền
Những dòng này không phải là một khảo luận chuyên sâu mang tính thần học và thiêng liêng về vấn nạn cầu nguyện và xin ơn, nhưng chỉ mong góp vài gợi ý sơ khởi, cho vấn nạn quan trọng và đầy thách đố này.
1. Thiên Chúa và mầu nhiệm sự dữ
Đối diện với cơn đại dịch này, cũng như biết bao thảm họa đã và đang xảy ra trên thế giới, câu hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa lại được khơi lại. Thiên Chúa đang ở đâu, hay Ngài là ai, khi bao nhiêu người vô tội phải chết oan, khi bao nhiêu người thành tâm kêu cứu, mà dường như Ngài ngoảnh mặt làm ngơ? Trước sự hiện diện của sự dữ, người ta vẫn thường tự hỏi : phải chăng là Thiên Chúa không toàn năng (tức là Thiên Chúa không thể làm được tất cả mọi sự), hay vì Ngài không toàn ái (nghĩa là Ngài không phải là Thiên Chúa của tình yêu)? Hay phải chăng là Ngài không thực sự hiện hữu? Dĩ nhiên, là người có đức tin, chúng ta tin vào một Thiên Chúa toàn năng và toàn ái. Vấn đề còn lại là : tại sao Ngài im lặng, trước bao lời khẩn nài của con cái Ngài?
Trước hết, cần khẳng định rằng : Thiên Chúa không bao giờ là tác giả của sự dữ, vì mọi sự Ngài sáng tạo nên đều tốt đẹp (St 1, 25). Chân lý này dựa trên nền tảng là chính quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa (1Ga 4, 16) vốn được biểu lộ nơi công trình sáng tạo. Từ xác tín căn bản này, có lẽ không thể nói : Thiên Chúa cho sự dữ, cho đại dịch xảy ra, để răn đe hay trừng phạt người này, quốc gia nọ, hoặc thế hệ kia, như cách diễn đạt thường thấy trong Cựu Ước. Cũng vậy, trước cái chết của một người vô tội, của một em nhỏ chẳng hạn, có lẽ không thể nói rằng : Chúa “cất” em về trời, vì em là một bông hoa đẹp, v.v. Tuy những cách nói này đã trở thành quen thuộc, nhưng suy cho cùng, đó là những cách nói xem ra không am hợp với chính nền tảng căn bản của đức tin chúng ta.
Thật vậy, khó có thể hình dung được một Thiên Chúa “ích kỷ” đến mức những gì tốt đẹp, là Ngài vội “hái” đưa về trời, mặc bao đau khổ và tiếc thương của những người thân còn ở lại ! Làm sao có thể cho rằng : Thiên Chúa “hái” bông hoa đẹp đó, trong khi em chính là nạn nhân của một tai nạn giao thông đến từ bia rượu hay sự bất cẩn của con người? Tại sao có thể gán cho Thiên Chúa những tội ác do chính tay con người gây ra? Đó là chưa kể đến một căn bản đức tin khác : cuộc sống này là khởi đầu cho cuộc sống mai hậu. Nét đẹp của cuộc sống đời này vì thế phải chăng cũng có thể là khởi đầu cho những gì là tươi đẹp trong đời sống vĩnh cửu? Nếu như thế, “cất đi” một “bông hoa” của đời này, phải chăng là đang một cách nào đó làm phương hại đến cái đẹp của đời sau?
Như thế, nếu sự dữ không đến từ Thiên Chúa, thì đến từ đâu? Đây là một câu hỏi chưa có câu trả lời nào hoàn toàn thỏa đáng, và vì thế, vẫn thường được gọi là “mầu nhiệm” của sự dữ. Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự thật tốt đẹp, Ngài cũng tạo nên con người có lý trí và tự do. Chính với lý trí và sự tự do này, con người có thể nói không với Thiên Chúa và vì vậy, nói không với tình yêu và sự thiện. Đây có lẽ là mấu chốt để hiểu thêm về nguồn gốc của sự dữ, vì nhìn chung, phần lớn sự dữ mà nhân loại đang phải trải qua, phải chăng đều trực tiếp hoặc gián tiếp đến từ con người? Đây đó, người ta gọi thảm họa này, chết chóc nọ là “thiên tai”, là thảm họa “tự nhiên”, nhưng đàng sau những thảm họa đó, biết đâu lại là sự vô trách nhiệm của con người khi vẫn tiếp tục phá hủy và đầu độc môi trường sống và coi thường những gì tốt đẹp Thiên Chúa đã dựng nên?
2. Cầu nguyện và xin ơn
Trước vấn nạn của sự dữ cũng như trước bao nhu cầu của nhân loại, từ xa xưa, việc cầu xin đã không còn xa lạ gì với con người. Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu xin với Chúa Cha : “xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày” (Mt 6, 11). Ngài còn hứa với các môn đệ : “Thầy nói với các con : điều gì các con nhân Danh Thầy mà xin với Cha, Ngài sẽ ban cho các con” (Ga 16, 23); “Tất cả những gì các con tin tưởng kêu xin trong khi cầu nguyện, thì sẽ nhận được” (Mt 21, 22).
Thật dễ hiểu, khi là con người, chúng ta thường chạy đến với Chúa, mang theo mình bao ước nguyện từ cuộc sống bộn bề và nhiều trăn trở của chúng ta. Chính vì thế, truyền thống Hội Thánh không chỉ nhìn nhận việc cầu nguyện là để ca ngợi Thiên Chúa (Tv 34, 2-4), cảm tạ Ngài (Tv 28, 6-7; Cl 3, 16b; Lc 17, 17), mà còn là để cầu xin Ngài thương cứu giúp (Tv 6, 2-5).
Những ngày gần đây, nhiều bậc cha mẹ kêu gọi con cái cầu nguyện, để đại dịch Covid-19 sớm chấm dứt. Oái oăm là càng cầu nguyện, dịch bệnh dường như càng lan tràn. Không chỉ các cháu mất niềm tin, mà cả các bậc làm cha mẹ cũng cảm thấy nghi nan, hụt hẫng. Phải hiểu làm sao lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mừng : “Thầy bảo các con : hãy xin thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ gặp; hãy gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11, 9; cf. Mt 7, 7-8 và Gc 5, 16b)?
Xin được gợi lên đây hai điều :
Tại sao phải cầu xin? Chúa Giêsu dạy : “Khi cầu nguyện, các con đừng lải nhải như dân ngoại; họ tưởng rằng cứ nói nhiều thì sẽ được nhận lời. Đừng bắt chước họ; vì Cha biết các con cần gì trước khi các con xin Ngài.” (Mt 6, 7-8). Sở dĩ chúng ta xin ơn, không phải là vì Thiên Chúa không biết đến những nhu cầu của chúng ta (Mt 9, 20; Lc 12, 30), nhưng vì Ngài tôn trọng sự tự do của chúng ta. Việc chúng ta nói lên những nhu cầu hay ước nguyện, là chúng ta thể hiện cách tự do sự ưng thuận và ước muốn của mình.
Tại sao dường như Chúa không đáp lời? Vấn đề ở đây là, lắm khi những lời cầu xin của chúng ta đến từ những cái nhìn và thao thức quá hạn hẹp và ích kỷ. Giả sử Chúa “nghe” hết những gì chúng ta cầu xin, thì thế giới này sẽ đi về đâu? Trong cùng một xóm, kẻ thì xin cho trời mưa, người lại xin cho trời nắng; ai cũng xin cho con thắng giải thể thao, vậy ai sẽ là người thua cuộc? Với Chúa, vì thấu suốt mọi sự, Ngài thấy rõ những gì cần thiết và tốt đẹp nhất cho mỗi người. Cho nên, biết đâu trong sự im lặng của Chúa là cơ hội để ta học thái độ kiên nhẫn và bền tâm; qua khó khăn thử thách để Ngài ban cho ta sức mạnh và lòng dũng cảm; qua bao bất trắc trong cuộc đời để ta thêm lòng cậy trông; trong rắc rối để ta học cách giải quyết; trong khó khăn vật chất để ta hiểu thế nào là sống giản dị và khiêm tốn…
3. Cầu nguyện là đi vào một mối tương giao
Liên quan đến việc cầu xin, Chúa Giêsu còn nói : “Nếu các con ở lại trong Thầy, và Lời Thầy ở lại trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin và sẽ được” (Ga 15, 7). Để lời cầu xin mang lại kết quả, điều cần là chúng ta ở lại trong Chúa và để Lời Chúa thấm đẫm cuộc đời ta. Như vậy, cầu nguyện là gì, nếu không phải là “ở lại” trong Thầy Giêsu, là đi vào trong mối tương giao thân tình với Ngài, là gắn bó cuộc đời mình với Ngài, như cành nho kết hợp với thân nho, để sinh hoa kết trái (Ga 15, 5)?
Để tìm ý Chúa
Trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha : “Lạy Cha, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39; cf. Lc 22, 42). Chúa Giêsu đã sống trọn vẹn mối tương giao với Cha khi Ngài đến để thực thi ý Cha : “vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6, 38).
Như thế, việc xin ơn là điều rất bình thường, nhưng là “theo ý Cha”, chứ không phải theo ý chúng ta. Chúa là Cha nhân lành và thông biết mọi sự, Ngài sẽ ban cho chúng ta, nhưng không nhất thiết là những gì chúng ta xin và vào thời điểm chúng ta muốn. Khi đi vào mối tương giao thân tình với Chúa, thì nguyên việc chúng ta xin ơn cũng đã là cơ hội để chúng ta “quay về” với Thiên Chúa, đặt mình trước sự hiện diện của Ngài, đón nhận sự hiện diện của Ngài vào trong chính cuộc đời mình, và vì thế, đón nhận thánh ý Ngài.
Để được “hoán cải”
Nếu những tiến bộ của các ngành khoa học thường khởi đi từ việc thay đổi đối tượng nghiên cứu (object), hay đơn giản chỉ là cách nhìn, góc nhìn, điều này có lẽ cũng không là ngoại lệ trong hành trình đức tin. Việc khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa hay “ơn Chúa” lắm khi cũng đòi buộc chúng ta phải thay đổi góc nhìn. Chọn được góc nhìn tốt, sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đúng, để có thể nhìn ra cái may ngay trong cái họa, hồng ân trong đau khổ, cơ hội trong thử thách, … Đó có lẽ cũng là những gì đã được diễn tả trong tám mối phúc của Tin Mừng (Mt 5, 1-12), vốn được dịch sang tiếng Việt là “phúc thật”, như thể để phân biệt với các “phúc giả”.
Như thế, khi nói cầu nguyện là đi vào một mối tương giao, để biết ý Chúa, cũng chính là lúc chúng ta được mời gọi để “hoán cải”. Thay vì đòi Chúa phải ban cho ta ơn nọ, làm cho ta điều kia, khi đi vào trong mối tương giao với Chúa, cũng chính là lúc chúng ta chấp nhận “dịch chuyển”, chấp nhận “biến đổi” cách nhìn, tầm nhìn, để có thể nhận ra đâu là ý Chúa, đâu là “ơn” của Ngài. Có lẽ chính khi cái nhìn được biến đổi, mà Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã có thể thốt lên : “Tất cả là hồng ân”.
Cầu nguyện và cộng tác
Khi nói cầu nguyện là đi vào mối tương giao với Chúa, cũng chính là lúc chúng ta được mời gọi đi vào trong mối tương giao và liên đới với anh chị em mình. Thái độ cầu nguyện đúng đắn, có lẽ không phải là “khoán trắng” cho Chúa bao nhu cầu và ước nguyện, bao khó khăn và đau khổ của nhân loại hay của chính mình, để rồi khoanh tay ngồi chờ, nhưng là thái đô liên đới và dấn thân. Thánh Augustino đã từng nói : “Thiên Chúa đã tạo dựng nên bạn mà không cần bạn, nhưng Ngài không thể cứu bạn mà không có sự cộng tác của bạn”.
Trong những ngày này, bên cạnh những lời cầu nguyện, để xin Chúa ra tay cứu nhân loại thoát khỏi dịch bệnh, còn vọng lên những tâm tình và hình ảnh thật đẹp, diễn tả sự cộng tác của chính con người : đây đó, người ta đã không quên cầu nguyện cho các bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế đang ở tuyến đầu; những tâm tình sốt mến dành cho các nhà lãnh đạo, để họ có được những biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, cho các nhà khoa học, để họ sớm tìm ra các phương thuốc hữu hiệu để ngăn ngừa đại dịch và cứu chữa các bệnh nhân v.v.; chưa hết, có lẽ không thiếu những người, sau những giờ phút đắm mình trong kinh nguyện, đã sẵn sàng ra đi, để chung tay giúp đỡ những anh chị em trong cơn hoạn nạn. Thánh Ignatio de Loyola chẳng đã từng nói : “Hãy hành động như thể tất cả phụ thuộc ở bạn, nhưng luôn nhớ rằng, trong thực tế, tất cả phụ thuộc ở Thiên Chúa” đó sao?
4. Để kết
Nói gì thì nói, hình ảnh những ngôi thánh đường với hàng hàng lớp lớp những cỗ quan tài không chỉ là một nỗi ám ảnh cho nhân loại mà hãy còn là một thách đố cho niềm tin của chúng ta. Cầu nguyện vì thế không phải là “chiếc đũa thần”, nhưng là một lối nẻo cho hành trình phó thác và hy vọng (Cv 4, 29). Bởi vì, Chúa Giêsu không đến để cất đau khổ khỏi thế gian, Ngài cũng không đến để giải thích về đau khổ, nhưng chính trong đau khổ mà Ngài mở lối hy vọng cho toàn nhân loại. Cho nên, dẫu cho Thiên Chúa vẫn thường “im lặng”, như Ngài đã từng im lặng với chính Con Một của Ngài : “Lạy Chúa con, lạy Chúa con, sao Chúa bỏ con” (Mt 27, 46; cf. Mc 15, 34), thì tâm tình phó thác vẫn luôn đong đầy : “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).
Như Chúa Giêsu đã chọn “ở lại” với Cha, ngay trong chính giờ phút trống vắng và bi thương nhất, chúng ta cũng được mời gọi “ở lại” với Cha, khi nên một với Con của Ngài giữa bao khó khăn thử thách. Vì chính khi “ở lại” trong Chúa Giêsu, cũng chính là lúc chúng ta có thể “hoán cải”, “trở về”, để chung nhịp đập với trái tim đầy yêu thương và mặc lấy cái nhìn của Ngài (Ga 15, 7). Lời Chúa vẫn hằng mời gọi chúng ta : “Hãy đến cùng Tôi, hỡi tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng, và Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Hãy để cho những lời này của Thầy Giêsu vang vọng trong mỗi chúng ta, và hãy chọn cho mình một chỗ, như cô Maria, để ở lại bên Chúa : “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10, 42).
Nhờ đó, biết đâu, hoa trái đầu mùa của sự “ở lại” này (Ga 15, 5), chính là khả năng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, ngang qua bao trống vắng và khổ đau mà nhân loại đang phải trải qua, như xưa, tông đồ Gioan, khi cúi xuống và nhìn vào ngôi mộ trống, đã có thế “thấy” và đã tin (Ga 20, 8). Nhờ đó, biết đâu, ta có thể khám phá ra những chân trời hy vọng mà bấy lâu ta không hề thấy, và từ đó, có thể thêm xác tín rằng : “Thiên Chúa có thể dùng những cơn gió ngược, để đưa con thuyền vào bờ”.
Lm. Phêrô Nguyễn Hiền
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét