Theo Aleteia, https://aleteia.org/2022/12/31/one-of-the-truly-great-pope-Bênêđíctô-passes-at-95-on-last-day-of-2022/, khi đưa tin Đức Bênêđíctô XVI qua đời, đã cho hay các nhà lãnh đạo thế giới và tôn giáo đưa ra những đánh giá ban đầu về tác động của nhà thần học kiêm mục tử khiêm tốn nhưng lỗi lạc này.



Ra đi bình yên

Tờ báo cho hay: Vào tháng 2 năm 2022, vị Giáo hoàng hưu trí từng ám chỉ đến cái chết sắp tới của ngài, cho thấy rằng ngài rất bình an trước ngưỡng cửa sự chết.

“Không lâu nữa, tôi sẽ thấy mình đứng trước vị thẩm phán cuối cùng của cuộc đời mình,” Đức Bênêđictô XVI viết trong một lá thư. “Mặc dù, khi nhìn lại cuộc đời dài của mình, tôi có thể có lý do rất lớn để sợ hãi và run rẩy, nhưng tôi vẫn vui mừng, vì tôi tin chắc rằng Chúa không chỉ là vị quan tòa công bình, mà còn là người bạn và người anh em, chính Người đã đau khổ vì những khuyết điểm của tôi, và do đó cũng là Đấng biện hộ, 'Đấng Bảo Trợ' của tôi. Dưới ánh sáng giờ phán xét, ân sủng được làm một Kitô hữu càng trở nên rõ ràng hơn đối với tôi. Nó cho tôi kiến thức, và thực sự tình bạn, với vị thẩm phán của cuộc đời tôi, và do đó cho phép tôi tự tin bước qua cánh cửa tối tăm của cái chết”.

Ngài vẫn hoạt động cho đến cuối cùng. Vào tháng 10 năm 2022, ngài đã viết một lá thư cho Hội nghị Thường niên của Quỹ Vatican Joseph Ratzinger/Giáo hoàng Bênêđictô XVI, diễn ra tại Đại học Steubenville của Dòng Phanxicô ở Ohio. Bức thư mô tả Công đồng Vatican II là “không chỉ có ý nghĩa mà còn cần thiết”.



Chuyến đi nước ngoài gần đây nhất của ngài là vào tháng 6 năm 2020, khi ngài đến thăm người anh trai ốm yếu của mình ở Đức, Đức Ông George Ratzinger. Đức ông Ratzinger qua đời ngày 1 tháng 7 năm 2020, hưởng thọ 96 tuổi.

Lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ

Cái chết của Đức Bênêđictô đánh dấu lần đầu tiên sau sáu thế kỷ, một Người kế vị Thánh Phêrô qua đời khi không tại chức. Người cuối cùng là Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XII.

Mặc dù các Hồng Y trên thế giới sẽ không đến Vatican để dự mật nghị bầu chọn người kế vị, nhưng nhiều vị dự kiến sẽ đổ về Thành phố Vĩnh cửu để chia tay.

Cả trong và ngoài Giáo hội, Đức Bênêđictô XVI được công nhận là một người có trí tuệ xuất chúng và là một người nhân từ.

“Joseph Ratzinger sẽ được nhớ đến như một trong những bộ óc Kitô giáo thực sự vĩ đại trong 100 năm qua; một người đã kết hợp đức tin và lý trí với sự tao nhã và rõ ràng trong cách diễn đạt ở một mức độ phi thường, nhưng vẫn thể hiện sự khiêm tốn cá nhân trong suốt cuộc đời của mình,” Đức Tổng Giám Mục hưu trí Charles J. Chaput, O.F.M. Cap., của Philadelphia, nói với Aleteia như thế. “Ngài là đối tác thần học của thiên tài triết học Karol Wojtyla và là người con trung thành của Vatican II và nhiệm vụ cải cách đích thực của nó”.

Tiến sĩ Hội thánh tương lai

Một số trí thức Công Giáo dự đoán rằng một ngày nào đó Đức Bênêđíctô sẽ được tuyên bố là Tiến sĩ Hội thánh.

Linh mục Dòng Tên, Joseph Fessio, người sáng lập và biên tập viên của nhà xuất bản Ignatius Press, có bằng tiến sĩ do Giáo sư Joseph Ratzinger tại Đại học Regensburg hướng dẫn, nói: “Tôi không tin rằng việc trở thành giáo hoàng là bằng chứng của sự thánh thiện, cũng không phải là cơ sở đủ để phong thánh. Nhưng là Joseph Ratzinger thì có. Tôi không biết bất cứ ai từng làm việc gần gũi với ngài lại không nhận ra sự thánh thiện và tài năng của ngài. Ngoài việc hy vọng được santo subito [phong thánh ngay tức khắc], tôi còn mong ngài được tuyên bố là Tiến sĩ Hội thánh”.

Cha D. Vincent Twomey, SVD, Giáo sư hồi hưu về Thần học tại Đại học Giáo hoàng St. Patrick, Maynooth, Ireland, cũng là một cựu nghiên cứu sinh tiến sĩ của Ratzinger, cho biết Đức Bênêđictô XVI sẽ được nhớ đến “trên hết là vì sản phẩm văn học và học thuật của ngài. Các bài viết của ngài về nhiều chủ đề thần học và triết học có sự rõ ràng và chiều sâu khiến cho thần học của ngài trở nên truyền cảm hứng và do đó mang tính giải phóng. Thần học của ngài cũng kích thích nghiên cứu sâu hơn về mặt học thuật, vì tất cả những gì ngài có thể làm là phác họa những đường nét của sự thật. Các thế hệ tương lai thuộc mọi tầng lớp xã hội sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng trong các bài giảng của ngài và trong các bài viết mục vụ của ngài với tư cách là giáo hoàng; thông điệp của ngài về tình yêu và hy vọng phải được xếp vào hàng xuất sắc nhất từng được viết ra từ ngòi bút của một vị giáo hoàng.”

Robert Royal, chủ tịch của Viện Faith & Reason, nhận xét rằng cái chết của Đức Bênêđíctô “đánh dấu sự kết thúc của một cuộc đời vĩ đại đã thay đổi Giáo hội — và thế giới — và sẽ tiếp tục như vậy trong nhiều năm tới. Với sự thông minh, trí tưởng tượng, sự khiêm tốn và đức tin vững vàng, ngài giống với các Giáo phụ, những người mà ngài yêu mến, nghiên cứu và gánh vác trong thời đại khó khăn của chúng ta. Ngài đồng hành với các ngài và nên được phong là Tiến sĩ Hội thánh. Chúa ban cho ngài phần thưởng vĩnh cửu mà ngài rất xứng đáng.”

Tiến sĩ Peter Kreeft, giáo sư triết học tại Đại học Boston và là tác giả của cuốn Wisdom From the Psalms [Sự khôn ngoan từ các Thánh vịnh], đã gọi Đức Bênêđíctô là “hồng ân của Thiên Chúa, một trong những giáo sư giỏi nhất mà chúng ta từng có, ngang hàng với Đức Grêgôriô Cả, Lêô Cả và Lêô XIII. Người chắc chắn làm thánh và cuối cùng là một Tiến sĩ Hội thánh".

Mark Brumley, chủ tịch của Ignatius Press, đã xuất bản bản dịch tiếng Anh của nhiều cuốn sách của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô, nói rằng cùng với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô “đã phục vụ Chúa và dân của Người một cách mạnh mẽ bằng cách giúp Giáo Hội Công Giáo tiếp tục thực hiện cải cách một cách trung thành, chứ không phải hoàn toàn gián đoạn hoặc quay trở lại quá khứ một cách thiếu phê phán. Ngài là một động lực chính cho sự trung thành với Tin Mừng và bắt tay với thế giới hiện đại.”

George Weigel, thành viên cao cấp xuất sắc và Giữ ghế William E. Simon về Nghiên cứu Công Giáo tại Trung tâm Chính sách Công và Đạo đức, nói rằng Đức Bênêđíctô là “một trong những nhà thần học Công Giáo sáng tạo nhất của thời hiện đại và được cho là nhà thuyết giáo giáo hoàng vĩ đại nhất kể từ Đức Thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả. Trong hơn 30 năm quen biết và trò chuyện với ngài, tôi thấy ngài là một Kitô hữu phong nhã hoàn hảo, một người có đức tin sâu sắc và tính tình dễ mến. Tôi có đặc ân được dạy và làm việc với nhiều người đàn ông và đàn bà xuất sắc; không ai tôi từng gặp có đầu óc minh mẫn và ngăn nắp hơn Joseph Ratzinger. Ngài tin rằng sự thật của Tin Mừng là sự thật của thế gian, và ngài đã nỗ lực hết sức để giúp những người khác hiểu sự thật này”.

Tim Gray, chủ tịch của Viện Augustine, nói rằng Đức Bênêđíctô “đã chúc lành cho Giáo hội bằng cách làm gương cho việc đức tin tìm kiếm sự hiểu biết ra sao trong thời hậu hiện đại. Khiêm tốn bổ sung cho người bạn và là người tiền nhiệm của mình, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô Cả, ngài đã cho thấy cách Công đồng Vatican II đã trung thành áp dụng Lời Chúa và việc loan báo Tin Mừng như một phương cách để chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng về sự thật mà chúng ta đang phải đối diện. Tôi đặc biệt nghĩ rằng Thông điệp về Hy vọng của ngài, ‘Spe Salvi,’ mang tính tiên tri. Ngài nói về niềm hy vọng thách thức chúng ta từ bỏ sự thoải mái để ôm lấy thập giá, cố gắng hướng tới niềm hy vọng mà Chúa Kitô đã dành sẵn cho chúng ta trên thiên đàng. Tôi cầu nguyện để lúc này, ngài có thể thể hiện niềm hy vọng mà ngài ấp ủ và niềm hy vọng mà ngài đã thách thức Giáo hội nắm giữ trên tất cả những niềm hy vọng khác”.

Phản ứng của các nhà lãnh đạo thế giới

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, thông qua Đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa thánh, nói rằng ông và Đệ nhất phu nhân Jill Biden “cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và tất cả các tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của Đức Giáo Hoàng Hưu trí Bênêđictô XVI.” Biden ca ngợi “lòng dũng cảm” và “niềm tin” của vị giáo hoàng người Đức khi ngài được bầu làm giáo hoàng năm 2005, “khi thế giới thương tiếc cái chết của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.”

Đối với Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Đức Bênêđíctô “là một người khổng lồ về đức tin và lý trí.” Trong một dòng tweet, cô bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với “chiều sâu tinh thần, văn hóa và trí tuệ trong huấn quyền của ngài”.

Tổng thống Ý Sergio Matarella cho biết cái chết của Đức Bênêđictô XVI “là một sự thương tiếc đối với nước Ý,” khi đề cập đến “sự dịu dàng” và “sự khôn ngoan” của cố giáo hoàng, cũng như “sự khiêm tốn” và “sự thanh thản” của ngài trong vai trò là giáo hoàng hưu trí, sau khi nghỉ hưu. Matarella gọi ngài là một nhân vật “không thể quên đối với người dân Ý,” người đã nài nỉ “đối thoại”.

Đối với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, “thế giới đang mất đi một nhân vật nổi bật trong Giáo Hội Công Giáo, một nhân cách tranh đấu và một nhà thần học thông minh.”

Chủ tịch chính phủ Tây Ban Nha Pedro Sánchez đã viết rằng vị giáo hoàng hưu trí là “một nhà thần học vĩ đại tận tụy phục vụ người khác, công lý và hòa bình”.

Vị giáo chủ của Giáo hội Anh giáo, Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby, đã công nhận Đức Bênêđíctô là “một trong những nhà thần học vĩ đại nhất trong thời đại của ngài, gắn bó với đức tin của Giáo hội và trung thành bảo vệ nó”.

Welby nói trong một tuyên bố: “Rõ ràng là Chúa Kitô là gốc rễ của tư tưởng và là nền tảng cho lời cầu nguyện của ngài, đồng thời nhấn mạnh đến “quyết định dũng cảm và khiêm tốn từ chức giáo hoàng”.

Vô cùng biết ơn Chúa

Đức Tổng Giám Mục Timothy P. Broglio của Tổng giáo phận Quân đội Hoa Kỳ, đồng thời là chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, nói rằng sự ra đi của vị giáo hoàng hưu trí “nghe có vẻ trái ngược với những nốt nhạc đau buồn và lòng biết ơn trong trái tim tôi.”

“Giáo hội cảm ơn vì sứ vụ quý báu của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI,” Đức Tổng Giám Mục Broglio nói như thế trong một tuyên bố. “Là một nhà thần học xuất sắc, người đã cống hiến tài năng của mình như một động lực tại Công đồng Vatican II, ngài tiếp tục trong suốt cuộc đời lâu dài của mình để trở thành một giáo sư đức tin hữu hiệu. Là một linh mục, giáo sư đại học và nhà thần học, tổng giám mục và Hồng Y, tiếng nói của ngài trong việc đào sâu một sự hiểu biết đích thực đã dẫn tất cả chúng ta đến một tình yêu chân lý và mầu nhiệm Thiên Chúa sâu sắc hơn. Chúng ta sẽ mất nhiều năm để nghiên cứu sâu hơn về kho tàng kiến thức phong phú mà ngài đã để lại cho chúng ta.

“Bản thân tôi nhớ nhiều cuộc gặp gỡ với ngài khi tôi phục vụ trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và tôi sẽ không bao giờ quên lời chào của ngài dành cho tôi tại Buổi Yết kiến chung đầu tiên mà tôi tham dự vài tuần sau khi ngài được bầu vào Ngai Tòa Phêrô. 'Ci conosciamo' (chúng ta biết nhau) là những lời chào đón nồng nhiệt của ngài khi ngài nắm lấy tay tôi trong tay ngài.

“Các thế hệ sẽ tiếp tục được làm phong phú thêm bởi những cuốn sách, bài diễn thuyết và bài giảng của ngài. Tất cả đều bộc lộ chiều sâu của việc học hỏi và suy gẫm, điều thiết yếu cả trong thời đại chúng ta và trong tương lai.

“Trong khi chúng ta đau buồn vì ngài không còn ở đây với chúng ta nữa, tôi cùng với người Công Giáo ở khắp mọi nơi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc lên Chúa vì hồng ân Giáo hoàng Bênêđictô XVI và sứ vụ của ngài. Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa ban cho ngài sự an nghỉ vĩnh hằng.”

 Vietcatholic News