Đức Bênêđictô XVI là một vị thánh. Tôi sẽ rất nhớ đến ngài
Đặng Tự Do
Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài tường trình nhan đề “Benedict XVI is a saint. I will miss him terribly”: His biographer shares his closeness”, nghĩa là “Người viết tiểu sử Đức Bênêđíctô chia sẻ sự gần gũi với ngài và nói: “Đức Bênêđictô XVI là một vị thánh. Tôi sẽ rất nhớ đến ngài”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.
Peter Seewald đã đồng hành với Đức Bênêđictô XVI trong hơn một phần tư thế kỷ trên phương diện báo chí. “Lần tới tôi sẽ gặp lại anh trên thiên đường,” Đức Bênêđíctô nói, khi vẫy tay tạm biệt tôi.
“Mọi thứ về Đức Bênêđictô XVI rất khiêm tốn, đơn sơ, dễ tiếp cận. Tôi đã rời bỏ Giáo hội, nhưng tôi quay về khi trải nghiệm các ấn tượng bởi cách Đức Ratzinger nói về tình yêu.” Peter Seewald sinh năm 1954, là người đã đồng hành, trong hơn một phần tư thế kỷ, trên phương diện báo chí với Đức Hồng Y Joseph Ratzinger sau này là Đức Bênêđíctô XVI, vị Giáo hoàng danh dự đầu tiên trong nhiều thế kỷ.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền này cho Aleteia, nhà báo người Đức nêu bật lòng dũng cảm của Đức Giáo Hoàng Danh dự trong việc bảo vệ đức tin, không màng đến sự nổi tiếng và không thỏa hiệp. Ngài là một thiên tài, được yêu mến và bị ghét bỏ. Đức Bênêđictô XVI là một vị thánh. Tôi sẽ rất nhớ đến ngài”
“Công nghiệp của ngài sẽ còn mãi.”
Seewald, tác giả của cuốn tiểu sử hai tập Cuộc Đời Đức Bênêđíctô, cho biết: “Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, huấn quyền của Đức Bênêđictô XVI là không thể thiếu đối với tương lai của Giáo hội.
Những cảm xúc và suy tư nào mà những ngày cuối cùng trong cuộc đời của Đức Bênêđictô XVI khơi dậy nơi anh?
Một mặt, tôi rất buồn khi Đức Giáo Hoàng Danh dự kết thúc cuộc đời trần thế của mình. Đáng buồn hơn hết là ngài đã phải chịu đựng quá nhiều. Mặt khác, tôi đã cầu nguyện cho ngài có một cái chết êm đẹp để được “về quê hương” vĩnh hằng, là điều mà ngài đã mong mỏi từ lâu.
Hình ảnh về nhiều cuộc gặp gỡ của chúng tôi cũng lướt qua tâm trí tôi. Là một cựu đảng viên cộng sản và là nhà văn của Der Spiegel, một tuần báo nổi tiếng của Đức, tôi không cảm thấy đặc biệt gần gũi với Đức Joseph Ratzinger. Đó là lý do tại sao tôi càng ngạc nhiên hơn khi bắt gặp trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi vào tháng 11 năm 1992, một người không mảy may có chút gì là ông hoàng của Giáo hội, và thậm chí chẳng có chút gì là “Hồng Y Panzer”, hay “Hồng Y thiết giáp” một thuật ngữ do những người chỉ trích Đức Ratzinger đặt ra. Panzer là một loại xe tăng được Đức Quốc xã sử dụng trong Thế chiến II.
Mọi thứ về ngài có vẻ khiêm tốn, đơn sơ, dễ gần gũi. Tôi đã rời bỏ Giáo hội, nhưng tôi có ấn tượng sâu sắc với cách Đức Ratzinger nói về tình yêu. Ngài đã chỉ ra rằng tôn giáo và khoa học, đức tin và lý trí không đối lập nhau như thế nào.
Cách dạy bảo của ngài làm tôi nhớ đến những vị thầy tâm linh không thuyết phục người ta bằng những bài học sáo rỗng, mà bằng những cử chỉ lặng lẽ, những ám chỉ nhẹ nhàng và nhiều đau khổ. Trên hết, thông qua tấm gương của chính ngài, bao gồm sự chính trực, trung thực, can đảm và sẵn sàng chịu đựng.
Tôi thấy sự dũng cảm của ngài để đứng lên bảo vệ niềm tin của mình là đặc biệt gây ấn tượng. Ngay cả khi vì thế mà ngài không được người ta ưa chuộnh. Đặc biệt khi ngài chống lại mọi nỗ lực biến thông điệp của Chúa Kitô thành một tôn giáo phù hợp với nhu cầu của “xã hội dân sự”.
Ngài nói: “Giáo hội có ánh sáng từ Chúa Kitô. Nếu nó không thu được ánh sáng đó và truyền nó đi, thì nó chẳng khác gì một mảnh đất buồn tẻ.”
Tôi cũng thích sự thanh thản, thái độ cao quý, sự hài hước của ngài. Đức Bênêđictô XVI là một vị thánh. Tôi sẽ rất nhớ đến ngài.
Anh nghĩ Đức Bênêđíctô sẽ được nhớ đến như thế nào?
Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta và vào sự phát triển của Giáo hội. Dù sao đi nữa, Đức Joseph Ratzinger đã để lại một khối tác phẩm trong đó ngài đưa ra những câu trả lời quan trọng cho các vấn đề của một xã hội đã đánh mất ý thức về Thiên Chúa; và các vấn nạn của một Giáo hội đang đánh mất niềm tin.
Có một điều chắc chắn: với sự qua đi của Đức Bênêđictô XVI, thế giới đã mất đi một nhân cách phi thường. Không phải ngẫu nhiên mà ngài được coi là một trong những trí thức quan trọng nhất của thế kỷ và là nhà thần học vĩ đại nhất từng đảm nhận chức vụ giáo hoàng. Nhiều người coi ngài là Tiến sĩ Hội thánh thời hiện đại. Trong mỗi bài viết của mình, thái độ cơ bản của ngài rất rõ ràng: Giáo hội và đức tin không thể được tạo ra bởi một người cho riêng mình.
Nếu Chúa hiện hữu, nếu mặc khải hiện hữu, nếu nền tảng của Chúa Giêsu hiện hữu, thì điều này không đến từ chúng ta, mà đến như một ân sủng. Đối với những kẻ thù của mình, ngài có thể vẫn là “Hồng Y thiết giáp” khủng khiếp, nhưng hàng triệu người Công Giáo trên khắp thế giới nhìn thấy ở Đức Bênêđíctô ánh sáng trên ngọn đồi, một biểu tượng của sự chính thống để định hướng bản thân. Công việc của Đức Bênêđíctô sẽ tồn tại.
Tôi rất vui được tham gia cùng người kế nhiệm của ngài trong đánh giá này. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, huấn quyền của Đức Bênêđictô XVI là điều không thể thiếu cho tương lai của Giáo hội. Thật vậy, “nó sẽ” ngày càng vĩ đại và mạnh mẽ hơn từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Kỷ niệm cuối cùng của anh về Đức Bênêđictô XVI là gì?
Ngài đã bị yếu sức buộc phải sử dụng xe lăn trong một thời gian dài. Tinh thần của ngài rất tỉnh táo, nhưng gần đây giọng nói của ngài trở nên yếu ớt đến mức hầu như không thể nghe được. Trong cuộc gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi, vào ngày 15 tháng 10, điều có thể sờ thấy rõ nhất là nỗi đau khổ mà ngài mang trên vai, nỗi buồn sâu sắc của ngài về những gì đang xảy ra trên thế giới và cuộc khủng hoảng trong Giáo hội, đặc biệt là ở quê hương của ngài.
“Papa Benedetto, cha nghĩ tại sao cha vẫn chưa được về với Chúa?” Tôi đã hỏi Đức Giáo Hoàng danh dự. Câu trả lời của ngài là ngài vẫn phải ở lại, như một “dấu chỉ”. Một dấu chỉ của tiến trình mà ngài đang bảo vệ; đó là thông điệp của Chúa Giêsu, người mà ngài đã dành trọn cuộc đời mình để truyền đạt một cách thuần khiết.
“Lần tới tôi sẽ gặp lại anh trên thiên đường,” ngài nói, vẫy tay tạm biệt tôi. Ngài biết chính xác cuộc hành trình sẽ đi về đâu và điều gì đang chờ đợi ngài ở đích đến. Lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu của Chúa Kitô là một trong những chủ đề yêu thích của Đức Bênêđíctô.
Ngài từng nói: “Nếu việc thuộc về Giáo hội có ý nghĩa gì, thì đó là việc nó mang lại cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu và do đó, cuộc sống công bằng và chân chính. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.”
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét