Trang

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Cuộc Tử Ðạo Tiên Khởi Của Thánh Stêphanô



Cuộc Tử Ðạo Tiên Khởi Của Thánh Stêphanô

Hôm nay lễ kính thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội. Giữa bầu khí an bình hân hoan của Mùa Giáng Sinh mà mừng kính một vị tử đạo thì xem ra không bình thường, vì sự tử đạo thường gợi lên máu đào và chết chóc. Nhưng chắc chắn Giáo Hội đã có một lý do rất đặc biệt để mừng lễ của vị tử đạo tiên khởi này vào ngay sau Lễ Giáng Sinh.
Trong lá thư gởi cho các thiếu nhi khắp thế giới được ký vào ngày 3/10/1995, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II xem ra muốn giải thích cho chúng ta cái lý do sâu xa ấy. Ngài viết cho các em thiếu như nhi sau: "Những ngày tiếp theo ngày sinh của Chúa Giêsu cũng là đến ngày lễ theo truyền thống của Cựu Ước, tám ngày sau đó Hài Nhi đã được đặt tên, tên của Ngài là Giêsu".
Sau bốn mươi ngày chúng ta tưởng niệm việc Ngài được dâng hiến trong đền thờ giống như bất cứ đứa con trai đầu lòng nào của Israel. Trong dịp này, một cuộc gặp gỡ phi thường đã diễn ra, vừa cùng với Hài Nhi đến trong đền thờ, Mẹ Maria đã gặp cụ già Simêon. Cụ đã bồng Hài Nhi Giêsu trên tay và tiên báo như sau: "Lạy Chúa, giờ đây xin để tôi tớ Chúa được ra đi bình an theo như lời Chúa hứa, vì chính tôi tớ Chúa đã thấy ơn cứu độ mà Ngài đã chuẩn bị trước mặt muôn dân. Ðó là ánh sáng soi cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Ngài". Sau đó ông nói với Mẹ Maria: "Con Trẻ này sẽ là duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy, Con Trẻ là dấu hiệu bị người đời chống đối, và chính là một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà. Ngõ hầu những ý nghĩ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra".
Như vậy, ngay từ những ngày đầu của cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta đã nghe được lời tiên báo về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, và cũng ám chỉ đến cuộc tử đạo của Maria, Mẹ Ngài. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Mẹ sẽ đứng thinh lặng bên Thập Giá của Con Mẹ. Cũng thế, không bao lâu sau khi Chúa Giêsu được sinh hạ thì Hài Nhi Giêsu đã phải đương đầu với một mối đe dọa trầm trọng. Ông vua hung bạo Hêrôđê sẽ ra lệnh tàn sát tất cả các trẻ em dưới hai tuổi. Và vì lý do này, Chúa Giêsu sẽ phải bị bắt buộc cùng với cha mẹ trốn sang Ai Cập.
Chắc hẳn tất cả chúng con đã biết các biến cố gắn liền với việc sinh hạ của Chúa Giêsu. Cha mẹ chúng con, các linh mục, các giáo lý viên và những biến cố ấy, và cùng với toàn thể Giáo Hội, mỗi người trong chúng con sống lại một cách thiêng liêng trong biến cố ấy trong Mùa Giáng Sinh. Như vậy, chúng con đã biết những khía cạnh bi thảm trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu.
Sống lại một cách thiêng liêng những biến cố bi thảm trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu, đó không phải là những lời nhắn nhủ mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gởi riêng cho các em thiếu nhi. Vì qua các em, Ngài cũng mời gọi tất cả mọi người sống một cách thiêng liêng cuộc tử nạn của Chúa Giêsu ngay trong chính mầu nhiệm Giáng Sinh.
Mầu nhiệm Giáng Sinh gắn liền với mầu nhiệm Tử Nạn Thập Giá của Ngài. Hài Nhi nằm trong máng cỏ nghèo hèn, cuộc tử nạn đã được báo trước, có lẽ đó là lý do tại sao ngay ngày thứ nhất của tuần bát nhật Giáng Sinh, Giáo Hội mừng kính vị thánh Tử Ðạo tiên khởi là thánh Stêphanô.
Thật thế, Tin Mừng hôm nay nhắc nhở cho chúng ta về mầu nhiệm tử nạn được tiếp diễn trong lịch sử Giáo Hội. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Giáng Sinh. Phải chăng chúng ta không được mời gọi để nhận ra bóng đêm của mầu nhiệm tử nạn? Bóng Thánh Giá phải chăng đã không chập chờn phủ xuống trên máng cỏ của Hài Nhi Giêsu? Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ ôn lại những bi thảm trong thời thơ ấu của Ngài. Khi tưởng niệm việc tử đạo vị thánh tiên khởi của Giáo Hội, chúng ta hẳn phải được nhắc nhở về số phận ơn gọi làm Kitô hữu của chúng ta, đó là bước theo Chúa Giêsu qua từng giai đoạn của cuộc sống Ngài, và như Ngài, như vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội đã vạch ra cách sống kiên trung cho đến cùng trong sứ mệnh làm chứng cho Chúa.
Ước gì niềm vui Giáng Sinh củng cố chúng ta trong những cố gắng theo Chúa Giêsu, sẵn sàng đón nhận và đương đầu với những thử thách bách hại mà Thiên Chúa an bài gởi đến cho chúng ta, như Ngài đã loan báo trước: "Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người thù ghét".
(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 26 tháng 12, Lễ Thánh Stephanô TĐ
Bài đọc: Acts 6:8-10, 7:54-59; Mt 10:17-22.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thánh Stephanô là người đầu tiên đổ máu làm chứng cho Đức Kitô.

Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao Giáo Hội cử hành Lễ Thánh Stephanô, tử đạo, ngay sau Lễ Giáng Sinh? Câu trả lời có lẽ liên kết mục đích của việc Nhập Thể với bổn phận của Kitô hữu: “Niềm vui Giáng Sinh là con người được nhìn thấy Ơn Cứu Độ; nhưng để đạt được Ơn Cứu Độ, con người phải chứng minh niềm tin của mình nơi Người Con.” Sau những vui mừng nhộn nhịp của Ngày Giáng Sinh, con người dễ có khuynh hướng trở lại cuộc sống bình thường, Giáo Hội muốn nhắc nhở cho các tín hữu bổn phận làm chứng cho Đức Kitô trong cuộc sống hằng ngày.
Các Bài đọc hôm nay xoay quanh việc làm chứng cho Đức Kitô. Trong Bài đọc I, Sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật cuộc tử đạo của Stephanô, chứng nhân đầu tiên cho Đức Kitô. Trong Vuơng Cung Thánh Đường Stephanô của các cha Đa-minh tại Đất Thánh, trong Học-viện Thánh Kinh École Biblique, có vẽ 3 tấm hình: một của Gioan Tẩy Giả đang chỉ tay vào Chúa Giêsu, Người đứng giữa và nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian.” Một của Phó-tế Stephanô cũng chỉ tay vào Chúa Giêsu và nói: “Đây là Đấng mà tôi đã đổ máu làm chứng cho Ngài.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ giá phải trả của sứ vụ làm chứng cho Ngài: “Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: "Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con."

1.1/ Tiểu sử của Stephanô: Phó-tế Stephanô là một trong 7 Phó-tế đầu tiên được chọn để giúp các Tông-đồ. Lý do có Phó-tế là để các Tông-đồ chuyên lo việc cầu nguyện và giảng dạy (Acts 6:1-6). Điều kiện để làm Phó-tế là phải có thanh danh tốt, đầy tràn Thánh Thần và khôn ngoan. Chúng ta không biết nhiều về lịch sử của ông. Tên của ông Stephanô, tiếng Hy-Lạp có nghĩa là “triều thiên.” Trên tấm bia tìm được nơi mộ ông, có khắc chữ Kelil, một từ Aramaic cho Stephanos của Hy-Lạp. Có lẽ đây là tên nguyên thủy của ngài.

Không ai biết rõ địa điểm nơi ngài bị ném đá. Có người cho là tại Cổng Stephanô của Thành Jerusalem ngày nay; điều này không chắc chắn vì không thấy tài liệu lịch sử nào ghi lại. Hơn nữa, các Cổng Thành hiện nay cũng mới được xây lại từ thế kỷ 16. Nguồn sử liệu chắc chắn hơn và dựa trên khám phá khảo cổ mới tại Đất Thánh, xương cốt của ngài được để tại Vương Cung Thánh Đường Stephanô của các cha Đa-minh trong khuôn viên của Học-viện Kinh Thánh. Vương Cung Thánh Đường mới được xây dựng lại trên nền nhà của Vương Cung Thánh-đường Byzantine cũ, xây dựng vào năm 431 bởi Juvenal, Giám-mục của Jerusalem, với sự trợ giúp của Bà Hòang Eudocia. Thánh Cyril, Giám-quản của Alexandria, khánh thành Thánh Đường vào ngày 15 tháng 5 năm 439. Trong khi khánh thành, Thánh Cyril đã cho di chuyển xương cốt của Stephanô, Thánh Tử Đạo Tiên Khởi, từ một nhà thờ trên Núi Sion đã giữ xương cốt này trong 24 năm vào Thánh Đường này. Bà Hòang Eudocia cũng được chôn cất tại đây.

Sách Công Vụ Tông Đồ mô tả vắn tắt cuộc đời của Stephanô: Ông Stephanô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. Địch thù tranh luận với ông là những người thuộc hội đường gọi là hội đường của “nhóm nô lệ được giải phóng,” gốc Cyrene và Alexandria, cùng với một số người gốc Cilicia và Asia. Hậu quả của cuộc tranh cãi: “Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thánh Thần đã ban cho ông. Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Stephanô.” Vì họ không thể cãi lại ông, nên họ dùng những con người gian dối để tố cáo ông tội phạm thượng tới Thiên Chúa và Moses, để có cớ ném đá ông (Acts 6:14).

1.2/ Biến cố tử đạo của Stephanô: Trình thuật kể: “Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: "Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa." Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông, rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Saul. Họ ném đá ông Stephanô, đang lúc ông cầu xin rằng: "Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con."”

2/ Phúc Âm: Ai bền vững đến cùng, người ấy sẽ được cứu thóat.
2.1/ Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em: Chúa Giêsu đã báo trước cho các môn đệ biết những gì sẽ xảy ra cho các ông: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.” Con người dễ bị thuyết phục khi nhìn thấy những tấm gương anh hùng của những người coi thường cái chết. Có lẽ vì lý do này mà người ta nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sẽ trổ sinh niềm tin Công-giáo, và là men làm thăng tiến Nước Chúa Kitô.” Thực tế đã chứng minh: nơi nào bách hại càng nhiều, nơi đó càng có nhiều người tin theo Đức Kitô.

2.2/ Lời hứa ban Thánh Thần: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thánh Thần của Cha anh em nói trong anh em.” Có rất nhiều vị tử đạo thân thể yếu ớt, nói năng nhút nhát; nhưng khi phải ra để bị tra khảo trước vua quan, đã anh hùng khí khái nói lên những lời khôn ngoan lưu truyền cho hậu thế.
Chúa Giêsu cũng báo trước cho các môn đệ biết: Kẻ thù không phải chỉ có những người ngòai, nhưng có thể cả những người trong gia đình: "Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.”
Kẻ thù có thể giết được thân xác, nhưng không động đến được linh hồn các môn đệ của Đức Kitô. Ngài động viên tinh thần các môn đệ: “Can đảm lên, Đừng sợ! vì Thầy đã chiến thắng thế gian.” Và Ngài hứa ban phần thưởng cứu độ cho những ai trung thành: “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Ơn Cứu Độ thuộc về con người khi Đức Kitô nhập thể và hiến thân làm của lễ hy sinh trên Thập Giá. Tuy nhiên, để được hưởng Ơn Cứu Độ này, chúng ta phải chứng minh niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô trong khi còn ở thế gian này.
- Nhiệm vụ của chúng ta là rao giảng và làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, để mọi người nhận ra chứng tá của chúng ta và tin vào Ngài. Trong khi làm chứng cho sự thật, chúng ta sẽ gặp những gian nan, thử thách, và chống đối; nhưng Đức Kitô đã hứa sẽ ở cùng, và ban Thánh Thần giúp chúng ta vượt qua tất cả.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét