Trang

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Lời Chúa Mỗi Ngày Chủ Nhật 3 Mùa Vọng, Năm C



 Vui Vì Cứu Ðộ
Suy Niệm:
Các bài Kinh Thánh đọc hôm nay chan chứa vui mừng và hy vọng. Phụng vụ nhờ những bài đọc ấy khuyến khích chúng ta hân hoan sung sướng, làm cho ngày Chúa nhật hôm nay trở thành Chúa nhật màu hồng trong mùa Vọng. Phụng vụ cũng muốn, nếu có thể được hôm nay hãy dùng lễ phục màu hồng thay màu tím. Vì lẽ ngày Chúa đến đã gần. Chúng ta phải vui mừng để phấn khởi lấy đà đi mau hết giai đoạn chót. Do đó hôm nay là dịp thuận lợi để chúng ta suy nghĩ về niềm vui của người Kitô hữu. Chúng ta sẽ nhờ các bài đọc Thánh Kinh để khám phá ra lý do cũng như cách thức vui mừng trong đời sống đạo. Chắc chắn với ba bài đọc ngắn ngủi trong toàn bộ Kinh Thánh rất dày, công việc tìm hiểu niềm vui của Kitô giáo sẽ bị giới hạn. Nhưng chúng ta sẽ có nhiều dịp lễ vui mừng khác, để nhờ những bài đọc Thánh Kinh khác, bổ sung cho những điều chúng ta gặp thấy hôm nay trong sách Sôphônia, trong bài thư gởi giáo đoàn Philip và nhất là trong bài Tin Mừng Luca.

1. Vui Nhờ Niềm Tin
Có thể nói, ít thời buổi nào lung tung, phập phồng và nhiều sợ hãi như thời của Sôphônia. Ông hoạt động vào khoảng giữa thế kỷ thứ 7 trước Chúa Giêsu Giáng Sinh. Mảnh đất Do Thái nhỏ bé, quê hương của ông, nay sợ quân phía Bắc xâm chiếm; mai hãi sức ép của quân lực phía Tây Nam. Người ta chưa hết sợ đoàn quân viễn chinh Assyri, đã phải trốn tránh sự trả thù của Haòng đế Ai Cập. Tội nghiệp cho triều đình Giêrusalem nhỏ bé. Người chủ trương liên kết với phía này; kẻ lại tranh đấu để được lòng phía kia. Bất ổn, lung tung, cướp bóc, trả thù, chinh chiến gieo sợ hãi, kinh hoàng, hao mòn và kiệt quệ... cho đến khi Giêrusalem bị dày xéo và dân cư bị đưa đi lưu đày.
Chính trong cảnh tang tóc tuyệt vọng ấy, Sôphônia đã tìm được niềm tin, một niềm tin vững vàng đến nỗi đã thoát thành lời hô vui sướng mà chúng ta đọc hôm nay, Sôphônia làm gương cho tất cả chúng ta. Không bao giờ được nản chí, bỏ mất niềm tin. Không được để cho khó khăn đau thương đè ép được niềm tin cứu độ. Chúa đang đến cứu độ chúng ta, lẽ nào chúng ta không phấn khởi đi trong tinh thần mùa Vọng? Chúng ta hãy để cho lời của Sôphônia luôn vọng đến tai:
Reo vui lên hỡi sư tử Sion; hãy hò la hỡi Israen. Hãy vui mừng, hãy hoan hỉ hết lòng, nữ tử Giêrusalem.
Người nói lên được những lời ấy đã quan niệm sự vui mừng vừa phải thật lòng, vừa phải hân hoan bộc phát ra bên ngoài. Nói cách khác, lòng vui chưa đủ mặt cũng phải vui nữa. Niềm vui khi ấy mới chân thật và hồn nhiên. Cả con người đều vui.
Là vì đây là niềm vui cứu độ. Thiên Chúa xóa mất án phạt trên con người và đuổi xa địch thù hãm hại. Người không đánh phạt tội lỗi chúng ta nữa nhưng đã tha thứ rồi. Người không cho kẻ thù đến rình rập gài bẫy chúng ta nữa. Ngược lại chính Người đến ở giữa chúng ta để chúng ta không còn phải sợ tai họa và tay chân chúng ta hết bủn rủn. Hơn nữa Người còn làm mới tình yêu của Người đối với chúng ta, tỏ sung sướng reo vui vì chúng ta và quây quần chúng ta lại để mừng lễ.
Thật ra, Sôphônia không rõ ràng bao nhiêu. Ông lúng túng dùng nhiều hình ảnh. Chúng ta có thể phân tách và thấy ông có hai cảm tưởng này: khi Thiên Chúa ban ơn cứu độ khiến dân Người được vui mừng, thì một đàng Người đưa dân ra khỏi đau thương thử thách và khỏi tay địch thù; và đàng khác Người đến ở với dân để quây quần họ như ăn mừng lễ; một đàng Người củng cố dân khỏi sợ hãi và đàng khác Người làm mới tình yêu khiến họ được sướng vui.
Hai công việc này Thiên Chúa đã làm khi đưa dân ra khỏi lưu đày và về xây lại Ðền thờ... Nhưng lần cứu độ ấy mới tạm thời và bề ngoài. Chính khi Ðức Giêsu Kitô Giáng sinh vừa để cứu vớt thế gian khỏi tội lỗi, vừa để sung sướng ở giữa con cái loài người, lời sách Sôphônia mới được thực hiện. Tuy nhiên việc Chúa Giáng sinh cứu đời cũng chỉ mới khởi sự công cuộc cứu độ thực sự, sẽ được hoàn tất trong ngày Chúa trở lại trong vinh quang. Vì thế lời Sôphônia đối với chúng ta vẫn còn là lời tiên tri. Chúng ta vẫn phải nghe để không những chẳng bao giờ mất niềm tin, mà còn để trông đợi ơn tha thứ tội lỗi và được kết hợp với Thiên Chúa tình yêu. Chúng ta có lý để tin lời tiên tri ấy, vì một phần nào đó đã được thi hành khi Ðức Giêsu Giáng Sinh làm người. Càng suy nghĩ về cuộc đời của Ðức Giêsu, chúng ta càng tin tưởng tiếp tục mùa Vọng muôn thuở. Do đó việc tìm hiểu bài Tin Mừng hôm nay cũng sẽ làm sáng tỏ thêm lời sách Sôphônia.

2. Vui Vì Cứu Ðộ
Tác giả Luca đã cho chúng ta thấy dân chúng tuôn đến với Gioan để được ông thanh tẩy. Họ muốn chuẩn bị đón Ðấng Cứu Thế. Họ thành thật muốn biết phải làm gì?
Tác giả Luca để cho dân chúng lên tiếng hỏi trước. Ông vẫn có thiện cảm với quần chúng. Và khi viết tác phẩm Tin Mừng ông vẫn quan tâm nhấn mạnh tính cách phổ cập của ơn cứu độ. Ông nói đến hạng người thu thuế. Những người này cũng được ông thương mặc dù bị người Do Thái liệt vào hạng tội lỗi vì họ lấy thuế cho ngoại bang và nhiều khi hà lạm. Nhưng Chúa đã chẳng đến để cứu chuộc kẻ tội lỗi ư? Chính họ cần lòng thương cứu độ của Người. Sau đó tác giả Luca nói đến lính tráng. Ở đây có lẽ là hạng lính đánh thuê, hay phiền nhiễu đồng bào. Ai yếu thì sợ họ, nhưng người hiểu biết chỉ nhìn họ bằng ánh mắt thương hại. Luca là tác giả tình thương. Ông muốn cho họ được ơn cứu độ. Và vì thế, ông đã để cho tất cả những hạng người trên phát biểu thiện chí muốn làm gì để được lòng thương của Chúa.
Ðối với dân chúng, Gioan bảo họ hãy chia cơm sẻ áo cho nhau, vì dưới mắt ông dân chúng như đoàn chiên đói rách. Ơn cứu độ đối với họ là được yêu thương chia sẻ. Người ta làm cho họ thấy ơn cứu độ đã gần khi tổ chức lại đời sống xã hội cho công bình và thương yêu nhiều hơn. Và chính họ có biến đổi lòng ấm ức xã hội nên những tâm tình chia sẻ nhiều hơn, thì mới trở nên những con người mới. Ðang khi ấy những người thu thuế và lính tráng, muốn được cứu độ, phải liêm chính và đừng sách nhiễu đồng bào. Gioan không bảo họ phải bỏ nghề bất chính họ đang làm; vì ông không phải là đấng đổi mới thế gian". Ông chỉ là tiền hô và rao giảng việc dọn đường, chuẩn bị. Ông sung sướng được thấy người ta muốn biết ai là Ðấng Kitô?
Ông trả lời, ông không phải là Người. Ông chỉ rửa trong nước; Người sẽ rửa trong Thánh Thần và lửa, Người quyền thế hơn ông và ông không đáng cởi quai dép cho Người.
Chúng ta hãy cảm mến lòng thành thực của Gioan. Ông không lạm dụng lòng tín nhiệm của người ta, vì họ sẵn sàng nhận ông là Ðấng Kitô. Chúng ta cũng cảm phục lòng khiêm nhượng của ông khi ông tự ví mình không xứng đáng là tôi tớ của Ðấng ông rao giảng, ví ngay kẻ tôi tớ Do Thái cũng không buộc phải cởi quai dép cho chủ. Nhưng điều Gioan muốn cho chúng ta để ý hơn cả, là biết Ðức Kitô là Ðấng quyền phép sẽ đến rửa trong Thánh Thần và lửa. Ông rửa người ta với nước, mà không có sự hiện diện của Thánh Thần, tức là không có lời hứa sẽ được ban trong thời kỳ cứu độ và nghĩa là không có ơn thánh hóa kèm theo.
Còn Ðức Kitô, Người sẽ rửa trong Thánh Thần, tức là sẽ ban Thánh Thần cho kẻ nhận phép rửa nhân danh Người. Chắc chắn khi viết tư tưởng này, tác giả Luca nhớ đến những lúc Thánh Thần hiện xuống trên những người tin đạo (thí dụ trong trường hợp tại nhà ông Corneliô, kể trong sách Công vụ). Và ông hẳn cũng liên tưởng đến hôm Chúa Thánh Thần hiện xuống dưới hình lưỡi lửa, ở đây ông nói đến cả Thánh Thần và lửa, là muốn nhấn mạnh đến một tác động đặc biệt của Thánh Thần là phán xét và phân biệt kẻ lành người dữ. Ðức Kitô sẽ đến đầy Thánh Thần. Người sẽ ban Thánh Thần cho chúng ta.
Nhưng đồng thời Người cũng thanh tẩy phân biệt chúng ta như người nông dân cầm rê xảy lúa. Thóc thì Người cho vào lẫm, còn trấu thì cho vào lửa đời đời. Công việc của Người, như vậy, sẽ hoàn tất việc làm của Gioan. Ông này rao giảng việc thống hối ăn năn; nhưng chính xác Ðức Kitô mới là Ðấng sẽ đến thánh hóa kẻ thống hối và trừng phạt kẻ không hối cải. Gioan chỉ là người chuẩn bị Ðức Kitô là Ðấng thực hiện việc cứu thế. Chúng ta phải chờ đợi Người.
Như vậy, Gioan cũng như Sôphônia chỉ là tiên tri. Các ông đóng vai trò loan báo và dọn đường. Tiếng của các ông reo vui hơn tiếng các tiên tri khác, vì Ðấng Cứu Thế đã gần đến và công việc của Người là cứu độ. Lời rao giảng của các ông thật là Tin Mừng, nhưng vẫn còn là sự vui mừng trong tin yêu và chờ đợi ơn cứu thoát. Nó không như lời khuyên bảo vui mừng trong thư Phaolô mà chúng ta sắp đọc.

3. Vui Trong Thiên Chúa
Phaolô đã thấy được ơn cứu độ mà Sôphônia loan báo. Hơn nữa chính Người đã thấy phép rửa trong Thánh Thần và lửa như Gioan đã báo trước. Người bảo chúng ta trong bài thư hôm nay: hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn.
Theo Người, mặc dù ta đang sống trong chờ đợi ngày Chúa đến, luôn luôn chúng ta phải vui mừng. Người lặp lại một lần nữa và bảo chúng ta hãy vui mừng. Vui mừng là đặc tính của đạo Tin Mừng.
Ðây không phải là sự vui mừng trong lý lẽ thế gian, mà là trong Thiên Chúa. Người đã cứu độ chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết. Chúng ta đang ở trong nhiệm thể của Ðấng đã sống lại trong sự vui mừng. Làm sao chúng ta có thể còn buồn được nữa?
Và vì vui trong Thiên Chúa, sự vui mừng của chúng ta phải luôn mãi, không thay đổi, không nao núng, vì thánh giá Ðức Kitô đã toàn thắng cả sự chết. Chúng ta không được dấu sự vui mừng ấy, mà phải làm sao cho mọi người nhận biết, vì như Sôphônia đã nói sự vui mừng cứu độ phát xuất từ bên trong nhưng tràn ngập ra bên ngoài. Và cũng chính nhà tiên tri ấy đã báo: không gì có thể dồn ép được niềm vui cứu độ vì lẽ Chúa ở gần bên chúng ta. Người đuổi xa sự sợ hãi và địch thù; nên chúng ta đừng lo. Có gì chúng ta cứ thành khẩn thưa Người. Người sẽ ban bình an và canh giữ lòng dạ chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô.
Thiết tưởng không ai hơn được thánh Phaolô trong phân tách sự vui mừng của người Kitô hữu. Nếu chúng ta đã nhận được niềm tin vào lời hứa của Chúa như tiên tri Sôphônia; và nếu chúng ta đã chắc được cứu độ nhờ phép rửa trong Thánh Thần và lửa, như lời Gioan đã báo trước, thì chúng ta phải chấp nhận lời khuyên của Phaolô mà vui mừng luôn mãi trong Chúa. Ðiều duy nhất là liệu có thể ở mãi trong Chúa. Và điều ấy có thể được, đặc biệt nhờ vào việc tham dự thánh lễ.
Ðây là lúc chúng ta không những được nghe loan báo về Chúa như thời Sôphônia, và được đón Chúa đến như dưới thời Gioan Tẩy Giả; chúng ta còn được kết hợp với Người, để Người ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Người. Rồi ở trong bất cứ hoàn cảnh nào Người cũng ở với chúng ta, để cứu độ và canh giữ cả ý nghĩ lẫn việc làm, cả tâm hồn và đời sống.
Thế nên chúng ta hãy bình an và vui mừng, hãy chứng tỏ chúng ta có tin mừng cứu độ; chúng ta có các lời tiên tri hứa hẹn và những lời ấy đã thực sự khởi sự thực hiện nơi chúng ta. Do đó chúng ta vui mừng và vui mừng luôn mãi trong Thiên Chúa.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật 3 Mùa Vọng, Năm C
Bài đọc: Sop 3:14-18a; Phi 4:4-7; Lk 3:10-18.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Hãy vui mừng vì ơn cứu độ đã gần đến.

Con người bị đau khổ hay thất vọng vì bị chi phối bởi rất nhiều sợ hãi như: thất bại, tù đày, nô lệ, tội lỗi, chia ly, chết chóc, và nhất là sự phán xét và hình phạt của Thiên Chúa. Ngược lại, con người vui mừng khi những sợ hãi này được cất nhắc đi như: tù nhân hay nô lệ trong chốn lưu đày sắp được phóng thích, như như sinh viên sắp ra trường vì đã hoàn tất mọi thách đố của các cuộc khảo hạch, như một người sắp được chính thức sống hạnh phúc với người mình yêu mến. Chủ Nhật III Mùa Vọng được gọi là Chủ Nhật của niềm vui và của hy vọng, vì Đấng Thiên Sai đã gần đến. Ngài đến để xua tan đi tất cả những đau khổ, thất vọng, tội lỗi, và mang lại niềm vui và ơn cứu độ đến cho muôn người.
Các Bài Đọc hôm nay diễn tả niềm vui tuyệt đỉnh khi con người có được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời; vì có Ngài là có tất cả mọi sự. Trong Bài Đọc I, ngôn-sứ Sophonia kêu gọi con cái Israel hãy vui mừng lên vì Thời Lưu Đày sắp chấm dứt. Thiên Chúa sắp "rút lại án phạt và đẩy xa kẻ thù" khỏi họ. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu Philipphê hãy vui mừng và phải vui luôn trong niềm vui của Thiên Chúa, vì khi một người đã có Chúa, họ không còn thiếu một sự gì nữa cả. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả kêu gọi dân chúng hãy vui mừng lên vì Đấng Thiên Sai gần tới. Ngài sẽ thanh tẩy mọi tội lỗi và mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy nức lòng phấn khởi vì Đức Chúa đã rút lại án lệnh phạt ngươi.
1.1/ Nhà Israel vui mừng: Để hiểu trình thuật hôm nay, chúng ta cần hiểu hoàn cảnh lịch sử của dân tộc Israel trong thời gian này. Toàn cõi Israel đã bị quân thù chinh phục, Đền thờ và thành thánh Jerusalem bị san phẳng, dân chúng đang sống trong hai nơi lưu đày: vương quốc Israel miền Bắc tại Assyria và vương quốc Judah miền Nam tại Babylon. Sống trong cảnh nước mất, nhà tan, và chịu đựng mọi đau khổ của người lưu đày như thế, con cái Israel mất hết niềm tin và hy vọng. Nỗi đau thấm thía nhất là họ đã bị Thiên Chúa bỏ rơi để họ làm mồi cho quân thù.
(1) Lời kêu gọi vui mừng: Nhưng tình thương Thiên Chúa đã thắng vượt mọi sự bất trung của con cái Israel, đó là lý do mà tiên tri Sophoniah được sai đến để loan tin vui mừng cho con cái Israel: "Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Jerusalem, hãy nức lòng phấn khởi." Sion, Israel, và Jerusalem tượng trưng cho tất cả con cái Israel. Vì đây là một tin mừng vô cùng lớn lao mà họ đang mong đợi; nên họ không thể giữ trong lòng, mà phải biểu tỏ mãnh liệt ra bên ngoài.
(2) Lý do vui mừng: Tiên-tri Sophoniah nêu rõ lý do của sự vui mừng: "Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa. Đức Vua của Israel đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa. Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ." Lý do của nô lệ và lưu đày là con cái Israel đã bất tuân chỉ thị của Thiên Chúa và chạy theo các thần ngoại bang; vì thế, Ngài đã để cho quân thù ngoại bang giày xéo đất nước để cảnh cáo và thanh luyện họ. Giờ đây, thời gian thanh luyện sắp chấm dứt, cảnh lưu đày sắp hết, nhất là họ được nối lại tình xưa nghĩa cũ với Thiên Chúa. Họ phải vui mừng mãnh liệt, vì khi có sự hiện diện của Thiên Chúa, Ngài sẽ bảo vệ họ, và quân thù sẽ không làm hại được họ.
1.2/ Thiên Chúa vui mừng: Đau khổ không chỉ hành hạ con người, nhưng còn ảnh hưởng đến Thiên Chúa, vì Ngài luôn yêu thương và lo lắng cho con người. Vì thế, khi con người được thoát khỏi cảnh nhục nhã u sầu, Thiên Chúa cũng vui mừng hoan hỷ với niềm vui của con người.
Tiên-tri diễn tả sự vui mừng của Thiên Chúa khi đón nhận con cái Israel trở về: "Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội."

2/ Bài đọc II: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa.
2.1/ Hãy luôn luôn vui mừng: Thánh Phaolô thực sự cảm nhận được niềm vui của người có Thiên Chúa là có tất cả. Chính vì thế mà ngài đã kêu gọi các tín hữu Philipphê: "Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến."
Vui tươi là dấu chỉ một người có Thiên Chúa; vì thế, người tín hữu phải vui mừng luôn vì họ có Thiên Chúa ở với họ. Con người chỉ lo sợ và buồn sầu khi con người sống xa cách với Thiên Chúa và chạy theo những hào nhoáng của thế gian; để rồi phải lãnh nhận mọi hậu quả đau thương từ thế gian mang tới. Thánh Phaolô cũng khuyên các tín hữu phải sống "hiền từ rộng rãi," có nghĩa phải sống công bằng và thương xót. Giống như Thiên Chúa, Ngài không chỉ đối xử công bằng, nhưng còn thương xót con người đã bất trung với Ngài; chỉ như thế, con người mới có cơ hội làm lại cuộc đời.
2.2/ Hãy cầu nguyện luôn: Con người lo lắng sợ hãi khi bị đe dọa bởi những khó khăn và thách đố trong cuộc sống. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy giải tỏa những lo âu sợ hãi bằng việc cầu nguyện: "Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện." Mấy điều con người cần lưu ý khi cầu nguyện với Thiên Chúa:
- Cầu nguyện với Thiên Chúa trong mọi sự: không có sự gì to lớn vượt quá uy quyền của Thiên Chúa, và cũng không có sự gì quá nhỏ đối với sự săn sóc nhân hậu của Ngài. Hãy đặt trong tay Thiên Chúa tất cả tội lỗi của quá khứ, các vấn nạn đang xảy ra trong hiện tại, và những lo âu sẽ xảy đến trong tương lai.
- Cầu nguyện với lòng tin tưởng tuyệt đối: Khi con người cầu nguyện với Thiên Chúa, họ phải tin họ đang cầu nguyện với: một Thiên Chúa khôn ngoan vì Ngài thấu hiểu mọi sự; một Thiên Chúa uy quyền vì Ngài làm được mọi sự; một Thiên Chúa là Cha nhân hậu vì Ngài sẵn sàng ban mọi ơn lành cho con cái của mình.
- Cầu nguyện giúp con người tìm được bình an trong tâm hồn: Một tác giả đã nói "bình an là hiệu quả của lời cầu xin tin tưởng." Một khi đã tin tưởng hoàn toàn nơi tình yêu và uy quyền của Thiên Chúa, con người phó thác cho Ngài mọi sự, họ sẽ không còn ưu tư, lo lắng; và như thế, sẽ có được sự bình an thực sự trong tâm hồn. Thánh Phaolô cũng xác tín điều này với các tín hữu: "Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Giêsu Kitô.'' Chỗ khác ngài nói: Nếu Thiên Chúa đã rộng lượng ban cho con người Đức Kitô, thì còn gì Ngài lại không ban cho con người?

3/ Phúc Âm: Phải làm gì để chuẩn bị đón mừng Chúa đến?
3.1/ Phải chuẩn bị tâm hồn bằng cách thay đổi cuộc sống: Không phải ai cũng có thể nhận ra và đón nhận Đức Kitô, Đấng Thiên Sai Thiên Chúa ban tặng cho con người. Lịch sử chứng minh, nhiều người không những đã không nhận ra Ngài, lại còn luận tội và tìm cách giết đi chính Đấng ban sự sống. Khi các người Do-thái tìm đến với Gioan, hỏi ông cách chuẩn bị để đón nhận Đấng Thiên Sai, ông cho biết con người cần khiêm nhường và thay đổi cuộc sống cho phù hợp với sự thật. Gioan cho những lời khuyên rất thực tế và cụ thể cho từng lớp người: ông không đòi hối nhân phải thay đổi nghề nghiệp; nhưng thay đổi thái độ thi hành nghề nghiệp đó.
(1) Với đám đông: Đám đông hỏi ông rằng: "Chúng tôi phải làm gì đây?" Ông trả lời: "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy." Gioan dạy dân: Hãy thực thi bác ái bằng cách chia sẻ cho tha nhân những gì mình có. Đức Kitô cũng dạy dân: người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau.
(2) Những người thu thuế: Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: "Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?" Ông bảo họ: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh." Cám dỗ của giới thu thuế là thu vào quá mức ấn định, để giữ lại cho mình số thu thặng dư đó. Gioan khuyên họ phải thực thi công bằng, bằng cách bằng lòng với số lương chính phủ trả, và trả lại cho tha nhân những gì mình đã thâu thặng dư.
(3) Những binh lính: Họ hỏi ông: "Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?" Ông bảo họ: "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình." Cám dỗ của binh lính là cậy mình có vũ khí trên tay nên dễ đàn áp dân chúng. Ông Gioan khuyên họ hãy sống thật với lương tâm, đừng lấy của người dân vô tội, đừng hãm hiếp phụ nữ; nhưng hãy bằng lòng với số lương chính phủ trả cho họ.

3.2/ Sự khác biệt giữa Đấng Thiên Sai và Gioan Tẩy Giả: Cách thức sinh sống và rao giảng của Gioan làm nhiều người đặt câu hỏi: "biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Messiah!"
Ông Gioan rất thành thực và đánh tan mọi nỗi nghi ngờ của dân chúng, ông nói với dân hai sự khác biệt giữa Đấng Thiên Sai và ông:
(1) Sự khác biệt về uy quyền: Gioan nói về Đấng Thiên Sai: "Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người." Ông chỉ là người dọn đường cho Đấng Thiên Sai, người chuẩn bị tâm hồn cho dân để gặp gỡ Đấng Cứu Thế.
Đấng Thiên Sai còn có uy quyền xét xử và thưởng phạt con người tùy theo việc làm của họ: "Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi." Gioan Tẩy Giả không có quyền xét xử và thưởng phạt con người.
(2) Sự khác biệt giữa hai phép rửa: Ông Gioan trả lời mọi người rằng: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa."
Phép rửa của Gioan là phép rửa mà truyền thống Do-thái vẫn làm cho những người muốn theo đạo Do-thái; đó là phép rửa trong nước để tha tội. Phép Rửa của Đức Kitô là Phép Rửa trong Thánh Thần và lửa để thánh hóa con người. Để xứng đáng được hưởng ơn cứu độ, con người không chỉ cần được thanh tẩy khỏi mọi tội lỗi, mà còn cần được làm cho trở nên thánh thiện và tinh tuyền. Điều này chỉ có thể hiện thực với Phép Rửa của Đức Kitô.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi con người sống xa Thiên Chúa, con người sống trong lo âu và sợ hãi. Để có niềm vui đích thực, chúng ta phải quay trở về với Thiên Chúa và sống trong sự hiện diện của Ngài.
- Con người nghĩ để có hạnh phúc, con người phải có tự do để làm bất cứ điều gì mình muốn. Thực tế chứng minh ngược lại: để có niềm vui và hạnh phúc đích thực, con người cần sống theo những lời chỉ dạy của Thiên Chúa.
- Niềm vui trọn vẹn chỉ có được khi con người hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa. Ngài sẽ dạy dỗ, săn sóc, bảo vệ, và ban cho con người sự bình an đích thực trong tâm hồn.
- Để có thể đón nhận Thiên Chúa, con người cần phải thanh tẩy tâm hồn bằng cách khử trừ mọi tội lỗi và sống công bằng bác ái với tha nhân.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét