Suy Niệm:
Viên bách quản đã xin Ðức
Giêsu chữa lành người đầy tớ của ông. Viên bách quản là người ngoại mà ông tỏ
ra khiêm tốn và tin tưởng vào lời quyền năng của Ðức Giêsu. Ông cũng là người
nhân hậu, biết yêu thương săn sóc đến người đầy tớ hèn mọn của ông.
Cầu Nguyện:
Lạy Cha, xin cho chúng con
luôn xác tín vào quyền năng và tình yêu của Cha. Và trong cuộc sống, xin cho
gia đình chúng con cùng biết mở tâm hồn ra với làng xóm, biết yêu thương những
người chúng con có dịp tiếp xúc. Ước gì tình yêu thương trong chúng con được
trải rộng, để Thiên Chúa được vinh danh, con người được hạnh phúc. Chúng con
cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Xin Ngài Chỉ Phán Một Lời
Trong quân đội Roma, danh từ
"bách quan" hay "đại đội trưởng" dùng để chỉ những người có
một trăm tên lính trong tay. Nếu ở chốn đế đô, họ chẳng là gì thì tại các vùng
thuộc địa họ là những viên chức đầy uy quyền góp phần cai trị hà khắc của đế
quốc. Có thể gọi họ là chất xúc tác và là thước đo lòng căm thù đế quốc của
người Do Thái. Ðối với đế quốc cai trị, họ là những người trực tiếp áp đặt
chính sách lên dân chúng.
Luật Do Thái đã khắt khe
trong việc giao tế với dân ngoại thì lại càng khắt khe hơn đối với những người
đang giày xéo lên mảnh đất Thánh của Giavê Thiên Chúa. Người Do Thái sẽ không
bước vào nhà dân ngoại vì đó là những nơi không thanh sạch. Sách Midna đã viết:
"Mọi nơi cư ngụ của dân ngoại đều là chỗ không thanh sạch", thế mà
Chúa Giêsu lại không ngần ngại đi đến nhà viên bách quan để chữa bệnh cho gia
nhân của ông. Chúa Giêsu có ý gì khi hành động như vậy? Nếu luật lệ Do Thái
khắt khe với dân ngoại mà Chúa Giêsu và các tông đồ lại nghiêng về phía họ thì
hẳn việc làm của Chúa Giêsu và các tông đồ phải mang một ý nghĩa thiết thực
trong cuộc sống.
Riêng về các viên bách quan,
Kinh Thánh Tân Ước đã không ít lần lên tiếng khen ngợi hành vi của các viên
bách quan như lúc Chúa Giêsu bị chết treo nhục nhã trên Thập Giá, một viên bách
quan đã tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa. Một viên bách quan khác đã cứu tông
đồ Phaolô thoát khỏi hình phạt đánh đòn, và một viên bách quan khác nữa đã giúp
Phaolô thoát khỏi âm mưu giết hại của người Do Thái. Tuy nhiên nổi bật hơn hết
là viên bách quan được nói đến trong bài đọc Tin Mừng hôm nay. Nơi ông đã hội
tụ hai yếu tố căn bản mà mỗi người trong chúng ta cần phải có để khiêm nhượng
trước mặt Chúa và bác ái với anh em. Một gia nhân hay đúng hơn một tên nô lệ
chẳng là gì trước mặt viên bách quan, ông có thể sử dụng như một món đồ vật,
không dùng thì quăng đi cần gì phải bận tâm. Thế mà ở đây ông lại quan tâm đến
tên gia nhân cách đặc biệt. Ngoài ra theo đoạn Tin Mừng song song của Luca, ông
còn là người giúp đỡ cho Hội Ðường Do Thái.
Lòng vị tha đã khiến viên
bách quan vừa có uy quyền, vừa được mộ mến. Tuy nhiên dù là gì đi nữa, trước
mặt Thiên Chúa và trước mặt Chúa Giêsu, ông vẫn phải giữ một thái độ hoàn toàn
khiêm nhu: "Lạy Thầy, tôi không xứng đáng để được Thầy đến nhà". Ông
không chỉ khiêm nhu nhưng lại đầy tin tưởng: "Xin Thầy hãy phán một lời
thì gia nhân của tôi được lành mạnh".
Lời cầu khiêm nhu này đã trở
thành lời kinh hằng ngày được tín hữu chuyên đọc, và niềm tin của viên bách
quan khai mở một kỷ nguyên mới cho lịch sử ơn cứu độ: "Nhiều người từ Ðông
chí Tây sẽ đến dự tiệc với Abraham, Isaac và Jacob, còn con cái trong nhà sẽ bị
loại ra ngoài". Chúa Giêsu, Ngài đến để cứu chữa hết mọi người, chưa cần
viên bách quan tuyên xưng lòng tin, Ngài đã nói lên ý định của Ngài: "Tôi
sẽ đến chữa nó".
Luật Do Thái ngăn cấm bước
vào nhà dân ngoại thì Chúa Giêsu vượt ra ngoài các cấm đoán của lề luật, vì
Vương Quốc của Ngài không xây dựng trên nền tảng các luật cứng nhắc ấy nhưng
trên thực hành niềm tin. Ngài cũng không đến để hủy bỏ lề luật nhưng để kiện
toàn. Lề luật bây giờ phải được thể hiện trọn vẹn trong cuộc sống.
Viên bách quan không có các
nghi thức để tuân giữ lề luật như: không rửa tay trước khi dùng bữa, không đến
Hội Ðường vào ngày Sabat. Nhưng trước sự hiện diện của Chúa, ông tỏ một niềm
kính sợ, trước tha nhân ông hết lòng yêu mến. Ông trở thành tiêu biểu cho các
công dân Nước Trời. Chúa Giêsu đã khen ngợi và đã đón nhận ông vào nước của
Ngài.
Chúa Giêsu nói với những kẻ
theo Ngài lúc đó cũng như đối với chúng ta hôm nay: "Còn con cái trong nhà
sẽ bị loại ra ngoài". Không phải được mang tước hiệu con cái là bảo đảm
được dự phần vào Nước Thiên Chúa, nhưng phải là kẻ biết thực hành niềm tin.
Tước hiệu Kitô hữu nếu không được nuôi dưỡng bằng sức sống của niềm tin thì chỉ
là những bản án được công bố trước thời điểm mà thôi.
Bước vào Mùa Vọng, cùng với
Giáo Hội với ý hướng chờ ngày Chúa đến, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta
sẽ nhìn vào niềm tin của viên bách quan làm tiêu chuẩn sống cho mình. Mỗi người
chúng ta hãy biết khiêm nhu trước Thiên Chúa và biết yêu mến anh em thì hy vong
chúng ta sẽ được Thiên Chúa hài lòng đón nhận trong bàn tiệc Nước Ngài.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai, Tuần I MV
Bài đọc: Isa
2:1-5; Mt 8:5-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Mọi người đều tìm
Chúa.
Con người có cần đến
Thiên Chúa trong cuộc đời không? Nhiều người trả lời không, vì họ có thể tự làm
chủ lấy cuộc đời của họ. Nhưng có những nhu cầu tâm linh mà con người không tự
mình thỏa mãn được như nhu cầu tìm ra sự thật: con người từ đâu đến, sống trên
đời này để làm gì, và chết rồi sẽ đi đâu? Các Bài đọc hôm nay dẫn chứng nhu cầu
cần tìm Chúa. Trong Bài đọc I, tiên tri Isaiah nhìn thấy trước ngày muôn dân
trên địa cầu sẽ tuôn về Jerusalem để trèo lên Núi Sion, Núi Thánh của Thiên
Chúa; để Ngài chỉ cho biết Lề Luật và đường lối của Thiên Chúa. Ngày này được
hiện thực khi Chúa Giêsu đến và mặc khải cho mọi người thánh ý của Thiên Chúa.
Trong Phúc Âm, viên Đại Đội Trưởng, mặc dù là dân ngọai, đã tìm đến Chúa Giêsu
để xin Ngài chữa bệnh cho đầy tớ của mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Ta
cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Giacob.
1.1/ Sự trổi vượt của Núi
Sion và Đền Thờ Jerusalem: Tiên tri Isaiah, mặc dù sống trong một thời đại đen tối của
lịch sử Do-Thái (trước 2 cuộc lưu đày: Assyria và Babylon), được Thiên Chúa cho
thấy trước những sự kiện sẽ xảy ra: Ngài sẽ phục hồi Judah và Jerusalem, cho
Đấng Cứu Thế nhập thể, và người muôn nước sẽ đến tìm Ngài chứ không giới hạn
trong vòng Do-Thái nữa. Ông tiên đóan: “Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng
kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ
lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: "Đến đây, ta cùng
lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Jacob.”
1.2/ Những nhu cầu của
con người:
(1) Cần biết về đường
lối của Thiên Chúa: Thiên Chúa tạo dựng con người cho một mục đích; làm sao con người
biết mục đích này? Nếu Thiên Chúa không mặc khải, con người không thể biết.
Không những con người cần biết đích, mà còn cần biết cách để đạt đích. Vì thế,
con người cần tìm đến Chúa, “để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước
theo đường Người chỉ vẽ.”
(2) Cần biết về Lề Luật
của Thiên Chúa: Người Do-Thái rất tự hào về Lề Luật của họ, vì không có vị thần
nào trên dương gian thân hành ngự xuống ban Lề Luật cho dân, như Thiên Chúa đã
ban cho họ Thập Giới qua ông Môsê. Họ có lý do để tự hào, vì Thiên Chúa tạo
dựng con người, nên chỉ mình Ngài biết những gì tốt và những gì có thể gây
thiệt hại cho con người. Vì thế, con người cần tìm đến Chúa để học hỏi Lề Luật
của Ngài: “Vì từ Sion, thánh luật ban xuống, từ Jerusalem, lời Đức Chúa phán
truyền.”
(3) Đức Chúa sẽ phân xử
các quốc gia và hòa bình sẽ ngự trị trên tòan cõi địa cầu: “Người sẽ đứng làm
trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao
thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không
còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.” Điều Isaiah
muốn nói ở đây có lẽ là Ngày Tận Thế, Ngày Đức Kitô sẽ thống trị tòan cõi địa
cầu và lên ngôi cai trị tất cả.
2/
Phúc Âm: Từ
phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc trong Nước Trời.
Trình thuật hôm nay mô
tả cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và viên Đại Đội Trưởng. Ông là người Rôma đến đô
hộ Israel và là người dân ngọai; nhưng đã can đảm vượt qua bức tường chính trị
và tôn giáo đến gặp Chúa Giêsu và xin Ngài chữa bệnh cho đầy tớ của mình. Chúa
Giêsu nhận ra sự can đảm của ông và Ngài nói: "Chính tôi sẽ đến chữa
nó."
2.1/ Nhu cầu cần được
chữa lành:
Các bệnh tật, hồn cũng như xác, gắn liền với thân phận con người; và biết bao
nhiêu người đã chạy đến với Chúa Giêsu để xin Ngài chữa lành. Trong các Sách
Tin Mừng, biết bao nhiêu phép lạ được các Thánh Ký tường thuật lại. Có các phép
lạ được ban do chính người bệnh xin, có các phép lạ do thân nhân hay người
ngòai xin như trình thuật hôm nay, có các phép lạ do chính Chúa Giêsu động lòng
thương và chữa lành mặc dù những bệnh nhân chưa xin. Chúa chữa lành tất cả
những ai đến kêu xin cho dẫu là ngày Sabbath và gặp đủ mọi chống đối từ các
kinh sư Do-Thái. Không chỉ chữa bệnh phần xác, mà còn chữa cả bệnh phần hồn:
Ngài gọi Matthêu người thu thuế làm môn đệ, Ngài gọi Jachaeus mà ngỏ ý muốn ở
lại nhà ông, Ngài làm bạn với những người tội lỗi và gái điếm để chinh phục họ
về cho Thiên Chúa.
2.2/ Nhu cầu cần biểu tỏ
tin nơi Thiên Chúa: Trong hầu hết các phép lạ, đa số con người biểu tỏ niềm tin bằng
việc đến và kêu xin với Chúa. Khi Ngài nhìn thấy niềm tin nơi họ, Ngài thường
nói: “Hãy về bình an! Đức tin của con đã cứu chữa con.”
(1) Đức tin của ông Đại
Đội Trưởng:
Khi Chúa Giêsu ngỏ ý muốn đến nhà để chữa người đầy tớ, ông trả lời: "Thưa
Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ
tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng
dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: "Đi!" là nó đi, bảo người kia:
"Đến!" là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái
này!" là nó làm." Qua những lời đối thọai, ông Đại Đội Trưởng chứng
tỏ cho Chúa Giêsu ông biết mình và biết Thiên Chúa. Ông biết mình là người
ngọai, và để tránh dị nghị cho Chúa Giêsu, ông xin Ngài chỉ cần truyền. Ông
cũng biết Chúa Giêsu có thể chữa bệnh mà không cần phải đến nhà.
Chúa Giêsu khen ngợi đức
tin của ông: "Tôi bảo thật các ông, tôi không thấy một người Israel nào có
lòng tin như thế.” Sự biểu tỏ niềm tin của một sĩ quan ngọai giáo làm Chúa
Giêsu ngạc nhiên và làm cho những người Israel và chúng ta phải suy nghĩ: chưa
chắc chúng ta, những người tin Chúa lâu năm, có được niềm tin như ông Đại Đội
Trưởng này. Câu trả lời khiêm nhường của ông được Giáo Hội dùng trong các Thánh
Lễ để chuẩn bị tâm hồn các tín hữu trước khi đón nhận Mình Thánh Chúa vào lòng.
(2) Dân Ngọai sẽ tin vào
Thiên Chúa và được hưởng Nước Trời: Rồi Chúa Giêsu nói cho những người cùng ở đó:
“Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc
cùng các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacob trong Nước Trời.” Truyền thống Do-Thái
giới hạn ơn cứu độ chỉ dành cho những người Do-Thái; nhưng từ thời các tiên
tri, nhiều tiên tri như Isaiah trong Bài đọc I hôm nay, đã nhìn thấy trước các
Dân Ngọai cũng tin vào Thiên Chúa và đáng được hưởng ơn Cứu Độ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mọi người đều có nhu
cầu tìm Thiên Chúa để được Ngài dạy dỗ, chữa lành, và nhất là để Ngài chỉ cho
biết cách đạt đích điểm của cuộc đời.
- Đi tìm Thiên Chúa
không phải chỉ một lúc hay trong một thời gian, nhưng là một tiến trình của cả
cuộc đời.
- Thiên Chúa là Cha
chung và thương xót mọi người. Chúng ta phải vui mừng khi thấy mọi người tin
tưởng và yêu mến Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét