Trang

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Lời Chúa Mỗi Ngày Ngày 18 tháng 12 MV



Dòng Tộc Của Chúa Kitô

Có một vị vua kia đã già cả nhưng lại không có con nối dõi tông đường, nên nhà vua đã ra lệnh mời các chàng trai trẻ đến cung vua để chọn một người làm dưỡng tử mà sau này sẽ lên ngôi cai trị. Ðiều kiện thật đơn giản, chỉ cần người đó biết mến Chúa và yêu mến anh em hết lòng.
Từ một vùng quê xa xôi, một chàng thanh niên cũng biết đến việc chọn này của nhà vua. Chàng muốn đến cung vua ứng thi nhưng khốn nỗi chàng chẳng có một bộ áo quần nào xứng cho buổi triều yết. Sau một thời gian dành dụm, cuối cùng chàng cũng cố gắng sắm cho mình một bộ đồ tạm xứng với lối triều yết.
Ðến gần hoàng cung, chàng gặp một ông lão xá lạy bên vệ đường trong bộ quần áo rách rưới. Ông lão ngửa tay xin bộ đồ chàng đang mặc.
Ðộng lòng thương, chẳng chút ngần ngừ chàng đổi cho ông già bộ quần áo của mình.
Khi đến gần cửa thành, lòng chàng lại hoang mang chẳng biết lính canh có cho chàng vào với quần áo tả tơi như vậy không. May mắn thay chẳng một ai hạch hỏi về quần áo của chàng và khi đến trước ngai rồng chàng càng ngạc nhiên hơn nữa, vị vua đang ngồi trên ngai chính là ông già ăn xin đã được chàng giúp cho bộ quần áo. Chàng không tin vào mắt của mình. Nhưng kìa, vua đang mỉm cười nhìn chàng: "Hỡi con yêu dấu, hãy đến đây, ta đang chờ con".
Anh chị em thân mến!
Chàng thanh niên đã được chọn làm dưỡng tử và làm thừa kế nhờ tấm lòng quảng đại bao dung của anh. Hôm nay thánh sử Matthêu cũng tường thuật việc Vua trời đất chọn lựa một người Cha cho mình trước khi Ngài đến ở với con người.
Xét về nguồn gốc, thánh Giuse đích thực thuộc dòng dõi David, hậu duệ của vua David. Ðấng Cứu Thế sẽ sinh ra trong dòng dõi này để ứng nghiệm lời các tiên tri đã báo trước: "Này đây đã tới ngày Ta gây cho David một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm Vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan thực hiện công lý và công bình trên đất nước". Hoặc ở một chỗ khác: "Chúa sẽ tạo lập cho David một nhà. Nhà của Người và triều đại của Người sẽ vững chắc đến muôn đời. Ngôi báu của Người sẽ vững bền mãi mãi".
Tuy nhiên, hậu duệ của David không phải chỉ có một mình Giuse nhưng đã có hàng trăm hàng ngàn hậu duệ ấy Giuse đã được chọn làm dưỡng tử của Con Thiên Chúa, vì Ngài quảng đại và bao dung.
Một gia đình sống đời vợ chồng ai lại chẳng mơ ước đến chuyện chung chăn gối, thế mà Giuse lại ký kết hôn ước với một người đã thề hứa suốt đời không biết đến người Nam. Và rồi người Nữ mà Ngài hết lòng yêu mến và quí trọng ấy bỗng dưng lại mang thai. Nàng là người đức hạnh đoan trang sao lại bụng mang dạ chửa cách lén lút?
Theo luật Do Thái, Giuse có thể tố cáo người Nữ ấy trước Hội Trường Do Thái để nàng bị ném đá vì tội ngoại tình. Nhưng do tấm lòng bao dung ngài đã không làm thế. Ngài chỉ muốn âm thầm rút lui, không cãi vã to tiếng. Ngài tôn trọng nàng, ngài muốn để mặc cho nàng tự phân xử.
Ðang khi định tâm như vậy thì Thiên Chúa đã ra tay can thiệp, vì ngần ấy diễn tiến cũng đủ để cho Giuse làm dưỡng tử của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Lời của sứ thần đã soi sáng giải đáp thắc mắc bấy lâu đang dày vò tâm hồn Giuse. Hơn thế nữa, sứ thần đã trao cho Giuse nhiệm vụ đặt tên cho con trẻ mới sinh. Với người Do Thái chỉ có người cha là người có quyền tối hậu trong việc đặt tên cho đứa trẻ, dù cho bà con thân thuộc có muốn gì đi nữa khi chưa có ý kiến của người cha thì việc đặt tên cũng không mang lại giá trị gì.
Như chúng ta đã thấy buổi lễ đặt tên cho Gioan Tẩy Giả cũng phải do người cha đặt tên. Ở đây cũng vậy, Giuse được Thiên Chúa ra tay can thiệp để lòng yêu thương nơi Ngài không bị rạn nứt, sứt mẻ, mà từ đây lòng yêu thương đã có dịp bộc lộ trọn vẹn. Giuse đã đón nhận người bạn đời về nhà mình và hết lòng yêu thương chăm sóc cho nàng cũng như cho người Con nàng đang cưu mang.
Thật thế, cuộc đời của mỗi người cũng có lúc căng thẳng, phân vân, đau khổ vì phải chọn lựa quyết định, nhưng Thiên Chúa Ngài đã thông suốt tất cả những giai cấp này, thế nhưng Ngài vẫn im lặng chờ đợi. Ngài chờ phản ứng nơi mỗi người chúng ta do yêu thương hay giận ghét, nếu chúng ta xử sự với tấm lòng yêu thương quảng đại thì chắc chắn Ngài sẽ kịp thời trợ giúp và chẳng bao giờ Ngài để cho lòng yêu thương bị rạn nứt sứt mẻ. Trong mùa đón chờ vị Vua tình yêu giáng thế, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta sẽ luôn dùng thái độ bao dung quảng đại làm kim chỉ nam hướng dẫn các suy tưởng và hành động của mỗi người chúng ta.

(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 18 tháng 12 MV
Bài đọcJer 23:5-8; Mt 1:18-24.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Công chính và tội lỗi

Mọi người đều phạm tội. Làm thế nào để con người trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa? Con người có thể trở nên công chính bằng việc giữ luật không? Thánh Phaolô quả quyết rằng “Không!” vì không ai có thể giữ trọn vẹn Lề Luật. Chỉ có niềm tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô, mới có thể làm con người nên công chính. Trong Bài Đọc I, Tiên Tri Jeremiah tiên báo: Đức Chúa (Chúa Kitô) là sự công chính của chúng ta. Trong Phúc Âm, Thánh Giuse là “người công chính,” muốn bỏ Mẹ Maria cách kín đáo; nhưng khi được Thiên Thần mộng báo, đã vâng theo ý Thiên Chúa và chấp nhận Bà Maria và Chúa Giêsu về nhà mình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc IĐức Chúa, sự công chính của chúng ta.
1.1/ Giòng dõi David từ chỗ hy vọng tan tành tới chỗ hòan tất của lời hứa: Khi người Do-Thái sống trong nơi lưu đày, chắc họ đã nhận thấy hy vọng của họ vào những gì Thiên Chúa đã chúc lành cho họ qua Tổ-phụ Jacob và những lời tiên tri của Isaiah, quyển I, Micah, và các tiên tri khác bị tan tành theo mây khói. Làm sao có thể khôi phục lại đất nước trong hòan cảnh lưu đày? Làm sao có thể khôi phục lại vương triều của giòng dõi Judah để Đấng Cứu Thế xuất hiện? Nhưng Tiên Tri Jeremiah vẫn hy vọng: “Này, sẽ tới những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà David một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh.”

1.2/ Vua công chính: “Thời bấy giờ, Judah sẽ được cứu thoát, Israel được sống yên hàn.
Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: "Đức Chúa, sự công chính của chúng ta."
(1) Đấng đưa con cái Israel lên khỏi đất Ai-Cập: chỉ biến cố Xuất Hành, khi Thiên Chúa đưa dân ra khỏi đất nô lệ của Ai-Cập qua sự lãnh đạo của Moses và Aaron.
(2) Đấng đã đưa dòng dõi nhà Israel ra khỏi đất phương Bắc: chỉ sự hồi hương và tái thiết quốc gia cùng Đền Thờ, khi Thiên Chúa giải thóat dân khỏi cảnh lưu đày ở Babylon.

2/ Phúc ÂmChính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội.

Tin Mừng Matthêu tường thuật hòan cảnh đính hôn của cha mẹ Chúa Giêsu như sau: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: Bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.”

2.1/ Nỗi khó khăn của Thánh Giuse: Để hiểu lời tường thuật của Matthêu, chúng ta phải hiểu phong tục của Do-Thái liên quan tới việc kết nghĩa vợ chồng. Giống như phong tục Việt-Nam, có 3 giai đọan:
(1) Hứa hôn: Khi hai trẻ còn nhỏ, cha mẹ hai bên muốn kết nghĩa sui gia; nên cha mẹ hai bên hứa hẹn với nhau, sẽ gả con cho nhau khi hai trẻ tới tuổi lập gia đình. Đây chỉ là một lời hứa và không bị ràng buộc về khía cạnh pháp lý. Nếu hai trẻ không đồng ý hay hai cha mẹ đổi ý, lời hứa không còn hiệu lực.
(2) Đính hôn: Đó là từ chính xác Matthêu dùng để chỉ hòan cảnh của Ông Giuse và Bà Maria hôm nay. Khi gia đình hai bên và hai trẻ đồng ý tiến tới, họ bước vào giai đọan đính hôn để tìm hiểu nhau kỹ càng hơn trong thời hạn một năm. Trong giai đọan này, theo luật Do-Thái, lời hứa bị ràng buộc, hai người được coi như vợ chồng; mặc dù chưa được “ăn ở” với nhau như vợ chồng. Nếu chồng không tiến tới, ông phải làm đơn xin ly dị và nêu rõ lý do. Nếu chồng chết trong giai đọan này, người vợ được gọi là “góa phụ đồng trinh.”
(3) Thành hôn: Sau thời hạn đính hôn một năm, hai người tiến tới giai đọan chính thức thành vợ chồng.
Nỗi khó khăn của Ông Giuse, như trình thuật nói, vì ông là người công chính nên ông không thể dung thứ tội lỗi cho Bà Maria. Theo Lề Luật, Ông phải tố cáo Bà Maria để bị ném đá cho tới chết vì đứa con trong bào thai không phải là của Ông. Nhưng Ông chắc cũng linh tính một trường hợp đặc biệt liên quan đến Bà Maria và đứa con trong bụng, nên cuối cùng Ông quyết định lìa bỏ Bà cách âm thầm kín đáo.

2.2/ Ý muốn của Thiên Chúa: Trong khi Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, con cháu David, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." Tên Giêsu là tiếng Hy-Lạp dịch từ tiếng Do-Thái Joshua, có nghĩa là “giải thóat hay cứu độ.” Chúa Giêsu được gọi là Đấng Giải Thóat, Cứu Thế, hay Chuộc Tội, vì Ngài gánh tội và giải thóat cho nhân lọai khỏi tội.
Sứ Thần của Thiên Chúa biết những gì Ông Giuse đang suy nghĩ và cung cấp câu trả lời cho Ông: người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Để hiểu “quyền năng Chúa Thánh Thần,” chúng ta cần hiểu vai trò của Chúa Thánh Thần trong chương trình của Thiên Chúa. Truyền thống Do-Thái hiểu 4 công việc chính của Thánh Thần:
(1) Ngài là Sự Thật, Ngài đem sự thật từ Thiên Chúa đến cho con người. Chúa Giêsu hứa với các môn đệ Ngài: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Jn 16:13).
(2) Ngài làm cho con người hiểu và nhận ra sự thật. Thánh Gioan hiểu rõ: Nếu không có Thánh Thần giúp sức, con người không thể hiểu những gì Chúa Giêsu mặc khải: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Jn 14:26).
(3) Ngài hiện diện với Thiên Chúa ngay từ khi sáng tạo vũ trụ. Ngài là hơi thở của Thiên Chúa: để phát ra Lời (Ngôi Hai) và ban hơi thở và sự sống cho muôn lòai. Tác giả của Thánh Vịnh 33 hiểu rõ sứ vụ của Ba Ngôi Thiên Chúa trong việc sáng tạo: “MộtLời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Psa 33:6). Sự khôn ngoan của Thiên Chúa phải có Hơi (pneuma) và Lời (logos) để tạo thành vũ trụ.
(4) Ngài cũng là nguyên nhân chính của “đổi mới và tái tạo.” Thị kiến của Tiên Tri Ezekiel về “Ruộng Xương Khô” là một ví dụ cho công việc này của Thánh Thần: “Người lại bảo tôi: "Ngươi hãy tuyên sấm gọi thần khí; tuyên sấm đi, hỡi con người! Ngươi hãy nói với thần khí: Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Từ bốn phương trời, hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những người đã chết này cho chúng được hồi sinh." Tôi tuyên sấm như Người đã truyền cho tôi. Thần khí liền nhập vào những người đã chết; chúng được hồi sinh và đứng thẳng lên: Đó là cả một đạo quân lớn, đông vô kể” (Eze 37:9-10). Cùng với Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu tới để đổi mới và ban sinh lực cho con người. Ngài tiêu diệt tội lỗi trong con người cũ và ban ơn thánh để làm cho con người trở nên con người mới tinh tuyền và thánh thiện.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Vì chúng ta đều phạm tội, chúng ta không thể trở nên công chính bằng sức mình.
- Chúng ta chỉ có thể trở nên công chính bằng tin vào Đức Kitô, Đấng gánh tội và giải thóat chúng ta khỏi mọi quyền lực của tội lỗi.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét