Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

CÁC CHƯƠNG TỪ 1 ĐẾN 3 SÁCH SÁNG THẾ:

Các chương từ 1 đến 3 Sách Sáng Thế: Một chìa khoá để hiểu mối quan hệ nam - nữ
CÁC CHƯƠNG TỪ 1 ĐẾN 3 SÁCH SÁNG THẾ:
MỘT CHÌA KHOÁ ĐỂ HIỂU MỐI QUAN HỆ NAM - NỮ
                                                             Philip Nunn
***
Văn kiện Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sắp ban hành có khả năng là về Luật Hôn Nhân. Hơn nữa, đây là “mùa” các giáo xứ tổ chức các khoá dự bị hôn nhân. Bí tích Hôn Phối là bí tích “đặc biệt”, không chỉ vì do chính hai đương sự hội đủ điều kiện theo Giáo Luật cử hành, mà còn vì mối liên hệ và ý nghĩa mật thiết của nó với Chúa kitô và Giáo Hội, hay nói đúng hơn, với mối liên hệ “hôn phối” giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Trong tinh thần đó, BTGH giới thiệu bài viết trong về quan hệ nhân bản và thần học Kitô giáo của bí tích này, qua Kinh Thánh.
***
Chúa Giêsu Chúa chúng ta, cũng như Thánh Phaolô, đã tham chiếu những chi tiết lịch sử trong sách Sáng Thế, từ chương 1 đến chương 3, để làm nòng cốt cho lời giảng dạy của các Ngài về vai trò nữ giới so với vai trò của nam giới, trong gia đình và trong cộng đoàn. Hãy nhìn cho tiết hơn 6 bản văn được sử dụng trong Tân Ước.
1. SÁNG THẾ 1: NGƯỜI NAM VÀ NGƯỜI NỮ, HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA
Chương thứ nhất sách Sáng Thế tả lại Thiên Chúa đã tạo dựng các sinh vật và nơi cư ngụ của chúng như thế nào. Chương này đạt đỉnh điểm ở câu 27, khi Thiên Chúa tạo dựng ‘con người theo hình ảnh Người - đàn ông và đàn bà”. Hình ảnh này bao hàm điều gì? Đâu là những hệ quả? Người ta đã viết nhiều về “imago Dei” (hình ảnh Thiên Chúa) này, nhưng đa số các nhà chú giải Kitô giáo đều đồng ý nói rằng chúng ta, những người phàm, giống Thiên Chúa và rằng hình ảnh này làm cho chúng ta khác với phần còn lại của cuộc tạo dựng. Có ít nhất 3 lĩnh vực mà chúng ta giống Thiên Chúa.
a. AĐAM VÀ EVA NHƯ LÀ NHỮNG CÁ THỂ
Có những lĩnh vực như tính sáng tạo, tu đức, luân lý đạo đức, khả năng thiết lập quan hệ, khả năng tư duy, khả năng vui mừng,… mà người nam và người nữ cùng đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Dưới những khía cạnh khác, có thể 1 trong 2 giới phản ánh tốt hình ảnh của Thiên Chúa tốt hơn phái kia: sự dịu dàng, những chăm sóc và tình thương thường được nữ giới diễn tả tốt hơn.
b. AĐAM VÀ EVA NHƯ CẶP VỢ CHỒNG
Chúng ta cũng giống Thiên Chúa trong tương quan nam - nữ. Nơi Thiên Chúa hiện hữu vĩnh viễn các quan hệ giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh. Trong Ba Ngôi cũng có một trật tự (x. 1 Cr 11,3). Với tư cách là đôi vợ chồng, Adam và Eva cũng được tạo dựng để phản ánh những khía cạnh của quan hệ và trật tự này. Cũng chung nhau như nam và nữ, chúng ta được kêu gọi nhân lên, thống trị trời đất và thực thi quyền thống trị trên công cuộc tạo dựng. Chung nhau, chúng ta được Thiên Chúa chúc phúc.
c. AĐAM NHƯ LÀ NGƯỜI NAM
Thánh Phaolô Tông Đồ giải thích rằng người nam (chứ không phải người nữ) “là hỉnh ảnh và vinh quang của Thiên Chúa, nhưng người nữ là vinh quang của người nam” (x. 1 Cr 11,7). Thánh Nhân sử dụng từ ngữ “hình ảnh” với nghĩa khác với trong Sáng Thế 1, nơi mà các hữu thể con người là “hình ảnh của Thiên Chúa theo nghĩa tổng quát và dưới những khía cạnh thay đổi. Trong 1 Cr 11, Thánh Phaolô nói về một khía cạnh đặc biệt của “hình ảnh tổng quát” này, riêng cho người nam. Hình ảnh này phát xuất từ sự đối chiếu các mối quan hệ một đàng giữa Ađam và Eva, một đàng giữa Thiên Chúa và Chúa Kitô: “thủ lĩnh của người đàn bà là người đàn ông và thủ lĩnh của Chúa Kitô là Thiên Chúa” (1 Cr 11,30). Thiên Chúa cấu thành “Đầu” trong một tương quan giữa những người bằng nhau. Cũng thế, người nam là “Đầu” trong tương quan giữa những người bằng nhau (bình đẳng). Trong ý nghĩa này, người nam (chứ không phải người nữ) là hình ảnh của Thiên Chúa.
Trước khi sang chương kế tiếp, hãy lưu ý rằng Sáng Thế 1 nói rằng chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng không giải thích thật sự điều đó muốn nói lên gì. Cùng lắm cũng chỉ gợi lên sự cần thiết của hợp nhất, cộng tác và hợp tác giữa nam giới và nữ giới, nhưng không có gì gợi lên vai trò bình đẳng hoặc khác biệt đối với người đàn ông và người đàn bà.
2. SÁNG THẾ 3: AĐAM ĐƯỢC DỰNG LÊN TRƯỚC EVA
Trong 1 Tm 2,12, Thánh Phaolô giải thích rằng ngài không cho phép “phụ nữ giảng dạy hoặc nắm quyền trên đàn ông, nhưng phải sống thanh bình, vì Ađam được hình thành đầu tiên, rồi mới đến Eva”. Thứ tự mà các vật được tạo dựng có quan trọng như vậy chăng? Chắc chắn là Thiên Chúa đã có thể tạo dựng nên người nam và người nữ cùng một trật. Tại sao Người đã không làm như vậy? Và tại sao chi tiết này được đặt lên trước, khi người ta định nghĩa quyền bính trong Giáo Hội? Trong tư tưởng của Thiên Chúa, con đầu lòng trong một gia đình có một vị trí đặc biệt. Trong Cựu Ước, người con cả thừa hưởng hai phần, và khi người cha qua đời, người con cả thay người cha làm chủ gia đình.
Chủ đề quyền bính và trách nhiệm của người con trưởng cũng được triển khai trong  Cl 1,15-18 trong tương quan với Chúa Giêsu, Chúa chúng ta. Chúa Kitô được trình bày như “con đầu lòng của mọi tạo vật”, “Đấng có trước mọi sự”, là “Đầu của thân thể, của Hội Thánh”, “trưởng tử giữa những kẻ chết, để nên Đầu trong mọi sự”. Sự việc người nam đã được dựng nên trước người nữ, do vậy, có rất nhiều ý nghĩa. Ngay từ khởi thuỷ, Thiên Chúa đã đặt định cho nam giới và một chức năng đặc biệt cho nữ giới.
Nếu thứ tự cuộc tạo dựng có ý nghĩa, thì thú vật trong một chừng mục nào đó, có quyền trên con người, bởi vì chúng được tạo dựng trước chăng? Không phải thế, bởi vì chúng không thuộc về loài người. Quyền bính của con người trên chúng được chứng tỏ qua sự việc Thiên Chúa đã ban cho con người đặc quyền và trách nhiệm đặt tên cho chúng.
3. SÁNG THẾ 2: EVA ĐƯỢC LẤY TỪ AĐAM
Việc hình thành Eva từ một chiếc xương sườn của Ađam hẳn là để nhấn mạnh giá trị bình đẳng của mỗi người trong hai người họ. Quả thực, họ cũng được làm từ chất liệu như nhau - ý tưởng này được xác nhận bởi phản ứng phấn khởi của Ađam khi ông nhìn thấy Eva lần đầu: “Đây là xương bởi xương tôi; thịt bởi thịt tôi”. Nhưng Thánh Phaolô Tông Đồ dùng hành vi này của Thiên Chúa để đặt nền tảng cho vị thế người nam như là “Đầu” trong cặp vợ chồng và để biện minh cho những chức năng được khác biệt hoá, mà Thiên Chúa dành cho mỗi giới. Quả thật, người nam không được rút ra từ người nữa, mà là người nữ được rút ra từ người nam” (1 Cr 11,8). Đâu là những lý lẽ Thánh Tông Đồ đưa ra?
Trong tư tưởng của Thiên Chúa, có một sự liên kết giữa nguồn gốc và quyền bính. Ý tưởng này được áp dụng cho Chúa Giêsu, Chúa chúng ta: “Nơi Người tất cả mọi sự đã được dựng nên. Mọi sự đã được tạo thành nhờ Người và cho Người” (Cl 1,16). Chúng ta tìm thấy lại nguyên tắc này trong các mối liên hệ gia đình. Con cái rút cội nguồn mình từ cha mẹ chúng và cha mẹ thực thi quyền bính trên con cái bao lâu chúng còn ở trong nhà (x. Ep 6,1-2). Đó hẳn là dây tư tưởng của Thánh Phaolô trong 1 Cr 11. Ađam là nguồn từ đó Eva (và qua Eva là phần còn lại của nhân loại) đã rút ra cội nguồn của mình. Vì thế, Ađam đã nhận được một vị trí quyền bính, liệu trước những lạm dụng có thể có của quyền bính gắn với quyền bính này.
Thánh Phaolô nói thêm ngay: “Thực vậy, trong Chúa Giêsu, người nữ chẳng là gì nếu không có người nam, và người nam chẳng là gì nếu không có người nữ, bởi vì cũng như người nữ được rút ra từ người nam, thì người nam hiện hữu nhờ người nữ và tất cả đến từ Thiên Chúa” (1 Cr 11,11-12). Sự việc rằng sau Ađam, tất cả mọi người đều được sinh ra từ người nữ, là lời nhắc nhở không ngừng rằng nam giới và nữ giới cần có nhau, rằng họ lệ thuộc vào nhau và họ có giá trị ngang nhau. Cũng thế, sự việc rằng Thiên Chúa đã chọn dựng nên Eva từ Ađam, là một lời nhắc nhở tượng trưng thường xuyên, rằng Thiên Chúa ngay từ khởi thuỷ, trước khi tội lỗi đi vào thế giới, đã ấn định một vai trò đặc biệt cho nam giới.
4. SÁNG THẾ 2: EVA ĐƯỢC DỰNG NÊN ĐỂ LÀM TRỢ THỦ CHO AĐAM
Ađam cảm nhận một thứ thiếu thốn nào đó. Thiên Chúa chờ cho tới khi ông cảm thấy cô đơn một mình. Bấy giờ Người mới tạo dựng một người nữ để làm bạn và làm người cộng tác của ông. Thiên Chúa phán: “Ta sẽ làm cho nó một trợ thủ giống như nó” (St 2,18). Tiếng Do Thái cổ (hebreu) được dịch ra ở đây “trợ thủ”, cũng được sử dụng nhiều lần để mô tả Thiên Chúa như “trợ thủ của Israel” [nguồn trợ lực]. Nói chung, kẻ nào nên hữu ích qua sự trợ giúp của mình đều có thể hy vọng có được sự tôn trọng nhất định. Có phải nói như thế tức là người đó có những quyền trên người được giúp đỡ? - Không hẳn luôn như thế. Chẳng hạn, khi làm việc, bạn có thể giúp giám đốc của bạn, cũng giống như giám đốc của bạn có thể giúp đỡ bạn. Ông giám đốc vẫn là giám đốc của bạn.
Trong ngữ cảnh Cựu Ước, Đấng Vĩnh Cửu trợ giúp Israel, nhưng Người luôn giữ quyền bính trọn vẹn trên Dân Người.
Song song, trong Sáng thế 2, hiển nhiên là Eva được dựng nên để trợ giúp Ađam, tuy vậy lại không có quyền bính trên ông. Thánh Phaolô được linh ứng bởi cùng Thánh Linh đã linh ứng bản văn Sách Sáng Thế, xác nhận điều đó: “Người nam không được tạo dựng vì người nữ, nhưng là người nữ được dựng nên vì người nam” (1 Cr 11,9). Eva đã được Thiên Chúa làm ra vì thiện ích của Ađam, chứ không phải ngược lại. Ađam và Eva làm việc như một êkip đối tác có giá trị ngang nhau; ở đó Eva được gọi là một “trợ thủ”. Trước khi sa ngã, nam giới và nữ giới được tạo dựng với những vai trò khác biệt và bổ sung cho nhau.
5. SÁNG THẾ 3: EVÀ BỊ ĐÁNH LỪA CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ AĐAM
Trong Sáng Thế 3, một con rắn “quỷ quyệt” tới gần Eva và gợi ý với Bà ăn trái cây bị cấm. Bà đã ăn và đưa cho Ađam và ông đã ăn. Có gì khác biệt giữa tội của Eva và tội của Ađam? Thánh Phaolô Tông Đồ giải thích rằng Eva đã bị lừa gạt, chứ không phải là Ađam: “Adam đã không bị quyến rũ, nhưng người nữ bị quyến rũ đã phạm tội” (1 Tm 2,14). Ađam có kém là người có tội chăng? Chắc chắn là không rồi! Xét về mọi sự, ông còn nặng tội hơn, bởi vì ông ý thức khi phạm tội, chứ không bị lừa dối. Đó là một cuộc nổi loạn có ý thức. Một số người gợi ý rằng Thánh Phaolô không muốn rằng một phụ nữ giảng dạy hoặc nắm quyền trên người nam vì nữ giới hay cả tin hoặc dễ bị lừa gạt hơn nam giới. Đó không phải là suy nghĩ của Thánh Phaolô, bởi vì ngài khuyến khích các phụ nữ cao tuổi dạy dỗ các phụ nữ trẻ tuổi (Titô 2,3-4). Hơn nữa, nam giới cũng bị cám dỗ và phạm tội.
Kết cục của tình tiết cuộc sa ngã không đặt lại vấn đề quyền bính được trao cho Ađam:
- Sau khi cả hai người ăn trái cấm, chính Ađam là người đầu tiên phải ra trước Thiên Chúa (x. St 3,9). Ngay cả khi Eva là người đầu tiên phạm tội, thì Ađam, với tư cách là “đầu”, phải trả lời trước tiên.
- Khi Thiên Chúa muốn nói, Người chọn Ađam. Satan lại chọn tiếp cận Eva trước. Ađam có ở gần Eva khi xảy ra những sự ấy chăng (x. St 3,6). Eva chọn đối thoại trực tiếp với con rắn và đã có sáng kiến ăn trái cây. Những hành vi của Satan và Eva cho thấy sự bất cần để ý đến vai trò làm “đầu” của Ađam.
- Eva có phải chịu trách nhiệm về việc tội lỗi đi vào thế gian không? Câu trả lời của Thánh Phaolô là rõ ràng: “Bởi một người nam duy nhất, mà tội lỗi đã vào trong thế gian, và qua tội lỗi là sự chết”[…]. Cái chết đã ngự trị kể từ Ađam cho tới Môsê, cả trên những kẻ đã không phạm tội vì một vi phạm tương tự như Ađam đã làm” (Rm 5,12-14). Mặc dù Eva là người phạm tội trước, nhưng chính Ađam, với tư cách là đại diện cho loài người, được coi như người chịu trách nhiệm tập thể.
6. SÁNG THẾ 3: EVÀ VÀ ADAM BỊ THIÊN CHÚA PHẠT
Sau khi Eva và Ađam đã phạm tội, Thiên Chúa chúc dữ cho con rắn và trái đất và phạt người nam và người nữ. Những hệ quả của hình phạt này tác động tới 3 lĩnh vực:
1. Trên nam giới
Thiên Chúa kết tội Ađam về 2 hành động xấu:
- Ông đã “nghe lời vợ”: nghĩa là ông đã thụ động đi theo, thay vì bảo vệ vợ mình khi thực thi một quyền bính theo Thiên Chúa.
- Ông đã “ăn trái của cây”: nghĩa là ông đã chọn bất tuân lệnh cấm tích cực của Thiên Chúa.
Lời chúc dữ này là gì? - Những cỏ dại và gai nhọn từ nay sẽ mọc lên, để làm cho công việc của Ađam nên khó khăn hơn. Ta hãy lưu ý rằng lao động tự nó không phải là một lời chúc dữ (như một số kẻ lười biếng vẫn nghĩ). Trong Sáng Thế 2,15, trước khi xảy ra sa ngã, Đấng Vĩnh Cửu nắm tay người nam đặt ông vào trong vườn Êđen để canh tác và canh giữ nó.
Tội Ađam và hình phạt cho ông đã làm biến dạng và làm cho việc sống kế hoạch tốt lành của Thiên Chúa trở nên khó khăn: lao động.
2. Trên nữ giới
Với việc phạt người nữ vì hành động xấu của Bà, Thiên Chúa nói: “Ta sẽ gia tăng đau khổ phải chịu trong thai nghén và ngươi sẽ sinh con đau đớn” (St 3,16). Sinh con không phải là hình phạt, vì Thiên Chúa đã yêu cầu “sinh sôi nảy nở” trước khi xảy ra sự sa ngã (x. St 1,20). Hình phạt cho Eva là sự đau đớn liên kết với việc sinh nở.
Tội Eva và hình phạt cho Bà đã làm biến dạng và làm cho việc sống kế hoạch tốt lành của Thiên Chúa trở nên khó khăn: sinh con.
3. Trên quan hệ nam - nữ
Hình phạt thứ hai trên người nữ đã ảnh hưởng đến cả hai: “Nhưng ước muốn của ngươi sẽ hướng về chồng ngươi, nhưng nó sẽ thống trị trên ngươi”. Những từ “ước muốn” và “thống trị” muốn nói lên gì? Ở chương tiếp, Thiên Chúa cũng dùng những từ ngữ đó, khi Người nói với Cain: “Tội lỗi này nằm ở cửa và những ước muốn của nó hướng về mi. Nhưng mi, hãy thống trị trên nó” (St 4,7). Có thể trong ngữ cảnh này, “ước muốn” muốn nói về một khuynh hướng kiểm soát và “thống trị” muốn chỉ cai quản, làm chủ với một nghĩa mạnh. Tính cạnh tranh đi vào trong quan hệ nam nữ.
Tội của Ađam và Eva và hình phạt cho họ đã làm biến dạng và khiến cho việc sống một kế hoạch tốt lành của Thiên Chúa trở thành khó khăn: quyền bính mang tính yêu thương và che chở của người nam trong tương quan vợ chồng.
KẾT LUẬN
Sáng Thế 1 dạy rằng Thiên Chúa đã hình dung người nam và người nữ để cùng nhau làm việc, như một êkip những con người có giá trị ngang nhau, cả hai cùng được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa. Sáng Thế 2 nói rõ nam giới và nữ giới ngang bằng nhau, tuy vậy lại có những vai trò khác nhau. Thiên Chúa đã cho người nam trách nhiệm thực thi quyền bính và cho người nữ trách nhiệm trợ giúp người nam. Dưới mắt Đấng Tạo Hoá, người nam người nữ và quan hệ của họ đều đã “rất tốt đẹp”. Sáng Thế 3 mô tả làm thế nào mà tội lỗi đã vào và làm biến dạng công cuộc tạo dựng nguyên thuỷ của Thiên Chúa. Không phải sự sa ngã đã cho người nam và người nữ những vai trò khác nhau, nhưng sự sa ngã là lý do làm cho khó sống các vai trò đó.
Nhưng bản văn Sách Sáng Thế này làm nền tảng giúp ta hiểu về tương quan nam - nữ. Tuy nhiên, chúng không phải là TẤT CẢ giảng dạy của Kinh Thánh về chủ đề này, và dưới ánh sáng của chúng, ta phải tìm kiếm trong toàn bộ phần còn lại các Sách Thánh, những văn bản khác, những ví dụ khác, để sống những tương quan này theo ý Thiên Chúa.
LES CHAPITRES 1 À 3 DE LA GENÈSE
UNE CLÉ POUR COMPRENDRE LES RELATIONS HOMME – FEMMES
Philip Nunn
Promesses 168. Egaux mais Différents.
BTGH chuyển ngữ và giới thiệu
(Còn tiếp 1 bài)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét