Trang

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Lời Chúa Mỗi Ngày Thứ Hai Tuần II MV

Tỉnh Thức Và Ðợi Chờ
Trong chuyện rất ngắn có tựa đề: "Ðồng Vọng Ngược Chiều" được đăng trong tuyển tập rất ngắn do Nhà Văn xuất bản. Tác giả Lã Tế Sanh có kể lại chuyện gặp gỡ vô cùng cảm động giữa hai người mù. Một lão bà mù ăn xin và một bé gái mù cũng ăn xin:
- Bên một đống rác lớn, bà lão van vỉ nài nỉ khách qua đường giúp đỡ, nhưng không có một hồi âm nào ngoài tiếng vo ve của mấy con nhặng xanh đang tranh ăn trên một chiếc lá bánh. Bà lão tiếp tục van vỉ: vẫn điệp khúc cũ, nhưng càng về sau càng thắm thiết não nề, những câu nói rời rạc như chạy ra từ cái miệng dúm dó xệch xạc của bà.
- Trong khi đó thì tại một gốc cây sấu già, một bé gái ăn xin mù lòa đang thiu thỉu ngủ, nằm lăn lóc bên cạnh, bộ ngực gầy trơ của con bé thấp thỏm. Nó gối đầu trên cái túi dúm dó khâu bằng bốn năm loại vải cũ, sờn, một cái bát sắc hoen rỉ, làn áo cáu bẩn nhầu nát. Từ sáng tới giờ chưa có gì trong bụng cho nên bé Chi đói rũ người, nó hy vọng giấc ngủ xua đuổi tan cái đói. Mọi ngày vào tầm này, mẹt ra nó cũng xin đủ tiền mua hai cái bánh mì, hôm nay xấu quảy thế nào chỉ được tờ 200 đồng mất góc.
Bỗng bé Chi giật thót người, có một bàn chân nào đó dẫm lên người nó, đang lúc đói, mệt, nó gầm lên:
- Mù à! Người ta nằm thế mà dẫm lên.
Bà lão ăn xin mù lại van vỉ:
- Bà mù! Bà mù thật cháu à! Thôi bà đã trót. Cho bà xin.
Lặng đi một lát. Bé Chi đưa hai tay sờ mặt mình, từ hai hốc mắt của nó, những giọt nước mắt mặn chác rỉ ra. Nó ngập ngừng:
- Cháu! Cháu xin lỗi bà: cháu không biết bà như thế.
Bà lão ngút ngoắc cái đầu như thể chấp nhận rồi tiếp tục đi về phía có đông người. Ngẫm ngợi điều gì đó lung lắm, bé Chi lấy trong túi áo ra tờ giấy bạc 200 đồng mất góc quả quyết:
- Bà ơi! Cháu bảo bà này (bà lão dừng ngay lại). Bà ơi! Cháu biếu bà.
Nhưng gió thổi, lá rơi vào nón, bà lão ngộ nhận cô gái trác mình, còn cô gái thì lại chờ mãi vẫn không thấy bà lão nhận tiền.
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến,
Chuyện rất ngắn trên đây có thể gợi lên cho chúng ta một ít suy nghĩ về Mùa Vọng. Mùa Vọng là mùa của đợi chờ và tỉnh thức. Hai nhân vật mù trên đây quả thực có thể gợi lên cho chúng ta một thái độ đợi chờ và tỉnh thức theo đúng nghĩa của Tin Mừng.
Cụ già mù lỡ dẫm lên chân của cô gái đã có thể mở miệng khiêm tốn nói lên hai tiếng xin lỗi. Cô gái mù không những biết mở miệng xin lỗi cụ già lại còn biếu tặng cho cụ già phần mình kiếm được giữa lúc bụng không có lấy một hạt cơm. Xem ra những người mù trong câu chuyện còn sáng suốt hơn chính những người khỏe mạnh vẫn tiếp tục mù điếc trước những nỗi khổ và những lời van vỉ của những kẻ túng cùng.
Mùa Vọng là mùa của đợi chờ. Sự đợi chờ của mùa vọng xoay quanh ba biến cố: Chúa Giêsu đã đến - Ngài đang đến và Ngài sẽ đến trong ngày sau hết: Ðã đến, đang đến và sẽ đến đối với Chúa Giêsu cũng là một. Hôm qua, hôm nay và mãi mãi Ngài vẫn là một, cho nên người tín hữu Kitô luôn luôn tỉnh thức để đợi chờ ngày Ngài đến trong từng biến cố của cuộc sống.
Ðợi chờ và tỉnh thức chính là biết luôn sẵn sàng đợi chờ và đón nhận Ngài trong từng con người, nhất là những người cùng khổ. Cuộc sống như thế là một đợi chờ và tỉnh thức triền miên. Nó không cần có những biến cố lớn để trở thành đáng sống mà được dệt bằng muôn vàn những gặp gỡ từng ngày, từng phút, từng giây, trong đó, một cử chỉ nhỏ như một lời chào hỏi, một tiếng xin lỗi, một lời cám ơn, một ánh mắt chào đón, một nụ cười tươi, cũng đủ để trở thành một gặp gỡ với Chúa Kitô.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần II MV
Bài đọc: Isa 35:1-10; Lk 5:17-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Tội lỗi
Truyền thống Do-Thái tin có một sự liên hệ giữa tội lỗi và hình phạt. Một ví dụ điển hình là chủ đề chính của các Sách Tiên Tri: vì Israel phạm tội bất trung với Thiên Chúa, nên Ngài đã dùng Assyria và Babylon như roi để sửa phạt họ. Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn họ bị tiêu diệt muôn đời, nhưng muốn họ ăn năn hối cải để được sống. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah cho thấy hình ảnh huy hòang khi dân chúng biết ăn năn xám hối, họ sẽ được trở về từ nơi lưu đày và được gặp gỡ Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế mà các tiên tri nói tới. Ngài có năng quyền chữa lành mọi bệnh phần hồn (tội lỗi) và phần xác.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Niềm vui vì được cứu độ
1.1/ Sự khác biệt giữa 2 cuộc sống: có Chúa và không có Chúa.
(1) Khi có Chúa can thiệp, sa mạc khô cằn trở nên vùng đất phì nhiêu: “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò. Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Liban, vẻ rực rỡ của núi Carmen và đồng bằng Sharon. Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta.”
(2) Con người có can đảm để sống: “Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng. Hãy nói với những kẻ nhát gan: "Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em."”
(3) Mọi bệnh tật sẽ được chữa lành: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.”
1.2/ Chỉ có những ai tay sạch lòng thanh mới được tiến về Núi Thánh: Kẻ dữ sẽ không được trở về: “Ở đó sẽ có một đường đi mang tên là thánh lộ. Kẻ ô uế sẽ chẳng được qua. Đó sẽ là con đường cho họ đi, những kẻ điên dại sẽ không được lang thang trên đó.” Những người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về, tiến đến Sion giữa tiếng hò reo, mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất.
2/ Phúc Âm: Này anh, anh đã được tha tội rồi!
2.1/ Năng quyền chữa bệnh của Đức Kitô: Không ai có thể phủ nhận năng quyền chữa bệnh của Đức Kitô, ngay cả các Kinh-sư và Biệt-phái. Điểm đặc biệt trong trình thuật của Tin Mừng Luca hôm nay là cách thức họ đưa bệnh nhân đến với Chúa Giêsu và cuộc đối thọai giữa Chúa Giêsu với các Kinh-sư và Biệt-phái về năng quyền tha tội của Ngài.
“Một hôm, khi Đức Giêsu đang giảng dạy, có mấy người Biệt-phái và Kinh-sư ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Galilee, Judah, và Jerusalem đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật. Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người. Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giêsu.”
2.2/ Năng quyền tha tội của Đức Kitô: Cuộc đối thọai của Chúa Giêsu và các Kinh-sư cùng Biệt-phái tập trung trong đề tài chính là Chúa Giêsu có quyền tha tội không? Để chứng minh cho họ thấy Ngài vừa có quyền chữa bệnh vừa có quyền tha tội; nói cách khác, Ngài chính là Thiên Chúa; Chúa Giêsu dùng 2 niềm tin của họ để dẫn họ đến những điều họ phải chấp nhận.
(1) Niềm tin thứ nhất: tội lỗi và hình phạt. Truyền thống Do-Thái tin có sự liên hệ giữa tội lỗi và hình phạt; bệnh tật có thể là do tội của cá nhân đó hay cha mẹ anh ta, vì “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” (Jn 9:2, 34). Sách Xuất Hành tin cơn giận của Thiên Chúa sẽ gíang xuống tới 5 đời con cháu (Exo 20:5).
(2) Niềm tin thứ hai: chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đối thọai với họ về năng quyền tha tội, khi Người bảo anh bại liệt: "Này anh, anh đã được tha tội rồi." Các Kinh-sư và các người Biệt-phái bắt đầu suy nghĩ: "Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?" Điều họ nghĩ không sai: chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội (Isa 43:25, 55:7). Bất cứ ai tự nhận mình có quyền tha tội là phạm thượng, vì đã tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.
(3) Lý luận của Chúa Giêsu: Hình phạt được tha là tội lỗi được tha. Theo thủ tục của tòa án, hình phạt chỉ ra sau khi đã kết án tội phạm; nếu chánh án tuyên bố tha bổng, đương sự không có tội gì nữa. Ngay cả trong trường hợp đang xảy ra: Nếu các Kinh-sư và Biệt-phái tin hình phạt là do tội lỗi gây ra, họ cũng phải tin nếu hình phạt (bệnh liệt) bị lấy đi, tội lỗi cũng được tha.
Chúa Giêsu thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: "Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy? Trong hai điều: một là bảo: "Anh đã được tha tội rồi!" hai là bảo: "Đứng dậy mà đi!" điều nào dễ hơn? Đối với họ, điều dễ là điều thứ nhất; đối với Chúa Giêsu, cả hai điều đều dễ dàng. Ngài có cả quyền chữa lành và quyền tha tội.
(4) Hệ quả thứ nhất: Đức Kitô có quyền tha tội. Chúa Giêsu nói với họ: “Vậy, để các ông biết ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà!" Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa.
(5) Hệ quả thứ hai: Đức Kitô là Thiên Chúa. Nếu các Kinh-sư và Biệt-phái thành tâm theo niềm tin của họ tới cùng, đó là: “Không ai có quyền tha tội ngòai Thiên Chúa;” họ sẽ nhận ra Đức Kitô là Thiên Chúa, vì Ngài vừa có năng quyền chữa bệnh vừa có năng quyền tha tội. Nhưng họ đã không nhận ra những gì mà tòan dân nhận ra, vì sự ghen tị của họ: “Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: "Hôm nay, chúng ta đã chứng kiến những chuyện lạ kỳ!"”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không thể đón Chúa với tâm hồn tội lỗi, vì Chúa là Đấng vô cùng Thánh Thiện (I Jn 1:5).
- Con người chúng ta ai cũng phạm tội; vì thế, chúng ta cần xưng thú tội lỗi trước khi được tha thứ và giao hòa với Thiên Chúa. Nếu ai nói mình không phạm tội, người đó là kẻ nói dối và sự thật không có trong họ (I Jn 1:8).
- Chúa Giêsu có quyền tha tội, và Ngài ban cho các môn đệ và các linh mục (những người kế vị) quyền cầm giữ và tháo cởi (x/c Mt 16:19, Lk 24:47, Jn 20:23). Chỉ cần chuẩn bị một thời gian ngắn và xưng thú tội lỗi, chúng ta sẽ được Chúa ngự vào lòng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét