Hướng Về Ngày Chúa Ðến
(Giêrêmia 33,14-16; 1Thessalonica 3,12-42; Luca
21,25-28.34-36)
Suy Niệm:
Hôm nay bắt đầu mùa phụng vụ.
Chẳng có nhiều thay đổi bề ngoài để bảo chúng ta biết phụng vụ bắt đầu một mùa
mới. Chỉ có lễ phục trong mùa này dùng màu tím; và trong các thánh lễ Chúa nhật
mùa Vọng, không đọc hoặc hát kinh Vinh Danh. Ngoài ra chỉ còn các bài đọc Kinh
Thánh có nội dung và chủ đề đặc biệt. Những thay đổi ít ỏi ấy chắc chắn không
đủ sức tạo nên một cảm giác, một ấn tượng mới mẻ gì. Chúng ta không thấy mình đã
rơi vào, hay đã được đưa vào một mùa mới, như khi đi vào mùa đông hoặc mùa hạ.
Các mùa thời tiết thiên nhiên có tính cách áp đặt và bó buộc; đang khi các mùa
của năm phụng vụ hoàn toàn chỉ có tính cách tinh thần. Chúng ta phải có tinh
thần muốn đón nhận sắp đặt của phụng vụ thì mới thấy có mùa Vọng, mùa Giáng
sinh, mùa Chay, mùa Phục sinh và mùa Thương niên của năm Phụng vụ. Mỗi mùa sẽ
làm sống lại một giai đoạn chính yếu trong lịch sử ơn cứu độ, từ ngày đầu hết
cho đến ngày cuối cùng. Chúng ta được chiêm ngưỡng trong chu kỳ một năm, mọi
hành vi chính yếu của Thiên Chúa cứu độ, từ khi hứa ban Ðấng Cứu Thế cho đến
khi Ðấng này hoàn tất kế hoạch mầu nhiệm. Và như vậy để chúng ta quí mến và
tham gia chương trình của Chúa nhiều hơn.
Riêng về nội dung và tinh thần
của mùa Vọng, chúng ta có thể tìm thấy trong chính các bài đọc Thánh Kinh của
Chúa nhật hôm nay. Bài Tin Mừng quan trọng hơn cả, nên nói đến ý nghĩa mùa Vọng
một cách trực tiếp: đây là mùa hướng lòng chúng ta về Ngày Chúa đến, không phải
trong xác thịt yếu đuối nữa, nhưng trong vinh quang bất diệt. Và như vậy, tuy
hướng về tương lai, nhưng chúng ta phải căn cứ vào kinh nghiệm quá khứ mà chờ
đợi. Chúng ta sẽ biết cách dọn đường Chúa đến khi nghĩ lại cách thức Chúa đã
đến. Lễ Chúa Giáng sinh vì thế trở nên đích điểm gần cho mùa Vọng của chúng ta
trước khi thật sự đi tới ngày Chúa đến. Và cũng vì vậy mà bài sách Giêrêmia đã
được chọn để khơi lên niềm trông đợi; đang khi bài thư Phaolô chỉ dẫn một cách
cụ thể hơn những thái độ sống đạo chân thực trong mùa Vọng.
Chúng ta hãy theo thứ tự trên
đây để xem lại các bài Kinh Thánh.
1. Mùa Vọng Hướng Về Ngày Chúa Ðến
Bài Tin Mừng Luca đưa chúng
ta về thời thế mạt. Tác giả đã theo truyền thống Khải huyền mô tả thời ấy như
giờ cáo chung của vũ trụ hiện nay có nhiều điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và
các tinh tú. Dưới biển nước gầm sóng vỗ. Người ta có cảm giác cơ cấu trời đất
lung lạc, lay chuyển. Ai nấy thất kinh lo sợ, chẳng biết những gì sẽ xảy ra...
Chính lúc ấy, Con người sẽ đến trong đám mây, với quyền năng và vinh quang cao
cả.
Tác giả Luca chỉ chú trọng
đến sự kiện cuối cùng này. Chúng ta đừng quan tâm nhiều lắm đến những nét tả ở
trên. Tác giả chỉ lấy lại những hình ảnh văn chương đã có sẵn. Không tất nhiên
mọi sự sẽ xảy ra như vậy. Ðó chỉ là nền trời dựng lên cho việc Con Người hiện
đến. Chính việc này mới chính yếu. Luca biết như vậy, nhưng cũng chẳng biết tả
thế nào. Ông mượn lại lời sách Ðanien (7,13). Nhà tiên tri nằm chiêm bao. Thoạt
tiên ông thấy bốn con vật từ biển đi lên phá phách dữ tợn. Rồi ông thấy một Con
Người (tức là một người) hiện đến trong mây (dấu chỉ có thần tính) được trao
quyền thống trị trời đất các dân tộc.
Những lời tiên tri này rất
thích hợp để nói về ngày Chúa Kitô trở lại. Ngài chẳng phải là Con Người sao?
Ngài có bản tính nhân loại; đồng thời cũng có bản tính thần linh. Hình ảnh một
Con Người đến trong mây rất thích đáng để nói lên cả hai bản tính ấy nơi Ðức
Giêsu Kitô. Nhưng như vậy nó chưa đủ diễn tả việc Ngài trở lại. Thế nên tác giả
Luca còn phải thêm vào hình ảnh kia những lời chú thích cần thiết... Người
viết: "Con Người đến trong đám mây, với quyền năng và vinh quang cao
cả". Những lời chú này chỉ được dùng để nói về Ðức Giêsu Kitô sau ngày
Phục Sinh. Và như vậy, tác giả Luca muốn nói với chúng ta hôm nay rằng: sau này
Ðức Giêsu Kitô sẽ trở lại, không như lần trước, lúc Ngài giáng sinh làm người
nữa đâu. Lúc ấy chúng ta đã thấy Ngài trong thân thể một Hài Nhi, tinh sạch đấy
nhưng yếu ớt và bé bỏng. Không, sau này Ngài đến trong quyền năng và vinh
quang. Như một vị Hoàng đế ư? Hoặc như một vị Thầm phán? Chắc chắn cao cả hơn
nhiều.
Ðó là niềm tin của Luca, của
các Tông đồ, của Hội Thánh chúng ta. Niềm tin ấy, hôm nay Phụng vụ tuyên xưng
khi khai mạc mùa Vọng. Phụng vụ muốn rằng trong mùa này, chúng ta suy nghĩ về
ngày Chúa đến, không phải đến trong thân thể một Hài nhi, như ngày xưa nữa,
nhưng đến trong quyền năng và vinh quang cao cả để chấm dứt lịch sử đổi thay,
lành dữ lẫn lộn này để khai mạc triều đại thiên quốc thánh thiện và bất diệt.
Phụng vụ vọng ngày đó chứ không vọng ngày lễ Giáng sinh. Và chúng ta được kêu
gọi suy nghĩ về ngày Chúa sẽ trở lại trong vinh quang chứ không phải chờ đón kỷ
niệm ngày Chúa sinh ra làm người.
Tác giả Luca hẳn biết rằng có
nhiều suy nghĩ không cần thiết về ngày Chúa lại đến. Thế nên người rất dè dặt
trong các nét tả. Ngược lại, người chú trọng đến thái độ chúng ta phải có cho
ngày trọng đại ấy. Theo Người, ngày ấy sẽ kinh khủng cho thiên hạ; nhưng đối
với các tín hữu, đó là ngày cứu độ. Người bảo chúng ta hãy vươn người lên và
ngẩng đầu lên vì Ðấng cứu chúng ta đang đến. Có thể nào những người tin Chúa
Giêsu Kitô cứu thế lại sợ hãi việc Người trở lại?
Phải chăng chỉ có những kẻ đã
bỏ niềm tin, hoặc không còn sống theo niềm tin ấy? Do đó, tác giả Luca khuyên
ai nấy hãy sẵn sàng, đừng để ngày ấy đến chụp lấy mình như một cái lưới. Những
kẻ chè chén say sưa và lo lắng sự đời chắc chắn sẽ bị bắt chợt không kịp sửa
soạn. Còn những ai tỉnh thức và cầu nguyện làm sao có thể bị bắt gặp là bất
xứng cho ngày Chúa đến?
Thật ra, giáo huấn của Hội
Thánh về việc Chúa trở lại rất trong sáng và đơn sơ. Hội Thánh bảo chúng ta
phải tin và sẵn sàng, tức là phải trông đợi. Cuộc đời Kitô hữu vì thế phải là
mùa Vọng triền miên. Chúng ta không thể mãi mãi sống trong tâm trạng này, nếu
không có những đà nhún để thỉnh thoảng thêm sinh lực cho niềm tin. Ðó là lý do
và vai trò của lễ Giáng sinh được coi như điểm gần và trước mắt của mùa Vọng.
Chúng ta hãy nhớ bài sách Giêrêmia để nói về ý nghĩa ngày lễ này.
2. Chúa Sẽ Ðến Như Ngài Ðã Ðến
Dĩ nhiên Giêrêmia đã không
ngờ được có ngày Chúa sẽ đản sinh. Bài sách của ông hôm nay chỉ loan báo một
niềm tin. Niềm tin này đã có từ lâu đời, khởi sự từ ngày Ðavít muốn xây cho
Chúa một ngôi nhà để làm điện thờ cho xứng đáng. Nhưng Chúa đã sai tiên tri
Nathan đến nói với Ðavít: không phải Ðavít sẽ xây nhà cho Chúa mà là chính Chúa
sẽ cho Ðavít có nhà đến muôn đời (2S 7,5.11). Chúa chơi chữ với Ðavít. Ðavít
muốn xây nhà cho Chúa nhưng Chúa không cần nhà ở. Ngược lại chính Chúa sẽ ban
cho nhà Ðavít được tồn tại, tức là duy trì triều đại của dòng họ Ðavít.
Lời tiên tri Nathan lập tức
đã trở thành niềm tin được gieo sâu vào lòng con cái Israen. Mỗi khi thế nước
suy vi, người ta lại phập phồng nghĩ đến lời hứa. Người ta trông đợi gốc Giêsê
- tức là dòng tộc Ðavít - sẽ đâm chồi mới, vua mới đem hòa bình hạnh phúc lại
cho dân. Nhưng đã bao lần mong đợi hụt. Nhiều người đâm nghi nan Lời Hứa. Vào
thời Giêrêmia - thời của lưu đày và sau lưu đày - người ta càng nản chí hơn
nữa. Các vua Israen, kể cả những vị xuất thân từ dòng tộc Ðavít, đều đã tỏ ra
không đáng tin cậy. Lời Chúa hứa về một người Con Ðavít có còn đáng quan tâm
nữa không?
Như mọi tiên tri khác, và như
mọi người đạo đức còn tin tưởng vào Lời Hứa, Giêrêmia khẳng định rằng: sẽ có
ngày Chúa cho ứng nghiệm lời tốt lành Người đã phán về nhà Israen và nhà Giuđa.
Bây giờ họ là hai nhà Nam Bắc khác nhau và đều điêu đứng khổ sở. Nhưng trong
những ngày ấy, Chúa sẽ cho nhà Ðavít đâm ra chồi mới. Vị vua mới này sẽ không
như các vị vua trước. Ngài sẽ đầy đức nghĩa và sẽ cho thi hành công minh đức
nghĩa trong cả xứ đã thống nhất làm một. Giuđa sẽ được độ trì, Giêrusalem sẽ
được an cư. Và như vậy Giêrusalem với Giuđa sẽ đóng vai trò quan trọng và tiêu
biểu cho cả xứ. Nhất là Giêrusalem sẽ được gọi là "Giavê đức nghĩa của
chúng tôi".
Lời sấm của Giêrêmia mang nhiều
điển nghĩa Thánh Kinh. Nó quảng diễn và xác định lời tiên tri của Nathan. Nó
cho người ta thấy vị Con Vua Ðavít sẽ là một hoàng đế đầy đức nghĩa, tức là đầy
lòng công chính thánh thiện. Ngài sẽ cho thi hành công chính thánh thiện trong
khắp xứ. Và Giêrusalem, đế đô của Ngài, tượng trưng cho tất cả dân Ngài sẽ được
mang chính tên của Ngài là Thiên Chúa công chính và thánh thiện.
Chúng ta thấy Giêrusalem đã
không chỉ quảng diễn lời tiên tri Nathan. Ông đã thêm những những ý kiến mới,
những lời tiên tri mới thực sự. Những lời này đầy thánh thiện và không thể áp
dụng cho một vị vua nào trong hoàng tộc Ðavít. Chúng chỉ hợp với Ðức Giêsu Kitô
là Con Vua Ðavít thật, nhưng trước hết Ngài là Con Thiên Chúa và là chính Thiên
Chúa. Chúnh Ngài là Ðấng công chính thánh thiện. Ngài đã cho thi hành công
chính thánh thiện ở mọi nơi, nơi các tín hữu được công chính hóa nhờ ơn Ngài.
Và Giêrusalem thánh thiện chính là Hội Thánh của Ngài mà chúng ta phải gọi là
Hội Thánh của Thiên Chúa...
Như vậy Giêrêmia đã tiên báo
về việc Chúa Giêsu ra đời trong dòng Ðavít. Ông đã nói về ngày lễ Chúa Giêsu
Giáng sinh. Phụng vụ hôm nay đọc bài sách của ông để nói với chúng ta rằng:
ngày Chúa Giáng sinh mà Giêrêmia đã nói tới chỉ là tiền đề và tiền ảnh của ngày
Chúa sẽ trở lại. Chúng ta phải coi ngày lễ Chúa đã đến như là đảm bảo chắc chắn
cho ngày Chúa sẽ đến. Hơn nữa như Ngài đã đến trong công chính thánh thiện và
để thi hành công chính thánh thiện, thì chúng ta cũng phải trở nên công chính
thánh thiện để chờ đợi ngày Chúa trở lại. Ðó cũng là ý của bài thơ Phaolô, hôm
nay.
3. Hãy Thánh Thiện Trong Ngày Chúa Ðến
Giáo dân Thessalonica nghĩ
nhiều đến ngày Chúa lại đến. Họ tưởng Người đã gần đến rồi. Như vậy làm ăn, xây
dựng cuộc sống ở đời này làm gì nữa? Sự chểnh mảng công việc trần thế này không
những không làm gia tăng sự thánh thiện; ngược lại nó đã là cớ sinh ra nhiều
tội lỗi, không kể tội ích kỷ, chẳng nghĩ gì đến những người chưa biết Chúa và
không chờ đợi ngày Người lại đến. Phaolô phải viết thư dạy dỗ.
Ðoạn trích hôm nay chưa đi
vào chi tiết cụ thể Phaolô xin Chúa cho con chiên của Người được thêm lòng mến
đối với nhau và đối với hết mọi người, như họ đã thấy ở nơi Người. Người đối
với họ làm sao thì họ đã biết và Người đối với mọi người khác làm sao thì họ
cũng đã thấy; vì không phải Người chỉ nhiệt tình đối với họ, nhưng đối với mọi
người và đối với cả thế giới. Lòng mến của Người khiến Người bôn ba và chịu khổ
không ngừng để cho mọi người được ơn Chúa cứu độ. Con chiên của Người, phải bắt
chước Người. Trong khi trông đợi ngày Chúa trở lại, người ta không được ung
dung nhàn rỗi; nhưng phải nỗ lực xây dựng cho kịp thời Chúa viếng thăm. Chỉ có
như thế người ta mới có thể vô phương trách cứ trong sự thánh thiện trước mặt
Thiên Chúa và vào thời quang lâm của Chúa chúng ta.
Lời khuyên tổng quát ấy thiết
tưởng đã đủ. Nhưng Phaolô như người cha nhân ái còn muốn chỉ dẫn tỉ mỉ hơn.
Người sẽ nói đến những thái độ cụ thể. Tuy nhiên tất cả sẽ chỉ là suy diễn từ
chính thái độ và giáo huấn của các tông đồ mà con chiên của Người đã biết. Họ
chỉ cần cứ sống như vậy và tiến thêm.
Chúng ta cám ơn thánh tông đồ
đã nói với chúng ta những điều ấy. Nếu trong mùa Vọng ngày Chúa đến tức là
trong suốt cuộc đời đi về với Chúa, chúng ta luôn bắt chước các Tông đồ, có
lòng nhiệt tình đối với hết mọi người và muốn cho đời sống đạo đức luôn tiến
thêm, thì chắc chắn sự công chính thánh thiện mà Chúa Kitô đã mang vào thế gian
sẽ không ngớt lan rộng và tất cả sẽ vô phương trách cứ vào thời quang lâm của
Người. Tinh thần mùa Vọng, vì thế, đầy tính cách truyền giáo và tiến bộ. Chúng
ta phải cầu xin được thêm lòng mến như lời thánh Phaolô nói để có động lực giúp
sống sẵn sàng và cầu nguyện không ngừng.
Lòng mến ấy, giờ đây chúng ta
hãy thắp lên nhờ việc tham dự thánh lễ. Việc Chúa đến với chúng ta nơi bàn thờ
không những nhắc nhở lại việc Người đã Giáng sinh vì chúng ta, mà còn hướng đến
việc Người sẽ trở lại trong vinh quang. Nhớ lại công ơn Người đã làm cho chúng
ta trong thời gian Người tại thế, chúng ta hãy sốt sắng cảm mến rước lấy Người
nơi bí tích Thánh Thể, để với sự sống của Người, chúng ta nhiệt tình hướng về
ngày Người trở lại. Người đã đến với chúng ta nơi xác thịt con người, Người
muốn đến với chúng ta nơi Thánh Thể; Người sẽ đến với chúng ta trong vinh
quang. Ðó là ba lần Chúa đến với mỗi người. Cả ba đều quan trọng, nhưng chủ
quan thì lần thứ hai quan trọng hơn vì lẽ nó đón nhận lần thứ nhất và chuẩn bị
lần thứ ba. Do đó, chúng ta hiểu hơn về vai trò của Thánh lễ trong đời sống và
đặc biệt trong mùa Vọng. Chúng ta sẽ tham dự thánh lễ này sốt sắng và chúng ta
quyết tâm sẽ dự lễ các Chúa nhật mùa Vọng sốt sắng hơn mọi khi.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật I Mùa Vọng, Năm
C
Bài đọc: Jer
33:14-16; I Thes 3:12-4:2; Lc 21:25-28, 34-36.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Chờ đợi và chuẩn bị
cho Ngày Đức Kitô đến.
Hôm nay, Giáo Hội dẫn
chúng ta vào Mùa Vọng, là mùa của ngóng trông và đợi chờ Ngày Chúa đến lần thứ
hai.
- Không như người vợ
trên Hòn Vọng Phu chờ đợi đến hóa đá, vì chinh phu không bao giờ trở về; người
tín hữu chờ đợi những gì chắc chắn sẽ xảy ra, vì đó là điều Thiên Chúa hứa.
- Không như người vợ chờ
đợi mà không làm gì cả nên mới hóa đá; người tín hữu vẫn tích cực chuẩn bị
trong khi chờ đợi bằng cách cầu nguyện và thăng tiến không ngừng.
Các Bài Đọc hôm nay đưa
chúng ta ngược giòng lịch sử cứu độ để nhìn lại sự chờ đợi của tổ tiên chúng ta
và những gì cần phải làm trong khi chờ đợi. Trong Bài Đọc I, tiên tri Jeremiah
nhắc lại lời sấm của Thiên Chúa: "Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán
về nhà Israel và về Judah;" để cung cấp niềm hy vọng cho con cái Israel
đang sống nơi lưu đày vì thái độ bất trung của vua quan cũng như của dân chúng.
Theo lời hứa của Thiên Chúa, Ngài sẽ ban cho dân một Đấng Thiên Sai, xuất thân
từ giòng dõi David, để cai trị dân chúng trong công bình chính trực. Trong Bài
Đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Thessalonica những gì phải làm trong
khi chờ đợi Đức Kitô đến lần thứ hai. Họ phải có đức bác ái, bền tâm vững chí
trước đau khổ, và luyện tập nhân đức không ngừng để trở nên tinh tuyền, thánh
thiện, hầu xứng đáng được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa
Giêsu mặc khải cho dân chúng biết về Ngày Ngài sẽ trở lại lần thứ hai để phán
xét và thưởng phạt. Tùy vào sự chuẩn bị, con người sẽ có thái độ khác nhau về
Ngày đó. Nếu một người không chuẩn bị, họ sẽ sợ hãi kinh hồn vì phải đối diện
với sự phán xét và hình phạt của Thiên Chúa; nhưng nếu một người đã chuẩn bị và
luôn làm theo những lời Đức Kitô dạy, họ sẽ vui mừng vì đó là Ngày họ được lãnh
nhận ơn cứu độ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Người
Do-thái kiên nhẫn chờ đợi và chuẩn bị cho Đức Kitô đến lần thứ nhất.
1.1/ Điều Thiên Chúa hứa
không bao giờ Ngài quên lãng: Tiên-tri Jeremiah sống trong giai đoạn lịch sử rất khó khăn
của dân tộc Do-thái: Đất nước bị chia đôi, vua chúa từ bỏ Thiên Chúa để chạy
theo các thần ngoại bang và đối xử bất công với dân chúng. Hậu quả: vương quốc
miền Bắc là Israel đã bị rơi vào tay của đế quốc Assyria và đi lưu đày vào năm
721 BC; vương quốc miền Nam bị rơi vào tay của đế quốc Babylon và đi lưu đày
vào năm 587 BC. Sống trong hoàn cảnh khốn khổ nơi lưu đày, tiên-tri Jeremiah
được Thiên Chúa sai đến để nâng đỡ tinh thần con cái Israel. Ông nhắc lại những
lời Thiên Chúa hứa qua các giao ước Ngài đã làm với các tổ phụ: "Này, sẽ
đến những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã
phán về nhà Israel và về Judah."
1.2/ Đấng Công Chính sẽ
nối nghiệp vua David.
(1) Giòng dõi vua David
sẽ làm vua cai trị đến muôn đời: Sống trong nơi lưu đày, người Do-thái không thể
hiểu lời Thiên Chúa đã hứa với vua David: "Nhà của ngươi và vương quyền
của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi
mãi" (2 Sam 7:16, I Chr 17:13, Psa 89:29-30). Giờ đây, đối với họ, nhà
Judah có cơ hội bị tuyệt tự như cây đã bị chém tận gốc rễ. Nếu điều này xảy ra,
giòng dõi vua David sẽ bị tuyệt tự, và lời hứa của Thiên Chúa về giòng dõi vua
David sẽ làm vua cai trị muôn đời sẽ chấm dứt!
Thiên Chúa không hứa hẹn
và giữ lời hứa cách mù quáng để những vua cai trị có thể tự tin và nói: vì đã
có lời hứa từ Thiên Chúa, nên ta cứ việc sống tự do buông thả. Ngài sẽ khai trừ
tận gốc rễ nhà Judah vì Ngài là Đấng Công Chính. Nhưng tiên-tri Jeremiah tin
tưởng tuyệt đối nơi điều Thiên Chúa hứa và ông khơi niềm hy vọng cho dân:
"Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng
Công Chính để nối nghiệp David; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính
trực."
(2) Triều đại của Đấng
Thiên Sai: Khi
được cai trị bởi một vua khôn ngoan, thánh thiện, và công chính như vua David,
dân chúng sẽ được thịnh vượng và thái bình; ngược lại, nếu bị cai trị bởi một
vua ngu muội, tội lỗi, và bất trung như các vua của cả hai vương quốc trước
Thời Lưu Đày, dân chúng sẽ bị đe dọa bởi chiến tranh, nghèo đói và chết chóc.
Tiên-tri Jeremiah hứa
hẹn khi triều đại Đấng Thiên Sai tới, mọi sự sẽ thay đổi: ''Trong những ngày
ấy, Judah sẽ được cứu thoát, Jerusalem sẽ an cư lạc nghiệp. Đây là tên người ta
sẽ đặt cho thành: "Đức Chúa là-sự-công-chính-của-chúng-ta! "
2/
Bài đọc II: Các tín hữu Thessalonica chuẩn bị cho
Đức Kitô đến lần thứ hai.
2.1/ Những việc cần làm: Thánh Phaolô liệt kê ba
điều quan trọng: Thứ nhất là sự quan trọng của đức bác ái: "Xin Chúa cho tình
thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà
thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy." Đức
bác ái là nền tảng của Lề Luật và là tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để phán xét con
người (x/c Mt 25). Vì thế, không lạ gì khi thánh Phaolô khuyên các tín hữu của
ngài điều quan trọng này. Thứ hai là phải bền tâm vững chí; vì con người dễ bỏ
cuộc khi phải chờ đợi quá lâu hay phải đương đầu với đau khổ. Thứ ba là phải
kiên trì luyện tập nhân đức để "được trở nên thánh
thiện,
không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày
Đức Giêsu, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người."
2.2/ Phải mỗi ngày một
tiến bộ hơn:
Đời sống con người phải luôn tiến bộ không ngừng; khi con người dừng lại, họ sẽ
có nguy cơ bị thụt lùi. Vì thế, nếu Chúa cho sống trên đời càng lâu, con người
có cơ hội luyện tập nhân đức càng nhiều. Điều này giúp con người khỏi phải tinh
luyện nhiều trong luyện ngục. Nhưng sống càng lâu mà không chịu luyện tập nhân
đức, tội lỗi càng ngày càng chồng chất, và con người sẽ phải tinh luyện trong
luyện ngục lâu hơn.
3/
Phúc Âm: Anh
em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.
Chúng ta có thể phân
biệt ba giai đoạn chính của Lịch Sử Cứu Độ: Thứ nhất, dân tộc Do-thái được
Thiên Chúa lựa chọn để chuẩn bị cho Đức Kitô đến lần thứ nhất. Điều này đã được
các ngôn sứ loan báo và đã xảy ra. Thứ hai, khi Đức Kitô đến, Ngài loan báo cho
mọi người Ngày Ngài sẽ đến lần thứ hai để xét xử và ban thưởng ơn cứu độ. Điều
này chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai vì đó là lời Thiên Chúa hứa. Thứ ba,
giữa hai thời này là thời hiện tại của mỗi người chúng ta. Chúng ta cần ý thức
điều này, có thể chúng ta sẽ chết trước khi Ngày Tận Thế tới. Ngày chúng ta
chết là ngày tận thế của cuộc đời chúng ta; vì thế, mỗi khi Mùa Vọng tới, chúng
ta phải nhìn lại tâm hồn để kiểm điểm xem Đức Kitô đã đến với tâm hồn chúng ta
chưa, và chúng ta đã làm gì để chuẩn bị cho biến cố Ngài đến lần thứ hai. Trình
thuật của Lucas hôm nay tập trung trong hai điều chính:
3.1/ Hai thái độ có thể
xảy ra khi Đức Kitô đến: Đứng trước những việc bất ngờ xảy ra, con người có thể có hai
thái độ:
(1) Thái độ sợ hãi: Chúa Giêsu tiên báo cho
con người biết trước về những gì sẽ xảy ra trước Ngày Tận Thế: "Sẽ có
những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo
lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách
lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay
chuyển." Sợ hãi xảy ra vì con người không chuẩn bị. Họ biết họ chưa sẵn
sàng đối diện với Thiên Chúa nên họ sợ hãi Ngài và các hình phạt họ sẽ phải
nhận lãnh.
(2) Thái độ bình an: Ngược lại, nếu con
người đã chuẩn bị kỹ càng, họ vui mừng khi thấy "Con Người đầy quyền năng
và vinh quang ngự trong đám mây mà đến." Như lời Đức Kitô khuyến khích:
"Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu
lên, vì anh em sắp được cứu chuộc."
3.2/ Phải làm những gì để
chuẩn bị:
Đức Kitô không chỉ mặc khải cho con người về Ngày Ngài sẽ đến lần thứ hai, Ngài
còn dạy dỗ con người biết những gì phải làm và những gì phải tránh.
(1) Những việc phải làm: "Vậy anh em hãy
tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và
đứng vững trước mặt Con Người." Con người cần tỉnh thức để nhận ra sự thật
từ những sự sai trái trong cuộc đời, để nhận ra những cám dỗ nguy hiểm của ba
thù đe dọa linh hồn con người, trước khi có thể tránh xa hay tìm cách đối phó.
Con người không thể nhận ra sự thật nếu không chuyên cần cầu nguyện để xin
Thiên Chúa soi sáng cho nhận ra những nguy hiểm của ba thù, và ban sức mạnh và
ơn thánh để có thể vượt qua.
(2) Những việc phải
tránh: Chúa
Giêsu liệt kê hai kẻ thù nguy hiểm nhất: "Vậy anh em phải đề phòng, chớ để
lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời." Chè chén say
sưa làm cho thân xác nặng nề và tinh thần mệt mỏi. Khi con người đã quá mệt mỏi
và nặng nề, họ không còn khôn ngoan và nghị lực để làm những gì Thiên Chúa
muốn. Rất nhiều gương trong lịch sử cho thấy khi muốn hạ người nào, kẻ thù sẽ
cho người đó ăn uống say xỉn đến độ không còn biết phân biệt điều hay lẽ phải
nữa, lúc đó kẻ thù sẽ ra tay hạ sát người đó cách nhẹ nhàng. Ham muốn sự đời
bao gồm nhiều lãnh vực như: danh vọng, quyền bính, tiền của, ham muốn xác thịt.
Tất cả những thứ này đều có thể làm cho con người không còn mong muốn kho tàng
vĩnh cửu trên trời nữa; vì "của cải ở đâu, lòng trí con người ở đó."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Lịch sử của dân tộc
Do-thái khi họ chờ đợi Đấng Thiên Sai đến lần thứ nhất là kinh nghiệm Thiên
Chúa muốn chúng ta phải học để đón chờ Ngày Đức Kitô đến lần thứ hai.
- Chúng ta phải bền tâm
vững chí trong khi chờ đợi, tránh xa tội lỗi, và luyện tập nhân đức để càng
ngày càng trở nên tinh tuyền thánh thiện, để xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ.
- Trong khi chờ đợi Ngày
Đức Kitô đến lần thứ hai, chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn; đồng thời
phải tránh chè chén say sưa và lòng ham muốn những sự trần thế.
- Câu hỏi cho chúng ta:
Đức Kitô đã thực sự đến trong tâm hồn chúng ta chưa? Chúng ta có làm theo những
gì Ngài căn dặn trong khi chờ đợi Ngài đến lần thứ hai không?
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét