Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

KHI LỜI BỪNG CHÁY XII




KHI LỜI BỪNG CHÁY
XII
HÃY ĐÀO GIẾNG, HÃY LEO THANG !
Vì chúng ta chọn hỗ trợ cách đọc và chú giải Thánh Kinh theo nhu cầu của nhịp sống hằng ngày, vậy ta hãy ứng dụng ngay phương pháp này vào hai chủ đề hấp dẫn sau đây: đó là hai giai thoại trong sách Sáng Thế, chúng bổ túc cho nhau và sẽ giúp ta tiến sâu và nhanh hơn trong việc tìm hiểu bản chất đích thực của Lectio divina.
Về Tổ phụ I-sa-ác, Kinh Thánh tỏ ra quá hà tiện những mẩu chuyện kể về ngài, hơn là hai vị kế cận là Áp-ra-ham và Gia-cóp. Chúng ta được biết về ngài bởi con đường ‘thụ động’, qua giai thoại về lễ tế mà chính ngài là của lễ đã được chỉ định trước. Kinh Thánh cũng kể lại một chi tiết mà Ô-ri-gê-nê đã cẩn thận ghi chép lại: I-sa-ác là một thợ đào giếng… Theo nghĩa đen, chắc chắn là một nghề quan trọng, vì nước vô cùng quí giá trong xứ sở của Kinh Thánh! Nhưng ngoài ra, I-sa-ác, người thợ đào giếng này còn dạy chúng ta nhiều điều khác nữa: chấp nhận khó nhọc để tìm và uống nước hằng sống mà người phụ nữ xứ Sa-ma-ri-ta-nô, một ngày kia sẽ khẩn khoản xin Thầy cho chị uống. Phải, khi lần theo bước chân ngài, Tổ phụ I-sa-ác chính là gương mẫu, là bậc thày dạy Lectio divina. Ta trích dẫn một đoạn bình luận về sách Xuất Hành của Ô-ri-gê-nê :
“Ai trong chúng ta ban phát Lời Chúa mà không đào giếng tìm nước hằng sống, để có thể bồi dưỡng cho khán thính giả của mình. Nếu cả tôi nữa, khi giải thích lời của các bậc tiền nhân, sẽ tìm trong đó một ý nghĩa thiêng liêng. Nếu tôi cố vén bức màn lề luật để chứng tỏ rằng những điều được viết kia còn có một nghĩa bóng, thì chính là tôi đã đào giếng […].  Nếu chúng ta là hậu duệ của I-sa-ác, thì hãy yêu thích những giếng nước hằng sống và những dòng suối […]. Đừng bao giờ ngưng đào giếng nước hằng sống! Hãy đào cho tới khi nước từ những giếng ấy trào tràn ra khắp mọi nơi công cộng, để sự khôn ngoan trong Kinh Thánh không chỉ dành riêng cho chúng ta, mà ta còn phải dạy lại cho mọi người, để tất cả người và súc vật đều có thể uống và giải khát bằng nước hằng sống” .
Ở trên kia chúng ta nói tới múa hát; nhưng múa hát đều là một giá trả của công việc. Đây chính là bài học mà I-sa-ác cho chúng ta! Chúng ta đã định nghĩa Lectio divina như một công việc, một việc làm. Đa-vít dạy ta múa hát trước Hòm Bia Thánh, còn I-sa-ác lại đặt vào tay chúng ta một cái cuốc. Lectio, đọc đòi hỏi một cố gắng nghiêm túc. Nó đồng thời nắm giữ hai sinh hoạt trọng yếu trong đời đan tu của chúng ta: đọc kinh Phụng Vụ (việc múa hát của ta trước Hòm Bia Thánh) và công việc lao động tay chân! Từ đó, nó thôi thúc khả năng tâm linh của chúng ta, Lectio divina là một công việc làm, nó bao hàm sự ‘khó nhọc’ như mọi công việc thuộc lãnh vực tinh thần, người ta không ngừng chú thích nghĩa bóng sâu xa của nó. Vì vậy, công việc làm bằng tay chân hay bằng trí tuệ đều kết thân với nhau, không những chỉ trong ý nghĩa, đặc tính chung, mà cho tới cả phương pháp của chúng nữa.
Sự chuẩn bị mà ta phải đặt hàng đầu cho việc học Sách Thánh, là một ý thức sắc bén về chiều sâu khôn cùng của Kinh Thánh, đã khiến thánh Augustinô phải kêu lên :
“Chiều sâu khả kính của Lời Ngài, lạy Chúa! Chúng con đứng trước tiền sảnh của Lời, vô cùng hấp dẫn đối với những kẻ bé mọn. Chiều sâu, ôi lạy Chúa! chiều sâu vô cùng đáng ngưỡng mộ, khiến chúng con nghiêng mình run sợ; chúng con kính cẩn run sợ, cái sợ của tình yêu” .
Dù gặp bất cứ câu nào, nước hằng sống luôn được cất giấu dưới mỗi bước ta đi. Chỉ cần ta chịu khó đào giếng là có thể gặp nước. Với vài nhát cuốc, ta bới cát, loại bỏ sỏi đá của từ chương; nhưng để xuống sâu hơn, ta cần đến những dụng cụ to lớn và sắc bén hơn… Ta phải cần đến Thần Khí “Người dò thấu mọi tầng sâu thẳm” (1 Cr 2,10) và khai thông cho nguồn nước hằng sống:
  “Ngài thổi gió lên, nước liền tuôn chảy” (Tv 147, 18).
Nếu ta từ từ tiến sâu xuống cách cần mẫn, đến với chiều sâu thẳm của ý nghĩa, Lectio divina sẽ dùng khoan xuyên qua các tầng địa chất và hang động, sẽ hướng dẫn chúng ta từ vỏ trên mặt đất, đến các tầng hóa thạch, cho đến tận lòng đất sôi sục: tận con tim, vì Lời vừa là Nước mà cũng là Lửa.  Tùy theo độ sâu mà ta tiến xuống, nhiệt độ càng nóng dần và thong chuyển với con tim đang tìm kiếm:
“Càng suy nghĩ, lửa càng bừng cháy” (Tv 39, 4).
Đó chính là cách đọc mà ta phải thực hành theo trường dạy của I-sa-ác, người đào giếng, người thợ mỏ: một lối đọc xuống tận vực thẳm. Khởi đầu mỗi câu, Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi chúng ta như với Da-kêu xưa: “Xuống mau đi!” (x. Lc 19, 5).
Và bây giờ đến lượt Gia-cóp hướng dẫn chúng ta! Giai thoại rất đỗi huyền bí về cái Thang trong sách Sáng Thế (x. St 28, 10-22) quá quen thuộc với chúng ta. Tân Ước diễn giải ngay ở chương đầu của Gio-an (x. Ga 1, 51) theo Ki-tô học, còn truyền thống tâm linh của đan tu lại dựa vào đó như một bài học luân lý và khổ chế (x. Thánh Luật Biển-đức, chương VII, thánh Jean Climaque); Trong khi Phụng Vụ áp dụng đoạn này vào dịp thánh hiến các thánh đường. Nhưng tại sao lại không khám phá thêm một ý nghĩa khác? Cái Thang Gia-cóp –theo chiều hướng đối nghịch với giếng I-sa-ác, vì bây giờ ta không phải đi xuống, mà là leo lên! – tạo thành một lối chú giải cổ xưa: một cách đọc “thăng hoa” của Thánh Kinh.
Khi đọc một đoạn Kinh Thánh, đã là leo lên một bậc thang rồi. Công việc chú giải theo nhịp sống hằng ngày sẽ tác động bằng cả một chuỗi những khí cụ được phân chia theo thứ bậc, không hề loại trừ nhau, nhưng cùng hòa hợp để cho chúng ta một nhận thức về ý nghĩa một cách phong phú và trọn vẹn hết sức có thể. Chúng ta bắt đầu với ngữ pháp và ngữ văn học, rồi sẽ tiếp tục với khảo cổ và sử học; rồi sẽ tiến xa hơn với thần học kinh thánh, và lên cao hơn nữa với thần học tín lý và tâm linh; rồi cuối cùng sẽ được mang trên “đôi cánh bồ câu” (x. Tv 55, 7). Chúng ta sẽ bay bổng đến những miền của cầu nguyện chiêm ngưỡng, để kết thúc trong thinh lặng.
Hầu như là tất cả những nấc thang của chúng ta, không hề có sự xung khắc với nhau, mà luôn bổ sung cho nhau. Thảm trạng của việc học Kinh Thánh, kể từ Thế kỷ của Ánh sáng cho tới nay, hệ tại đa số các nhà chú giải đã đánh mất cái mà chúng ta gọi là ý nghĩa “bậc thang”. Có nghĩa là một nhận thức rõ ràng cái thang của công việc chú giải có nhiều bậc, mỗi bậc đều có một vị trí riêng của nó: bậc dưới cùng dành cho những môn về khoa học trợ lý cho nhà chú giải (ngữ văn, bình luận, lịch sử các nền văn hóa…); trên cao là thần học, và trên đầu thang là “cầu nguyện của lửa”, như Cassien nói, vì trong đó Thần Khí ban tặng chúng ta một thứ trực giác về Ý nghĩa.
Ta cũng nên lưu ý rằng Thiên Chúa hoàn toàn tự do nếu muốn cho ai đó làm một bước hai, ba bậc! Cũng không nhất thiết phải ngồi lâu giờ ở bậc cuối cùng mà bình luận, hay khảo cổ trước khi đi vào những mầu nhiệm của Kinh Thánh! Nhưng như với một thực khách dè dặt, kín đáo của dụ ngôn, Thiên Chúa nói với ta: “Xin mời bạn lên trên cho” (x. Lc 14, 10). Nói thế không phải muốn coi thường những bậc thấp ở chân thang. Cuối cùng, nếu Kinh Thánh có thể xuyên qua chúng ta từ dưới lên trên, viếng thăm chúng ta trong mọi khả năng trí thức cũng như tâm linh, để lại dấu vết trên đó, làm chúng trở nên phong phú… không phải là hạnh phúc sao ?
Người ta nói về Phan-xi-cô khó khăn: “Thánh nhân đã biến tất cả thành một bậc cấp đến với Thiên Chúa”. Chúng ta cũng phải dâng lên Ngôi Lời mọi tài năng của trí tuệ, mọi lãnh vực của tư tưởng con người, như những Đạo Sĩ đã tiến dâng Vàng, Nhũ hương và Mộc dược. Gọi là một chút ngữ pháp và ngữ học, điều còn lại, có thể đưa ta tới ngưỡng cửa của sự chiêm niệm: chính lectio divina, một trò “nhào lộn” liên tục giữa ngữ pháp và ‘thần học’ (theo nghĩa mà các Giáo Phụ đã gán cho từ này).
Sự phát triển của khoa học chú giải hiện đại đã không làm lu mờ lối chú giải của các Giáo Phụ xưa. Người ta cũng không thể nhân danh môn chú giải tâm linh mà tự cho phép coi thường mọi chú giải triết học và lịch sử. Điều quan trọng là biết dành cho mỗi bậc thang: vị trí, thời gian, với chức năng riêng của nó trong việc tìm kiếm Ý Nghĩa, và nhất là phải leo lên thang! Leo lên, leo lên không ngừng cho tới “Đấng gọi chúng ta từ đầu thang”, như thánh Biển Đức nói  .
Lectio divina có thể động viên mọi nguồn tiềm năng trí tuệ của chúng ta, vượt trên mọi “mức hiểu biết”, như Maritain nói, nhưng vẫn còn lực đẩy tới đỉnh núi, lực đẩy của trí tuệ, của con tim. Hãy lót dưới đầu “Phiến Đá là Đức Ki-tô” (1 Cr 10, 4) như một chiếc gối, và hãy để các Thiên Thần bế chúng ta trên tay, vì “Chính các Thiên Thần cũng ước mong được tìm hiểu kỹ lưỡng thông điệp ấy” (1 P 1, 12).
Vực thẳm và non cao , đó là hai chiều kích của Kinh Thánh mà Giếng của I-sa-ác và Thang của Gia-cóp muốn gợi ý cho chúng ta. Cuối cùng, đều cùng là một sự thật nền tảng: Kinh Thánh là một pho sách, ngoài ra nó còn một ý nghĩa hình học, khi hiểu theo hai mặt của ngữ nghĩa học: đó chính là không gian ba chiều. Kinh Thánh là một không gian ba chiều, những chiều kích của tình yêu Đức Ki-tô “…để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài, rộng, cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sức hiểu biết” (Ep 3, 18-19).
Từ pho sách Thánh Kinh này, chúng ta phải kiểm kê không ngừng mọi chiều kích. Chiều rộng của nó là gì, nếu không phải là tầm rộng lớn vô bờ mà nó bao hàm cả mầu nhiệm Thiên Chúa lẫn mầu nhiệm con người?  Chiều dài của nó là gì, nếu không phải là chiều kích lịch sử, bao hàm trọn con đường sư phạm giáo dục của Mạc Khải? Và sau cùng, chiều Cao hay chiều Sâu là gì, nếu không phải là khoảng cách đều nhau của mỗi điểm của vòng tròn vĩ đại đối với Tâm Điểm, điểm qui chiếu của từng lời trong Sách với Lời duy nhất, Lời tuyệt hảo, Lời quyết định, Lời cứu độ được Cha tuyên bố nơi Con (Hr 1, 1-2), mối tương quan của một nét, một chấm, một chữ nhỏ nhất (x. Mt 5, 18) với tiếng Amen sống động, để xác nhận, để trừng phạt và kiện toàn chúng? (x. 2 Cr 1, 20).
Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét