Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

KHI LỜI BỪNG CHÁY XIII





KHI LỜI BỪNG CHÁY
XIII
“TA SẼ ĐẶT VÀO LÒNG CÁC NGƯƠI
THẦN KHÍ CỦA TA”

Điều mà ta gọi là chú giải theo nhịp sống hằng ngày, được xem như động lực tối hậu, như linh hồn của một Lectio divina sống động và sáng tạo. Chúng ta có thể trở lại với một trong những đề tài mà ta đã bắt đầu, đó là tương quan cá nhân, sống động, phải được thiết lập giữa Lời và chúng ta. Đây là điểm quan trọng, mà ta phải triển khai cách đầy đủ hơn.
Ngay từ đầu, ta đã nói cần phải trang bị cho mình một não trạng của “người nhận”. Ta hãy tiến xa hơn nữa: không những là người nhận (Thiên Chúa gửi đến tôi), không những là chất liệu (Thiên Chúa nói về tôi), nhưng còn là chủ thể sống động, là diễn viên của cuộc đàm đạo (Tôi trả lời Thiên Chúa, tôi nói với Người, tôi đọc lên điều Người nói với tôi). Từng người chúng ta, một cách hết sức cá nhân, trong thực hành Lectio divina, đi vào trong cuộc đàm đạo sống động với Lời hằng sống, như một chủ thể sống động mà mình biết (theo nghĩa biết của Kinh Thánh), mình cưới lấy, như nguyên lý của sự sống, của sự hiệp nhất, của sự mỹ miều.
Hơn nữa, để có được một tương quan của đôi bạn trăm năm thực sự, ta còn phải thâm tín về đặc tính sống động của Lời. Một sự hoán cải sâu sắc của tâm trí, tâm linh. Ở đây còn đòi hỏi chúng ta phải vượt qua khái niệm về một Cuốn Sách như những đoạn văn, những chữ viết, đến ý niệm về một cuốn Sách như một nhân vật sống động: “Lời Thiên Chúa là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi” (Hr 4, 12).
“Anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như Lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu” (1 Tx 2, 13).
Thật là nghịch lý khi phải nói ta không nên đọc Sách Thánh như một cuốn sách! Bao lâu ta đọc Kinh Thánh chỉ như đọc bất cứ sách nào, việc đọc của chúng ta không là thánh thiêng (Lectio divina), mà chỉ là phàm tục. Ta hãy nhớ rằng trong Ki-tô giáo, lãnh vực thánh thiêng không chỉ giới hạn ở bảy Bí tích. Kinh Thánh (Lời Chúa) cũng thuộc lãnh vực thánh thiêng. Qua dạng sách vở, từ ngữ, văn học, chúng ta gặp Lời sống động; qua lời được ghi chép, chúng ta gặp “Lời nói”. Lời tự hữu, nó thông truyền cho người đụng chạm đến nó “sự sống, cử động và hiện hữu” (x. Cv 17, 28).
“Người tống đạt lệnh truyền xuống đất, lời phán ra hoả tốc chạy đi” (Tv 147, 15).
“Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta” (Is 55, 10-11).
Ai được ơn gặp gỡ Lời trong chính tiếng nói mà Con Người đã dùng để diễn đạt ý mình, tiếng híp-ri chắc chắn sẽ có thể đi vào mầu nhiệm thánh thiêng của Lời, trong niềm xác tín mình có trước mặt một cuốn Sách mà họ sống, và chuyển động. Họ biết và cảm thấy rằng từng âm, từng vần của ngôn ngữ thánh kết cấu thành một nền tảng chuyển tải Ý Nghĩa, chúng ở đó, chờ đợi trước mặt họ như một khối xương khô trước mặt ngôn sứ Ê-dê-ki-en; giống như gân cốt bao quanh cơ bắp thịt, ta cũng thấy những nguyên âm cùng với những dấu giúp phát âm cách chính xác hơn. Bản văn di động, hội tụ bên nhau, kết tạo, dựng xây… nhưng rồi Thần Khí đến, như lửa và gió bão, nhập vào khối xương ngổn ngang, và đây toàn thể Bản văn bỗng được sống lại, dựng đứng như một đạo binh hùng hậu! Vì Bản văn kia cũng như người đọc và sống nó, đã kết hợp thành “hồn thiêng sống động” (St 2, 7).
Bài đọc này từ sách Ê-dê-ki-en chương 37, đã gặp một trực giác rất sâu sắc của thánh Maxime le Confesseur.  Ở chương VI trong thuật truyền phép thần của mình, thánh nhân áp dụng triển khai về Kinh Thánh đối chiếu với con người :
“Cũng như “Theo một lối chiêm niệm so sánh, Giáo Hội được gọi là “Người Khí”, và con người là “Giáo Hội huyền nhiệm”, cũng thế, toàn bộ Kinh Thánh được gọi là “người”. Cựu Ước là thân mình; còn linh hồn, tinh thần, trí tuệ là Tân Ước.
Một lối diễn giải khác lại cho toàn bộ Kinh Thánh, gồm Cựu và Tân Ước là thân mình, theo văn học và lịch sử; nhưng Ý nghĩa (nous) của những gì đã được viết, ý chỉ (skopos) để từ đó mà có ý nghĩa, chính là hồn bất tử […].
Cũng thế, con người chúng ta là vật hay chết, theo những gì hữu hình bên ngoài; nhưng còn những gì là vô hình, không ai thấy được thì trường sinh, bất diệt.
Cũng thế, Kinh Thánh, theo cấu trúc bên ngoài của chữ viết, gồm một yếu tố nhất thời; nhưng tinh thần được giấu ẩn trong chữ viết, chính nó thì không ngừng tồn tại”.
Maxime còn trích dẫn 2 Cr 4, 16 và ứng dụng vào Kinh Thánh điều mà Phao-lô nói về “con người mới” :
“Đây là những gì ta phải nghĩ và nói về Kinh Thánh, được nghe theo kiểu ‘ngụ ngôn’ giống như một người: dáng vẻ bề ngoài càng âm thầm kín đáo, phần tâm linh thiêng liêng càng triển nở phong phú” .
Chính vì điều được viết ra là nhiệm tích của Lời sống động, luôn mới mẻ, thì làm sao Lectio divina lại có thể thu gọn vào một hình thức thực hành kiểu sách vở, vào một trò chơi của trí tuệ mà sau đó không để lại trong chúng ta một dấu vết gì sâu xa? Đúng hơn, chúng ta phải làm như Ê-dê-ki-en: gọi Thần Khí ban sự sống từ bốn phương trời (x. Ed 37, 9), để gặp Lời nhập thể: Lectio divina là một kinh nghiệm ban mai của phục sinh và sự sống. Và không phải vô cớ mà Đức Chúa đòi buộc chính các ngôn sứ phải gọi Thần Khí xuống trên khối xương cốt, cũng như những xương cốt này chỉ tụ họp lại theo lệnh của một “Con Người” (x. Ed 37, 9). Điều này có nghĩa là bản văn Kinh Thánh sẽ không sống động cho tôi hôm nay, những chữ viết khô cứng kia sẽ không được Thần Khí truyền sức sống, để bắt đầu múa nhảy trước mặt tôi hôm nay, bao lâu chính bản thân tôi chưa khẩn cầu Thần Khí đến, bằng một kinh nguyện cá nhân :
Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết.
“Tôi kêu cầu, và thần khí Ðức Khôn Ngoan đã đến với tôi” (Kn 7, 7).
“Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết” (Rm 8, 11) vào sáng ngày lễ Phục Sinh, Đấng đã làm cho thân xác của Đức Giê-su sống lại, cũng là Đấng làm sống động Ý Nghĩa trong những nét chữ cứng khô cho chúng ta mỗi ngày; Đấng chuyển ban sức sống mỗi ngày vào “Lời nhập thể” là Kinh Thánh cho chúng ta, theo Origène. Và điều kỳ diệu kia đã xảy ra bằng cách thông truyền cho chúng ta quyền lực sinh động của Thần Khí Người; bằng cách đặt vào miệng vào lòng chúng ta (con tim ‘nóng bỏng’ biết hiểu các Lời Kinh Thánh: x. Lc 24, 32).
Thiên Chúa đoái thương liên kết chúng ta một cách huyền nhiệm vào sự phục sinh của ‘Lời nhập thể’ của Người, đó là sự phát sinh ra ý nghĩa thiêng liêng giữa những nét chữ khô cằn. Công việc mở đầu cho khám phá ban mai của Ý Nghĩa, công việc gắn liền với sự thăm dò Kinh Thánh, từ đây mang một ý nghĩa vượt qua: nhà chú giải (không chỉ theo nghĩa khoa học, mà là ‘hiện sinh’) cũng có nỗi khó khăn của mình, nhưng nhằm để đi vào cuộc gặp gỡ cá nhân với Đấng Phục Sinh, mà hôm nay đang đồng hành với chúng ta và “giải thích những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 27) cho chúng ta.
Đọc Kinh Thánh trong chính Thần Khí là tác giả viết ra , Lectio divina đối với chúng ta phải là “chứng nhân” của sự sống lại. Và để việc đọc của ta luôn là ‘thánh thiêng’, ta cần phải đọc trong tương quan mật thiết với Thần Khí, như Ê-dê-kien, xin Người đến thông truyền sự sống cho những bộ xương khô, là những dòng chữ bất động của chúng ta.
“Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới,
  là chúng được dựng nên,
  và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104, 30).
Kinh Thánh là trái đất, là thửa vườn của ta; Lời là không gian, vũ trụ của ta, và Thần Khí không ngừng đổi mới mặt chữ, như Người vẫn đổi mới mặt đất. Người thi hành chức vụ chuyển ban sự sống, vừa cho vạn vật và vừa trong Kinh Thánh, được coi như hai cuốn “Sách” mà Thiên Chúa ban tặng con người, để tự mạc khải chính Người và để ‘gặp gỡ’ con người trong đó. “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống” (Ga 6, 63). Thần Khí đến biến đổi chữ viết trong Sách thành của ăn cho chúng ta, thành “bánh của Ba Ngôi”, như thánh Giê-rô-ni-mô nói
Thánh Phao-lô nói: “Tất cả những gì viết trong Kinh Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng” (2 Tm 3, 16). Phải, chắc chắn là thế, mà còn hơn thế nữa, vì Thiên Chúa không ở bên ngoài, cũng không ở xa Kinh Thánh. Điều này muốn nói rằng Thiên Chúa không ngừng hít thở trong Kinh Thánh.  Phải, Thiên Chúa hít thở trong lồng ngực của từng chữ! Như chính Người nói với những hàng chữ và người đọc chúng rằng:
“Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành”(Ed 36, 27).
Kinh Thánh sống động, Kinh Thánh di chuyển, để Thiên Chúa hít thở trong đó. Hãy tạo cho mình một xác tín rằng qua Lectio divina, chúng ta không đến với một bản văn khô cứng, nhưng là một Lời sống động, linh hoạt, đầy tác động và sáng tạo. Kinh Thánh phải thực sự là một động lực đem chúng ta đi, làm chúng ta chuyển động. Và chính ở đây ta phải trích dẫn một trang sách quan trọng của thánh Grê-gô-ri-ô Cả, dù có hơi dài, nhưng đây là một trong những trang sách viết về Lectio divina và tương quan của nó với Sách Thánh cách rất thích đáng. Đồng thời nó vừa có một nét rất hiện đại, lại vừa tương đồng với một chủ đề quan trọng trong truyền thống huyền nhiệm Do-thái về việc diễn giải “những bánh xe của  Đức Chúa” trong chương thứ nhất sách Ê-dê-ki-en:
“Khi các sinh vật đi, các bánh xe bên cạnh chúng cũng đi; và khi các sinh vật cất mình lên khỏi mặt đất, thì các bánh xe cũng lên theo”  (Ed 1, 19).
“Các sinh vật tiến bước khi các thánh biết đọc trong Sách Thánh điều hay lẽ phải cho cuộc sống luân lý của các ngài. Các sinh vật bay lên khỏi mặt đất khi các thánh vui thỏa bởi chiêm niệm. Khi một vị thánh tiến tới trong Sách Thánh, thì Sách Thánh cũng tiến với họ.  Vì thế thật chính xác khi nói: “Khi các sinh vật đi, các bánh xe bên cạnh chúng cũng đi; và khi các sinh vật cất mình lên khỏi mặt đất, thì các bánh xe cũng lên theo”. Chính vì sự mạc khải của Lời Chúa cùng tiến theo với người đọc: Ta càng hướng mắt lên cao, ý nghĩa lời ta đọc lại càng sâu sắc. Các bánh xe không nhấc lên khỏi mặt đất nếu các sinh vật không nâng mình lên được. Nếu người đọc không nâng tâm hồn lên, thì lời trong Sách Thánh sẽ không được hiểu, mà chỉ nằm đó trên mặt đất.
Khi đoạn Sách Thánh như không có hơi ấm cho người đọc, khi ngôn ngữ của Sách Thánh không thúc đẩy được tâm hồn, không chiếu được một tia sáng nào vào tâm trí, thì bánh xe bất động, bởi vì sinh vật không nâng mình lên khỏi mặt đất được. Nhưng nếu sinh vật tiến tới, nghĩa là tìm cách làm cho đời sống luân lý của mình tiến bộ hơn, làm một bước tiến trong tâm hồn, biết làm gì để tiến bước trong việc thiện, việc lành, lúc đó bánh xe cũng tiến theo.
Bạn thấy mình tiến trong Sách Thánh tùy theo mức độ bạn cảm thấy mình tốt hơn trong giao tiếp thường ngày. Nếu sinh vật cất cánh bay cao trong chiêm niệm, những bánh xe cũng lập tức nhấc lên khỏi mặt đất, vì bạn hiểu rằng những thực tại được diễn tả trong Sách Thánh không thuộc về đất. Bạn sẽ cảm thấy những ngôn từ của Kinh Thánh nói lên những thực tại trên trời, nếu bạn biết để mình bén lửa bởi ơn chiêm niệm và nâng bạn lên tới những thực tại trên trời. Đặc tính đáng kính, khôn tả của Sách Thánh là tự tỏ mình khi con tim người đọc được thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa .
Từ câu chuyện so sánh với bánh xe của thánh Grê-gô-ri-ô Cả, ta hãy ghi nhận khái niệm sinh động của Lectio divina: - Sách Thánh thăng tiến với người đọc. - Sự thấm nhuần lời thánh không có cách đo nào khác hơn sự tiến bộ luân lý và thiêng liêng trong cuộc sống hằng ngày.
Thánh Grê-gô-ri-ô muốn ta lưu ý đến một sự kiện nền tảng là có sự trao đổi, đàm đạo liên lỉ giữa trí tuệ và cuộc sống.
Chúng ta vẫn chưa rời Ê-dê-ki-en, vị ngôn sứ đã cho chúng ta ba ngụ ngôn về Lectio divina:
Chương 3: Thị kiến về cuốn Sách => Lectio divina với việc ăn uống và nuôi dưỡng.
Chương 37: Những bộ xương khô => Lectio divina là sự phục sinh của ý nghĩa dưới sự vâng nghe Thần Khí của người đọc.
Chương 1: Những bánh xe của Đức Chúa => Lectio divina là một chiếc xe;
Sự chuyển động của lời chú giải tùy thuộc việc áp dụng vào đời sống.
Chúng ta hãy học từ  Sách Thánh, phải đọc Sách Thánh thế nào? Đọc Sách Thánh và diễn giải theo nhịp sống hằng ngày…
Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét