Trang

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

NGƯỜI SA-MA-RI: NGƯỜI NGOẠI BANG?


NGƯỜI SA-MA-RI: NGƯỜI NGOẠI BANG? 
Tác giả: Nt. Ma-ri-a Đỗ Thị Yến - 

Chúng ta hay được nghe Tân Ước nhắc đến người Sa-ma-ri với một giọng điệu miệt thị. Tin Mừng Gio-an thì kín đáo và tế nhị hơn khi tác giả đặt lên miệng người phụ nữ câu nói: “Ông là người Do-Thái, tôi là phụ nữ Sa-ma-ri, mà ông lại xin tôi cho ông uống sao ?” (Ga 4,9). Lu-ca thì bộc lộ quan điểm này cách rõ ràng hơn khi đặt lên miệng chính Đức Giê-su lời này: “Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Còn chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này” (Lc 17,17-18). Vậy kiểu nói: người ngoại bang phải được hiểu theo nghĩa nào khi áp dụng cho người Sa-ma-ri ?
Bản đồ: VƯƠNG QUỐC ÍT-RA-EN VÀ VƯƠNG QUỐC GIU-ĐA (Hình ảnh: internet)

I. TÊN

Thuật ngữ Sa-ma-ri đến từ tiếng Híp-ri šōmərôn (gốc šmr, nghĩa là xemcanh gác, quan sát), và có hai ý nghĩa. 
Thứ nhất, nó nói đến thủ đô vương quốc phía bắc của Ít-ra-en, từ thời vua Om-ri vào thế kỷ IX tCN (x. 1 V 16,23-24) cho tới khi bị thất thủ vào tay vua San-ma-ne-xê V, người Át-sua vào cuối thế kỷ VIII tCN (khoảng năm 721 tCN, x. 2 V 17,1-6).
Thứ hai, sau khi bị thất thủ, theo sự xếp đặt của người Át-sua về việc đặt tên một tỉnh theo thủ đô hay thành thị chính, tên Sa-ma-ri được áp dụng cho một quận lớn hơn, bao gồm cả thành Sa-ma-ri cũ.
Kinh Thánh nhiều lần nhắc đến Sa-ma-ri với nhiều ý nghĩa khác nhau.
1 V 17 – 2 V 17 nói đến Sa-ma-ri-a như dinh thự của Ít-ra-en. Thông thường, địa danh này được nói đến như một thành chứ không là một quận (x. 1 V 13,32). Ở 1 V 21,1 nói đến A-kháp / A-khát-gia-hu, vua Sa-ma-ri (x. 2 Sbn 22,9). Riêng Am 3,9 thì nói đến “đồi núi xứ Sa-ma-ri”. Các ngôn sứ thường nhắc đến Sa-ma-ri một cách tiêu cực. I-sai-a gọi tên này là đầu của Ép-ra-im (x. Is 7,9) và loan báo sự hủy diệt của chúng (x. Is 8,4) bởi người Át-sua (x. Is 10,9-11; 36,19). A-mốt loan báo cảnh hỗn loạn (x. Am 3,9) và sự hủy diệt của nó (x. Am 3,12; 6,1). Ngôn sứ Hô-sê nói đến sự đồi trụy của Sa-ma-ri (x. Hs 7,1), việc thờ ngẫu tượng (x. Hs 8,5), và cũng loan báo sự tiêu tùng của nó (x. Hs 10,7; 14,1). Mi-ca cho thấy tội ác chúng lên đến tuyệt đỉnh ở (x. Mk 1,5-7).
Lu-ca nhắc đến Sa-ma-ri như một địa danh, nơi Đức Giê-su đã đi qua trên đường Người lên Giê-ru-sa-lem (x. 17,11). Ngược lại, Gio-an thì đề cấp đến việc Đức Giê-su bang qua Sa-ma-ri trong hành trình trở về Ga-li-lê từ Giu-đê (x. 4,4-7). Đặc biệt, Công Vụ nói đến Sa-ma-ri như điểm truyền giáo đầu tiên của các tông đồ khởi từ Giu-đê, và thực tế hoạt động của các vị truyền giáo tiên khởi (x. 8 – 9), cũng như sự hình thành của Hội Thánh tại đây (x. 9,31; 15,3).
Năm 721 tCN, phần lớn Sa-ma-ri bị đốt cháy bởi người Át-sua, nhưng không bị phá hủy hoàn toàn. Dưới thời Ba-by-lon và Ba-tư, nó trở thành trung tâm điều hành và đã duy trì quyền hành trên những phần lãnh thổ của Giu-đê-a. Tới năm 332 tCN, dưới thời Ma-kê-đô-ni-a, Sa-ma-ri được tái thiết như một thành Hy Lạp. Thành phố này bị phá hủy bởi vị lãnh chúa Do Thái tên là Gio-an Hiếc-ca-nô vào năm 108/107 tCN, và sau đó được tái thiết bởi vua Hê-rô-đê Cả vào khoảng năm 30 tCN rồi đổi tên là Sê-bát (Hy Lạp: Sebastos, La-tinh: Augustus) để tôn kính hoàng đế Au-gút-tô. Sau khi được tái thiết và đổi tên mới, tên Sa-ma-ri được dùng như tên miền, như được sử dụng trong Tân Ước (Ga-li-lê, Sa-ma-ri, Giu-đê). Sau đó tên Sê-bát được sử dụng xuyên suốt thời gian chịu sự thống trị của đế quốc Rô-ma và By-dan-tin.
Thuật ngữ šōmərônȋm không được dùng trong Kinh Thánh Híp-ri để chỉ người Sa-ma-ri. Nó được dùng ở 2 V 17,29 để chỉ dân tứ phương được người Át-sua đem đến đây sống. Tên này được dùng để chỉ toàn bộ dân sống ở miền Sa-ma-ri trong mối liên hệ với việc phụng tự tại núi Gơ-ri-dim.
 Bản đồ SA-MA-RI (hình ảnh: Internet)


II. ĐỊA HÌNH, VỊ TRÍ

Sa-ma-ri được định vị trên một ngọn đồi cao khoảng 90 m so với thung lũng về phía bắc, phía tây và phía nam, với tầm nhìn thoai thoải về phía đông. Nó được đặt vào vị trí ngã tư thông lưu giữa những chính lộ bắc-nam và đông-tây, dẫn đến Si-khem và thung lũng Gio-đan về phía đông, đồng bằng duyên hải về phía tây, Mơ-ghít-đô và Gít-rơ-en về phía bắc và Giê-ru-sa-lem về phía nam.
Biên giới phía Bắc mở rộng hướng tây từ núi Ghin-bô-a dọc suốt phần nối liền giữa các dãy núi và đồng bằng Giê-ren, và từ đó kéo dài tới những dãy núi Um en-pham (Um el-Fahm) và Na-khan Ê-ron (Nahal ‛Eiron). Biên giới phía Đông kéo dài dọc theo những dốc đứng của những ngọn đồi xuống tới thung lũng Gio-đan. Biên giới phía Tây thoai thoải theo những chân đồi và Đồng Bằng Sa-rôn. Còn biên giới phía Nam thì hầu như các học gia cho rằng nó thuộc miền núi Ba-an Kha-xo, dọc suốt hai dòng suối Au-da (‛Auja) và Si-lô.
Miền Sa-ma-ri thường được chia thành 3 miền: tây Sa-ma-ri, trung Sa-ma-ri, và đông Sa-ma-ri; rộng khoảng 2250 km2; và có dáng hình chữ nhật: chiều dài 50 km và chiều rộng 45 km. Thành phố Náp-lút là trung điểm của nó.  
Vị trí địa thế này thuận lợi cho quân sự và buôn bán thương giao, mặc dù nó bị giới hạn về nguồn cung ứng nước.

III.   TÓM LƯỢC LỊCH SỬ VƯƠNG QUỐC ÍT-RA-EN

Vào thế kỷ XIII tCN, người Ít-ra-en chiếm hữu lãnh thổ Ca-na-an nhưng vẫn không thiết lập chế độ quân chủ trong khoảng 200 năm. Chỉ vì phải đương đầu với những mối đe dọa từ các phía (x. Tl 4 – 8) mà Ít-ra-en đã nghĩ đến việc thiết lập một hình thức lãnh đạo (x. 1 Sm 4 – 10). Có lẽ hình thức quân chủ bắt đầu với A-vi-me-lech (x. Tl 9) dưới sự ủng hộ của những người không phải là Ít-ra-en ở Si-khem và rõ hơn là vào giữa thế kỷ XI tCN khi Ít-ra-en mở rộng đến những vùng cao nguyên trung tâm của Ca-na-an. Sa-un đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo của mình khi ông ra tay đối phó với mối đe dọa của người Am-mon (x. 1 Sm 11) và kéo quân Ít-ra-en chiến đấu với người Phi-li-tinh nữa (x. 1 Sm 13 – 14).
Sau khi Sa-un qua đời, tướng Áp-ne đã cứu vớt chế độ quân chủ bằng cách phong Ít-bô-sét, một trong những người con sống sót của Sa-un, lên làm vua (x. 2 Sm 2,8-9). Trong khi đó, Đa-vít thuyết phục các kỳ mục Giu-đa phong vương cho ông. Ông đã trở thành vua và cai trị ở Giu-da và Khép-rôn khoảng 7 năm (x. 2 Sm 2,1 – 4,11).
Sau khi Áp-ne qua đời, Đa-vít có lợi thế để chiếm ngai vàng trên toàn cõi Ít-ra-en do chính các kỳ mục Ít-ra-en tình nguyện dâng hiến (x. 2 Sm 5,1-5). Để củng cố vị thế của mình, Đa-vít nhắm đến Giê-ru-sa-lem, và thiết lập thủ đô ở đây (x. 2 Sm 5,6-12). Ông mang hòm bia giao ước về đây và đặt trong một cái lều đặc biệt (x. 2 Sm 6,17). Hành động này đã cho thấy Đa-vít vừa là một vị bảo vệ truyền thống tôn giáo cổ của Ít-ra-en, vừa làm cho Giê-ru-sa-lem trở thành một trung tâm tôn giáo mới của Ít-ra-en. Sự hiện diện của hòm bia giao ước ở Giê-ru-sa-lem đánh dấu một giai đoạn mới trong đời sống Ít-ra-en và nhấn mạnh sự liên tục với truyền thống cổ.
Với sự chiếm đóng Giê-ru-sa-lem, vương quyền của Đa-vít được mở rộng. Như thế, vào cuối thế kỷ XI tCN, các chi tộc Ít-ra-en đã được hợp nhất dưới triều Đa-vít, và thiết lập một Quốc Gia. Trong thời gian trị vì, Đa-vít đã chứng tỏ uy thế của mình qua những sự kiện chính trị và quân sự. Tuy nhiên, bên cạnh sự thành công trong việc tác chiến đối ngoại, Đa-vít đã thất bại trong việc điều hành nội bộ. Những cuộc nổi loạn của Áp-sa-lôm (ví dụ: 2 Sm 15) cho ta thấy sự thất bại này. Điều thành công tồn tại của ông là thiết lập Giê-ru-sa-lem thành một trung tâm của quốc gia trong đời sống dân tộc.
Chính sách đối ngoại và quân sự của Đa-vít thành công đến độ triều đại của Sa-lô-môn hầu như an bình tứ phía. Đó cũng là điều thuận lợi cho Sa-lô-môn để mở rộng thương mại và kiến thiết đất nước. Thành công vẻ vang nhất của Sa-lô-môn là Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.
Tuy nhiên, ngân khố bị thiếu hụt vì những công trình của Sa-lô-môn. Ông đã phải đánh thuế trên dân để bổ túc cho nguồn lợi tức từ việc thương mại nhằm tiếp tục hoàn thành những hoạch định xây dựng của mình. Thậm chí ông đã phải nhượng 20 thành ở Ga-li-lê cho Tia (x. 1 V 9,10-13). Về sau Sa-lô-môn gặp phải sự chống đối cả trong và ngoài nước. Bên ngoài có Ê-đôm và A-ram (x. 1 V 11,14-25), bên trong có Gia-róp-am (x. 1 V 11,26-40).
Cũng may thay, vẫn còn có điều để chống đỡ cho triều đại của ông là khía cạnh thần học và tôn giáo (x. 2 Sm 7). Sau khi Sa-lô-môn qua đời, tất cả Ít-ra-en khẳng định Rơ-kháp-am là vua, và yêu cầu ông thay đổi chính sách thuế và lao động. Tuy nhiên, Rơ-kháp-am không đáp ứng nguyện vọng của dân nên đã bị dân nổi loạn và phải lui về miền Nam lánh thân ở Giê-ru-sa-lem.
Người miền Bắc đã tập trung lại ở Si-khem và tấn phong Gia-róp-am. Ông làm vua ở phương Bắc và đặt Si-khem làm thủ đô (x. 1 V 12,25).
Ta thấy rằng chuyện Rơ-kháp-am nối ngôi Đa-vít không có gì đáng ngạc nhiên, vì nó đã bám rễ vào truyền thống của dân tộc (x. 2 Sm 7). Với sự kiện dân miền Bắc phong vương cho Gia-róp-am cách nhanh chóng, ta thấy là dường như chưa bao giờ có sự hiệp nhất thực sự giữa hai miền để trở thành một quốc gia duy nhất (x. 2 Sm 3,10; 19,11-15.43; 24,1-9; 1 V 1,35).
Sau cái chết của Sa-lô-môn, dân Ít-ra-en đã trở thành hai vương quốc là Vương Quốc Ít-ra-en hay Vương Quốc phía Bắc, và Vương Quốc Giu-đa hay Vương Quốc phía Nam. Vương Quốc phía Bắc được gọi là Ít-ra-en hay Ép-ra-im, Vương Quốc phía nam là Giu-đa. Cả hai vương quốc này tồn tại song song với nhau khoảng 200 năm cho đến khi vương quốc phía bắc bị thất thủ vào khoảng 721 tCN.
Đối với Vương Quốc Giu-đa, Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ là điểm tập trung của đời sống tôn giáo và dân tộc. Đây là một tổ chức tôn giáo được lãnh đạo bởi dòng dõi Đa-vít. Tuy có giao dịch với nước ngoài, Vương Quốc Giu-đa chỉ tiếp thu những nền văn hóa mới hay cái mới với sự gạn lọc và thay đổi từ từ các hệ thống xã hội và truyền thống tôn giáo mà không có những sự đổ vỡ đáng kể. Vương quốc vẫn luôn duy trì được sự ổn định của nó, do đó vẫn duy trì được một dòng dõi duy nhất xuyên suốt thời gian tồn tại của nó.
Vương Quốc Ít-ra-en thì khác hẳn. Trong 200 năm tồn tại có 19 đời vua với nhiều nguồn gốc khác nhau.
Mặc dầu về vấn đề tôn giáo, dân tộc, và văn hóa, cả hai vương quốc này là hai phần của một chính thể duy nhất, nhưng về khía cạnh chính trị thì chúng hoàn toàn độc lập. Vương Quốc Ít-ra-en thì thịnh vượng và mạnh mẽ hơn. Về khía cạnh tương giao quốc tế, Ít-ra-en và Giu-đa là hai trong số những vương quốc nhỏ ở Ca-na-an.

 IV.  TƯƠNG QUAN GIỮA NGƯỜI DO THÁI VÀ NGƯỜI SA-MA-RI

Đối với người Do Thái, người Sa-ma-ri là nhóm người dị giáo và ly giáo. Họ là những người thờ phượng Thiên Chúa cách sai lầm và bị người Do Thái kinh tởm hơn cả dân ngoại. Sự phân ly về tôn giáo và chính trị giữa Giu-đa và các chi tộc khác đã có từ trước thời trị vị của Đa-vít và So-lo-môn, và sau khi Ít-ra-en được thiết lập bởi Gia-róp-am I.
Người Do Thái định cư ở Giê-ru-sa-lem sau sắc chỉ của Ky-rô vào năm 538 tCN đã không coi cộng đoàn sống tại Sa-ma-ri, trung tâm của Vương Quốc Ít-ra-en cổ, như người Ít-ra-en thật. Họ bao gồm phần sót lại của Ít-ra-en cổ và những người tứ phương từ Mê-sô-pô-ta-mi-a đến định cư ở Ít-ra-en. Những người này đã mang theo các thần của họ vào đây (x. 2 V 17).
Từ khi có sự tách biệt giữa người Do Thái và người Sa-ma-ri, và sự xuất hiện của Đền Thờ ở núi Gơ-ri-dim vào khoảng thế kỷ thứ IV tCN, có một sự căng thẳng giữa người Do Thái và người Sa-ma-ri. Sử gia Phơ-la-vi-ô (Flavius Josephus) nói đến câu chuyện cãi vã giữa người Giu-đa và người Sa-ma-ri về sự cạnh tranh giữa hai Đền Thờ ở Giê-ru-sa-lem và ở Gơ-ri-dim vào khoảng 150 tCN.
Vào khoảng cuối thế kỷ I tCN sự căng thẳng này bớt đi do sự kiện vua Hê-rô-đê cưới người vợ Sa-ma-ri. Có lẽ vua Hê-rô-đê có chủ ý nối kết người giữa hai miền này. Nhờ đó, người Sa-ma-ri được phép vào phía trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Nhưng đặc ân này bị rút lại sau khi vua Hê-rô-đê qua đời và sự kiện người Sa-ma-ri rắc xương người trong những cổng Đền Thờ và khắp nơi trong Thánh Điện vào giữa đêm. Đây hẳn là một hành động khiêu khích, một hành động trả thù. Và hành động này đã thêm dầu vào lửa căm ghét đã có từ xưa.
Từ đây, sự thù hằn giữa hai bên càng gia tăng và dường như không thể chữa lành được.
Sử gia Phơ-la-vi-ô thuật lại truyện báo thù người Do Thái khi người Ga-li-lê hành hương lên Giê-ru-sa-lem và đi ngang qua Sa-ma-ri, đã bị người Sa-ma-ri đả thương ở biên giới phía bắc, tại một làng giáp giới tên là Ghi-na.
Vào thế kỷ II CN, sự căng thẳng này đã bớt đi. Người Sa-ma-ri được coi là “người Ít-ra-en khi họ có hành vi ứng xử phù hợp với tư tưởng pháp lý và tôn giáo Pha-ri-sêu” (J. Jeremias, 354, nguyên ngữ: P. Billerbeck,Kommentar zum Neuen Testament aus Talmud und Midrash 1, Munich 1923). Nhưng đến những năm 300, lại có sự tuyệt giao giữa hai miền này, và từ đó, người Sa-ma-ri bị coi là dân ngoại. Sự căng thẳng này thật cay cú đến độ nếu người Sa-ma-ri muốn theo đạo Do Thái thì người Sa-ma-ri phải được cắt bì lại. Và người Sa-ma-ri đáp lại bằng cách đối xử tương tự, tức là nếu muốn theo đạo Sa-ma-ri, thì người Do Thái phải được cắt bì lại. Kết quả là người Do Thái không chấp nhận bất kỳ một người Sa-ma-ri theo đạo Do Thái.
Trở lại thời Đức Giê-su, tức vào thế kỷ I, có sự đắng cay trong mối quan hệ giữa hai bên Sa-ma-ri và Giu-đa. Kinh Thánh kể lại chuyện người Sa-ma-ri không đón tiếp Đức Giê-su và các môn đệ khi họ lên Giê-ru-sa-lem (x. Lc 9,52-53). Người Do Thái thì gọi người Sa-ma-ri là người Cút, tức là con cái những tên thực dân Mê-đi-an và Ba-tư (theo sử gia Phơ-la-vi-ô). Những sự kiện này cho ta thấy sự căm ghét của người Sa-ma-ri đối với người Do Thái. Còn người Sa-ma-ri trở thành lời nguyền rủa trên miệng người Do Thái (x. Ga 8,48). Lu-ca còn tránh nhắc đến tên người Sa-ma-ri trong 10,37 (“người tỏ lòng thương xót”).
Tuy nhiên, người Sa-ma-ri, cho đến ngày nay, vẫn coi mình là con cháu các tổ phụ (x. Ga 4,12). Điều này là một sự đáp trả đối với người Do Thái, vì người Do Thái gọi người Sa-ma-ri là Cút.  Đây là cách người Do Thái từ chối “tương quan máu mủ” với người Sa-ma-ri. Mặc dù người Sa-ma-ri tuân giữ luật Mô-sê và tuân giữ tỉ mỉ luật ghi trong Ngũ Thư, nhưng điều này hoàn toàn vô nghĩa đối với người Do Thái, vì người Sa-ma-ri cử hành phụng tự trên núi Gơ-ri-dim, một hành vi mà người Do Thái coi đó là thờ ngẫu tượng.
Do đó từ thế kỷ I, người Sa-ma-ri bị coi là dân ngoại trong tất cả những việc phụng tự. Ví dụ như người Sa-ma-ri bị cấm không được vào trong Đền Thờ, không được dâng lễ xá tội như một người dân ngoại không được làm điều đó. Họ chỉ được dâng cúng bình thường như một người dân ngoại có thể làm.
Chính vì thái độ coi người Sa-ma-ri như người dân ngoại này mà họ không được kết hôn với người Do Thái. Người Do Thái cấm tuyệt đối việc kết hôn với người Sa-ma-ri. Ý của họ là tránh né mọi giao du với người Sa-ma-ri. Chính vì thế, khoảng thập niên trước khi Đền Thờ bị phá hủy, người Sa-ma-ri bị coi như là “ô uế” hay “không thanh sạch” từ khi được sinh ra. 
Ta thấy rõ là thái độ của người Do Thái đối với người Sa-ma-ri trước năm 70 không khác gì đối với dân ngoại. Bất cứ một liên hệ nào đối với người Sa-ma-ri đều khó khăn như đối với dân ngoại, nhất là những người tuân giữ luật ô uế của người Pha-ri-sêu (x. Ga 4,9).
Chính trong bối cảnh này mà ta có thể hiểu tại sao tác giả Tin Mừng đặt trên chính miệng của Đức Giê-su lời miệt thị “dân ngoại” này đối với người phong cùi Sa-ma-ri được chữa lành (x. Lc 17,17-19).

 V.    CỘNG ĐỒNG SA-MA-RI NGÀY NAY

(Theo tài liệu của thượng tế Eleazar ben Tsedaka cho, 4-2009). Người Sa-ma-ri hiện nay ở trong nước Ít-ra-en tự nhận rằng họ là phần còn lại của dân cổ, tức là con cháu của Vương Quốc Ít-ra-en xưa, những người cố gắng kiến tạo hòa bình trong dân Ít-ra-en mà đã bị loại trừ bởi các nhà lãnh đạo của con cái Vương Quốc Giu-đa, tức là người Do Thái – Ít-ra-en.
Vào thế kỷ IV-V, dân số người Sa-ma-ri Ít-ra-en vào khoảng 1.500.000 người sống trong nhiều thành thị và làng mạc ở Đất Thánh, từ phía nam nước Sy-ri-a đến phía bắc nước Ai Cập. Những sắc lệnh tôn giáo tàn nhẫn áp lực trở thành người Hồi giáo hay Ki-tô hữu, cũng như sự giết chóc và bách hại đã làm cho cộng đồng Sa-ma-ri nhỏ lại còn 146 người vào 1917. Trong những năm 1930, cộng đồng này đã gặp được một cơ hội chuyển biến và các thành viên bắt đầu gia tăng. Và từ sau đó, họ đã phát triển cách đều đặn về mọi lãnh vực trong cuộc sống. Cộng đồng Sa-ma-ri không chỉ là một cộng đồng nhỏ nhất và cổ nhất thế giới, mà còn là một cộng đồng trẻ nhất tính theo tuổi trung bình của các thành viên trong cộng đoàn.

1. Các nguyên lý đức tin

Dân được hướng dẫn bởi bốn nguyên lý đức tin chính:
-      Một Thiên Chúa duy nhất
Ý niệm của người Sa-ma-ri về một Thiên Chúa duy nhất được hình thành từ niềm tin vào một niềm tin độc thần của người Hồi giáo hơn là loan báo một niềm tin vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi của người Ki-tô Giáo hay bắt nguồn từ chủ nghĩa ngộ đạo. Họ dùng khẩu hiệu của người Hồi giáo “không có Thiên Chúa nào, ngoài Thiên Chúa”. Họ gọi Thiên Chúa là El hay Elah (rất gần với Allah của người Hồi giáo), và dùng từ bốn chữ YHWH cho Người. Cũng giống người Do Thái, người Sa-ma-ri không dùng hình ảnh và không tạc tượng Thiên Chúa, cũng không áp dụng kiểu nói “Cha” cho Người, vì đối với họ Thiên Chúa là một Đấng Tạo Hóa vô hình vô thể và không thể mô tả được. Chính Người đã thiết lập giao ước duy nhất với Ít-ra-en.
-      Một Sách Thánh duy nhất, Bộ Ngũ Thư hay Sách Luật được truyền lại bởi Mô-sê
Tô-rah, bộ Luật của Thiên Chúa, phát sinh từ ngọn lửa thần linh như một phần của giao ước. Các chi tiết của Luật được khắc sâu vào đá để trang điểm các hội đường, được viết hay khắc trên những bùa hộ mạng để bảo vệ con người, và được sao chép cẩn thận trên giấy da hay giấy tốt. Những gia đình khá giả thì có những bản sao tay thật đẹp, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và nay được tàng trữ ở Thư Viện Quốc Tế, hay Viện Bảo Tàng Anh, hoặc Thư Viện Gio-an Ry-lanh (John Rylands Library) ở Đại Học Manchester, và Đại Học bang Michigan.
        Đối với người Sa-ma-ri, chỉ có bộ Ngũ Thư là được quy điển hóa và trở thành bộ Luật chi phối mọi sinh hoạt tôn giáo. Cuộn Sách Luật này được giữ tại hội đường ở Náp-lút và được coi như tác phẩm của A-bi-sa, chắt của A-ha-ron, anh ông Mô-sê. Nó được coi như toàn bộ Kinh Thánh của người Sa-ma-ri.


-      Một ngôn sứ duy nhất là ông Mô-sê, con ông Am-ram
Mô-sê là vị trung gian của Luật và được người Sa-ma-ri thờ kính như đối tượng thứ ba của niềm tin. Người ta còn nhân danh Mô-sê để chúc lành. Thậm chí Mô-sê còn được mô tả như ánh sáng nguyên thủy đến để chiếu sáng thế gian. Và vị khôi phục sẽ đến như đặc sứ của Thiên Chúa sẽ là vị giống như Mô-sê.
 -      và Một Thánh Địa duy nhất, núi Gơ-ri-dim
Truyền thống cho đây là núi cao nhất và cổ nhất trên thế giới. Đỉnh núi này không bị ngập lụt bởi Hồng Thủy Nô-ê. Trên núi này, người Sa-ma-ri dựng những bàn thờ và điện thờ trên ba điểm thánh chính và cử hành các ngày lễ.


-      Bên cạnh đó là niềm tin vào Ta-hép con ông Giu-se, một ngôn sứ như Mô-sê (x. Đnl 18,18), sẽ xuất hiện vào Ngày Báo Oán và Thưởng Phạt trong thời sau hết.
Ngày của Thiên Chúa sẽ được báo hiệu bởi một vị Mê-si-a và được mô tả như một thời an bình trước thời sau hết. Lịch sử cứu độ bao gồm một Thời Kỳ Thất Sủng trước Mô-sê, một Thời Kỳ Ân Sủng dài 260 năm sau Mô-sê, rồi Thời Kỳ Thất Sủng thứ hai bắt đầu bởi một tư tế xấu xa, Ê-li, rồi một Thời Kỳ Ân Sủng mới bắt đầu bởi vị Mê-si-a.

 2. Tính duy nhất

Tuy gặp những khó khăn trong quá khứ, cộng đồng Sa-ma-ri chưa bao giờ đánh mất tình trạng và hình ảnh duy nhất của họ như một Dân. Họ có chữ viết riêng, mẫu tự Híp-ri cổ điển. Họ có ngôn ngữ riêng, phương ngữ Híp-ri riêng được nói bởi người Do Thái cho tới đầu thiên niên kỷ thứ nhất CN. Họ phát triển theo truyền thống duy nhất của họ, trở lại thời Nước Ít-ra-en dưới sự lãnh đạo của Giô-suê, con ông Nun.

 3. Các ngày lễ

Người Sa-ma-ri chỉ cử hành những ngày lễ được viết trong Tô-ra. Gồm có bảy lễ: lễ Vượt Qua, lễ Bánh Không Men, lễ Các Tuần (Shavuot), lễ Ngày Đầu Tháng Thứ Bảy, lễ Xá Tội, lễ Lều (Sukkot), lễ Ngày Thứ Tám Hội Họp và Vui Mừng trong Lề Luật (Shemini Atzeret-Simbat Torah).
Ngày Đầu Năm của họ được cử hành 14 ngày trước ngày lễ Vượt Qua, và lễ Vọng Vượt Qua được đánh dấu bằng hy lễ con chiên và dê trên núi Gơ-ri-dim.
Trong ngày lễ Xá Tội, người ta đọc sách Luật. Cuộn A-bi-sa được trưng ra cho người ta thờ lạy.

 4. Hy lễ Vượt Qua

Khi ngày lễ hiến tế chiên vượt qua đến, đó là vào lúc tranh sáng tranh tối ngày thứ mười bốn của tháng thứ nhất. Cả cộng đồng Sa-ma-ri tập họp lại tại quảng trường chính. Vị thượng tế và những tùy tùng cũng như những chức trách của cộng đoàn đến nơi cử hành nghi lễ, cùng với các vị khách quý. Những thành viên của cộng đồng Sa-ma-ri cũng tụ họp tại đây để cử hành nghi lễ. Những thành viên này chủ yếu là người đã trưởng thành, mặc lễ phục cầu nguyện. Còn những người trẻ thì mặc như y phục của những người rời Ai Cập: quần đùi có thắt lưng, áo sơ mi trắng, chân đi giày.
Vị thượng tế mở đầu với lời nguyện hiến lễ và công bố nghi lễ giết chiên. Chiên được đem đến bàn thờ và bị giết bởi các chuyên viên sát tế có kinh nghiệm. Các thành viên của từng gia đình kiểm tra an toàn thực phẩm của những hy lễ cho nhau. Rau đắng và bánh không men được phân phát cho tất cả các thành viên. Sau đó các con chiên bị sát tế sẽ được rửa sạch rồi cột từng con vào một cái xiên lớn rồi vẩy nước muối. Khoảng hai tiếng rưỡi trước nửa đêm, chiên đã được cắm vào xiên sẽ được đặt vào lò nướng đã đốt lửa. Miệng lò được đậy bằng lưới sắt để giữ thăng bằng cái xiên và bao bì, ngay sau đó được đậy lên bởi lớp đất ẩm và bụi cây. Cho lửa cháy lớn cho đến khi chiên chín.
Vào giữa đêm, khi các Thiên Thần chinh phạt ra tay giết hại các con trai đầu lòng người Ai Cập, chiên hy tế được mang ra khỏi lò, gỡ khỏi xiên và đặt lên những mâm lớn. Trong khi đó nhạc vẫn du dương (từ đầu nghi lễ rồi), rồi các mâm chiên được mang về gia đình. Tại gia, thịt các con chiên hy tế được ăn cùng với bánh không men và rau đắng. Những gì dư thừa sẽ đem đốt hết trước rạng sáng.
Trong trường hợp ngày Vượt Qua trùng vào thứ sáu (áp ngày lễ Vượt Qua) thì nghi lễ trên được cử hành vào giữa trưa và chiên sẽ được đem ăn trước khi màn chiều buông xuống để tránh xúc phạm đến ngày Sa-bát. Tất cả những thứ còn lại sẽ được giấu đi cho đến khi ngày Sa-bát qua đi, rồi đem chúng đến bàn thờ đốt hết. Đến sáng, vị thượng tế sẽ đọc lời nguyện lễ Vượt Qua.

 

5. Những điểm đặc trưng

Để trở thành người Ít-ra-en của dân Sa-ma-ri, họ phải trung thành với bốn điều như những biểu tượng nhận diện:
-      Luôn định cư tại Đất Thánh
-      Buộc phải tham dự hy lễ hiến tế chiên Vượt Qua trên núi Gơ-ri-dim
-      Tuân giữ ngày Sa-bát như được truyền trong Luật
-      Trung thành với luật trong sạch và ô uế như được ghi trong Luật

 6. Chính trị

Vì tiến trình hòa bình giữa Ít-ra-en và Pa-lét-tin, cộng đồng Sa-ma-ri đã bị tách khỏi khỏi sự kiểm soát của họ từ cuối năm 1995. Những vấn đề chung, đặc biệt liên quan đến hai trung tâm chính của cộng đồng Sa-ma-ri trên núi Gơ-ri-dim và ở Ho-lon (thiết lập từ 1954-1955), được kiểm soát bởi các ủy ban ở Ho-lon dưới sự lãnh đạo của vị thượng tế. Sự phát triển của cộng đồng vào thế hệ vừa qua đòi hỏi sự phát triển các địa thế để sống và để cư trú của cả hai trung tâm, và có thể sẽ thiết lập một trung tâm thứ ba. Hiện tại, có một nỗ lực rất cao thúc đẩy hoạt động của trung tâm Hòa Bình ở trên núi Gơ-ri-dim như một thí điểm cho những ai tìm kiếm hòa bình trên toàn thế giới có thể gặp gỡ những nhóm tranh luận về chính trị, xã hội và tôn giáo giữa Ít-ra-en và Pa-lét-tin.

 7. Văn hóa và giáo dục

Người Sa-ma-ri hiện nay tự hào là họ thuần chủng và truyền thống. Họ quyết tâm sống còn ở lãnh địa người Sa-ma-ri. Bên cạnh việc học hành và phát triển nền văn hóa hiện đại như: những hoạt động văn hóa, huấn luyện trại hè, triển lãm, các môn học văn hóa, sử dụng ngôn ngữ hiện đại; họ luôn duy trì việc truyền dạy cho thế hệ tương lai ngôn ngữ Híp-ri cổ điển và truyền thống Sa-ma-ri.

 8. Một cộng đồng đã phát triển

Từ 1948, dân số của cộng đồng Sa-ma-ri được 250 người, gồm 192 sống ở Náp-lút (Nablus), và 58 ở Tel A-víp Gia-phô.
Đến 1969, dân số lên đến 414, gồm 227 nam và 187 nữ. Rồi đến 2006, người Ít-ra-en Sa-ma-ri lên đến 700, trong đó khoảng 330 sống chung quanh vùng núi Gơ-ri-dim.
Từ 1998, không còn người Sa-ma-ri sống ở Náp-lút nữa. Tất cả họ đã chuyển về sống quanh vùng núi Gơ-ri-dim.

 KẾT LUẬN

  • Cũng như người Do Thái, người Sa-ma-ri tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, Đấng vô hình vô thể nên không được tạc tượng Người; họ cũng tuân giữ luật Mô-sê như chỉ nam cho cuộc sống và cử hành một số lễ đặc biệt trong năm tương tự như một số lễ của người Do Thái. Họ trông đợi đấng phục hồi, một nhân vật đến từ dòng dõi Le-vi như vị ngôn sứ đã được tiên báo trước ở Đnl 18,15. Họ cũng tin vào lời các ngôn sứ và mong đợi một đấng Mê-si-a (x. Ga 4,19.25). Điều làm cho họ trở nên “ngoại bang” là do việc phụng tự tại núi Gơ-ri-dim, và vì thế bị người Do Thái coi như là thờ ngẫu tượng.
  • Mặt khác, ngay từ thời cổ xưa, người Sa-ma-ri bao gồm những người tứ phương đến cư ngụ tại Sa-ma-ri vì nhiều lý do khác nhau. Đây cũng là một lý do mà ngay từ rất xa xưa, người Sa-ma-ri đã bị coi là “ngoại bang”. Ngay cả các vua chúa ở Sa-ma-ri cũng thay đổi liên tục, trong khi vương quốc Giu-đa duy trì truyền thống đức tin về quyền vương đế thuộc dòng dõi Đa-vít.
  • Khác với người Do Thái, từ sau khi bị kỳ thị và tàn sát thời Hít-le, đã lưu lạc khắp nơi để sống và hiện vẫn còn sống và phát triển trên nhiều quốc gia khác nhau. Người Sa-ma-ri đang sống ở miền Sa-ma-ri hiện nay lại tự hào mình là “chính thống” vì cố gắng gìn giữ ngôn ngữ Kinh Thánh Híp-ri cổ và truyền dạy lại cho con cháu. Thêm vào đó, một trong những tiêu chuẩn của họ để được gọi là người Sa-ma-ri, nghĩa là có hộ chiếu Sa-ma-ri, nếu họ sinh sống trong miền này. Và để có thể duy trì phát triển nòi giống, họ có thể kết hôn với người không-là-Sa-ma-ri, nhưng phải đến sinh sống tại đây, nhằm duy trì “quốc tịch” là người Sa-ma-ri.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Anderson, R.T. “Samaritans”, in ABD 5, D.N. Freedman (ed.), New York, 1992, 940-947.
Dar, S. (tran. M. Erez), “Samaria (Archaeology of the Region)”, in ABD 5, D.N. Freedman (ed.), New York, 1992, 926- 931.
Hoppe, L.J.,  “Israel, History of (Monarchic Period)”, in ABD 3, D.N. Freedman (ed.), New York, 1992, 559-567.
Jeremias, J., Jerusalem in the Time of Jesus. An Investigation into Economic and Social Conditions during the New Testament Period, London, 1969.
McKenzie, J.L., Dictionary of the Bible, London, 1968.
Purvis, J.D., “Samaria (Place)”, in ABD 5, D.N. Freedman (ed.), New York, 1992, 914-921.

Ngày 03 tháng 09 năm 2012
Nt. Ma-ri-a Đỗ Thị Yến

http://kinhthanhchomoinguoi.org/entrydetail/79

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét