Trang

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Lời Chúa Mỗi Ngày Ngày 29 tháng 12 BNGS



Thinh Lặng Chiêm Ngắm Máng Cỏ

Thi hào người Tây Ban Nha Migele des Punamuno, sinh năm 1864 và qua đời năm 1936 có để lại dòng suy tư sau đây:
Báo chí không hề đá động đến cuộc sống âm thầm của những người không làm nên lịch sử. Hằng ngày, từng giờ trên khắp thế giới, cứ mỗi khi mặt trời lên, họ lại thức giấc ra đồng để làm công việc âm thầm và tăm tối mỗi ngày và muôn thuở. Một công việc như thế cũng giống như công việc của những tảng san hô chìm sâu giữa lòng đại dương. Ðây là công việc xây nền đắp móng để cho những hòn đảo của lịch sử được nhô lên. Chính trong thinh lặng mà âm thanh mới được sống lọt. Chính từ cái khối người bao la thinh lặng ấy mới trồi lên được những người có tiếng nói trong lịch sử.
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến,
Những dòng suy tư trên đây của thi hào Migele des Punamuno không thể không gợi lên cho chúng ta khung cảnh thinh lặng trong máng cỏ, nơi Hài Nhi Giêsu đang ngủ say dưới ánh mắt chiêm ngắm của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Thinh lặng là luật của máng cỏ. Cả ba nhân vật mà chúng ta chiêm ngắm bên máng cỏ đều thinh lặng.
Quả thực, nếu đặt vào trong cuộc sống 33 năm của Ngài, thì phần lớn quãng đời của Ngài chỉ là thinh lặng. Là Lời của Thiên Chúa ngỏ với con người. Chúa Giêsu nói bằng thinh lặng nhiều hơn bằng những lời rao giảng của Ngài. Phải chăng cũng chỉ trong thinh lặng mà con người mới có thể nghe được lời của Chúa. Thinh lặng cũng là luật sống của Mẹ Maria. Thánh Luca đã tóm gọn cuộc sống của Mẹ trong câu: Và Mẹ Maria đã ghi nhớ tất cả mọi sự và suy niệm trong lòng. Nếu Tin Mừng còn ghi lại một vài câu nói của Mẹ Maria thì tất nhiên hoàn toàn thinh lặng là những lời phát biểu của Thánh Cả Giuse. Ngay giữa lúc được thiên thần hiện đến trong giấc mộng để báo tin về Mẹ Maria cưu mang Ngôi Hai Thiên Chúa. Thánh Giuse xem chừng cũng không nói một lời nào, và nhất là Ngài cũng âm thầm biến khỏi cuộc đời còn lại của Mẹ Maria và Chúa Giêsu lúc nào cũng không ai hay biết.
Thánh Cả Giuse quả là vị thánh của thinh lặng. Chiêm ngắm Chúa Hài Nhi bên cạnh Mẹ Maria và thánh cả Giuse có lẽ chúng ta cũng được mời gọi để sống thinh lặng. Chỉ trong thinh lặng của máng cỏ chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của cuộc sống âm thầm từng ngày của chúng ta. Chúng ta thuộc về cái khối người thinh lặng bao la, ngày ngày lặng lẽ sống mà không hề được ai nhắc tới. Không được ai nhắc tới nhưng nếu không có cái khối người âm thầm lặng lẽ ấy thì cũng chẳng bao giờ có lịch sử. Thi hào Migele des Punamuno gợi lên cho chúng ta hình ảnh cái khối san hô chìm sâu dưới lòng đại dương. Ngày qua ngày, trong âm thầm lặng lẽ, khối san hô ấy tích tụ lớn dần và trổi lên thành những hòn đảo xanh tươi giữa lòng đại dương. Lịch sử nhân loại được hình thành từ những công lao âm thầm của khối người vô danh mà mỗi người chúng ta là thành phần. Như hạt giống được âm thầm gieo vào lòng đất, những vất vả phấn đấu và khổ đau từng ngày của chúng ta là nền móng vững chắc cho lịch sử của nhân loại được hình thành và tiến tới. Chỉ trong niềm tin, chúng ta mới nhận ra được những đóng góp âm thầm ấy. Chỉ trong ánh sáng của máng cỏ chúng ta mới nhìn thấy được giá trị của những hy sinh âm thầm của con người. Chỉ trong thinh lặng của máng cỏ, chúng ta mới lắng nghe được những hạt giống của tin yêu và hy vọng đang nảy mầm.
Lạy Chúa, xin cho ánh sáng của mầu nhiệm nhập thể chiếu rọi vào tâm trí của chúng con. Và nhờ những thực tại chóng qua ở đời này, chúng con biết nhận ra những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời.
Xin cho những hạt giống chúng con âm thầm gieo vải từng ngày được trổ bông chín vàng trong ngày mùa sau hết. Amen.
 (Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 29 tháng 12 BNGS
Bài đọc: I Jn 2:3-11; Lk 2:22-35.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Biết Thiên Chúa là bước đi trong đường lối của Ngài.

Quan niệm về “biết” của người Việt-Nam gần gũi với người Do-Thái hơn Hy-Lạp. Người Hy-Lạp quan niệm biết là họat động của tri thức, trong khi người Do-Thái quan niệm biết phải ảnh hưởng đến đời sống. Người Việt-Nam chúng ta quan niệm “tri hành phải đồng nhất” thì mới mang lại kết quả tốt đẹp cho con người, và chúng ta đặt tầm quan trọng trên việc làm hơn là lời nói: “lời nói mới lung lay, nhưng gương bày lôi kéo.” Biết mà không làm, có lợi chi đâu?
Các Bài đọc hôm nay đặt trọng tâm vào việc biết Thiên Chúa là phải bước đi trong đường lối của Người. Trong Bài đọc I, Thánh Gioan làm sáng tỏ quan niệm “biết Thiên Chúa” cho người Hy-Lạp. Theo ngài, biết Thiên Chúa không phải chỉ thuần tri thức, nhưng liên quan đến đời sống luân lý của người tin. Ngài quả quyết: “Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy.” Trong Phúc Âm, Thánh Luca nêu lên những tấm gương của những người biết và sống theo đường lối của Thiên Chúa: Thánh Giuse, Đức Mẹ Maria, và cụ già Simeon.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ai nói rằng mình ở lại trong Người, thì phải đi trên con đường Đức Giêsu đã đi.
1.1/ Hai lối hiểu biết khác nhau: Khi Kitô Giáo vượt qua lãnh thổ Do-Thái tràn vào Hy-Lạp, Thánh-sử Gioan phải đương đầu với sự hiểu biết và lý luận của người Hy-Lạp; một trong những điều ngài phải làm sáng tỏ là quan niệm “biết Thiên Chúa.”
(1) Theo Hy-Lạp: Biết Thiên Chúa là lãnh vực của trí tuệ, chứ không phải là lãnh vực của luân lý; vì thế, một người có thể nói mình biết Thiên Chúa mà không cần giữ giới răn của Ngài. Đối với người Hy-Lạp, con người có thể tự mình giải thóat bằng kiến thức và suy luận (Gnosticism, chủ thuyết thuần tri thức).
(2) Theo Do-Thái: Biết Thiên Chúa là bước đi theo đường lối của Ngài, là giữ cẩn thận các giới răn của Ngài. Đó là lý do tại sao ngài cắt nghĩa: “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa. Ai nói rằng mình ở lại trong Người, thì phải đi trên con đường Đức Giêsu đã đi.”

1.2/ Giới răn yêu thương vừa cũ vừa mới: “Anh em thân mến, đây không phải là một điều răn mới tôi viết cho anh em, nhưng là một điều răn cũ mà anh em đã có ngay từ lúc khởi đầu. Điều răn cũ ấy là lời mà anh em đã nghe. Nhưng đó cũng là một điều răn mới tôi viết cho anh em, điều ấy thật là thế nơi Đức Giêsu và nơi anh em, bởi vì bóng tối đang qua đi và ánh sáng thật đã tỏ rạng.”
(1) Là giới răn cũ: vì đã được nhắc tới ngay từ đầu. Sách Levi có giới răn này: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lev 18:19).
(2) Là giới răn mới: vì được thực hiện bởi Đức Kitô (Jn 13:34). Có những cái cũ, nhưng trở nên mới vì người thực hành nó; chẳng hạn, bài nhạc cũ nhưng được trình bày theo lối mới. Cũng vậy, khi Đức Kitô sống giới răn yêu thương, Ngài mở ra cho con người một chân trời hòan tòan mới. Ngài mở rộng giới răn yêu thương tới tội nhân và kẻ thù. Ngài dạy: “không có tình yêu nào cao quí cho bằng tình yêu của người dám thí mạng sống cho người mình yêu.” Ngài đã đi trước làm gương cho con người bằng cái chết trên Thập Giá.

1.3/ Ánh sáng và bóng tối: Thánh Gioan đồng nhất:
- Ánh sáng là yêu thương: “Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm.”
- Bóng tối là hận thù: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối... Ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng.”

2/ Phúc Âm: Các mẫu gương của những người sống theo đường lối của Thiên Chúa.
2.1/ Gia Đình Thánh tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa: Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Moses, Bà Maria và Ông Giuse đem con lên Jerusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa," và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.

2.2/ Ông Simeon tin vào Lời Thiên Chúa hứa và sự thúc đẩy của Thánh Thần.
(1) Ông Simeon là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thánh Thần thúc đẩy, ông lên Đền Thờ.
(2) Lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới, ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: "Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài."

2.3/ Ông Simeon nói tiên tri:
(1) Về con trẻ: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng dậy. Cháu còn là mục tiêu cho người đời chống đối; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.” Nhiều người bị ngã xuống hay được đứng dậy là hòan tòan tùy thuộc vào phản ứng của họ đối với Đức Kitô. Trong cuộc đời của Chúa, người bị ngã xuống là phần đông là các Kinh-sư và Biệt-phái, vì họ từ chối không tin và luôn tìm cách bắt bẻ và tiêu diệt Ngài. Những người được đứng dậy là các người thu thuế, gái điếm, và dân ngọai; tuy bị coi là tội lỗi, nhưng khi được Chúa tỏ lòng thương xót, họ đã ăn năn và tin vào Ngài.
(2) Về Mẹ Maria: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà." Cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời của Mẹ; đau khổ của Con là của Mẹ. Mẹ Maria đã đồng hành với con từ lúc sinh ra trong máng cỏ cho tới lúc sinh thì tên Thập Giá.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải chứng minh việc biết Thiên Chúa bằng đời sống chứng nhân: tuân giữ những gì Thiên Chúa truyền dạy.
- Giới răn quan trọng nhất Thiên Chúa dạy chúng ta là “mến Chúa yêu người.” Chúng ta không chỉ biết giới răn này, nhưng phải mang ra áp dụng trong cuộc đời và với mọi người.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét