Trang

Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Bài 1: ĐƯỢC DỰNG NÊN ĐỂ CHUNG HƯỞNG NIỀM VUI - Giáo lý chuẩn bị Đại Hội các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia 2015

Bài 1: ĐƯỢC DỰNG NÊN ĐỂ CHUNG HƯỞNG NIỀM VUI - Giáo lý chuẩn bị Đại Hội các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia 2015

 
TÌNH YÊU LÀ SỨ MỆNH CỦA CHÚNG TA
Giáo lý chuẩn bị Đại Hội các Gia Đình Thế Giới
tại Philadelphia 2015

BÀI MỘT
 
ĐƯỢC DỰNG NÊN ĐỂ CHUNG HƯỞNG NIỀM VUI

 
Con người chúng ta không chỉ là một tồn tại ngẫu nhiên của cuộc tiến hóa. Chúng ta có phẩm giá cao trọng còn hơn một xác thể tổng hợp về sinh học. Thiên Chúa hiện hữu. Ngài nhân lành. Ngài yêu thương chúng ta. Ngài tạo dựng chúng ta giống hình ảnh Ngài để chia sẻ niềm vui với Ngài. Ngài tích cực can dự vào cuộc sống chúng ta. Ngài đã sai Con Một của Ngài đến thế gian để khôi phục lại phẩm giá và dẫn đưa chúng ta về Nhà với Ngài.
Một hoạch định Sống và Tình Yêu hằng nâng đỡ chúng ta
1. Giáo huấn công giáo về hôn nhân và gia đình bắt nguồn từ tâm điểm của đức tin chúng ta. Do vậy, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách nhìn lại tiến trình lịch sử của Hội thánh. Thiên Chúa của chúng ta không phải là Đấng ở quá xa vời không chạm tới được. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu chính là nguồn mạch của đức cậy trông, đức tin, đức mến và là nguồn vui làm sinh động đời sống gia đình công giáo. Đức Giêsu chính là nền tảng, dựa vào đó chúng ta có thể tin tưởng vào sự khôn ngoan của đức tin công giáo. Mọi điều được trình bày trong các bài giáo lý này đều xuất phát từ chính Đức Giêsu[1].

2. Như gần đây Đức Thánh Cha Phanxicô nói về đời sống hôn nhân: “Triển vọng về một tình yêu vĩnh cửu có thể thành hiện thực khi chúng ta đón nhận một kế hoạch vĩ đại hơn những gì bản thân ta tưởng nghĩ và đảm nhận, một kế hoạch hằng nâng đỡ và giúp chúng ta can đảm phó thác trọn vẹn tương lai của chúng ta cho Đấng chúng ta yêu mến”[2]. Nhưng chúng ta lại đang sống trong một thời đại mà con người thế gian thường hay hoài nghi về bất cứ kế hoạch vĩ đại nào hay ý nghĩa cao cả  vượt trên những kinh nghiệm của con người. Đối với nhiều người, thì con người chẳng qua chỉ là một tồn tại ngẫu nhiên của tiến hóa, là một tập hợp các nguyên tử carbon với một thái độ nào đó. Nói cách khác, nhiều người cho rằng, chúng ta không có một cùng đích nào cao trọng hơn những ý nghĩa do chính chúng ta tự tạo ra cho mình.

3. Trong một kỉ nguyên của công nghệ cao cấp và vật chất dồi dào như hiện nay, lối lí luận vô thần như thế có thể được tán dương. Nhưng chung cuộc, đó là một tầm nhìn quá hạn hẹp về con người của chúng ta, nam cũng như nữ. Lối tư duy ấy làm tổn hại nhân phẩm. Nó làm cho những linh hồn vốn đang đói còn phải chết đói. Lý luận như thế là không đúng.

4. Thực vậy, chúng ta luôn khao khát ý nghĩa cuộc sống. Khao khát về cùng đích cuộc đời là một kinh nghiệm nhân bản phổ quát. Con người luôn trăn trở với những vấn đề cơ bản như: “Tôi là ai?”, “Tại sao tôi có mặt ở đây?”, “Tôi phải sống như thế nào?”. Đức tin Kitô giáo xuất hiện ở vùng Địa Trung Hải cổ xưa nơi pha trộn các nền văn hóa Hi lạp, La mã, Do Thái và các nền văn hóa khác nữa. Đó là một thế giới mà những giải đáp khác nhau cho vấn đề cơ bản của cuộc sống đang đấu tranh để chiếm ưu thế.

5. Hoàn cảnh của chúng ta ngày nay cũng giống như thế. Giống như trong thế giới xưa kia, các nền văn hóa ngày nay chồng lấp và thấm nhập lẫn vào nhau. Hiện nay, nhiều triết thuyết về cuộc sống đang đua nhau cống hiến những cách nhìn khác nhau về câu hỏi này: Điều gì làm cho cuộc sống con người được hạnh phúc? Trong lúc đó, đau khổ và nghèo đói thì đầy dẫy, và trong một số nền văn hóa cũng lan tràn thái độ hoài nghi yếm thế đối với bất cứ một tôn giáo hoặc một triết thuyết nào muốn cống hiến chân lý toàn diện và trói buộc người ta.

6. Thời đại của chúng ta là một thời đại rối rắm với nhiều giải đáp dị biệt như thế. Ngày nay, có nhiều người thành tâm tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống, nhưng chẳng biết phải đặt niềm tin vào ai và giao phó phận đời mình ở đâu.

7. Giữa tình trạng đầy những ngổn ngang ngờ vực như vậy, các Kitô hữu là những người tin vào Đức Giêsu Kitô[3]. Dẫu cho lịch sử nhân loại còn mập mờ, nhưng con đường vui mừng và hy vọng, yêu thương và phục vụ của đạo công giáo lại cắm rễ sâu trong cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu. Như thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố trong Thông điệp đầu tiên của ngài: “Trong lịch sử nhân loại, mạc khải về tình yêu và lòng thương xót đã được mang một hình hài và một danh tánh, đó là Đức Giêsu Kitô”[4]. Mọi sự đều phát xuất từ đó. Đức Giêsu Kitô là nền tảng của đức tin Kitô giáo[5].

Đức Giêsu mạc khải Thiên Chúa, và kế hoạch bắt đầu được tỏ lộ


8. Trong Thánh kinh, Đức Giêsu hỏi các môn đệ của mình: “Các con bảo Thầy là ai?” (Mt16,13-20). Lịch sử nhân loại hai ngàn năm qua đã đưa ra câu trả lời. Còn các Kitô hữu, sau khi đã gặp gỡ Chúa Giêsu bằng những phương cách khác nhau (qua chứng từ của các thánh và các tông đồ, qua Thánh kinh và Bí tích, qua cầu nguyện và việc phục vụ người nghèo, qua việc thờ phượng và qua bạn hữu, gia đình) họ có thể tín thác vào Đức Giêsu, và cùng với thánh Phêrô tuyên xưng rằng: “Thầy là Đấng Messia, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).

9. Trong số những điều Chúa Giêsu đã làm trên trần thế, có việc Ngài đã phải chịu đau khổ nhưng vẫn kiên trì trong yêu thương: Ngài đã chịu đóng đinh do tay người phàm và đã sống lại trong khải hoàn chiến thắng sự chết. Vì chính Thiên Chúa đã chịu đau khổ trong cuộc sống đời thường, nên người Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa không xa cách với thân phận con người. Chúng ta cũng không tin vào một vị thần linh có tính thất thường, hoặc tin một thứ thần linh thường cạnh tranh với con người. Thiên Chúa mà chúng ta tin thờ, luôn mong ước chúng ta được triển nở. Nhờ Đức Giêsu Kitô, Người Công giáo luôn tin tưởng vào tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn giải trong Thông điệp đầu tiên của ngài:
Đối với những kẻ đang đau khổ, Thiên Chúa không trưng dẫn những lí chứng để giải thích hết mọi sự. Nhưng hơn thế, lời đáp trả của Ngài chính là sự hiện diện đồng hành, một lịch sử của lòng nhân từ chạm đến từng số phận đau khổ, và mở ra một ánh sáng chói ngời. Trong Đức Kitô, chính Thiên Chúa ao ước được chia sẻ bước đường này với chúng ta, và luôn đưa mắt nhìn đến chúng ta để chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng chiếu trên bước đường ấy. Chính Đức Kitô, nhờ kiên vững trong đau khổ, đã trở nên người khai mở và người kiện toàn đức tin chúng ta”[6].

10. Theo một nghĩa nào đó, có thể nói rằng, toàn bộ thần học Kitô giáo là một chú giải về sự kiện Thiên Chúa làm người, chết và trỗi dậy. Sự hiện diện của Thiên Chúa với thân xác con người nơi Đức Giêsu, hàm ý Đấng Tạo dựng siêu việt của thế giới này cũng là người Cha của chúng ta, hiện diện nội tại trong thế giới, rất thân tình và dịu dàng. Thiên Chúa Ba Ngôi luôn là một mầu nhiệm vô biên, thế nhưng, chính Thiên Chúa cũng đã làm một con người cụ thể trong một thời gian và một nơi chốn nhất định. Thiên Chúa đã trở nên mỏng manh bé bỏng như một hài nhi nằm trong máng cỏ hoặc một con người bị treo trên thập giá. Đức Giêsu đã dạy dỗ và nói năng, cười vui và khóc lóc. Cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người cho ta hiểu rằng, mặc dù Thiên Chúa vô cùng mầu nhiệm, nhưng Người lại không mờ ảo xa vời. Chính Chúa Giêsu khiến cho chúng ta có thể nói về Thiên Chúa và về sự thật thần linh một cách thâm tín.

11. Chúa Giêsu nói về mình như là Con của Đức Chúa Cha, và cùng với Đức Chúa Cha, Người lại sai Thánh Thần của Người đến ở cùng dân Người. Do đó, từ nơi Người, chúng ta được biết bản tính của Thiên Chúa là sự hiệp thông vĩnh cửu giữa Ba Ngôi vị thần linh, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Qua bí tích Rửa tội cho ta gia nhập vào Hội thánh, Chúa Giêsu mời gọi mọi người thông phần vào Giao ước của Thiên Chúa và tham dự vào mầu nhiệm hiệp thông thần linh. Lịch sử của dân Israel, và sau này lịch sử của Hội thánh Chúa, là một lịch sử có ý nghĩa phổ quát, vì nó mời gọi mọi người sống với tư cách là dân Thiên Chúa và thông dự vào sự hiệp thông thần linh.

Đức Giêsu mạc khải căn tính và số phận của con người
12. Đức Giêsu mạc khải cho ta biết Thiên Chúa là ai, đồng thời cũng cho biết Thiên Chúa yêu thương chúng ta và luôn muốn vươn tới gần chúng ta. Nhưng Đức Giêsu cũng mạc khải con người là ai. Công Đồng Vatican II, khi nói về Đức Giêsu với tư cách là “Ngôi Lời” của Thiên Chúa, dạy rằng: “Sự thật là chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể mầu nhiệm về con người mới được phơi bày ra ánh sáng”[7]. Chính trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta mới có thể học biết được sự thật về chính chúng ta. Sự thật đó, chúng ta không thể sáng tạo cũng không thể hiểu khác đi. Thánh kinh cũng đã từng đề cập: “Sự sống của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô” (Cl 3,3). Người công giáo tin rằng Thiên Chúa yêu thương thế gian (Ga 3,16), đến nỗi thay vì Thiên Chúa để chúng ta sống trong sự hiểu biết mơ hồ, Ngài đã mặc lấy xác phàm nhân để mạc khải cho con người biết Thiên Chúa là ai và con người là ai. Công Đồng Vatican II giải thích:
Lý do nền tảng của nhân phẩm là ở chỗ con người được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa. Ngay từ khởi thủy, con người đã được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa. Bởi vì con người sẽ không hiện hữu nếu không được tạo dựng vì yêu thương và luôn luôn được gìn giữ cũng vì yêu thương. Và hơn nữa, con người chỉ sống trọn vẹn theo sự thật khi tự do nhìn nhận tình yêu ấy và hiến dâng bản thân cho ĐấngTạo Dựng nên mình[8].
Dịp Đại hội Gia đình Thế giới vừa qua tại Milan năm 2012, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng đã nhấn mạnh: “Chính tình yêu đã làm cho con người trở thành hình ảnh đích thực của Ba Ngôi Chí Thánh, hình ảnh của Thiên Chúa[9].

13. Cụm từ “Hình ảnh của Thiên Chúa” xuất xứ từ sách Sáng Thế (St 1,26-27; 5,1; và 9,6). Nó gợi lên ý tưởng là mỗi ngôi vị cá thể thật sự quí giá, có phẩm giá duy nhất và không thể giản lược. Có thể chúng ta lạm dụng hoặc sử dụng người khác hoặc chính bản thân mình, nhưng chúng ta không thể xóa bỏ sự thật này, là Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta như thế đó. Phẩm giá cơ bản của chúng ta không dựa trên sự thành công hay thất bại. Lòng nhân từ và Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta trổi vượt và cơ bản hơn rất nhiều tội lỗi con người. Hình ảnh của Thiên Chúa luôn ngự trị trong ta, cho dẫu chúng ta có làm gì khiến hình ảnh ấy bị lu mờ. Được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, điều đó có nghĩa là niềm vui và sự viên mãn đích thực của chúng ta hệ tại ở việc chúng ta có hiểu biết, yêu mến và phục vụ lẫn nhau như Thiên Chúa đã làm hay không.

14. Nói về con người, nam cũng như nữ, được tạo dựng theo “hình ảnh của Thiên Chúa”, điều đó có nghĩa là chúng ta không thể nói đến nhân bản mà lại không qui chiếu về Thiên Chúa. Nếu bản tính của Thiên Chúa là Ba Ngôi thông hiệp (giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần) và nếu chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh đó, thì bản tính của chúng ta phải là tùy thuộc lẫn nhau. Là người, chúng ta cần sống hiệp thông với nhau[10]. “Là một người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài, thì phải hiện hữu trong tương quan, tương quan với một cái “Tôi” khác”[11]. Chúng ta hiện hữu cần có nhau, và cần có Thiên Chúa. Chúng ta cần ai đó để yêu thương và cần ai đó để yêu thương ta. Để sống đúng với bản tính được dựng nên, ta phải tự trao hiến chính mình cho người lân cận. “Làm một con người đúng nghĩa chỉ khi ‘chân thành tự hiến mình’.  Khuôn mẫu để hiểu về con người như thế là chính Thiên Chúa với tư cách như là Ba Ngôi, là sự hiệp thông giữa các Ngôi Vị. Nói rằng, con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, có nghĩa là con người được mời gọi hiện hữu ‘cho’ tha nhân, được mời gọi trở thành một tặng phẩm hiến trao”[12]. Để cứu lấy sự sống mình, chúng ta phải chịu mất mạng sống ấy vì Chúa (Mt 10,39; 16,25). Quan điểm thần học về nhân vị như thế phải là nền tảng cho toàn bộ thần học luân lý, trong đó có giáo huấn Hội thánh công giáo về gia đình.

15. Chúng ta có thể rơi vào ảo tưởng của sự tự mãn. Thế nhưng chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa – và nếu chúng ta muốn sống tư cách làm con cái Thiên Chúa  đúng như bản chất thật của chúng ta, ta phải đón nhận lời kêu gọi của Thiên Chúa là yêu mến Chúa và yêu người lân cận. Cũng như Chúa Giêsu đã mạc khải bản tính của Thiên Chúa qua tình yêu và  hy sinh, thì cũng vậy, chúng ta cần phải chấp nhận nhân tính đích thực của ta cách sâu xa hơn, bằng cách sống những tương quan yêu thương và phục vụ đối với tha nhân và thờ phượng Thiên Chúa.

16. Trong khi bàn luận về phẩm giá con người, Công Đồng Vatican II đã lưu ý có nhiều người vô thần cho rằng “chỉ cần lí luận khoa học không thôi” cũng đủ để chỉ bảo cho chúng ta mọi điều chúng ta cần biết về chính mình, không cần phải qui chiếu về bất cứ sự gì bên ngoài thế giới tự nhiên này[13]. Nhưng người công giáo cho rằng thần học mới là cốt yếu cho nhân học. Nói cách khác, chúng ta tin rằng hiểu biết về Thiên Chúa và ý định của Ngài trong công trình tạo dựng là điều rất thiết yếu cho bất luận tri thức đầy đủ nào về con người. Người công giáo tin rằng việc Thiên Chúa tự mạc khải chính mình trong Đức Giêsu đưa chúng ta trở về với chính mình, mạc khải sự thật chúng ta là ai, đồng thời tỏ lộ cho ta biết (cách hết sức cơ bản) rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa là nền tảng cho căn tính của chúng ta, tình yêu ấy cơ bản  hơn bất cứ âu lo, tham vọng hay vấn nạn nào chúng ta gặp phải. Như Thánh Gioan Phaolô II đã dạy lúc đầu triều đại giáo hoàng của ngài: “Nếu như con người mong muốn tìm hiểu cặn kẽ về chính mình (mà không chiều theo những tiêu chuẩn và thước đo của mình, vốn có tính nhất thời, thiên tư, thường nông cạn và có khi ảo tưởng) nhất thiết nó phải đến gần Đức Kitô, dù đang xáo động, hoang mang, và thậm chí có yếu đuối và tội lỗi”[14].

17. Khi giảng dạy về hôn nhân, chính Chúa Giêsu qui chiếu về kế hoạch và ý định của Thiên Chúa về công trình tạo dựng. Khi những người Pharisêu thách thức hỏi Chúa Giêsu về vấn đề ly dị, câu trả lời của Người nhắc chúng ta rằng Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ, và đôi vợ chồng trở thành một xương một thịt (Mt 19,3-12; Mc 10,2-12)[15]. Cũng vậy, khi Thánh tông đồ Phaolô viết thư cho các tín hữu thành Côrintô nói về đạo đức tính dục, ngài nhắc họ nhớ về sự kết hợp nên một xương một thịt giữa người nam và người nữ trong công trình tạo dựng (1Cr 6,16). Khi ngài viết cho các tín hữu Êphêsô về đạo vợ chồng, một lần nữa ngài nhắc họ sự kết hợp nên một này, và bảo họ rằng đó là một “mầu nhiệm sâu thẳm” muốn nói về Đức Kitô và Hội thánh (Ep 5,32). Khi viết thư cho Hội thánh tại Rôma, ngài nói đến bản tính và ý định của Thiên Chúa được mạc khải trong tạo thành, và ngài cũng đề cập đến nhiều thứ tội (gồm cả tội về tính dục) những tội ấy đều xuất phát từ sự không nhận biết Thiên Chúa (Rm 1,8-32).

Yêu thương là sứ mệnh của gia đình
18. Đến đây ta cần giải thích rõ lý do tại sao “Yêu thương là sứ mệnh của chúng ta” là chủ đề cho Đại hội các Gia đình Thế giới năm 2015. Một trong những tài liệu của giáo hoàng rất quan trọng của thế kỷ 20 nói về chủ đề đời sống gia đình ( Familiaris Consortio, do thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II biên soạn) đã tóm tắt giáo huấn Hội thánh Công giáo về bản tính của Thiên Chúa và con người xác định ta phải sống thế nào cho phù hợp với đức tin công giáo:
Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh và giống như Ngài. Khi vì yêu thương mà kêu gọi con người bước vào cuộc sống, Ngài cũng đồng thời kêu gọi họ sống cho tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu và nơi chính mình Ngài, Ngài đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu giữa các ngôi vị. Khi tạo dựng loài người theo hình ảnh Ngài và liên lỉ bảo tồn nó luôn hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào nhân tính của người nam và người nữ, ơn gọi cũng như cả khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời  gọi con người sống yêu thương và hiệp thông. Như vậy, tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người[16].
Tình yêu Thiên Chúa không bao giờ ngừng mời gọi chúng ta. Chúng ta không thể coi thường lời mời gọi này. Chúng ta đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Cho dẫu con người đã thực sự phạm tội, nhưng ơn gọi tiềm ẩn trong tạo thành vẫn không bao giờ có thể bị xóa mất.

19. Cái nhìn của Công giáo về hôn nhân, gia đình và tính dục thuộc về một sứ mệnh lớn lao hơn. Đó là phải sống như thế nào để tình yêu Thiên Chúa được tỏ hiện và chiếu giải; sống sứ mệnh này sẽ làm cho cuộc sống thường nhật của chúng ta trở nên sinh động với niềm vui của Thiên Chúa. Toàn thể con người (thân xác và linh hồn, giới tính nam và nữ với tất cả những hệ lụy kèm theo) đều được Thiên Chúa mời gọi can dự vào. Phụ đề của Đại hội Gia đình Thế giới lần này là “Gia đình được sống dồi dào” có lý do chính đáng. Gia đình được sống dồi dào nhất khi chúng ta đảm nhận lấy lời mời gọi của Thiên Chúa làm con cái như Ngài mong ước khi tạo dựng chúng ta.

20. Thời đại của chúng ta là một thời đại rối rắm và bất trắc. Đức Giêsu Kitô là một cứ điểm chắc chắn cho ta đặt niềm tin cậy. Phẩm giá con người được bảo đảm vững chắc nơi Đức Giêsu, Đấng Thiên Chúa làm người. Đức Giêsu mạc khải cho ta biết Thiên Chúa là ai và chúng ta là ai. Nơi Đức Giêsu, chúng ta gặp một Thiên Chúa luôn muốn gần gũi chúng ta, Đấng tạo dựng sự hiệp thông và mời gọi chúng ta chia sẻ niềm vui với Ngài. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi hiệp thông với Ngài và với nhau. Tình yêu này là cùng đích và định hình cho mọi khía cạnh của cuộc sống con người, bao gồm gia đình.

CÂU HỎI THẢO LUẬN

a) Điều gì nơi Đức Giêsu làm cho Người đáng tin cậy?
b) Điều gì trong cuộc đời của anh chị làm anh chị xa rời Đức Giêsu? Điều gì giúp anh chị trở nên thân thiết hơn hoặc thâm chí thâm tình hơn với Người?
c) “Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa” có nghĩa là gì? Có thể hiểu biết căn tính con người mà không cần có Thiên Chúa không? Tại sao không hoặc tại sao có?
d) “Yêu thương là sứ mệnh của chúng ta” là chủ đề của các bài giáo lý này. “Tình yêu” có nghĩa gì trong cuộc sống của anh chị? Một sứ mệnh yêu thương có thể ảnh hưởng thế nào đến những chọn lựa, những ưu tiên và ước vọng của anh chị?
***************************

[1] Cf. Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG) (1992), 425-427.
[2] ĐGH Phanxicô, Tđ. Lumen Fidei (Ánh sáng Đức tin) (LF) (2013), 52.
[3] Cf. LF 57.
[4] ĐGH Gioan Phaolô II, Tđ. Redemptor Hominis (Đấng Cứu Chuộc Con người) (RH) (1979), 9.
[5] Cf. GLHTCG, 426.
[6] LF, 57. Cf. Dt 12, 2.
[7] CĐ Vatican II, Hc mục vụ Gaudium et spes (Vui mừng và Hi vọng) (GS) (1965), 22.
[8] GS, 19.
[9] ĐGH Bênêđictô XVI, “Bài giảng thánh lễ”, Đại hội Gia đình Thê giới lần thứ VII, Milanô, 02/06/2012.
[10] GLHTCG, 2331.
[11] ĐGH Gioan-Phaolô II, Tông thư Mulieris Dignitatem (Phẩm giá người phụ nữ) (MD) (1988), 7.
[12] MD, 7.
[13] GS, 19.
[14] RH, 10.
[15] Cf. St 1,26-27; 2,24.
[16] ĐGH Gioan Phaolô II, TH. Familiaris Consortio (FC) (1981), 11. Cf. St 1,26-27; 1Ga 4,8; và GS 12.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét