VUI HỌC THÁNH KINH
HỌC HỎI LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 5 TN NĂM B
Mc 1,29-39
I. TIN MỪNG
29 Vừa ra
khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có
ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo.30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang
lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của
bà.31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ
các ngài.
32 Chiều
đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến
cho Người.33 Cả thành xúm lại trước cửa.34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc
đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người
là ai.
35 Sáng
sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện
ở đó.36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm.37 Khi gặp Người, các ông thưa:
"Mọi người đang tìm Thầy đấy! "38 Người bảo các ông: "Chúng ta
hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa,
vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó."39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao
giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.
29 On leaving the synagogue he entered the house of Simon and
Andrew with James and John.
30 Simon's mother-in-law lay sick with a fever. They immediately
told him about her.
31 He approached, grasped her hand, and helped her up. Then the
fever left her and she waited on them.
32 When it was evening, after sunset, they brought to him all
who were ill or possessed by demons.
33 The whole town was gathered at the door.
34 He cured many who were sick with various diseases, and he
drove out many demons, not permitting them to speak because they knew him.
35 Rising very early before dawn, he left and went off to a
deserted place, where he prayed.
36 Simon and those who were with him pursued him37 and on
finding him said, "Everyone is looking for you."
38 He told them, "Let us go on to the nearby villages that
I may preach there also. For this purpose have I come."
39 So he went into their synagogues, preaching and driving out
demons throughout the whole of Galilee .
II. TRẮC NGHIỆM
01. Mẹ vợ của ông Simon bị bệnh gì? (Mc 1,30)
a. Phong
hủi
b. Huyết
trắng
c. Câm
d. Sốt
02. Đức Giêsu đi khắp miền Galilê để làm gì? (Mc
1,39)
a. Rao
giảng trong các Hội Đường.
b. Trừ
quỷ.
c. Làm
phép rửa cho mọi người.
d. Chỉ a
và b đúng
03. Hội Đường của người Do thái thường được sử
dụng làm gì?
a. Nơi cầu
nguyện.
b. Đọc Sách
Thánh và diễn giảng Sách Thánh.
c. Nơi
chữa bệnh.
d. Chỉ có
a và b đúng.
04. Chúa Giêsu không cho quỷ nói, vì chúng biết
Người là ai?
a. Đấng Kitô.
b. Con
Thiên Chúa .
c. Đấng giải phóng dân tộc Do thái khỏi ách nô lệ của đế quốc La
mã.
d. Chỉ có
a và b đúng.
05. Tại sao Chúa Giêsu phải cầu nguyện?
a. Xét theo bản tính nhân loại, Chúa Giêsu phải cầu nguyện để chứng
tỏ những gì Ngài làm đều phát xuất từ ý muốn của Chúa Cha.
b. Chúa
Giêsu làm gương cho chúng ta noi theo.
c. Chúa Giêsu nhắc nhở cho chúng ta rằng mọi việc chúng ta làm hay
nói để được tốt đẹp cần có Chúa giúp.
d. Cả a, b
và c đúng.
06. Việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật và trừ ma
quỷ có ý nghĩa gì?
a. Cứu chữa
thể xác con người.
b. Dấu chỉ
Ngài là Đấng Thiên Sai.
c. Củng cố
niềm tin cho các môn đệ và dân chúng vào
sứ mạng cứu thế của Ngài.
d. Cả a, b
và c đúng.
07. Tại sao Thiên Chúa không dẹp tan mọi đau khổ
bệnh tật cho con người?
a. Đau khổ
cần cho con người.
b. Đau khổ
là trường rèn luyện nhân cách.
c. Đau khổ
giúp ta biết hiệp thông vào cuộc khổ nạn
của
Chúa.
d. Cả a, b
và c đúng.
III. CÂU THÁNH KINH HỌC THUỘC LÒNG
Đức Giêsu
chữa
nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ
nhiều quỷ.
Tin Mừng thánh Máccô 1,34a
Lời giải đáp
CÙNG HỌC HỎI LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 5 TN NĂM B
Mc 1,29-39
II. TRẮC NGHIỆM
01. d. Sốt
02. d. Chỉ a và b đúng
03. d. Chỉ có a và b đúng.
04.
d.
Chỉ có a và b đúng.
05.
d.
Cả a, b và c đúng.
06. d. Cả a, b và c đúng.
07. d. Cả a, b và c đúng.
GB. NGUYỄN THÁI HÙNG
“Đức Giêsu, Thầy thuốc của tâm hồn”
Lm. Giuse Phạm Quốc Phong
Đoạn Tin
Mừng theo Thánh Marcô giới thiệu cho chúng ta chân dung một vị Thầy thuốc tài
ba và tốt lành. Chúa Giêsu chữa tất cả những người bệnh đến với Ngài. Chúng ta
biết rằng, theo văn hóa của người Do Thái, bệnh tật được gắn liền với tội lỗi,
nghĩa là người Do Thái quan niệm và tin rằng bệnh tật là một hình phạt từ Thiên
Chúa dành cho những người tội lỗi. Những người bệnh tật bị cộng đồng loại trừ
và bị nhìn với con mắt khinh bỉ, miệt thị. Chính vì vậy, mỗi khi Chúa Giêsu
chữa bệnh, Ngài hay nói với họ rằng “Tội của con đã được tha” hay “Đức tin của
con đã cứu con”. Chúa Giêsu không chỉ là bác sĩ thể lý, mà quan trọng hơn, Ngài
là một bác sĩ của tâm hồn, chữa hết những vết thương tâm hồn, đưa họ trở lại
với nhân phẩm của con người, đưa họ trở lại với vai trò làm con của Thiên Chúa,
và ban cho họ niềm vui – bình an – hi vọng để họ sống và sống dồi dào. Người
được Chúa Giêsu chữa lành, có khả năng hoán cải, và trở thành nhân chứng cho
Ngài.
Những ai
mắc bệnh về thể lý, họ tìm đến bệnh viện để chữa bệnh với những cách thức và
phương thuốc thích hợp và họ có cơ hội được chữa lành là rất lớn, vì y học hiện
nay rất phát triển và hiện đại. Nhưng trong thời đại ngày nay, có những căn
bệnh rất nguy hiểm, đó là bệnh về lương tâm đạo đức, bệnh về ý thức hệ, … là
hậu quả của các chủ nghĩa sai lạc, của các lối sống thiên về hưởng thụ, ích kỷ,
cá nhân … đang ảnh hưởng cách rộng rãi và sâu xa tới chúng ta, nhất là giới
trẻ.
Ở đây, xin
trưng dẫn một căn bệnh của giới trẻ, đó là tình trạng tự tử của giới trẻ trên
thế giới. Theo ước tính của Tổ chức y tế thế giới (WHO), trên toàn thế giới mỗi
giây có một người tự tử, mỗi năm con số này là 1 triệu người, số người có ý
định tự tử nhiều gấp 10-20 lần. Mỗi năm tại Trung Quốc có tới 250.000 người tự
tử + 2 triệu người có ý định tự tử; tại Nhật mỗi năm có khoảng trên 30.000
người tự tử, …
Một căn bệnh
khác của giới trẻ đó là “sống không lý tưởng” hay lý tưởng sống quá thực dụng
thiên về vật chất. Căn bệnh này kéo theo hàng loạt các căn bệnh khác, gây ra
những cơn bão đánh sập hệ thống luân thường đạo lý của người việt, làm sản sinh
ra các thế hệ giới trẻ sống thực dụng và ích kỷ, lấy vật chất làm nền tảng cho
suy nghĩ và hành động.
Đây là
những căn bệnh không đơn giản tí nào, không dễ gì để tìm ra thuốc ngừa và thuốc
chữa…Trong tình trạng dường như bế tắc này của thế giới, Chúa Giêsu mời gọi tất
cả chúng ta hãy chạy đến với Ngài để tìm ra phương cách chữa chị và phòng ngừa.
Ngài chữa bệnh cho chúng ta không cần điều kiện, với cung cách của một người
cha yêu thương: “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy, cơn sốt dứt ngay… ”
(Mc 8,31). Ngài cũng đang chữa bệnh cho tất cả chúng ta, là những người ý thức
mình đang mang bệnh, với ước muốn được sống và sống dồi dào.
Chúa Giêsu
đã từng nói: “Ta đến thế gian để kêu gọi những người tội lỗi […] chỉ người bệnh
mới cần thầy thuốc”. Mỗi người chúng ta cũng nên tự hỏi rằng: “Chúa Giêsu đến
để kêu gọi và chữa bệnh cho tôi chăng?” hay “Tôi là một giáo lý viên gương mẫu
và nhiệt tình, tôi là một tu sinh tốt lành, hay tôi là một linh mục mẫu mực,
được nhiều người cảm mến và ngưỡng mộ” … rằng “Tôi rất là OK, cuộc sống của tôi
rất bình an và hạnh phúc” có lẽ tôi chẳng có bệnh gì!!!
Chúa Giêsu
thích “đến gần, cầm tay, nâng dậy” những ai ý thức mình tội lỗi, bị bệnh và cần
đến Ngài. Và đây chính là cơ hội thúc đẩy chúng ta đến “gặp gỡ” Ngài. Ngược
lại, những ai cảm thấy mình “tất cả đều ok”, thì cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trở
nên rất khó khăn: “lạy Chúa con cảm ơn Chúa vì con là người công chính … không
như cái thằng thu thuế bên kia”.
Chúng ta
vui sướng cảm tạ Chúa mỗi ngày không phải vì chúng ta là những người thánh
thiện, đáng được hưởng hồng ân bình an và ân sủng của Thiên Chúa, nhưng chúng
ta vui sướng hân hoan vì chúng ta là “những tội nhân được tha thứ” một cách vô
điều kiện. Chúng ta được thừa hưởng một cách “miễn phí” kho tàng Bình An – Hi
Vọng, kho tàng Sự Sống – Ơn Cứu Độ từ Thiên Chúa, vì thế chúng ta cũng phải ra
đi rao giảng kho tàng đó cho mọi người cách “miễn phí”, như thánh Phaolo đã nói
trong bài đọc II: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16),
bởi vì “Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở” (Gp 7,7),
con cần có Chúa, con ao ước được gặp gỡ Ngài mỗi ngày trong các Bí Tích và
trong anh chị em con, vì Ngài là Bác Sỹ cho tâm hồn con, vì “Lạy Chúa, Chúa đã
dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ
trong Chúa” (Augustino, Tự thuật I, 1, 1).
Chú giải của Noel Quesson
Hôm
nay, chúng ta tiếp tục suy niệm về “Ngày hoạt động của Chúa tại Caphácnaum”. Đó
là ngày đầu tiên trong đời sống công khai thi hành tác vụ của Đức Giêsu: ta
thấy Người giảng dạy, giải thoát con người khỏi quỷ ám hại, chữa lành người
bệnh và cầu nguyện. Đó cũng là bản tóm lược toàn thể hoạt động của Kitô hữu.
Vừa ra
khỏi Hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê, có ông
Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo.
Sau khi
đã giảng dạy và làm mọi người ngạc nhiên, sau khi đã giải phóng cho một người
bị quỷ ám đáng thương, Đức Giêsu rời khỏi Hội đường, ndi họp mặt chung, để đi
đến một tư gia, nhà hai anh em Simon và Anrê. Tôi hình dưng ra Đức Giêsu đang
bước đi trên đường phố, cùng với bốn môn đệ đầu tiên của Người, vì hai ông
Giacôbê và Gioan cũng có mặt ở đó, ngày nay cũng vậy, tác động của Thiên Chúa
được thể hiện khắp nơi, trong mọi lãnh vực của cuộc sống: Tôn giáo cũng như
trần thế, công cộng cũng như tư riêng. Lạy Chúa, Chúa ở với chúng con trong nhà
thờ, Chúa hiện diện cùng chúng con ngoài đường phố, trên các quảng trường, và
ngay trong nhà chúng con.
Lúc đó,
bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt, nằm trên giường.
Người
ta lấy làm ngạc nhiên, vì trong Tin Mừng, có rất nhiều lần Đức Giêsu chữa lành
người bệnh. Ngày xưa, bệnh tật mang một ý nghĩa tôn giáo và người chữa trị
thuộc lãnh vực y khoa. Tuy nhiên, dù trước mọi tiến bộ về y học, bệnh tật và
đau khổ vẫn đeo bám con người và tiếp tục đặt con người vào một tình trạng rất
đáng sợ. Ngay giữa nền văn minh kỹ thuật của chúng ta, một “dấu hiệu” biểu lộ
sự yếu đuối của thân phận con người vẫn còn luôn như trước: đó là con người có
thể chịu những rủi ro xảy đến cách đột ngột bất ngờ. Trong thâm tâm, ai mà
không sợ một số những chứng bệnh mà người ta không dám nhắc đến tên? Bệnh tật
luôn mâu thuẫn với ý muốn sống yên ổn và bền vững trong tâm lý mọi người. Chỉ
cần một cơn sốt nặng cũng đủ quật ngã con người mạnh nhất và buộc họ phải ngưng
làm việc không còn trầm trọng hơn, khi mọi người chúng ta đều thừa biết rằng,
một ngày nào đó ta sẽ gặp một bệnh mà không thầy thuốc nào chữa nổi.. Mọi bệnh
tật đều mang “dấu” của tử thần: đó là biểu tượng của thân phận con người mỏng
dòn và ta không thể tránh được.
Họ liền
nói cho Người biết bà đang đau ốm. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy.
Thái độ
cầu nguyện đầu tiên trước cảnh trên, đó là cần chiêm niệm, như thế chúng ta
đang hiện diện tại đó. Tôi ngắm nhìn Đức Giêsu bước vào nhà. Tôi lắng nghe
những gì người ta đang trình bày với Người. Tôi hình dung ra Người đang tiến
gần tới người bệnh, cầm tay bà ta. Đó là những cử chỉ đầy thân tình, nghĩa
thiết và nhân ái. Thần học quả quyết với ta rằng, mỗi bí tích là một “cử chỉ
của Đức Kitô”. Một bài thánh ca thường ngợi khen bàn tay của Đức Giêsu đã “làm
những việc kỳ diệu”. Đúng vậy, đặc tính hiện thực của việc nhập thể đã đi đến
mức độ đó. Hôm nay, tôi thích chiêm ngắm bàn tày của Đức Giêsu đang nằm bàn tay
nóng ran vì cơn sốt của người bệnh. Lạy Chúa, nơi một cách biểu tượng, Chúa-
cũng đang nắm bàn tay con như thế, để chữa lành các “cơn sốt”. Khi rước lễ, con
cầm Chúa trong bàn tay con. Nhưng thính Chúa cũng đang nắm tay con.
Người
đỡ bà dậy. Bà liền hết sốt và lo tiếp đãi các Người.
Khi đọc
câu này trong bản văn Hí Lạp, cũng do Máccô trước tác, ta cần lưu ý Máccô đá sử
dụng ở đây, từ “ègeire”, có nghĩa là “làm cho sống lại”. Ong cũng dùng một từ
đó để diễn tả việc Chúa cho con gái ông Giarô sống lại: “Hãy chỗi dậy!” (Mc
5,41), và kể lại việc phục sinh của Đức Giêsu (Mc 12,26, 16,6). Do đó, đối với
Mác-cô, việc chữa bệnh cách cụ thể trên là một “dấu chỉ” theo nghĩa mạnh, một
thứ- biểu trung ngôn sứ báo trước nước Thiên Chúa vĩnh cửu. Khi sẽ chẳng còn
“tang chế, kêu than, đau khổ, khi Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ và chiến
thắng sự chết” (Kh 21,1-4) Ngay trong thời Người, tại Galilê, chắc chắn Đức
Giêsu đã không chữa lành hết mọi bệnh nhân. Người chỉ chữa lành một số người
tiêu biểu, như một thứ việc làm trước cho “Thời cánh chung”: chỉ khi đó con
người mới được “cứu độ” thực sự, nghĩa là không còn sự chữa lành tạm thời một
cơn sốt thoáng qua, mà chính là sự sống lại. Việc chữa lành đích thực mà Đức
Kitô muốn cống hiến, đó là đi từ tình trạng “không tin” đến tình trạng “tin”:
kẻ nào đón nhận đức tin nơi Đức Giêsu, thì đã biết rằng mình sẽ được cứu thoát
khỏi sự chết rồi. Lúc đó, họ sẽ “chỗi dậy” để “phục vụ”.
Sự dữ
mà Đức Giêsu nhắm theo đuổi còn thâm sâu hơn là bệnh tật tác hại trên thân xác.
Đó là tâm hồn, đó là trung tâm” của người bị bệnh… khi họ không “phục vụ” anh
em mình. Khi nói người bệnh chỗi dậy và bắt đầu “tiếp đãi” Máccô muốn nói với
ta nhiều hơn là những cử chỉ bề ngoài ông diễn tả. Ong nhớ đến từ “phục vụ” mà
ngày nào đó Đức Giêsu đã gán cho ý nghĩa là “thí ban mạng sống mình”: “Con
Người đến không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để hầu hạ và hiến dâng
mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Lạy Chúa, xin Chúa dùng Mình
Chúa chữa lành tâm hồn con người hôm nay. Xin cứu giúp con để con biết đặt
Thiên Chúa lên trên hết, biết đặt “kẻ khác” lên hàng đầu, xin cứu giúp con để
con biết “phục vụ’, “hiến dâng mạng sống” và yêu thương!
Chiều
tối, khi mặt trời đã lặn, dân chúng đem một kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến
cho Người chữa. Cả thành xúm lại trước cửa nhà. Đức Giêsu chữa đủ thứ bệnh và
trừ rất nhiều quỷ.
Có thể
nói, cùng một tác động, Đức Giêsu vừa chữa bệnh, vừa biểu dương quyền năng của
Người trên Sa-tan, hiện thân của sự dữ. Vâng, đối với Đức Giêsu, sự dữ chủ yếu
là phải xa cách Thiên Chúa: do đó, chính tội lỗi mới là bệnh tật thật sự của
chúng ta. Bệnh viện được trang bị đầy đủ nhất nhân viên y tế tài năng nhất,
cũng không bao giờ thay thế được tình yêu, một yếu tố mà người bệnh còn cần hơn
cả thuốc thang.
Ngày
nay, cũng như thời Đức Giêsu, trong tâm hồn con người luôn có một điều gì đó
cần phải được chữa trị, và trong công cuộc văn minh hóa người ta cần phải thực
hiện một sự điều chỉnh đúng đắn.. Không có căn bệnh nào trầm trọng đối với việc
phát triển “đô thành trần thế” (bệnh viện cũng như mọi công trình khác) hơn là
thứ “chất độc” do tội lỗi đem vào thế gian. Điều đó không có nghĩa là phủ nhận
tiến bộ, hay những kỹ thuật chữa bệnh! Nhưng chỉ muốn nói lên, cần phải cho
chúng một tâm hồn: Đó là tình yêu. Và Đức Giêsu đã thể hiện điều này tại đó!
Lạy Chúa, xin dùng Mình và Máu Chúa, chữa lành tâm hồn con người hôm nay.
Người
trừ rất nhiều quỷ, nhưng lại cấm quỷ không được nói gì, vì chúng biết Người là
ai.
Đề tài
“Bí mật thiên sai” lại xuất hiện ở đây lần thứ hai trong cùng một ngày (Mc 1,25
và 1,33). Đức Giêsu không muốn người ta làm sai đi ý nghĩa sứ vụ của Người.
Người
buộc mọi người phải giữ im lặng, không được nói quá sớm Người là “Con Thiên
Chúa”. Đã có quá nhiều ý kiến sai lầm về Đấng Mê-si-a, về Thiên Chúa đang được
phổ biến. Người ta quá để ý kiếm tìm vẻ kỳ diệu bề ngoài.
Người
ta chỉ chạy đến với Chúa, như với một “người chữa bệnh” đến thuần. Tuyên bố quá
sớm Đức Giêsu là Đấng Mê-si-a, là con Đấng Toàn năng, mà không biết chính Người
sẽ phải chịu đau khổ và phải chết, thì kể như nói mà không biết điều mình phát
biểu, và như thế có nguy cơ sẽ chối Đức Giêsu, khi chứng kiến thực tế của thập
giá. Thiên Chúa không phải là “toàn năng” theo nghĩa chúng ta thường hiểu.. Vì
yêu thương, Chúa đã tự trở thành “hoàn toàn yếu đuối” đối với chúng ta… bởi vì
Người là “tình yêu toàn năng”. Nếu ông là Con Thiên Chúa, ông hãy xuống khỏi
thập giá đi… Chúng ta luôn nghĩ rằng, chắc hẳn Thiên Chúa phải chứng tỏ Người
là “Ai” chứ! Đúng vậy Người đã minh chứng điều đó: Người là Tình yêu vô biên,
tình yêu đi đến tận cùng của thái độ “phục vụ”… Tôi đến để phục vụ và hiến dâng
mạng sống! Trong khi chờ mọi giây phút Thiên Chúa tỏ mình ra trên thập giá, cần
phải im hơi lặng tiếng.
Lạy
Chúa, xin giúp con chấp nhận Chúa đúng như con người của Chúa.
Lạy
Chúa, xin giúp con hiểu rằng, Chúa không muốn “quyền năng” theo nghĩa trần
gian… “bởi vì cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người,
và cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người” (l Cr
1,25).
Sáng
sớm hôm sau, lúc trời còn tối mịt, Đức Giêsu đã dậy, đi ra một nơi vắng vẻ mà
cầu nguyện.
Ngay
đêm đầu tiên mà Simon Phêrô trải qua bên cạnh Đức Giêsu, ông đã khám phá ra
điều “cốt yếu” sau đây: đó là đối với Đức Giêsu, điều quan trọng là “Gặp gỡ
Chúa Cha”.
Ông
Simon và các bạn kéo nhau đi tìm Người…
Vào
sáng sớm; khi bóng đêm còn mù tối, trước lúc rạng đông, Đức Giêsu đã ra khỏi
căn nhà mà Người đã nghỉ đêm. Người rời thành Caphácnaum. Hãy ngắm nhìn Người
bước đi trên cánh đồng, dưới bóng đêm. Người tìm bầu khí cô tịch, sự yên lặng
người lánh mình, đi đến “một nơi hoang vắng”. Người dừng chân. Người phủ phục.
Người cầu nguyện. Đức Giêsu đang hiện diện ở đó, chính là nhân loại đang ở “bên
cạnh Chúa Cha”, chính là nhân loại đang ở “gặp gỡ Thiên Chúa”. Chính trong
khung cảnh đó các bạn hữu cần đến tìm kiếm Người.
Câu Tin
Mừng trên đây không phải là một chi tiết bình thường. Đó là một bí quyết, một
kết luận, một điểm nóng bỏng của “ngày sống đầu tiên trong cuộc đời công khai
của Đức Giêsu. Nhờ đó, Người đang “kêu gọi” ta, nhưng “trong yên lặng”: ý nghĩa
của đời sống bạn là ở nơi Thiên Chúa… Căn bệnh trầm trọng nhất của bạn, là bệnh
tật làm bạn xa rời Thiên Chúa.
Kẻ nào
biết “ẩn mình trong Thiên Chúa” nơi hoang địa là một người được cứu độ.
Lúc đó,
mọi cơn sốt và ngay cả sự chết, cũng không thể tác hại được họ nữa.
Này
bạn, người anh em đang mang bệnh của tôi…
Này
bạn, người anh em đang gặp thử thách trong tâm hồn… bạn có biết nhận ra “tin
vui” được chữa lành, ngay giữa cơn thử thách của bạn không?
Khi gặp
Người, họ thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy”‘ Người bảo họ: “Thôi chúng ta đi
nơi khác, đến các làng xã xung quanh, để Thầy còn rao giảng Tin Mừng ở những
nơi đó nữa, vì Thầy đến cốt để làm việc đó.
Vâng,
lạy Chúa Giêsu, xin hãy nói lại cho chúng con, xin hãy nói lại cho mọi người
Tin Mừng của Chúa. Xin cứu giúp chúng con. Xin chữa lành chúng con. Và xin hãy
làm cho chúng con, cùng với Chúa, trở nên những sứ giả, những người phục vụ cho
công cuộc Phục sinh.
Bài 3. Chú giải của Fiches Dominicales:
NGAY GIỮA LÚC THI HÀNH SỨ VỤ
VÀI
ĐIỂM CHÚ GIẢI
1/ Từ
âm thầm trong “nhà”
Ba câu
chuyện nhỏ xảy ra liên tiếp trong bài Tin Mừng Chúa nhật thứ V hôm nay. Cả ba
tương phản nhau như được tượng trưng qua những địa điểm chúng xảy ra: bắt đầu
từ một chỗ âm thầm trong “nhà của ông Simon” (Phêrô); rồi đến “ngoài cửa”, nơi
“cả thành xúm lại”, sau cùng là “một nơi hoang vắng” ở đó, trong lúc Chúa đang
cầu nguyện, vang lên lời Người gọi mời phải mở rộng cánh đồng truyền giáo.
Đức
Giêsu, có các môn đệ đầu tiên cùng đi theo, ra khỏi hội đường Caphácnaum, đến
“nhà hai ông Simon và Anrê “. Luật Do Thái có qui định nghiêm ngặt trong ngày
Sabát như ngày hôm đó, người ta được phép đi lại bao xa. Kết quả những công trình
đào xới khảo cổ học gần đây cho thấy, quãng đường phải đi từ hội đường đến “căn
nhà mà Đức Giêsu và các ông định đến, quả thực rất gần. Căn nhà này hình như là
địa điểm họp mặt, đồng thời là cứ điểm truyền giáo của Đức Giêsu. Nó đóng một
vị trí quan trọng trong Tin Mừng thứ hai này.
Máccô
thuật tiếp: “Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt”. Để hiểu được ý nghĩa
câu chuyện, cần phải nhớ rằng vào thời đó, bệnh sốt được xem như là một trong
những hình phạt mà Thiên Chúa doạ sẽ giáng xuống trừng phạt dân tộc bất trung:
“nếu các ngươi khinh thường các luật điều của Ta, và hồn các ngươi ớn ghét các
phán quyết của Ta, không làm theo rất cả các lệnh truyền của Ta, đến thủ tiêu
giao ước của Ta, thì chính Ta, Ta sẽ làm điều này cho các ngươi. Ta sẽ giáng xuống
trên các ngươi kinh hoàng, tiêu hao, cảm sốt làm cho mắt đờ, hơi kiệt” (Lv 26,
15-16a).
Pótin
chú thích thêm: “người bị bệnh sốt, là kẻ bị tình nghi phạm một tội nào đó,
khiên tuỳ mức nặng nhẹ của cơn sốt mà không được tham dự, hoặc tất cả hoặc một phần;
vào sinh hoạt chung tôn giáo và xã hội” (“Jésus, lhistoire vraie”, Centurion,
trang 162 ) .
Câu
chuyện được tiếp tục kể, giọng điệu mau lẹ, ngắn gọn, không thấy một lời nói
nào.
Trước
tiên là sự thỉnh cầu của các thân nhân người bệnh: “Lập tức họ nói cho Người
biệt tình trạng của bà”.
Tiếp đó
là cử chỉ chữa lành: “Đức Giêsu lại gần, cầm lấy tay mà đỡ dậy”.
Dưới
ánh sáng Phục Sinh, cử chỉ này của Đức Giêsu mang một ý nghĩa biểu tượng đối
với Máccô và cộng đoàn Kitô hữu của ông. J.Hervieux lưu ý chúng ta: “ Đó là
điều được ám chỉ một cách kín đáo, qua việc sử dụng một kiểu nói đặc biệt. Tro
ng tiếng Hy Lạp, động từ “đỡ dậy” cũng là động từ Máccô dùng để nói về Đức
Giêsu: “Người đã chỗi dậy rồi” (16,6). Chúng ta cần phải đặt mình trong khung
cảnh những Kitô hữu tiên khởi khi đọc trang Tin Mừng này. Đối với họ, Đức Giêsu
không chỉ là Đấng có quyền phép chữa bệnh lạ lùng trong giai đoạn đầu của sứ
vụ. Với cuộc Phục sinh, Người được suy tôn là “Đức Chúa và Đấng Kitô” (Cv
2,36), nghĩa là Đấng qua từng ngày vẫn tiếp tục cứu chữa loài người khỏi tội
lỗi tiếp tục giải thoát họ khỏi sự chết” (“LEvangile de Marc”, Centurion, trang
33).
Người
bệnh bỗng phút chốc được lành bệnh, sức khoẻ được hồi phục hoàn toàn, bằng
chứng là sau đó bà bắt đầu phục vụ Đức Giêsu và các người đi theo Chúa. Đó cũng
là hình ảnh người Kitô hữu đã từng bị nằm liệt, do bị hành hạ bởi cơn sốt là
tội lỗi Nhưng Đức ki tô đã đến “cầm lấy tay mà đỡ dậy”; nhờ đức tin và phép Rửa
tội, để một khi đã được chữa lành, họ sẽ trở thành kẻ phục vụ Chúa và anh ern
mình: “Cơn sốt dứt ngay, và bà phục vụ các ngài”. J. Hervieux tiếp tục: “Khi
trình bày cho thấy, người đàn bà đã được chữa khỏi, bắt đầu phục vụ các vị
khách của mình, Máccô chắc chắn nghĩ đến việc “phục vụ ” Đức Kitô mà mỗi Kitô
hữu được mời gọi phải làm Đấng Cứu Thế không ngừng giải thoát các tín hữu của
người khỏi sự dữ để họ bắt tay vào công việc phục vụ đó ” (Sđd) .
2/ Rồi
đến “trước cửa” có “cả thành xúm lại”:
Khi mặt
trời lặn, đối với người Do Thái, đó là lúc kết thúc ngày Sabát, và bắt đầu một
ngày mới.
Hết bị
ràng buộc bởi những khoản cấm đoán liên can đến ngày hưu lễ, mọi người từ lúc
này ai nấy trở lại với sinh hoạt bình thường, và họ dẫn đến cho Đức Gtêsu “mọi
kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám”. Chẳng mấy chốc, theo lời của Máccô, “cả thành
xúm lại trước cửa”. Phép lạ chữa lành bà mẹ vợ ông Phêrô diễn ra âm thầm giữa
một nhóm vài ba người, nay đã bung ra cho niềm khát mong của bao kẻ bên ngoài:
“Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ”.
- Người
ra lệnh cho chúng không được nói gì cả lần này cũng nghiêm khắc không kém gì
lúc ở trong hội đường (c.25): “Người không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là
ai”.
M.E.Boismard
đặt câu hỏi: “Tại sao lại có bệnh cấm đoán đó ở đây cũng như chỗ khác, trong
ch. 1 câu 5, khi Đức Giêsu bị thần ô uế phải im tiếng mà xuất ra khỏi nạn
nhân?…Vào thời đó cũng chính ông trả lời, đất nước Palestin đã bị mất chủ
quyền, và rơi vào ách đô hộ của người La mã. Do vậy, dân tộc Do Thái ngày đêm
mong mỏi một vi anh hùng giải phóng đến để “khôi phục lại vương quốc Israel”
(Cv 1, 6; Lc 1, 58-73). Nhưng Đức Giêsu được Thiên Chúa sai đến không phải thực
hiện công cuộc khôi phục có màu sắc chính trị đó. Chính Đức Kitô rồi đây sẽ
giải thích thực chất vương quyền của Người là gì, khi triển khai giáo huấn của
Người bằng những dụ ngôn (Mc 4, 1 và tiếp theo). Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn sự sai
biệt giữa vi vua mà dân Do Thái mong đợi và vị vua mà Thiên Chúa gởi đến cho
họ. Chính vì muôn tránh sự hàm hồ đó mà Đức Giêsu đă không cho phép quỷ xưng
Người là ai, cũng như sau này Người chỉ thị cho những kẻ được chữa lành phải
thinh lặng. Đó là lý do của cái quen gọi là “bí mật
Mêsia” (“Jésus, un homme de Nazareth”, Cerf, trang 46-47).
Danh
hiệu “Đấng Kitô” và “Con Thiên Chúa” chỉ được giải nghĩa chính xác sau ngày
dưới ánh sáng của Khổ Nạn và Phục Sinh. Phải giữ thinh lặng cho đến khi thật sự
sáng tỏ rằng Đấng Messia chỉ đến cứu loài người qua con đường hy sinh chịu
chết.
3/…
Và “những nơi khác” phải đến để rao giảng:
Các
câu từ 35 đến 39 đóng vai trò chuyển tiếp giữa sứ vụ của Đức Giêsu được khai
trương ở Caphácnaum và mở rộng ra khắp miền Galilê.
Trái
ngược hoàn toàn với công việc bề bộn của Người để phục vụ đám đông ở
Caphácnaum, giờ đây Đức Giêsu chỉ có một mình trong một nơi thanh vắng”.
-
Chúng ta đang ở vào lúc sáng sớm, lúc trời còn tối mịt”, hôm sau ngày Sabát,
ngày thứ nhất trong tuần, sau này sẽ là Chúa nhật của người Kitô hữu, “ngày của
Chúa”. Đức Giêsu cầu nguyện, như Người từng làm như thế vào mỗi khoảng khắc
quan trọng của sứ vụ (x. Mc 6,46 và 14,35-39). Chắc chắn trước sự ồn ào nô nức
của đám đông vây quanh mình, Người cảm thấy nhu cầu được đắm chìm lại trong sự
thân mật với Chúa Cha, cũng như xác định lại vị trí của mình trên con đường sứ
vụ. P.E. Boismard chú giải, “Trong nơi hoang vắng, tất cả đều im tiếng, chỉ có
sự tĩnh lặng tràn ngập ánh sáng, chỉ có con người và Thiên Chúa. Bởi vì mọi sự
đều lặng thinh nên con người mới nghe được tiếng Thiên Chúa” (Sđd, trang 49).
Các
môn đệ thì chạy đi tìm Chúa, mong mời cho được Người trở về Caphácnaum, ở đó
“mọi người đang tìm Thầy”. Nhưng Đức Giêsu cương quyết nhắc cho họ biết cái cốt
lõi trong sứ vụ của Người là: loan báo Tin Mừng. “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến
các làng xă chung quang, Người trả lời họ, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”.
Từ
đó, “Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ
quỷ”. Đoạn Tin Mừng chấm dứt ở giai đoạn mở màn của sứ mạng truyền giáo ấy.
Vài
câu Tin Mừng ở trên có những nét đặc trưng của Máccô: Đức Giêsu ra đi trước,
một mình, cầu nguyện. Lúc đó là đêm thứ bảy bước sang ngày Chúa nhật, quãng
thời gian của sáng sớm ngày Phục Sinh (x. 16, 1-8). Các môn đệ ra đi sau, tìm
Chúa để cố lôi kéo người lại. Thế nhưng trong Tin Mừng Máccô, không bao giờ có
điểm dừng, người ta luôn luôn được gởi đi đến một nơi khác: “Chúng ta hãy đi
nơi khác, đến các làng xã chung quang, vì Thầy ra đi cối để làm việc đó”. Các
phụ nữ đi viếng mộ Chúa sau này cũng được gởi đi lên một “nơi khác như thế (“Người
không còn đây nữa. Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng người
sẽ đến Galilê trước các ông). Bài tường thuật ngắn ngủi này có thể được dùng
làm tấm gương soi cho cộng đoàn Kitô hữu đang họp nhau trong đêm thử bảy vọng
sáng Chúa nhật, để cầu nguyện và tìm Chúa. Họ cũng sẽ được gởi đi đến một nơi
các: “Tin Mừng phải được rao giảng cho mọi dân tộc” (13,10) (“L’evangile se lon
saint Marc”, Cerf, trang 37).
II/
BÀI ĐỌC THÊM
1/
“ Cầu nguyện và truyền giáo”
(Mgl.
L.Daloz, trong “Qui dong est-il?”, Desclée de Brouwer, trang 17).
“Cuộc
đời của Đức Giêsu luôn xáo động. Người thường không được ở yên. Thế nên Người
phải ra đi để cầu nguyện, giữa đêm tối, ở một nơi hoang vắng. Simon và các bạn
chạy đi tìm Chúa và quấy rầy Người: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!”. Trong cuộc
sống luôn bị xáo trộn như thế, Đức Giêsu tận dụng thời gian để cầu nguyện.
Người cầu nguyện cách kín đáo, thường là một mình. Người lắng nghe Chúa Cha,
trong thinh lặng, và nói với Chúa Cha. “ Thầy phải lo việc của Cha Thầy”. Người
là Người Con Chí ái, hằng yêu mến Cha, và luôn sống thân mật với Cha. Khi đi
rao giảng cũng là lúc Người lo việc của Cha. Mọi người tìm Người, đợi Người.
Nhưng Người đi nơi khác, “đến các làng xã chung quanh, theo tiếng gọi của sứ vụ
truyền giáo của Người: “Vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. Mối tương quan thân
mật giữa Đức Giêsu và Chúa Cha ảnh hưởng trực tiếp đến sứ vụ, lời rao giảng của
Người. Người làm điều Cha muốn và tìm kiếm thời gian để ở với Cha. Đó cũng là
điều kiện phải có của mọi sứ vụ . Nó đòi hỏi phải có sự gặp gỡ thân tình với
Chúa Cha trong cầu nguyện, và lắng nghe ý Người”.
2/
“Một bài giáo huấn về vài khía cạnh trong Bàn Tiệc ngày Chúa nhật”
(F.
Deleclos, trong: “Prends ét mang La Parole, “Centurion – Duculot, trang
137-138).
“Đoạn
Tin Mừng kể về phép lạ chữa lành bà mẹ vợ của ông Phêrô không chỉ đơn giản là
“chuyện nhỏ”, nó xứng đáng được xem như (một bài giáo huấn về vài khía cạnh
trong Bàn Tiệc ngày Chúa- nhật”. Là những kẻ tội lỗi, chúng ta được qui tụ bởi
đức tin, làm nên cộng đoàn Hội Thánh tìm kiếm Đức Kitô và kêu cầu Người. Giống
như bà mẹ vợ của ông Phêrô, chúng ta bị nằm liệt giường và lên cơn sốt, chẳng
được vui hưởng cuộc sống đích thực. Chúng ta bị hành hạ bởi bệnh sốt của những
kẻ không chịu lắng nghe tiếng Chúa và chăm chú thực hành những điều răn của
Người (Tl 28,15 và 22). Đức Giêsu đến làm cho chúng ta được bình phục, đủ sức
khoẻ để phục vụ bàn tiệc thánh Thể và dấn thân vào cuộc chiến chống lại mọi
hình thức của đau khổ”.
3/
“Phép lạ chữa lành như là dụ ngôn về sự sống lại”
(H.
Denis, trong “100 mots pour dire Jésus”, Desclée de Brouwer, trang 183).
“Lạy
Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào lòng con. Nhưng xin Chúa phán một lời thì
linh hồn con được lành mạnh”.
Câu
kinh đọc trước Rước lễ có thể soi sáng một vài suy tư sau đây về phép lạ chữa
bệnh.
Đức
Giêsu đã làm nhiều phép lạ chữa bệnh, đó là điều rõ ràng ai cũng biết. Chúng có
mặt hầu như ở từng trang Tin Mừng. Đằng khác, nếu không chữa bệnh, làm sao Đức
Giêsu chứng tỏ mình là Đấng Mêsia được? Đó là điều đòi hỏi phải có vào thời của
Người, mà người ta còn gặp thấy lại nơi mọi lãnh tụ tôn giáo thời nay.
Nhưng
Đức Giêsu không chỉ là một người chuyên chữa bệnh. Chắc chắn không! Người
không, đến để chữa bệnh nhưng để cứu con người. Nếu có chữa bệnh đi nữa thì
cũng là để cứu độ Người không bảo: “Đức Tin đã chữa lành con”, nhưng: “Đức Tin
đã cứu con”. Thế mà ơn cứu độ là gì nếu không phải là được sống nhờ sự sống của
Đức Kitô, dù khi khoẻ mạnh hay ốm đau, cả sau khi chết cũng như lúc còn sống.
Phép lạ chữa bệnh chỉ là một thứ dụ ngôn về sụ sống lại. Một nhà chú giải hiện
nay đã có một nhận định mà theo sự đánh giá của tôi, đã soi sáng cho tôi rất
nhiều. Trong Phụng vụ, vị ấy nói, ngay từ ban đầu người ta chưa hề bao giờ đọc
một bài Tin Mừng về phép lạ Đức Giêsu chữa bệnh để cầu cho bệnh nhân được lành
(như thế chẳng khác nào đọc thần chú!), nhưng chỉ để công bố sự Phục sinh của
Chúa”.
Bài 4. Chúa Giêsu đi về vùng ngoại biên
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
1/
Ngày làm việc của Chúa Giêsu
Bài
Tin Mừng hôm nay cho thấy nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu với khởi đầu là cầu
nguyện, rao giảng và chữa lành thể xác tâm hồn cho con người. Một ngày thật bận
rộn với biết bao công việc: Giảng dạy trong hội đường rồi đến nhà chữa bệnh cho
nhạc mẫu Phêrô; Buổi chiều cho đến tối mịt, Chúa chữa lành dân chúng đủ loại
bệnh hoạn tật nguyền; Sáng sớm tinh mơ, Chúa dành thời gian đẹp nhất một ngày
mới để cầu nguyện cùng Chúa Cha.
Công
việc bề bộn mỗi ngày của Chúa Giêsu tạo nên khuôn mẫu cho tất cả các môn sinh
trong nhịp sống thường ngày.
a/
Cầu nguyện
“Sáng
sớm, Chúa Giêsu tìm nơi thanh vắng cầu nguyện” (1,35). Suốt ngày lo toan với
bao nhiêu là công việc, tiếp xúc đủ thứ hạng người, Chúa Giêsu dành buổi sáng
tinh mơ để tâm sự trao đổi với Cha. Cầu nguyện là nhu cầu thật sự của Chúa
Giêsu. Người cần có thời gian sống riêng tư một mình. Người cần sống bên Cha,
tâm sự về gánh nặng công việc, về nổi đau khổ của loài người, về cuộc chiến
chống Satan. Người thấy mình cần được Cha cảm thông và nâng đỡ, cần ánh sáng và
nghị lực để làm tròn sứ mạng.Người cầu nguyện vì yêu mến, khao khát được kết
hiệp với Cha. Một ngày mới khởi đầu như thế để múc nguồn sức mạnh cho hoạt động
truyền giáo.
b/
Rao giảng
Việc
quan trọng thứ hai là rao giảng Tin mừng. “Ngày Sabát, Chúa Giêsu vào hội đường
giảng dạy”(1,21). Người đọc Sách Thánh và giải nghĩa. “Thiên hạ sửng sốt về lời
giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền” (1,22). Cả
phương pháp và bầu khí giảng dạy của Người đều như một sự mạc khải mới mẻ. Chúa
giảng với một uy quyền vượt xa các luật sĩ kinh sư thời đó. Chúa giảng như Đấng
có thẩm quyền của chính Thiên Chúa tối cao. Chúa hoàn toàn độc lập khi giảng
dạy. Người không trích dẫn, không dựa vào thế giá một chuyên viên nào. Vì thế,
giáo lý của Chúa mới mẻ, người nghe đón nhận như luồng gió mát dịu từ thiên
đàng thổi tới, lòng người cảm mến hân hoan, tâm hồn rộng mở hướng về trời cao
với Chúa Cha.
c/
Chữa lành thể xác tâm hồn
Lời
giảng dạy thể hiện bằng hành vi yêu thương. Lời nói đi đôi với việc làm. Đó
chính là yếu tố làm cho lời nói có sức thuyết phục. “Ra khỏi hội đường, Chúa
Giêsu vào nhà ông Simon… Bà nhạc của ông Simon đang bị sốt. Chúa Giêsu đến bên
giường, cầm tay bà mà đỡ dậy;cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài”. Chúa
Giêsu làm một cử chỉ thân ái là cầm lấy tay bà và nâng dậy, như có lần Người
cầm tay đứa con gái ông trưởng hội đường, một cô bé mười hai tuổi đã chết lại
đứng dậy được (Mc 5,41), lần khác Người cầm tay cậu bé bị động kinh nằm trên
đất, nâng cậu dậy và cho cậu đứng lên (Mc 9,27).
“Chiều
đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến
cho Người”. Căn nhà ông Simon nhỏ hẹp, các bệnh nhân phải đứng thành nhiều vòng
bên ngoài chờ đợi đến lượt mình. Tất cả đều được Chúa chữa lành.
Tác
giả Thánh vịnh trong bài đáp ca cũng có cùng một cảm nghiệm đó khi nói: “Chính
Người chữa những kẻ dập nát tâm can, và băng bó vết thương tâm của họ”. Thánh
Phêrô trong sách Công vụ Tông đồ cũng đã làm chứng: “Đi tới đâu là Người thi ân
giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở
với Người” (Cv 10,38).
Bệnh
tật đeo đuổi con người như hình với bóng. Người ta tìm ra phương cách chữa được
bệnh này thì bệnh khác lại xuất hiện. Càng ngày nhiều căn bệnh mới càng khó trị
và bất trị cho dù y học hiện đại tiến bộ vượt bậc. Chúa Giêsu đụng chạm đến
biển khổ của nhân loại. Người không mong múc cạn, chỉ mong làm vơi đi, chỉ mong
cùng chia sẻ và ban cho nó một ý nghĩa.
Nhịp
sống mỗi ngày của Chúa Giêsu đầy ắp yêu thương trong mọi công việc phục vụ.
Người có một trái tim rung động luôn “chạnh lòng thương”, có một tấm lòng bao
dung vô bờ bến. Rao giảng Tin Mừng yêu thương, làm phép lạ chữa lành, mở rộng
vòng tay đón nhận và tha thứ những kẻ tội lỗi. Chúa chữa lành bệnh tật thể xác
và tâm hồn con người. Gặp Chúa, những ai sống ích kỷ đều trở nên quảng đại,
những ai ghen ghét hận thù đều trở thành yêu thương tha thứ. Gặp Chúa, con
người tìm được mùa xuân cuộc đời.
Ngày
làm việc bận rộn của Chúa Giêsu đều đầy ắp niềm vui cầu nguyện và hoạt động. Đó
chính là khuôn mẫu cho mọi tín hữu.Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu nói đến đời
sống cầu nguyện và hoạt động của mọi tín hữu: Muốn có một đời sống Kitô hữu
đích thực, mọi người cần xác tín rằng: việc truyền giáo vừa là một hoạt động có
chiêm niệm, vừa là một chiêm niệm có hoạt động (số 23). Sách Giáo Lý Hội Thánh
Công Giáo xác định: “cầu nguyện thế nào thì sống như vậy” (số 2725).
Một
ngày sống khởi đầu với kinh nguyện, thánh lễ, chúng ta được gia tăng lòng Tin
Cậy Mến, nhờ đó mà nhiệt thành làm mọi việc trong ngày sáng danh Chúa.
2/
Chúa Giêsu đi về vùng ngoại biên
“Ông
Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: Mọi người đang
tìm Thầy!”. Chúa Giêsu muốn đi đến nhiều nơi. Vì vậy “Người bảo các ông: Chúng
ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó
nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó. Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng
trong các hội đường của họ, và trừ quỷ”.
Galilê
là vùng ngoại biên xa trung tâm Giêrusalem. Galilê là khởi điểm Kitô giáo.
Chính tại đây, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc rao giảng Tin mừng, chọn gọi các Tông
đồ, tuyên bố Luật mới.
Chúa
Giêsu sinh ra trong một gia đình làm nghề mộc, thuộc dạng nghèo.Như vậy, Người
mang thân phận kẻ nghèo để chia sẻ với thế giới những người ngoại biên.Khi đi
rao giảng Tin Mừng, Người ưu tiên để ý đến những người nghèo, người người tội
lỗi và những người cùng khổ. Người áp dụng vào chính mình những lời tiên tri
Isaia xưa đã nói:“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Chúa đã xức dầu tấn phong tôi.Sai
tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,17-20). Người cũng đã xác
định: “Thầy đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người
tội lỗi” (Mt 9,13).Người muốn dạy cho mọi người thấy: Trước mặt Chúa không có
vấn đề ưu đãi cho trung tâm và bỏ quên hoặc loại trừ những ngoại biên. Người
nói rõ ràng với người phụ nữ ngoại giáo xứ Samaria: “Này chị, hãy tin tôi: Đã
đến giờ, các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại
Giêrusalem… Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ những người thờ
phượng đích thực sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và trong sự thực. Vì Chúa Cha
tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,21-24).Suốt đời, Chúa Giêsu
đã sống gần gũi những người ngoại biên, Người đến với họ, Người chia sẻ những
nỗi đau của họ, Người được kể như người ngoại biên. Người cho họ thấy Người rất
thương họ, và tình thương đó là vô hạn, vô cùng. Thương đến đổ máu mình ra,
chết cho họ, chết thay cho họ, và cho mọi người.Người hiến thân đến tột cùng vì
tình yêu. Chính ở điểm hiến thân trên thánh giá, mà Người làm vinh danh Chúa
Cha, và chính Người được tôn vinh. Người muốn các môn đệ hãy theo gương Người,
đem Tin Mừng đến cho người nghèo khổ như vậy. Hiện nay, Mẹ Têrêxa Calcutta đang
được đề cao như một gương mẫu rao giảng Tin Mừng cho người ngoại biên. Mẹ không
làm việc gì khác ngoài đi theo đường lối mà Chúa Giêsu đã đi trước. Điều đáng
ngợi khen nhất nơi Mẹ là làm chứ không chỉ nói. (x.Tin Mừng cho người ngoại
biên, ĐGM Bùi Tuần).
Thời
nay, nói theo ngôn ngữ của Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, những biên cương mới
mà Giáo Hội đang quan tâm không chỉ trên phương diện địa lý nhưng còn là
những con người. Chúng không chỉ có nghĩa là mới, nhưng còn có nghĩa
là bị lãng quên, bị bỏ rơi, chưa đụng chạm đến. Các biên cương cần
quan tâm chính là sự cộng tác của mọi thành phần trong giáo xứ, là
mục vụ hôn nhân gia đình, mục vụ sau khi kết hôn, chăm sóc và bảo vệ
thai nhi, mục vụ bác ái truyền giáo, mục vụ truyền thông và mục vụ
di dân.
Chúa
đến với những biên cương mới dẫu cho khó khăn hay thập giá.Truyền giáo
ngày nay trong thế giới nói chung và trong xã hội Việt Nam nói riêng không nhắm
trước tiên hay chủ yếu vào việc “chinh phục các linh hồn” cho Chúa càng nhiều
càng tốt, (chúng ta không chạy theo số lượng) nhưng đem tinh thần Phúc Âm thấm
nhuần vào con người và vào mọi thực tại nhân sinh. Vì thế, để thi hành sứ mạng
cao cả đó, chúng ta không nhất thiết phải đi tới một vùng địa lý nào khác, mà
lấy chính môi trường sống của mình làm “vùng đất ngoại bang”, và noi gương của
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta hãy coi các lĩnh vực chính trị, kinh
tế, văn hoá, xã hội là những vùng giáp ranh, những vùng biên giới mà Chúa sai
chúng ta đến.
Cảm
nghiệm sâu xa bước chân Chúa Giêsu đi về vùng ngoại biên. ĐTC Phanxicô viết:
“Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài
đường, hơn là một Giáo Hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn
riêng của mình. Tôi không muốn một Giáo Hội quan tâm đến việc được ở vị thế
trung tâm và rồi rốt cuộc bị vướng mắc vào một mạng lưới của những nỗi ám ảnh
và thủ tục.” (EG 49).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét