Ý NGHĨA SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CÁC BẢN VĂN PHỤC SINH
Một nét lạ lùng là Kinh Thánh có sự khác biệt nhau dù kể về cùng một sự kiện. Thời đầu của Hội Thánh, có người muốn dung hòa các khác biệt đó để có một tổng hợp thống nhất. Nhưng Hội Thánh đã chống lại cám dỗ đó. Hội Thánh nhìn nhận sự khác biệt đó như kho tàng phong phú của Lời Chúa, tựa như viên kim cương có nhiều mặt lung linh tỏa ngàn tia sáng.
Đọc Kinh Thánh, các tín hữu nhận thấy các bản văn Kinh Thánh nói về sự kiện Chúa Giêsu phục sinh có nhiều nét khác nhau; nhìn chung có thể xếp chúng thành hai mẫu, đó là truyền thống dưới dạng tuyên xưng và truyền thống dưới dạng tường trình.
I. Truyền thống tuyên xưng
Truyền thống tuyên xưng tổng hợp điều chính yếu trong những công thức ngắn gọn, chỉ muốn nắm vững cốt lõi của sự kiện. chúng là những biểu thức của căn tính Kitô giáo, là một bản “tuyên xưng”, nhờ đó mọi người nhận ra nhau.
1. Câu truyện hai môn đệ trên đường đi Emmau kết với lời tuyên xưng: “Chúa trỗi dậy thật rồi và đã hiện ra với ông Simôn” (Lc 24,34).
2. Chương 10 của thư Rôma tổng hợp cả hai dạng: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (c.9).
3. Chương 15 trong thư 1Cr là lời tuyên xưng quan trọng nhất: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (15,3-8).
II. Truyền thống tường thuật
Trong khi truyền thống tuyên xưng cô đọng niềm tin chung của Kitô giáo vào những công thức vững chắc và đòi buộc cộng đoàn tín hữu sự trung thành đến từng mặt chữ, thì truyền thống trình thuật về những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh phản ánh nhiều truyền thống khác nhau và đem lại cho niềm tin nội dung và hình dạng.
Nhiều truyền thống khác nhau đã tạo nên sự khác biệt giữa các tường trình phục sinh của bốn Tin Mừng: Thánh Mátthêu, ngoài việc Đấng Phục Sinh hiện ra với các phụ nữ gần mồ trống, chỉ biết có mỗi một lần hiện ra với Nhóm Mười Một tại Galilê. Thánh Luca chỉ biết mỗi những truyền thống tại Giêrusalem. Thánh Gioan tường thuật những lần hiện ra tại Giêrusalem và Galilê. Thánh Máccô thì có một kết thúc ngắn (16,8) giả thiết các bà đã thấy mồ trống và được trao trách nhiệm đi loan báo phục sinh.
III. Ý nghĩa sự khác biệt giữa hai truyền thống
Truyền thống trình thuật tường trình về những lần gặp gỡ với Đấng Phục Sinh và những điều Người nói, còn truyền thống tuyên xưng chỉ giữ những sự kiện quan trọng nhất, thuộc về việc xác định đức tin. Từ đó đưa đến những khác biệt cụ thể:
Trước hết, trong truyền thống tuyên xưng, các chứng nhân đều là đàn ông với tên rõ ràng, trong khi đối với truyền thống trình thuật thì các phụ nữ lại có vai trò quyết định, nổi bật hơn đàn ông. Điều này có liên hệ đến truyền thống Do-thái, đó là chỉ đàn ông mới có thể làm chứng trước tòa án, chứng cứ của phụ nữ không được chấp nhận. Ngược lại, truyền thống trình thuật không bị lệ thuộc vào các cơ cấu luật lệ này, nhưng chia sẻ vào cảm nghiệm phục sinh. Cũng như đứng cạnh thập giá – trừ thánh Gioan – chỉ có các phụ nữ, vì thế người ta nghĩ rằng họ là những người đầu tiên được gặp Đấng Phục Sinh. Hội Thánh được đặt nền tảng cơ cấu trên Phêrô và Nhóm Mười Một, nhưng trong hình dạng cụ thể của đời sống Hội Thánh thì luôn luôn là phụ nữ mở cửa cho Chúa, cùng đi với Người đến thập tự và nhờ đó có thể gặp Đấng Phục Sinh.
IV. Những lần hiện ra với thánh Phaolô
Ý nghĩa thứ hai, đó là truyền thống trình thuật bổ túc cho việc tuyên xưng, không những công nhận những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh mà còn diễn tả cách cụ thể. Đó là ba lần sách Công vụ kể lại cuộc trở lại của thánh Phaolô, cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh (các chương 9, 22 và 26). Dù ba trình thuật có những khác biệt, nhưng có điểm chung là việc hiện ra (ánh sáng) và lời đi chung với nhau. Đấng Phục Sinh, vì bản chất của Người là ánh sáng, nói như một con người với thánh Phaolô trong ngôn ngữ của mình. Lời Người một mặt là tự xác định mình nhưng đồng thời cũng đồng hóa với Hội Thánh đang bị bách hại, và mặt khác, lời là sứ vụ mà nội dung sẽ được triển khai dần dần.
V. Những lần hiện ra với các tông đồ và các phụ nữ
Các tác giả Tin Mừng tường trình việc Đấng Phục Sinh hiện ra theo một cách thức khác. Một mặt, Chúa hiện ra như một người bình thường nhưng Người lại không phải là một người trở về như trước khi chết. Người vẫn chính là Người, một con người có thể xác, nhưng Người cũng là Đấng mới lạ, trong cách hiện hữu mới.
Các đoạn Kinh Thánh Cựu Ước soi sáng phần nào những lần hiện ra huyền bí của Đấng Phục Sinh. Đó là những lần Thiên Chúa hiện ra với ông Ápraham (St 18,1-33), Giôsuê (5,13-15), Ghiđêôn (Tl 6,11-24) hoặc Samson (Tl 13). Những câu truyện này cho thấy một mặt sự gần gũi của Thiên Chúa khi xuất hiện như một con người, mặt khác cho thấy sự khác biệt siêu việt của Người, qua đó cho thấy Người đứng ngoài quy luật tự nhiên của sự sống vật chất.
Các đoạn Kinh Thánh nói về việc Đấng Phục Sinh chia sẻ bữa ăn với các môn đệ cũng thật giàu ý nghĩa. Đó là Đấng Phục Sinh bẻ bánh với hai môn đệ trên đường đi Emmau (Lc 24), với các môn đệ sau một đêm không bắt được con cá nào nhưng rồi được mẻ cá lạ lùng, sau đó, Đấng Phục Sinh mời các ông lên bờ ăn cá Người nướng (Ga 21), và sau cùng là bữa ăn giữa Đấng Phục Sinh và các môn đệ ghi lại trong Sách Cv 1,3-4. Nhìn chung, có ba yếu tố minh chứng Đấng Phục Sinh: “Người để cho họ nhìn thấy mình”, “Người nói”, và “Người dùng bữa”.
Trong ba đoạn trên thì Cv 1,3-4 là chìa khóa: “Trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem”. Nếu dịch sát nghĩa sẽ là “khi ăn muối với họ”. Trong Cựu Ước, sự kiện cùng ăn bánh với muối hay chỉ có muối được dùng để ký kết những giao ước vững bền (x. Ds 18,19; 2Sb 13,5). Muối được xem như đảm bảo cho sự trường tồn, là thuốc bảo quản khỏi hư, chống lại cái chết, bảo quản sự sống. Việc Đấng Phục Sinh “ăn muối” với các môn đệ cho thấy việc ký kết giao ước mới và liên kết nội tại với bữa Tiệc Ly, qua đó cho thấy Đấng Phục Sinh ban chính mình cho các môn đệ, để họ được chia sẻ sự sống vĩnh cửu của Người.
Đối lại, các môn đệ cũng luôn phải giữ “muối” trong mình: “Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau” (Mc 9,49-50). Như vậy, họ cần nhớ canh tân giao ước, lễ dâng cuộc sống, thanh tẩy hiện hữu của mình để trở thành của lễ dâng Thiên Chúa.
(Ngoài đôi chỗ biên soạn, bài này trích từ tác phẩm Đức Giêsu Thành Nazareth, phần II, của ĐGH Bênêđíctô, bản dịch của Lm. Aug Nguyễn Văn Trinh)
LM. JM. Mười Một, CSsR
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét