Thần học và các đề nghị
cải tổ giáo triều mới đây
Roma (VietCatholic News 16-02-2015) - Ký giả kiêm thần học gia Andrea Gagliarducci, khi nhận xét về những đề nghị cải tổ Giáo Triều mới đây, cho rằng cuộc cải tổ này sẽ không thoả mãn được tiêu chuẩn của mọi người, kể cả những người được coi là cấp tiến. Nhiều người cho diễn trình này quá chậm chạp.
Chậm chạp hay không thì còn tùy, nhưng rõ ràng là thận trọng. Căn cứ vào những gì mới được công bố, người ta thấy có việc thiết lập các "siêu" thánh bộ "để thử nghiệm" trong khi chờ đợi việc soạn thảo tân hiến chế mục vụ để điều hành các chức năng của Giáo Triều. Việc này đòi hỏi nhiều thời gian nữa.
Tìm hiểu vấn đề, Gagliarducci cho rằng việc thận trọng này, một phần, có thể do sự đề kháng của một số giới mà có lần chính những vị ủng hộ diễn trình cải tổ đã lớn tiếng nêu ra. Nhưng, theo ký giả này, mạnh nhất có thể là vì chính Ðức Phanxicô chưa bao giờ có một kế hoạch canh tân Giáo Hội. Ngài không hề muốn thay đổi các học thuyết hiện hành của Giáo Hội. Ngài chỉ nghĩ tới nhu cầu phải có một phương thức nhiều tính mục vụ hơn thôi. Chính những vị Hồng Y ủng hộ ngài trong cuộc bầu giáo hoàng vừa qua, khi được đề cử vào các vai trò cố vấn quan trọng, đã cổ vũ các nghị trình riêng. Và các nghị trình này gặp đề kháng vì không hẳn phản ảnh viễn kiến chung.
Người ta có thể đọc được các điều trên do sự kiện: lúc khai mạc công nghị Hồng Y đoàn, Ðức Phanxicô yêu cầu sự hợp tác của mọi người. Ngài nhấn mạnh rằng cuộc cải tổ tự nó không phải là một cùng đích, mà chỉ nhằm phát huy sự hợp nhất giữa các cơ quan của Giáo Triều. Ngài cũng nhắc các vị Hồng Y nhớ rằng yêu cầu cải tổ phát xuất từ các cuộc họp trước khi có mật nghị bầu giáo hoàng. Ðây là một sự tế nhị để nhấn mạnh rằng ngài chỉ thi hành một ủy nhiệm đã được trao phó.
Ủy nhiệm ấy là gì? Lúc ấy, rất nhiều vị Hồng Y than phiền việc thiếu truyền đạt với Rôma và Giáo Triều quá tập trung quyền hành. Lời than phiền này càng được biện minh bằng những tai tiếng như Vatileaks (rì rỏ "tin mật" của Vatican) hay các chiến dịch có sắp xếp khéo léo nhằm chống lại Tòa Thánh như các tai tiếng ấu dâm.
Cụ thể là cần phải đổi mới hình ảnh của Giáo Hội. Muốn thế thì cần phải hiểu điều gì không ổn trong tính hợp đoàn mà Ðức Bênêđíctô XVI vốn kêu gọi phải dùng như một khí cụ để làm việc. Hợp đoàn chỉ vận hành được, khi mọi người đồng ý. Nếu có ai đó chống đối, thì hiển nhiên diễn trình đổi mới sẽ chậm hẳn lại. Các trở ngại thường chỉ là những viên sỏi nhỏ đặt vào bộ máy đồng hồ: chúng không làm ngưng chiếc đồng hồ, nhưng làm nó chậm lại cho tới khi ngưng chạy.
Do đó, những viên sỏi nhỏ kia cần được lấy khỏi bộ máy để cải tiến sự vận hành của nó. Hai danh từ thích hợp trong diễn trình này là hợp lý hóa và phụ đới. Cần phải đưa ra các điều chỉnh về chức năng, hơn là nhằm chấm dứt một thời đại và khởi đầu một thời đại mới.
Sự thực là: có một số vị Hồng Y muốn thấy một thời đại mới, nhất là trong số các giáo phẩm Ðức. Ở nước này, thần học chịu ảnh hưởng nặng của Ðức HY Kasper và thầy dạy của ngài là Karl Rahner, chứ không hẳn của Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger.
Vị Hồng Y sau chưa bao giờ lập ra một trường phái nào. Ngài chỉ dẫn khởi một phương pháp mới. Sự hiện diện của ngài ở Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin đã từng bước thanh tẩy tư duy thần học khỏi não trạng thế trần, như nền Thần Học Giải Phóng chẳng hạn, tức nền thần học của Leonardo Boff, sau khi ông này gặp nó ở Ðức; kỷ luật mới dành cho người ly dị và tái hôn do các giám mục Ðức vùng Sông Rhine thúc đẩy; và một số trước tác liên tôn mà thực tế là bác bỏ thiên tính của Chúa Giêsu, không coi Người là Ðấng Cứu Thế duy nhất.
Với công trình thần học trong nhiều năm và đầy khôn ngoan của Ðức Hồng Y Ratzinger, ba trường phái trên đã phải lui vào bóng tối. Trường phái Kasper, chỉ trong vài năm, đã gần như chết yểu. Nhưng giờ đây xem ra đang được truyền thông lưu ý trở lại.
Trong khi ấy, có vấn đề Châu Mỹ La Tinh mà vấn đề lớn hơn cả là vấn đề giáo lý. Làn sóng người Công Giáo chạy qua Phái Ngũ Tuần phần lớn do thiếu tín lý chắc chắn. Người ta chạy tới với Giáo Hội Công Giáo phần lớn để được hưởng lợi ích xã hội, còn việc thờ phượng , họ chạy tới với Phái Ngũ Tuần! Thần Học Giái Phóng rất có thể đã góp phần vào xu hướng này. Nhưng xu hướng này rõ ràng cũng được nuôi dưỡng bởi một "thuyết duy mục vụ" nào đó, rất thịnh hành trong thập niên 1970. Những người theo thuyết này cho rằng nhu cầu chính là phải tới với dân chúng và gần gũi họ nhiều hơn, còn tín lý sẽ đến sau, khi người ta đã được lôi cuốn vào Giáo Hội. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vốn cũng đã đề cập tới chủ đề này. Sau này, ngài cũng đã chọn phương thức phúc âm hóa dựa trên sự gần gũi, nhưng là một việc phúc âm hóa lúc nào cũng tập chú vào sự thật.
Việc thanh tẩy Giáo Hội khỏi các giải thích thần học sai lạc vốn đã được khởi sự từ thời Ðức Phaolô VI với Kinh Tin Kính Của Dân Chúa. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đẩy xa hơn nữa việc thanh tẩy này nhằm giải quyết các cuộc tranh luận thần học phát sinh trong thời kỳ hậu công đồng. Sau lưng vị giáo hoàng du hành này, nhiều cột trụ thần học đã xuất hiện với mục tiêu lên khuôn thế giới bằng sứ cmạnh của chân lý. Ta thường chỉ nhớ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được truyền thông mộ mến vào những năm tháng cuối đời, lúc ngài bệnh hoạn. Chứ ít khi nhớ tới những năm đầu làm giáo hoàng của ngài, khi người ta than phiền các ý tưởng và cung cách cai quản quyết đoán của ngài.
Thực ra, trong suốt 27 năm làm giáo hoàng, Ðức Gioan Phaolô II đã cố gắng cân bằng các chủ trương. Tuy nhiên, về cuối đời, ngài không đích thân đưa ra các quyết định nữa, mà chỉ phê chuẩn các quyết định của người khác thôi. Ðây là lý do khiến cho có nhiều khuynh hướng khác nhau trong các vị Hồng Y do ngài bổ nhiệm.
Gagliarducci cho rằng các vị Hồng Y được coi là ủng hộ Ðức Hồng Y Bergoglio tại mật nghị bầu giáo hoàng phần lớn thuộc "phe tả" trong Giáo Hội, những vị được "ngoại vi" yêu mến, và được chính Ðức Gioan Phaolô II phần nào hỗ trợ, nhưng đã bị Ðức Bênêđíctô XVI cho ra rìa.
Nhìn dưới khía cạnh trên, người ta thấy rõ đà thúc đẩy cho điều được nhiều người coi là cách mạng hiện nay phát sinh từ nhu cầu có tính thế hệ. Những vị ủng hộ cuộc cách mạng này nay đã già, một số vị gần tới tuổi hồi hưu, một số vị đã quá tuổi này. Các vị cần gấp rút!
Chính vì thế, có sự thúc đẩy Ðức Phanxicô làm "cách mạng". Các vị này biết ngài không thích các cơ cấu rềnh ràng, nhưng thích hành động trong tư cách ngôi thứ nhất; không thích diễn trình tranh luận lớn lao để sau đó ban hành các văn kiện quan trọng, vì lúc còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires, ngài vốn không muốn mở công đồng giáo phận.
Nhưng trong công nghị Hồng Y vừa qua, cuộc cách mạng trên xem ra có sự ngưng đọng vì trong số hơn 100 đề nghị do Hội Ðồng Hồng Y thu lượm trong hơn 50 phiên họp, Hội Ðồng chỉ đưa ra được một đề nghị lập ra hai siêu thánh bộ, mỗi thánh bộ gồm 5 văn phòng, để tổng hợp 12 hội đồng giáo hoàng vào hai cơ cấu mà thôi.
Hội Ðồng Hồng Y cũng thảo luận việc lập ra một thánh bộ mới, có lẽ sẽ mang tên Văn Phòng Truyền Thông, để thay thế mọi phương tiện truyền thông của Tòa Thánh bằng một cơ quan quản trị duy nhất. Thánh bộ mới này cũng sẽ có trách nhiệm phối hợp và thống nhất hóa các nội dung của truyền thông Tòa Thánh.
Vì Văn Phòng Truyền Thông ít nhất sẽ lấy đi một số năng quyền của Hội Ðồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, nên vị chủ tịch của Hội Ðồng này, Ðức Hồng Y Gianfranco Ravasi, đề nghị lập ra Thánh Bộ Văn Hóa để phối hợp Thư Viện Vatican, Văn Khố Mật Vatican và Các Viện Bảo Tàng Vatican.
Cuối cùng, cũng đang có cuộc cải tổ liên tục tại Hội Ðồng Kinh Tế và Văn Phòng Kinh Tế, với trách vụ thống nhất hóa bản cân bằng chi thu của Tòa Thánh và Thị Quốc Vatican.
Vấn đề thực sự ở đây là nhiều dự thảo cải tổ này bao gồm lẫn lộn nhiều năng quyền khác nhau. Các cuộc thảo luận tại công nghị Hồng Y vừa qua tập chú vào việc hiểu rõ các hội đồng giám mục có thể đảm nhiệm những năng quyền nào hiện do các hội đồng giáo hoàng và các thánh bộ phụ trách. Một vấn đề khác đang được duyệt xét là đề nghị biến Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng thành một cơ cấu quản trị, vì Ðức Phanxicô hay nói tới tính công đồng (synodality). Cũng đang có cuộc tranh luận về sự mơ hồ giữa Thị Quốc Vatican và Tòa Thánh.
Ðiều đáng lưu ý là: hôm trước khi có Hội Ðồng Hồng Y và công nghị Hồng Y, Ðức Hồng Y Gerhard Ludwig Mueller, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin, cho đăng một bài báo khá dài trên tờ Quan Sát Viên Rôma tựa là "Thanh Tẩy Ðền Thờ".
Bài báo trên tìm về nguồn gốc nhu cầu cải tổ mà chính Ðức Bênêđíctô XVI đã tiếp nhận: ngài cũng vốn đã nói tới việc phải làm cho Giáo Hội bớt trần thế đi. Ðức Hồng Y Muller coi mục tiêu cuối cùng của việc cải tổ Giáo Hội như là để soi sáng cho sứ mệnh của Giáo Hội. Thêm vào đó, ngài nhấn mạnh tới các dị biệt giữa Giáo Triều Rôma, Hồng Y Ðoàn, Thượng Hội Ðồng Giám Mục, và cơ quan quản trị Thị Quốc Vatican. Ngài cũng cảnh báo cơn cám dỗ muốn thiêng liêng hóa Giáo Hội một cách thái quá, đến độ biến Giáo Hoàng thành một môi trường lý tưởng xa vời thực tế.
Phải đọc bài báo trên ví nó làm sáng tỏ các giới hạn trong các đề nghị cải tổ vốn được lưu hành nhiều tháng qua. Ðức Hồng Y Muller cho rằng: vấn đề không phải là việc cải tổ. Mà phần lớn là: cần một nền tảng thần học vững chắc mới mong đạt được cuộc cách mạng và để soạn thảo tân hiến chế mục vụ trong đó có cuộc cách mạng này.
Ðức Cha Marcello Semeraro of Albano, Thư Ký Hội Ðồng Hồng Y, cố gắng cung cấp nền tảng thần học này. Do đó, ngài đã thêm phần thứ hai vào dự thảo cải tổ, tức phần biện minh thần học cho ý niệm lập ra hai siêu thánh bộ, một cho Bác Ái, Công Lý và Hòa Bình, một cho Giáo Dân, Gia Ðình và Sự Sống. Tuy nhiên, về điểm này, các vị Hồng Y nêu nhiều nghi vấn, nhất là liên quan tới việc dùng chữ. Như "tính công đồng" (synodality) chẳng hạn bị nhiều vị chê và tỏ ý muốn dùng chữ "tính hợp đoàn" (collegiality) hơn.
Cũng có những vấn đề thực tiễn về luật pháp. Hội Ðồng Kinh Tế dự thảo qui chế của mình và trình cho HÐ Giáo Hoàng về Giải Thích Các Bản Văn Luật Pháp duyệt xét. Việc duyệt xét này cần thiết để bảo đảm việc các luật lệ nhất quán và ăn khớp với nhau, các năng quyền được xác định rõ ràng và không vi phạm giáo luật. Hội Ðồng Giáo Hoàng đưa ra một số phê phán và kết luận rằng bản văn cần được viết lại.
Hội Ðồng Kinh Tế không hài lòng bao nhiêu. Ðức Hồng Y Wilfried Napier, một thành viên của Hội Ðồng tỏ ý thất vọng, cho rằng cố gắng cải tổ đã bị chống đối. Nhưng Ðức Hồng Y Francesco Coccopalmerio, Chủ Tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng về Giải Thích Các Bản Văn Luật Pháp, nhấn mạnh rằng Hội Ðồng của ngài không chống lại cải tổ, chỉ mong nó có cơ sở vững chắc về luật lệ. Vả lại, Ðức Hồng Y Coccopalmerio nổi tiếng là người cấp tiến, nhất là liên quan tới các đề nghị nóng bỏng tại Thượng Hội Ðồng năm 2014 về gia đình. Ðiều ngài muốn là cuộc cách mạng phải có nền tảng định chế.
Ðiều hiển nhiên là cuộc cách mạng không thể tiến hành quá nhanh. Lúc kết thúc công nghị Hồng Y, ai cũng hiểu là cần có một hiến chế mục vụ mới. Một ủy ban chuyên môn sẽ soạn thảo hiến chế này trình cho một uỷ ban Hồng Y cho ý kiến trước khi được Ðức Giáo Hoàng chấp thuận.
Vũ Van An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét