Trang

Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

LỜI THIÊN CHÚA LÀ GÌ?

LỜI THIÊN CHÚA LÀ GÌ?



Lời Thiên Chúa chắc chắn là Lời Chúa! Lời Chúa được chép trong Sách Thánh! Nhưng hiểu như thế chưa đủ, chẳng khác gì nói phở nào cũng là phở. Lời Thiên Chúa thật ra là một mầu nhiệm phong phú vô cùng mà không có một lối diễn tả nào có thể kín múc hết được. Vì vậy, cần phải tìm hiểu thêm những nét phong phú diệu vợi của Lời Thiên Chúa rồi uống lấy tất cả sự đa dạng đó. Đó mới là Lời Chúa! Trong Tông Huấn Verbum Domini của ĐGH Bênêđictô XVI ban hành năm 2010, số 7, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã khẳng định liên quan đến các cách thức khác nhau chúng ta nói về “Lời Thiên Chúa”. Thật chính xác khi nói đến bản hòa tấu Lời Chúa, Lời duy nhất được diễn tả bằng nhiều cách thế khác nhau, “như một bản nhạc nhiều cung bậc”.[1] Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã nói đến đề tài này khi quy chiếu về Lời Chúa, bằng cách sử dụng kiểu nói loại suy theo ngôn ngữ loài người, theo đó, Lời Thiên Chúa có thể được hiểu với 06 nghĩa sau:

1. Người Con duy nhất của Chúa Cha

Thực vậy, kiểu diễn đạt này, một mặt nói đến việc Thiên Chúa tự truyền thông chính mình, mặt khác còn bao hàm các ý nghĩa khác được liên kết với nhau và cần được xem xét thận trọng, theo quan điểm suy tư thần học cũng như thực hành mục vụ. Như Lời tựa của thánh Gioan đã cho chúng ta thấy rõ, Logos tự nguồn gốc chỉ về Lời vĩnh cửu, nghĩa là, Người Con duy nhất được sinh ra bởi Chúa Cha có trước muôn đời, và cùng bản thể với Chúa Cha: Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.

2. Đức Giêsu Kitô

Nhưng thánh Gioan cũng khẳng định chính Ngôi Lời “đã trở nên người phàm” (Ga 1,14); vì thế Đức Giêsu Kitô, Đấng sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, đích thực là Ngôi Lời Thiên Chúa và trở nên đồng bản thể với chúng ta. Do đó, kiểu nói “Ngôi Lời” ở đây chỉ con người của Đức Giêsu Kitô, Người Con tự đời đời của Chúa Cha, đã làm người phàm.

3. Toàn thể tạo thành

Mặt khác, nếu biến cố Đức Kitô chiếm vị trí trung tâm trong Mạc Khải của Thiên Chúa, chúng ta phải nhìn nhận rằng chính toàn thể thụ tạo, cuốn sách thiên nhiên (liber naturae), cũng là thành phần chính yếu của “bản hòa tấu nhiều cung bậc” này, mà trong đó Ngôi Lời duy nhất được biểu lộ.

4. Lịch sử cứu độ

Đồng thời, chúng ta cũng khẳng định rằng Thiên Chúa nói Lời của Ngài trong lịch sử cứu độ, Ngài làm cho mọi người được nghe lời của Ngài; và bằng sức mạnh Thần Khí của Ngài, “Ngài đã nói qua các ngôn sứ”.[2] Thế nên, Lời Chúa được tỏ bày trong suốt lịch sử cứu độ và đạt tới mức viên mãn trong mầu nhiệm Nhập Thể, chết và Sống lại của Con Thiên Chúa.

5. Truyền thống Hội Thánh

Lời Chúa còn là Lời được các Tông Đồ rao giảng theo lệnh truyền của Đức Giêsu Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Như vậy, Lời Chúa được lưu truyền trong Truyền Thống sống động của Giáo Hội.

6. Sách Thánh Cựu và Tân Ước

Sau cùng, Lời Chúa, Lời được chứng thực và được Thiên Chúa linh hứng, chính là Sách Thánh, Cựu Ước và Tân Ước. Tất cả điều đó cho chúng ta hiểu tại sao trong Giáo Hội, chúng ta hết mực tôn kính Sách Thánh, dù rằng niềm tin Kitô giáo không phải là một “tôn giáo của Cuốn Sách”: Kitô giáo là “tôn giáo của Lời Thiên Chúa”, không phải là “lời được viết ra và câm lặng nhưng là Lời nhập thể và sống động”.[3] Vì thế Sách Thánh phải được công bố, nghe, đọc, đón nhận và được sống như là Lời của Thiên Chúa liên kết với Thánh Truyền của các Tông Đồ.[4]

Như điều các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã khẳng định, công thức “Lời Thiên Chúa” được sử dụng một cách loại suy. Vì thế, các tín hữu phải được giúp đỡ nhiều hơn để họ nắm bắt được những ý nghĩa khác nhau của kiểu diễn tả này, cũng như hiểu được tính duy nhất của các ý nghĩa ấy. Cũng vậy, xét về quan điểm thần học, chúng ta cần tìm hiểu sâu xa sự nối kết giữa các ý nghĩa khác nhau của kiểu diễn tả này, hầu làm cho tính duy nhất trong kế hoạch của Thiên Chúa mà trung tâm điểm là Ngôi Vị Đức Kitô được ngời sáng hơn.[5]

LM. JM. Hà Ngọc Phú CSsR






[1] X. Đại Hội Thường Lệ lần XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục,Instrumentum laboris, số 9.
[2] Kinh Tin Kính của Công Đồng Nixê Côngtăngtinôpôli: DS  150.
[3] Thánh Bernarđô Clairvaux, Homelia super Missus est, IV, 11 : PL 183, 86 B.
[4] X. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 10.
[5] X. Đề nghị 3.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét