Trang

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Vấn đề luân lý (10): Có thể xưng tội và ban phép xá giải qua điện thoại không?

Vấn đề luân lý (10): Có thể xưng tội và ban phép xá giải qua điện thoại không?

xungtoiCâu hỏi: Có thể xưng tội và ban phép xá giải qua điện thoại không?
Trả lời: Theo như tôi biết thì Giáo Hội chưa bao giờ có câu trả lời chính thức về vấn đề này cách trực tiếp. Các học giả nổi tiếng xưa nay vẫn dạy là để phép xá giải có hiệu lực thì phải có một “sự hiện diện hỗ tương” của linh mục và hối nhân. Cụ thể, phải có một sự hiện diện thể lý thật sự, một sự gần gũi cận kề trên thực tế của hai người. Nhưng trong những trường hợp hết sức cần thiết như đắm tàu, tai nạn trên đường hay trong hầm mỏ…, thì có thể ban “phép xá giải có điều kiện”.
Những học giả này cho rằng nói chuyện qua điện thoại thì không phải là “hiện diện hỗ tương”. Số khác tranh luận rằng tiếng nói trên điện thoại không phải là tiếng nói trực tiếp của con người nhưng chỉ là sóng âm tương tự được các phương tiện truyền thông tạo ra. Vì thế, nó không được kể là có hiệu lực. Nhưng học giả Henry Davis, SJ, trong tác phẩm Moral and Pastoral Theology, có nói rằng: “Tuy nhiên, trong trường hợp thật sự cần thiết thì phép “xá giải có điều kiện” có thể được ban, vì vẫn đảm bảo tâm tình tôn kính dành cho Bí Tích này.”
Aertnys, Damen và Visser lập luận rằng việc xá giải qua điện thoại không có hiệu lực vì không có sự hiện diện về thể lý. Theo họ, điện thoại là phương tiện truyền thông dành chongười vắng mặt, chứ không phải cho người có mặt. Nhưng những tác giả này cũng đồng ý là trong trường hợp cần thiết, vẫn có thể ban “phép xá giải có điều kiện.”
Việc xưng tội và giải tội qua điện thoại có thể không đảm bảo “tính bí mật tuyệt đối nơi tòa giải tội” vì vị linh mục không biết mình đang nói chuyện với ai, liệu rằng cuộc nói chuyện này có bị ghi âm lại không và liệu nội dung của nó có thể bị tiết lộ không. Đã hẳn là vị linh mục không được phép tiết lộ nội dung cuộc nói chuyện với hối nhân nơi Tòa Giải Tội. Nhưng cũng cần nhớ rằng Hội Đồng Giáo Lý Đức Tin đã ban hành một sắc lệnh phạt vạ tuyệt thông cho bất cứ ai tiết lộ nội dung của Tòa Giải Tội bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội hay thu âm nó bằng bất cứ hình thức nào trên một thiết bị nào đó.
Như vậy, cứ sự thường, khi không rơi vào trường hợp cần kíp và nghiêm trọng, thì không được xưng tội và giải tội qua điện thoại.
(trích trong SMITH, Msgr. WILLIAM B,. Modern Moral Problems: Trustworthy Answers to Your Tough Questions, edited by Donald Haggerty, Ignatius Press, San Francisco, 2012, tr 287-288)
Lược dịch: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét