Án tru hiến, điều khoản tàn bạo của Luật Mô-sê?
Kinh Thánh thường nói Thiên Chúa là Đấng giàu tình thương. Tại sao trong Luật Mô-sê lại có điều khoản tàn bạo là bắt Ít-ra-en phải giết hết quân thù, khi họ chiếm được một thành nào, ví dụ như khi họ chiếm được thành Giê-ri-khô?
Luật Mô-sê nói về “án tru hiến” trong Sách Đệ-nhị luật (7,1-5; 20,16-18). Nhưng trước khi bàn về khoản luật đặc biệt này, chúng ta cần có cái nhìn tổng quát về hoàn cảnh lịch sử của dân Ít-ra-en thời xưa.
1. Chức năng và giới hạn của Luật Mô-sê
Chúng ta cần biết rằng mặc khải của Thiên Chúa được thực hiện trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Dân Ít-ra-en đã phải sống giữa những dân tộc ngoại giáo chung quanh với những nền văn hóa chưa tinh tế như ngày nay. Tất nhiên dân Ít-ra-en cũng đã phải chịu ảnh hưởng của những nền văn hóa ấy. Vì thế trong luật ông Mô-sê vẫn còn tồn tại những điều khoản lạ lùng gây phản cảm cho con người thời nay, ví dụ như những hành vi gian dối, những hành động vô luân, thậm chí những việc tiêu diệt kẻ thù hàng loạt.
Trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể đó, Thiên Chúa huấn luyện Dân Người dần dần, dẫn đưa họ từ tình trạng nô lệ (không chỉ trên bình diện xã hội, mà quan trọng hơn nữa là trên bình diện tâm linh: nô lệ đối với tội lỗi dưới mọi hình thức !) đến tình trạng con người tự do, con người như lòng Thiên Chúa mong ước. Luật Mô-sê được ban bố nhằm giáo dục con người một cách tiệm tiến : vì thế theo kế hoạch của Thiên Chúa, luật ấy chỉ có giá trị tạm thời. Đức Giê-su đã giải thích cho những người Pha-ri-sêu vì sao ông Mô-sê cho phép người ta ly dị : “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu’ (Mt 19,8). “Thuở ban đầu”, tức là ý định nguyên thủy của Thiên Chúa như được nói trong sách Sáng thế. Luật Mô-sê có mục đích dẫn dắt những người « lòng chai dạ đá » dần dần đến với Đức Ki-tô là A-đam mới của nhân loại. Chính Đức Ki-tô kiện toàn Luật Mô-sê bằng lời dạy vàgương sống của Người.
Trở về với luật ông Mô-sê: tuy bộ luật này còn hàm chứa nhiều điều bất toàn, nhưng so sánh với các tập tục và cơ cấu xã hội của những dân tộc ngoại giáo đương thời chung quanh, thì nó đã biểu lộ một sự tiến bộ lớn lao rồi. Ví dụ: luật “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21,23-25) của ông Mô-sê nhắm hạn chế sự báo thù: khi báo oán như thế phải có trọng tài chứng giám và không được gây thiệt hại cho người ta quá mức thiệt hại họ đã gây ra cho mình. Cũng vậy luật Mô-sê hạn chế hình phạt đối với các nô lệ, trong lúc nơi các dân tộc khác, ông chủ có toàn quyền trên lớp người đáng thương này. Như vậy so với các bản luật của các dân tộc thời ấy, thì luật ông Mô-sê nhân đạo hơn nhiều.
Sau hết chúng ta cần lưu ý một điểm quan trọng khác. Người tín hữu Do-thái trước thế kỷ 2 tCN chưa được mặc khải về đời sống mai sau: họ nghĩ rằng khi chết rồi, người lành và kẻ dữ đều xuống âm phủ cả. Còn Thiên Chúa là Đấng giàu tình thương, nhưng cũng là Đấng rất công bằng. Vậy thì chính ngay trong cuộc sống trên trần gian này, sự công bằng của Thiên Chúa được thể hiện. Thiên Chúa “xét xử” thế giới (từ ngữ Do Thái có nghĩa là cai quản và thống trị) một cách công minh bằng việc giữ gìn người ngay lành và tiêu diệt ác nhân. Sự dữ được hình dung một cách cụ thể nơi những con ngừơi, những quốc gia, những thể chế. Từ đó người ta thường trình bày Thiên Chúa như một chiến binh đánh bật gốc sự dữ và cứu thoát Israel bằng việc đánh bại các kẻ thù của nó. Nhưng Thiên Chúa cũng không bao dung Ít-ra-en một cách mù quáng: Người sẽ trừng phạt Ít-ra-en, khi nó phạm tội.
Tuy nhiên bức chân dung về vị Chiến Binh thiên giới này bớt phần khắc nghiệt qua các sự kiện sau đây:
- Thứ nhất, chiến tranh không phải là hoạt động chính, mà chỉ để chỉ cho thấy Thiên Chúa “xét xử” (nghĩa là cai quản) một cách công minh;
- Thứ hai, khi các tín hữu Do-thái, trong các Thánh vịnh, đòi “trả thù”, họ xin Thiên Chúa uốn nắn lại những bất công trong thế giới và họ hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa việc thực hiện;
- Thứ ba, Cựu Ước mặc khải một Thiên Chúa vừa nhân từ vừa công chính. Khi hai ý niệm ấy xem ra xung đột nhau, thì thường lòng nhân từ và thương xót chiến thắng. Các ngôn sứ đã ghi lại lời chứng của chính Thiên Chúa:
“Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ép-ra-im nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (Hs 11,9).
hoặc:
“Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng - Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?”(Ed.18,23).
Bây giờ chúng ta có thể đề cập tới vấn đề “tru hiến” như được nêu trong câu hỏi.
2. Biệt hiến
Từ Do-thái “herem” mang các nghĩa cơ bản sau đây:
- một lời khấn qua đó người ta cung hiến một cách dứt khoát (nghĩa là không thể chuộc lại) điều gì đó (người, súc vật hay của cải) cho Thiên Chúa. Trong trường hợp thánh chiến, người ta cung hiến tất cả chiến lợi phẩm (người cũng như của cải) cho Thiên Chúa: điều này đưa tới “án tru hiến”, tức là tiêu diệt tất cả nơi phe bại trận;
- hình phạt trục xuất khỏi cộng đoàn trong một số trường hợp: hình phạt nặng nhất có thể đưa tới án tử hình.
Về việc thi hành “án tru hiến” đối với các thành bại trận, chúng ta cần phân biệt hai thời điểm : thời điểm các sự kiện xảy ra (thế kỷ XIII tCN) và thời điểm các bản văn được soạn thảo (thế kỷ VI).
Các dữ kiện lịch sử về việc thi hành án tru hiến rất ít: sách Dân số (21,1-3) và Thủ lãnh (1,13) nói tới việc hai anh em Si-mê-on và Giu-đa thi hành án tru hiến khi chiếm thành Khooc-ma thuộc xứ Ca-na-an. Sách Giô-su-ê (chương 6) kể việc dân Ít-ra-en chiếm thành Giê-ri-khô, rồi “phóng hỏa đốt thành cũng như tất cả những gì trong đó”, trừ gia đình cô Ra-kháp là người đã trợ giúp những người Ít-ra-en do-thám trước đó.
Còn Sách Sa-mu-en (1Sm 15) kể lại việc vua Sa-un (thế kỷ XI) đã không thi hành đầy đủ án tru hiến đối với dân A-ma-lếch. Sau vua Sa-un thì người ta không còn thấy việc thi hành án tru hiến nữa, trừ 1V 20,42 theo đó thì một vị ngôn sứ vô danh nào đó đòi phải thi hành án này. Đàng khác án tru hiến chỉ được thi hành trong xứ Ca-na-an mà thôi, chứ không phải đối với những thành ở xa (Đnl 20,15-18); lý do là “chúng (dân Ca-na-an) sẽ không dạy anh em học đòi mọi điều ghê tởm chúng làm để kính các thần của chúng, khiến anh em phạm tội nghịch cùng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em”.
Như đã nói ở trên việc Ít-ra-en tiêu diệt người, súc vật và của cải của đối phương nằm trong khung cảnh các nền văn hóa thời xưa, mặc dầu sự việc xảy ra rất ít tại Ít-ra-en. Ở Ca-na-an dân ngoại còn hỏa thiêu các hài nhi để làm của lễ dâng cho các vị thần; tại Át-xua người ta lột da sống các tù nhân…
Các bản văn trong Luật Mô-sê nói về việc thi hành án tru hiến, được soạn thảo vào thế kỷ VI, trong Sách Đệ-nhị-luật (Đnl 7,1-5; 20,16-18). Cần lưu ý là tác giả sách này cũng là một trong những tác giả đã biên soạn quyển Giô-su-ê. Đứng sau các biến cố những 7 thế kỷ, tác giả muốn trình bày ông Giô-su-ê như một vị anh hùng dân tộc, nên đã cường điệu một số sự việc để đề cao các chiến công của ông. Đàng khác tác giả nhấn mạnh tới việc ông Giô-su-ê thi hành cách trung tín mệnh lệnh của Thiên Chúa để gìn giữ cho Dân khỏi bị lây nhiễm với lối sống của dân Ca-na-an. Thánh chiến với án tru hiến trong sách Giô-su-ê và sách Đệ-nhị-luật là một chủ đề tôn giáo nhằm đề cao sự tinh ròng của niềm tin vào Thiên Chúa, sự trung tín với giao ước; nó biểu lộ một sự đọc lại, một suy tư hậu thời về các biến cố quá khứ, và như vậy nó có tính cách lý thuyết hơn là thực tế lịch sử. Nói cách khác, sau nhiều thế kỷ sống chung đụng với các dân ngoại, dân Ít-ra-en đã nhiều lần sa ngã vào tội thờ tà thần của họ, bắt chước lối sống vô luân của họ;vì thế tác giả sách Giô-su-ê và sách Đệ-nhị-luật muốn đề cao lối sống nghiêm nhặt của cha ông (tuyệt đối không chấp nhận ảnh hưởng của các dân ngoại) như một lý tưởng tôn giáo cho các thế hệ về sau.
Noberto Nguyễn Văn Khanh
http://www.ofmvn.org/tac-pham/Kinh-th%
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét