Trang

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Vấn đề luân lý (9): Có nên ban Bí tích Thanh Tẩy cho con nuôi của một cặp đồng tính không?

Vấn đề luân lý (9): Có nên ban Bí tích Thanh Tẩy cho con nuôi của một cặp đồng tính không?

GMVNGHCGTG_Full_5350323Câu hỏi: Tôi là một cha xứ của một giáo xứ lớn ở miền quê. Một năm trước, một cặp đồng tính nữ đã hỏi tôi về việc nhận nuôi một đứa con. Cuộc nói chuyện giữa tôi với họ chẳng đi tới đâu, rồi họ bỏ đi. Bây giờ, họ quay lại với một đứa con nuôi người Trung Quốc và xin tôi rửa tội cho bé. Tôi có nên cử hành Bí Tích Rửa Tội cho em nhỏ này không?
Trả lời: Tôi sẽ trả lời cách từ từ câu hỏi này, nhưng không đi theo hướng của câu hỏi. Tôi nghĩ là sẽ tốt hơn cho đứa trẻ khi giải thích theo một hướng khác.
Trước hết, chúng ta hãy bàn về những gì hiển nhiên. Luật Giáo Hội đòi hỏi rằng đứa trẻ được mang đến xin lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội phải có một hy vọng thực tế là sẽ được nuôi dưỡng trong môi trường Công Giáo. Nếu không có hy vọng này thì không nên cử hành Bí Tích Rửa Tội ( x. GL 868, triệt 1, số 2).
Tôi hy vọng là quy định trên không bị hiểu lầm hay bị bóp méo thành một kiểu phát biểu nào đấy chống lại việc rửa tội cho trẻ em. Tôi không có ý như vậy. Tôi có ý muốn nói rằng quy định của Giáo Hội như vậy là hợp lý.
Bí Tích Rửa Tội là rất cần thiết cho ơn cứu độ và vì thế, không nên trì hoãn hoặc từ chối. Lan truyền đức tin và cử hành Bí Tích Rửa Tội gắn kết với nhau rất chặt chẽ như được diễn tả trong lệnh truyền của Chúa Giêsu (Mt 28,19). Hơn nữa, Công Đồng Trento đã dạy rất rõ ràng rằng Bí Tích Rửa Tội không chỉ là một dấu chỉ của đức tin nhưng còn là căn nguyên của đức tin. Dĩ nhiên, con cái được rửa tội “trong đức tin của Giáo Hội”, chứ không đơn thuần là trong đức tin của cha mẹ, người thân hay những người chung quanh.
Nhưng trước khi cử hành Bí Tích Rửa Tội cho em thì phải đảm bảo rằng em bé này sẽ được nuôi dưỡng trong môi trường Công Giáo. “Xét như là một quy định, những đảm bảo này phải được cha mẹ hay những người họ hàng gần gũi, hoặc ít là những người có thể thay thế vai trò của những người kia trong cộng đoàn Kitô giáo, chứng tỏ cho thấy.” (CDF, Những Hướng Dẫn Cho Việc Rửa Tội Cho Trẻ Em, số 28). Tôi cho rằng cặp đồng tính nữ kia không là và không thể là những người thay thế được vai trò như quy định kia nói đến.
Đáng buồn thay, Tòa Án Tối Cao của New York, ngày 2.11.1995, đã quyết định rằng một cặp không đăng ký kết hôn vẫn có thể được nhận con nuôi. Điều này đã mở lối cho việc các cặp đồng tính nhận con nuôi. Tôi cho rằng quyết định như vậy là sai. Một cặp không kết hôn thì không phải là một gia đình, và hai người đồng tính thì không là một gia đình.
Quốc hội Âu Châu cũng có quyết định tương tư như vậy. Đáp lại quyết định này, Đức Gioan Phaolô II đã chia sẻ trong buổi Angelus ngày 20.2.1994 rằng:
Tương quan giữa hai người nam và hai người nữ không làm nên một gia đình thực sự, và không thể cho phép những cặp đôi này nhận con nuôi được. Những đứa trẻ này sẽ gặp phải những mối nguy lớn, những thua thiệt nặng nề vì trong những “gia đình kiểu thay thế” này, chúng không có một người cha và một người mẹ, nhưng là “hai người cha” và “hai người mẹ”. Và điều này rất nguy hiểm.
Vài tháng sau, Ngài tiếp tục dạy rằng, tính dục con người và gia đình vừa là kế hoạch của Thiên Chúa, vừa là công trình sáng tạo của Thiên Chúa. “Nó thực sự có một cấu trúc sinh lý và tâm lý độc nhất vô nhị, nhắm tới việc hiệp thông giữa người nam và người nữ, cũng như việc sinh ra những con người mới. Tôn trọng cấu trúc và sự nối kết không thể chia cắt này không phải là một kiểu “chủ nghĩa sinh học” hay “chủ nghĩa luân lý” nhưng là mối bận tâm cho sự thật của điều làm nên cái gọi là con người.”
Dựa trên những nguyên tắc này, cha Gino Concetti, OFM, tranh luận rằng “trẻ em có quyền được sinh ra trong một gia đình thực sự” – quyền được sinh ra trong một gia đình bình thường, theo một cách thức tự nhiên, quyền được đón nhận vào trong một gia đình mong muốn có mình hiện diện và được bố mẹ nuôi dưỡng. “Những ai nhân danh sự phát triển để hợp pháp hóa những kết hợp đồng tính thì đã làm ngơ chân lý này, dù là cố ý hay không. Họ nói rằng hai người nữ sống với nhau có thể đảm bảo cho đứa con những quyền lợi như những cặp dị tính bình thường. Nhưng quan điểm này không chỉ bóp méo tự nhiên, mà còn làm ngược lại với tự nhiên.”
Cũng cần phải xem xét lại động cơ của các cặp không kết hôn trong việc nhận con nuôi. Có phải đứa trẻ chỉ được xem như một đồ vật hay một cái gì đó thỏa mãn cho khao khát chủ quan nào đó của tình mẫu tử hoặc để tránh cảm giác cô đơn không? Có phải đứa trẻ bị xem như một đồ vật, một thứ trưng bày, để thúc đẩy cho một kế hoạch nào đó chống lại tự nhiên không? Không ai có thể trả lời ngay được nhưng như tài liệu Donum Vitae nhắc nhở chúng ta rằng, một đứa trẻ không phải là một đồ vật, nhưng là một con người: “Đứa trẻ không phải là một cái gì đó để người ta có quyền trên nó, nó cũng không thể bị xem như là một đối tượng của một sự sở hữu; đúng hơn, một đứa trẻ là một món quà, “món quà tối cao” và là món quà nhưng không [miễn phí] nhất của hôn nhân, và là chứng tá sống động của việc trao ban cho nhau của bố mẹ.”
Vì thế, tôi nghĩ rằng lợi ích tốt nhất của bé người Trung Quốc này sẽ được gìn giữ khi được một gia đình thực sự nhận nuôi. Nếu gia đình thực sự này là người Công Giáo thì chẳng có ngăn trở nào để rửa tội cho bé.
Nhưng sẽ là thiếu khôn ngoan và không thích đáng khi chấp nhận và làm theo yêu cầu của cặp đồng tính nữ kia. Vì nếu làm theo, một trong hai người hoặc cả hai sẽ nói với người khác rằng một linh mục Công Giáo đã Rửa tội cho con nuôi của họ. Dù bạn có chần chừ hay do dự thế nào thì việc này có thể sẽ gây ra sự hiểu lầm, nếu không muốn nói là cớ vấp phạm cho người khác, vì nó sẽ làm cho người khác nghĩ là Giáo Hội đã không chống lại điều mà Giáo Hội cần phải chống, đó là việc những cặp đồng tính nhận con nuôi.
(trích trong SMITH, Msgr. WILLIAM B,. Modern Moral Problems: Trustworthy Answers to Your Tough Questions, edited by Donald Haggerty, Ignatius Press, San Francisco, 2012, tr 279-281)
Lược dịch: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét