Trang

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Giải đáp phụng vụ: Việc đặt tay trong lễ truyền chức và lễ tấn phong

Giải đáp phụng vụ: Việc đặt tay trong lễ truyền chức và lễ tấn phong 


Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: [Một giám mục ở châu Phi hỏi] Cách đây vài năm, tôi đã tham dự lễ truyền chức linh muc cho một phó tế. Năm Giám mục và nhiều linh mục hiện diện trong thánh lễ này. Tất cả các Giám mục đã đặt tay, và kế đó các linh mục đặt tay. Tôi xem đó như một qui chuẩn. Một thời gian sau, tôi đến một giáo phận lân cận để tham dự lễ truyền chức linh mục. Tại đây tôi nhận thấy chỉ Giám mục truyền chức đặt tay lên ứng viên, sau đó các linh mục đặt tay. Còn hai Giám mục khác, hiện diện trong thánh lễ, không đặt tay. Điều này làm cho tôi nghĩ về tính biểu tượng phụng vụ. Việc các linh mục đặt tay công nhận việc tân linh mục gia nhập hàng linh mục, cũng như việc các Giám mục đặt tay trong lễ tấn phong Giám mục tượng trưng việc chấp thuận tân Giám mục vào Giám mục đoàn. Liệu có đúng chăng khi nói rằng trong lễ truyền chức linh mục, do tôn trọng tính biểu tượng phụng vụ, chỉ Giám mục truyền chức (cộng thêm Giám mục phụ tá của ngài, nếu có, hoặc Giám mục nghỉ hưu của giáo phận, nếu có) sẽ đặt tay lên ứng viên, chứ không phải các Giám mục khác, hiện diện ở đó, đặt tay?


Đáp: Trong trường hợp này, vị Giám mục đã đóng khung câu hỏi một cách chính xác, khi xem nghi thức đặt tay của các vị khác hơn là Giám mục truyền chức (hoặc các Giám mục) như là phản ánh việc đi vào cấp đặc biệt của chức linh mục.

Đây là một truyền thống cổ xưa, vốn vẫn còn phản ánh trong chữ đỏ của lễ truyền chức hiện nay. Nguồn chủ yếu của tập tục này là cái gọi là Truyền thống Tông đồ của thánh Hippolytus thành Rôma, được viết vào khoảng năm 215, nhưng phản ảnh tập tục đã có từ lâu. Các học giả hiện đại đã nghi ngờ tính xác thực của tác giả của các văn bản, và có xu hướng xác định nơi soạn bản văn là ở Trung Đông, chứ không phải ở Rôma. Tuy nhiên, họ có sự thỏa thuận rộng rãi, liên quan đến niên đại soạn thảo sớm hơn, và ảnh hưởng của nó lên sự thực hành phụng vụ sau đó trong Giáo Hội hoàn vũ.

Liên quan đến sự lựa chọn và tấn phong Giám mục, văn bản này nói:

"2. Giám mục được tấn phong sau khi ngài đã được mọi người lựa chọn. Khi ngài đã được chọn và làm hài lòng mọi người, ngài sẽ qui tụ mọi người vào ngày Chúa Nhật, cùng với hàng linh mục và các Giám mục khác. Trong khi mọi người biểu lộ sự đồng tình, các Giám mục đặt tay lên ngài, trong khi các linh mục đứng yên lặng. Thực sự mọi người giữ thinh lặng, thầm thỉ cầu xin Chúa Thánh Thần xuống. Sau đó, một trong các Giám mục hiện diện, theo yêu cầu của mọi người, sẽ đặt tay lên ngài là vị Giám mục được tấn phong, và sẽ cầu nguyện như sau..."

Về việc truyền chức linh mục, Truyền thống Tông đồ nói:

"8. Nhưng khi truyền chức cho một linh mục, Giám mục sẽ đặt tay lên đầu ứng viên, trong khi các linh mục khác chạm vào ứng viên, và Giám mục sẽ đọc theo những gì đã nói ở trên, như chúng tôi đã quy định ở trên liên quan đến Giám mục, cầu nguyện và đọc..."

Cuối cùng, khi nói về việc truyền chức phó tế, tác giả cung cấp các chi tiết hơn về ý nghĩa của việc đặt tay:

"9. Nhưng phó tế, khi được truyền chức, được chọn theo những điều đã nói ở trên, chỉ Giám mục đặt tay lên ứng viên, như chúng tôi đã quy định. Khi phó tế được truyền chức, đây là lý do tại sao chỉ có Giám mục đặt tay lên ứng viên: ứng viên không được truyền chức chức linh mục, nhưng để phục vụ Giám mục và thực hiện các lệnh của Giám mục. Phó tế không tham gia vào hội đồng giáo sĩ; phó tế phải tham gia các nhiệm vụ của mình và báo cho Giám mục biết những gì là cần thiết. Phó tế không lãnh nhận Chúa Thánh Thần mà hàng linh mục sở hữu, chia sẻ; phó tế chỉ nhận những gì được giao phó cho mình dưới thẩm quyền của Giám mục. Vì lý do này, chỉ Giám mục chọn và truyền chức phó tế cho một người. Nhưng các linh mục đặt tay lên một một tân linh mục vì Chúa Thánh Thần chung của hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, linh mục chỉ có quyền đón nhận; chứ không có quyền ban cho. Vì lý do này, một linh mục không truyền chức cho giáo sĩ, nhưng trong lễ truyền chức của một linh mục, các linh mục khác đóng ấn trong khi Giám mục truyền chức. Về việc truyền chức phó tế, Giám mục sẽ đọc như sau...:"

Điều này về cơ bản vẫn là một thực hành chung của Giáo Hội, mặc dù với một số thay đổi so với Hippolytus.

Ví dụ, thay vì một Giám mục tấn phong một tân Giám mục như trong Truyền thống Tông đồ, Giáo luật hiện nay đòi hỏi tối thiểu ba Giám mục hiện diện. Vì thế, Giám mục chủ phong phải luôn có hai Giám mục phụ phong. Quả là đúng rằng một Giám mục là đủ cho việc tấn phong thành sự, nhưng Toà Thánh Vatican chỉ ban miễn chước này cho điều luật trong các trường hợp ngoại lệ mà thôi, chẵng hạn trong thời kỳ bách hại đạo hoặc trong bối cảnh truyền giáo. Tình hình bối cảnh truyền giáo là thông thường trong quá khứ, nhưng là rất hiếm hiện nay. 

Luật này cũng tuân theo một thực hành cổ xưa, vốn đảm bảo tính kế tục tông đồ và tượng trưng sự hiệp thông của các Giám mục với toàn Giám mục đoàn. Do đó, khoản luật 13 của Công đồng Carthage (394) nói: "Một Giám mục không nên được tấn phong bởi nhiều Giám mục, nhưng nếu cần thiết, ngài có thể được tấn phong bởi ba Giám mục".

Ngoài ba Giám mục, nghi thức cũng dự liệu rằng mọi Giám mục khác hiện diện trong thánh lễ cũng đặt tay lên vị được tấn phong. Còn các người khác thì không đặt tay. 

Trong lễ truyền chức linh mục, trên nguyên tắc chỉ vị Giám mục truyền chức đặt tay lên ứng viên để ban Chúa Thánh thần.

Tất cả các linh mục hiện diện, hoặc nếu số linh mục quá đông, một nhóm linh mục đại diện, cũng đặt tay lên ứng viên như là một dấu hiệu của hiệp thông của họ trong một chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô.

Trên nguyên tắc, một Giám mục khác hiện diện ở đó, không nên tham gia vào nghi thức đặt tay – trước là bởi vì nghi thức tự nó nói rõ rằng các linh mục thực hiện nghi thức này; sau là để không tạo nên sự lẫn lộn với nghi thức tấn phong Giám mục.

Câu trả lời này cũng được hỗ trợ bởi lời giải đáp cho một điều ngờ vực trong tạp chí Notitiae năm 1980 của Thánh Bộ Phụng tự.

Câu hỏi là: Trong một lễ truyền chức linh mục, liệu một Giám mục dự lễ có tham gia vào việc đặt tay, sau khi vị chủ tế và ngài đã đọc phần chính yếu của lời nguyện thánh hiến không?

Thánh Bộ Phụng tự, sau khi tham khảo với Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, trả lời rằng việc đặt tay như thế không nên thực hiện, hoặc rằng nó là không thích hợp, hoặc là không có lợi (non expedire).

Nếu có quá nhiều ứng viên, một Giám mục khác hoặc các Giám mục có thể giúp với các nghi thức diễn nghĩa, chẳng hạn trao Chén thánh và Đĩa thánh, và xức dầu trên tay.

Trong lễ truyền chức phó tế, chỉ vị Giám mục truyền chức đặt tay lên ứng viên. (Zenit.org 3-2-2015)

Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét