“Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria và đã làm người…” (trích kinh Tin Kính)
“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà và sống dưới lề luật… hầu mang lại cho chúng ta ơn làm nghĩa tử.” (Gl 4, 4-5).
Từ hơn hai mươi thế kỷ qua, Hội Thánh không ngừng ca ngợi Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Kinh Thánh đã từng mô tả cho chúng ta thấy đức tin của những cộng đoàn Kitô Hữu tiên khởi.
Trong Tin Mừng thánh Luca
Thánh nhân viết Tin Mừng khoảng những năm 70-80. Độc giả thánh nhân muốn gửi tới là những Kitô Hữu gốc Hy lạp; thánh nhân cho biết ngài viết những gì đã “chứng kiến tận mắt” (Lc 1, 2-3). Thánh nhân cũng chuyển tải cho chúng ta lời giảng và niềm tin của cộng đoàn tín hữu tiên khởi.
“Kìa bà Êlisabeth, người họ hàng với bà, tuy đã già rồi mà cũng đang mang thai một người con trai… bà ấy vẫn bị mang tiếng là người hiếm hoi, bởi vì, đối với Thiên Chúa, không có việc gì mà không thể làm được.” (Lc 1, 36-37).
Khuôn mặt bà Êlisabeth gợi cho chúng ta nhớ đến những việc kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi những phụ nữ khác trong Cựu Ước, chẳng hạn như với bà Sara (St 18, 11-14). Tuy đã cao tuổi và là người son sẻ, thế nhưng bà được tiên báo hạ sinh một con trẻ.
Thiên Chúa đã viếng thăm những người công chính và thực hiện nơi họ lời hứa về một dòng dõi.
“Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ thực hiện nơi tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1, 38).
Theo như ngôn từ trong chính lời chào của sứ thần, Đức Maria là “đấng đầy ân sủng”, là người “được Thiên Chúa sủng ái”, và người sẽ mang thai và sinh hạ một người con trai gọi tên là Giêsu, con trẻ sẽ là Đấng Mêssia mà muôn dân mong đợi. Đức Maria không phải là một bà lão cũng chẳng phải là người son sẻ, như người chị em họ hàng Êlisabeth của mình, nhưng Mẹ đã đặt câu hỏi bời vì Mẹ không hề biết tới người đàn ông (Mẹ chưa hề sống với vị hôn thê của mình), và bởi vì Mẹ muốn hiểu làm thế nào có thể thụ thai người con này. Người con trong lòng Đức Maria sẽ là công trình của Thánh Thần Thiên Chúa, Người sẽ là Con Thiên Chúa. Và quả thực, không có gì Thiên Chúa không làm được. Đức Maria đã chấp nhận lời loan tin này, người đã hạ sinh Ngôi Lời Thiên Chúa.
Với Đức Maria, một tin mới xuất hiện nơi trần gian: người Con của mình “được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần.” Sinh ra Con Thiên Chúa là một sự hạ sinh duy nhất. Và Đức Maria cảm thấy mình rơi vào một viễn cảnh hỗn độn, Mẹ đã chấp thuận một lời hứa mà chính Mẹ còn chưa hiểu hết… thế giới của giao ước cũ đã bị đảo lộn… và thì đây Đức Giêsu mang đến cho chúng ta một giao ước mới!
Chuyện thật lạ lùng, nay còn thêm lạ lùng hơn nữa đó là Đức Maria là một Trinh Nữ. Việc thụ thai đồng trinh con trẻ là một dấu chỉ ơn ban nhưng không của Thiên Chúa. Tất cả cuộc sống là ân ban của Thiên Chúa, và mọi con cái trước tiên là quà tặng của Thiên Chúa. Ngay cả khi đề nghị Đức Maria cộng tác, thì cũng duy chỉ mình Thiên Chúa thực hiện. Việc thụ thai cách trinh khiết là dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa chính là Cha của Đức Giêsu. Đức Maria là dấu chỉ để nói cho chúng ta rằng Đức Giêsu, Người con mà Mẹ sinh ra, là Thiên Chúa.
“Này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.” (Lc 1, 44)
Chuyện lạ lùng nơi Đức Maria được bà Êlisabeth nhận ra: “Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến viếng thăm tôi” (Lc 1, 43). Bà Êlisabeth đã nhận biết rằng Đức Maria chính là “đấng đầy ân sủng”, là người phụ nữ chú tâm tới lời Thiên Chúa, người phụ nữ đã hiến dâng trọn đời sống mình cho Thiên Chúa, người phụ nữ tràn đầy niềm vui nội tâm vì ý thức là mình đã được Thiên Chúa tuyển chọn. “Cháu bé này… sẽ là dấu hiệu cho nhiều người chống báng” (Lc 2, 34).
Việc cộng tác vào cuộc thương khó của Đức Giêsu đã được loan báo trước. Đức Maria sẽ hiện diện dưới chân thập giá khi con mình trút hơi thở cuối cùng. Đức Maria kết hiệp Đức Giêsu tới cùng, tới tận chân thập giá như lời chứng được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gioan (Ga 19, 25-27).
“Sau ba ngày, hai ông bà tìm thấy con trong Đền thờ… Và Người nói với họ: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 41-52).
Cái chết ba ngày của Đức Giêsu đã được báo trước. Trong ba ngày đó, cha mẹ cùng với những người thân cận đã tìm kiếm trong sợ hãi trước khi thấy Người đang sống, đã Phục sinh, ở giữa họ. Lần đầu tiên Đức Giêsu đã nói (Lc 2, 49) và đã mặc khải về thân phận Con Thiên Chúa của mình: Người vẫn là con của Đức Maria và thánh Giuse, nhưng tự căn đế, Người là Con Thiên Chúa.
Đức Maria, dù chẳng hiểu sự gì, nhưng vẫn gẫm suy những lời đó. Cũng vậy, tất cả mọi Kitô hữu cần phải như Mẹ Maria gẫm suy để dần dần khám phá ra ý nghĩa những lời của Đức Giêsu. Và bởi thế, Đức Maria đã được coi như “người đầu tiên tin vào con mình”[1] “Mẹ tôi và các anh em tôi, là tất cả những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Lc 8, 19-21)
Thánh Luca đã chỉ cho ta thấy rằng Đức Maria chính là mẫu gương trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Một cách tuyệt vời, Đức Maria là “mảnh đất tốt”. Mẹ lắng nghe Lời Chúa với một tấm lòng quảng đại và cao thượng, cùng đã tuân giữ và làm trổ sinh hoa trái.” (JM. Hennaux: “Đức Maria, Hội Thánh và Phụ nữ”, trong Consacrée).
“Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu.” (Cv 1, 14)
Đức Maria hiện diện trong ngày lễ Ngũ Tuần. Mẹ chờ đợi lời hứa của Thiên Chúa khi cùng hiệp nhất với cộng đoàn tín hữu tiên khởi. Mẹ tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Đấng đã bao phủ lấy Mẹ trong ngày truyền tin. (Hiến chế Lumen Gentium, số 59).
Thánh Luca còn mô tả Đức Maria là trái tim của một Giáo Hội chiêm niệm và hoạt động tông đồ.
“Tín hữu thể hiện lại thái độ của Mẹ đối với Lời: sự đón nhận, và niềm tin của Mẹ. Và người tín hữu cũng làm cho Lời sản sinh hoa trái như Mẹ và thậm chí còn phải trở thành “Mẹ Đức Giêsu” để sinh Đức Giêsu cho thế gian, và giới thiệu Người cho muôn nước. Mẹ Maria đích thực là một “kiểu mẫu” cho chúng ta.” (JM. Henneux: “Đức Maria, Giáo Hội và người Phụ nữ”)
Còn trong Tin Mừng thánh Gioan
Thánh Gioan viết Tin Mừng cuối cùng trong khoảng những năm 90-100. Trong tác phẩm của mình, thánh nhân mô tả chân dung Thân mẫu Đức Giêsu ngay khi Người khởi đầu cuộc rao giảng công khai. “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: Họ hết rượu rồi…” (Ga 2, 1-12)
Đức Maria không biết làm gì khác: Mẹ không thể khuyên người khác… Mẹ tràn đầy niềm tin, và chỉ để ý đến việc cầu xin Thiên Chúa can thiệp cho những người lâm cảnh khó khăn: “Họ hết rượu rồi.” Mẹ không cứu độ nhưng Mẹ mời gọi mở lòng ra với ơn cứu độ. Mẹ không thay đổi thời giờ, Mẹ nói rằng đã đến giờ theo Đức Giêsu… Khi niềm tin của Mẹ tỏ lộ, là Đức Giêsu ban dấu chỉ, làm phép lạ và tỏ vinh quang của Người. (J.C. Thomas, art.cit. p. 197)
“Đứng gần Thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người…” (Ga 19, 25-27).
Đây là giờ của Con Người, giờ của tất cả ơn ban. Đức Giêsu hiến thân mình cho loài người và cho Chúa Cha.
Đức Maria đứng đó, dưới chân Thập giá thông phần đau khổ với con của mình với niềm tin và tình cảm của một người mẹ. Và Đức Giêsu từ trên Thập giá đã trao cho Mẹ một sứ vụ mới: “Thưa Bà, đây là con Bà” và Người cũng nói với môn đệ: “Đây là Mẹ con”. Và kể từ giờ đó người môn đệ đưa Người về nhà.
Với Đức Maria, từ đây sứ vụ của Mẹ mang tính phổ quát. Sự hiện diện của Mẹ dưới chân Thập giá có tính quyết định vì Mẹ là người đầu tiên tái hiện lại tình yêu của Đức Giêsu cho những người thân yêu của Mẹ. Mẹ đứng dưới chân Thập giá là Mẹ đại diện cho Giáo Hội mà trong đó mỗi người được mời gọi quay trở về với Đấng Cứu Độ và chân nhận nơi Người tình yêu của Thiên Chúa dành cho muôn dân.
Với thánh Gioan cũng như với tất cả mọi người, Đức Giêsu yêu cầu nhận Đức Maria là Mẹ. Vậy tất cả chúng ta được mời gọi nhận Người là Mẹ và coi tất cả mọi người là anh em của nhau.
Đức Maria thuộc về những nhân chứng sống động. Sau lời dạy: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo (Ga 2, 5)” Mẹ đi vào trong thinh lặng của niềm tin. Mẹ không phải là Lời, nhưng là sự hiện diện có tính tuân phục và tích cực cho Lời.
Giáo Hội không thể thiếu Mẹ vì Mẹ thể hiện cả sự phục vụ lẫn sự thinh lặng. Bổn phận của những người tin là bước theo Đức Kitô, Đấng đã hiến dâng mạng sống mình cho Thiên Chúa và cho loài người. Mà Đức Maria là một “kiểu mẫu”.
Lưu ý:
Vì hơi dài, nên bài này không có phần câu hỏi. Chúng tôi đề nghị các bạn đọc kỹ lại những đoạn Tin Mừng được trích trong bài học và suy gẫm riêng. Xin Đức Mẹ đồng hành với Bạn trong việc đọc Lời Chúa này.
[1] J. C Thomas: “Người đã mang lấy thân xác của Đức Nữ Trinh Maria” trong Các Giám mục nói về Đức tin của Hội Thánh, Paris, Cerf, 1978, tr. 194
http://loanbaotinmung.net/noidung/1897
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét