Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Sứ điệp không thể lãng quên (phần 04)

Sứ điệp không thể lãng quên (phần 04)



 
  • Chúa Giê-su là người say mê cầu nguyện.

Đó là lời cầu nguyện của Chúa với Cha trên trời. Thánh Lu-ca luôn diễn tả nét đặc biệt nơi Chúa Giê-su. Đó là: Chúa Giê-su là người say mê cầu nguyện. Trước và sau những biến cố đặc biệt, Chúa Giê-su đều cầu nguyện. Như biến cố Chúa chịu phép rửa ở sông Gio-đan, Lu-ca đã thuật lại như sau: Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”. (Lc 3, 21-22). Hay biến cố trong vườn Cây Dầu, Chúa đã chìm mình trong cầu nguyện, và Ngài đã nhắc nhớ các môn đệ: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”. (Lc 22, 40). Trước đó, Chúa đã nhắc nhớ mọi người: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người”. (Lc 21, 36). Sự cầu nguyện cần thiết biết bao cho cuộc sống tâm linh. Cầu nguyện là giây phút gặp gỡ Cha trên trời cách gần gũi và thân mật nhất. Trong cuộc gặp gỡ đó, người ta có thể đưa theo tất cả mọi thực tế của cuộc đời, niềm vui và nỗi buồn, khổ đau và hạnh phúc, nụ cười và nước mắt, ngọt ngào và đắng cay. Cha trên trời là nguồn mạch của cuộc sống, là nguồn an ủi và nguồn tình yêu. Cuộc sống khởi đi nơi Ngài và kết thúc nơi Ngài. Mọi sự tốt xấu, sáng đen đều phải chấm hết nơi Cha trên trời. Vì thế, nơi Cha trên trời, mọi người đều được phép giãi bày tất cả, đều có thể tuôn tràn tất cả mọi sự. Chính Chúa Giê-su đã sống tinh thần này. Trong tương quan tình yêu với Cha trên trời, Chúa Giê-su đã chia sẻ tất cả mọi sự. Trước đó Ngài đã tâm tình với Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22, 42), thì giờ đây Ngài lại xin cùng Cha Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm. Thật tuyệt vời mối tình Cha Con. Tuyệt vời hơn, khi chúng ta suy niệm kỹ lưỡng từng từ một trong lời cầu nguyện ngắn ngủi này, để khám phá sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong lô-gíc tình yêu mà Ngài giành cho nhân loại.

  • Lô-gíc của tình yêu Thiên Chúa chất chứa ơn thứ tha.

Đọc lại lần nữa lời cầu nguyện đầu tiên này, chúng ta ngạc nhiên thấy rằng, Chúa Giê-su đã không cầu nguyện để xin Cha ra tay công bằng xử phạt những kẻ bất nhân hãm hại Ngài, mà Ngài cầu nguyện với Cha, để xin Cha tha thứ cho họ. Đó chính là lô-gíc của tình yêu Thiên Chúa. Lô-gíc này ngược hẳn với tất cả mọi lô-gíc của cuộc đời. Đúng thật, sự khôn ngoan của con người không phải là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ý nghĩ của Thiên Chúa không phải là ý nghĩ của loài người. May thay!
Pagila đã suy niệm về tình yêu Thiên Chúa qua lời tha thứ của Chúa Giê-su như sau: “Trong lời đầu tiên của Chúa Giê-su nói trên Thánh Giá đã được tóm tắt nội dung của sứ điệp tình yêu của Chúa. Đó là tinh thần của Tin Mừng hay nói đúng hơn là bản chất của Thiên Chúa. Thánh Gio-an đã định nghĩa rằng: Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa thì vĩnh cửu và vô biên. Tình yêu này đã thúc đẩy Thiên Chúa rời bỏ trời cao để xuống trên đất thấp và đã sống là một người giữa muôn người. Tình yêu này của Thiên Chúa vượt trên mọi ngăn cách, mọi biên giới của các dân tộc, và vượt trên mọi loại hàng rào, ngay cả hàng rào mà chúng ta có quyền và được phép tạo nên. Thật vậy, tình yêu của Chúa vươn dài tới điều, Ngài tha thứ cho kẻ thù và cho những người bắt bớ Ngài. Đó chính là sứ điệp mà Chúa Giê-su đã loan báo trong những giây phút đầu tiên trên hành trình sứ vụ của Ngài, và sứ điệp này của Chúa có giá trị vĩnh viễn và cho tới muôn đời”.[i]

Thật vậy Chúa tha thứ cho kẻ thù mà Chúa gọi là họ. Vậy họ là ai? Họ chính là những tên lính La Mã, những người làm theo lệnh của Phi-la-tô đóng đinh Chúa Giê-su cho đến chết. Họ chỉ làm theo mệnh lệnh, nhưng những lời chế nhạo, những đòn roi đã thể hiện sự tàn bạo, sự hung tợn trong chính họ. Họ còn là những đám đông dân chúng bị lầm lạc, bị mê hoặc, những kẻ ấy đã bắt Chúa Giê-su phải chết và ép buộc Phi-la-tô giết Ngài. Bọn người ấy chỉ vài ngày trước đã tung hô Chúa Giê-su là Vua (Mc 15,6-14, Mc 11,8-10), còn giờ thì dã tâm giết Chúa trên thập giá. Thật tàn bạo, thật khủng khiếp và thật bất công!
Karl Rahner đã suy niệm về nhóm người đứng dưới chân thập giá của Chúa như sau: “Tất cả những người đã dàn xếp mọi chuyện này, đang đứng dưới thập giá. Họ không bỏ đi, để ít nhất cho Chúa trút hơi thở cách bình lặng. Họ ở lại. Họ cười nhạo. Họ nghĩ rằng, họ có quyền để chỉ ra rằng, hoàn cảnh của Chúa lúc này chính là chứng minh hùng hồn rõ rệt nhất cho việc: những gì họ đã làm với Chúa là thực hiện trọn vẹn công lý thánh thiện nhất, một hy lễ thánh mà họ đã làm và họ kiêu hãnh về điều đó. Vì thế, họ cười, họ chế nhạo, họ báng bổ Chúa. Họ đánh đập Chúa. Những điều này thật dễ sợ hơn mọi nỗi đau của thân xác cộng lại. Có thể có những người có khả năng làm những điều đê tiện như vậy chăng? Giữa Chúa và những người này còn có bất cứ điều gì chung nữa không? Một người có thể được phép hành hạ người khác đến chết như vậy chăng? Với dối trá, với thô bạo, với bội phản, với vờ vĩnh, với mưu mô xảo quyệt họ đã hành hạ Chúa cho đến chết, tệ hơn nữa họ còn tự cho mình có quyền làm điều đó với tư cách là những người trong sạch, những người như các quan toà cầm cân nảy mực”.[ii]
Nhưng tất cả mọi sự xấu xa đó không cản bước chân của Đấng Cứu Độ, không làm cho bản chất của Đấng Cứu Độ bị thay đổi. Bản chất đó là tình yêu tràn đầy lòng thương xót và tha thứ, mà Chúa Giê-su đã loan báo. Đối với thần học gia Ratzinger, Đức Thánh Cha Benedicto XVI, thì: “điều mà Chúa đã rao giảng trong Bài Giảng Trên Núi, Ngài đã thực hiện cách trọn vẹn. Chúa không biết ghen ghét là gì. Ngài không bao giờ hận thù cả. Ngài đã cầu nguyện cho kẻ đóng đinh Ngài”.[iii]
Và “lời cầu nguyện đầu tiên của Chúa Giê-su với Chúa Cha là lời cầu bầu, xin tha thứ cho những lý hình của Người. Với lời này, Chúa Giê-su thực hiện điều mà chính Người đã dạy trong Bài Giảng Trên Núi khi Người nói‘Nhưng Thầy bảo các con là những người đang nghe Thầy đây, hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho những người ghét các con’ (Lc 6,27), và Người cũng đã hứa với những người có thể tha thứ rằng ‘Phần thưởng của các con sẽ thật lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao’ (c. 35). Bây giờ, từ trên Thánh Giá, Người không những chỉ tha thứ cho những kẻ hành quyết Người, mà còn trực tiếp thưa với Chúa Cha để cầu bầu cho họ”.[iv]

  • Chúa Giê-su và tinh thần tha thứ.

Lắng nghe lại lời Chúa giảng dạy chúng ta tha thứ trong Kinh Lạy Cha, chúng ta thấy thật sống động, vì lời này được Chúa Giê-su thực hiện cách mỹ mãn trong cuộc đời Ngài, và đặc biệt trên Thánh Giá Chúa. Những lời giảng dạy của Chúa đã tìm thấy ý nghĩa và giá trị trọn hảo trong chính hành động Chúa làm. Hơn nữa, nếu chúng ta lật lại các trang Tin Mừng, sẽ nhận ra được lòng nhân từ và tha thứ của Chúa Giê-ru rất rõ nét, cụ thể trong những cuộc gặp gỡ của Ngài với những người tội lỗi. Hình ảnh của người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng trong thành mà Lu-ca nhắc đến là một điển hình (x. Lc 7, 36-50). Một cuộc gặp gỡ thật đặc biệt giữa lòng nhân từ hay thứ của Chúa với thân phận tội lỗi, nhưng chất chứa lòng ăn năn sâu thẳm của người phụ nữ. Một cuộc gặp gỡ khác giữa Đức Ki-tô và người phụ nữ bị kết án vì tội lỗi. Bối cảnh và tình tiết của câu chuyện được Gioan diễn tả thật đặc sắc (Ga 8, 2-11). Đó là người ta đưa chị bị bắt phạm tội ngoại tình đến với Chúa, để gài bẫy Ngài, bằng cách bắt Ngài phải kết án tử chị ta. Phần tiếp của câu chuyện các Kit-tô hữu đều biết. Có một nét thật đặc sắc là: Người lớn tuổi nhất phải bỏ đi sớm nhất, khi Chúa nói với họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Cuối cùng, câu chuyện có một lời kết rất tuyệt vời của Chúa Giê-su với người phụ nữ tội lỗi: Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!Với lòng nhân từ, Chúa Giê-su đã không kết án mà Ngài nói lời tha thứ và đem lại sức sống mới cho một phận người tội lỗi. Một sức sống mới cần phải đoạn tuyệt với tội lỗi, một sức sống mới tràn đầy tự do, niềm vui và hạnh phúc.[v]

Điều này Chúa cũng làm với những người đóng đinh Chúa. Trước hết, Chúa chẳng kết án họ, và trước bản án bất nhân của họ giành cho Chúa, Chúa cũng chẳng cần biện minh, Lời Chúa nói là tha thứ. Thật tuyệt vời biết bao nhiêu, khi nhận ra điều này. ĐHY Fulton đã chia sẻ như sau: “Câu trả lời nằm sẵn ở chữ đầu tiên trên thập giá: Tha Thứ. Nếu như có ai đầy đủ quyền lực để chống lại bất công thì phải là Chúa Giê-su, Đấng là công lý thần linh. Nếu có ai đầy đủ lý do để khiển trách kẻ hành hạ mình, đóng đinh chân tay mình vào cây gỗ, thì đó là Chúa chúng ta. Nhưng không. Vào đúng lúc cây cối chống lại Ngài, và trở thành thập tự; sắt thép chống lại Ngài và trở thành đinh nhọn; dây hoa hồng chống lại Ngài và trở thành mạo gai; con người chống lại Ngài và trở thành lý hình, thì Ngài buông lời Tha Thứ, lời cầu đầu tiên trong lịch sử xin tha tội cho kẻ thù hành hạ mình: Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng chẳng biết việc mình làm’. (Lc 23,34)”.[vi]

Để có thể hiểu sâu hơn tinh thần tha thứ của Chúa Giê-su qua lời Ngài nói trên Thánh Giá, chúng ta cũng nên suy niệm về những gì Chúa không nói lúc đó. ĐHY Fulton đã chú ý đến điểm này và chia sẻ rất sâu sắc: “Xin dừng lại khoảnh khắc để suy niệm những gì Ngài không nói: Ngài không nói: Tôi vô tội. Nhưng trên thế gian này ai vô tội hơn Ngài? Từ trước khi có Thứ sáu Tuần thánh và về sau, khi người ta bị treo lên thập giá, hoặc máy chém hoặc giàn xiết cổ, hỏa thiêu biết bao tội nhân vô tội nhưng thử hỏi đã có người nào không kêu gào mình vô tội? Chúa Giê-su không hề mở miệng phản đối lý hình. Bởi vì làm như vậy, Ngài mặc nhiên công nhận quyền xét xử của loài người, kẻ phàm nhân xử án Thiên Chúa! Vậy Đấng vô tội không khẳng định mình trong trắng, thì chúng ta là kẻ tội lỗi đầy mình lại dám tự nhận như vậy? Muôn đời xin đừng la lớn mình vô tội, kẻo lừa dối thiên hạ. Bởi làm như vậy chúng ta ngộ nhận rằng con người chứ không phải Thiên Chúa là quan án nhân loại. Thực ra, linh hồn mọi người sẽ được xét xử không phải trước toà án loài người, mà trước tôn nhan Đấng tối cao, Thiên Chúa của tình yêu, và ‘Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ thưởng công cho anh em trong bí ẩn’. Ơn cứu độ muôn đời của chúng ta không lệ thuộc vào thế gian xét xử, mà vào Thiên Chúa đoán xét…
Một điều khác Chúa Giê-su không nói trên thập giá cho các đại diện vua Caesar và của quyền bính đền thờ, là Ngài chẳng bảo họ ‘quí vị bất công’. Thiên Chúa Cha đã ban cho Ngài mọi quyền xét xử, nhưng Ngài không sử dụng nó để nói: ‘Quí vị sẽ chịu khốn nạn vì việc này’. Với tư thế vừa là Thiên Chúa vừa là người, Ngài thấu rõ nếu còn sự sống thì còn hy vọng. Cho nên lúc này các đau khổ kiên trì của Ngài còn khả năng cứu chuộc nhiều linh hồn đang lên án Ngài…Như vậy, nếu Chúa Giê-su không xét đoán các lý hình của mình trước kỳ hạn phán xét của họ, thì tại sao chúng ta thường làm như vậy? Nhất là khi chúng ta không có kiến thức đầy đủ về họ lại đoán họ xúc phạm đến mình? Lúc còn đang sống có thể nhờ việc kìm hãm xét đoán của chúng ta, mà họ ăn năn trở lại. Trong bất cứ hoàn cảnh nào quyền năng xét đoán chưa ban cho chúng ta, và thế giới có thể sẽ biết ơn Thiên Chúa về việc này. Bởi lẽ Ngài là quan tòa chính xác và nhân từ hơn người ta: ‘Các ngươi đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét’ (Mt, 7,1)”.[vii]
Không xét đoán, không biện minh, dù Chúa có quyền và có thể làm điều đó. Ngay trong khổ đau nhất và chìm giữa bất công nhất, Chúa lên tiếng: Tha thứ. Đó là một sứ điệp cao quý của Đấng Cứu Độ.  “Tha thứ. Tha thứ cho các Philatô của bạn, họ không đủ can đảm để bênh vực công lý. Tha thứ cho các Hêrôđê của bạn, họ sống quá bê tha, không còn khả năng hiểu được tinh thần. Tha thứ các Giuđa của bạn, họ nghĩ chỉ tiền bạc là tất cả: ‘Tha thứ cho họ, vì không biết việc mình làm’. Trong câu nói này gói ghém Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Nhờ câu nói này, tình yêu thánh thiện của Thiên Chúa gặp gỡ tội lỗi nhân loại, nhưng vẫn y nguyên tinh tuyền. Câu nói đầu tiên của Chúa Giê-su: Tha thứ, là bằng chứng hùng hồn nhất tính vô tội tuyệt đối của Ngài. Còn toàn thể chúng ta đến giờ chết sẽ được xem thấy hằng hà sa số các tội lụy diễn ra trước mắt, đến nỗi chúng ta quá khiếp sợ để ra trước tôn nhan Thiên Chúa, mà không cầu xin Ngài tha thứ. Chúa Giê-su, ngược lại, không cần ơn tha thứ khi gục đầu chết, bởi Ngài không hề có tội lỗi nào. Lời Ngài xin tha thứ là cho những kẻ tố cáo Ngài, và lý lẽ Ngài đưa ra là: Họ không biết việc họ làm”.[viii]
(Còn tiếp....)
[i] PAGILA V., Die sieben Worte Jesu am Kreuz, Echter Verlag, Wuerzburg 2011, t.20-21.
[ii] RAHNER K., Wort vom Kreuz, t.51-52.
[iii] RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, Herder Verlag, Freiburg 2011, t.230.
[iv] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện, ban hành ngày Thứ Tư mùng 15 tháng 2 năm 2012, tại Vatican. Bản tiếng Việt của Phao-lô Phạm Xuân Khôi trong <http://www.giaoly.org>
[v] X. NGUYỄN NGỌC THẾ SJ., Lời kinh cha mẹ dạy, NXB. Phương Đông 2012, t. 134-136.
[vi] SHEEN Fulton, Go to heaven - Con đường về trời, Chuyển ngữ: Fr. Tôma Trần Ngọc Tuý, phần số 11 – Đau khổ và ủi an.
[vii] SHEEN Fulton, Go to heaven - Con đường về trời, phần số 11 – Đau khổ và ủi an.
[viii] SHEEN Fulton, Go to heaven - Con đường về trời, phần số 11 – Đau khổ và ủi an.
 http://www.thanhlinh.net/node/85233

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét