Trang

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019

Chú giải của Fiches Dominicales

Chú giải của Fiches Dominicales



TÌM ĐÂU RA HẠNH PHÚC THẬT?
LÒNG NGƯỜI CHỈ TOẠI NGUYỆN KHI BƯỚC THEO ĐỨC GIÊSU
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. Đường dẫn đến hạnh phúc thật

Chỉ có Mátthêu và Luca tường thuật lại các mối phúc. Tuy hai ông có lẽ cùng truy cứu chung một nguồn, nhưng mỗi người lại khai thác dữ liệu một cách độc đáo, khiến cho hai bản viết, bên cạnh những nét tương đồng rõ rệt, vẫn có những dị biệt tỏ tường về nội dung và con số các mối phúc cũng như về cấu trúc, thể văn và ý hướng.

- Nội dung các mối phúc theo thánh Luca rất khác với nội dung Bài giảng trên Núi của thánh Mátthêu.

Đức Giêsu lên núi, nơi “ Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa", trước khi chọn lấy mười hai ông trong số các môn đệ, mà người gọi họ là "tông đồ" nghĩa là kẻ được sai đi. Giờ đây Người đóng vai một Môsê mới, “xuống núi", mang theo sứ điệp của Thiên Chúa và "dừng lại ở một chỗ đất bằng”, đối diện với "đông đảo môn đệ của Người" là đoàn lũ "dân chúng”, tiêu biểu cho những con người đến từ "khắp miền Giuđê, Giêrusalem" lẫn lộn với những người từ những miền dân ngoại thuộc "miền duyên hải Tyrô là Siđôn". Những lời Người sắp tuyên bố là các mối phúc, được dành cho hết mọi người, vì chỉ có mình Người mới có thể thoả mãn được khát vọng hạnh phúc của con người. Cộng đoàn các môn đệ của Người, một khi đã lãnh hội và sống các mối phúc ấy sẽ phải làm chứng về các mối phúc ấy cho mọi người.

- Con số các mối phúc trong Matthêu là chín. Còn trong Luca chỉ có bốn. Điểm khác biệt nữa là: Luca cho thêm vào bốn "mối hoạ” đặt rất song hành với bốn "mối phúc"; đây không phải là những lời nguyền rủa, mà chỉ là những lời thiết tha kêu gọi những "người bất hạnh" ăn năn hối cải khi họ lỡ bước lao mình vào con đường sa đoạ.

Sau cùng, thể văn và ý hướng của các mối phúc này đều rất khác nhau. Thánh Matthêu trình bày các mối phúc ấy ở ngôi thứ ba số nhiều và nhắm những thái độ nội tâm: "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó...." Còn Luca lại diễn tả ở ngôi thứ hai số nhiều và chỉ ra những loại người trong xã hội, mà "bây giờ" đang thực sự phải nghèo khổ, phải đói, phải khóc bị nguyền rủa hay bị ngược đãi: "Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó... Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói..." Nếu mối phúc thứ hai hay thứ ba loan báo một sự đảo ngược hoàn cảnh hoàn toàn thì tuyệt nhiên không phải có ý khuyến khích đương sự chịu đựng, luồn cúi vì hy vọng ở thế giới bên kia. Mối phúc thứ nhất và cuối cùng nói ở thì hiện tại: "Nước Thiên Chúa là của anh em", "vì này đây, phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao"; những mối phúc ấy tỏ cho biết rằng triều đại cứu thế đang được khai mở trong con người Đức Giêsu.

R. Meynet viết: "Nước Thiên Chúa, không phải đợi tới ngày tận thế, Nước ấy đang ở đây ngay hôm nay cho ai biết chọn lựa nước ấy... Cũng giống như Nước Chúa, thiên đàng (trời) không phải đợi mai sau mới có, thiên đàng là đây, ngay bây giờ, chứ không phải tìm kiếm ở nơi đâu khác; thiên đàng thuộc về một trật tự khác, trật tự của Thiên Chúa chứ không phải của loài người" ("L'evangile se lon saint Luc. Phân tích tu từ", Cerf, trg 79).

2. Theo chân Đức Giêsu:

"Các mối phúc-mối hoạ" là mạc khải có tính tiên tri thúc giục ta hoán cải những quan niệm phàm trần của ta về hạnh phúc, nghèo đói và than khóc, theo ánh sáng của mầu nhiệm được tỏ ra ở đây: mầu nhiệm về Thiên Chúa muốn tỏ mình cho người ta chiêm ngưỡng Người trong mầu nhiệm Đức Giêsu, nơi Người mầu nhiệm về con người được soi sáng.

- Ở đây, người ta khám phá ra mầu nhiệm về Thiên Chúa đầy lòng xót thương những kẻ nghèo khổ. Ph. Bossuyt và J. Radermakers còn giải thích: Thực vậy, những người này, được tuyên bố là "người hạnh phúc", bởi vì Thiên Chúa quan tâm tới họ. Vì người quan tâm tới họ, không phải vì họ có công trạng gì, nhưng vì chính hoàn cảnh của họ: nghèo khổ, phải đói, phải khóc, bị ngược đãi… Đây chính là mầu nhiệm khơi nguồn cho hiến chương Nước Trời vậy (Sđd, trg 241)

- Ở đây chúng ta cũng được đưa vào chính trung tâm mầu niệm Đức Giêsu mà ngay từ bài giảng khai mạc ở hội đường Nadarét Người đã hé mở cho thấy trước số phận Con người sẽ phải chịu: số phận một người bị hiểu lầm, bị chối bỏ.

Hai tác giả trên tiếp tục: "Vì vậy, chân lý của Thiên Chúa về các mối phúc, không tỏ ra tách biệt với số phận của con người. Hơn nữa chân lý ấy còn có một nền tảng vững chắc là tin vào lòng trung tín của Thiên Chúa như vẫn được biểu lộ ra trong con người Đức Giêsu. Những kẻ nghèo khổ, đói khát, khóc than là những người có phúc, bởi lẽ, trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đã hành động quyết liệt để bênh vực họ, khi con Người sống lại từ trong kẻ chết. Người là đang thực hiện niềm hy vọng của họ" (Sđd, trg 242).

- Sau cùng, người ta thấy vén lên ở đây mầu nhiệm về con người, một sinh vật có một trang sử để sống, được kêu gọi để tự do lựa chọn, được mời gọi sống theo khuôn mẫu của Chúa được bày tỏ ra nơi Đức Giêsu Kitô, Con của Người. Tóm lại là dám nối gót theo chân Đức Giêsu chết và phục sinh.

BÀI ĐỌC THÊM.

1. “Đức Giêsu đã làm đảo lộn quan niệm về hạnh phúc cách khác thường”

Chẳng có gì là ngạc nhiên, khi thấy Đức Giêsu, Lời Thiên Chúa hoá thân, tự giới thiệu và khẳng định mình là “đường, sự thật là sự sống". Ngay cả trước khi được gọi là Kitô hữu, những ai đã đặt lòng tin cậy nơi Đức Giêsu đều được gọi là "Người môn đệ của Đường". Người là con đường tốt, là sự chọn lựa đúng cho ta, là đầu tư ngắn hạn và dài hạn rất tốt, vì thế mà thánh Phaolô mới nói rõ: "Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô, chỉ để mưu ích cho cuộc sống này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người".

Thực ra khi tuyên bố về các mối phúc, Đức Giêsu đã đảo ngược bậc thang truyền thống về các giá trị là đặc biệt làm đảo lộn cả quan niệm về hạnh phúc. Vậy mà thánh Luca vẫn không do dự giới thiệu các mối phúc ấy với các tín hữu ở thế kỷ đầu vốn đã phải gian nan vì bị ngờ vực, khinh bỉ và bách hại. Không chỉ coi đây là một lời hứa hay là quy tắc sống, phải chăng Luca còn muốn phác hoạ chân dung những con người bé mọn kia, họ đã nhờ Đức Kitô mà thay đổi hẳn ý nghĩa cuộc đời của họ? Kìa, những con người ấy cảm thấy hạnh phúc ngay trong những hoàn cảnh mà ta cho là không có mảy may khả năng nào để mà hạnh phúc và vui sướng được. Vậy mà đó lại là kinh nghiệm và chứng từ của những người nam cũng như nữ chịu để cho Thần Khí tác động và hướng dẫn, đặt niềm tin tưởng vào Người và đi theo con Đường của Người.

2. “Nguồn đích thực của tự do và hạnh phúc”

Có những người đặt tất cả hy vọng và dùng hết sức lực của mình để đạt cho được tự do và hạnh phúc bao lâu còn sống ở đời này: họ chẳng hy vọng gì ở thế giới bên kia.

Người khác đã có được niềm tin chắc chắn rằng cuộc sống trần gian chỉ là điểm xuất phát, là một chuyến đi hay là một cuộc tập nghề và cuộc sống ấy sẽ được viên mãn ở thế giới bên kia, sau khi chết. Vì thế không nhất thiết phải khinh chê những vui sướng phàm trần. Họ coi những vui sướng trần gian kia vừa mong manh vừa giới hạn nên chỉ là hình ảnh mờ nhạt tượng trưng cho cái được hứa cho con người. Hầu hết các tôn giáo đều ấp ủ niềm xác tín này.

Ngay từ Cựu ước, Thiên Chúa đã được khẳng định là cội nguồn hạnh phúc đích thực và duy nhất: người công chính là kẻ "bước đi với Chúa". Trong quan niệm cổ xưa của Kinh Thánh, hạnh phúc ấy được thực hiện ngay ở đời này khi Thiên Chúa ban ân huệ cho ngươi trung tín như được sống lâu, đông con nhiều cháu, khoẻ mạnh, giàu có... Thế nhưng vẫn có những người công chính phải khốn khổ, bị khinh chê, bị bách hại: những người đó, Thiên Chúa hứa cho họ một sự đền bù mà bản chất thế nào thì còn bị che khuất.

Chính nhờ giáo huấn của Đức Kitô mà ta được biết rõ bản chất của hạnh phúc Thiên Chúa hứa ban cho con người, hạnh phúc của một tình yêu trọn vẹn, tuyệt đối, hoàn hảo: đó cũng chính là tình yêu hiệp nhất của Ba Ngôi trong tương quan với nhau.

Thư thứ nhất của thánh Gioan tông đồ, như bị chi phối hoàn toàn bởi một thứ tiếng lòng thổn thức "Thiên Chúa là tình Yêu", thường diễn tả và quảng diễn lời mời gọi này của Thiên Chúa gởi đến cho con người: "Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa là Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống tình yêu cốt ở điều này không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta. Thiên Chúa đã ban sự sống đời đời, và sự sống này ở trong Con của Người".

Vậy con đường mà Người con ấy là Đức Giêsu Kitô đề nghị cho con người để đạt được sự sống và tình yêu sung mãn (sự sống và tình yêu luôn liên kết với nhau) được diễn tả đặc biệt trong đoạn Phúc âm nổi tiếng thường được biết dưới cái tên là Bài Giảng Trên Núi hay đúng hơn, là bài giảng về Các Mối Phúc Thật (phúc ở đây là hạnh phúc thật).

Thực ra, người ta có thể hiểu các mối phúc mà các Phúc âm Mátthêu (5,3-11) và Luca (6,20tt) trình bày, là phần dẫn nhập vào luân lý Kitô giáo, một nền luân lý chủ trương hạnh phúc là vì Thiên Chúa muốn cho con người được hạnh phúc, ngoài ra các mối phúc vừa đưa ra một lời hứa, vừa là con đường đưa đến hạnh phúc.

Lời hứa ban hạnh phúc bắt đầu được thực hiện ngay từ hôm nay, vì rằng thứ hạnh phúc Chúa ban cho con người đây, tiên vàn không phải là kết quả ở sức riêng của con người, nhưng là sự cởi mở đón nhận ân huệ của Thiên Chúa, ân huệ mà Chúa ban cho hết thảy mỗi người là được hiệp thông sự sống với Người. Sống luân lý theo Kitô giáo là đáp lại ân sủng của Chúa một cách tự do tự nguyện.

Con đường hạnh phúc là một lược đồ gợi ra những thái độ nội tâm phải sống (tâm hồn nghèo khó, dợn sơ, tin tưởng), những cách xứ sự đối với tha nhân (lòng thương xót, ý muốn hoà bình), những hoàn cảnh khó khăn phải đối phó (những thử thách về tâm hồn và vật chất, những sự bắt bớ). Tất cả những điều này đều hoà hợp chặt chẽ trong bản thân Đức Giêsu, Đấng được coi như thực hiện trọn vẹn nơi mình khát vọng hạnh phúc. Chính Người đã muốn sống cách hoàn hảo tinh thần của Mối Phúc trong cuộc sống của mình và đến cả trong cái chết của Người nữa.

Nếu như các mối phúc dẫn nhập vào một luân lý chủ trương hạnh phúc, thì không phải vì luân lý ấy có những lời khuyên thực hành rõ rệt, hoặc đòi hỏi phải tự mình cố gắng mới được nhưng luân lý ấy chỉ muốn đưa ra cho người ta một ân huệ nhưng không của Thiên Chúa, ân huệ được hiệp thông trong sự sống và hoan lạc với Người. Ân huệ này, người ta sẽ bắt đầu tiếp nhận bằng cách ngày qua ngày sống hai giới luật về tình yêu của Chúa là yêu Chúa và yêu người. Giống như con đường hạnh phúc mà Đức Giêsu đã khởi sự và đi trước vậy.

Với người tín hữu, hãy hành động như Thiên Chúa, luôn sáng tạo và có sáng kiến như Người, biết hiến thân như Đức Kitô, đó là suối nguồn đích thực của tự do và hạnh phúc.


http://www.kinhthanhvn.net/cac-bai-suy-niem-cn-vi-thuong-nien-nam-c-nhieu-tac-gia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét