Trang

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

NHỮNG PHÁT HIỆN NỔI BẬT VỀ KHẢO CỔ KINH THÁNH TRONG NĂM

NHỮNG PHÁT HIỆN NỔI BẬT VỀ KHẢO CỔ KINH THÁNH TRONG NĂM
Mỗi năm, những phát hiện mới về khía cạnh khảo cổ học luôn giúp chúng ta hiểu thêm về Kinh Thánh và lịch sử thời kỳ đầu của Kitô giáo, và năm 2018 cũng không ngoại lệ. Dưới đây là những khám phá nổi bật trong năm qua.
Cung điện Esarhaddon dưới mộ phần Jonah
Vào năm 2014, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cho nổ tung đền thờ chứa mộ phần của tiên tri Jonah ở TP Mosul (Iraq). Khi tiếp cận được nơi này, các chuyên gia nhanh chóng biết được tàn tích của cung điện từ thời vua Esarhaddon của vương triều Assyria. Tên của vị vua được tìm thấy bên trong đường hầm bên dưới phần mộ. Cựu Ước từng đề cập đến cái tên Esarhaddon khi nói về vụ ám sát vua cha Sennacherib. Vua Sennacherib đã kéo quân đến Jerusalem và trên đường đi gây nên cảnh tàn phá khủng khiếp đối với vương quốc Judah, nhưng cuối cùng không thể chiếm được Đất Thánh.

Làng thợ gốm liên quan đến Judas
Các nhà khảo cổ học tìm được nhiều cổ vật và những chi tiết thú vị, bao gồm một dòng chữ khắc trên thân cột, trong lúc khai quật ngôi làng của một thợ gốm thời xưa. Nằm ở rìa tây của TP Jerusalem hiện nay, đây là ngôi làng từng xuất hiện trong Phúc Âm theo thánh Matthêu, theo đó, các thượng tế đã dùng tiền Judas phản bội Chúa Giêsu mua thửa ruộng của người thợ gốm. Dòng chữ được chú ý vì có từ “Yerushalayim”, tức tên bằng tiếng Hebrew của Jerusalem, trong khi cây cột có niên đại từ năm 100 trước Công nguyên.

Nhẫn có tên Tổng trấn Philatô
Cái tên “khét tiếng” trong Kinh Thánh, Tổng trấn Philatô, người đã thẩm vấn Chúa Giêsu trước khi ra lệnh hành hình Ngài trên thập giá, đã xuất hiện lần thứ hai trong lịch sử khảo cổ học. Lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tìm được tên ông này là vào năm 1961, được khắc trên một tảng đá ở thị trấn Caesarea Maritima nằm giữa Tel Aviv và Haifa. Trước khi kết thúc năm 2018, các nhà khoa học đã tìm được chiếc nhẫn với dòng chữ “của Philatô” tại Herodium, một cung diện pháo đài ở ngoại ô Bethlehem. Nhờ vào công nghệ hiện đại, các chuyên gia phát hiện chiếc nhẫn làm bằng hợp kim đồng, nhiều khả năng không thật sự thuộc về viên tổng trấn La Mã mà có thể của một cấp dưới được quyền thừa lệnh người này ký kết các văn bản chính thức.

Triện của tiên tri Isaiah?
Các nhà khảo cổ học đã khai quật được một mảnh triện gốm không hoàn chỉnh, đường kính 1 cm, dường như mang tên nhà tiên tri Isaiah. Đây là một trong những nhà tiên tri Do Thái quan trọng nhất từng được đề cập trong Cựu Ước, sống vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên. Cái triện bằng đất sét được tìm thấy trong một dự án khảo cổ tại Ophel, bên dưới bức tường phía nam của Núi Đền ở Jerusalem.

Bản chữ cái Xêmít tại Ai Cập
Nhà Ai Cập học Thomas Schneider của Đại học British Columbia (Canada) đã giải mã thành công những chữ khắc trên tảng đá được tìm thấy vào năm 1995 trong ngôi mộ dọc theo bờ tây của sông Nile. Hóa ra, đây là bản chữ cái đời đầu của ngôn ngữ Xêmít theo thứ tự ABC. Ngôi mộ có niên đại vào năm 1450 trước Công nguyên, trùng với thời của Môsê. Phát hiện mới cho thấy “Môsê ghi lại tất cả những lời của Chúa” (Sách Xuất hành), ông không phải là người duy nhất ghi chép bằng ngôn ngữ Xêmít tại Ai Cập vào thời đó.

Khai quật mộ hoàng tộc Canaan ở Megiddo
Một mộ phần của người Canaan từng được khai quật ở Tel Megiddo vào năm 2016 và đầu năm 2018 đã hé lộ những thông tin mới về những con người sinh sống tại cổ thành nổi tiếng và quan trọng vào bậc nhất của thế giới cổ đại. Đây là ngôi mộ thuộc về hoàng tộc, chưa từng bị chạm đến trong suốt 3.700 năm, với đủ hài cốt và những đồ vật chôn theo. Từ đó, các nhà khảo cổ học hy vọng sẽ biết thêm về nền văn hóa Canaan trong Kinh Thánh, ngày nay bao trùm Lebanon, Israel, Palestine, phía tây Jordan và tây nam Syria. Manh mối tìm được còn có thể cung cấp chi tiết về triều đại từng đứng ở trung tâm quyền lực trước khi Canaan bị Ai Cập thôn tính vào đầu thế kỷ 15 trước Công nguyên.

Cân Beka ở Núi Ðền
Trong lúc làm việc gần Bức tường Than khóc ở thành cổ Jerusalem, một thành viên của dự án đãi đất tại khu vực khảo cổ mang tên Thành phố David đã tìm được một quả cân có khắc chữ “beka” cực hiếm. Cân beka được dùng để đo trọng lượng nửa đồng bạc shekel để mỗi người dân thời đó có thể trả thuế một cách chính xác trước khi trèo lên Núi Đền. Quả cân nhỏ, trọng lượng 5,5g được chạm khắc bằng các dòng chữ Hebrew, có niên đại ước tính khoảng 3.000 năm tuổi và xuất hiện trong giai đoạn Đền thờ Thứ Nhất. Từ “beka” đã hai lần xuất hiện trong Ngũ Thư: lần đầu tiên là trọng lượng vàng của chiếc khuyên mũi được trao cho cô Rebecca trong Sách Sáng Thế, và sau đó trong Sách Xuất Hành là quả cân cho số vàng bạc được người Do Thái quyên góp để chi trả cho việc bảo trì Đền thờ và thống kê dân số.

HỒNG HOANG
Nguồn: cgvdt.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét