Trích sách 15 Dụ ngôn quy về điều chủ yếu, Linh mục René-Luc, nxb. Plon
Còn nhỏ, tôi sống trong trại của ông ngoại tôi ở Camargue. Trại có một lò sưởi lớn, lớn đến mức mà chúng tôi có thể ngồi bên trong, trên các băng ghế nhỏ để bên cạnh. Chúng tôi không có máy truyền hình, các buổi tối chúng tôi canh thức “bên lò sưởi”. Lửa bập bùng. Ánh sáng màu vàng, màu đỏ, màu cam nhảy múa bên cạnh nhau.
Nếu nhà bạn có máy truyền hình, bạn bè tới chơi buổi tối, chắc chắn bạn sẽ tắt để bầu khí nói chuyện được thân tình. Ngọn lửa có tác dụng ngược với truyền hình. Nó không làm mình chia trí, nhưng nó lại làm cho mình quây quần bên nhau một cách kỳ lạ. Bạn có để ý bạn bè có thể ngồi với nhau bên ngọn lửa mà không cần phải nhìn nhau không? Mọi người nhìn ngọn lửa nhưng lại chăm chú nghe người kia nói! Ngọn lửa là điểm chung để hiệp thông, thật lạ lùng.
Đối với đức tin công giáo, ngọn lửa là biểu tượng hàng đầu. Trên núi Sinai, Thiên Chúa tỏ hiện cho ông Môsê trong Bụi lửa dưới dạng lửa không thiêu đốt. Trong ngày Hiện xuống, Chúa Thánh Thần xuống trên các thánh tông đồ dười dạng lưỡi lửa. Và hàng năm ngày Chúa Kitô sống lại được cử hành với ngọn lửa phục sinh.
Trong đêm thứ bảy rạng sáng chúa nhật Phục Sinh, tín hữu tụ họp ở một chỗ gần nhà thờ. Bóng đêm tượng trưng cho thế giới sống trong bóng tối và mù quáng. Linh mục thắp một ngọn lửa lớn và làm phép. Ngọn lửa tượng trưng cho sự kiện Chúa Kitô sống lại, Đấng chiến thắng sức mạnh của bóng tối. Cái chết không còn quyền lực trên thế gian, Chúa Giêsu đã chiến thắng cái chết! Ánh sáng Chúa Kitô được tỏ hiện. Từ nay thế giới đón nhận và đi theo ánh sáng này. Lửa bập bùng và tia lửa lan ra trong đêm đen như muốn loan báo tin vui Chúa sống lại đến tận hang cùng ngõ hẻm của Quả đất. Linh mục đến gần ngọn lửa và thắp cây nến phục sinh. Sự kiện Chúa Giêsu sống lại đã xảy ra cách đây hai ngàn năm, nhưng sự kiện này vẫn luôn còn đây. Chúa Kitô vẫn còn sống. Cho mỗi thế hệ, Ngài là ánh sáng dẫn dắt từng bước đi cho chúng ta.
Và rồi tất cả mọi người cầm đèn cầy đi vào nhà thờ. Nhà thờ chìm trong bóng tối. Bóng tối cũng tượng trưng cho những giây phút nghi ngờ, tuyệt vọng, yếu đuối, lầm lạc của chúng ta. Ở thềm nhà thờ, linh mục ngừng lại và hát: “Ánh sáng Chúa Kitô”. Và cộng đoàn hát trả: “Tạ ơn Chúa!” Ánh sáng đức tin đến xóa tan sự yếu đuối của các dò dẫm chúng ta. Cộng đoàn đi thinh lặng đi đàng sau ngọn lửa nhỏ được giơ lên cao để vào nhà thờ, thật là ấn tượng. Ở giữa lòng nhà thờ, linh mục ngừng lại để hát một câu trong bài đọc phục sinh. Nhưng lần này linh mục không đọc một mình. Cộng đoàn giơ cao ngọn nến và đáp trả. Một giây phút thật xúc động. Khi toàn giáo dân dựa trên ánh sáng đức tin và mỗi người là ánh sáng của người khác. Và đó là Giáo hội!
Dụ ngôn ngọn lửa
Hiện nay có nhiều người lớn xin rửa tội. Đây là con đường khó khăn đòi hỏi người dự tòng phải chuẩn bị hai năm. Chắc chắn cũng nên xem lại tiến trình làm cho họ chán nản rất nhiều. Khía cạnh tích cực của đòi hỏi này là để phân biệt Giáo hội và tà phái. Vì tà phái vào dễ mà khó ra, trong khi Giáo hội thì không dễ để vào nhưng lại rất dễ để đi ra. Dù sao chúng ta cũng phải ghi nhận rất nhiều tân tòng khó lòng giữ đạo. Họ kết nối vào Chúa Kitô nhưng không kết nối với Giáo hội. Mà chúng ta không thể tin vào Chúa Kitô mà lại bỏ đi Giáo hội, vì thế tôi muốn truyền bá vấn đề này qua dụ ngôn ngọn lửa.
Ngọn lửa yếu ớt
Bước chính thức đầu tiên trong đời sống đức tin là rửa tội. Ngày rửa tội, linh mục thắp ngọn nến phục sinh và đưa cho người đỡ đầu. Về phần tôi, ngày hôm đó tôi mời người đỡ đầu đến gần các cha mẹ và mời họ cùng cầm ngọn nến đứng trước cộng đoàn. Rồi đến câu theo nghi thức: “Ngọn nến này được giao cho cha mẹ đỡ đầu, xin duy trì…” Lúc đó, có khi tôi đến gần ngọn nến và thổi tắt nó. Gia đình ngạc nhiên. tôi giải thích:
– Qua phép rửa tội, em bé này nhận tất cả những gì cần phải có để đi trên con đường đức tin. Nhưng có thể đến một lúc nào đó trong đời của em, em sẽ mất đức tin tuổi thơ này. Trong những trường hợp này chúng ta phải làm gì?
Người cha/mẹ đỡ đầu hiểu ngay và trả lời:
– Phải thắp lại!
– Đúng vậy! Để giữ đức tin phải quen biết lui tới với các tín hữu có đức tin. Trong thế giới nguội lạnh vì mọi người dửng dưng với tôn giáo thì rất khó để giữ ngọn lửa đức tin. Chúng ta cần lòng sốt mến của nhau để nâng đỡ nhau. Chính vì vậy mà chúng ta không được ở một mình trong góc. Ai cũng biết, người tín hữu kitô cô quạnh là người tín hữu kitô gặp nguy. Họ cần được bao bọc nhau để cùng đi trên con đường đức tin. Chính vì vậy không thể chọn Chúa Kitô mà không chọn Giáo hội, người tín hữu kitô sẽ không đứng vững!
Tôi ra dấu cho người đỡ đầu thắp ngọn nến.
– Anh chị em hiểu qua việc rửa tội này, đây không phải là giai đoạn đầu trong đời sống tôn giáo của em bé, nhưng đây chính cũng là một giai đoạn trong tiến trình đức tin của anh chị em: anh chị em đang ở đâu trên con đường của mình? Nếu ngọn lửa riêng của anh chị em chưa được thắp lên thì không chừng việc rửa tội của em bé này chỉ là kỷ niệm của một màn chụp hình. Ngược lại, nhân dịp này nếu anh chị em thắp sáng lại đức tin của mình và sống đức tin này cùng với các tín hữu trong Giáo hội, thì giai đoạn này sẽ là giai đoạn nền tảng cho tương lai đời sống thiêng liêng của em bé này.
Đa số mọi người đều nhẹ nhàng đồng ý nhưng không phải vì vậy mà sau đó chúng ta gặp họ ở nhà thờ. Một vài người trở lại nhà thờ và đây là niềm vui lớn được thấy ngọn lửa đã được thắp sáng lại.
Làm sống lại ngọn lửa của cộng đoàn chúng ta
Nếu cần phải làm sống lại ngọn lửa đức tin của mỗi người đã được rửa tội thì cũng cần làm sống lại ngọn lửa đức tin của cộng đoàn trong thánh lễ chúa nhật. Đó là một vấn đề tế nhị mà tôi không nghĩ mình tìm ra được giải pháp. Nhưng cũng phải công nhận rằng đôi khi các thánh lễ của chúng ta giống như ngọn lửa không cháy. Than nồng còn đó nhưng bị vùi dưới làn tro trắng, màu xám tro hòa với màu tóc bạc trắng nổi bật trong cộng đoàn. Tôi không phán đoán chút nào, ngược lại là đàng khác, tôi thật lòng ngưỡng phục các linh mục, các giáo dân vẫn duy trì các thánh lễ này dù ít có người kế tục. Và tôi cũng hiểu, các giám mục cố làm sao để quy tụ các giáo xứ, tìm lại một ngọn lửa nào đó.
Chúng ta thử so sánh giáo phận với cánh đồng đầy bụi rậm phải khai hoang. Người nông dân đốt lửa khắp cánh đồng. Dần dần ngọn lửa tắt vì không có chất dẫn lửa. Không có ngọn lửa, không có ánh sáng, không có sức nóng. Để dọn dẹp cánh đồng, người nông dân gom tất cả những gì có thể cháy để làm thành một ụ lửa ở trung tâm. Và ngọn lửa cháy lại, ánh sáng có lại, sức nóng có lại.
Cũng vậy với các giáo xứ chúng ta. Ngày xưa mỗi ngôi làng nhỏ đều có giáo xứ sinh động của mình, đôi khi có nhiều linh mục phục vụ cho một giáo xứ chỉ có vài trăm giáo dân. Đó là thời mà mỗi sáng chúa nhật, mọi người đều đi lễ và buổi chiều cả làng họp nhau lại để đọc kinh chiều. Đó là trước khi có “Truyền hình đá banh”, có “Sân vận động!” Ngày nay cũng những ngôi làng này, không còn các linh mục cư trú ở đó, tín hữu thì lớn tuổi và cũng còn ít giữ đạo. Để tìm lại một cộng đoàn sốt sắng, nhiệt thành thì phải họp nhau lại. Muốn được vậy phải đi hàng cây số, tình trạng này trở thành bình thường ở các vùng quê và xảy ra cho tất cả những gì dính đến đời sống xã hội. Ngày xưa, cũng trong các làng này có trường học, có tiệm bánh, có văn phòng bưu điện, có bác sĩ, có tiệm tạp hoá, có cây xăng. Bây giờ tất cả những cơ sở này dời về một thành phố gần đó. Chúng ta lấy làm tiếc cho việc phải về thành phố, nhưng chúng ta bị kẹt trong đó và Giáo hội phải thích ứng theo. Không bỏ hoang vùng quê, nhưng làm thuận lợi cho các giáo xứ trọng tâm để chúng ta có các buổi phụng vụ hợp với nhiều thế hệ hơn, các buổi lễ sưởi ấm các tâm hồn đã nguội lạnh và rọi sáng các con đường đời!
Ba hòn đá để nhóm lửa
Chúa Kitô giao phó cho các linh mục trọng trách duy trì ngọn lửa đức tin, nhất là trong các giáo xứ. Các linh mục giống như các hòn đá lớn người ta thường dùng để nhóm lửa. Một ngạn ngữ của người Mali nói: “Phải có ít nhất ba hòn đá mới chụm được lửa.” Ở các giáo xứ của các thành phố lớn, nơi các linh mục có thể cùng quy tụ lại, cầu nguyện chung với nhau, chia sẻ bữa ăn, giúp nhau trong nhiều công việc, và các buổi họp này rất sinh động. Để ngọn lửa được trở lại, vấn đề cô đơn của các linh mục cũng được đặt ra. Ngày nay nhiều linh mục không muốn nghe nói đến đời sống chung, lấy lý do những người này không phải là tu sĩ. Tôi rất thông cảm, không phải dễ để sống chung, nhất là với những người mà mình không chọn. Dù vậy, chính Chúa Giêsu cũng không bao giờ ở một mình và Ngài không bao giờ gởi các tông đồ đi sứ vụ một mình. Và chúng ta cũng ghi nhận, nhiều chủng sinh trẻ ngày nay thích lối sống cộng đoàn như Cộng đoàn Emmanuel hay các linh mục của Cộng đoàn Thánh Martinô. Thêm một lần nữa, tôi không có giải pháp, nhưng riêng tôi, tôi tin chắc ba hòn đá cần thiết để nhóm một ngọn lửa.
Đúng, Chúng ta phải đi ra khỏi cô lập, phải đi trên con đường của Giáo hội, của hiệp thông với nhau trong tình đoàn kết, thắp sáng lại ngọn lửa của chúng ta để thực hiện lời Chúa Giêsu: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Luc 12, 49).
Marta An Nguyễn dịch
http://phanxico.vn/2019/02/01/%EF%BB%BFdu-ngon-ngon-lua-hay-vi-sao-mot-tin-huu-kito-khong-the-tin-o-chua-giesu-ma-lai-loai-bo-giao-hoi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét