Trang

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Giáo Huấn Của Giáo Hội Về Việc Dạy Giáo Lý Từ Công Đồng Vatican II Đến Nay

Giáo Huấn Của Giáo Hội Về Việc Dạy Giáo Lý Từ Công Đồng Vatican II Đến Nay

 
Cho đến lúc này, chúng ta không thể phủ nhận những tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu rộng của Công Đồng Vatican II trên toàn bộ hoạt động huấn giáo của Giáo Hội từ năm 1971 đến nay qua 11 văn kiện liên quan, mặc dù Công Đồng không dành riêng một văn kiện nào bàn về mục vụ giáo lý.
Giáo Huấn Của Giáo Hội Về Việc Dạy Giáo Lý Từ Công Đồng Vatican II Đến Nay
Hơn Năm Mươi năm trôi qua kể từ khi bế mạc Công Đồng Vatican II cho đến nay (1965-2015), Giáo Hội đã có biết bao định hướng và cổ võ cho việc dạy giáo lý. Có thể nói được rằng, cùng với sự “thay da đổi thịt” của toàn bộ hoạt động mục vụ trong Giáo Hội từ sau Công Đồng, mục vụ huấn giáo đã có phần khởi sắc và phát triển đáng kể trong suốt nửa thế kỷ qua.
Cùng chung nhịp đập với Giáo Hội trong niềm say mê và thao thức loan báo Tin Mừng, đặc biệt trong lãnh vực huấn giáo, và niềm tri ân cảm tạ về sự đồng hành của Đức Kitô trong những thăng trầm của Hội Thánh suốt năm mươi năm qua, người viết muốn điểm lại một số dấu ấn yêu thương của Giáo Hội là Mẹ và Đức Kitô là Đầu ngang qua các giáo huấn của Giáo Hội về việc dạy giáo lý trong những thập niên vừa qua; theo đó, bài viết không có tham vọng phân tích lịch sử mà chỉ dừng lại ở việc liệt kê và tổng lược những định hướng cũng như chỉ dẫn của Giáo Hội về việc dạy giáo lý trong các văn kiện từ sau Công Đồng Vatican II đến nay.[1]
Công Đồng Vatican II (1962-1965)
Điểm lại những nỗ lực và thành quả đáng kể trong hoạt động huấn giáo của từng Giáo Hội địa phương nói riêng và của Giáo Hội hoàn vũ nói chung, chúng ta không thể không ghi nhận“nguyên động lực” xuất phát từ 2.386 Nghị phụ trong Công Đồng chung Vatican II.[2]
aThật vậy, mặc dù Công Đồng không đề cập trực tiếp đến việc giảng dạy giáo lý, nhưng trong mỗi văn kiện của Công Đồng, ít nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp cũng hướng đến việc “dạy giáo lý”, đáng chú ý là những suy tư mới trong lãnh vực mạc khải (Hiến chế tín lý về Lời Thiên Chúa Dei Verbum, 18/11/1965), sứ vụ-loan báo Tin Mừng (Sắc lệnh Truyền giáo Ad Gentes, 7/12/1965) và Giáo hội học (đặc biệt với Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 21/11/1964) đã góp phần không nhỏ cho việc canh tân giáo lý trong thời đại chúng ta. Qua 16 văn kiện của Công Đồng, chúng ta có thể nhận ra một số gợi ý về mục vụ giáo lý tại các Giáo Hội địa phương, những gợi ý này được diễn tả rõ nét hơn trong Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục tử của các Giám mục (Christus Dominus) khi đề cập đến vị trí và nhiệm vụ của Giám mục trong các giáo phận, đặc biệt là nhiệm vụ giảng dạy (đạo lý và huấn giáo);[3] bên cạnh đó, văn kiện cũng lưu tâm đến trách nhiệm dạy giáo lý của linh mục chánh xứ là những cộng sự viên đặc biệt của Giám mục.[4]Cũng trong văn kiện này, trên bình diện Giáo Hội toàn cầu, Công Đồng đã ra chỉ thị “phải biên soạn một bản Hướng Dẫn về việc dạy giáo lý cho dân Kitô giáo, trong đó đề cập tới các nguyên tắc căn bản của việc dạy giáo lý, cách điều hành và việc biên soạn các sách liên hệ. Trong khi biên soạn những Thủ bản Hướng Dẫn nói trên, cần phải quan tâm đến những nhận định do các Ủy ban hoặc do các Nghị phụ đã đưa ra”.[5]
1. Hướng dẫn Tổng quát Việc dạy giáo lý (Directorium catechisticum generale 1971)
Thực hiện chỉ thị của Công Đồng về việc soạn thảo Hướng Dẫn v iệc dạy giáo lý cho các Kitô hữu, ngay sau khi bế mạc Công Đồng, Thánh Bộ Giáo Sĩ[6] đã nhanh chóng bắt tay vào việc thu thập các tài liệu liên quan, quy tụ một nhóm các chuyên viên, tham khảo ý kiến và sự đóng góp của các học viện cũng như các đại học của Giáo Hội và các Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới để soạn thảo tài liệu Hướng dẫn này. Sau gần 4 năm biên soạn, bản văn đã được Ủy ban chuyên trách về những vấn đề thần học hiện tại và Bộ Giáo Lý Đức Tin phê duyệt. Tài liệu này đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI phê chuẩn ngày 18.3.1971. Ngày 11.4.1971 Bộ Giáo Sĩ chính thức ban hành với tựa đề Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý.
Mục đích
Hướng dẫn 1971 nhằm cung cấp cho các Giáo Hội địa phương những nguyên tắc căn bản của thần học mục vụ, những nguyên tắc này được rút ra từ quyền giáo huấn của Hội Thánh, đặc biệt từ Công Đồng chung Vatican II, nhờ đó hoạt động mục vụ trong việc phục vụ Lời có thể được hướng dẫn và lãnh đạo thích hợp hơn. Theo chủ đích của Công Đồng, Tài liệu Hướng dẫn 1971 không nhắm trực tiếp đến Giáo lý viên, nhưng đến các Giám mục và những người cộng tác với các ngài, đặc biệt là các ủy viên có trách nhiệm tổ chức và linh hoạt việc dạy giáo lý trong các Giáo hội địa phương, cụ thể qua việc soạn thảo các bản Chỉ nam huấn giáo và các sách giáo lý cho các Giáo Hội địa phương.
Nội dung
Một số chiều kích nổi bật được đề cập trong nội dung của bản Hướng Dẫn 1971: chiều kích Loan báo Tin Mừng; đặc tính giáo dục và bước ngoặc nhân học trong việc dạy giáo lý.
Về cấu trúc, ngoài phần giới thiệu, Tài liệu phân chia các đề mục trong 6 phần chính, được diễn giải trong 134 đoạn.
– Trong phần thứ nhất, Tài liệu đề cập đến những thực tại của việc dạy giáo lý, hiện trạng của thế giới và Giáo Hội từ những năm đầu thập niên 70 (các số 1-9).
– Phần thứ hai, phác họa bản chất, thể thức và các chức năng của giáo lý trong bối cảnh rộng lớn của Lời (ss. 10-35).
– Phần thứ ba, bản văn xác định các tiêu chuẩn cần được đặt ra cho các chân lý kitô giáo, đồng thời gợi lại những điểm nhấn quan trọng (36-69).
– Phần thứ tư tài liệu trình bày những yếu tố căn bản của phương pháp luận giáo lý (70-76).
– Phần thứ năm phân tích việc dạy giáo lý theo các lứa tuổi (77-97).
– Cuối cùng, phần thứ sáu là những chỉ dẫn về việc nối kết hoạt động mục vụ giáo lý với tác vụ Lời trong các cộng đoàn Kitô hữu. Cụ thể, phần này mời gọi các Giáo Hội địa phương phân tích hiện trạng mình đang sống trước khi lên chương trình hành động, soạn thảo các tài liệu Hướng dẫn việc dạy giáo lý, nghiên cứu việc dạy giáo lý, huấn luyện giáo lý viên, biên soạn các chương trình giáo lý, sách giáo lý, thêm vào đó là hướng dẫn việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, các phương pháp thính thị trong việc dạy giáo lý, cuối cùng là những chỉ dẫn về việc tổ chức và hợp tác hoạt động huấn giáo ngay tại Giáo Hội địa phương cũng như sự phối hợp với Giáo Hội hoàn vũ (98-134).
– Tài liệu kết thúc với phần Phụ lục, là những định hướng xác đáng về vấn đề khai tâm các bí tích Thống Hối và Thánh Thể. Phần phụ lục này có thể được xem như một phần biệt lập với các đề mục trong Hướng dẫn, nhằm xác định rõ lập trường của Tòa Thánh về việc cử hành bí tích Thống Hối và Thánh Thể cho các trẻ em, cụ thể, Hướng dẫn chỉ rõ việc các trẻ em cần lãnh bí tích Thống Hối trước khi lãnh bí tích Thánh Thể lần đầu tiên thay vì truyền thống của một số Giáo Hội địa phương cho phép Rước lễ lần đầu trước khi lãnh bí tích Thống Hối; theo định hướng này, các Hội Đồng Giám mục được mời gọi để xem xét và điều chỉnh lại những thực hành cụ thể tại từng địa phương sao cho phù hợp với lập thường của Tòa Thánh.[7]
2. Nghi Thức Khai Tâm Kitô Giáo Dành Cho Người Trưởng Thành (Ordo initiationis christianae adultorum 1972)
aCùng với chỉ thị biên soạn một bản Hướng Dẫn về việc dạy giáo lý, Công Đồng chung Vatican II cũng ra chỉ thị duyệt lại nghi thức gia nhập Kitô giáo cho người trưởng thành, đồng thời quy định việc phục hồi chương trình giáo lý dự tòng cho người trưởng thành, tiến hành qua nhiều giai đoạn khác nhau, nhờ đó thời gian dự tòng được thánh hóa bởi việc cử hành các nghi thức trong những thời gian khác biệt và kế tiếp nhau. Công Đồng cũng quy định rằng một khi đã canh tân tiến trình dự tòng thì cũng duyệt lại nghi thức trọng thể cũng như nghi thức đơn giản về việc khai tâm Kitô giáo dành cho người lớn.[8]
Thực hiện các chỉ thị trên, Thánh Bộ Phượng Tự đã soạn thảo một nghi thức mới về việc gia nhập Kitô giáo dành cho người lớn. Sau khi được Đức Thánh Cha Phaolô VI phê chuẩn, ngày 6.01.1972, Thánh Bộ ban hành mẫu Nghi thức mới gọi là Nghi thức khai tâm Kitô giáo dành cho người trưởng thành (Ordo initiationis christianae adultorum 1972), thay thế cho Nghi thức rửa tội người lớn trước đây trong Sách Lễ Rôma.
Mục đích
Tài liệu Nghi thức khai tâm Kitô giáo dành cho người trưởng thành là những chỉ dẫn về nghi thức dành cho những người đã khôn lớn, sau khi được nghe loan truyền mầu nhiệm Chúa Kitô, được Thánh Thần khai sáng tâm hồn, với đầy ý thức và tự do tìm kiếm Thiên Chúa, họ đồng ý hoán cải để lãnh nhận ơn đức tin. Nhờ việc gia nhập này, họ sẽ nhận được ơn trợ giúp từ thời gian chuẩn bị cho đến khi lãnh nhận các Bí tích khai tâm.
Nội dung
Trong tài liệu Nghi thức khai tâm Kitô giáo dành cho người trưởng thành, ngoài nội dung Sắc lệnh của Thánh bộ về Phượng tự ở phần đầu như lời giới thiệu và Nghi thức thâu nhận những người đã lãnh Bí tích Thánh Tẩy thành sự, được thông công trọn vẹn với Hội Thánh Công Giáo trong phần Phụ lục,[9] bản văn trình bày các chỉ dẫn và các biểu mẫu nghi thức được phân bổ trong sáu chương chính.
Về một số chỉ dẫn, trước hết bản văn lưu ý rằng việc gia nhập Kitô giáo không chỉ là một điểm đến nhưng là một tiến trình, tiến trình này trải đều trong ba giai đoạn và bốn thời gian liên tiếp,[10]mỗi giai đoạn kèm một nghi thức phụng vụ. Giai đoạn thứ nhất được xác định khi đương sự khởi đầu việc trở lại, ước muốn tòng giáo và chính thức được Hội Thánh nhận làm người dự tòng qua nghi thức tiếp nhận; giai đoạn thứ hai, khi đương sự đã có lòng tin khá vững và đã gần kết thúc thời dự tòng, được Hội Thánh chấp nhận để chuẩn bị lãnh nhận các bí tích khai tâm qua nghi thức tuyển chọn và giai đoạn cuối cùng là khi đương sự đã chuẩn bị chu đáo về mặt thiêng liêng, sẵn sàng sống đời sống của người Kitô hữu, Hội Thánh sẽ cử hành các bí tích khai tâm cho người dự tòng.
Cùng với ba giai đoạn khai tâm là bốn thời gian của tiến trình gia nhập Kitô giáo, gồm thời gian tiền dự tòng, thời gian dự tòng, thời gian thanh tẩy và soi sáng, thời gian nhiệm huấn.
Song song với những minh định chung về tiến trình gia nhập Kitô giáo, bản văn có những hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp khác nhau, ví dụ như việc chuẩn bị cho người lớn đã được Rửa tội khi còn nhỏ nhưng chưa học giáo lý để họ lãnh nhận Bí tích Thêm sức và Thánh Thể (chương IV); Chỉ dẫn và nghi thức gia nhập Kitô giáo dành cho các trẻ nhỏ đã đến tuổi học giáo lý (chương V).
Về các biểu mẫu, bản văn giới thiệu một số biểu mẫu như: Nghi thức dự tòng theo từng giai đoạn, gồm: nghi thức tiếp nhận – thời gian dự tòng; nghi thức tuyển chọn – thời gian thanh tẩy và soi sáng; cử hành các bí tích khai tâm Kitô giáo – thời kỳ nhiệm huấn (chương I); Nghi thức đơn giản gia nhập Kitô giáo của người lớn (chương II); Nghi thức đơn giản gia nhập Kitô giáo của người lớn trong lúc nguy tử hoặc lúc lâm chung (chương III); Nghi thức gia nhập Kitô giáo dành cho các trẻ nhỏ đã đến tuổi học giáo lý được tiến hành qua 3 giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, nghi thức tiếp nhận làm người dự tòng; giai đoạn thứ hai, nghi thức sám hối; giai đoạn thứ ba, cử hành các bí tich khai tâm Kitô giáo. Ngoài ra, Tài liệu còn giới thiệu một số bản văn Phụng vụ đọc trong nghi thức gia nhập Kitô giáo của người lớn (chương VI).
3. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới 1974 và Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi 1975)
Hội nghị Chung Thường lệ của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần III đã diễn ra tại Rôma từ ngày 27-9 đến 26-10-1974 với chủ đề: “Loan báo Tin Mừng trong thế giới hiện đại”. Dựa theo 3 điểm nhấn cũng là ba vấn nạn Thượng Hội Đồng đề ra: (1) Sức mạnh tiềm ẩn của Tin Mừng vốn có khả năng đánh động sâu xa lương tâm con người, còn có tác động trong thời đại chúng ta không? (2) Sức mạnh của Tin Mừng có khả năng biến đổi thực sự con người thời đại này đến mức nào và như thế nào? (3) Phải loan truyền Tin Mừng theo những phương pháp nào cho có hiệu quả?[11] Đức Thánh Cha Phaolô VI đã soạn thảo và công bố Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi) vào ngày 8.12.1975. Có thể nói, Tông huấn Evangelii Nuntiandi là kết quả của Thượng Hội Đồng và là câu trả lời cho những vấn nạn trên.
aThật vậy, trước những thách đố của thời đại, Tông huấn nhìn nhận việc loan báo Tin Mừng chính là ân sủng và ơn gọi mới mẻ cho chính Giáo Hội, trong đó, việc dạy giáo lý phải được xem là một hình thức thiết yếu, hay nói cách khác, là bản lề của công cuộc loan báo Tin Mừng, là thành phần trong những nhu cầu khẩn thiết và ưu tư đặc thù của mệnh lệnh truyền giáo.[12] Trong viễn tượng đó, đối tượng của giáo lý không chỉ là những người không biết Đức Kitô (dự tòng) mà còn là những người đã tin, nghĩa là những người đã lãnh bí tích Thánh tẩy (thiếu nhi và giới trẻ), nhằm củng cố và nuôi dưỡng đức tin của họ.
Để trả lời cho vấn nạn của Thượng Hội Đồng về phương thế Loan báo Tin Mừng, Tông huấn cũng đề cập đến chủ đề hội nhập văn hóa. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để đưa hoạt động loan báo Tin Mừng vào các nền văn hóa khác nhau.
Phát triển các đề tài của Hướng Dẫn 1971 và theo sát những suy tư của Thượng Hội Đồng 1974, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, mở ra những chân trời mới cho hoạt động Loan báo Tin Mừng nói chung và huấn giáo nói riêng, mà một trong những điểm nổi bật là mối liên hệ giữa việc loan báo Tin Mừng và giáo lý với những viễn tượng thăng tiến nhân bản và giải phóng con người; đây cũng là những vấn đề được triển khai trong Thượng Hội Đồng tiếp theo vào năm 1977 bàn về Giáo lý.
4. Sứ Điệp Gửi Thượng Hội Đồng Giám Mục Gửi Dân Chúa Về Việc Dạy Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta (1977)
Tiếp dòng suy tư về hoạt động Giáo lý trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi, Đức Thánh Cha Phaolô VI [13] đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục lần IV tại Rôma, từ 30.9 đến 29.10.1977, để triển khai và đào sâu chủ đề “Giáo lý trong thời đại chúng ta, đặc biệt là giáo lý dành cho thiếu nhi và giới trẻ”. Kết thúc Hội nghị, Thượng Hội Đồng đã đệ trình lên Đức Thánh Cha một bản đúc kết gồm 34 đề nghị (propositons) và hơn 900 ý kiến về vấn đề này trong một công bố (declaration) mang tựa đề Sứ điệp gửi Dân Chúa. Sứ điệp này xác quyết vị trí trung tâm của ơn cứu độ và giáo lý chính là Đức Kitô, đồng thời nhấn mạnh đến trách nhiệm của các Kitô hữu trong sứ mạng Loan báo Tin Mừng: đem Đức Kitô đến cho thế giới.
Nội dung
Nội dung của Sứ điệp bao gồm 18 số, trong 3 phần chín, cộng thêm phần nhập đề và kết luận. Trước hết, Sứ điệp nhận định tình trạng thực tế của thế giới, người trẻ và giáo lý với những vấn đề của nó (phần I); từ đó, Sứ điệp nhìn nhận Giáo lý là hình thức thể hiện ơn cứu độ trong Đức Kitô, chính vì thế giáo lý mang chiều kích của Lời, việc tưởng nhớ và làm chứng. Để hội đủ các chiều kích trên, mọi hình thức giáo lý đều phải thể hiện tính toàn vẹn và thống nhất về sự hiểu biết Lời Thiên Chúa – cử hành đức tin nơi các bí tích – tuyên xưng niềm tin trong cuộc sống (phần II). Thêm vào đó, Sứ điệp nêu rõ tính “đồng trách nhiệm” của mọi thành phần Dân Chúa trong việc dạy giáo lý, đặc biệt, Thượng Hội Đồng cũng lưu tâm đến chiều kích truyền giáo của giáo lý khi xác định “việc dạy giáo lý luôn là việc truyền giáo”.[14]
5. Tông Huấn Dạy Giáo Lý (Catechesi Tradendae 1979)
Tiếp nối công trình của Đức Thánh Cha Phaolô VI và Gioan Phaolô I [15] cùng với kết quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần IV, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã hoàn thành và công bố tông huấn Dạy Giáo Lý vào ngày 16.10.1979. Tông huấn này được xem là một tổng thể hòa hợp giữa Evangelii Nuntiandi (Loan báo Tin Mừng) 1975 với Sứ điệp gửi Dân Chúa 1977, trong đó Đức Thánh Cha tái xác định vị trí của việc dạy giáo lý trong khuôn khổ Loan báo Tin Mừng, và việc dạy giáo lý được xem như là quyền lợi, bổn phận và trách nhiệm của Giáo Hội,[16]đặc biệt, ngài nhìn nhận “việc canh tân huấn giáo là một ơn quý báu mà Chúa Thánh Thần ban cho Hội Thánh trong thời đại này”.[17]
Nội dung
Nét chính yếu của Tông huấn là trình bày lập trường của Giáo Hội khi đưa ra những yêu cầu căn bản cho việc canh tân giáo lý (tính quy Kitô, bước ngoặt nhân học, thứ bậc các chân lý) phải dựa trên hai bản lề chính: thứ nhất, giáo dục đức tin chân chính là nguyên lý tối hậu của việc dạy giáo lý, thứ hai, giáo lý phải đặt nền tảng trên hoạt động loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Chính vì thế, sư phạm của Thiên Chúa và sư phạm của Đức Kitô phải là nền tảng cho sư phạm đức tin và là bản lề cho sư phạm giáo lý.[18]
Toàn bản văn của Tông huấn bao hàm nhiều chỉ dẫn phong phú liên quan đến việc dạy giáo lý, được trình bày trong 73 số nằm trong 9 đề mục, cộng với phần nhập đề và kết luận. Những điểm chính yếu của Tông huấn tập trung vào các chủ đề và định hướng sau: Tính quy Kitô trong giáo lý: “Đức Giêsu Kitô là vị Thầy duy nhất” (đề mục 1); xác quyết việc Dạy giáo lý chính là quyền lợi và bổn phận của Hội Thánh (đề mục 2); việc dạy giáo lý trong truyền thống của Giáo Hội và sự phát triển trong mối tương quan của giáo lý với hoạt động mục vụ và sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh (đề mục 3);[19] nguồn mạch và nội dung của giáo lý (đề mục 4); các đối tượng của việc học giáo lý (đề mục 5); các cách thế, phương pháp và phương tiện sử dụng trong việc dạy giáolý (đề mục 6 và 7); thái độ thích ứng đầy lạc quan và hy vọng trước một thế giới đầy dẫy những khó khăn, lo âu, bất ổn (đề mục 8), lời khuyên nhủ, khích lệ mọi thành phần trong Dân Thánh vui mừng và hăng say trong “nhiệm vụ dạy tôn giáo và huấn luyện đời sống theo Tin Mừng”;[20] trong đó, các tác nhân chính trong sứ vụ giáo dục đức tin: Chúa Thánh Thần, Thầy dạy nội tâm, Đấng linh hứng tất cả mọi công việc của Giáo Lý và những người thi hành công việc này, cùng với Đức Maria, là Mẹ và là Mẫu Gương của các môn đệ – Giáo lý viên.[21]
6. Bộ Giáo Luật 1983 (Codex Juris Canonici 1983)
Những chỉ dẫn, định hướng và nguyên tắc về huấn giáo từ sau Công ĐồngVatican II đến thời điểm này quả là phong phú,[22] trong đó, một số điều đã được hệ thống và pháp lý hóa trong Bộ Giáo Luật mới,[23] được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phê chuẩn và ban hành ngày 25 tháng 1 năm 1983.
Các điều khoản mà Bộ Giáo Luật quy định về việc dạy giáo lý (773-780)[24] được trình bày trong Quyển III, Nhiệm Vụ Giáo Huấn Của Giáo Hội, Thiên 1: Tác Vụ Lời Chúa, được hình thành bởi hai chương, chương thứ nhất là một số điều quy định Việc Rao Giảng, gồm các hoạt động giảng dạy, giảng thuyết; chương thứ hai gồm 8 điều liên quan đến Huấn Giáo, với một số khía cạnh khác nhau như: tác vụ huấn giáo, vai trò và trách nhiệm của các vị hữu trách cũng như của mọi thành phần Dân Chúa trong hoạt động huấn giáo; các phương thế, phương tiện trong huấn giáo, tài liệu và việc huấn luyện giáo lý viên:
Giáo Luật nhấn mạnh tác vụ dạy giáo lý là “nhiệm vụ riêng biệt và nặng nề của các vị mục tử”. Dạy giáo lý không chỉ lưu tâm đến kiến thức đức tin (đạo lý) mà còn phải chú ý đến “kinh nghiệm đời sống Kitô giáo” để đức tin của các tín hữu trở nên “sống động, minh nhiên và linh hoạt”.[25]
– Về những người có trách nhiệm trong việc dạy giáo lý, điều 774 quy định “mọi phần tử trong Giáo Hội đều có nghĩa vụ chăm lo việc huấn giáo” bắt đầu từ các bậc làm cha mẹ và những người đỡ đầu; Giáo Luật nhấn mạnh hơn trong điều 775 về trách nhiệm của Hội Đồng Giám mục trên bình diện quốc gia và các Giám mục trên bình diện vùng, miền.
– Về Giám mục giáo phận, điều 775 và 780 lưu ý: khi chăm lo hoạt động huấn giáo trong giáo phận, cần theo sự chỉ dẫn của Toà Thánh, cụ thể, thiết đặt những “quy định về huấn giáo trong giáo phận, soạn sách giáo lý, cổ võ và phối hợp các chương trình giáo lý, dự liệu những phương tiện thích hợp cho việc huấn giáo” (775 §1); quan tâm đến việc huấn luyện các giảng viên giáo lý, nhằm giúp họ có thể thi hành trọn vẹn nhiệm vụ của mình (780).
– Về trách nhiệm của Hội Đồng Giám mục, điều 775 quy định: “nếu thấy hữu ích có thể soạn và phát hành sách giáo lý cho toàn quốc” với sự chuẩn y của Tòa Thánh (775 §2). Ngoài ra, Giáo luật quy định Hội Đồng Giám mục cần phải có trách nhiệm điều phối và hỗ trợ hoạt động huấn giáo giữa các giáo phận (775 §3).
– Về trách nhiệm của các linh mục chánh xứ: điều 776 và 777 quy định: để có thể thi hành tốt đẹp sứ vụ và trách nhiệm của mình, linh mục chánh xứ cần “mời gọi sự cộng tác của các giáo sĩ, các phần tử của Hội Dòng tận hiến cũng như các tu đoàn tông đồ, các giáo dân, nhất là các giáo lý viên” (776) chia sẻ trách nhiệm giảng dạy giáo lý, ngoài ra nhiệm vụ này cũng đòi buộc ngài “phải cổ võ và thúc đẩy cha mẹ chu toàn bổn phận dạy giáo lý trong gia đình” (776). Hơn nữa, điều 777 còn quy định các Cha xứ phải chăm lo việc giáo dục đức tin cho mọi thành phần trong giáo xứ, từ trẻ em đến giới trẻ, người lớn, người già, người tàn tật,…
– Đối với các Bề Trên dòng tu và các tu đoàn tông đồ, Giáo Luật quy định: “phải lo dạy giáo lý cách chuyên cần trong các nhà thờ, trường học và các cơ sở khác đã được ủy thác cho mình” (778).
– Về các phương thế phục vụ huấn giáo, Giáo Luật chấp thuận cho “sử dụng tất cả các phương thế, dụng cụ sư phạm và các phương tiện truyền thông xã hội” trong việc giảng dạy giáo lý, sao cho mọi người có thể học hỏi đầy đủ hơn về giáo lý Công Giáo và đem ra thực hành chu đáo hơn” (779).
7. Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio 1990)
Ngoài những văn kiện có chủ đề trực tiếp đến Giáo lý, thì Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế cũng được nhìn nhận là một văn kiện về giáo lý, bởi lẽ đây là thông điệp về hoạt động truyền giáo, được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công bố vào ngày 07.12.1990, nhân dịp kỷ niệm 25 năm Sắc lệnh Ad Gentes, nhằm tái khẳng định hiệu lực bền vững của mệnh lệnh truyền giáo mà việc khẳng định này cho thấy Sắc lệnh có một ảnh hưởng nhất định trong việc phát triển giáo lý hậu Công Đồng, đồng thời cũng xác quyết hoạt động truyền giáo của Giáo Hội có mối liên hệ chặt chẽ với hoạt động loan báo Tin Mừng và Huấn giáo.[26] Mối liên hệ “bộ ba” này cũng đã được khẳng định mạnh mẽ trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng và được làm sáng tỏ hơn trong các số từ 71 đến 74 của Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế khi nói về hoạt động truyền giáo – dạy giáo lý của anh chị em giáo dân.[27]
8. Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo (1992)
sNăm 1985, nhân kỷ niệm 20 năm bế mạc Công Đồng Vatican II, Thượng Hội Đồng ngoại lệ đã được quy tụ. Trong dịp này, các Nghị phụ đệ trình lên Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II một bản tổng kết hai mươi năm áp dụng giáo huấn Công Đồng, đồng thời các Nghị phụ cũng đề nghị việc soạn thảo Sách Giáo Lý chung cho toàn thể Hội Thánh. Đề nghị này đã được Đức Thánh Cha phê duyệt, và hơn bảy năm sau, ngày 11.10.1992, công việc biên soạn hoàn tất, ngài đã trao Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, ấn bản tiếng Pháp cho các Giám mục và các Giáo Hội địa phương qua tông hiến Kho tàng Đức tin (Fidei Depositum). Sau đó, vào ngày 15.8.1997 với Tông Thư Chúng ta Vui Mừng Trọng Đại (Laetamur Magnopere), Đức Thánh Cha công bố Ấn Bản Mẫu, Editio Tipica bằng tiếng Latinh. Ấn bản này được dùng như là điểm quy chiếu cho tất cả những ấn bản khác, hoặc những bản dịch đã có và sẽ có trong tương lai.[28] Ðây là một trình bày đầy đủ và trọn vẹn Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, cho phép mỗi người nhận ra điều Hội Thánh tuyên xưng, cử hành, sống và cầu nguyện trong cuộc sống hằng ngày của mình.[29]
Mục đích – Nguồn mạch
Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo ra đời nhằm trình bày một cách mạch lạc và tổng hợp những nội dung cốt yếu và căn bản của giáo lý Công Giáo về đức tin và luân lý, dưới ánh sáng Công Đồng Vatican II và toàn bộ Thánh Truyền của Hội Thánh. Nguồn mạch chính của sách Giáo Lý này là Thánh Kinh, các Thánh Giáo phụ, Phụng vụ và Huấn quyền của Hội Thánh. Sách được soạn thảo để làm điểm quy chiếu cho các sách giáo lý hay bản toát yếu Giáo lý của các Giáo Hội địa phương.[30]
Đối tượng
Sách Giáo Lý nhắm đến các vị có trách nhiệm dạy giáo lý: trước hết là các Giám mục, trong tư cách là thầy dạy đức tin và Mục tử của Hội Thánh, qua các Giám mục, sách được gửi đến những người soạn sách giáo lý, đến các linh mục, các giáo lý viên và mọi Kitô hữu khác.[31]
Nội dung – Bố cục
Dựa theo truyền thống cổ điển của các sách giáo lý, Sách Giáo Lý này cũng như Sách Toát yếu sẽ biên soạn, được phân chia thành bốn phần chính xoay quanh bốn chủ đề cơ bản của đời sống đức tin Kitô giáo, bao gồm: Tuyên xưng đức tin (lex credendi); Cử hành các mầu nhiệm Kitô giáo (lex celebrandi); Sống trong Chúa Kitô (lex vivendi) và Kinh nguyện Kitô giáo (lex orandi). Mỗi phần được làm thành bởi hai đoạn, đoạn thứ nhất giải thích đề mục và đoạn thứ hai đào sâu các nội dung trong đề mục.
Cách trình bày trong Sách Giáo Lý thiên về lồi trình bày thần học, vì thế có thể nói, phần thứ nhất của nội dung Sách Giáo Lý là thần học cơ bản và tín lý, phần thứ hai là thần học bí tích và phụng vụ, phần thứ ba là thần học luân lý và phần thứ tư là thần học tâm linh, nhấn mạnh đến đời sống cầu nguyện.
Sách Giáo lý gồm 2865 số, có độ dày trên dưới nghìn trang, và là nguồn gốc chính của các giáo huấn của Giáo Hội.
Tại Việt Nam, bản dịch chính thức của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục việt Nam được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2010.
9. Chỉ Dẫn Dành Cho Giáo Lý Viên (1993)
Được thúc đẩy bởi sự quan tâm đến đội ngũ Giáo lý viên giáo dân trong các xứ truyền giáo, Bộ Rao Giảng Phúc Âm cho các Dân tộc, sau khi đã duyệt xét việc huấn luyện trong các đại chủng viện (1986), khảo sát đời sống và sứ vụ các linh mục (1989), đã nhóm họp từ ngày 27 đến 30 tháng 4 năm 1992 để bàn về các vấn đề liên quan đến ơn gọi, huấn luyện và thăng tiến giáo lý viên trong các xứ truyền giáo.
Tài liệu Chỉ Dẫn dành cho Giáo lý viên là kết quả của Hội nghị Khoáng đại 1992, được Đức Hồng Y Jozef Tomko, Bộ trưởng bộ Rao Giảng Phúc Âm cho các Dân tộc ban hành ngày 3.12.1993 với sự khích lệ và đánh giá cao của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, cùng với phép lành Toà Thánh và sự quan tâm rất đặc biệt ngài dành cho các giáo lý viên.[32]
Tài liệu Chỉ Dẫn này trước hết được gửi đến các giáo lý viên giáo dân và những người có liên quan với họ, nghĩa là các Giám mục, linh mục, tu sĩ, các nhà đào tạo và các tín hữu.[33]
Tài liệu này chứa đựng một nội dung phong phú xoay quanh ơn gọi, sứ vụ và đời sống của giáo lý viên, đặt nền tảng trên bình diện tín lý, hiện sinh và thực hành, cụ thể, tài liệu đề cập đến những vấn đề liên quan đến ơn gọi, căn tính, linh đạo, việc tuyển chọn và huấn luyện, nhiệm vụ truyền giáo và mục vụ của người giáo lý viên cũng như việc trả thù lao và trách nhiệm của Dân Chúa đối với giáo lý viên trong hoàn cảnh hiện tại cũng như trong tương lai.[34]
Đây là một tài liệu không những góp phần cổ võ cho việc canh tân dung mạo người giáo lý viên, mà còn bảo đảm cho lãnh vực thiết yếu của Giáo Hội đối với tương lai truyền giáo trong thế giới nhờ được tăng trưởng trong sự hiệp nhất. Bộ Rao Giảng Phúc Âm cho các Dân Tộc cũng yêu cầu các Trung Tâm hay các Trường đào tạo giáo lý viên quy chiếu vào tài liệu này để thiết lập những chương trình huấn luyện và giảng dạy.
10. Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý (Directorium generale pro catechesis 1997)
Từ việc ra đời Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (1992) và toàn bộ các giáo huấn về giáo lý trong những năm hậu Công Đồng Vatican II, với những biến chuyển mạnh mẽ của đời sống văn hóa – xã hội, đòi hỏi Giáo Hội phải rà soát lại Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý 1971, nhằm thích nghi tài liệu mang tính thần học-mục vụ này vào hoàn cảnh và những đòi hỏi mới, hầu thu lượm được những kết quả tốt đẹp cho hoạt động huấn giáo.
sMột lần nữa, Bộ Giáo Sĩ đứng ra đảm nhận việc duyệt lại nội dung tài liệu Hướng Dẫn 1971, với sự cộng tác của một nhóm Giám mục và các chuyên gia về thần học và giáo lý cũng như các Trung tâm và học viện Công Giáo. Tiêu chuẩn thực hiện được đặt ra dựa trên tinh thần tôn trọng bản văn 1971 với hai yêu cầu chính yếu: (1) đặt việc dạy giáo lý vào viễn tượng Loan báo Tin Mừng (Evangelization) theo yêu cầu của các Tông huấn Evangelii Nuntiandi và Catechesi Tradendae; (2) chú trọng đến các nội dung đức tin trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo.
Kết quả của mọi nỗ lực trong việc hình thành những đường hướng và chỉ dẫn mới về giáo lý đã thành tựu qua việc phê chuẩn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 11.8.1997. Vài ngày sau, 15.8.1997, Bộ Giáo Sĩ đã công bố tài liệu mang tên Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý như một ấn bản thứ hai, thay thế Hướng dẫn 1971.
Đối tượng
Tài liệu Hướng dẫn trước tiên dành cho các Giám Mục, các Hội Đồng Giám Mục, thứ đến là những người thừa lệnh các ngài, những người có trách nhiệm trong lãnh vực huấn giáo. Như vậy, cuốn Hướng dẫn có thể là một dụng cụ hữu ích cho việc đào tạo các ứng viên linh mục, thường huấn các linh mục và đào tạo các giáo lý viên.[35]
Mục tiêu
Không khác với mục tiêu của Hướng dẫn 1971, văn kiện này nêu ra những nguyên tắc cơ bản có tính thần học-mục vụ, dựa vào Huấn Quyền, đặc biệt vào Công Đồng Vatican II, để hoạt động mục vụ thuộc sứ vụ Lời Chúa – mà cụ thể là dạy giáo lý – được hướng dẫn và sắp xếp một cách thích nghi hơn, với chủ đích cung cấp những suy tư và nguyên tắc hơn là gợi ý cho những áp dụng tức thời hay những hướng dẫn thực hành.[36] Ngoài việc đưa ra những đường hướng mang tính hướng dẫn và làm sáng tỏ bản chất của huấn giáo cũng như những quy tắc và tiêu chuẩn hướng dẫn tác vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh, tài liệu Hướng dẫn còn nuôi dưỡng niềm hy vọng nơi những người đang dấn thân trong lãnh vực này.[37]
Cấu trúc – Nội dung
– Về cấu trúc, Hướng dẫn 1997 vẫn duy trì cấu trúc của Hướng dẫn 1971, trong đó, nội dung được phân bổ trong năm phần chính, không kể phần mở đầu và kết luận. Chỉ có một khác biệt là ở đầu mỗi phần và mỗi chương là một số đoạn Kinh Thánh được trích dẫn có liên quan và soi sáng cho nội dung được trình bày.
– Về nội dung, văn kiện Hướng dẫn 1997 đề cập đến một số nội dung chính yếu sau: việc Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ cho những người đã được rửa tội; canh tân giáo lý theo viễn tượng phục vụ công cuộc loan báo Tin Mừng; nội dung của giáo là sứ điệp ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, nghĩa là loan báo những mầu nhiệm chính yếu Kitô giáo dựa trên nền tảng quy Kitô.[38]Ngoài ra, Hướng dẫn còn đề cập đến các đối tượng của giáo lý, quan trọng hơn cả là người lớn; định hướng sư phạm giáo dục đức tin phải đặt nền tảng trên mạc khải. Cuối cùng là một số nội dung đề cập đến việc đào tạo giáo lý viên.
Cụ thể nội dung trong các phần như sau:
1) Phần thứ nhất: Giáo lý trong sứ mạng Loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, gồm ba chương: Mạc khải và việc thông truyền mạc khải qua loan báo Tin Mừng; Giáo lý trong tiến trình loan báo Tin Mừng; Bản chất, mục đích và nhiệm vụ của giáo lý.
2) Phần thứ hai: Sứ điệp Tin Mừng, gồm hai chương: chương thứ nhất, giống nội dung của bản văn 1971, trình bày những quy tắc và tiêu chuẩn cho việc trình bày sứ điệp Tin Mừng trong việc dạy giáo lý. Chương thứ hai, làm mới hoàn toàn, trình bày giáo lý của Hội Thánh Công Giáo như bản văn quy chiếu cho việc truyền thông đức tin qua việc dạy giáo lý và soạn thảo các sách giáo lý địa phương.
3) Phần thứ ba: Sư phạm đức tin, được diễn giải trong hai chương: chương thứ nhất trình bày sư phạm Thiên Chúa, nguồn gốc và kiểu mẫu sư phạm đức tin; chương thứ hai trình bày các yếu tố về phương pháp luận.
4) Phần thứ tư: Các đối tượng của giáo lý, được phân thành năm chương: Việc thích nghi với người đón nhận giáo lý; Việc dạy giáo lý theo lứa tuổi; Dạy giáo lý theo hoàn cảnh, tâm trạng và môi trường đặc biệt; Dạy giáo lý trong bối cảnh xã hội tôn giáo; Dạy giáo lý trong bối cảnh xã hội – văn hóa.
5) Phần thứ năm: Việc dạy giáo lý trong Giáo Hội địa phương, gồm bốn chương: Tác nhân và thừa tác vụ huấn giáo trong Giáo hội địa phương; Huấn luyện để phục vụ huấn giáo; Những nơi chốn và đường lối dạy giáo lý; Tổ chức mục vụ huấn giáo tại Giáo hội địa phương.
11. Bản Toát yếu Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (Catechismus catholicae ecclesiae: Compendium 2005)
sSau khi “trao tặng” cho Dân Chúa cuốn Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) vào ngày 11 tháng 10 năm 1992, đồng thời để làm nổi bật giá trị đạo lý và đáp lại một yêu cầu được đề đạt do Ðại hội Quốc tế năm 2002 về Giáo lý, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thành lập một Ủy ban đặc biệt vào năm 2003, đứng đầu là Ðức Hồng y Joseph Ratzinger, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Ðức tin và ủy thác cho ngài việc soạn thảo một bản Toát yếu sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, trong đó các nội dung đức tin được trình bày một cách tổng hợp hơn so với Sách GLHTCG 1992. Sau hai năm nỗ lực làm việc, ngày 20 tháng 3 năm 2005, Ủy ban đã hoàn thành Bản Toát yếu Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, và ngày 28.6.2005, được Đức Thánh Cha Benedict XVI phê chuẩn qua Tự Sắc (Motu Proprio) để chấp thuận và công bố Bản “Toát Yếu Giáo Lý” của Hội Thánh Công Giáo.[39]
Đặc điểm
Bản Toát yếu có ba đặc điểm nổi bật về nội dung và hình thức: Trước hết, Bản Toát yếu lệ thuộc chặt chẽ vào sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, thật vậy, Bản Toát yếu không phải là một tác phẩm hoàn toàn độc lập, cũng không thay thế cho sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, nhưng luôn quy chiếu về sách Giáo lý bằng cách ghi những số liên hệ và theo sát cấu trúc, cách trình bày và nội dung của sách Giáo lý; đặc điểm thứ hai là dùng hình thức hỏi thưa, một hình thức đối thoại giữa thầy và trò, lấy lại hình thức cổ xưa của Sách Giáo Lý; đặc điểm thứ ba là dùng nhiều hình ảnh được rút ra từ kho tàng nghệ thuật thánh của Kitô giáo, sắp xếp cách hợp lý và hài hòa giữa các phần, làm nổi bật cách phân chia các phần trong Bản Toát Yếu.
Cấu trúc – Nội dung
Như sách Giáo lý, bản Toát yếu cũng chia làm bốn phần, tương ứng với những lề luật căn bản cho đời sống trong Ðức Kitô.
Phần đầu tiên có tựa đề “Tuyên xưng đức tin” – gồm một tổng hợp cơ bản về Lex credendi, có nghĩa là Luật đức tin được Hội Thánh Công Giáo tuyên xưng, một tổng hợp rút ra từ Kinh Tin Kính của các thánh Tông đồ, được bổ túc bằng bản Kinh Tin Kính của hai Công Đồng Nicea và Constantinopoli.
Phần thứ hai có tựa đề “Cử hành mầu nhiệm Kitô giáo” – trình bày các yếu tố căn bản của Lex celebrandi. Việc rao giảng Tin Mừng tìm được câu trả lời thích ứng trong đời sống Bí tích và qua cuộc sống hằng ngày, các tín hữu có kinh nghiệm và làm chứng hiệu năng cứu độ của mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Kitô.
Phần thứ ba có tựa đề “Ðời sống trong Ðức Kitô” – nhắc nhớ lại Lex vivendi, có nghĩa là sự dấn thân mà các tín hữu biểu lộ trong thái độ và chọn lựa đạo đức của mình, sự trung thành với đức tin đã được tuyên xưng và cử hành, để sống như Đức Kitô: là con yêu dấu của Chúa Cha trong tình yêu của Chúa Thánh Thần.
Phần thứ tư có tựa đề “Kinh nguyện Kitô giáo” – trình bày một tổng hợp về Lex orandi, có nghĩa là đời sống cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu, gương mẫu tuyệt vời của người Kitô hữu trong việc đối thoại với Thiên Chúa, đặc biệt cầu nguyện theo Kinh Lạy Cha, lời kinh Chúa Giêsu truyền dạy là một trong những cách diễn tả lời cầu nguyện ưu thế nhất.
ĐỂ KẾT
Cho đến lúc này, chúng ta không thể phủ nhận những tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu rộng của Công Đồng Vatican II trên toàn bộ hoạt động huấn giáo của Giáo Hội từ năm 1971 đến nay qua 11 văn kiện liên quan, mặc dù Công Đồng không dành riêng một văn kiện nào bàn về mục vụ giáo lý. Những thay đổi về thần học-mục vụ trong các văn kiện từ Hướng Dẫn 1971 đến Hướng Dẫn 1997, từ Tông huấn Evangelii Nuntiandi đến Catechesi Tradendae, từ Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đến Bản Toát yếu Giáo lý Hội Thánh Công Giáo… tất cả đã góp phần không nhỏ cho việc củng cố, kiện toàn và canh tân việc dạy giáo lý trong Giáo Hội.
Nửa thế kỷ Công Đồng đã trôi qua với biết bao định hướng và cổ võ cho việc dạy giáo lý trong các văn kiện tiếp sau đó thực sự đã đem lại mùa Xuân mới cho Giáo Hội trong việc loan báo Tin Mừng. Đâu đâu cũng ghi nhận những sự tận tình quảng đại của nhiều người qua những sáng kiến đáng khích lệ, qua những nỗi lực và kết quả tốt đẹp đối với sứ mạng dạy giáo lý và sự trưởng thành trong đức tin của thanh thiếu niên và người lớn.
Riêng tại Việt Nam, chúng ta có thể ghi nhận những sáng kiến, nỗ lực về hoạt động và canh tân huấn giáo của các giáo phận trong những thập niên vừa qua, nhất là từ sau 1975 và gần đây, qua các Đại hội toàn quốc về giáo lý từ 2006 – 2014,[40] đặc biệt Đại hội lần III tại Hà Nội với chủ đề “Giáo lý trong viễn tượng Loan báo Tin Mừng” và lần IV tại Huế với chủ đề “Huấn giáo phục vụ cho công cuộc Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức tin”.[41]
Ước mong luồng sinh khí mới của Công Đồng tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong mọi ngõ ngách của đời sống Giáo Hội và không ngừng sinh hoa kết quả trong hoạt động huấn giáo, nhờ sự hướng dẫn, trợ lực và soi sáng của Chúa Thánh Thần.


***
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Giáo Luật 1983, Bản dịch Việt ngữ của Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh, Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia.
BỘ GIÁO SĨ, Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý,Bản dịch của Ủy ban Giám Mục VN về Giáo lý đức tin, 2008.
BỘ RAO GIẢNG PHÚC ÂM CHO CÁC DÂN TỘC, Chỉ Dẫn Dành Cho Giáo Lý Viên 1993, Bản Dịch Của Ủy Ban Giám Mục VN Về Giáo Lý Đức Tin, 2012.
Công Đồng Chung Vatican II, Bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin, trực thuộc HĐGMVN, 2012.
G.M. Medica (chủ biên), Documenti su catechesi ed evangelizzazione (Các văn kiện về Giáo lý và loan báo Tin Mừng), Elledici, 1988.
GIOAN PHAOLÔ II, Thông Ðiệp Redemptoris Missio 1990, Dịch từ tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 28/1/1991: http://catechesis.net/index.php/van-kien-giao-hoi/duc-giao-hoang/thong-diep/633-thong-diep-redemptoris-missio-su-vu-dang-cuu-the-cua-dgh-gioan-phaolo-ii-ngay-07-12-1990-1
JOSEPH GEVAERT, Studiare Catechetica, Libreria Ateneo Salesiano, 2008.
Nghi thức gia nhập Kitô giáo của người lớn1972 (Ordo initiationis christianae adultorum), Bản dịch của Ủy ban Giám Mục về Phượng Tự, 1974.
Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, Bản dịch của Ủy ban Giáo lý đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám mục VN, 2010.






[1] Các văn kiện về giáo lý được sắp xếp theo thứ tự thời gian từ 1971 đến 2005:
– (1) Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý (Directorium catechisticum generale), Thánh Bộ Giáo Sĩ, 11.4.1971;
– (2) Nghi thức khai tâm kitô giáo dành cho người trưởng thành (Ordo initiationis christianae adultorum), Thánh Bộ về Phượng Tự, 6.01.1972;
– (3) Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Adhortatio Apostolica Evangelii Nuntiandi), Phaolô VI, 8.12.1975;
– (4) Sứ điệp gửi Dân Chúa (Ad Populum Dei nuntius Cum jam exitum de catechesis hoc nostro tempore tradenda praesertim pueris atque iuvenibus), Thượng Hội Đồng Giám mục lần IV, 30.10.1977;
– (5) Tông huấn Dạy giáo lý (Adhortatio Apostolica Catechesi Tradendae), Gioan Phaolô II, 16.10.1979;
– (6) Bộ Giáo Luật 1983 (Codex Juris Canonici), 25.01.1983;
– (7) Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế (Adhortatio Apostolica Redemptoris Missio), Gioan Phaolô II, 7.12.1990;
– (8) Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo (Catechismus Catholicae Ecclesiae) 11.10.1992;
– (9) Chỉ Dẫn Dành Cho Giáo Lý Viên. Tài liệu định hướng ơn gọi giáo lý viên, việc huấn luyện và thăng tiến giáo lý viên trong các xứ truyền giáo trực thuộc Bộ Rao giảng Phúc Âm cho các dân tộc (Guide for Catechists. Document of vocational, formative and promotional orientation of Catechists in the territories dependent on the Congregation for the Evangelization of Peoples), Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho Các Dân Tộc, Vatican Vity, 3.12.1993;
– (10) Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý (Directorium generale pro catechesis), Thánh Bộ Giáo sĩ, 15.8.1997;
– (11) Toát yếu Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (Catechismus catholicae ecclesiae: Compendium), 28.6.2005.
[3]“Mỗi Giám mục,… sẽ chăn dẫn đoàn chiên nhân danh Chúa, dưới quyền Đức Giáo Hoàng, với tư cách là mục tử riêng, thường xuyên và trực tiếp khi thi hành phận vụ giáo huấn, thánh hoá và lãnh đạo đoàn chiên…” (Sắc lệnh Christus Dominus, số 11); “Khi thi hành phận vụ giáo huấn, các Giám mục loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho mọi người, đây là công việc cao cả nhất trong các phận vụ chính yếu của các ngài…” (số 12); “Các ngài phải trình bày đạo lý Kitô giáo cách thích hợp với những nhu cầu của thời đại… Các ngài phải quan tâm đến những phương cách đa dạng hiện đang có thể sử dụng để loan báo đạo lý Kitô giáo, trước hết, việc giảng thuyết và dạy giáo lý luôn chiếm vị trí hàng đầu…” (số 13); “Các Giám mục phải quan tâm để việc dạy giáo lý được thực hiện cách chu đáo cho các thiếu nhi và thiếu niên, cho giới trẻ và cả những người đã trưởng thành, để giúp cho đức tin nơi mọi người, nhờ đạo lý soi dẫn, trở nên sống động, ý thức và tích cực. Các ngài phải quan tâm để việc dạy giáo lý được thực hiện theo một trình tự thích hợp và có phương pháp, không những phù hợp với môn đang học hỏi mà còn phù hợp với tâm tính, khả năng, tuổi tác và hoàn cảnh sống của các học viên, đồng thời việc giảng dạy giáo lý phải đặt nền tảng trên Thánh Kinh, Thánh Truyền, Phụng vụ, Huấn Quyền và đời sống của Giáo Hội. Hơn nữa, các ngài phải quan tâm chuẩn bị kỹ lưỡng cho các giáo lý viên trong nhiệm vụ dạy giáo lý, làm thế nào để họ hiểu rõ đạo lý của Giáo Hội, và thông thạo những định luật tâm lý và các khoa sư phạm, trên lý thuyết cũng như trong thực hành. Các Giám mục cũng phải chăm lo để khôi phục hoặc thích nghi hữu hiệu hơn nữa việc dạy giáo lý cho những dự tòng lớn tuổi” (số 14).
[4] “Trong việc chăm sóc các linh hồn, các linh mục chánh xứ, cùng với các vị phụ tá, phải chu toàn phận vụ giáo huấn, thánh hoá và cai quản… các ngài phải dạy giáo lý để giúp các tín hữu, tuỳ theo từng lứa tuổi, được hiểu biết đầy đủ về mầu nhiệm cứu độ. Trong công tác giảng dạy giáo lý, các ngài không chỉ nhờ đến sự trợ lực của các tu sĩ, mà cả sự cộng tác của giáo dân qua việc thành lập Hiệp hội Giáo lý Kitô giáo” (Sắc lệnh Christus Dominus, số 30).
[5] Ibid., số 44.
[6]Công việc soạn thảo được Thánh Bộ Giáo Sĩ tiến hành ngay sau khi Công Đồng kết thúc (9/1966). Tiền thân của “Thánh Bộ Giáo Sĩ” là Thánh bộ Công Đồng (Congregazione del Concilio). Việc đổi tên của Thánh bộ xảy ra sau Tông hiến Ecclesiae Regimini universae (15.8.1967). Mặc dù tên gọi thay đổi, nhưng trong cơ cấu vẫn có một Văn Phòng riêng trực thuộc chịu trách nhiệm linh hoạt, phối hợp và kiểm soát việc dạy giáo lý của Giáo Hội toàn cầu. (Xc. AAS 59 (1967), pp. 885-928; cụ thể các trang 908-912.
[7]Xc. M. Simon, Un catéchismeuniversel (Một Giáo lý phổ quát), tr. 314, ghi chú 768. Vấn đề này cũng gây tranh cãi giữa Giáo quyền Rôma với các Hội Đồng Giám mục Bắc Mỹ và Tây Âu; tuy nhiên ngày 24.5.1973, bản Tuyên ngôn của Thánh Bộ Kỷ luật Bí tích và Thánh Bộ Giáo Sĩ đã khẳng định lại những kỷ luật truyền thống của Giáo Hội về lập trường này. X. AAS 65 (1973) 410, hoặc EV 4, tr. 398-399, hoặc RD 18 (1973) 395, theo đó, việc vi phạm các chuẩn tắc truyền thống về vấn đề này cũng sẽ bị xử phạt chiếu theo khoản 914 của Bộ Giáo luật mới 1983.
[8]SC 64 và 66; AG 14: “…đây không chỉ giản đơn là một giảng khoá để trình bày về giáo thuyết và các giới răn, nhưng là chương trình đào tạo cho toàn bộ đời sống Kitô hữu, đồng thời cũng là thời gian tập sự cần thiết, để giúp các môn sinh sống mối tương giao với Thầy của mình là Chúa Kitô. Vì thế, các dự tòng phải được khai tâm đầy đủ về mầu nhiệm cứu độ, thực tập nếp sống theo Tin Mừng, và qua các nghi lễ thánh được cử hành theo từng giai đoạn nối tiếp nhau, họ được dẫn nhập vào đời sống đức tin, phụng vụ và bác ái của đoàn Dân Thiên Chúa”.
[9]Nghi thức này cũng gồm hai biểu mẫu: (1) Nghi thức thâu nhận trong Thánh lễ và (2) Nghi thức thâu nhận ngoài Thánh lễ. Tiếp đó, Tài liệu cũng cống hiến các bản văn Phụng vụ đọc trong nghi thức thâu nhận.
[10]Xc. Nghi thức gia nhập Kitô giáo của người lớn (Ordo initiationis christianae adultorum, 1972), Bản dịch của Ủy ban Giám Mục về Phượng Tự, 1974.
[11]EV 4.
[12]EV 44.
[13]Triều đại Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phaolô VI: 1963-1978.
[14]MPD 17.
[15]Triều đại Giáo Hoàng gồm 33 ngày vắn vỏi (26.8-29.9.1978).
[16]CT 14 và 15: “Trước hết, rõ ràng là đối với Hội Thánh, việc dạy Giáo Lý luôn luôn là một nhiệm vụ thánh và một quyền bất khả xâm phạm… Theo quan điểm quyền làm người, thì tất cả mọi người đều có quyền tìm kiến chân lý về tôn giáo và tự do tham gia vào tôn giáo đó, có nghĩa là, “không bị cá nhân, các nhóm xã hội, và bất cứ quyền bính nào của con người cưỡng bách”, bằng cách ấy trong vấn đề tôn giáo, “không ai bị bắt buộc phải làm trái lương tâm hay bị ngăn cản không được làm theo nó.” Đó là lý do tại sao các hoạt động Giáo Lý có thể được thực hiện trong các hoàn cảnh thuận tiện đúng chỗ và đúng lúc, và phải có thể sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng cùng những công cụ thích hợp, không kỳ thị các phụ huynh, những người học Giáo Lý, hay những người phổ biến nó… Nhưng quyền này cũng bị nhiều quốc gia vi phạm, đến nỗi việc phổ biến Giáo Lý, hay được phổ biến và nhận học Giáo Lý trở thành những tội có thể bị trừng phạt.  Tôi mạnh mẽ cùng các Nghị Phụ trong Thượng Hội Đồng lên tiếng phản đối tất cả mọi kỳ thị trong lãnh vực dạy Giáo Lý, đồng thời cũng khẩn thiết kêu gọi các nhà cầm quyền hãy chấm dứt hoàn toàn những sự kiềm chế tự do của con người nói chung, và tự do tôn giáo nói riêng (CT 14). Bài học thứ nhì nói về vị thế của việc dạy Giáo Lý trong những chương trình mục vụ của Hội Thánh. Hội Thánh hoàn vũ hay địa phương càng đặt việc dạy Giáo Lý lên trên các công tác và việc làm khác thì kết quả của nó càng thêm ngoạn mục, Hội Thánh lại càng tìm thấy trong việc dạy Giáo Lý một sự nâng đỡ cho đời sống bên trong như một cộng đoàn tín hữu, và các hoạt động bên ngoài như là một Hội Thánh truyền giáo. Đang lúc mà thế kỷ thứ 20 đến gần, Hội Thánh nhận được lệnh của Thiên Chúa và qua các biến cố – mỗi biến cố là một lời mời gọi của Ngài – để canh tân trách nhiệm của mình trong những hoạt động Giáo Lý như là một khía cạnh quan trọng nhất trong sứ vụ của mình. Hội Thánh được lệnh cung cấp cho việc dạy Giáo Lý các tài nguyên tốt nhất về cả nhân lực lẫn năng lực, không tiếc những cố gắng, khổ cực hay các phương tiện vật chất, để tổ chức cách tốt đẹp hơn, và để huấn luyện các nhân sự có khả năng hơn. Đây không thể là tính toán của loài người, mà là thái độ của Đức Tin… (CT15).
[17]CT 3
[18]Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập đến chiều kích này trong Thông điệp của ngài Evangelii Gaudium khi nói: “Giáo dục và huấn giáo là nhằm phục vụ sự tăng trưởng này (đời sống theo Thần Khí. LNS). Xc. EG 163.
[19]Việc dạy giáo lý không chỉ nhắm đến người chưa có đức tin mà còn cần thiết cho người đã được rửa tội nhằm giúp họ củng cố và trưởng thành trong đức tin. Xc. EV 14.
[20]CT 62.
[21]Xc. CT 72, 73.
[22]Xc. Các văn kiện từ Hướng Dẫn Tổng Quát 1971 đến Catechesi Tradendae 1979.
[23]Bộ Giáo Luật “cũ” được Đức Giáo hoàng Benedict XV ban hành ngày 27.05.1917, qua Tông hiến “Providentissima Mater Ecclesia” và được áp dụng từ lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 19.05.1918.
[24]G.M. Medica (chủ biên), Documenti su catechesi ed evangelizzazione (Các văn kiện về giáo lý và loan báo Tin Mừng), 319-320, Elledici, 1988.
[25]Giáo Luật, 773.
[26]Xc. Tông huấn Evangelii Nuntiandi và Sứ điệp gửi Dân Chúa 1977.
[27]RM 71-74, đặc biệt các trích dẫn sau: “Các vị Giáo Hoàng mới đây đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vai trò giáo dân trong hoạt động truyền giáo. Việc truyền giáo ad gentes là nhiệm vụ của toàn thể Dân Chúa. Nếu nền tảng của một Giáo Hội mới cần phải có Thánh Thể, và bởi đó cũng cần đến thừa tác vụ linh mục, thì hoạt động truyền giáo, một hoạt động được thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau, là một công việc của tất cả mọi tín hữu Kitô giáo – với tư cách cá nhân, gia đình hay toàn thể cộng đồng – đã chia sẻ vào việc quảng bá đức tin (71). Trong số thành phần giáo dân trở nên những nhà truyền bá phúc âm hóa, thì các giáo lý viên chiếm một địa vị cao quí. Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội nói về họ như  là “đạo binh giáo lý viên, cả nam lẫn nữ, đáng ca ngợi, thành phần góp phần rất nhiều vào công việc truyền giáo nơi các dân nước. Được thấm nhiễm tinh thần tông đồ, họ thực hiện việc đóng góp chuyên biệt và hết sức cần thiết cho công cuộc quảng bá đức tin cũng như cho Giáo Hội, bằng những nỗ lực hết mình của họ”. Chính vì lý do đó, các Giáo Hội được thiết lập lâu đời, dấn thân cho việc tân truyền bá phúc âm hóa, đã tăng phát con số những giáo lý viên cùng đẩy mạnh hoạt động giáo lý. Thế nhưng, “chữ ‘giáo lý viên’ trước hết thuộc về những giáo lý viên ở miền đất truyền giáo… Những Giáo Hội đang nở hoa hôm nay đây đã không được hình thành nếu không có mặt họ”. Cho dù có nới rộng các việc đóng góp của người giáo dân, cả ở trong lẫn ngoài Giáo Hội đi nữa, thì vẫn luôn luôn cần đến thừa tác vụ giáo lý viên, một thừa tác vụ có những đặc tính riêng của mình. Giáo lý viên là những chuyên viên, những chứng nhân trực tiếp và là những nhà truyền bá phúc âm hóa không thể thay thế được, thành phần cho thấy sức mạnh căn bản của các cộng đồng Kitô hữu, nhất là nơi các Giáo Hội trẻ. Giáo Luật mới đã công nhận những việc làm, phẩm chất và điều kiện các giáo lý viên.Tuy nhiên, cũng không được quên rằng, công việc của các giáo lý viên đang càng ngày càng trở nên khó khăn và khẩn thiết hơn, bởi những đổi thay về giáo hội cũng như về xã hội. Những gì Công Đồng gợi ý vẫn còn hiệu lực cho tới ngày nay, đó là gợi ý huấn luyện cẩn thận về tín lý và sư phạm, gợi ý tiếp tục canh tân về tinh thần và về việc tông đồ, cũng như gợi ý cần phải cung cấp cho giáo lý viên “một tiêu chuẩn sống và an sinh xã hội xứng hợp”. Còn một vấn đề quan trọng nữa, đó là việc nỗ lực thiết lập và nâng đỡ những trường dạy cho các giáo lý viên, được Hội Đồng Giám Mục chuẩn nhận và cấp bằng” (73).
[28]Xc. Lm. Giuse Phạm Quốc Điêm, Đôi nét về sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo:http://gpbuichu.org/news/Giao-Ly-Duc-tin/Doi-net-ve-sach-Giao-ly-cua-Hoi-thanh-Cong-giao-543.html
[29]Xc. Tông thư Laetamur Magnopere.
[30]Xc. GLHTCG 11.
[31]Xc. GLHTCG 12.
[32]Xc. Chỉ dẫn dành cho giáo lý viên, Lời mở đầu.
[33]CDGLV 1.
[34]CDGLV 1.
[35]HDTQ 11.
[36]Xc. HDTQ 9.
[37]Xc. HDTQ 287.
[38]Hướng dẫn chỉ rõ một số thiếu sót của giáo lý đương thời đó là không làm tròn nhiệm vụ công bố những chân lý mạc khải về Thiên Chúa, về con người, về tội lỗi, về ân sủng và về cánh chung.
[39]Xc. Toát yếu Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, Bản dịch của UBGLĐT, 2006.
[40]Đại hội Giáo lý toàn quốc lần I tại Nha Trang, 2006; lần II tại Mỹ Tho, 2008, lần III tại Hà Nội, 2011 và lần IV tại Huế, 2014.
[41]Xc. Bản Ghi Nhớ, Họp Mặt Giáo Lý Toàn Quốc lần IV, Trung Tâm Mục Vụ TGP. Huế, 18-21.8.2014.

Nguồn tin: catechesis.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét